cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1


Mở đầu pháp hội, Bồ tát Hỷ Vương tán thán Đức Phật. Tên của Bồ tát có nghĩa là người đạt được nguồn vui lớn. Hỷ Vương có danh xưng này vì Bồ tát sống gần Phật, học với Phật, nghe được pháp vô ngôn, thấy được sự hiểu biết của Phật thật cao tột, cùng với tâm hồn và việc làm thánh thiện của Phật tuyệt vời vô cùng. Thấy Phật như vậy khiến ông hếtlòng kính trọng, tin tưởng Phật và nhận được niềm vui kỳ diệu, không gì có thể so sánh, đánh đổi được. Không có cái thấy hay độ cảm tâm như vậy, không tu được. Vì thấy theo bình thường, Phật cũng như mọi người, chúng ta sẽ không dám dấn thân hành đạo, không dám hy sinh.

Khi Bồ tát Hỷ Vương tán thán Phật xong, thì Hộ Quốc Bồ tát xuất hiện, hướng dẫn một số Tỳ kheo vừa mãn an cư kiết hạ về thành Vương Xá, đến Kỳ Xà Quật đảnh lễ Đức Phật. Điểm này gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng trước khi an cư, chúng ta nhìn theo nghiệp, thấy cuộc đời ảm đạm và hoàn cảnh khó khăn bao vây. Nhưng nay trải qua quá trình tu ba tháng an cư, tầm nhìn của chúng ta phải thay đổi. Nghiệp đã lắng xuống và huệ phát sanh, nên phải thấy khác.

Hộ Quốc Bồ tát đưa một số tân Tỳ kheo ra mắt Phật, để xem họ nhận thức về Đức Phật có giống như ông hay không. Ý này cũng gợi cho chúng ta suy nghĩ trên bước đường tu, người đồng sự, đồng tu với chúng ta có ý thức, ý nguyện và việc làm giống như ta hay không. Nếu họ có cái nhìn về Phật giống ta và họ cũng tha thiết thể hiện tinh thần Phật dạy trong cuộc sống giống như ta, thì biết đó là bạn đồng hạnh, đồng nguyện. Ta có thể kết làm quyến thuộc, tu chung với họ.

Riêng tôi, bạn thật nhiều, nhưng dường như tìm được người đồng hạnh, đồng nguyện là điều không dễ. Có người cùng ý niệm với ta đã khó và khi tiếp Tăng độ chúng, tìm được người cùng chí hướng, cùng việc làm như ta càng khó hơn nữa. Tôi thường thử dẫn họ đi lễ Phật, để xem niềm tin của họ như thế nào, có giống như mình hay không. Cùng là tượng gỗ, nhưng mỗi người nhìn thấy khác nhau. Có người chỉ thấy Phật gỗ hoặc thấy tượng đẹp hay xấu, hoặc lạy Phật lấy lệ, theo hình thức thôi. Người có nhân duyên căn lành thì thấy khác; thậm chí không có tượng Phật, chỉ thấy áng mây bay, dòng nước lặng lẽ, hay dãy núi hùng vĩ mà nghĩ đó là Phật, Bồ tát. Thấy bằng niềm tin thì như vậy.

Hộ Quốc Bồ tát thấy sức sống của đạo pháp thật đẹp biết bao, thấy Đức Phật cao quý nhất. Ngài không biết đệ tử của mình có thấy giống như vậy không, hay là họ coi Phật như một ông già ốm yếu.

Từ tầm nhìn về Phật cao sang tột đỉnh, Hộ Quốc Bồ tát mới hỏi Phật làm sao các Bồ tát tiến đến Vô thượng Bồ đề. Nói cách khác, thấy cái được của Phật mới muốn được như Ngài, là thấy đạo mới tu được.

Câu hỏi đơn giản này khiến tôi suy nghĩ cái được của Phật và cái không được của mình. Tôi nhớ Hòa thượng Minh Châu nói rằng Hòa thượng sung sướng được làm đệ tử của Phật, được sống trong giáo pháp của Phật, hiểu Phật và vui với hương vị giải thoát của Phật pháp. Đó là cái đẹp nhất của cuộc đời người tu theo Phật. Người không theo Phật làm sao có được niềm vui kỳ diệu ấy. Họ có tiền bạc, đền đài, cung điện hơn chúng ta nhiều. So về danh lợi vật chất thì chúng ta thua xa họ, nhưng họ không bao giờ có được cuộc sống giải thoát như đệ tử của Phật.

Pháp Phật dạy hoàn toàn khác với thế gian. Vì vậy, tâm niệm thế gian không thể so với tâm niệm của người tu hành theo Phật. Người thế gian cầu lợi dưỡng, người tu thì cầu giải thoát. Chúng ta tự kiểm lại xem mình có thực sự cầu giải thoát hay không. Đi đúng hướng Phật dạy, mới khả dĩ thấy Phật và được giải thoát.

Đức Phật từ bỏ quyền uy, giàu sang tột đỉnh để đi tìm chân lý. Theo Bà la môn giáo, việc làm này của Phật là sai lầm. Đối với kiến giải Đại thừa, khi tia sáng trí tuệ lóe lên, thì chúng ta thấy đúng. Nhưng vô minh nổi dậy, chúng ta cũng thấy sai.

Thấy sai lầm rằng Đức Phật từ bỏ tất cả quyền lợi, nên Ngài mất tất cả. Hiểu sai lệch theo nghĩa tiêu cực, Tỳ kheo phải từ bỏ tất cả, để trở thành kẻ ăn hại và bỏ mặc cho kẻ xấu nắm giữ quyền hành, thao túng mọi mặt, rồi tiêu diệt luôn cả Phật giáo. Đó là thực trạng sai lầm khiến cho Phật giáo Ấn Độ đã từng bị biệt tăm hàng chục thế kỷ.

Thuở nhỏ tôi tu hành cũng rơi vào tình trạng sai lầm, thích tu khổ hạnh đến mức sức khỏe suy kiệt. Nếu không thức tỉnh kịp thời, thì đã không thể tiến tu đến ngày nay. Chính ta thực hành sai, không phải giáo pháp của Phật sai. Nếu ta chọn con đường tu mà dẫn đến kết quả tự hủy diệt bản thân mình và tiêu diệt đạo, thì rõ ràng hoàn toàn khác với lộ trình của Phật trải qua dẫn Ngài đến quả vị Toàn giác.

Đức Phật đưa ra mẫu người tu tiêu biểu là Hộ Quốc. Đó là Tỳ kheo Bồ tát, không phải tại gia Bồ tát. Nếu người xuất gia tự thủ tiêu khả năng của bản thân, làm tác hại cho sự trường tồn của đạo pháp là điều sai lầm. Nhưng nếu Sa môn vào đời cũng làm những việc y hệt người đời thì cũng sai. Luật Phật cấm người xuất gia không được làm quan, không được kinh doanh hay làm ruộng …, chỉ làm khất sĩ, tức xin ăn.

Mới tu, chúng ta phải như vậy, không thể khác. Tuy nhiên, không phải suốt đời xin ăn; mà cần nỗ lực phát huy đạo đức và tri thức để đạt được quả vị Ưng cúng, xứng đáng cho mọi người cung kính cúng dường. Tôi sang Campuchia thấy một Tỳ kheo ở chùa, không khất thực. Mỗi sáng, Phật tử mang đến cúng dường các sư nhiều đến mức độ không dùng hết, chỉ lấy tay chạm lên thức ăn để chứng minh và cầu phúc cho đàn na tín thí. Sau đó, họ gom thức ăn lại, để bố thí cho người nghèo.

Chúng ta thấy rõ đây là mẫu Tỳ kheo Bồ tát, khác với sự suy nghĩ bình thường của chúng ta là Tỳ kheo phải đi khất thực để sống, thì làm sao có của mà bố thí. Thật vậy, các vị Tỳ kheo này không làm nông, công, thương hay các ngành nghề của thế tục, không có thu nhập. Nhưng họ đạt được quả vị Ưng cúng, khiến cho người thương kính phát tâm cúng dường. Họ có dư thừa, không dùng, mang bố thí. Đó là chánh hạnh của Bồ tát, thể hiện ý nghĩa người tu bỏ tất cả, nhưng được tất cả; hay bỏ cái tầm thường nhỏ nhặt, được cái cao quý rộng lớn. Bỏ cung điện, quyền uy, xuất gia để được như Phật, thì chúng ta nên bỏ. Còn bỏ để trở thành ăn xin, phiền não thì đừng bỏ. Hoặc bỏ để Phật giáo bị tiêu diệt, chắc chắn không nên.

Vì vậy, người tu phải có trí tuệ, biết rõ Đức Phật từ bỏ quyền lợi thế gian để được Vô thượng Đẳng giác, làm Thầy của trời người. Các vị Thánh Tăng, mỗi vị từ bỏ sự nghiệp khác nhau để trở thành La hán, hay Tổ sư, hay đắc được pháp phần nào đó.

Tóm lại, quá trình tu của Tỳ kheo đạt cho được quả vị Ưng cúng mới có thể bố thí, được cúng dường đầy đủ. Hộ Quốc Bồ tát hỏi để các tân học Tỳ kheo hiểu tại sao Đức Phật ở yên một chỗ mà hàng ngoại đạo, trí thức, vua chúa, thường dân tụ tập lại dâng cúng Ngài và hết lòng kính trọng, quy mạng.

Câu hỏi của Hộ Quốc Bồ tát làm sao đạt đến Vô thượng Bồ đề, hay đó cũng chính là mối ưu tư lớn nhất của hàng tu sĩ. Xưa kia, Đức Phật không chống đối ngoại đạo, nhưng hàng phục được họ. Nối tiếp mạng mạch của Phật pháp, những Thiền sư làm được việc giống Phật. Điển hình như Vạn Hạnh thành công trong việc hộ quốc an dân, vua phải kính nể và Ngài cũng nhiếp hóa được Khổng giáo, Lão giáo thành Tam giáo đồng nguyên. Trái lại, có lúc Phật giáo bị suy đồi vì người tu chấp pháp, đặt mình vào tình trạng đối kháng với ngoại đạo, đối kháng với vua chúa. Vì thế, bị họ tiêu diệt; hoặc tự đẩy mình ra ngoài lề xã hội, nên bị coi là ăn bám; hoặc chống lại phong tục tập quán, luật pháp ở nơi đó, trái với yêu cầu của mọi người. Thử hỏi làm sao mà tồn tại nổi.

Vì vậy, Phật giáo đặt ra tiêu chuẩn hành đạo là phải thích nghi với thời gian, quốc độ và tập tục của dân địa phương. Chúng ta còn nhớ vào thời kỳ Phật giáo du nhập vào Việt Nam, đất nước ta đã có tín ngưỡng thờ cúng năm bà. Xây dựng hài hòa với tinh thần này, chúng ta có chùa Pháp Điện, Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Vũ. Dần dần, các nhà sư chuyển đổi năm bà có quyền hành trở thành người hộ pháp, được thờ phượng ở miếu ngũ hành trong sân chùa và chánh điện rộng lớn để thờ Phật được kính ngưỡng hơn. Nếu quá khích, chúng ta bài bác họ, đụng chạm đến tín ngưỡng của địa phương, thì ta cũng khó ở yên.

Theo kinh Nguyên thủy, nhắm đến việc độ sanh của Đức Phật. Và chuyển sang kinh Tiểu thừa, nhắc đến việc độ sanh và độ người. Đến kinh Đại thừa, kết hợp hài hòa với phong tục tập quán, đưa chư thiên, chư thần vào và hướng dẫn họ lên tư cách của Bồ tát. Có thể thấy đó là tổng quan của đạo Phật để tồn tại song hành với cuộc đời.

Nếu chúng ta tự cô lập để bị nhiều thành phần chống đối, thì tồn tại sao được. Đưa chư thần hay chư thiên vào, nghĩa là đưa tín ngưỡng nhân gian vào. Chú Đại Bi phần lớn có tên của các vị thần Ấn Độ giáo. Đưa họ vào Phật giáo và nâng họ lên thành Bồ tát có khả năng dung hóa được tất cả.

Từ một Tỳ kheo Tiểu thừa một mình đơn độc, nâng lên trở thành Tỳ kheo Bồ tát có tâm hồn phóng khoáng, dung nhiếp mọi người quy phục, kính ngưỡng. Đó chính là ý của Bồ tát Hộ Quốc hỏi Phật phương cách để đi đến quả Vô thượng Bồ đề.

Đức Phật dạy rất nhiều, nhưng có thể tóm lại rằng một vị Tỳ kheo ngoài việc phải giữ gìn phẩm hạnh của tu sĩ, còn phải phát tâm Bồ đề, hành Bồ tát đạo. Nghĩa là thực hiện việc làm bao dung được quần chúng, lợi lạc chođời.

Có thể nói việc làm của Bồ tát xuất gia khác với Bồ tát tại gia. Điển hình như vị Tỳ kheo không có của cải, nhưng vẫn hành bố thí được, nếu có đức hạnh và uy tín. Sử dụng tiếng nói đạo đức ấy để tác động cho người hằng tâm hằng sản cúng dường, bố thí, thành tựu được nhiều Phật sự lớn lao. Vì vậy, người đời thường nói "Của vua thua của Phật”. Câu nói ấy cho thấy ý nghĩa rằng Đức Phật có một kho tàng lớn lao vô cùng. Làm sao chúng ta sử dụng được để cứu giúp chúng sanh. Và kho tàng mà Phật để lại cho chúng ta là gì.

Có người nghĩ Đức Phật để lại tam tạng thánh điển và chúng ta chỉ việc đem ra đọc, học, truyền bá là đủ. Thiết nghĩ chúng ta đọc tụng văn tự kinh là tất yếu. Nhưng điều đó không có nghĩa là lặp lại y như kinh. Vì phần quan trọng là phải nắm bắt được yếu nghĩa tiềm ẩn trong kinh; nói cách khác sử dụng cho được vô tự chơn kinh mà Đức Phật để lại. Đó mới chính là kho tàng vô giá của Phật, vô tận tạng, hay công đức của Phật. Người nào sử dụng được kho tàng này, chắc chắn giàu mạnh hơn vua. Thực tế có những vị Tỳ kheo sống đơn giản, không thấy họ có tài sản gì, nhưng khi người cần đến sự giúp đỡ của họ thì bao nhiêu cũng đáp ứng được.

Có vô tận tạng là có công đức. Người tu mà không thấy công đức, không tạo được công đức và không sử dụng được công đức, thì nghèo đói, khổ sở. Chúng ta tu học, tất yếu nhắm vô ý này. Công đức của Phật, của các vị Tổ sư như thế nào, chúng ta nhận biết và khai thác được, thì trở thành giàu có. Ngoại đạo và vua chúa không thể có tài sản này. Chỉ hàng đệ tử Phật tu đúng chánh pháp mới có; nhưng nếu không khai thác được, sẽ trở thành cùng khổ. Kinh Pháp Hoa diễn tả ý này bằng hình ảnh gả cùng tử ôm ngọc quý đi làm thuê mướn. Chúng ta không thể nào biện minh cho việc con của đấng Pháp vương mà lại nghèo khổ, ăn hại.

Tỳ kheo Bồ tát có nhiều điểm ưu việt hơn hẳn hàng Bồ tát tại gia. Thật vậy, Tỳ kheo Bồ tát về hình thức giống với Đức Phật, được Phật xếp vào hàng trưởng tử của Ngài. Họ có đủ tư cách và khả năng thay Phật cứu độ chúng sanh, giữ gìn mạch sống của đạo pháp.

Ngày nay, bước theo dấu chân Phật, cần lưu ý rằng về hình thức và danh nghĩa, chúng ta đã giống Phật. Nhưng nếu chúng ta không phát huy được sự diệu dụng của tâm linh giống như Phật, thì cũng không thể nào đại diện cho Phật. Phải nỗ lực thăng hoa năng lực vô cùng của tâm linh, càng giống Phật càng tốt. Vì sử dụng được sự hoạt dụng của chơn tâm mới tạo được đời sống vĩnh hằng trong Pháp giới, mới cứu độ được muôn loài không chướngngại.

Theo Phật dạy, trước tiên, phải xây dựng được bốn pháp thanh tịnh của Tỳ kheo. Có thể khẳng định, mở đầu cho sự tu học Bồ tát đạo, cần ý thức rõ rằng chúng ta phải làm rất nhiều việc, nhưng vẫn phải giữ được tâm thanh tịnh. Làm mà đánh mất tâm thanh tịnh, thì phẩm chất của Tỳ kheo không còn và phạm tội phá pháp. Vì vậy, Thầy tu không được nóng giận, bực tức, thô bạo trong hành động, lời nói, việc làm và cả trong ý nghĩ.

Trước nhất, chúng ta cần thực hiện bốn điều Phật dạy để tạo được tư chất của một Tỳ kheo thanh tịnh, sau đó mới làm các việc khác. Trở thành Tỳ kheo thanh tịnh thực sự, vào đời làm đạo mới không bị nhiễm ô và không bị đọa. Vì thế, Đức Phật dạy phải đắc quả vị A la hán rồi mới phát tâm Bồ đề, hành Bồ tát đạo. Chưa được như vậy mà hành đạo, thì phải có Phật hay Bồ tát lớn để chúng ta nương theo tu, làm quyến thuộc của các Ngài.

Điều thứ nhất là Tỳ kheo phải chân thật với mình và người. Sống thiếu thành thật chưa phải là tu sĩ tốt. Ta không lừa dối mình, trong lòng thế nào thì thể hiện ra bên ngoài như vậy. Ta không giấu giếm điều gì và sống thật với người, từng bước khắc phục nhược điểm của ta; cho đến trải lòng thực sự tốt, người không phê phán được. Theo tôi, không thành thật, không thể tu gì khác được. Nếu ta còn giấu một việc xấu mà người phát hiện ra, thì chúng ta cũng mất hết. Sống chân thật, chẳng bao giờ chúng ta lo sợ bị bươi móc. Trong kinh thường diễn tả là người chân chánh an nhiên giữa tiếng thị phi, hay dân gian thường nói vàng thật không sợ lửa.

Ta là người mới phát tâm, còn nhiều ác nghiệp, hay mới đắc Tu đà hoàn, hay đắc A la hán … ; ta thế nào thì sống như vậy. Đừng sống khác, đừng thấp mà muốn làm cao, dởmuốn làm giỏi. Sống chân thật, bình thường, giúp cho chúng ta cảm thấy khỏe khoắn, thoải mái. Làm khác hơn thực tế của chúng ta sẽ khiến cho tâm không yên được. Thực tế cho thấy có người lúc sinh hoạt bình thường, họ không dám nói, không để lộ điều gì. Đến khi ngủ, họ không còn kiểm soát được nữa, nên thường la lên những gì mà họ ấm ức trong lòng đã bị đè nén. Chúng ta biết người ấy sống không thật.

Đức Phật khuyên chúng ta nên sống chân thật, ban đầu tuy có khổ cực, nhưng về sau được an lành; từng bước tiến tu của chúng ta cũng được vững vàng. Trái lại, người không chân thật giống như xây lâu đài trên cát,càng đi xa càng khổ, không lên được. Tôi đã thấy rõ các bạn đồng hành như vậy, nên cảm nhận sâu sắc lời Phật khuyên hoàn toàn đúng.

Điều thứ hai, Phật dạy người tu phải giữ tâm bình đẳng, không được phân biệt đối xử. Thực tế, tôi thường nghe nhiều người than phiền, vì gặp Trụ trì có thái độ ân cần với người giàu có và xua đuổi người nghèo khổ. Trọng người giàu là ta còn kẹt quyền lợi, vì họ cúng cho ta nhiều. Và khinh dễ người nghèo vì họ chẳng đáp ứng tham vọng của ta. Như vậy, không phải người tu chân chánh. Mất quyền lợi, ta đau; được quyền lợi, ta ham; nghĩa là còn sống với tham, sân, phiền não, rất hại cho đạo.

Đối với người phát tâm Đại thừa, Phật khuyên nên thấy Phật Vô Nan Thắng và bà già ăn mày ở thành Tỳ Da Ly không khác. Dưới mắt Tỳ kheo thanh tịnh cũng vậy, cả hai người, bà già ăn mày và Phật Vô Nan Thắng đều bình đẳng. Đạt được pháp nhãn ấy, chúng ta vượt ngoài lợi dưỡng, mới thực hiện được ý nghĩa xuất gia, hiện được tướng giải thoát, tâm không còn khởi tưởng đến quyền lợi nào. Thiết nghĩ trên bước đường tu, càng sớm từ bỏ quyền lợi càng tốt, để trở thành Tỳ kheo thanh tịnh.

Điều thứ ba, Tỳ kheo nên an trụ pháp Không hay Không, vô tác, vô nguyện. Theo tôi, pháp Không chính là không ham muốn. Nếu để cho tâm ham muốn bất cứ thứ nào lôi kéo, chúng ta dễ hư. Thấy người có tiền đi hành hương, có chùa, có bổn đạo, chúng ta đừng ham.

Tuy nói pháp Không, nhưng thực sự chúng ta chưa thấy được sự diệu dụng của nó. Cần thể nghiệm bằng tất cả cuộc sống, an trụ trong vô vi pháp mới có thể hiểu thâm ý của "Bản lai vô nhất vật” mà Tổ Huệ Năng dạy. Hoặc nhận ra được ý nghĩa của "Không” là kho vô tận, dùng không hết; không phải "Không” rồi không có gì. Tổ sư chùa Dư Hàng diễn tả ý này là "Vô nhất vật trung, vô tận tạng. Hữu hoa, hữu nguyệt, hữu lầu đài”. Câu này gợi cho chúng ta hình dung ra Đức Phật, hay Hỷ Vương Bồ tát thấy Phật an trụ "Vô nhất vật”, nhưng Phật có tất cảnhững gì cao quý mà người thế gian không có được.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy "Không sanh đại giác trung”. Nghĩa là "Không” mà Đức Phật chứng ở Bồ đề đạo tràng là năng lực giáo hóa của Ngài vô cùng vô tận và tác dụng tốt đẹp vượt không gian, thời gian. Phật dạy tâm Tỳ kheo hoàn toàn trống không, nhưng không có gì không nằm trong tầm tay chi phối của Ngài, mới có thể dẫn đến quả vị Phật.

Điều thứ tư, thanh tịnh Tỳ kheo nói và làm phải đi đôi. Không phải ta khuyên tín đồ bố thí, cúng dường, còn ta không làm được. Thật ra, ta làm, không khuyên, không bắt buộc; người thấy ta làm việc tốt, họ phát tâm làm theo. Vì vậy, sự hiện hữu của Tỳ kheo thanh tịnh là tấm gương sáng cho cuộc đời. Họ thể hiện bài pháp sống, khác với Tỳ kheo thuyết pháp, nói một đàng làm một nẻo.

Bốn điều thanh tịnh nói trên chưa có, không thể hành Bồ tát đạo. Thật vậy, ta dạy học trò, nhưng bản thân không xây dựng vững bốn pháp này, tân học Tỳ kheo coi ta ra gì. Tôi thường suy nghĩ pháp này. Mỗi khi gặp việc không vừa ý, tự nhiên giận từ trong ruột giận ra. Cố gắng dằn lại, không nói, nhưng tay vẫn run thì tự biết mình còn nhiều nghiệp, tự cảm thấy xấu hổ, tu lâu sao còn tệ vậy; nên từng bước, tôi nỗ lực khắc phục.

Đạt được bốn điều căn bản, trở thành Tỳ kheo thanh tịnh, Đức Phật dạy phải phát huy đức hạnh bằng cách thực hiện Tứ Vô sở úy (bốn điều không sợ). Chúng ta thấy mọi người đều sợ nghèo đói, bệnh hoạn, khổ sở, chết chóc … Nói chung, không ai thích những điều xấu dính vô họ, nhưng có mấy ai tránh khỏi. Đức Phật thì khác hẳn, không hề nao núng trước mọi hoàn cảnh. Ngài có sức mạnh vô sở úy, vì Ngài có Vô thượng Bồ đề là trí tuệ siêu tuyệt, thấu rõ sự tương quan tương duyên của mọi người, mọi việc một cách chính xác, thì còn gì để Ngài lo sợ nữa.

Các vị Tổ sư cũng vậy, không có vấn đề gì mà các ngài phải sợ; thậm chí có vị còn tìm đến cái chết, vì thấy cần phải trả một nghiệp quả nào đó. Vì thế, có vị đã sắp đặt cái chết như thế nào để có lợi cho việc hành đạo , để cho người phải phát tâm Bồ đề.

Bước theo dấu chân Phật, Tỳ kheo muốn có tâm không sợ hãi, tất yếu phải có trí tuệ; trong kinh diễn tả là an trụ pháp Đà la ni. Vì vậy, trở thành thanh tịnh Tỳ kheo, dùng tâm quán chiếu thật tướng các pháp để phát sanh trí tuệ, thấy rõ ba đời nhân quả, thì chẳng còn gì phải sợ hãi. Thực tế cho thấy các Phật tử dù ở tầng lớp nào gặp khó khăn, đều nhờ các nhà sư chỉ dạy. Nếu chúng ta không có trí tuệ để gỡ rối cho họ, họ sẽ bị tà giáo dùng bùa chú mê hoặc.

An trụ Đà la ni, sử dụng trí tuệ vô lậu, những gì chúng ta thấy biết và hướng dẫn cho người đều đúng, khiến họ tin tưởng theo ta, phát tâm tu hành. Có trí tuệ, dạy người đúng, làm mọi việc đúng, vị Tỳ kheo ấy nhất định được thanh thản, an lạc.

Điều thứ hai giúp cho vị Tỳ kheo không sợ hãi là nhờ có nhiều thiện tri thức. Thật vậy, theo kinh nghiệm, tôi thấy các Thầy học chung ở Phật học viện kết thân với nhau thành thiện tri thức. Sau này họ ra làm việc dễ dàng, vì đã từng gần nhau, hiểu nhau. Trên bước đường tu, chúng ta cần xây dựng bạn đồng tu, đồng học; cần nương tựa nhau mới thành công. Người làm được việc lớn phải có thiện tri thức đông. Tu Thanh văn đơn độc một mình, khó tạo được công đức. Chúng ta hành Bồ tát đạo, vững tâm, không sợ, vì đã xây dựng được nhiều người tốt làm bạn với ta. Có thể chúng ta không có tiền của, nhưng có nhiều bạn lành. Ta đề xuất việc gì, được người thương quý ủng hộ, thì việc khó cũng thành.

Pháp vô uy thứ ba là đức nhẫn của Thầy tu. Phật dạy có ba hạng người mạnh nhất. Đó là sức mạnh của trẻ con, của sắc đẹp và sức mạnh của Sa môn. Khi trẻ con khóc, khó có ai không chiều theo ý của chúng. Sắc đẹp của phụ nữ từng làm thay đổi cả triều đại. Và sức mạnh của Sa môn là đức nhẫn.

Người đời còn kẹt nhiều thứ, nhưng chúng ta xuất gia, không còn lòng tham, không còn lo sợ, buồn giận; nên đức nhẫn của chúng ta phải lớn mạnh hơn. Chúng ta dùng đức nhẫn để cảm hóa người sống chung. Thí dụ, người đời cần tiền của, cần mọi thứ để lo cho gia đình. Chúng ta tu hành, không tiêu xài nhiều, dễ dàng hy sinh, phục vụ nhiều mà không cần lương bổng, quyền lợi. Vì vậy, người thường không thể có sức nhẫn hay sự chịu đựng như người tu.

Phật dạy Tỳ kheo có ba đức nhẫn. Sanh nhẫn nghĩa là chấp nhận, chịu đựng mọi việc theo yêu cầu của người khác; vì người tu không có quyền lợi riêng tư, sẵn lòng giúp người. Chúng ta tự nguyện gánh vác khó khăn cho người, có bị bắt buộc đâu mà buồn, mà sợ. Vì chủ động trong việc thực hành hạnh nguyện lợi tha, chúng ta không bị hoàn cảnh xã hội chi phối.

Kế đến, người tu có pháp nhẫn, chịu đựng được mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, không bị đói khát, nóng lạnh tác hại thân tâm. Được sanh nhẫn và pháp nhẫn rồi, tiến đến đại nhẫn là an trụ pháp Không, thấy rõ muôn sự, muôn vật tác động hỗ tương cộng tồn. Vì thế, họ nhẫn chịu được tất cả, mà chẳng phải nhẫn gì.

Đạt được ba pháp vô úy nói trên, làm đạo không đòi hỏi gì, thể hiện được đức hạnh của người tu là vô ngã vị tha; vào đời chỉ vì mục đích làm lợi ích cho người, không có yêu cầu nào của riêng mình. Nếu còn phải nương tựa người đời, xin họ, thì đó là điều tối kỵ của người hành Bồ tát đạo.

Ngoài bốn pháp vô úy để độ sanh, người tu còn cần có bốn hỷ tâm.

Người thực tu thấy Phật thì sanh tâm vui mừng, khác với người đời vui trong ngũ dục. Vui thấy Phật, nghĩa là nhận thấy Phật cao cả, chúng ta hết lòng kính trọng, phụng thờ và sẵn sàng làm mọi việc như Ngài dạy. Đó là người hảo tâm xuất gia, làm Phật sự không biết mệt mỏi, mới có thể tiến tu Bồ tát hạnh. Trái lại, tu giả, núp bóng Phật để sống, thì không được vừa lòng là khởi buồn giận liền. Người thực tu thích làm để trả ơn Phật, luôn luôn vui với đạo pháp. Dù hoàn cảnh có khó khăn, người thường muốn bỏ cuộc, chúng ta vẫn cảm nhận niềm vui được lo cho đạo.

Kế đến là vui với chánh pháp hay vui với chân ly. Không tìm được nguồn vui trong đời sống tu hành, đọc kinh, nghe pháp không thú vị, mà thích đọc tiểu thuyết ủy mị, nói chuyện gẫu, chắc chắn không thể tu được.

Người không có căn lành đọc kinh, không hiểu, dễ chán. Nhưng người có căn lành đọc một câu kinh, suy nghĩ nhiều ngày. Họ vui sướng vì tìm thấy nghĩa lý sâu xa và thấy được lẽ sống trên cuộc đời, gọi là thấy pháp, tức thấy nhân duyên. Vui với Phật pháp rồi, thì nguồn vui ấy tác động cho người thấy ta, nghe ta giảng pháp, họ cũng vui theo.

Hỷ tâm thứ ba là xả tâm, người tu không bị những sự cố chấp dày vò làm khổ. Người đời thường giữ chặt mọi việc trong lòng, mà việc xấu luôn luôn nhiều, nên họ khó có được nguồn vui. Tha thứ cho người, hy sinh quyền lợi cho người, chúng ta đều vui, vui trong xả pháp.

Hỷ tâm thứ tư là thuận pháp. Tỳ kheo chân chánh vào đời, vì lợi ích cho người. Vì thế, tiếp xúc với người, cũng như đối với thiên nhiên, họ đều tùy thuận được.

Trang bị bốn hỷ tâm trên, mới hành Bồ tát đạo được. Nói cách khác, Đức Phật xây dựng người tu là người lạc quan, mang an vui cho người khác.

Ngoài bốn hỷ tâm, Tỳ kheo Bồ tát phải từ bỏ bốn điều. Trước nhất là bỏ thú vui thế tục hay vui ngũ dục; vì ý thức rằng tài sắc, danh lợi, ăn ngủ ràng buộc chúng ta ở mãi trong sanh tử. Người tu dứt khoát xa rời ngũ dục, không phải xa rời cuộc sống; đừng để ngũ dục dính vào tâm ta.

Người thường ham cao lương mỹ vị, ăn xong, lăn ra ngủ. Vị Tỳ kheo mệt thì an tru trong Thiền; chính yếu là Pháp hỷ thực và Thiền duyệt thực là chất dinh dưỡng nuôi sống giới thân huệ mạng. Đối với Tỳ kheo, hoàn cảnh cao sang hay ngủ dưới gốc cây đều giống như nhau, không sanh vọng tâm tham đắm hoặc khó chịu. Được cung kính hoặc bị chà đạp, họ cũng coi như nhau, luôn luôn an trụ hạnh xả ly.

Kế đến, chúng ta xả ly lợi dưỡng, chỉ lo gánh vác việc khó và để cho người hưởng lợi. Những gì người đời ưa thích, ôm giữ, chúng ta xả bỏ, không màng đến, chắc chắn được người thương liền và sẽ không có vấn đề gì có khả năng gây phiền nhiễu cho ta.

Ngoài ra, người tu còn phải xả ly đàn việt, nghĩa là không lệ thuộc bổn đạo. Xưa kia, những người giàu xây chùa để thờ tổ tiên của họ, thường gọi là chùa bà phủ, bà huyện và mời sư về để tụng kinh, đốt nhang cho họ. Vị sư đó chẳng khác gì người làm thuê. Đời sống người tu hành đơn giản, xả ly tất cả để không bị lệ thuộc vào tín đồ. Tỳ kheo Bồ tát đến với người chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cho họ, không vì lợi ích của bản thân.

Và cuối cùng, chúng ta tu hànhvì đạo không tiếc thân mạng. Nơi nào đạo pháp cần, chúng ta sẵn lòng; nếu được chết cho đạo là sự hy sinh cao quý nhất. Tỳ kheo Bồ tát an trụ pháp Không, xả nhà thế tục, xả lợi dưỡng, xả bổn đạo, xả cả sanh mạng, trở thành biểu tượng khả kính của mọi người.

Đức Phật cũng dạy bốn việc vô hối là bốn điều mà người xuất gia không bao giờ hối hận, nếu đi đúng chánh pháp. Người tu chân thật không bao giờ hối hận về việc trì giới. Đối với người tu, dứt khoát cái gì đã qua thì cho qua, kể cả những việc tốt đã thành công, họ cũng không bận tâm, nên chẳng hối tiếc gì. Người không thực tu, thấy của đánh rơi, không dám lượm; nhưng sau đó, nghĩ lại thấy tiếc, phải dè đừng giữ giới!

Người hảo tâm xuất gia cũng không bao giờ hối hận vì rời bỏ nhà thế tục. Tôi có người bạn xuất gia vào chốn Thiền môn vắng vẻ, chẳng được ai nuông chiều như ở nhà, nằm khóc hoài, rồi sanh tâm hối hận tu chi cho buồn khổ. Tu như vậy, không thể nào đắc đạo.

Tỳ kheo Bồ tát tu Tứ Thánh chủng là gieo trồng được bốn hạt giống để làm Thánh, cũng không hối hận. Bình thường, người thông minh, học giỏi thường nghĩ rằng sau này họ sẽ làm những chức vụ lớn trong xã hội. Người xuất gia từ bỏ ý tưởng này, họ không có ý thức học để làm lớn, để hưởng thụ. Họ xây dựng Tứ Thánh chủng, học để phát huy trí tuệ, tìm đường giải thoát. Theo mô hình của Phú Lâu Na là nhà đại kinh doanh không làm việc để tích tạo tiền của, hưởng lợi. Ngài sử dụng năng lực để tô bồi đạo pháp, xây dựng hạt giống Phật.

Chúng ta xuất gia không làm quan, không mua bán, không canh tác theo ý nghĩa đời thường, nhưng làm với ý nghĩa của người tu. Nói cách khác, chúng ta từ bỏ những việc này không phải để trở thành người ăn hại. Trái lại, không làm quan, mà ta xây dựng tư cách và năng lực làm Thầy của quan. Không kinh doanh, nhưng tu tạo đầy đủ phước báu hơn người kinh doanh. Bấy giờ, ta dùng tiền của, phước báu mà san sẻ cho người. Và Phật tử nương theo ta tu hành thì cuộc sống tinh thần và vật chất của họ đều thăng hoa.

Người xuất gia chỉ làm một việc duy nhất là khất thực để nuôi sống thân mạng. Tuy nhiên, sau quá trình trưởng dưỡng đạo tâm và thành tựu đạo hạnh, chúng ta được đàn việt phát tâm mang đến cúng dường. Chúng ta dùng tiền của này để phát triển Phật pháp, cứu vớt chúng sanh.

Đức Phật cho biết những điều mà Ngài dạy Bồ tát Hộ Quốc, Ngài đã từng làm trong kiếp quá khứ. Thuở xa xưa, thời Đức Phật Cát Lợi Ý có vua Diệm Ý và hoàng tử là Phước Diệm vừa sanh ra đã có đầy đủ hảo tướng. Phước Diệm vương tử không ưa thích hưởng thụ sự sang giàu vật chất. Ông thường ở nơi thanh vắng và nghe được Trời Tịnh Cư dạy rằng các pháp hữu vi không tồn tại lâu dài và cũng nghe chư Thiên ca ngợi công đức của Phật Pháp Tăng.

Vương tử rất vui mừng, ước mơ được gặp Phật, liền được Phật Cát Lợi Ý phóng quang tiếp rước, giảng cho ông Bồ tát hạnh. Vương tử nghe pháp xong, liền được Đà la ni và đắc Ngũ thông, nên phát tâm xuất gia theo Phật. Vua Diệm Ý và quần thần được vị thiên thần thủ hộ thành mách bảo, tìm đến gặp vương tử Phước Diệm và cũng xin xuất gia.

Đức Phật cho biết những vị này trải qua quá trình tu, tròn hạnh Bồ tát. Vua Diệm Ý thành Phật Di Đà. Vương tử Phước Diệm chính là Đức Thích Ca Như Lai và thiên thần thủ hộ thành là Đức Phật A Súc.