cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1


Theo kinh Nguyên thủy, Phú Lâu Na là Thanh văn. Nhưng kinh Bảo Tích xem Phú Lâu Na là Bồ tát. Và theo kinh Pháp Hoa, ngài là Bồ tát thị hiện Thanh văn, không phải chỉ ở thời Đức Phật Thích Ca, ngài mới là thuyết Pháp sư đệ nhất, mà từ thời quá khứ và cả trong tương lai cũng vậy. Vì thế, ngài được thọ ký thành Phật và thế giới của ngài cũng đặc biệt, có trời người sống chung với nhau, thông cảm và chấp nhận nhau.

Điều này có nhiều người hiểu lầm đạo Phật hoàn toàn bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, giỏi dở. Thực sự chúng ta cần hiểu rằng tất cả mọi người bình đẳng trên chân lý. Tuy nhiên, trong sinh hoạt đời thường, mỗi người có hoàn cảnh riêng để sống, không ai giống nhau; nhưng không vì đó mà chúng ta đánh giá người khác thấp.

Thật vậy, trong Tăng đoàn, đương nhiên có người tu trước, người tu sau. Trong các đoàn thể hay trong cộng đồng xã hội cũng vậy, người chức vụ cao, người làm việc nhỏ. Nhưng trong mọi sinh hoạt theo mô hình Phật giáo, thể hiện tinh thần bình đẳng là mọi người hiểu nhau, kính trọng nhau, hòa hợp với nhau để đưa cộng đồng và cá nhân cùng thăng hoa. Người mới tu phải thân cận các bậc Thầy hay lớp đàn anh để học hỏi, tiến tu và người tu lâu có bổn phận dìu dắt lớp đàn em cùng tiến trên Thánh đạo.

Trong pháp hội này đưa ra mô hình cho chúng ta định vị Bồ tát. Bồ tát là gì và tư cách của Bồ tát như thế nào. Chúng ta đã biết Tam thừa giáo là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát dẫn đến Phật quả. Nhưng theo Pháp Hoa, lấy Nhứt thừa làm chính, chỉ có một con đường duy nhất là Bồ tát đạo đưa mọi người đến Phật quả. Phần hành của Thanh văn, Duyên giác được nhập chung vô Bồ tát, được coi là giai đoạn mở đầu của Bồ tát. Vì vậy, hành đạo Bồ tát không thông qua quá trình tu của Thanh văn, Duyên giác thì không phải là Bồ tát.

Theo Nhứt thừa giáo, Thanh văn và Phật cũng là Bồ tát. Chỉ khác nhau ở vị trí phát xuất là từ quả hướng nhân, hay từ nhân hướng quả. Bồ tát từ nhân hướng quả, vừa lo tìm giải thoát cho mình, vừa độ người, là tu tự giác và giác tha của Bồ tát thuộc Tam thừa. Nói cho dễ hiểu là vừa học vừa làm.

Bồ tát từ quả hướng nhân chỉ cho những vị đã thành Vô thượng Đẳng giác phát tâm đại bi trở lại cuộc đời để cứu độ chúng sanh. Cả hai phần tự giác và giác tha đã viên mãn; nhưng vì thương nhân gian, hiện thân lại độ sanh, gọi là bậc giác hữu tình. Hiểu theo Quyền thừa, Đức Phật Thích Ca là Bồ tát Hộ Minh ở cung Trời Đâu Suất sinh lại dòng họ Thích và tu thành Phật.

Nhưng theo tinh thần Nhứt thừa giáo của kinh Pháp Hoa, Ngài đã thành Phật từ ngũ bách ức trần kiếp sanh lại. Cung Trời Đâu Suất là nơi chư Phật trụ đại Thiền định. Và từ đây, Ngài khởi tâm thương chúng sanh ở Ta bà, quán sát nhân duyên và quốc độ để sanh lại độ đời; nghĩa là trở lại công việc của Bồ tát. Vì vậy, Phật và Bồ tát theo tinh thần này là một.

Theo quá trình văn tư tu, Thanh văn, Duyên giác là hai bước đầu để tiến lên Bồ tát. Hàng Thanh văn lo phát triển văn huệ, học pháp Phật. Hàng Duyên giác suy nghĩ lờiPhật dạy là tư huệ và Bồ tát tu huệ, thực tập pháp Phật trong cuộc đời. Thành tựu trọn vẹn cả ba phần hành này, đạt đến Vô thượng Bồ đề.

Theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm, giai đoạn học và suy tư lời Phật cũng là con đường của Bồ tát. Bồ tát tu Thập Tín là học, tu Thập Trụ là suy niệm và tu Thập Hạnh là dấn thân vào đời thể nghiệm pháp Phật. Quá trình tu Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh thuộc phần hành của Bồ tát Quyền thừa. Qua phần hành Thập Hồi hướng mới đến Bồ tát Chơn thừa.

Đức Phật dạy Phú Lâu Na rằng Bồ tát không phải là phàm phu và cũng không phải Nhị thừa. Phàm phu lấy hưởng thụ cho bản thân là chính, luôn đòi hỏi. Họ còn nhiều ham muốn, dễ bực tức, nóng nảy và quyết định nhiều sai lầm. Chính vì hành động của họ do tham sân si chỉ đạo, nên phải thọ quả báo xấu và khổ đau. Tất nhiên, chúng ta không thể nào nhầm lẫn tư cách xấu ác ấy của phàm phu với tư cách thánh thiện của Bồ tát.

Hàng Nhị thừa Thanh văn, Duyên giác lo phát triển tự thân bằng cách thân cận các bậc cao đức, để học và suy nghĩ việc làm của các ngài. Họ chưa phải là Bồ tát, nhưng là quyến thuộc của Bồ tát, nương theo Bồ tát để tăng trưởng tri thức.

Bồ tát không học như Thanh văn, cũng không ham ưa ngũ dục như phàm phu. Bồ tát có trực giác, hiểu biết mọi việc một cách chính xác mà không cần suy nghĩ, không cần học.

Bồ tát từ tâm đại bi khởi lên việc làm, vào đời cứu người bất vụ lợi, khác với phàm phu lợi mình mới làm. Hành đạo theo tinh thần lợi tha vô ngã, Bồ tát vào đời không đòi hỏi quyền lợi cho mình, chỉ vì mọi người; lấy tâm và yêu cầu của người làm tâm và yêu cầu của mình. Họ chịu đựng được tất cả, làm mọi việc, miễn chúng ta được trưởng thành.

Bồ tát có vô số phương tiện độ sanh, làm lợi ích cho số đông. Bình thường, chúng ta giúp người bằng tâm tốt, nhưng họ không biết ơn thì ta giận và bỏ họ liền. Bồ tát thì không như vậy. Đối với chúng sanh cang cường, khó điều phục, Bồ tát dùng đủ mọi cách để chiều họ, giúp họ thăng hoa. Bồ tát dễthương, dễ kính ở chỗ đó. Thí dụ như ta bệnh, không uống thuốc thì chết. Thầy thuốc hay Bồ tát phải năn nỉ ta uống thuốc cho ta mạnh.

Xá Lợi Phất nhận ra ý này, đã trình bày với Phật bằng tất cả tấm lòng rằng đến nay (tức thời Pháp Hoa), ngài mới hiểu tấm lòng của Phật đối với chúng sanh, đối với các ngài. Phật ở Niết bàn, cần chi thọ ngũ ấm thân, chịu cực khổ. Chỉ vì muốn dìu dắt hàng Nhị thừa, Đức Phật phải sống chung với họ, mang thân đi khất thực. Trong khi thực sự Ngài là đấng Pháp vương Vô thượng sở hữu Thánh tài vô tận, đâu phải là người xin ăn.

Bồ tát khác chúng sanh ở điểm gặp việc đáng giận, đáng buồn, các ngài vẫn thanh thản. Phật cho biết các vị Bồ tát dù có bị vu oan, họ vẫn vui cười. Chúng ta tìm tri thức học đạo, nên tìm những người như vậy. Riêng tôi, quan sát thấy vị nào dễ nổi nóng, việc chưa đáng giận đã giận là biết ác tri thức, không dám gần họ. Thật vậy, nương theo Đạo sư nóng nảy, rất nguy hiểm. Vì cơn giận nổi lên, họ chụp nhằm dao, cuốc gần đó cũng phang đại vô ta. Gần họ, ta cũng nóng nảy theo, hoặc cũng thành khùng điên vì sợ quá. Thấy các vị tu hành gặp việc khó khăn, đáng buồn, họ vẫn hoan hỷ, lo Phật sự không mệt mỏi; ta nên thân cận họ.

Bồ tát hơn đời ở điểm việc càng khó họ càng bình tĩnh, càng nhẫn nhục với chúng sanh khó độ. Chúng ta thuộc hàng Nhị thừa phải tìm Bồ tát là người có đức tánh ấy để ta nương tựa, bảo đảm được an lành. Tôi nương theo Hòa thượng Thiện Hòa tu học. Ngài nổi tiếng rất hiền, chịu đựng, kiên nhẫn. Lần hồi, tánh nóng nảy của tôi cũng tự mất. Vì khi giận, buồn, khó chịu, trông thấy Hòa thượng, lòng tôi nhẹ. Có thiện tri thức như vậy, chúng ta dễ tiến trên đường đạo. Nhờ vị Đạo sư hiền lành, đức độ, ta thấy Thầy cao vòi vọi, cũng tự phấn đấu đi lên, học được phần nào đức tánh tốt của Thầy. Tôi học được Hòa thượng Thiện Hòa đức nhẫn, đó là một hạnh của Bồ tát. Nhịn không được dễ đọa địa ngục. Thành quả mà tôi tu tạo được như ngày nay chính là nhờ sức kham nhẫn.

Khi ta nghèo, dở, bị người giàu, thế lực hơn ăn hiếp, ta phải chịu nhịn. Đó là nhẫn vì lợi cho mình, không phải là nhẫn của Bồ tát. Bồ tát vì người mà nhẫn, như các Hòa thượng không được lợi lộc gì, các ngài vẫn kiên nhẫn để nuôi dưỡng ta trưởng thành. Các ngài không cần gì ở ta, chỉ mong ta trở thành Hiền Thánh. Bồ tát rất giỏi, tốt, nhưng chấp nhận gần gũi, làm bạn với chúng ta, để giúp chúng ta thăng hoa. Đó là tấm lòng vị tha của Bồ tát.

Phật dạy Phú Lâu Na chọn bạn, tìm người có tâm hồn Bồ tát, hạnh Bồ tát mà gần gũi, học hỏi. Học với Thanh văn, ta trở thành Thanh văn; học với phàm phu, ta trở thành phàm phu. Phàm phu Tăng sử dụng khôn dại của thế gian, tai hại vô cùng. Quyền lợi, danh vọng không nên đem vào chốn Thiền môn. Đi tu phải có tâm hồn thoát tục. Biết phàm phu tâm còn đeo ta, thì phải cởi bỏ lần để tâm trong sáng, hành động tốt. Giữ mãi tâm xấu ấy chắc chắn bị đọa.

Chúng ta còn non kém, còn phàm phu mà gần người xấu, tánh xấu này sẽ tăng trưởng trong ta. Ví như chúng ta thèm thuốc lá và được cho thêm thuốc hút, tất nhiên nghiệp này tăng lên. Theo tôi, người thích hưởng thụ không đi xa được. Lúc còn tu Nhị thừa, phải khắc phục nghiệp càng nhiều chừng nào càng tốt chừng đó. Không cần tiện nghi mới được giải thoát. Lệ thuộc tiện nghi vật chất nhiều, lần lần chúng ta tệ ra. Sung sướng quá, về sau khổ một chút là không chịu nổi. Thuở nhỏ, tôi khổ quá, nên khi tu, gặp khổ nào cũng chịu được. Cần rèn luyện sức chịu đựng. Thực tế có những người giúp đỡ chúng ta, nhưng chính sự giúp đỡ của họ đã là cơ hội thuận tiện dẫn chúng ta tạo thêm nghiệp ác. Vì thế chúng ta cũng cần cân nhắc, nỗ lực khắc phục nghiệp để được tự tại.

Phật khuyên Phú Lâu Na nên thân cận Bồ tát Tăng hơn là Nhị thừa Tăng nghĩ đến giải thoát riêng mình. Thân cận Bồ tát Tăng, tôi thấy họ hy sinh nhiều, chẳng lẽ mình đòi quyền lợi. Như vậy, lần giúp chúng ta trưởng thành.

Nhận ra Bồ tát Tăng và thân cận, chúng ta mới được sống trong Bồ tát học xứ. Đó là thế giới tâm linh, không hạn cuộc thời gian, không gian. Đọc tụng hạnh nguyện của các Bồ tát quá khứ và đồng cảm với các ngài, chúng ta cũng thân cận được các ngài. Tôi học hiểu Bồ tát đạo trong kinh điển. Lý tưởng này siêu thời gian vì hành động và ý tưởng tốt vẫn còn để lại. Chúng ta bắt gặp ý tốt đó, cảm thấy thân thương, gần gũi họ. Hình ảnh này không hiện hữu trong thực tế. Trở về đời thường, tôi quan sát trong lớp, xem ai có tinh thần vô ngã vị tha, ai là người muốn học để đắc quả La hán hay để có chức vị trong Giáo hội. Nghĩa là tôi tìm trong học xứ Thánh phàm đồng cư và tự gạn lọc tâm tôi để duyên với bạn tốt. Những người xấu ở chung với tôi, dù ngồi bên cạnh, tôi cũng không nghe họ, vì tâm tôi và họ cách xa muôn trùng. Nhưng bạn đồng hạnh đồng nguyện dù ở xa, mà suy nghĩ và việc làm giống tôi, tôi và họ đã có sự gắn bó mật thiết. Đó là thế giới tâm linh vô hình, không phải thế giới hiện thực vật chất.

Chúng ta tìm Bồ tát quyến thuộc ở dạng này thì có, nhưng tìm trong một chùa thì khó có. Tìm trong Pháp giới chúng sanh, ta có Bồ tát quyến thuộc đông vô số chỉ hiện hữu trong thế giới Thường Tịch Quang. Đó là thế giới chân linh mà ta dùng tâm thâm nhập, gặp được. Còn thực tế thì có đi khắp thế giới cũng không tìm được bóng dáng một người như vậy. Đối với tôi, hành Bồ tát đạo, thâm nhập thế giới Bồ tát qua kinh sách và qua tâm của những người có tâm hồn vị tha. Với phàm phu Tăng, tuy sống chung, nhưng gần như không quen biết.

Đức Phật nói hàng Bồ tát tuy sống xa Phật, nhưng thông với Phật thành một cõi; vì ý niệm và hành động của các ngài giống Phật. Chúng ta nhận ra ý này. Ngày nay, mặc dù sống cách Phật hơn hai ngàn năm, chúng ta vẫn thấy gần gũi, thân thương với Ngài.

Hành đạo theo Đại thừa, khi suy nghĩ và việc làm của tôi và các Tăng Ni sinh giống nhau, chúng ta đã gần nhau, tuy thực tế mỗi người ở một nơi. Còn hai cô ở chung một chùa nhưng không nhìn nhau, không chấp nhận nhau được; vì tâm ý hai người hướng hai chiều trái ngược nhau.

Có thể nói xây dựng thế giới quan của Bồ tát, chúng ta phải mở tâm rộng để dung tâm hồn lớn và vô tâm là tâm trống không, để loại bỏ tâm hồn nhỏ bé. Có như vậy, người ác xấu mới không quấy rầy ta, chúng ta thâm nhập được học xứ của Bồ tát để tu, để sống.