Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1
Phẩm này chủ yếu nói về Bồ tát tại gia tu hành như thế nào để sau này cũng xuất gia và Bồ tát xuất gia thì nên làm gì.
Chúng ta đừng lầm Bồ tát xuất gia là Thanh văn, vì chúng Thanh văn xuất gia khác với Bồ tát xuất gia. Chúng Thanh văn xuất gia vì thấy sự khổ đau của chúng sanh, nên cầu pháp thoát ly sanh tử, chứng Niết bàn. Nhưng theo Đại thừa, người cầu pháp Thanh văn mới là bước khởi đầu của Bồ tát.
Thật vậy, người đang khổ, muốn thoát ly khổ, không thể hành Bồ tát đạo. Vì hành Bồ tát đạo là cứu nhân độ thế, bản thân họ không tự cứu được, làm sao cứu người. Pháp của Nhị thừa chủ yếu là tự độ, tìm đường giải thoát cho bản thân, hướng về Niết bàn. Vì thế, Phật khuyên chúng Thanh văn bỏ tất cả mọi việc thế gian, vui buồn vinh nhục cũng theo đó mất hết, chứng được tâm giải thoát. Điều này dễ hiểu, vì bỏ việc làm thì cũng bỏ được tâm lý buồn khổ do công việc tác động.
Nhưng nay, Phật dạy cho hàng Bồ tát (trên Thanh văn) được giải thoát. Theo Phật, có Bồ tát tại gia và Bồ tát xuất gia; cả hai đều bằng nhau và căn cứ trên công đức tu tạo được mà định vị cao thấp. Không phải Bồ tát xuất gia hơn tại gia. Bồ tát xuất gia và tại gia đều tốt, vì họ đã sạch nghiệp, đã đắc các pháp tu của Thanh văn, không kẹt sanh tử, tự tại đối với các pháp. Đối với người không kẹt trong sanh tử, họ cần làm gì để sanh ra công đức. Đó chính là ý mà Phật dạy cho Bồ tát.
Hành đạo của Bồ tát xuất gia khác với Thanh văn cũng xuất gia. Bồ tát luôn quán sát việc nào sanh ra công đức thì làm; xuất gia sanh công đức hay ở tại gia làm lợi cho đạo hơn. Cân nhắc thấy rõ điều này, họ mới xuất gia hoặc tu Bồ tát tại gia. Ý này thể hiện tinh thần tùy duyên ứng hiện của Bồ tát, không cố định mô hình nào.
Thành phần giàu sang từ bỏ sự nghiệp thế gian để xuất gia được coi là tộc tánh Sa môn. Hàng trí tuệ bỏ chức tước địa vị thế gian để đi tu là pháp tánh Sa môn. Hai hạngngười này giàu sang, khỏe đẹp, có sự hiểu biết cao, được nhiều người thương quý; nhưng họ bỏ tất cả để sống trong Phật pháp, làm lợi cho người. Đó là Bồ tát Tăng. Vì thụ hưởng sự lợi dưỡng mà đi tu là ác ma, không phải là Tăng. Tiểu thừa Tăng đi tu để cầu sự thoát tục cho riêng mình.
Bồ tát có trí tuệ, ngộ tánh; nhưng mang thân người thị hiện làm Thanh văn. Nhờ pháp tánh Tỳ kheo này hiện hữu mới xương minh Phật đạo được. Người bệnh hoạn haythất học đi tu đông, không lợi cho đạo. Vì vậy, khi Bồ tát thấy thành phần xuất gia yếu kém, đa số là nghiệp chướng Tăng, các ngài thường sinh vào dòng họ cao quý, có tướng tốt, trí huệ đầy đủ. Xuất thân từ thành phần tốt như vậy, các ngài đi tu, làm Sa môn để nói lên sự quý báu của Phật đạo, tác động cho người phát tâm.
Điển hình như ở Ấn Độ, ngài Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân là bốn vị Bồ tát xuất thân dòng Bà la môn, hay Thánh Đề Bà xuất thân là vương tử. Các ngài xuất gia làm trụ cột cho Phật giáo Đại thừa Ấn Độ hưng thạnh và có năng lực hàng phục ngoại đạo. Nhưng về sau, người vì quyền lợi và thất học đi tu nhiều, nên không giữ được giềng mối của đạo. Phật giáo truyền sang Trung Hoa cũng vậy; có các bậc Thánh Tăng thông minh, đắc đạo. Ta biết đó là Bồ tát Tăng hay các vị Tổ sư ra đời để làm sáng danh Phật đạo.
Tuy nhiên, Bồ tát thấy thành phần Sa môn đông, nhiều Thánh Tăng, thì họ phát nguyện làm cư sĩ, làm quan, làm vua có thế lực để hộ đạo; như vậy lợi cho đạo hơn. Thực tế chúng ta thấy Bồ tát ra đời thường có vua chúa cùng song hành hỗ trợ cho việc phát triển đạo pháp. Như Khuông Việt hay Vạn Hạnh Thiền sư mà không có vua Đinh Tiên Hoàng, Lý Công Uẩn hết lòng ủng hộ, thì làm thế nào các ngài đóng góp cho đất nước, xiển dương Phật pháp. Có thể hiểu Bồ tát thị hiện làm thầy trò, chia nhau công việc; người nguyện làm vua, người nguyện làm Sa môn nhằm trùng hưng Phật đạo.
Ý này cũng được kinh diễn tả là nhứt Phật xuất thế, thiên Phật hộ. Khi Phật Thích Ca hiện hữu trên cuộc đời thì có Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm … và vô số Bồ tát hiện làm quyến thuộc. Các ngài đóng vai Thanh văn, trưởng giả, vua chúa, nhà hiền triết hay người nghèo cùng, dốt nát, thậm chí có cả kỹ nữ … Nói chung, người theo Phật thuộc đủ thành phần, ngành nghề trong xã hội, tạo thành thế cân bằng, để hộ trì chánh pháp.
Có thể nói Bồ tát hành đạo nhắm đến yêu cầu. Làm việc đúng yêu cầu thì công đức mới sanh ra. Thực sự Bồ tát tại gia và Bồ tát xuất gia đều đồng một thể tánh. Vì tại gia nhưng vô nhiễm giống như xuất gia, thể hiện được ý nghĩa xuất phiền não gia hay xuất tam giới gia. Mặc áo tu, hay khoác áo đời đều ra khỏi sanh tử, là Bồ tát.
Tại gia còn trong sanh tử thì gây nhau, hơn thua từng chút một và gây cả với Thầy của họ. Xuất gia còn trong sanh tử cũng vậy; họ phiền não vô cùng, bệnh hoạn liên miên, buồn phiền đủ thứ.
Theo sự phân chia của tiểu thừa thì có nghiệp chướng Tăng, phàm Tăng và tiến lên Hiền Thánh Tăng. Nhưng theo Đại thừa, Bồ tát xuất gia và tại gia đều chứng Vô sanh, nhưng hiện sanh. Họ đã ra khỏi sanh tử, nhưng thị hiện vào sanh tử để giáo hóa, nen thường làm được những việc bất tư nghì mà người thường không vói tới. Như vậy, chúng ta muốn hành Bồ tát đạo với tư cách Bồ tát phải trải qua quá trình tu bắt đầu từ phàm phu xuất gia học đạo để trở thành Tỳ kheo. Và tiến tu, nâng lên thành Thánh, A La hán. Sau đó mới bước vào giai đoạn tu của Bồ tát, đóng vai cư sĩ hay xuất gia, tùy theo yêu cầu của xã hội. Đây là lộ trình tu tất yếu phải như vậy, không thể khác. Vì khi nghiệp chướng trần lao còn nặng, chúng ta không thể không tu Đạo đế là hạnh của Sa môn. Riêng Đức Phật đã viên mãn hạnh Bồ tát, tái sanh làm Sa môn, thì tư cách Sa môn của Ngài hoàn toàn khác với Sa môn thường.
Trong thời gian tu để đắc quả vị La hán, việc chính yếu phải diệt phiền não là Thập triền, Thập sử. Bằng mọi giá, Sa môn phải thoát ly cuộc đời, nghĩa là không để Thậptriền, Thập sử ràng buộc. Tuy nhiên ở giai đoạn tu Thanh văn, cần có Đạo sư làm đối tượng để chúng ta nương theo, vì tự tu rất khó. Nếu không gặp Đạo sư hướng dẫn, nghiệp tham, giận của chúng ta cũng từ từ bộc phát trở lại, sẽ cám dỗ và bắt đầu chi phối chúng ta.
Kinh nghiệm riêng tôi, tuy chúng ta còn dở, nhưng nhờ Thầy hiền bạn tốt khuyên nhủ, nhắc nhở và sống nép mình trong khuôn khổ, lần chúng ta quen. Lấy ba mươi bảy Trợ đạo phẩm làm pháp tu chính và khi hoàn thiện phan này, chúng ta đứng trên Bát Chánh đạo để kiểm xem thân khẩu ý ta có thanh tịnh hay chưa. Ba nghiệp thanh tịnh rồi, chúng ta hiện hữu trên cuộc đời như hoa sen không nhiễm bùn. Tuy nhiên, thực sự chúng ta chỉ mới có đức hạnh, chưa có phước đức; vì chưa giáo hóa chúng sanh, chưa làm lợi ích cho đời.
Từ vị trí đức hạnh trong sạch, chúng bắt đầu hành Bồ tát đạo, cũng lấy giới của ba nghiệp thân khẩu ý làm chuẩn. Nhưng Bồ tát giữ giới bằng cách nhập cuộc, khác với Thanh văn giữ giới bằng cách thoát ly.
Thanh văn sống trong hoàn cảnh thanh tịnh thì tự thanh tịnh. Giới tướng của họ thanh tịnh vì hoàn cảnh không cho phép họ phạm pháp; nhưng giới thể chưa thanh tịnh. Bồ tát thì khác, sống trong hoàn cảnh có thể phạm tội được, nhưng họ tốt nên không phạm. Giới thể của Bồ tát đã thanh tịnh.
Hàng Nhị thừa cũng giữ Thập thiện giới hay Bát Chánh đạo, thực hiện giới tướng. Tuy nhiên, bước qua hành Bồ tát đạo cũng căn cứ vào ba nghiệp để tu. Vì vậy, từ Nhị thừa tiến tu đến Phật thừa chỉ có một con đường duy nhất, không có thừa nào riêng biệt. Chúng ta tu Nhị thừa, đắc quả vị La Hán và phát tâm hành Bồ tát đạo, đầy đủ công đức, thànhPhật.
Trong pháp hội này, có một vị trưởng giả tên là Úc Già đến thành Vương Xá hỏi Phật thế nào là Bồ tát tại gia. Ở đây không nói đến Thanh văn, vì theo tinh thần Đại thừa, đệ tử Phật có hai chúng là Bồ tát tại gia và Bồ tát xuất gia. Thanh văn được xếp vào hàng Bồ tát xuất gia.
Mở đầu nói về Bồ tát tại gia. Hiểu trong một chừng mực nào đó thì đây là cư sĩ ở trong trần lao, nhưng không nhiễm trần lao. Đức Phật dạy trưởng giả Úc Già pháp tu của Bồ tát tại gia, gợi cho hàng Tăng Ni phải lưu tâm đến cách hướng dẫn giới cư sĩ như thế nào cho đúng chánh pháp. Nếu không, chúng ta dễ rớt qua cực đoan là thường bó buộc Phật tử tại gia phải kính trọng tuyệt đối Tam bảo.
Đến với đạo Phật, Phật tử tại gia quy y, kính tin Tam bảo là điều tất yếu. Chẳng những giới cư sĩ mà cả hàng xuất gia cũng phải tôn thờ Tam bảo. Có thể khẳng định rằng trách nhiệm giữ gìn chánh pháp phải đặt lên vai của cả hai giới tại gia lẫn xuất gia. Nếu chỉ có người Phật tử tại gia hộ pháp, còn hàng xuất gia không sống theo chánh pháp thì Phật pháp cũng không thể nào tồn tại.
Theo Bồ tát pháp, tâm niệm xuất gia hay hảo tâm xuất gia là chính. Nếu chỉ căn cứ vào hình tướng xuất gia để dạy Phật tử phải cung kính cúng dường, chắc chắn có hại nhiều. Thật vậy, nếu Phật tử phải quy mạng với tất cả người khoác áo tu, nhưng lỡ gặp người không thực tu, thì sẽ bị họ dẫn dắt vào đường tà.
Chúng ta hướng dẫn Phật tử nương tựa với Tam bảo, không có nghĩa là tin tuyệt đối mù quáng. Tin Phật nào, tin pháp nào và tin Tăng nào, là điều cần hiểu rõ. Hàng cư sĩ tại gia cung kính chư Tăng, thì chư Tăng cũng phải sống trong khuôn phép của Tam bảo. Vị Tăng nào hòa hợp thì chúng ta quy mạng. Vị nào thường hơn thua, tranh cãi, đó là đồ chúng ngoại đạo mặc áo Phật. Trên tinh thần ấy, người cư sĩ có trách nhiệm hộ pháp phải giúp những vị này sống đúng chánh pháp, trở thành thanh tịnh để khả dĩ cung kính. Không phải tôn kính chư Tăng rồi họ làm sai trái, chúng ta cũng nghe theo.
Thầy là vị Đạo sư phải sáng suốt mới có khả năng dẫn đường cho chúng ta ra khỏi sanh tử. Vì thế, không học được điều gì thánh thiện, đương nhiên chúng ta được quyền rời bỏ Thầy. Theo Thầy tà thì quả là nguy hiểm vô cùng, như Vô Não trở thành sat nhân chỉ vì nghe theo ông Thầy xấu ác.
Là Phật tử chân chánh nhìn thấy việc xấu trong đạo làm cho Phật giáo suy đồi, chúng ta rất đau lòng, tựa như bị ba trăm cây kim nhọn đâm vào tim. Với tinh thần hết lòng hộ đạo như vậy, Đức Phật dạy hàng Phật tử tại gia phải bảo vệ sự trong sáng của đạo pháp, dùng vô số phương tiện để xương minh Tam bảo là biểu tượng cao quý cho chúng ta tôn thờ.
Quy mạng Tam bảo, trên thực tế chính yếu là quy với chư Tăng. Tăng nghĩa là hòa hợp thanh tịnh; vì vậy, chúng ta không được tạo điều kiện khiến cho chư Tăng phân tán, chia rẽ. Những kẻ ác mang danh Phật tử thường dùng đủ cách xúi giục các Thầy đấu cấu nhau. Chúng ta phải biết rõ hạng này là ma, là con trai, con gái của ma, không phải cận sự nam, cận sự nữ hay con của Phật. Phật thì sáng suốt, ma thì tham, sân, si đầy đủ. Ma hay kích động tánh ác của người khác; nên người nào tác động cho Tỳ kheo sanh buồn phiền, tức giận, chống đối nhau, chắc chắn đó là hạng Phật tử giả.
Phật tử phạm tội phá sự hòa hợp của Tăng đoànlà tội nặng, đọa vô gián địa ngục, Phật cũng không cứu được. Vì thế, Đức Phật dạy trưởng giả có tâm đạo, thừa tài sản, dùng xây chùa, cúng Tăng là việc tốt. Tuy nhiên, tốt hơn nữa là làm cho chư Tăng hòa hợp thanh tịnh. Hàng tại gia cúng dường chư Tăng, mà chư Tăng thì tri túc, chỉ cần nhu cầu tối thiểu để sống và tu. Chúng ta giúp họ để họ không vướng bận việc ăn, mặc, ở, có thì giờ chuyên tu. Việc chính yếu của chư Tăng là tu, bên trong thì định tâm, dứt trừ phiền não, bên ngoài thì phạm tướng trang nghiêm, lời nói ôn hòa. Phật tử cúng dường, tạo điều kiện cho chư Tăng phát huy tri thức và đạo đức; họ mới đủ tư cách tiêu biểu cho Phật đạo. Chư Tăng không có trí tuệ, sân si, làm việc tạp, tất nhiên không thể đại diện cho Phật và còn tác hại cho Phật pháp suy đồi.
Tôi nhớ Hòa thượng Trí Tịnh nhắc nhở chúng ta lo nhiều việc, nên dễ sanh ác nghiệp, vô tình đánh mất tư cách của Tăng sĩ. Theo ngài, chúng ta tu hành không làm được việc gì, thì căn bản cũng phải giữ được ba nghiệp thanh tịnh, mới khả dĩ giúp cho Phật pháp hưng thạnh. Thực tế lịch sử cho thấy Phật giáo hưng thạnh đều do chư Tăng trang nghiêm giới thân huệ mạng. Chỉ có chùa cao, Phật lớn mà Thầy hư hỏng là mối tranh chấp, thảm họa, làm trò cười cho ngoại đạo. Mỗi khi tôi làm việc nhiều và cảm thấy bực, chợt nhớ lời khuyên của Hòa thượng, tôi vội giảm bớt việc để tâm hồn thanh tịnh. Vì không thanh tịnh, không còn là Tăng, sẽ bị đọa.
Đức Phật dạy chúng ta phải giữ gìn
Tứ Thánh chủng. Không có hạt giống Thánh, phiền não sẽ phát sanh ngay. Đệ
nhất Thánh chủng là xuất gia. Chúng ta tu, đầu tiên cắt ái ly gia, từ bỏ tham vọng, vợ con, sự nghiệp, cho đến sanh mạng cũng coi
nhẹ; vì ý thức tất cả đều là vô thường, vô ngã. Trong đời
tu, chúng ta thấy rõ Thầy nào không còn nặng nợ gia đình, không hệ lụy cuộc sống vật chất là được giải thoátliền. Chúng ta không cần những thứ này thì Phật mới khiến hàng cư sĩ cung kính
cúng dường.
Theo tinh thần Phật dạy, hàng Phật tử cúng dường chư Tăng để hạt giống Phật trong họ phát lên. Và chư Tăng càng được cúng dường, thì càng xa rời trần tục, tham vọng và tăng trưởng đạo đức, tri thức.
Thánh chủng thứ hai là hành Đầu đà để không kẹt ba việc ăn, mặc, ở. Không ở một chỗ quá hai đêm để chúng ta không có ý trụ ở chỗ nào. Nếu không, dễ rơi vào tình trạng từ bỏ gia đình, nhưng lại kẹt vô tự viện. Hành Đầu đà không khất thực một nhà quá hai lần để lòng chúng ta hoàn toàn bình đẳng, không có ý niệm ăn ngon, dở.
Theo Thiền tông, chúng ta đi vân thủy, không đi khất thực theo Nguyên thủy, vì quốc độ của chúng ta khác. Đi vân thủy, hay hành đạo từ chùa này sang chùa khác, sống với mọi người, nhằm rèn luyện tâm chúng ta bình đẳng, trong sáng, không bị người chi phối, không bị hoàn cảnh tác động. Đến đâu, ta cũng tùy thuận được và cuối cùng không ai không chấp nhận ta.
Gọi là "Đi vân thủy”, vì cuộc sống của người tu được ví như mây và nước. Mây nước là một thể, bốc hơi thành mây, rơi xuống thành nước. Nước và mây rất nhẹ, nhưng cũng mạnh vô cùng. Người tu sống tự tại, giải thoát như mây bay nhẹ nhàng khắp nơi trong hư không. Núi không cản được mây, nhưng mây cũng không ngăn núi, hai bên không tác động, không làm khổ nhau.
Thể hiện tinh thần ấy, đến chùa nào tu, ta nhớ không gây khó khăn cho người và cũng không để người phá hư tâm ta. Lúc tu học ở Nhật, tôi luôn mang tâm niệm này. Các Thầy khác thường bực mình vì nghĩ người Nhật như thế này, thế kia. Riêng tôi, thường nghĩ sống ở đây không lâu, như chỉ ở tạm cho qua đêm, nên chọn những gì tốt của họ để học thôi; nhờ đó, không làm mất lòng người.
Nước không có hình dáng cố định, tùy hoàn cảnh có dài, ngắn, vuông, tròn khác nhau. Cũng giống như vậy, ta đến các chùa hài hòa được tất cả. Đó là quá trình tu mà chúng ta luôn phát huy Thánh chủng này.
Bồ tát tại gia nhìn thấy Bồ tát xuất gia đã thuần thục các Thánh chủng, chúng ta cung kính cúng dường và nương theo vị ấy tu hành. Đối với người chưa thuần thục, chúng ta sẵn lòng trợ duyên để họ phát huy được hạt giống Phật trong họ. Vì nghĩ cho cùng, dù sao họ cũng tiêu biểu cho Phật pháp, nhưng nếu họ hành tà đạo, thì chúng ta cũng khổ tâm lắm chứ.
Phật dạy Bồ tát tại gia tuy hình tướng không xuất gia, tâm họ đã xuất gia. Điều này khó hơn là Bồ tát thân tâm đều xuất gia. Mẫu Bồ tát tại gia được định nghĩa là "Cư tài chi sĩ, cư gia chi sĩ, tại gia chí Phật đạo giả”. Nghĩa là họ làm mọi việc, làm vua, làm tướng, kinh doanh, v.v… Họ có sự nghiệp, gia đình đầy đủ, nhưng lòng không vướng bận gì, chỉ hướng đến việc phát triển Phật đạo.
Theo Phật, họ cũng phải an trụ ba mươi bảy Trợ đạo phẩm, phải quán thuần thục vô thường, khổ, không, vô ngã, không sanh tâm nhiễm trước, mọi việc làm đều vì thương đạo, thương người. Càng cúng dường chúng Tăng và lo cho người, họ càng dư dã tiền của. Tuy không bận tâm thương ghét, nhưng họ luôn được thương quý. Nói cách khác, họ thể hiện tinh thần vô ngã, an trụ ba pháp giải thoát của chư Tăng, vẫn làm được nhiều việc lợi ích tốt đạo đẹp đời. Người như thế, chúng ta biết Bồ tát tại gia này sống trong chánh pháp.
Phật nói phẩm này và thọ ký cho Úc Già trưởng giả xuất gia trên tâm niệm; nghĩa là việc làm thế gian không thay đổi, nhưng tấm lòng hoàn toàn thay đổi, hướng về Phật đạo. Vì thế cuộc sống của ông trở thành phi thường kỳ diệu, nằm ngoài sức nghĩ bàn của thếgian.