Trí Quảng Toàn Tập - Quyển IV - Lược Giải Kinh Duy Ma
Bỗng nhiên, Xá Lợi Phất khởi tâm nghĩ rằng giờ ăn gần đến, các Bồ tát sẽ thọ thực nơi đâu. Duy Ma Cật biết được tâm niệm của Xá Lợi Phất liền bảo nếu muốn ăn hãy chờ giây lát. Và Duy Ma nhập chánh định, dùng thần thông hiện bày cho đại chúng thấy thế giới Phật tên Chúng Hương và Phật Hương Tích cùng các Bồ tát đang ngồi ăn.
Duy Ma hỏi các Bồ tát rằng người nào có thể lên nước Chúng Hương thỉnh cơm của Phật Hương Tích được. Các Bồ tát đều lặng thinh. Duy Ma rầy mọi người không biết hổ thẹn hay sao. Văn Thù đáp lời Duy Ma rằng không nên khinh người chưa học.
Sau đó, Duy Ma ở trước chúng hội hóa ra một vị Bồ tát và bảo vị hóa Bồ tát này hãy qua nước Chúng Hương xin cho Duy Ma phần cơm thừa để làm Phật sự.
Vị hóa Bồ tát đến trước Phật Hương Tích lập y lời Duy Ma dặn. Bồ tát ở nước Chúng Hương nhìn thấy vị hóa Bồ tát đều ngợi khen và muốn đến cõi Ta bà để cúng dường Phật Thích Ca và ra mắt Duy Ma Cật cùng các hàng Bồ tát.
Khi hóa Bồ tát đã lãnh bát cơm, ngài cùng với chín trăm vạn Bồ tát thừa thần lực của Phật và Duy Ma Cật trong khoảnh khắc về đến nhà của Duy Ma và được Duy Ma hóa ra chín trăm vạn tòa sư tử cho Bồ tát ngồi.
Bấy giờ Duy Ma hỏi các Bồ tát của nước Chúng Hương rằng Phật Hương Tích giáo hóa chúng sanh như thế nào. Các ngài trả lời Đức Phật ở đó chỉ dùng các mùi hương làm cho người thanh tịnh đắc đạo.
Bồ tát của nước Chúng Hương hỏi lại Duy Ma rằng ở Ta bà, Đức Phật Thích Ca nói pháp như thế nào. Các ngài hết sức kinh ngạc và cũng rất thán phục khi nghe Duy Ma cho biết mọi tội lỗi và hình phạt mà Đức Phật Thích Ca phải răn dạy chúng sanh ở Ta bà.
Duy Ma dạy thêm Bồ tát của nước Chúng Hương rằng Bồ tát ở Ta bà làm lợi ích cho chúng sanh trong một đời còn hơn trăm ngàn kiếp tu hành ở cõi khác. Vì cõi Ta bà có mười điều lành mà các Tịnh độ khác không có, một là dùng bố thí để độ kẻ nghèo; hai là dùng tịnh giơi để độ người phá giới; ba là dùng nhẫn nhục để độ kẻ giận dữ; bốn là dùng tinh tấn để độ kẻ lười biếng; năm là dùng Thiền định để độ kẻ tán loạn; sáu là dùng trí tuệ đe độ kẻ ngu si; bảy là nói pháp để độ kẻ bị tám nạn; tám là dùng pháp Đại thừa để độ kẻ ưa pháp Tiểu thừa; chín là dùng pháp lành để cứu người không đức; mười là dùng bốn nhiếp để thành tựu chúng sanh.
Và theo Duy Ma, Bồ tát thành tựu tám pháp ở Ta bà không lầm lỗi, sẽ được sanh về cõi Tịnh độ, một là làm lợi ích cho chúng sanh mà không mong đền đáp; hai là chịu mọi điều khổ thế cho chúng sanh; ba là bao nhiêu công đức thành tựu đều hồi hướng cho chúng sanh; bốn là có lòng bình đẳng đối với chúng sanh, đối với Bồ tát xem như Phật; năm là những kinh chưa nghe, nghe không nghi; sáu là không chống trái với hàng Thanh văn; bảy là không tật đố với người được cúng dường, không khoe lợi lạc của mình; tám là thường xét lỗi mình không nói lỗi người.
Duy Ma Cật và Văn Thù Sư Lợi nói pháp này xong, đại chúng trời ngươi đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, mười ngàn Bồ tát chứng được Vô sanh pháp nhẫn.
II. GIẢI THÍCH
Vấn đề diễn tả trong phẩm Phật Hương Tích thuộc thần thông biến hóa. Nếu chỉ hiểu theo tín ngưỡng, chúng ta khó chấp nhận thần thoại này. Tuy nhiên, điều chắc chắn mà chúng ta cần lưu ý rằng Phật giáo là đạo của trí tuệ, đạo đi ngược lại với thần quyền. Vì vậy, câu chuyện nêu lên trong phẩm này theo tôi hàm chứa ý nghĩa sâu xa bên trong buộc người nghe phải suy nghĩ. Và tôi xem phần chân lý mà Đức Phật đã thể nghiệm được mới thực sự quan trọng.
Trong phần cuối của phẩm trước, Văn Thù tán thán sự lặng thinh của Duy Ma là tuyệt diệu gợi cho chúng ta ý tưởng vô tác diệu lực của Duy Ma. Tuy ngài không làm, nhưng tác động đến muôn loài ở độ cao nhất, không còn dùng ngôn ngữ giảng giải được.
Tuy nhiên, hạng Thanh văn đối trước sự yên lặng này lại khởi tâm chán nản. Lúc trước, an trụ trong pháp bất tư nghì giải thoát, thể nhập chân lý Bất nhị của Bồ tát, các ngài quên đi nhu cầu bức bách của thân tứ đại, quên đói. Nhưng nay không tiếp tục an trú trạng thái tịch tĩnh, nên rớt trở lại thực tế của con người bình thường, cảm thấy chán nản, thấy đói.
Xá Lợi Phất đại diện cho hàng Thanh văn khởi tâm nghĩ giờ ăn gần đến, các Bồ tát sẽ thọ thực nơi đâu. Hay nói cách khác, đó là thực tế chứng tỏ hàng xuất gia không giải thoát; nhiều khi tu lâu, quên nghĩa giải thoát của Phật dạy.
Xá Lợi Phất thị hiện chưa giải thoát để nhắc nhở những ai còn vướng mắc trong căn trần thức. Duy Ma biết tâm niệm của Xá Lợi Phất liền hỏi rằng ngài đến đây cầu pháp hay cầu thực. Điểm này cảnh tỉnh người tu không được nghĩ đến thức ăn. Lần này Duy Ma giải quyết vấn đề ăn cho chúng ta.
Đối với người tu, tất nhiên ăn để sống, không phải sống để ăn; nhưng theo tôi, chúng ta cần đặt lại vấn đề ăn là gì. Theo cái thấy biết bình thường, ăn là cho thức ăn vô miệng nhai và nuốt xuống bao tử. Tuy nhiên, quan sát kỹ hành động ăn, chúng ta thấy rõ nó là các pháp nằm trong vòng luân chuyển. Thật vậy, trong hành động ăn có diễn tiến từ vật này xuyên qua vật khác, để sanh ra vật mới. Nó giống như ta đưa nguyên liệu vào máy và cho ra sản phẩm. Ăn cũng vậy, chúng ta đưa nguyên liệu thức ăn vào nhà máy cơ thể sẽ cho chúng ta sự sống. Như vậy rõ ràng vấn đề ăn là sự biến chuyển.
Theo Thiền sư phân tích thân này không phải là "Ta”, mà là sự vật luân chuyển. Thức ăn và không khí ngày hôm nay thủ tiêu thức ăn và không khí ngày hôm qua. Thức ăn và không khí luôn luân chuyển, chúng ta nhận nó làm "Ta”, thì chẳng khác nào chụp mồi bắt bóng để đời đời kiếp kiếp ở trong ngục tù tam giới. Vì thế hành giả đang ở pháp Bất nhị thanh tịnh giải thoát, rớt trở lại thực tế nghĩ đến ăn, chấp nhận ăn là "Ta”, thì vô số tội sanh ra.
Phẩm Bất nhị nhằm kiểm lại, xác minh rằng vật không phải Ta. Ta là chơn tánh giải thoát và từ chơn tánh giải thoát khởi niệm ăn, vấn đề đặt ra.
Duy Ma nhắc quan niệm sai lầm về vấn đề ăn của chúng sanh, mở màn cho cái nhìn của người tu thấy sự vật luân chuyển và đời sống tâm linh, hai vấn đề này khác nhau. Đối với người xuất gia, đời sống tâm linh quan trọng cần thiết hơn, còn sự vật mặc cho nó luân chuyển.
Tâm vắng lặng như Duy Ma, vật dù luân chuyển bên ngoài, thì ý niệm cũng thành không. Vì vậy khởi lên ý niệm ăn, liền rớt vô sanh diệt và Duy Ma lợi dụng cái ăn sanh diệt này để giải thích cho thấy người tu có cái ăn khác với phàm phu.
Hàng La hán không cần ăn như chúng ta. Nhưng chưa đắc quả, còn mang thân phàm, vấn đề ăn quan trọng. Nó đè nặng chúng ta, không ăn không chịu được. Thuở bé tu hành, tôi cũng bị chuyện ăn làm khó dễ. Suốt đêm dày vò mình cồn cào bao tử, muốn ăn ngọ, nhưng vượt được không đơn giản.
Xá Lợi Phất không ở trong tâm trạng này, nhưng đại diện cho người chưa đắc đạo đặt vấn đề cho chúng ta suy nghĩ. Theo thông lệ phải đi khất thực. Khi nghe Phật Thích Ca dạy Văn Thù đến thăm Duy Ma, các Thanh văn nghĩ hai thượng thủ gặp nhau chắc có pháp gì hay. Họ cùng đến nhà Duy Ma, quên mất việc khất thực, vì cầu pháp nên quên chuyện ăn.
Thông thường đến nhà cư sĩ, thấy nhà cao cửa rộng, vườn chơi đẹp, không thiếu gì như Tu Bồ Đề đã từng đến nhà Duy Ma khất thực những lần trước. Nhưng lần này nhà Duy Ma trống, chỉ có một giường nằm. Xá Lợi Phất khởi niem không có gì ăn là điều bình thường.
Trên bước đường tu, tôi cũng có lần khởi niệm giống như vậy. Đọc kinh Duy Ma, nhận ra được sự khởi niệm như thế có tội, tôi cảm thấy sợ. Điều này chúng ta thường vấp phải, tức là sự sai lầm làm chúng ta xa rời đạo giải thoát.
Theo Phật, mục tiêu chính của người tu là giải thoát, cởi bỏ những gì ràng buộc chúng ta. Những cái gần chúng ta nhất, dễ nắm bắt, dễ cởi bỏ là ăn, mặc, ở. Tuy thấy nó gắn liền với ta mật thiết, nhưng thực sự từ bỏ nó không khó.
Thọ, tưởng, hành, thức thuộc tâm, khi ẩn khi hiện, chúng ta khó điều chỉnh, khó bỏ hơn. Chẳng hạn đang ngồi yên, vụt có gì hiện lên trong đầu và chúng ta bắt đầu suy nghĩ theo nó. Khoảng năm mười phút tỉnh lại, chúng ta nhận biết mình đã bị nó kéo khỏi tâm thanh tịnh. Thực tu thấy rõ vấn đề điều chỉnh tâm không đơn giản. Đói, không ăn thì dễ. Ngồi yên, không suy nghĩ là việc khó, khó đoạn Thức uẩn. Khi tu còn cảm thấy muốn ăn, thèm ăn, phải tự biết xấu hổ, vì mình còn ở mức thấp nhất trong pháp Phật. Vấn đề tầm thường nhất, dễ nhất mà chúng ta không vượt nổi, làm sao qua được những khó khăn khác.
Duy Ma chỉnh Xá Lợi Phất tu giải thoát không được khởi niệm ăn. Nếu trụ pháp thanh tịnh, hành giả sẽ thâm nhập Thật Báo trang nghiêm Tịnh độ có nhiều món để ăn. Kinh diễn tả rằng Duy Ma bảo Xá Lợi Phất nếu muốn ăn hãy chờ giây lát sẽ có bữa ăn chưa từng có.
Theo tôi ý "Muốn ăn có ăn” mà Duy Ma nói khiến chúng ta dễ hiểu lầm với cái muốn của thế gian. Ở đây vấn đề diễn dịch kinh điển gặp nhiều vướng mắc ngôn từ, nên diễn tả không trung thực lắm.
Kinh Pháp Hoa dạy người tụng Pháp Hoa muốn gì được đó. Nhưng kinh cũng nói người tụng Pháp Hoa không còn muốn nữa. Chúng ta phải kết hợp hai điều này để hiểu. Không muốn mới thâm nhập pháp Bất nhị. Ý này diễn tả A la hán vào được pháp Bất nhị, nhận được nhiều thức ăn thượng diệu.
Đức Phật dạy đầu tiên chúng ta có Pháp hỷ thực. Món ăn chính của người tu là pháp, nghĩa là tinh thần chúng ta ăn pháp hay sống với pháp. Pháp luôn luôn sanh diệt, nên người tu quán pháp sanh diệt mà sống. Hành giả quán pháp sanh diệt, hiểu và vận dụng được pháp sanh diệt, thì không còn lệ thuộc nó, trở thành chủ của pháp. Đức Phật khác với chúng ta ở điểm đó. Thực tế Phật ăn tất cả Pháp giới, mà không phạm tội gì. Trong khi chúng ta chỉ khởi niệm ăn, mà đã thành tội.
Đức Phật đứng ở lập trường giải thoát nuốt tất cả Pháp giới, nói cách khác, vận dụng được Pháp giới, chuyển Pháp giới thành Pháp thân Ngài. Kinh diễn tả rằng các loài sanh diệt đang sống trong thường trú Pháp thân của Thích Ca Như Lai, là thức ăn của Như Lai hay một phần thân của Như Lai.
Theo kinh nghiệm tu hành, tôi nhận thấy khi đang suy nghĩ, tập trung thân tâm sống với pháp Phật, tôi thường quên ăn, không có cảm giác đói. Không có cảm giác đói không phải của xác thân, nhưng của tinh thần. Con người tinh thần không đói. Như vậy, chúng ta thấy rõ cái đói của con người tinh thần và cái đói của con người vật chất.
Đối với người tu, món ăn tinh thần quan trọng. Cần nuôi lớn con người tinh thần bằng pháp. Và tiến sâu vào Thiền định, sinh hoạt trong trạng thái nội tâm thì có món ăn thứ hai là Thiền thực. Thiền là bản tâm thanh tịnh. Sự vật bên ngoài luôn biến đổi, nhưng tâm hành giả vẫn lắng yên, không biến đổi. Tâm no đủ, không đói, nhưng sự thực thân có đói. Bấy giờ, hành giả quán chiếu được thân là vật sanh diệt, tùy theo yêu cầu sanh diệt mà tồn tại. Trong khi tâm luôn no đủ sáng suốt, quét sạch tham vọng của Thức. Vô minh không còn, thì yêu cầu của cơ thể không nhiều như chúng ta tưởng. Yêu cầu của cơ thể nhỏ, nếu bản tâm thanh tịnh. Điều này thể hiện rõ qua đời sống của các Thiền sư ngộ đạo. Các ngài chỉ ăn đơn sơ mà vẫn sống khỏe. Thân không có khả năng đòi hỏi nữa, hành giả chỉ cung cấp những thứ cần thiết cho thân tồn tại. Biết cách cung cấp đúng chính xác, chu kỳ tồn tại của thân càng kéo dài hơn, nghĩa là tuổi thọ tăng và khỏe mạnh.
Ngược lại, tham vọng của chúng ta quá lớn, nó sẽ làm cho chu kỳ sanh diệt của thân rút ngắn lại. Chúng ta nghĩ bồi dưỡng để nó khỏe hơn, nhưng cung cấp cho nó thật nhiều, để rồi nó thải ra những độc tố vật chất và tâm hồn làm cho thân bệnh và tâm khủng hoảng. Chẳng hạn có những loại thuốc hóa chất dùng chữa bệnh, nhưng chữa được bệnh này nó lại gây ra bệnh khác nặng hơn. Thậm chí có những sản phẩm giúp con người sống tiện nghi hơn, đỡ phí sức, tăng tuổi thọ. Nhưng giải quyết việc này xong, lại gặp khủng hoảng ô nhiễm môi trường đe dọa sức khỏe con người, làm phát sanh những bệnh mới nữa. Nói chung, tất cả sự tồn tại khổ đau khó giải quyết vì văn minh của chúng ta là vô minh.
Hành giả trong lúc tu tập Thiền quán có thể vẫn ăn, nhưng không ăn bằng miệng. Hành giả ăn bằng sự hấp thụ tự nhiên của cơ thể. Giữa ta và vật xung quanh có sự hấp thụ lẫn nhau mà cộng tồn, tôi coi đó là môi trường đạo.
Duy Ma nhắc Xá Lợi Phất những sự liên hệ của chúng ta để tồn tại bằng cách vận dụng tâm như thế nào để hấp thụ sự vật vào cơ thể. Hành giả ăn như vậy không mất gì của người thế gian, là cách ăn của người đắc đạo. Vì vậy, bậc La hán có thức ăn thượng diệu gồmthức ăn bên ngoài là pháp và thức ăn bên trong là Thiền. Pháp thực và Thiền thực chỉ đệ tử Phật mới có, hàng ngoại đạo hoàn toàn tuyệt phần.
Trên con đường giải thoát Phật dạy, hành gia trải qua tám chặng đường giải thoát. Chặng đường thứ nhất, thân Tỳ kheo già bệnh, nhưng tâm thanh thản. Sắc thân còn cần nhu cầu, nhưng tâm hồn không đòi hỏi gì, đạt giải thoát một. Riêng tôi, trên bước đường tu ở giai đoạn một, cũng tìm thấy giải thoát trong cơ thể bệnh hoạn ốm yếu. Tôi thường nghĩ thân này chết đi cũng chẳng tiếc thương, chỉ ráng giữ cho tâm hồn giải thoát. Tuy nhiên, giải thoát một có tính cách tạm bợ, vì thực có đói, có bệnh nhưng đời sống nội tâm cao, nên quên đói quên bệnh. Bên trong giải thoát mà thực tế bên ngoài không giải thoát.
Ngoài ra, hành giả muốn đạt giải thoát như vậy, thường sử dụng thân quá sức. Vì thế, khi tâm chứng giải thoát thì thân hư hoại. Các La hán đắc đạo thường bỏ thân này, nhập Niết bàn là vậy.
Tuy nhiên, qua giải thoát hai, thân tâm phải tồn tại, tâm hồn giải thoát nằm trong cơ thể khỏe mạnh, không phải ở trong cơ thể bệnh hoạn. Thân tâm đều hợp nhất, thân giải thoát tâm thanh tịnh, hay sự kết hợp bản thể và hiện tượng, tạo thành Trung đạo đệ nhất nghĩa.
Đứng ở vị trí giải thoát hai, dùng trí tuệ quán chiếu trở lại phần vật chất ngay trong cơ thể chúng ta, xem cái gì cần để chúng ta cấp dưỡng. Mỗi ngày cơ thể cần bao nhiêu chất béo, bao nhiêu