Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1
Quang minh hay hào quang của Đức Phật chỉ cho trí tuệ của Ngài. Phật phóng quang minh, hay nói cách khác, Ngài tổng hợp được sự kiện quá khứ và tri thức của mười phương Phật. Sau đó, giảng dạy tùy theo trình độ của người đến với Ngài, nên trong ba trăm hội thuyết pháp, Phật không nói giống nhau.
Vì vậy, theo tinh thần Đại thừa, chúng ta học Phật là theo con đường huệ học, không phải nói y lại ngữ ngôn, văn tự; nhưng nương vào văn tự để hiểu được ý sâu xa hàm chứa bên trong. Nhận được ánh quang minh của Phật soi rọi đến, nghĩa là chúng ta hiểu biết sự diễn tiến của quá khứ và sử dụng ngôn ngữ thích hợp với người đương thời để họ có thể hiểu được ý Phật dạy.
Ngoài ra, quang minh của Phật cũng tiêu biểu cho phước đức. Theo Phật dạy, phươc đức thành tựu là do tu ba mươi bảy Phẩm trợ đạo, quán mười hai Nhân duyên và hành sáu pháp Ba la mật.
Hàng Bích chi Phật nói đúng, nhưng vì không nói bằng công đức, nên chưa giáo hóa được người. Còn phàm phu dùng lời nói suông, chắc chắn không ai nghe, hoặc nghe theo, cũng không được lợi ích.
Như vậy, cùng một sự kiện, cùng ngôn ngữ, nhưng tư cách của hai Pháp sư khác nhau, thì lời nói có tác dụng khác. Pháp sư tròn đủ ba mươi bảy Phẩm trợ đạo thuyết được pháp Tiểu thừa. Pháp sư thể hiện sáu pháp Ba la mật trong cuộc sống mới thuyết được pháp Đại thừa. Người chỉ hiểu giáo lý Phật, nhưng không ứng dụng trong cuộc sống thì chỉ là ngoại đạo, không phải Phật đạo.
Đức Phật phóng hào quang là Ngài thể hiện trí tuệ và phước đức đầy đủ trong cuộc sống. Vì vậy, Ngài có tôn danh là bậc Minh Hạnh Túc, nên sự hiểu biết, lời nói và việc làm của Ngài luôn gắn liền với nhau; thậm chí Phật yên lặng, không nói, nhưng cuộc sống thánh thiện của Ngài đã nói lên tất cả. Phàm phu thì nói một đàng làm một nẻo.
Nói chung, quang minh là thành quả do quá trình tu Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Và bước sang pháp hội Bồ tát là chặng đường cuối cùng. Tuy nhiên, dù tu Thanh văn hay Bồ tát hạnh, đều phát xuất từ con người. Theo Phật, con người là tối linh trong tứ sanh lục đạo. Chỉ có con người mới có thể xuất gia làm Sa môn, làm Phật. Các loài khác phải chuyển làm người, mới tu thành Phật được.
Từ nền tảng con người tiến lên Hiền Thánh, chúng ta xuất gia. Nhìn bên ngoài, xuất gia không khó, chỉ cạo tóc, mặc áo tu là xong. Nhưng theo Phật, sanh làm thân người đã khó, gặp Phật pháp còn khó hơn và được xuất gia lại càng khó hơn nữa.
Xuất gia không được vì còn bị nghĩa vụ gia đình và xã hội ràng buộc. Ngoài ra, còn bị chướng ngại về thân thể như câm, ngọng, đui, điếc cũng không tu được. Hơn thế nữa, sáu căn không thông lợi, ba nghiệp không thuần hòa thì cũng không tu được.
Thật vậy, biết bao người tu bỏ cuộc vì sáu căn không thông lợi, học không được, không tiếp thu được giáo nghĩa Vô thượng của Phật. Sáu căn thông lợi, mà ba nghiệp không thuần, cũng tu không được. Huynh đệ đồng tu với tôi, học giỏi, có học vị, nhưng cũng hoàn tục. Vì họ ở chùa mà cảm thấy tù túng, không tụng kinh, không tham Thiền được, đọc tiểu thuyết thì được.
Trong phẩm này, khởi đầu chọn mô hình tu theo Đại thừa, nên Đức Phật nói cho đối tượng chính là Hiền Thủ có đủ điều kiện tu, nghĩa là sáu căn thông lợi, ba nghiệp thuần hòa và vật chất dư dã. Điều này gợi ý cho chúng ta ngày nay tu còn bị nhiều trở ngại, vì chúng ta chưa đủ những điều kiện này. Như tôi xuất thân từ nhà quê, nghèo, phải ra sức phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn người thường, mới tu được.
Nếu chúng ta sanh trong gia đình trưởng giả, hoặc là lãnh đạo, thì việc tu hành được nhiều thuận lợi hơn. Xuất thân trong giai cấp thấp, muốn độ giai cấp cao, ta phải vươn lên cao hơn họ. Con đường tất yếu của Bồ tát tiến tu phải như vậy.
Mở đầu Phật độ cho Hiền Thủ xuất gia. Ông là người giàu nhất và có uy thế nhất. Điều này nhằm nói lên ông đến với Phật vì có sự đồng thanh tương ứng. Nếu không có sự tương ứng giữa ta và Thầy, thì Thầy không thể độ được và ta cũng không tu được.
Hiền Thủ thấy rõ Đức Phật có đủ quyền uy, tài giỏi hơn ông nhiều, nhưng Ngài bỏ tất cả, đi tu. Việc này gợi cho Hiền Thủ phải suy nghĩ về Phật. Từ trước, ông thấy Sa môn theo Phật là những người thua cuộc, bị xã hội ruồng bỏ, hoặc chán đời mới đi tu. Nhưng nay, Hiền Thủ thấy Thích Ca không phải như vậy.
Đức Phật biết ông đang suy nghĩ nhiều về Ngài và muốn tìm Ngài thì Ngài lại tránh, để cho lòng khát ngưỡng của ông đến độ cao, Phật mới xuất hiện, giáo hóa. Khi họ chưa muốn tu, chỉ muốn tìm hiểu; nếu đến nói cho họ nghe thỏa mãn rồi cũng quên luôn Phật, thì lợi ích gì. Thể hiện ý này, kinh Pháp Hoa dạy rằng Đức Phật phương tiện hiện Niết bàn để mọi người sanh tâm khát ngưỡng, hướng về Ngài mà tu tập.
Đây cũng là bài học cho chúng ta trên bước đường hành đạo. Có một số Thầy trụ trì nghe nói người tốt, thường cúng dường, liền mang sổ đến xin làm cho họ bực bội, khinh thường và thoái tâm. Tôi học Phật là học cách giáo hóa của Phật. Nhiều nơi mời, nhưng tôi quán sát xem đến với họ, tôi có làm được việc hay không. Đến để giúp họ phát tâm và khó hơn, phải nuôi được tâm Bồ đề cho họ, giúp họ giữ ý chí muốn sống cuộc đời cao cả như Phật. Không gặp ta mà trong lòng còn muốn gặp, thì vẫn hơn là gặp mà họ không được lợi ích gì. Hoặc họ chưa thuần thục, chỉ nghe mà không tu cũng vô ích.
Vì vậy, việc xuất gia chỉ nói với người có khả năng cao. Chưa đủ điều kiện, ta phải ngăn lại; cho xuất gia sớm rồi họ hoàn tục. Vì sợ tụng kinh, ngán ngồi Thiền, thà để họ ở trần tục mà còn nuôi dưỡng ý chí xuất gia, hơn là xuất gia rồi làm chết tâm đạo của họ.
Với trí tuệ Vô thượng, Phật biết rõ người nào thuần thục, Ngài độ ai thì người đó thành Hiền Thánh. Đối với người chưa đủ duyên, Phật có vô số phương tiện nuôi lớn Bồ đề tâm của họ, không phải ai Ngài cũng cho xuất gia.
Theo tiểu thừa chia ra hai chúng xuất gia và hai chúng tại gia. Nhưng theo tinh thần Đại thừa, có bốn chúng là chúng kết duyên, chúng đương cơ, chúng tăng thượng mạn và chúng trợ hóa. Quan sát nét mặt, lời nói và thái độ, mà chúng ta biết họ là người mới tới với đạo. Đối với người mới kết duyên, chúng ta ép một chút là họ thoái tâm liền. Biết vậy, dù họ có cúng dường, chúng ta cũng từ chối, để nuôi ý thức tốt này. Lòng họ còn muốn cúng thì lợi hơn là kêu gọi đóng góp, họ bỏ đi. Điều quan trọng nhất là chúng ta gieo vào lòng họ những việc tốt của đạo, tâm tốt của người tu và nét đẹp của cuộc sống tu hành.
Đối với chúng đương cơ, nhất định chúng ta phải tiếp độ; vì từ quá khứ, họ đã là pháp lữ cùng tu hành với ta, nên căn lành của họ có sẵn. Chúng ta cần khai tri kiến, tác động cho họ nhớ lại việc tu hành trong quá khứ và tiếp tục thăng hoa trên con đường thánh thiện.
Chúng tăng thượng mạn hay nhứt xiển đề là những người không may mắn trên đường đạo. Họ gặp người hư hỏng, nên có ấn tượng không tốt về đạo. Họ càng tu càng buồn phiền, bất mãn. Ta không có cách nào nói cho họ nghe, lúc đó đành phải bỏ họ. Chờ đến khi họ phát tâm lại, ta sẵn sàng cứu giúp. Trong hội Pháp Hoa, Phật nói rằng năm ngàn Tỳ kheo tăng thượng mạn bỏ đi cũng tốt; sau này thấy bạn đồng hành thăng hoa, họ cũng phát tâm tu lại. Trong cuộc đời tu, tôi thấy có người chống đối Thầy Tổ, rồi hoàn tục, lăn lộn với cuộc đời, nếm đủ mùi khổ đau. Khi gặp lại tôi, họ cảm thấy ăn năn và phát tâm trở lại con đường đạo. Còn trước đó, họ đâu chịu nghe mình. Theo tôi, gặp chúng tăng thượng mạn, ta phớt lờ. Họ muốn nói gì, ta cũng vâng dạ cho xong, vì biết họ không tu được.
Chúng trợ hóa như Bồ tát Văn Thù, Quan Âm là cổ Phật hiện lại, tạo điều kiện cho Phật Thích Ca làm đạo, trong kinh gọi là nhứt Phật xuất thế, thiên Phật hộ. Các ngài hiện thân trên cuộc đời, xuất thân trong mọi tầng lớp xã hội. Nếu đã từng trợ hóa cho Phật trong nhiều kiếp quá khứ, thì nay dốt như Bàn Đặc, hung dữ như Vô Não, hay theo ngoại đạo như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, v.v… cũng quy về Phật đạo. Họ làm đủ các ngành nghề trong xã hội, nhưng theo Phật tu, phát triển được tri thức và đạo đức. Họ đã chứng tỏ cho người đời thấy được Phật là đấng giác ngộ Vô thượng, con đường Ngài vạch ra là thánh thiện và cuộc sống của đệ tử Phật là giải thoát, lợi ích cho đời. Kể cả Đề Bà Đạt Đa chuyên hại Phật, hay ác vương A Xà Thế cũng được nhìn với đôi mắt đầy thiện cảm. Vì theo kiến giải Đại thừa, nhờ họ đóng vai ác, tạo điều kiện cho mọi người thấy được đạo lực và tư cách siêu phàm của Phật.
Trở lại ý chính của phẩm, nói đếnduyên thuần thục của Hiền Thủ với Phật, vì ông có căn lành, từ lâu khao khát gặp Phật. Ông rủ năm trăm người bạn trưởng giả lên Linh Thứu sơn để ra mắt Phật, thì lại gặp Phật và chúng Tăng đi xuống. Hai bên gặp nhau ở cửa thành Vương Xá.
Điều này thể hiện ý nghĩa rất quan trọng, đó là giao điểm giữa đạo và đời. Người đời khát ngưỡng đạo đến cao độ được kinh Bảo Tích diễn tả là bước tới ranh giới hay cửa thành Vương Xá; vì "Vương” tiêu biểu cho tâm và "Xá” tiêu biểu cho Thức uẩn.
Hiền Thủ đến cửa thành, hay nói cách khác đứng ở bờ mé giữa sanh tử và Niết bàn, tâm hoàn toàn dửng dưng với trần ai, ông mới gặp Phật xuất hiện. Gặp Đức Phật ở cửa thành, mọi sự thắc mắc của ông liền tan biến. Phật chỉ nói "Thiện lai Tỳ kheo” thì tâm ông và các trưởng giả đã thanh tịnh. Họ đã được Phật khai ngộ. Bề ngoài chỉ nhìn thấy Phật nói pháp ngắn gọn, nhưng thật ra Ngài đã nói đúng nguyện vọng, tâm tư và tình cảm của họ. Phật độ đúng người, đúng cách, tác động cho họ phát tâm Bồ đề dễ dàng. Nếu không phải thiện lai Tỳ kheo mà thuộc nghiệp chướng Tăng, ác Tăng thì việc lại khác. Chỉ với bốn chữ thiện lai Tỳ kheo, phát xuất từ tâm thanh tịnh sáng suốt của Phật khiến cho người đắc quả. Điều này đã nói lên quá trình nuôi dưỡng tâm Bồ đề cần có thời gian dài. Tuy nhiên, khi Bồ đề tâm của họ thuần thục, thì việc ngộ đạo rất nhanh.
Mở đầu phẩm Bồ tát tạng nói về ngài Hiền Thủ và năm trăm trưởng giả phát tâm Bồ đề. Trong hàng đệ tử Phật được lịch sử ghi nhận, chúng ta không thấy có vị nào là Hiền Thủ. Theo tôi, có thể hiểu nhân vật này tượng trưng cho ngài Phú Lâu Na. Vì theo tinh thần Đại thừa, từ con người thật trong cuộc sống được nâng lên thành mẫu người lý tưởng. Thí dụ như Đức Phật mang thân người được kiến giải theo dạng siêu hình là Báo thân và Pháp thân Phật.
Bồ tát trong kinh Bảo Tích cũng từ một người thật trong cuộc sống xả tục xuất gia làm Sa môn, tu hạnh Thanh văn và phát huy tư cách vô ngã vị tha. Nghĩa là họ phát tâm Bồ đề, hành Bồ tát đạo, làm được những việc khó làm.
Hiền Thủ phát tâm Bồ đề vì nghĩ đến Phật quá siêu tuyệt. Ngài đầy đủ trọn vẹn những gì mọi người ưa thích, nhưng tại sao lại từ bỏ tất cả. Thất bại, chán đời, khó khăn, bệnh hoạn mà đi tu là điều dễ hiểu. Phải chăng có một cái gì cao quý vô giá mà Đức Phật đã tìm được, mới có thể đánh đổi cuộc sống đế vương mà ai cũng ước mơ.
Đức Phật ở Linh Thứu sơn biết rõ lòng khát ngưỡng của Hiền Thủ và các trưởng giả. Ngài thấy căn tánh họ đã thuần thục, là niềm tin và ý chí đã vững chắc, sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp thế gian. Ngài mới rời núi Linh Thứu, đến thành Vương Xá để khất thực. Điều này gợi cho chúng ta ý nghĩa khất thực là một phương tiện để giáo hóa người, không phải vì đói mà đi xin ăn.
Kinh Nguyên thủy cũng ghi sau khi độ năm anh em Kiều Trần Như, chỉ có Đức Phật và ngài Kiều Trần Như đã đắc A la hán đi khất thực. Các ngài không cần ăn uống, nhưng dùng thân tướng giải thoát và tâm hồn thanh tịnh của vị A la hán đi vào đời để người nhìn thấy phát tâm.
Như vậy, Hiền Thánh Tăng mới có khả năng sử dụng phương tiện khất thực như một hình thức đo sanh. Phàm Tăng thì phải ở chùa tu, nghiệp Tăng thì càng phải ẩn tu hơn; vì tiếp xúc, nghiệp của ta ảnh hưởng không tốt cho nghiệp của người, thì chẳng cảm hóa được ai, mà còn gây thêm phiền não cho cả hai. Thật vậy, chúng ta là phàm Tăng, nghiệp Tăng thì hành đạo thật vất vả. Vì còn nghiệp, dù không nói, nhưng những ý tưởng không tốt cũng hiện lên nét mặt, ánh mắt; người nhìn thấy sanh tâm thất kính, chúng ta cũng tự ái. Thanh tịnh Tăng độ người rất đơn giản, không khổ công nhọc sức, trông họ thanh thản, chẳng làm gì, người nhìn thấy đã phát tâm.
Đức Phật và Thánh chúng rời Linh Thứu sơn vào thành Vương Xá khất thực. Theo tinh thần Đại thừa, "Linh” chỉ cho chơn linh, "Thứu” chỉ cho vọng thức, "Sơn” là thân tứ đại. Người khất thực bỏ vọng thức, chỉ còn chơn linh nằm trong thân tứ đại, nên hiện ra tướng giải thoát, mới cảm hóa được người.
Thân tứ đại thuộc về vật chất vô thưởng vô phạt, không nhiễm ô cũng không thanh tịnh. Chơn linh hay chơn tâm hoàn toàn thanh tịnh, nhưng vọng thức có nhiễm ô. Và vọng thức che chơn tâm, thay chơn tâm chỉ huy tứ đại, mới hiện ra tướng nghiệp. Việc làm của A la hán thì do chơn tâm và trí sáng suốt chỉ đạo. Vì thế, các ngài luôn luôn sáng suốt và như như bất động trước mọi hoàn cảnh thuận nghịch.
Hàng tam Hiền sống một mình cũng còn vấn đề, nhưng nương theo Phật thì cũng thành Thánh. Thực tế ngày nay cũng vậy, khi chúng ta ở một mình, thì suy nghĩ và hành động nhiều khi không tốt. Tuy nhiên, sống với tập thể Tăng, nhờ lực thanh tịnh của đại chúng ảnh hưởng, ta được thanh tịnh theo.
Hàng Thánh chúng theo Phật đã cắt bo "Thức hay Thứu”, chỉ còn "Sơn” là thân tứ đại; đó là giải thoát tướng và thanh tịnh tâm đi vào thành Vương Xá. Linh Thứu sơn và Vương Xá thành mang ý nghĩa giống nhau. "Vương” tiêu biểu cho tâm vương, "Xá” là ngũ ấm, mà chính yếu là Thức và "Thành” là thân tứ đại. Vào thành Vương Xá khất thực cũng có nghĩa là mang hình bóng giải thoát và chơn tâm thanh tịnh đi giáo hóa, để người phát tâm Bồ đề.
Vì vậy, Đức Phật đưa hàng Thánh chúng vào thành. Hiền Thủ và năm trăm trưởng giả trông thấy nếp sống trang nghiêm thanh tịnh của các ngài hoàn toàn khác với cuộc sống tất bật, phiền muộn khổ đau của trần thế. Nói cách khác, gợi ý cho họ thấy thế giới Cực lạc, Niết bàn của chư Tăng ngay tại Ta bà, không phải thế giới không tưởng, xa xôi nào khác.
Ngày nay, theo dấu chân Phật, chúng ta đạt cho được tâm an lạc, tướng theo đó sẽ giải thoát. Tuy nếp sống đơn sơ, nhưng tác động cho người an tâm, khiến họ nhận ra được hạnh phúc thực sự không phải ở tiền bạc, danh vọng, nhà cửa to lớn. Chỉ có tâm thanh tịnh, không phiền não khổ đau mới là hạnh phúc chơn thật và vĩnh hằng. Còn để cho vọng thức chen vô, che lấp chơn tâm, quậy phá tứ đại của chúng ta, thì khổ sở vô cùng.
Trưởng giả Hiền Thủ hỏi Đức Phật tại sao Ngài bỏ tục xuất gia. Đức Phật giải thích thì ông và năm trăm trưởng giả thấy được lẽ sống có ý nghĩa. Họ cũng phát tâm thoát tục, sống theo giáo pháp Vô thượng của Ngài. Đức Phật dạy họ rằng Ngài đang đi trên con đường an lạc vĩnh hằng và muốn cứu tất cả chúng sanh thoát khỏi kiếp sống mê mờ, khổ đau.
Theo Phật, thế giới này không có gì đau khổ, không đáng buồn phiền. Chỉ tại chúng ta mê muội, tham lam, làm điều sai trái, rồi tự buồn khổ và gây khó khăn cho nhau. Ngày nay chúng ta cũng nhận rõ ý này. Loài hổ báo chỉ hung dữ lúc nó đói. Trong khi loài người chúng ta có đủ rồi cũng đâu chịu yên, còn phá hoại thiên nhiên, hủy hoại môi trường sống ..., làm khổ người khác và cũng tự làm khổ mình.
Từ thế giới chơn như quán sát, Phật thấy chúng ta cũng là Hiền Thánh. Chỉ vì mê lầm, rời bỏ bản thể thanh tịnh, nhập cuộc vào trần ai để chịu khổ. Do vọng thức thúc giục làm chơn tâm chúng ta mờ tối và vọng thức lại xoay chúng ta liên tục, khiến ta làm vô số chuyện khổ cho ta và người khác.
Đức Phật triển khai cho thấy thân ngũ uẩn hay ngũ ấm xá không có lỗi lầm. Lỗi lầm, khổ đau sanh ra từ việc chấp ngũ uẩn, chấp thân này là "Ta”, kinh gọi là chấp ngã. Phật khai huệ nhãn cho họ nhận xét cùng tột cái gì là "Ta”, để bỏ cho được tâm chấp ngã. Vì chấp có "Ta” rất nguy hiểm, sẽ sanh thêm những ý tưởng phân biệt như giàu nghèo, xấu đẹp, bị khinh chê hay được kính trọng, v.v... Tất cả những thứ này bao bọc làm cho ngã chấp càng to lớn thêm. Vì vậy, ngã mạn, buồn phiền, thất bại ... cũng từ cái Ta này mà sanh ra.
Hiền Thủ và năm trăm trưởng giả nghe Phật thuyết pháp liền được Pháp nhãn thanh tịnh, xả được vọng thức hay bỏ tâm chấp trước, thấy được sự thật của cuộc sống đáng quý của Đức Phật và Thánh chúng. Người đời đầu tắt mặt tối, nhưng họ được gì. Các ngài bỏ tất cả mà trở thành Hiền Thánh, cứu nhân độ thế, làm gương sáng cho đời.
Hiền Thủ trưởng giả, hay thực tế là Phú Lâu Na bỏ sự nghiệp đi tu vì được Pháp nhãn, thấy việc làm trước kia của họ vô ích và nhận ra sự thật là hành Bồ tát đạo, làm việc đáng làm.
Hiền Thủ và các trưởng giả đạt được Pháp nhãn, nên xin xuất gia. Tự trong lòng họ, giới thể thanh tịnh, công danh sự nghiệp bị vứt bỏ không thương tiếc. Nghĩa là tâm chấp ngã đã xóa sạch, thì chơn tâm lưu lộ, hiện ra thân giải thoát. Vì thế, Đức Phật vừa nhận lời và nói "Thiện lai Tỳ kheo” là Hiền Thủ và năm trăm thương buôn liền đắc quả La hán.
Gặp được Phật, họ chỉ tu đơn giản như vậy mà chứng Thánh quả. Theo tinh thần Đại thừa, thực sự là Phật thấy rõ Bồ đề tâm của họ và đã có quá trình nuôi dưỡng Bồ đề tâm cho họ. Đến mức tâm khát ngưỡng của họ đến độ cao, Ngài mới cho xuất gia, thì đạt quả vị A la hán liền.
Cách giáo dưỡng của Phật trông rất đơn giản, dễ dàng như vậy. Không đắc đạo thì Thầy trò làm khổ nhau. Nhiều Thầy lúc nào cũng cằn nhằn, khó chịu với thị giả và thị giả cũng khổ sở với Thầy, bực bội không biết làm sao cho Thầy vừa ý. Đó là Thầy trò của thế giới nhiễm ô.