Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1
Pháp hội này giải thích về những điều khó hiểu trong cuộc đời của Đức Phật gọi là bất tư nghì. Điều khó hiểu thứ nhất là Đức Phật có những tiêu chuẩn lý tưởng mà ai cũng ước mơ, đó là khỏe mạnh nhất, giàu sang nhất và thông minh nhất, lại xuất thân làm vương tử. Ngài hội đủ tư chất của một vị Chuyển luân Thánh vương trị vì khắp thiên hạ; nhưng Ngài lại không màng đến quyền uy, phú quý, vinh hoa. Người ta không hiểu tại sao Đức Phật từ chối đời sống đế vương để xuất gia hành đạo; trong khi phần lớn những người khác vì hoàn cảnh khó khăn, khổ đau, mới đi tu.
Điều khó hiểu thứ hai là khi Ngài đã đắc quả vị Vô thượng Đẳng giác, sống cuộc đời Sa môn, không một tấc sắt trong tay, không dùng quyền thế hay tiền bạc mua chuộc người. Ngài chỉ có tấm lòng từ bi và đức hạnh vị tha trải rộng mà mọi người từ vua chúa cho đến thường dân đều quy ngưỡng, kính mến Đức Phật.
Ngài cảm hóa nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội. Đặc biệt là vua Ba Tư Nặc phải vâng lời Phật đảnh lễ Sunita thuộc giai cấp thấp nhất. Điều này cũng thật khó hiểu, vì bấy giờ luật phân chia giai cấp được áp đặt tuyệt đối, người thứ dân còn không được ngước mặt nhìn hàng quyền quý, huống là họ được hàng quyền quý kính trọng. Sức cảm hóa của Phật mãnh liệt đến độ quốc sư Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp hay Vô Não, hoặc ác vương A Xà Thế đều trở thành hiền nhân, hộ pháp đắc lực.
Pháp tu của Đại thừa là tìm hiểu những việc làm bất tư nghì ấy để chúng ta cũng thực hiện được những điều cao quý như Phật. Trong pháp hội này đưa ra hai vị Bồ tát có tư cách hỏi Phật. Đó là Bồ tát Văn Thù Sư Lợi tiêu biểu cho trí tuệ cao tột và Vô Cấu Tạng Bồ tát tiêu biểu cho sự trong sạch hoàn toàn. Tâm thanh tịnh và sự hiểu biết sáng suốt mới lãnh hội được pháp chân thật.
Ngài Văn Thù cho biết từ thuở xa xưa đã từng nghe Đức Phổ Đăng Phật nói pháp môn Phổ nhập bất tư nghì. Nói cách khác, Ngài đã từng thấy Phật tuy sống đơn giản, nhưng thành tựu được những việc làm phi thường mà không ai làm nổi.
Văn Thù hỏi Phật tại sao cuộc đời của Ngài lại có những điều không thể hiểu được và do công đức tu hành gì mà được như thế. Đức Phật khẳng định nội lực bên trong là chính yếu đối với người tu, hình thức chỉ là phụ. Tôi rất tâm đắc pháp này. Theo kinh nghiệm riêng tôi, hình thức càng rườm rà càng làm cho tâm hồn chúng ta nặng nề, u tối. Thiết nghĩ trên bước đường tu, nếu ta lo phô trương bên ngoài mà nội lực bên trong không có, chắc chắn không tiến tu nổi.
Đức Phật cũng nhắc chúng ta rằng tàng lá sum sê thì cây khó đứng vững được. Thiền tông Nhật thể hiện tinh thần tiết giảm phần hình thức, lo dọn sạch phiền não của tâm để nuôi lớn nội lực, qua việc trồng cây Bonsai. Thiền sư chăm sóc cây, cắt tỉa cành lá không cần thiết, để dồn sức sống vào thân cây vững chắc, cây sống hàng trăm năm trong một cái chậu nhỏ, ít đất.
Khi còn là học Tăng, phải sống theo khuôn khổ, chúng ta thường muốn bung lên, làm đủ thứ việc. Nhưng khi ra gánh vác Phật sự, chúng ta mới hiểu việc sắp xếp cho gọn nhẹ là rất cần thiết.
Cuộc đời tu hành của Đức Phật cũng thể hiện rõ nét tinh thần này. Ngài vứt bỏ ngai vàng vì biết cái khổ không cùng tận của nó. Dù có tài đức cũng phải lao tâm nhọc trí đối phó trăm bề; Ngài coi đó là gánh nặng. Vì vậy, theo Phật, chúng ta dẹp bỏ những cái không cần thiết cho đời tu như quyền uy, tài sản, danh lợi..., thì từ đó, đức hạnh sanh ra. Tất cả tài năng và hiểu biết dồn vào nội tâm, nên sức sống bên trong trở thành mạnh hơn.
Phật nói bên ngoài có những việc bất tư nghì, vì bên trong chứa đựng Tam muội và Đà la ni. Tam muội là Định và Đà la ni là Huệ. Thầy tu có sức sống của nội tâm; trong khi người đời chỉ có nếp sống bên ngoài.
Đức Phật có bất tư nghì là do nếp sống trầm mặc, nghĩa là luôn sống trong chánh định. Trên bước đường tu, chúng ta hơn nhau ở điểm có Định lực hay không. Người nào Định lực cao, tức tập trung cao thì gần Phật; còn tâm hướng ngoại là xa Phật. Phần nội lực trước nhất của Đức Phật là Tam muội. Lúc nào Ngài cũng tập trung; đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, thuyết pháp đều từ chánh định lưu xuất. Vì từ chánh định mới thể hiện ra pháp chân thật và tác động cho người thấy, nghe đều phát tâm. Vì vậy, đối với Phật, nói năng hay im lặng đều là chánh pháp.
Còn chúng ta, thời gian Định tâm chỉ được nửa tiếng hay một tiếng lúc ngồi Thiền mà thôi, đôi khi còn rớt qua tà định; nên ra Định, mặt mày tối thui. Ở trong chánh địnhra thì nét mặt tươi sáng, giải thoát; người trông thay, họ được thanh thản và sanh tâm kính trọng. Bất tư nghì có được do phát xuất từ tâm hồn trong sáng hiện ra hảo tướng bên ngoài.
Đức Phật dạy chúng ta tu, chuyển sáu thức thành Tam muội. Bình thường, sáu căn tiếp xúc với sáu trần sanh ra vọng thức. Vì vay, bước đầu tu, phải xả Thức. Chúng ta nhập Định, tách rời căn ra khỏi trần, thì có âm thanh, chúng ta cũng không nghe biết; có hình tướng như người qua lại, chúng ta cũng không thấy. Theo con đường Nhị thừa, chúng ta phải tập luyện như vậy để không bị tiền trần chi phối; làm sao ngồi yên, việc bên ngoài thế nào ta cũng không nghe và không thấy sợ hãi gì. Tuy nhiên, tập trung tư tưởng theo phương cách quên hết, không nghĩ gì, lâu ngày dễ rớt vô tình trạng mà Tổ quở trách là củi mục, than nguội.
Từ bước thứ nhất, tập luyện cho có sức tập trung, không bị việc bên ngoài chi phối; tiến lên theo Thiền Đại thừa, tập trung vào đối tượng. Diễn tiến của đối tượng về tâm lý và vật lý, ta phải thấy chính xác. Tập trung của Phật có sự hiểu biết gọi là Phật huệ; khác với tập trung của ngoại đạo, ngồi yên trở thành gỗ đá, không biết gì.
Theo Phật, Định và Huệ, hay Tam muội và Đà la ni là tập trung tư tưởng để suy nghĩ một việc, cho ta sự hiểu biết đúng đắn. Thí dụ, tôi muốn điều động người nào làm công việc gì, tôi tập trung suy nghĩ về họ và việc của họ; nên biết rõ năng lực, hoàn cảnh và ý muốn của họ, mới điều động thành công. Phật gọi đó là căn tánh và hành nghiệp của người, chúng ta phải thấy rõ điều ấy mới giáo hóa chúng sanh được.
Phật dạy Vô Cấu Tạng Bồ tát đã đắc Định của Nhị thừa, không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chi phối nữa; tâm hoàn toàn trắng sạch là Bạch tịnh thức hay theo Tánh học gọi là Vô cấu tạng. Có Vô cấu tạng không nhiễm ô, thì Phật mới dạy sử dụng trở lại sáu Thức. Bấy giờ, từ tạng tâm thanh tịnh bên trong tác động qua sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, tạo thành sự hiểu biết và có cách nhìn đời khác; không như trước kia nhìn đời theo kinh nghiệm, phân biệt của vọngthức.
Sinh hoạt theo "Thức”, theo kinh nghiệm, thì chúng ta thường có ấn tượng người xấu, vì trong quá khứ, họ đã từng phạm lỗi lầm, mà không thấy được mặt tốt của họ trong hiện tại. Nếu nhìn bằng Vô cấu thức, chúng ta không mắc sai lầm này; biết rõ việc xấu của quá khứ và cũng biết rõ hiện tại tốt đẹp của họ có thể làm được việc gì.
Tâm thức của chúng sanh hoàn toàn tội lỗi nhìn thấy Phật hoàn toàn trong sạch, nên xấu ác của họ mất đối tác, tội lỗi không sanh khởi được. Vì thế, Đức Phật giáo hóa họ ngay từ đương niệm phát tâm Bồ đề, Ngài thành công dễ dàng. Điều chính yếu của sức cảm hóa là Đức Phật kết hợp tâm vô cấu và trí Văn Thù, thành bất tư nghì. Còn những cái khôn dại của cuộc đời mọi người đều biết rõ, chẳng ai thua ai, chỉ dẫn đến sự tranh chấp.
Dưới kiến giải của Phật huệ, từ địa ngục A tỳ cho đến
Trời Sắc Cứu cánh có vô số tướng sai biệt bên ngoài; nhưng nó luôn thay hình
đổi dạng, không cố định mà Phật gọi là giả huyễn, không thật. Vì thấy rõ nó là
giả có, nên đối với Phật, nó không có sức thuyết phục và cũng không đe dọa
được. Tâm của Ngài hoàn toàn định tĩnh, biết rõ từng việc một. Kinh diễn
tả là Phật chứng được vô số Tam muội và Đà la ni.
Đức Phật giáo hóa tứ sanh lục đạo là mượn huyễn độ chơn, đưa họ ra khỏi mê lầm, chấp trước, hết khổ. Qua cuộc đời hành đạo của Ngài cho thấy những người đến với Phật trong tâm trạng cuồng si, đều nhờ Tam muội và Đà la ni của Phật lưu xuất tương ưng với hoàn cảnh của họ, nên đã hóa giải được nghiệp và tạo cho họ nếp sống an vui.
Đức Phật có vô số Tam muội và Đà la ni, nghĩa là định lực và huệ nhãn của Ngài siêu tuyệt. Không có việc nào Ngài không giải quyết tốt đẹp. Người hung ác được Ngài giáo dưỡng cũng trở thành thánh thiện. Bồ tát theo dấu chân Phật, chứng được từng phần Tam muội và Đà la ni, nên việc độ sanh có giới hạn.
Tóm lại, Đức Phật hiện thân trên cuộc đời là một bậc Toàn giác được người người thương kính, quý trọng. Nơi Ngài tỏa sáng định lực cao quý và tri thức tuyệt đỉnh, phát xuất từ tâm hồn thánh thiện và trái tim từ ái, bao dung che chở muôn loài.
Định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến thể hiện trọn ven trong việc giáo hóa độ sanh của Đức Phật. Và đó cũng là chất liệu có giá trị vĩnh hằng, nuôi sống mạng mạch Phật giáo trường tồn qua hơn hai mươi lăm thế kỷ. Cho đến hiện tại, trong cuộc sống văn minh tột đỉnh ngày nay, con người vẫn còn tìm thấy những lợi ích lớn lao vô cùng của con đường thể nghiệm định, huệ theo Phật dạy.