Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1
Đức Phật thành đạo, thuyết pháp, cảm hóa được nhiều người, nhưng tại sao không thấy Ngài độ vua Tịnh Phạn và các người ở thành Ca Tỳ La Vệ.
Nếu theo Nho giáo, không sắp xếp được việc gia đình thì không đáng tin cậy, không thể lo việc bình thiên hạ. Vua Tịnh Phạncũng nghĩ Phật không nên đi tu, ở lại ngôi báu làm Chuyển luân Thánh vương mới đúng. Nhưng nay Ngài làm Sa môn, sống cuộc đời rày đây mai đó, không công danh, sự nghiệp, hoàn toàn trắng tay, chỉ đi khất thực, thì thật là không tốt chút nào.
Nếu đặt mình vào vị trí của vua Tịnh Phạn, chúng ta có thể hiểu được tâm trạng của ông. Làm thế nào chấp nhận nổi thực tế Phật từ bỏ gia đình, ngôi báu, rời bỏ giai cấp cao sang nhất để vào sống trong giai cấp thấp nhất. Tuy nhiên, với huệ nhãn, Đức Phật biết rõ thời điểm nào vua Tịnh Phạn phát tâm Bồ đề, Ngài mới đến giáo hóa, trong đạo gọi là chờ đúng nhân duyên mới độ được. Thực tế chúng ta thấy có người trắng tay mới phát tâm. Còn quản lý sự nghiệp lớn lao, có nhiều của cải, thì họ không đủ thì giờ ăn, làm gì có thì giờ học đạo. Phải thấy nhân duyên từng người đến với đạo, có người xuất gia từ bé là đồng chơn nhậpđạo; có người đến cuối cuộc đời mới tu được.
Đức Phật đắc đạo thấy căn lành từng người, thấy lúc họ phát tâm và tu được, thì dù khó khăn mấy Ngài cũng tìm đến tiếp độ, khơi dậy căn lành cho họ. Đối với Tịnh Phạnvương, Phật cũng phải chờ đúng lúc giáo hóa. Ngài không về thành Ca Tỳ La Vệ trước. Vì Phật vừa thành đạo, chưa làm gì, chưa có uy tín, nhất định vua sẽ không nghe. Trong đạo gọi là căn tánh chưa thuần thục, thời tiết nhân duyên chưa tới.
Vì vậy, dùng trí tuệ quán sát, Phật chọn nước Ma Kiệt Đà là nơi vừa theo tinh thần đổi mới, vừa tôn trọng truyền thống. Đó cũng là mảnh đất tranh chấp nhiều nhất với chín mươi sáu dị kiến ngoại đạo. Đức Phật xuất hiện nơi đây để chỉ cho họ thấy tất cả sự tranh luận triết lý và cuộc sống của họ đều nằm trong vòng sanh tử khổ đau. Ngài dạy họ nếp sống giải thoát, cởi bỏ những sự ràng buộc vô lý.
Không bao lâu, trên bước đường du hóa, Phật đã hàng phục được một ngàn hai trăm năm mươi vị Luận sư trí thức trở thành La Hán. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ việc mở đầu sự giáo hóa phải nhắm đến đối tượng người giỏi. Quy tụ được người trí thức là nắm được thượng tầng cơ sở, thì hạ tầng kiến trúc không thành vấn đề. Thiết nghĩ việc lập giáo khai tông tất yếu là như vậy.
Học thuyết vững, hàng phục được ngoại đạo và tầng lớp trí thức chấp nhận, mở đầu cho sự thành công của Đức Phật trên bước đường giáo hóa độ sanh. Thật vậy, Phật độ Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và ba anh em Ca Diếp, đương nhiên Ngài đã nắm được ba tu viện lớn của thành phố và thêm năm mươi công tử dòng Da Xá. Tổng cộng một ngàn hai trăm năm mươi người lãnh đạo nổi tiếng của ngoại đạo theo Phật, tạo thành thế mạnh cho Ngài.
Các hàng ngoại đạo chuyên lý luận, ai cũng nói hay. Nhưng giải thoát thì chỉ Phật có. Họ theo Phật là theo tri kiến và nếp sống giải thoát. Bề ngoài thấy các Luận sư giỏi, nhưng thực sự trong lòng họ trống vắng. Và Phật là người duy nhất có khả năng sưởi ấm tâm hồn họ. Nương theo Phật, họ được an lành; cả xứ Ma Kiệt Đà theo Phật là vậy.
Tiếp theo, Phật đến giáo hóa ở thành Xá Vệ, độ được trưởng giả Cấp Cô Độc trở thành người hộ đạo đắc lực, đem vàng đổi đất xây tinh xá cúng Phật. Chẳng mấy chốc, tin lành đồn vang về thành Ca Tỳ La Vệ rằng Đức Phật đã cảm hóa ông vua mạnh nhất là Tần Bà Sa La, hàng phục được ác vương A Xà Thế, vua Ba Tư Nặc và giới trí thức, trưởng giả cũng quy phục Ngài.
Vua Tịnh Phạn và hoàng tộc, cùng dân chúng thành Ca Tỳ La Vệ dù có giận Phật đến đâu cũng không thể phủ nhận công đức này của Ngài. Và so việc Ngài thành Phật giáo hóa được mọi tầng lớp xã hội, nói lên thế lực của Ngài mạnh gấp vạn lần uy quyền của ông vua thành Ca Tỳ La Vệ. Như vậy, sự nghiệp mà Phật đã từ bỏ, quả thật là không thấm vào đâu đối với ảnh hưởng giáo hóa lớn lao mà Ngài đã tạo được. Đó là cách của người trí giáo hóa. Tuy không thấy giáo hóa, nhưng đã tạo điều kiện cho vua Tịnh Phạn phát tâm và những người dòng họ Thích phải đổi hướng suy nghĩ.
Ý này nhắc chúng ta khi xuất gia làm được việc gì có ý nghĩa, mới trở về. Còn chúng ta tu, ngã bệnh, về xin tiền cha mẹ để uống thuốc, mà khuyên người nhà tu sao được. Chúng ta làm nên đạo cả, không cần kêu gọi, họ cũng phát tâm.
Riêng tôi, sau năm 1975, một số người đến thăm và nói rằng đất nước giải phóng xong, tu chi nữa. Về làm ruộng ăn đi. Lúc ấy họ đánh giá người tu thấp, tôi không về quê. Họ nghĩ tôi tu vì thời cuộc, thì nay tình thế đổi khác, phải bỏ tu là vừa. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hành đạo từ 1975 đến nay, kết quả hành đạo của tôi đã khiến cho họ có cái nhìn khác. Họ muốn tìm hiểu việc tu hành của tôi thì tôi sẵn lòng.
Khi Tịnh Phạn nhớ thương Phật như con thì Ngài không về; vì là con thì saogiáo hóa được. Đến khi những thành quả độsanh của Đức Phật làm chấn động thành CaTỳ La Vệ, vua Tịnh Phạn từ giận hờn, oán trách, đến thương tiếc, mong mỏi Ngài. Lúc ấy Phật mới về, là phần mở đầu phẩm này.
Tuy nhiên, từ thực tế cuộc sống, kinh nâng lên dạng tâm linh đẹp hơn. Phật trở về tinh xá, hỏi ai có khả năng độ vua. Mọi người đều nghĩ đến mười đại đệ tử của Phật. Nhưng Phật từ chối. Như vậy, chúng ta thấy không phải giỏi thì làm gì cũng được, mà nhân duyên là yếu tố quan trọng.
Mục Kiền Liên nhập đại Định thấy Phật muốn giao việc này cho Ca Lưu Đà Di. Bề ngoài thấy Ca Lưu Đà Di không có gì nổi bật; nhưng Phật biết rõ nội lực tu chứng của ông. Ông đã hoàn toàn sạch nghiệp, là có đạo đức mới thuyết phục được người. Cộng thêm nhân duyên tiền kiếp Ca Lưu Đà Di đã từng giáo hóa vua Tịnh Phạn, nên hiểu rõ tâm tánh và nguyện vọng của vua. Nhờ đó, ông nói ít mà vua hiểu nhiều. Vua sớt bát cúng dường ông và nhờ đem cơm về cúng dường Phật. Như vậy, vua Tịnh Phạn đã phát tâm và quan hệ với Phật qua Ca Lưu Đà Di.
Uy lực của Phật quá lớn lao, bao trùm cả hàng vua chúa, trí thức, được kinh diễn tả là Tịnh Phạn thấy Phật ngồi trên hư không. Ngồi trên hư không thể hiện ý nghĩa Đức Phật không vướng bận phú quý, lợi danh, tình ái tầm thường của thế nhân. Tuy không màng đến trần thế, nhưng tâm trống không của Ngài là vô tác diệu lực, hay Chơn không Diệu hữu; nên Ngài chi phối được tất cả, làm lợi ích cho mọi người. Không phải không dính líu cuộc đời, rồi bị bỏ rơi.
Đức Phật ngồi trên hư không và điều động đến Trời Tứ Thiên vương, Đại Phạm Thiên vương, Đao Lợi tThiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên; nói chung là Bát bộ Thiên long đều tụ họp xung quanh Phật. Vì muốn giáo hóa Chuyển luân Thánh vương phải có lực trên vua, không thể làm Sa môn nghèo yếu.
Đức Phật hàng phục được những nhà lãnh đạo các tôn giáo khác có thể hiểu là Ngài đã kết hợp được thế lực của người sống và thần linh vô hình. Tịnh Phạn vương thấy được uy lực chi phối thế giới hữu hình và vô hình của Phật tuyệt vời vô cùng, mới phát tâm, nhận ra Phật là bậc Điều ngự Vô thượng, mới quy phục đảnh lễ. Điều này kinh Đại thừa muốn nhắc rằng nhà truyền giáo phải có thế giới tâm linh vượt trên bình thường, mới có thể lãnh đạo tinh thần, giáo hóa người được.
Vua Tịnh Phạn cho biết đây là lần thứ ba vua lạy Đức Thế Tôn, thấy Ngài là Phật thương nhân gian sanh lại cung dòng họ Thích; nên đã ứng hiện những điềm kỳ diệu, khiến vua phải kính phục.
Lần đầu, vua lạy Phật vừa mới Đản sinh. Vì ông thấy điềm lạ là Phật không cần người ẳm bồng như các trẻ sơ sinh bình thường và còn hơn thế nữa, Ngài đã đi bảy bước, có chín rồng phun nước. Lần thứ hai, khi Thái Tử dự lễ hạ điền, trời đã về chiều, nhưng vẫn sáng vì do lực nhập Định của Thái tử tác động đến mặt trời đứng yên, không di chuyển về hướng Tây. Đếnkhi Ngài xả Định thì trời tối sầm liền. Vua thấy oai lực của Thái tử như vậy đã khởi tâm kính ngưỡng và sụp lạy Ngài. Và lần thứ ba này, vua thấy Phật ngồi trên hư không, uy đức bao phủ muôn loài. Cả ba lần dưới mắt vua Tịnh Phạn, Đức Phật quả là đấng Chí tôn.
Trong pháp hội này, hàng A tu la tập hợp, cúng dường Phật va Ngài thọ ký cho tất cả sáu mươi na do tha A tu la thành Phật đồng hiệu là Thiện Danh. Điều này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. A tu la hung dữ, ác độc, đầy đủ tham, sân, si, lại được Đức Phật thọ ký. Trong khi hàng Thanh văn theo Phật lâu, được giải thoát, đi đúng đường Phật dạy; nhưng tại sao Phật lại không nhắc đến, không thọ ký cho họ.
Đọc đến đây, không khéo chúng ta hiểu lầm người ác thành Phật, người hiền không thành Phật, mà người thế gian thường nói là hùm sói đi tu, thằn lằn, rắn mối không tu. Bước theo Phật đạo, tự khẳng định chúng ta thực sự là con dòng họ Thích thường tiêu biểu bằng sức mạnh của sư tử vương không sợ bất cứ thế lực nào. Muốn vậy, chúng ta phải phát huy tri thức đến mức độ cao, luôn nắm thế chủ động. Còn bất lực, khiếp nhược, bị động, phải chạy trốn là thằn lằn, rắn mối. Chúng ta chủ động nghĩa là thừa khả năng trấn át người; nhưng theo Phật, không bao giờ làm như vậy mà chỉ dùng đạo đức để cảm hóa người. Đó là thế chủ động của người đầy đủ dũng lực, không phải hèn mọn nhịn chịu.
Đức Phật thọ ký cho A tu la và còn cho biết rằng họ có phước báu ngang chư Thiên, nhưng vì sân si mà bị đọa thân hình xấu xí. Ở đây, Đức Phật không thọ ký cho hàng Thanh văn nhằm nói lên ý gì.
Để hiểu được ý Phật, trước hết chúng ta cần phân biệt bốn loại Thanh văn. Thị hiện Thanh văn hay phước điền Tăng, thực ra là Bồ tát có đầy đủ hảo tướng, trí tuệ và từ dòng tộc cao quý xuất gia. Họ hiện thân Thanh văn để giáo hóa chúng sanh.
Kế đến là thoái chuyển Thanh văn. Họ tu Bồ tát đạo rồi, nhưng vì hoàn cảnh, thời cơ chưa đến, mà ra cứu người sẽ chuốc họa. Vì vậy, họ phải thoái chuyển, ẩn nhẫn tu hành, chờ cơ hội hay nhân duyên thuần thục sẽ hành đạo độ sanh. Hai hàng Thanh văn này thuộc về Bồ tát Tăng, mang chí lớn cứu đời, lo giáo hóa chúng sanh
Riêng tôi, những năm khó khăn từ 1975-1980, quán sát thấy hành đạo Bồ tát chẳng những không được thuận lợi, còn chuốc họa vào thân và làm khổ người. Lúc ấy, tôi chỉ lo kiết thất tu, chuyên sám hối, thọ trì kinh điển. Ai có chê trách, phê phán gì cũng chấp nhận và nỗ lực tu để chuẩn bị đúng lúc thì dốc sức ra làm.
Hạng thứ ba là thú tịch Thanh văn, quá sợ đau khổ ở thế gian, quyết tâm tu để ra khỏi sanh tử luân hồi. Họ hoàn toàn mang ý thức thoát ly, không dính líu đến cuộc đời; chỉ khất thực để sống, tu và bỏ thân thì hướng về Niết bàn, không trở lại cõi này. Thật ra, đây là người tốt, lo đoạn trừ phiền não bên trong, hoàn thiện bản thân mình, để làm tư lương đi về thế giới khác.
Hạng thứ tư là tăng thượng mạn Thanh văn, khi Phật giáo hưng thạnh thì xuất gia để hưởng quyền lợi. Lúc hoàn cảnh khó khăn, họ trốn mất. Hạng này không thật tu, chỉ mượn áo Thầy tu, không có trí tuệ và đạo lực. Kinh Pháp Hoa xếp họ vào hạng cành lá cần loại bỏ. Trên thực tế lịch sử, chúng ta thấy rõ khi tăng thượng mạn Thanh văn nắm quyền lãnh đạo, tham sân si của họ đầy đủ, chỉ lo tranh chấp quyền lợi. Lúc ấy, chắc chắn Tăng đoàn phải rối ren, không hòa hợp, dẫn đến tình trạng Phật giáo bị suy đồi. Trái lại, Phật giáo hưng thạnh là nhờ ba hàng Thanh văn vừa nói, những người lo ẩn nhẫn tu hành, người nỗ lực phát huy đạo đức và người cứu nhân độ thế.
Đức Phật không thọ ký cho Thanh văn, nghĩa là Phật muốn nói đến hàng tăng thượng mạn Thanh văn lúc Ngài tại thế. Đó là lục quần Tỳ kheo ở thành Xá Vệ, có quyền lợi thì họ xuất hiện mặc áo tu. Thời đó, vua Ba Tư Nặc sùng đạo đến mức dù có phạm tội gì, nhưng là tu sĩ đều được miễn tội. Vì vậy, những kẻ giết người, giết cả Tỳ kheo, để lấy bình bát và áo ca sa mac vào, làm thầy tu thì chẳng ai dám đụng đến.
Không riêng hạng tăng thượng mạn Thanh văn không được thọ ký. Cả hàng Thanh văn theo Phật tu, nhưng trở thành gỗ đá, không phấn đấu đi theo con đường làm lợi ích cho chúng sanh, cũng không được Phật thọ ký.
Thật vậy, vì đây là thời kỳ ức dương giáo, đề cao Bồ tát đi đúng lộ trình của Phật, phát tâm Bồ đề, làm lợi ích cho chúng sanh là chính. Và chê trách thú tịch Thanh văn càng tu lâu càng vào vô dư Niết bàn, rời xa Phật pháp, mà Tổ thường quở là than nguội củi mục. Giáo sư Kubota thì ví như cá khô bị tách khỏi sự sống.
A tu la được thọ ký, vì phát tâm Bồ đề. Họ hung dữ với ai, ở đâu đó; nhưng về với Phật họ rất dễ thương. Thực tế ta thấy người dữ gặp bậc chân tu, tự nhiên họ trở thành hiền lành. Có thể nói tuy nóng nảy, nhưng họ tốt; chỉ vì không chịu nổi sự bất công trong xã hội, nên trở thành sân hận. Điển hình như ở Trung Hoa, những người bất mãn, không chấp nhận xã hội bất công ở đời Tống. Họ sẵn có thế lực, có chút phước, nên tập hợp anh hùng để giết kẻ gian ác, trừ khử những quan lại tham ô. Họ tiêu biểu cho A tu la làm việc ác. Tuy nhiên, những người hung dữ ấy khi biết phát tâm hướng về đạo, bảo vệ chánh pháp tồn tại, mới được Phật thọ ký. Không phải tất cả A tu la được thọ ký.
Trên bước đường tu, nhìn ở mặt nào đó, A tu la hay người dữ cũng cần thiết cho đạo. Nếu không có họ bảo vệ, chỉ toàn người hiền như bầy nai, thì làm sao chùa được yên lành. Chính vì vậy mà Phật thọ ký cho A tu la sẵn sàng làm việc dữ để bảo vệ đạo pháp. Trong kinh Pháp Hoa cũng nhắc đến mười La sát nữ phát nguyện rằng ai động đến người trì kinh Pháp Hoa, sẽ bị họ đập đầu vỡ làm bảy mảnh.
A tu la làm ác, nhìn thấy Phật thánh thiện, lương tâm họ sống dậy. Họ quăng dao, trở thành người tốt và gắn liền cuộc đời với Phật, hành Bồ tát đạo. Đức Phật thọ ký cho sự quyết tâm tu hành của họ. Đại chúng thấy vậy ngơ ngác, thắc mắc, nên Phật nói tiếp phẩm Bổn sự để chỉ rõ mối quan hệ mật thiết giữa Ngài và A tu la ở đời trước.
Đời này A tu la hung dữ đánh nhau với người, vì đời trước cả hai người dữ này đã từng đánh nhau rồi và đời sau gặp lại cũng tiếp tục đánh nữa. Oan gia nghiệp chướng giáp mặt nhau là như vậy. Nhưng đối với Đức Phật, không có oan gia nghiệp chướng này; vì Ngài đã từng giáo hóa A tu la trong quá khứ. Nhờ đó, họ gặp lại Phật, Ngài khơi dậy hạt nhân tốt ấy, khiến họ phát Bồ đề tâm, thương kính Ngài thực sự.
Phật nói phẩm Bổn sự chỉ cho chúng ta thấy trong vô số kiếp quá khứ, Ngài đã xả thân hành Bồ tát đạo, cứu độ chúng sanh quá nhiều. Từ hạt giống lành ấy dẫn đến ngày nay họ thấy Phật, nghe pháp, liền tin theo. Phật lấy nhân địa tu hành của Ngài để nhắc nhở đại chúng đời này không nên gây rối thêm, cố tạo nhân lành với bạn đạo trong tự viện, với mọi người trong xã hội. Tu hạnh Bồ tát cố tránh nợ nần, nhờ vả, nên tự giải quyết. Bất đắc dĩ mới nhờ và nên làm lợi ích cho người, tạo nhân đời sau tốt hơn. Còn nhờ vả người, nợ nhiều, tái sanh gặp lại, có nói gì họ cũng không tin. Đức Phật giáo hóa dễ dàng, vì Ngài không nói suông. Trong quá khứ và hiện tại, Ngài đã thể hiện hoàn toàn tâm ý tốt đep và việc làm lợi ích thực sự cho người.
Kế đến, Đức Phật thọ ký cho tám ức sáu ngàn vạn Kim xí điểu thành Phật, đồng hiệu Phổ Đoan Chánh. Kim xí điểu hay Ca lầu la thuộc một trong Bát bộ chúng, là thần âm nhạc. Nói theo ngày nay, văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ …, nói chung là những người làm văn nghệ được thọ ký.
Khi tu Thanh văn, Phật không cho chúng ta ca xướng, múa hát, không xem nghe nhạc, sợ bị rối tâm, sanh tội lỗi. Nhưng nay, Phật thọ ký cho thần âm nhạc. Ý này gợi chochúng ta quan sát, thấy được sự tồn tại và phát triển lâu dài của đạo Phật là nhờ tính cách đa dạng.
Thật vậy, kinh điển được diễn tả theo thể thơ là bài kệ, hoặc phổ thành nhạc, dễ gợi cảm cho người. Gợi cảm mà sanh vọng tâm tham đắm, sa đọa, tất nhiên không được chấp nhận. Nhưng nếu chúng ta chấp chặt vào ý này để loại trừ văn chương, nhạc đạo, thì phần lớn quần chúng không theo được, vì ý nghĩa của kinh quá cao.
Có thể nói người thâm nhập Phật đạo thuộc hạng cao nhất, chuyên tu tập Thiền định. Hạng thứ hai đọc tụng kinh điển, an trú trong pháp, cảm nhận niềm vui sâu xa bất tận. Hạng người thứ ba phải có sinh hoạt bên ngoài vui, như tổ chức văn nghệ, họ mới đến với đạo.
Người sáng tác thơ, nhạc, hoặc ca hát tác động cho người xem nghe, hết ưu phiền và phát tâm. Đó là hành Bồ tát đạo, làm vui đời đẹp đạo, nên được thọ ký theo tinh thần Đại thừa; không phải sống cách biệt, không dính líu đến cuộc đời.
Sau khi thọ ký cho A tu la, Ca lầu la, Đức Phật thọ ký cho Long nữ. Trong pháp hội này có đến chín ức sáu ngàn vạn Long nữ đến nghe pháp và cúng dường Phật. Ở đây khác với Long nữ trong kinh Pháp Hoa, lần này Long nữ cúng Phật, mãn kiếp sẽ sanh lên các cõi Trời. Tuy được hưởng tất cả phúc lạc cõi trời, nhưng nhờ công đức cúng dường này mà tâm không tham nhiễm phước lạc.
Phật thọ ký cho Long nữ trước tiên sinh lên Trời Đao Lợi, giàu có sang trọng nhất, nhưng không tham nhiễm. Kế đến bước lên Trời Dạ Ma cũng không tham đắm, siêng tu Thiền định. Rồi lên Đâu Suất Đà Thiên, không chỉ an trụ Thiền định mà đi giáo hóa khắp nơi; qua cõi Trời Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại Thiên, lần lên đến Phạm Thiên, làm Đại Phạm Thiên vương đủ Bồ tát hạnh, mới được thành Phật.
Đến đây mở ra cho chúng ta một bước mới. Nếu
không, chúng ta đi theo con đường Nhị thừa tu hành, rồi bỏ tất cả; đẩy Phật
giáo vào tình trạng nghèo khổ, không thể thích hợp với xã hội ngày nay. Chúng ta
đừng hiểu lầm ý nghĩa xả phú cầu bần, ta bỏ và xúi Phật
tử cũng bỏ, rồi cùng dắt nhau đi ăn xin thì thật vô lý.
Đức Phật muốn dạy chúng ta xả tâm tham lam, chấp trước; không phải xả tài sản. Những người giàu có, tham lam vô tận, thì phải xả bỏ tâm tham lam ích kỷ để san sẻ phước báu cho người khác. Giống như ông Cấp Cô Độc là mẫu người giàu có nhân đức, chuyên bố thí, cúng dường.
Đức Phật khuyên người hành Bồ tát đạo lấy bố thí làm đầu. Của cải chúng ta làm ra hợp pháp, đáng trân trọng và ta sử dụng nó để giúp đỡ người. Tuy sống trong cảnh giàu sang sung túc, ta không bị nó trói buộc. Điển hình là vua Trần Nhân Tông coi ngai vàng như chiếc giày rách, muốn bỏ lúc nào cũng được, không bận tâm; không phải không có. Không có thì dễ sanh tâm thèm khát. Chúng ta tu hành cần bỏ vọng tâm; không bỏ phước báu để thành bần Tăng khổ ải. Phải tăng trưởng phước báu để làm phước điền Tăng mới có thể cứu đời, giúp người.
Long nữ bước đầu tiên lên làm Trời Đế Thích và Trời Dạ Ma, có thể hiểu theo ngày nay là tạo được thế lực tiền của và sức mạnh. Thật vậy, qua thực tế sinh hoạt, chúng ta thấy rõ đồng tiền quyết định được mọi việc. Người giàu có và biết sử dụng đồng tiền vào việc ích nước, lợi dân và phát triển đạo pháp; chắc chắn họ được quý trọng và giữ vị trí lãnh đạo.
Lên Đâu Suất Đà Thiên là vào Thiền định, được tự tại. Nói cách khác, chúng ta có tiền của và sức mạnh, thì hoàn cảnh bên ngoài hoàn toàn tốt, cuộc sống tự động được ổn định, không ai gây khó khăn cho ta được. Còn chùa hết cơm gạo, xung quanh là người đói, làm sao định tâm.
Trên bước đường tu, từng bước xây dựng đời sống vật chất tạm đủ, an ninh bảo đảm, chúng ta bình yên. Tâm bình ổn, thấy biết mới sáng, thấy việc nên làm, người nên cứu, mới giáo hóa tự tại; kinh diễn tả là Long nữ làm Tha Hóa Tự Tại Thiên vương. Tạo được phước báu, giàu có, thế lực, tâm hồn trong sáng, phán đoán chính xác, mọi việc thành tựu lợi ích cho đời. Đó là thành quả để bước lên quả vị Toàn giác theo mô hình tu của Long nữ được Phật thọ ký.
Long vương thấy Long nữ tầm thường mà được thọ ký, liền phát tâm Bồ đề và cũng được Phật thọ ký. Cho đến Cưu bàn trà, Càn thát bà, Dạ xoa, Khẩn na la vương, nói chung những người theo tôn giáo khác thấy Phật, phát tâm Bồ đề, đều được Phật thọ ký.
Tóm lại, A tu la hung dữ, Long nữ tham dục, Long vương làm mưa làm gió và các loài quỷ linh đều được thọ ký. Chỉ riêng hàng Tỳ kheo thân cận Phật lại không được thọ ký. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ trên bước đường tu không nhứt thiết phải loại bỏ người xấu. Theo Đại thừa, cùng tột cái xấu có thể sanh ra tốt và ngược lại, cùng tột cái tốt có thể trở nên xấu. Nói cách khác, ở trong vòng tương đối luôn có đủ hai mặt tốt xấu. Muốn chuyển thành tốt hoàn toàn phải có Phật huệ soi vào và làm theo trí tuệ chỉ đạo thì quyết định trở thành sáng suốt, đúng đắn, được thọ ký. Vô minh chỉ đạo, tất nhiên phải xấu.
Hàng Thanh văn bỏ ham muốn; nhưng không ham thành Phật, là tu sai pháp. Đại thừa ví như đất mọc cỏ và cũng mọc lên hoa màu nuôi sống ta. Nhưng ta tráng xi măng để cỏ không mọc thì cũng không trồng được hoa màu. Trong kinh Pháp Hoa, các đệ tử Phật nói lên ý này rằng thấy Phật ngợi khen Bồ tát, họ cũng muốn phát tâm Bồ đề. Vậy mà họ không phát được, vì tâm đã chai cứng, không còn nghĩ đến cuộc đời. Đức Phật không thể nào thọ ký cho hàng thú tịch Thanh văn này. Họ chỉ hướng tâm đến Niết bàn, không còn ý thức lo cho người. Khi tu, họ dẹp phiền não và Bồ đề cũng theo đó mất luôn. Phiền não và Bồ đề là một, hay sanh tử tức Niết bàn. Vì có khó khăn, chúng ta mới động não và giải quyết được tất cả việc khó mới thành Phật. Chúng ta không biết cuộc đời, tách rời cuộc đời, thử hỏi ta là gì.
Bồ đề là trí giác, mà đối tượng của nó là chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não. Vì vậy, kinh Hoa nghiêm dạy quả Bồ đề thuộc về chúng sanh. Riêng Thanh văn không cho căn trần tiếp xúc với nhau, không còn phiền não và cũng thủ tiêu luôn cả ý thức về cuộc đời. Phật không thọ ký cho họ là thế.
Phật thấy rõ nỗi khổ của từng loài khi sống lăn lộn với đời. Ngài chỉ cho họ cách tháo gỡ, được an lành, nên họ hết lòng với Phật. Xưa kia Phật độ sanh như vậy và ngày nay chúng ta cũng không khác. Tôi chưa thấy người nào có hoàn cảnh tốt mà tìm đến với đạo. Họ phải có vấn đề nan giải, cùng đường nghẽn lối mới tìm đến nhờ ta giúp. Nhận ra nghiệp và hoàn cảnh của họ và chỉ cách hóa giải được, thì họ quý ta vô cùng.
Đức Phật giải khổ và đưa loài quỷ thần đến cuộc sống an lạc. Họ quyết tâm theo Phật tu. Ngài thọ ký cho sự quyết tâm ấy và gieo nhân lành vào tâm họ. Nếu hành thiện theo lời Phật dạy, tương lai sẽ được sung sướng, giàu có, khoe đẹp, có thế lực như vua Trời. Nhưng phải nhớ đừng khởi vọng tâm tham đắm, chấp trước, phiền não sẽ bị đọa. Phải luôn giữ tâm Bồ đề sáng suốt. Khi được hưởng hạnh phúc ở cõi trời, cũng đừng quên kiếp khổ sở lúc làm súc sanh, quỷ dữ, để không phạm sai trái mà bị đọa xuống nữa.
Sau khi thọ ký cho quỷ thần, Đức Phật thọ ký cho chư Thiên, từ Trời Tứ Thiên vương, Đế Thích, cho đến Đại Phạm Thiên vương.
Tại sao kinh Bảo Tích thọ ký cho hàng hạ căn trước, trong khi kinh Pháp Hoa thọ ký cho hàng thượng căn đến trung căn và sau cùng mới thọ ký cho hạ căn.
Ở đây, Đức Phật căn cứ vào sự phát tâm Bồ đề mà thọ ký. Những loài địa thần hay thực tế là những người bị xã hội ruồng bỏ, khinh bỉ như Ưu Ba Ly là thợ hớt tóc, Sunita hốt phân, Vô Não sát nhân. Họ được Đức Phật giáo dưỡng và trở thành Thánh. Nhờ theo Phật mà họ thăng hoa tư cách như vậy, khiến cho vua Ba Tư Nặc, A Xà Thế hay những người trung lưu phải suy nghĩ rằng người cùng đinh còn được thành Phật; huống chi là những người có dư điều kiện tốt hơn, chắc phải được hơn nữa. Về ý này, chúng ta phải cân nhắc. Theo tinh thần Đại thừa, những người một sớm một chiều lột xác như vậy là Bồ tát thị hiện vào giai cấp thấp để trợ hóa cho Phật làm đạo; không phải thực họ dở, xấu. Chúng ta nên dè dặt; đừng bắt chước đi tìm người bất lương về nuôi là mạt. Vì nghiệp họ nặng, phước ta mỏng, làm sao gánh nổi. Đức Phật là bậc phước trí vẹn toàn, cảm hóa được muôn loài, mới gánh được nghiệp của người khác. Chúng ta chưa đạt đến vị trí đó, thì việc độ sanh còn nhiều giới hạn.
Phật độ người làm thuê, thợ thuyền, sát nhân là những người thuộc thành phần đại đa số quần chúng, tạo thành thế mạnh của Ngài. Tuy nhiên, Phật lựa chọn trong thành phần quần chúng những người có năng lực làm việc, có ý chí hướng thượng; nhưng họ bị xã hội giai cấp chèn ép. Ngài tập hợp họ, xây dựng cho họ có khả năng điều động người khác, thể hiện tinh thần quần chúng lãnh đạo; không phải nói chung chung.
Ngày nay, theo Phật, chúng ta chưa đào tạo cho người thành Hiền Thánh, thì ít nhất cũng giúp người nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần; họ được tăng trưởng sự hiểu biết, được no cơm ấm áo, khỏe mạnh. Làm được như vậy mới tiêu biểu cho Phật đạo vì hạnh phúc cho số đông, vì an lạc cho chư thiên và loài người.
Sau cùng, hàng trung giới thiên cho đến Đại Phạm Thiên vương thấy người tầm thường phát tâm Bồ đề được thọ ký, họ cũng phát tâm hành Bồ tát đạo và cũng được Phật thọ ký.
Trong pháp hội này, tám ngàn người ngoại đạo Giá la ca ba lợi bà la xà ca thấy A tu la cho đến Tịnh Cư Thiên cúng dường, được Phật thọ ký và cũng thấy Đức Phật thuyết pháp trên hư không. Họ tỏ ra kinh ngạc và thán phục Phật, vì chưa từng thấy ngoại đạo làm và nói được pháp như vậy.
Ý này nhắc chúng ta muốn hàng phục ngoại đạo, phải biết và làm hơn họ; việc ca ngợi để cho họ tự nói. Vì ta ca ngợi Phật, nhưng bản thân ta không ra sao thì lại trở thành phản tác dụng. Thử xét xem những gì người đời biết, tức văn minh nhân loại, chúng ta có tiếp cận được hay chưa. Nếu ta biết việc thế gian và xuất thế, đương nhiên người đời phải kính trọng. Còn sự hiểu biết kém, dễ bị đẩy lùi vào bóng tối. Thực tế lịch sử cho thấy khoảng thế kỷ XI, Phật giáo Ấn Độ bị tiêu diệt vì tân Bà la môn hiểu Phật pháp hơn Thầy tu Phật giáo. Họ đã lấy tinh ba của lời Phật dạy trang nghiêm cho Ấn giáo, làm lợi ích cho cuộc đời, chuyển đổi đạo của họ trở thành Thánh giáo. Trong khi chư Tăng chỉ đi khất thực, không biết giáo nghĩa và cũng không đóng góp gì cho xã hội.
Đức Phật của chúng ta quá siêu tuyệt, còn chúng ta quá tệ thì lấy gì để biện minh cho pháp Phật. Phật giáo Lý Trần đã từng tô son thếp vàng cho trang sử Phật giáo Việt Nam. Các Thiền sư thời ấy đóng vai trò lãnh đạo thật xuất sắc, vua chúa nhất định phải theo. Xưa kia, Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất đều là thủ lãnh nổi tiếng của ngoại đạo. Họ quy phục Phật đạo, vì theo ngoại đạo dẫn họ vào con đường bế tắc.
Trong pháp hội này, hàng ngoại đạo thỉnh Phật nói pháp. Ngài hỏi theo ngoại đạo thì từ đâu chúng ta tái sanh lại thế giới này. Họ trả lời rằng tất cả sanh ra là do Phạm Thiên hay Thượng đế cấy linh hồn vô thai mẹ. Nếu làm theo ý ông thì khi chết, Thượng đế sẽ rước ta về hưởng sung sướng ở nước Trời. Nếu làm trái ý, ông sẽ bỏ ta vô hỏa ngục. Thật là một sự hăm dọa quá sức! Ngay trong hiện tại khắp đó đây trên thế giới, chúng ta cũng thấy còn có những người nhẹ dạ bị tà đạo mê hoặc, uy hiếp. Thử nghĩ ở thời thần quyền, nó còn mạnh đến đâu.
Khi Phật tại thế, đức hạnh, sự hiểu biết và tài năng của Ngài quá phi thường. Người vững niềm tin theo Phật được an lành, không sợ sệt tà đạo. Chúng ta thay Phật, tất yếu cũng phải như vậy, bằng mọi cách phát huy năng lực để làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người. Chánh đạo mạnh, tà đạo không thể phát được.
Đức Phật chỉ cho hàng ngoại đạo thấy rằng họ giống như người mù rờ voi, chưa từng thấy Trời Phạm Thiên hay Đế Thích, mà dám bịa đặt đổ lỗi cho Phạm Thiên đày ta xuống đây. Nay họ theo Phật mới thấy chư Thiên không phải xấu ác như vậy, mới vững niềm tin nơi Phật. Có thể nói ngoại đạo không hại chúng ta được, người khác mới dám tin tưởng theo chúng ta.
Đức Phật dạy cho ngoại đạo thấy được rằng do nghiệp dẫn mọi người đến thọ sanh ở Ta Bà. Không hề có chuyện Phạm Thiên hay Thượng đế nào đẩy chúng ta vô đây. Và theo dõi thực tế sinh hoạt trên cuộc đời này, mỗi người cũng tự nghiệm ra được mình từ đâu tới đây. Nếu từ địa ngục sanh lại, thì tư chất địa ngục còn phảng phất nhiều trong cuộc sống hiện tại. Vì chủng tử địa ngục của họ còn mạnh, giống như người mới ra tù, tuy được tự do, nhưng nét mặt, cử chỉ còn biểu lộ rõ là tù nhân.
Tuy cùng mang thân người, nhưng không ai giống nhau; vì con người thật bên trong hay nghiệp khác, nên cuộc sống phải khác. Nhìn bên trong để phát hiện chúng sanh ở trong sáu đường sanh tử tái sanh lại, hay cũng thấy được Phật, Bích chi Phật, A la hán tái sanh. Quán sát như vậy sẽ thấy Phật khác ngoại đạo và người thường.
Mọi việc tốt xấu đều do nghiệp quyết định, Đức Phật khuyên chúng ta tu là cải thiện ngay cái nghiệp của ta. Ngồi trên lửa hay đứng một chân trong nắng mưa như ngoại đạo tu luyện, thật vô lý, chẳng được gì. Tu ngay trên nghiệp của ta, nghĩa là tu Hành uẩn, không phải tu Sắc uẩn; vì hành xác bên ngoài để mong cầu được cái gì, chỉ phí công vô ích.
Hành uẩn hay nghiệp là động cơ thúc đẩy linh hồn ta, chính nó dẫn chúng ta đi đầu thai. Tuy nhiên, theo Phật, Hành uẩn tự nó không biết phân biệt, nó hoàn toàn lệ vào minh, hay vô minh xoay nó đi đâu thì nó theo đó. Thật vậy, nếu để cho vô minh tác động Hành uẩn, ta sẽ thọ sanh vào ba đường ác, mà kinh gọi là vô minh duyên Hành. Nghĩa là sự nhận thức sai lầm dẫn chúng ta đi vào đường tội lỗi. Trái lại, từ Chơn như duyên khởi, hay Phật huệ rọi vào tâm ta, thì từ tâm trí sáng suốt này chỉ đạo, khởi lên hành động, chắc chắn cuộc sống chúng ta không phạm sai lầm, làm gì có ác nghiệp, khổ đau.
Vua Tịnh Phạn nhận ra được tư chất cao quý của Phật thể hiện trọn vẹn trong cuộc đời giáo hóa độ sanh của Ngài. Đức Phật làm lợi lạc cho mọi người, Ngài vẫn thanh thản, giải thoát. Trong khi vua phải điều động, nắm giữ mọi thứ, khổ sở, vất vả biết bao. Thậm chí, đến việc hưởng thụ, nhìn một mặt thì thấy vua có kẻ hầu người hạ, sung sướng. Nhưng quán sát ở mặt xuất thế, có cái gì ta được mà không phải trả giá. Hưởng phước nhiều thì đến mức độ nào, phước cũng mòn và nghiệp lại tăng. Nghĩa là sự đòi hỏi của chúng ta cứ cao dần mà sự cung ứng thì giảm đi và bị người oán trách nhiều thêm.
Theo tôi, lúc còn trẻ, khỏe mạnh, chúng ta có thừa sức phấn đấu; nên khắc phục nghiệp là hạn chế tối đa sự ham muốn của bản thân. Thiết nghĩ tập sống bớt lệ thuộc tiện nghi vật chất đến mức đạt được vô nhiễm, cũng là điều đáng quý. Còn nghiệp nặng, đụng vô cái nào là nhiễm ngay, làm sao tiến tu đạo nghiệp.
Cuộc sống của Đức Phật thể hiện rõ nét công đức của Ngài càng lớn, nghiệp càng giảm. Vì Phật ăn ở, sống thế nào cũng khỏe mạnh. Ngài đã từng ở gốc cây, ăn cơm hẩm, lúa ngựa mà vẫn thanh thoát. Đức hạnh và trí tuệ của Ngài có ai sánh bằng. Rõ ràng đối với sự đòi hỏi, bức bách của nghiệp thân, Đức Phật hoàn toàn dứt sạch.
Tôi nhắc các Tăng Ni sinh nên sống ít tốn kém càng có lợi. Còn phước nhiều, phải nỗ lực tu, đừng nghĩ đến hưởng thụ. Mai kia hết phước, nghiệp tăng là bị đọa ngay. Tập sống độc lập, đứng vững trên đôi chân mình, không lệ thuộc thiên nhiên, không lệ thuộc người khác về vật chất lẫn tình cảm. Được như vậy, chúng ta mới có tự thọ dụng thân và giải thoát thực sự.
Phật nhắc nhở vua Tịnh Phạn đừng hưởng thụ hết phước thì khổ, bằng cách dẫn chứng câu chuyện tiền thân của Ngài. Lần thứ nhất, Phật làm Chuyển luân Thánh vương tên là Vô Biên Xưng chinh phục được bốn châu thiên hạ, có đầy đủ bảy báu. Trong bảy báu, quan trọng nhất là thế lực, những người giỏi, tốt hết lòng trung thành với vua. Điều này nhắc chúng ta lưu ý, khi chưa có người giỏi tốt hợp tác, thậm chí chỉ có người xấu đến là biết oan gia nghiệp chướng của ta; cần phải ẩn nhẫn tu hành. Nói chung, chưa có thầy hiền bạn tốt, đừng nghĩ đến làm việc lớn.
Kế đến, Chuyển luân Thánh vương phải có bảo nữ hay người sống gần gũi phải tốt. Vua Kiệt, vua Trụ giỏi, có nhiều người trung thành, nhưng lại bị hoàng hậu chuyên mê hoặc xúi bậy.
Thứ ba là Chuyển luân Thánh vương phải có bảo châu. Kinh diễn tả là có viên minh châu xuất hiện trên trời đi về hướng nào thì ông kéo binh đến đó. Theo tôi, viên minh châu tiêu biểu cho trí thông minh. Kinh Pháp Hoa cũng dùng hình ảnh viên minh châu trên búi tóc để chỉ cho trí sáng suốt của minh quân thấy được người có tài đức, việc nên làm, nơi nào đáng chinh phục. Tiếp theo Chuyển luân vương phải có bốn binh chủng hùng mạnh. Các nước xung quanh nghe nói vua có binh mạnh, phụ tá giỏi và đầu óc sáng suốt, họ phải nể phục.
Nhưng Chuyển luân Thánh vương không ỷ vào sức mạnh để đi xâm lăng nước khác. Ông chỉ dùng đức độ để cảm hóa dân, cai trị theo Thập thiện nghiệp đạo. Vì vậy, nước của ông luôn thái bình.
Khi có đầy đủ những điều kiện tốt như vậy rồi, Chuyển luân Thánh vương muốn được cái cao hơn nữa là ông lên đỉnh núi Tu Di, rồi lên cung Trời Đao Lợi. Ở đây, ông được vua Đế Thích nhường cho nửa tòa; nhưng ông lại khởi ý niệm truất phế Đế Thích, tức thì ông liền rớt xuống trần gian.
Ý này gợi chúng ta suy nghĩ, đến đâu gặp được người đối xử tốt, ta lại truất bỏ họ; thật là ta ác quá. Chẳng hạn thấy vị Trụ trì tốt, nhưng dở, nên ta có ý định thay ông luôn. Khởi lên ý niệm ác này, ta phải nhớ kinh Bảo Tích dạy mà thức tỉnh. Chùa của họ và họ nuôi ta, ta chỉ là khách. Nếu ta giỏi thật thì phai giúp đỡ họ lên mới thực sự đi đúng đường Phật dạy. Còn sinh ra ý niệmcướp của người thì đọa xuống trần gian không sống nổi. Vì quen sống sung sướng ở cõi trời, nay rớt xuống nhân gian sống thiếu thốn, phải đành chết. Kinh diễn tả là Chuyển luân Thánh vương Vô Biên Xưng nghe mùi thức ăn trần gian không chịu nổi đến thân tâm bị hôn mê.
Đức Phật cho biết cả ba lần trong kiếp quá khứ, Ngài đã từng làm Chuyển luân Thánh vương và đều có ý niệm muốn làm bá chủ và đều rớt xuống nhân gian. Đen lần thứ tư, Ngài (tức tiền thân Phật) không dám khởi ý niệm ác. Ngài cũng được Trời Đế Thích đem long xa rước lên Diệu Pháp đường và cũng nhường nửa tòa. Ngài liền thuyết Phật pháp và chư thiên đều phát tâm. Sau đó, Ngài lại trở về nhân gian để độ sanh. Từ đó về sau, đời nào Ngài cũng đủ tư cách Chuyển luân Thánh vương có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp và xuất gia. Đó là kinh nghiệm ba lần tiền thân Phật khởi tham vọng hưởng thụ, nên bị đọa, chịu khổ. Lần thứ tư có ý thức cứu người, thấy sự vật chính xác và không tham đắm, mới tiến tu được.
Ngài dạy vua Tịnh Phạn rằng các pháp là huyễn mộng, không thật, tất cả cuối cùng đều hoàn không. Tịnh Phạn thấu được lý Phật dạy nên xả bỏ tất cả, chứng Tam pháp ấn là không, vô tác, vô nguyện. Và ông cũng nhận ra ý nghĩa ảo tưởng của cuộc sống này, thấy được sự thật rằng Sĩ Đạt Ta không phải là con của Tịnh Phạn. Trong chiêm bao của đời người một trăm năm, hai người tạm thời đóng vai cha con mà thôi. Nhưng tỉnh mộng, trở về với con người trên chơn tánh, thì vua và Phật chẳng phải cha con. Trên sanh diệt môn, xác thân thay đổi vô cùng. Trở về Chân thật môn mới sống được với con người vĩnh hằng bất tử.