cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1


Phẩm này nói về vấn đề thọ sanh, vào thai mẹ. Đức Phật mở đầu bằng câu chuyện Ngài hóa độ Nan Đà.

Nan Đà là em cùng cha khác mẹ với Phật. Một hôm Đức Phật cùng A Nan đến nhà Nan Đà khất thực. Ngài dùng thần lực tác động cho Nan Đà nhớ lại căn lành đời trước, nên ông khởi tâm muốn cúng dường Phật. Khi ông dâng bình bát cho Phật, Ngài không đứng lại nhận, nên ông phải mang bình bát đi theo Phật về đến tinh xá. Phật hỏi ông muốn xuất gia hay không. Vì lực Phật quá mạnh khiến ông vội vàng bằng lòng. Đến khi cạo tóc, ông lại hăm dọa người thợ rằng nếu dám cạo tóc ông, sau này lên làm Chuyển luân vương, ông sẽ chặt tay. Vì vậy, chẳng ai dám cạo tóc cho ông.

A Nan vội thưa với Phật. Nhưng do oai đức của Phật, khi Ngài hỏi thì ông lại trả lời rằng muốn đi tu. Sau đó, ông lén trốn về. Đức Phật biết rõ ý định của ông và đón đường gặp ông. Trông thấy Phật, ông lại sợ, không dám về. Đức Phật thấy ông luyến ái với người vợ trẻ, Ngài muốn độ ông trở về chánh niệm, tu hành. Ngài dùng thần lực đưa ông lên núi cao nhìn thấy con khỉ già xấu xí lại chột một mắt. Phật hỏi ông rằng con khỉ này so với vợ ông là Tôn Đà La thì như thế nào. Ông đáp rằng dĩ nhiên là vợ ông đẹp hơn gấp trăm vạn lần.

Đức Phật lại dùng thần lực dẫn Nan Đà lên Trời Đao Lợi. Ông thưa với Phật rằng nếu so sánh Tôn Đà La với tiên nữ mà ông vừa gặp thì cũng giống như đem con khỉ chột mắt sánh với Tôn Đà La, trăm ngàn lần chẳng bằng một. Đức Phật bảo Nan Đà nên gắng tu phạm hạnh sẽ được sanh cõi trời hưởng khoái lạc.

Từ ngày ấy, vì ái mộ tiên nữ mà Nan Đà ráng tu, nên quên vợ. Phật biết tâm niệm không tốt ấy, mới bảo A Nan nói với các Tỳ kheo nên tránh xa Nan Đà. Nan Đà hỏi A Nan lý do mọi người xa lánh ông. A Nan cho biết các Tỳ kheo đều cầu giải thoát Niết bàn, nhưng ông tu cầu lên trời; như vậy làm sao gần nhau được.

Nan Đà nghe vậy rất lo buồn. Đức Phật lại dùng thần lực đưa ông đi xem địa ngục. Có một chảo dầu sôi không có ai bị nấu trong đó. Quỷ ngục cho ông biết chảo dầu để dành cho Nan Đà hưởng hết phước lạc cõi trời sẽ bị ném vô đó. Nan Đà nghe thấy rất kinh sợ, trở về nỗ lực tu và đắc quả La hán.

Qua câu chuyện Phật độ Nan Đà, có thể gợi cho chúng ta thắc mắc phải chăng ông là em của Phật, nên Ngài quyết tâm độ; còn đối với chúng sanh khác, Phật không ưu ái. TheoPhật, trong kiếp này, chúng ta làm cha mẹ, vợ chồng, hay bạn bè gặp nhau đều do nhânduyên từ quá khứ. Cũng vậy, Đức Phật chỉ độđược người có duyên với Ngài, nghĩa là có mối quan hệ nào đó. Hoặc là quan hệ về huyết thống, độ được người trong dòng họ. Hoặc quan hệ về thiện nghiệp hay ác nghiệp trong quá khứ.

Không có duyên là không nghĩ đến thì không thể độ được. Người có căn lành với Phật pháp và có thuận duyên với ta, nghĩ tốt về ta; vì ta đã từng giúp đỡ họ trong quá khứ. Chúng ta độ họ bằng cách nâng tình cảm trong sáng này và nuôi lớn căn lành của họ; tuyệt đối đừng để họ mất niềm tin.

Khi xưa, việc du học của tôi từng bị cản trở chỉ vì những người đi trước bỏ dở việc tu hành. Họ lập gia đình và sinh sống luôn ở nước ngoài, không trở về phục vụ đạo pháp để báo ơn Thầy Tổ và đàn na tín thí. Điều đó khiến cho những người bảo trợ mất niềm tin, không còn ý định tốt giúp đỡ các Tăng sinh tu học ở nước ngoài nữa. Vì họ nghĩ rằng học giỏi thì không tu; như vậy Phật giáo vừa mất tiền nuôi ănhọc, vừa mất luôn người. Để lấy lại niềm tin mà người đi trước đã phá hỏng, tôi phải nỗ lực phấn đấu, tự mình vươn lên; không ỷ lạinương nhờ ai, quyết tâm tu học cho thành tài. Tôi trở về nước làm việc thành công. Từ đó khôi phục lại niềm tin của mọi người và mở đường cho lớp đàn em được tiếp tục tu học ở ngoại quốc.

Đối với người có ác duyên là người chống phá, là oan trái đời trước hay chướng ngại đời này, chúng ta cũng phải giữ tình cảm trong sáng với họ, hành động tốt với họ. Đến khi thấy ta tốt thật, thì họ cũng phát tâm. Tất nhiên, việc này không đơn giản, đôi khi đòi hỏi phải trải qua cả một quá trình nhiều đời mới làm nổi.

Hành Bồ tát đạo, thuận nghịch đều là duyên để phát huy tri thức và đạo đức của chúng ta và người. Đức Phật cho biết nhân duyên mà ông Nan Đà được Ngài tiếp độ. Ông có ba việc trong quá khứ mà người khác không có được. Không phải trong hiện đời, mà từ thời Phật quá khứ Tỳ Bà Thi, Nan Đà đã phát tâm Bồ đề. Nhờ vậy, ở đời nào ông cũng được gặp thiện tri thức và gặp Phật. Đức Phật Thích Ca thấy ông có căn lành, mới đến khơi dậy căn lành ấy. Nếu thực chất là một người ham mê sắc dục thì không thể phát Bồ đề tâm được. Có thể nói Phật xuất hiện để khai tri kiến cho mọi người, nghĩa là khai ngộ cho người có căn lành với Phật pháp. Người không có căn lành, chỉ kết duyên thôi. Đến khi nào căn lành thuần thục, duyên đầy đủ, họ mới phát tâm được. Thấy Phật phát tâm và trồng căn lành với Ngài, việc tu hành chắc chắn thành công. Trồng căn lành với chúng ta, có tánh tốt xấu lẫn lộn, nay họ thấy ta tốt thì phát tâm, mai họ thấy ta xấu thì lại thoái tâm.

Việc thứ hai của Nan Đà là sau Phật Tỳ Bà Thi và trước Phật Ca Diếp Ba, ở khoảng giữa không có Phật, nhưng có vị Độc giác tu chứng năm pháp thần thông. Ngài thấy Nan Đà lúc ấy là ông trưởng giả có phước, đã trồng căn lành ở Phật Tỳ Bà Thi, nên đến độ ông bằng cách xin tu Thiền quán trong vườn của ông. Không phải Ngài không có chỗ ở, nhưng làm việc đó như một phương tiện để nêu gương tốt cho người. Đó là việc làm của nhà truyền giáo chân chính.

Nhờ có căn lành, nghe có người tu đến thì ông rất vui mừng. Điểm này, chúng ta cần lưu ý không phải tất cả người giàu chúng ta đều đến độ họ được. Những người giàu, có căn lành, kính Phật mới trọng Tăng. Chúng ta không đắc đạo, nhìn thấy những hành động không tốt của chúng ta, họ dễ thoái tâm.

Chính vì vậy, đa số A la hán ẩn tu, vì e ngại phạm sai lầm sẽ làm người mất niem tin. Thà không xuất hiện để giữ cho tâm người khát ngưỡng Phật pháp, còn hơn là làm cho người thoái tâm. Tôi nhắc quý vị vào đời tiếp xúc với người, hoặc xin ở trọ, phải cân nhắc, giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh. Nếu có hành động thô tháo, lời nói khó nghe, ý tưởng tham đắm, khiến người thoái tâm Bồ đề, là phạm tội phá pháp. Tội này lớn hơn cả tội ngũ nghịch thập ác. Cũng vì vậy mà Đức Phật không cho người xuất gia ở nhà cư sĩ.

Vị Bích chi Phật đến ở khu vườn của ông trưởng giả để khai tri kiến, làm cho căn lành ông phát triển. Ngài chỉ ở mà không ăn. Vì ngài đắc đạo, sống với Thiền duyệt thực và Pháp hỷ thực. Điều này khiến cho trưởng giả nghi ngờ, sai người giữ vườn rình xem có thật như vậy hay không. Ngài biết rõ tâm trạng và việc làm ấy, nên đã nhập hỏa Định khiến cho người giữ vườn thấy cả khu vườn biến thành lửa. Ông này vội vàng báo cho chủ nhân. Khi trưởng giả đến thì vị Bích chi Phật xả Định, khu vườn vẫn nguyên vẹn như cũ.

Thấy được sự thần bí của vị Bích chi Phật, trưởng giả sanh tâm cung kính cao độ, tác động cho ông nhớ được quá khứ đã từng phát tâm Bồ đề ở Phật Tỳ Bà Thi. Làm xong mục tiêu giúp ông phát tâm, nhớ lại căn lành đời trước, vị Bích chi Phật này không hiện hữu nữa. Thật vậy, người hành đạo đúng chánh pháp, việc lưu lại hay ra đi đều nhằm khơi dậy tâm Bồ đề cho người, không phải đến đâu mọc gốc rễ, bám chặt nơi đó. Đối với người tu, việc xong thì lưu lại nhục thân này quả là gánh nặng với vô số vi trùng đục khoét, dày vò, có gì là sung sướng.

Ngài liền dùng hỏa Định thiêu thân, lưu lại Xá lợi, khiến cho ông trưởng giả càng phát tâm dũng mảnh hơn. Trên bước đường tu, may mắn gặp Tỳ kheo đắc Định, sống an vui, chết tự tại theo ý muốn, chắc chắn chúng ta dễ phát tâm. Trong đời tôi cũng gặp nhiều vị tu hành có được những sở đắc kỳ diệu, nhờ đó tôi nuôi lớn niềm tin vững mạnh.

Với căn lành, đến đời thứ ba, Nan Đà làm vương tử lại được gặp Phật Ca Diếp Ba. Ông cũng nhớ lại toàn bộ quá trình tu hành từ thời Phật Tỳ Bà Thi. Những gì có mới nhớ được; không trồng căn lành thì lấy gì mà nhớ. Thấy Phật Ca Diếp Ba nhập diệt, vương tử cũng sanh tâm kính trọng. Ông dùng gỗ thơm để làm lễ trà tỳ, đựng Xá lợi trong bình vàng báu, xây tháp bằng bốn thứ báu và đích thân cầm lọng để che tháp. Nhờ các công đức lành ấy mà nay Nan Đà có ba mươi hai tướng tốt như Phật.

Đức Phật độ cho Nan Đà xuất gia. Ông là anh em cùng cha khác mẹ với Phật và có hảo tướng giống Phật, chỉ thấp hơn Ngài một chút. Để tránh việc người ngoài có thể lầm ông với Phật và họ cung kính thì ông bị tổn phước, nên Phật cho Nan Đà mặc áo màu đà để dễ phân biệt.

Điều này gợi nhắc chúng ta trên bước đường tu, tuy mang hình thức Sa môn giống Phật, nhưng so về đạo đức, tri thức và việc làm, chúng ta còn kém xa Phật. Nói cách khác, cùng là tu sĩ, giữa ta và Thầy hay giữa ta và chúng bạn luôn có một khoảngcách về công đức, về thành quả tu tạo được, không thể ngang bằng nhau. Phàm phu thấy người tưởng lầm mình là bậc cao đức thường sanh tâm ưa thích. Người thật tu thì rất sợ người cung kính, mà không xứng đáng sẽ bị tổn đức.

Thiết nghĩ, để có thể vững bước tu hành, chúng ta cần sống đúng với thực tế. Phước đức và sự hiểu biết của ta đến đâu, ta khởi tu từ đó mà đi lên. Tăng thượng mạn không thể nào tu được. Phải nỗ lực thăng hoa trên con đường thánh thiện để xứng đáng là nhà truyền giáo chân chánh nối gót các bậc Hiền Thánh Tăng. Đó là ý nghĩa của sự phân biệt giữa Phật và Nan Đà.

Đức Phật độ cho Nan Đà xuất gia gợi cho tôi suy nghĩ về việc chọn người tu. Theo tôi, người có căn lành nhân duyên rất dễ độ, tôi chỉ giúp vài ý là họ tự phát triển được. Nan Đà là vương tử và đủ hảo tướng, nên rất được quý mến. Những điều kiện tốt này bao vây, khiến ông không thoát được ngục vàng. Nếu không được khai ngộ, ông dễ sa đọa. Đức Phật quan tâm đến căn lành và phước báu từ nhiều đời của ông để khai thác, giúp ông tỉnh ngộ. Vì vậy, Ngài mới nói kinh Nhập Thai Mẹ.

Khi nhập thai mẹ, hay thọ sanh trên cuộc đời, theo Phật có ba trường hợp. Hạng thứ nhất vào thai mẹ không biết, ở trong đó cũng không biết và sinh ra cũng không biết. Đây là chúng sanh hoàn toàn mêmuội phải chịu khổ đau trong sanh tử, không thể khác. Chúng sanh vào thai không biết vì hồn mê, nên bị nghiệp cuốn lôi. Thí dụ như thấy bị rượt đuổi, bị đánh, nên hồn chui đại vô loài nào thì sanh ra hình hài của loài đó; đành phải chịu. Với tâm đó, việc đó, lại tiếp tục tạo nghiệp, là chúng sanh trầm luân trong sáu nẻo luân hồi.

Hạng thứ hai có phước báu, vào thai mẹ thì biết. Đó là những vị Thanh văn Tam quả trở xuống. Nhờ đời trước họ có năng lực tu chứng, tập trung được và thân yên ổn, nên ít bị cảnh vật chi phối; vì vậy, khi chết, họ không bị sự đau đớn và khổ sở chi phối. Vì ít tạo tội, nghiệp ác không xuất hiện và với tâm an ổn, sáng suốt, họ đi thọ sanh, nên biết đường đi và đi theo định hướng đã suy nghĩ, chọn sẵn.

Trên bước đường tu, tôi tâm đắc ý này, ít nhất chưa đến được cảnh giới Phật, thì chúng ta cũng có sự chuẩn bị để thọ sanh vào nơi tốt đẹp cho việc tiến tu của chúng ta. Tôi thường suy nghĩ đến việc tạo sự định hướng cho việc tái sanh, nghĩa là tạo mối quan hệ giữa ta và dòng họ nào, gia đình nào. Đến khi xả thân này, sự gắn bó mật thiết đã định sẵn sẽ tạo thành động lực đưa thần thức chúng ta đến nơi đó để có nhiều thiện duyên cho ta tu hành. Điển hình như ngài Từ Đạo Hạnh đã chuẩn bị sau khi chết, sẽ tái sanh vào cung dòng họ Lý. Ngài liền thâu thần nhập Định để rời bỏ xác thân và đưa thần thức đi tái sanh làm Lý Thần Tông. Tổ Hoằng Nhẫn cũng vậy. Trước khi thọ sanh, Tổ đến Ngài Đạo Tín nói rằng Tổ đã già rồi, cần phải chết để đổi xác, mới giữ được đạo. Tổ liền đến xin cô gái cho ở tạm nhà một đêm. Nói xong, Tổ liền bỏ thân bang cách nhập Định và thọ sanh vào bụng cô này. Cô bèn bế đứa bé vừa sanh ra, liệng xuống hồ sen. Ngài Đạo Tín biết trước nên chờ sẵn và ẳm đứa bé về chùa nuôi; đó là hậu thân của Tổ.

Học theo gương của hai vị Tổ nói trên, chúng ta chuẩn bị thắng duyên thọ sanh, đầu óc tỉnh táo, sáng suốt, không ai quấy rầy, chúng ta mới đi được theo con đường đã chọn để tiếp tục làm đạo. Hoặc cao hơn, chuẩn bị về các cõi trời hay thế giới Phật. Nếu tạo ác nghiệp nhiều, bị gió nghiệp đẩy, trở thành mê, thì sanh ở đâu cũng không biết.

Hàng Tu đà hoàn vào thai, họ biết vì có định hướng sắp sẵn. Tuy nhiên, họ ở bào thai thì mê. Vì vậy, ở trong thai, họ cũng nhận lãnh cái khổ y như người khác. Nếu đời trước ít nghiệp, có phước thì tái sanh vào gia đình mà người mẹ hiền lành, sức khỏe tốt và có đời sống vật chất cao. Nhờ vậy, ở trong thai mẹ tương đối được an ổn. Nhất là người mẹ có phước đức, thường đọc tụng kinh điển, bố thí, cúng dường, tâm hồn an vui, thai nhi cũng nhờ đó mà được hưởng an lạc, khỏe mạnh. Không phước, nghiệp nặng, thì tái sanh vào bụng người mẹ bệnh hoạn, yếu đuối ảnh hưởng đến thai nhi cũng khổ theo. Người mẹ lao động vất vả, thai nhi còn non nớt càng đau đớn hơn. Thậm chí đầu thai vào gia đình mà người mẹ hung dữ, đủ thứ tánh xấu, thì thai nhi cũng lãnh đủ sự xấu xa ấy.

Hàng Nhị thừa ở trong thai mẹ không biết và sanh ra cũng không nhớ các khổ nhục ấy. Riêng Bồ tát đi thọ sanh có định hướng và có phước đức sẵn. Nhờ vậy, họ thường sanh vào dòng họ cao quý, ở trong thai người mẹ đạo đức, thông minh, giàu có, khỏe mạnh. Được sống trong những điều kiện tốt như vậy, Bồ tát ở trong thai cũng như ở trong Thiền định. Chính vì thế, Bồ tát nhập thai và sống trong thai đều hoàn toàn sáng suốt, khác với hàng Nhị thừa ở thai mẹ thì mê.

Định lực của Bồ tát ở thai mẹ tác động cho người mẹ tốt thêm. Trong kinh ghi rằng lúc mẹ của Xá Lợi Phất mang thai ngài, tuy bà không giỏi, nhưng trí tuệ của Xá Lợi Phất đã ảnh hưởng cho bà lý luận giỏi hơn cả người cậu của ngài vốn nổi tiếng là biện tài bậc nhất của ngoại đạo thời bấy giờ.

Bồ tát ở trong thai mẹ biết rõ. Nhưng khi sinh ra đời, vì sáu giác quan tiếp xúc với trần, nên có sự phân biệt, hiểu biết theo đời, trở thành mê. Thật vậy, từ thuở nhỏ, chơn tánh còn mạnh, chưa bị sáu giác quan chi phối. Nếu không được nhắc nhở, đứa trẻ sẽ bị đời làm ô nhiễm và quên hết những gì tu ở đời trước. Lâu ngày tiêm nhiễm thế gian, nó trở thành xấu. Vì vậy, Lạt Ma giáo thường cho trẻ em tiếp xúc với các đồ pháp khí. Nếu chúng nhận ra ngay và biết cách sử dụng thì rõ ràng em này đã từng tu hành ở đời trước. Từ hạt nhân tu hành sẵn có ấy, cộng với tánh thiên chơn chưa bị đời tác động, họ được gợi ý, sẽ nhớ lại quá trình tu và dễ dàng thăng hoa đời sống tâm linh.

Trong kinh dạy rằng hàng Bồ tát và Thanh văn sinh ra đều mê. Nhưng họ được bậc đắc đạo khai ngộ, thì liền phát tâm xuất gia. Chúng ta nghiệm lại lời Phật dạy thấy rất đúng với thực tế. Hòa thượng Trí Thủ kể cho tôi nghe rằng lúc ngài còn làm điệu, các bà giàu có đến thăm Tổ Viên Thành, thường sai bảo ngài đủ thứ. Tổ mới rầy các bà đừng xem thường ngài, sau này ngài sẽ là Hòa thượng làm nên đạo cả. Nhờ Tổ thấy biết căn lành, đánh thức Bồ đề tâm cho ngài, tác động ngài tiến tu, phát huy đạo hạnh.

Riêng tôi, thuở bé nghe người chú tụng kinh, cảm thấy như quen thuộc. Và chẳng bao lâu tôi thuộc lòng kinh Di Đà, Kim Cang, Thủ Lăng Nghiêm. Thấy vậy, ông nói tôi có duyên với Phật pháp, nên đi tu. Nhờ ông chỉ dạy, tôi bừng tỉnh, liền xuất gia học đạo. Trên bước đường tu, tôi hiểu biết giáo lý một cách dễ dàng và nhanh chóng thích nghi với cuộc sống Thiền môn.

Hàng Bồ tát và Thanh Văn đã từng xuất gia, sống trong Phật pháp. Đời này tái sanh, dù ra ngoài thai không nhớ việc đời trước; nhưng khi họ được khơi dậy căn lành sẵn có, tự siêng năng nỗ lực tu, thăng hoa đạo hạnh. Họ không cần đợi rầy la hay bắt ép mới tu.

Phổ Hiền Bồ tát cũng khẳng định rằng những người tu có căn lành, nên tâm trí và việc làm của họ luôn hướng về quả vị Bồ đề, thì con đường tái sanh của họ sẽ được như sau: "Sanh ra dòng họ, cung dung sắc, tướng tốt trí tuệ đều đầy đủ. Các ma, ngoại đạo không phá được, kham làm phước điền cho ba cõi ... ”