cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1


Mở đầu pháp hội, Điện Đắc Bồ tát đại diện chúng hội xin Phật giải thích những điều mà họ thấy lạ lùng. Trước khi Đức Phật ra đời, vua chúa hay nói chung xã hội Ấn Độ thời bấy giờ xem thường người tu là hạng ăn bám và ai cúng dường cho những Sa môn này là người mê tín. Hàng Bà la môn chỉ trích rằng hạng Sa môn tiêu cực, bại hoại, trốn đời, làm gì có phước báu mà cầu họ ban phước.

Ngoài ra, mọi người cũng thắc mắc tại sao Đức Phật từ bỏ dòng dõi cao quý; nếu đi tu thì phải theo hàng cao sang bấy giờ là Bà la môn. Tại sao Ngài lại hội nhập vào giai cấp Sa môn nghèo khổ để sống chung, tu chung với họ. Đặc biệt hơn nữa, Đức Phật thu nhận những người bị loại bỏ ra ngoài
lề xã hội và giáo dưỡng họ thành một giáo đoàn gồm những bậc Thánh hữu ích cho cuộc đời.

Đó là ba việc mà thực sự người thường hay hàng Nhị thừa đều sợ và không thể nào làm nổi, nhưng Đức Phật lại thành công mỹ mãn. Thật vậy, người thường thì mưu cầu danh lợi. Trong khi Phật ở địa vị cao sang, danh lợi tột đỉnh, lại vứt bỏ để đi tu. Chắc chắn, người thường không bỏ nổi, mà còn tiếc dùm cho Phật!

Thực tế, ai cũng muốn làm bạn với người cao quý, cầu thân với người quyền thế. Chẳng ai thích kết thân với người nghèo khổ, hạ tiện hay chơi với người tội lỗi, khổ đau. Bồ tát hay Đức Phật hành Bồ tát đạo thì khác hẳn. Giáo đoàn của Ngài không ít những thành phần thấp kém nhất thời bấy giờ, điển hình như Sunita là người hốt phân, hay Ưu Ba Ly, Liên Hoa Sắc nữ, v.v… Ngài dùng pháp gì để chuyển hóa người quá dở trở thành thông minh, điển hình là Bàn Đặc, em ruột của Bàn Đà. Bàn Đà thông minh nhất, được Bà la môn trọng dụng. Bàn Đặc dốt nhất, bị cuộc đời loại bỏ, lại được Đức Phật mang về nuôi nấng, dạy dỗ và ông đạt được quả vị A la hán.

Suy nghĩ theo trí bình thường của con người, điều này quả thật khó hiểu. Không riêng gì Điện Đắc Bồ tát và chúng hội thời ấy nghi ngờ, ngay cả chúng ta ngày nay cũng vẫn thắc mắc.

Kinh Bảo Tích đưa ra việc Đức Phật chọn người bị bỏ đi, un đúc họ thành người tài, để nói lên ý nghĩa quan trọng theo Phật rằng trên pháp tánh hoàn toàn bình đẳng, không có giai cấp. Chỉ vì con người tự đặt ra những định kiến theo vọng tưởng, quyền lợi mà đẩyngười khác ra ngoài lề xã hội. Đức Phật nhìn thấy khả năng thực sự của người mà Ngài thu nhận và nuôi dạy, đưa họ trở lại cuộc đời làm lợi ích. Nói cách khác, kinh muốn nhắc nhở chúng ta theo dấu chân Phật, cần thể hiện lòng đại bi, có bổn phận cứu giúp người thăng hoa.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, không khéo lại thu gom những người không ra gì, và cho xuất gia. Để rồi họ quậy phá, làm tổn hại cho đạo và uy tín của Tăng đoàn, làm thoái tâm Phật tử. Làm như vậy, tội của ta nặng lắm. Hoặc chúng ta vì mê muội hay vì quyền lợi cá nhân, xúi người đi tu. Họ không có căn lành của người xuất gia, nên không thể sống đời phạm hạnh thanh tịnh. Cuối cùng họ phải hoàn tục, không thể tự nuôi sống bản thân; như vậy là ta đã phá hư khả năng tiến thân của họ.

Điện Đắc Bồ tát hỏi Phật những ý như vậy, gợi cho chúng ta khi tiếp Tăng độ chúng, phải dạy đến nơi. Người căn tánh không thuần thục không nên cho xuất gia. Đừng đào tạo người mạnh trở thành người bệnh, bỏ đi. Phải chắp cánh cho người thăng hoa, không phải kéo họ tuột xuống. Độ người xuất gia, nhưng họ không đắc đạo là ta phạm tội nặng; vì họ tiêu biểu cho Phật, ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời.

Đức Phật dạy Bồ tát Điện Đắc rằng tất cả Bồ tát đều có vô tận phục tạng, tiêu biểu là bốn phục tạng để giáo hóa chúng sanh. Hàng Nhị thừa không có phục tạng này, không độ được người. Bốn phục tạng là gì và Bồ tát dùng bốn phục tạng như thế nào để giáo hóa.

Bốn phục tạng là tham, sân, si và đẳng phần phiền não mà Đức Phật đã trải qua trăm kiếp tu hành để khắc phục, chế ngự được nó.

Hàng Nhị thừa tu thường đoạn trừ phiền não, nhưng càng quyết tâm đoạn, tham sân càng nổi dậy. Thực tế tôi thấy các vị tu hành đã lâu, lại dễ nổi nóng. Vì họ cố tâm đè nén, càng dằn lại, nó càng bung ra mạnh. Đó là bệnh của người xuất gia. Thấy vậy, chúng ta thương họ, vì quyết tâm tu, mới ra nông nổi vậy.

Bệnh thứ hai của Nhị thừa là đoạn được tham, sân, si rồi thì họ trở thành than nguội, củi mục là vô giác, vô tri. Điều nguy hiểm này, Thanh văn thanh tịnh thường mắc phải. Họ không nghĩ đến cuộc đời, không suy nghĩ gì nữa, nên không còn phiền não và kết quả là đầu óc cũng trở thành xơ cứng, không còn hiểu biết gì cả.

Đoạn trừ phiền não và đoạn luôn cả trí tuệ, họ vào hữu dư y Niết bàn. Cuối cùng đoạn thân mạng thì vào vô dư Niết bàn. Bước vào con đường tu theo cách này là cả một sự sai lầm lớn.

Bồ tát hành đạo hoàn toàn trái ngược, họ dùng trí tuệ để hàng phục phiền não hay hàng phục tứ ma. Không biết mà đoạn ma chướng, sẽ bị ma vật chết. Nhưng biết thì hàng phục ma là buộc nó phải theo mình; không phải giết ma, vì ma không giết được. Nói cách khác, tánh xấu trong chính mình, ta khắc phục được nó vì ta biết nó. Và ta biết nó vì ta đã trải qua kinh nghiệm sống từ quá khứ, lúc bắt đầu phát tâm cho đến ngày nay. Chúng ta đã dành dụm được biết bao kinh nghiệm máu xương, mới biết rõ và hàng phục được nghiệp của chúng ta.

Cần nhớ rằng đừng diệt ma, vì ma nhiều hơn, tức ác nghiệp nhiều hơn, làm sao đoạn diệt nổi. Trong năm mươi tâm sở, thiện tâm chỉ có mười một, còn ác tâm đến gần bốn mươi. Vì vậy, ta lấy ít mà đánh với nhiều, thì thua chắc. Phật cao một, ma cao mười. Từ đó, theo tinh thần Đại thừa, đổi lại cách tu, chuyển phiền não thành Bồ đề, chuyển sanh tử thành Niết bàn. Phiền não và Bồ đề, hay sanh tử và Niết bàn là một. Đối với người ác xấu, chúng ta chống họ, giết họ; nhưng chúng ta yếu hơn thì họ giết ta chết trước.

Cuộc đời hành đạo của Đức Phật chứng minh rõ ý này. Ngài đã dần dần chuyển hóa người chỉ trích, chống phá Ngài trở thành người hộ pháp đắc lực. Chẳng hạn, Phật không chống lại ác vương A Xà Thế hay vua Ba Tư Nặc. Nhưng hai ông vua này không có cách gì khác hơn là phải quy phục Phật, hỗ trợ cho Ngài tuyên dương chánh pháp một cách vô điều kiện.

Học Phật phải hiểu yếu chỉ này để tu, lấy thế ta mà chống ác ma, chắc chắn ta thua. Muốn chuyển đổi, hàng phục người ác, quan trọng nhất, chúng ta phải thấy được xấu ác của họ. Không biết mà nói, là tự chuốc họa. Họ xấu điểm gì và ác chỗ nào. Thấy được điều đó, chúng ta gác nó sang một bên; đừng bao giờ khơi lên ác xấu của họ. Lấy điều thiện của ta mà đụng vô cái ác của người là tự gieo tai họa chết chóc, tù đày, không tránh khỏi. Ta nghĩ họ ác, còn không được, huống chi là nói ra.

Phật dạy Bồ tát giáo hóa chúng sanh nhờ bốn phục tạng này đã có sẵn rồi và quan trọng là Bồ tát đã tự hàng phục được chính mình. Chẳng hạn, có hai vạn một ngàn cái tham, trải qua quá trình hành Bồ tát đạo, chúng ta đã kiểm chứng những cái tham này trong lòng chúng ta. Nó dẫn chúng ta đi thọ sanh, lăn lộn trong sanh tử không biết bao nhiêu lần. Và đối với từng cái tham một, chúng ta đã hàng phục được rồi, mới có kinh nghiệm hàng phục nó như thế nào. Vì vậy, nay nhìn thấy đối tượng tham, chúng ta nhớ lại cái tham đời trước đã dày xéo chúng ta khổ sở ra sao, cũng như nhớ lại bằng cách nào chúng ta đã chế ngự, chuyển đổi được cái tham để trở thành Hiền Thánh.

Chúng ta cũng thấy rõ phương cách dẫn chứng của Phật không làm mất lòng ai. Phật thấy chúng ta tham, biết chúng ta phạm tội. Nhưng Ngài không nói thẳng, vì ngại làm chạm tự ái của chúng ta. Phật dùng phương tiện bằng cách kể việc quá khứ của Ngài đã từng tham ra sao và phải đọa địa ngục, đau khổ như thế nào. Từ kinh nghiệm đó, Phật phát tâm Bồ đề, quyết tâm đoạn diệt lòng tham, đến nửa xu cũng không dám lấy của người.

Kinh nghiệm đó là phục tạng, tức những điều tham sân si, đẳng phần phiền não phục tạng, Phật đều có và đã trải qua. Đặc biệt là Ngài nhớ rõ tất cả khổ vui, vinh nhục trong quá khứ, cũng như mối quan hệ của Ngài với mọi người, mọi loài như thế nào từ kiếp xa xưa dẫn đến ngày nay. Phật nhớ đủ, không sót.

Theo dấu chân Phật, việc tu hành của Bồ tát là nhớ rõ, không phải quên như Thanh văn. Vị Đạo sư nhớ tất cả; giáo hóa người, nhìn hiện tại mà biết quá khứ, biết tốt xấu của người, biết mối quan hệ với họ từ quá khứ. Nương theo đây để tiếp tục giáo hóa, tạo sự quan hệ gắn bó tốt đẹp hơn.

Đức Phật dạy Điện Đắc Bồ tát tu hành phải nhớ rõ bốn phục tạng: Tham, sân, si, đẳng phần phiền não, là những điều khổ vui trong quá khứ của chính mình trên đường hành Bồ tát đạo. Điển hình như Đức Phật độ được Đề Bà Đạt Đa vì Ngài biết rất rõ mối tương quan của Ngài với Đề Bà từ nhiều kiếp quá khứ dẫn đến hiện tại.

Hành đạo, biết rõ căn tánh, hành nghiệpnăng lực của người. Từ đó, chúng ta xem người có khả năng làm được gì, để dìu dắt, giúp họ thăng hoa. Không phải theo hình thức tu chung chung của Thanh văn, ai cũng kêu gọi họ xuất gia, rồi cho ăn uống thiếu thốn, thân thể suy nhược, bệnh hoạn và cũng chẳng được học hành, trở thành người lờ khờ. Làm như vậy quả là phỉ báng Phật pháp.

Đức Phật dạy muốn độ người, phải thấy biết quá khứ của họ. Biết được ta có thể độ họ đến mức nào, họ có thể sống cuộc đời xuất gia được hay chưa. Và họ làm được gì cho đạo. Chúng ta chỉ khuyên dạy được họ đến mức độ đúng theo hoàn cảnh và hành nghiệp của họ mà thôi.

Bốn phục tạng tham, sân, si, đẳng phần phiền não, chúng ta đều có và nó đã từng tác hại đời sống mình như thế nào. Nay thấy chúng sanh có hoàn cảnh giống như vậy, chúng ta lấy kinh nghiệm mình mà nhắc nhở họ tu. Đức Phật sợ chúng ta tự ái, nên thường dẫn chứng những sự sai lầm của Ngài, để chúng ta thấy Ngài hư hỏng vậy mà ráng tu rồi cũng thành Phật. Ta không hư đến như vậy, nếu chịu tu thì chắc là dễ sửa chữa tội lỗi hơn Phật và mau thành Phật hơn Ngài!

Quý Tăng Ni học ý nghĩa phục tạng, thử nhớ lại đời trước ta là ai, đã từng làm gì. Riêng bản thân tôi, sang Nhật tu học, tôi hình dung ra hình như thuở quá khứ, tôi đã từng tu ở chùa này, nên hiện tại tôi thấy văn hóa Phật giáo Nhật rất gần gũi, thân thương và hội nhập dễ dàng.

Thiết nghĩ, chúng ta theo Phật, tin tưởng rằng dư nghiệp đời trước còn ảnh hưởng sâu sắc đến đời này. Nếu không có sự liên hệ quá khứ ấy, chúng ta sẽ dửng dưng như mọi người xa lạ mới tiếp xúc lần đầu. Đối với người tu Thiền quán, dễ bắt gặp ý này. Với người hay chống đối một cách vô cớ, chúng ta dễ thanh thản, vì cảm nhận được việc xấu ác hiện tại xuất phát từ đời trước, ta và họ cũng từng đối chọi nhau rồi. Túc nghiệp ấy dẫn đến đời này, họ lại diễn tiếp màn kịch ấy với ta. Chỉ vì ta quên mất, nên mới thấy họ vô cớ chống ta. Học Phật, tự ý thức chẳng có gì là vô cớ trên đời này cả. Mọi việc theo Phật dạy đều do định luật nhân quả chi phối; nhân quả hiện đời cho đến nhiều đời, với một người cho đến mối tương quan chằng chịt giữa muôn người, muôn loài, thường gọi là cộng nghiệp.

Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta tu hành phải biết túc mạng. Học đạo Bồ đề mà không biết túc mạng, chỉ thấy nhân quả ngay trước mắt mà không thấy đời trước. Nghĩa là không thấy nghiệp và tánh của người, nên ta chỉ giải quyết chung chung, chắc chắn phải thua cuộc thảm hại. Chính vì thế, Phổ Hiền Bồ tát mới phát nguyện rằng sanh trong loài nào cũng nhớ túc mạng của mình và người, mới có thể dễ dàng giải quyết sự oan trái và phát huy thiện duyên với người.

Phật dạy bốn phục tạng này, ta nhớ trọn vẹn sâu sắc và cũng nhớ rõ ta đã hàng phục thành công nghiệp này như thế nào, thì mới dùng thành quả đó giáo hóa được người. Đức Phật giáo hóa một cách tốt đẹp từ vua chúa đến Sa môn, thường dân, hay những kẻ tội lỗi, ác nhân. Vì Ngài biết rõ họ, nên chận đứng được ác nghiệp của họ, đồng thời đáp ứng được mọi sở cầu cho họ.

Theo tôi, đừng dại khờ nghĩ đến tận diệt phiền não. Hành Bồ tát đạo, chính yếu là chuyển nghiệp ác thành thiện nghiệp, thì người sẽ tốt với ta, việc cũng tự động giải quyết tốt. Ta chống nó, nó sẵn sàng chống ta. Và khi chưa đủ phước đức, trí tuệ, chắc chắn ta phải thua thế lực kẻ ác.

Ngay cả Đức Phật, phước trí vẹn toàn mà Ngài còn không chống đối ai. Phật từng nói câu bất hủ rằng trong trận chiến, người thắng và kẻ bại, cả hai đều thua cuộc. Cách giáo hóa của Phật cho thấy rõ người có nhân duyên ác hay thiện đến với Phật, Ngài đều biết rõ và tùy theo đó mà hành sử, thể hiện tâm Từ và trí tuệ tuyệt vời. Với cách giáo hóa ấy, không ai mà Ngài không độ được.

Giảng xong, Đức Phật kể chuyện quá khứ của Ngài. Vô lượng kiếp trước, trong đời ngũ trược có Phật hiệu Bửu Tự Công Đức Thanh Như Lai. Bấy giờ có vua tên Quảng Thọ rất kính tin Phật pháp, thường cúng dường Đức Phật ấy và chúng Tăng an cư kiết hạ.

Cũng có vị Tỳ kheo tên Vô Cấu nhạo thuyết biện tài. Mọi người, kể cả vua Quảng Thọ đều rất thích nghe Ngài thuyết pháp và cung kính cúng dường Ngài. Cũng có những vị Tỳ kheo niên thiếu tân học thường theo Pháp sư Vô Cấu ra vào vương cung, được hưởng mọi thứ cúng dường, nhưng đa số họ không tu tập.

Qua thời kỳ an cư, Đức Phật Bửu Tự Công Đức Thanh Như Lai nhập diệt. Vua Quảng Thọ dùng gỗ chiên đàn trà tỳ và xây vô số bảo tháp thờ Ngài. Tỳ kheo Vô Cấu được Đức Phật ấy thọ ký đa văn đệ nhứt. Sau khi Ngài nhập diệt, vị Tỳ kheo này hoằng dương chánh pháp, đi khắp nơi giáo hóa được vô số chúng sanh an trụ Vô thượng Bồ đề. Vua rất kính trọng Pháp sư Vô Cấu trẻ tuổi, nên thường cho vị này tự do ra vào cung điện để thuyết pháp giáo hóa người trong hoàng cung.

Vì vậy, có một nhóm ác Tỳ kheo khởi tâm ganh tỵ. Tâm họ còn chất chứa nhiều tánh xấu ác, tham lam, mới nghĩ cách đặt điều nói xấu Pháp sư Vô Cấu. Ác Tỳ kheo tâu với vua rằng vị Pháp sư trẻ tuổi không tu hành chân chánh, chỉ lợi dụng hảo tướng và tài ăn nói để dụ dỗ các bà phi. Thực tế, chúng ta thường thấy các Bồ tát Tăng hay gặp tai nạn này. Vì họ hành đạo được nhiều thuận lợi, tốt, dễ tạo thành thế ganh tức, thường bị người bịa đặt, nói xấu, nhằm hạ uy tín.

Vua nghe ác Tỳ kheo nói xấu cũng không tin. Ông thâm tín Phật pháp, tin tưởng hoàn toàn ở Pháp sư Vô Cấu thanh tịnh, giải thoát, chẳng thể có ý niệm tà dại, huống gì là có hành động tội lỗi.

Ác ma cũng không chịu thua, chúng liền hiện trong hư không, nói với vua rằng ác Tỳ kheo thì chân chánh, bị Tỳ kheo Vô Cấu trẻ đẹp lừa dối. Nếu vua không tin, thử về hoàng cung xem. Vua liền nghĩ đó là chư Thiên mách bảo, nên vội vàng trở về cung, thì thấy Tỳ kheo trẻ đang thuyết pháp và cung nữ vui mừng vây quanh. Vua thấy vậy khởi lên vọng tưởng rằng Pháp sư Vô Cấu đang mê hoặc các mỹ nữ làm họ quên mất ông vua già này. Tức thì, phiền não trong ông liền vụt nổi dậy đối với vị Tỳ kheo mà ông đã từng rất thâm tín, kính trọng.

Vua nổi giận, truyền lịnh đưa Tỳ kheo Vô Cấu ra trị tội, vì đã làm ô uế cung vua. Các quan và quyến thuộc cũng bị ma lực nhiếp trì, nên cũng nổi giận với Tỳ kheo vô tội ấy và muốn giết hại vị này.

Khi Chiên đà la cầm dao đến, thì vị Tỳ kheo Bồ tát này chỉ xin cho ngài được phát nguyện. Ngài chắp tay phát thệ rằng: "Nếu tôi không phạm tội ấy, chỉ xiển dương Phật pháp thì cho cõi đất chấn động sáu cách và hư không mưa hoa đẹp”. Vừa phát thệ xong, điềm lành này xảy ra tức khắc. Chúng ma lo buồn bỏ đi.

Thử nghĩ trên bước đường tu, giả sử chúng ta gặp nạn mà không có hiện tượng kỳ diệu như vậy cứu thoát thì chỉ còn nước chết. Nhưng đối với Bồ tát công đức lớn, khi cac ngài phát nguyện, chắc chắn Hộ pháp phải chuyển đổi mọi việc đúng theo ý nguyện đó. Quả tình đúng như lời Tỳ kheo Vô Cấu vừa phát nguyện, điềm lành này hiện ra ngay.

Vua Quảng Thọ chứng kiến cảnh mầu nhiệm ấy, sanh lòng hối hận vô cùng. Ông mới nguyện hầu hạ suốt đời Pháp sư Vô Cấu để sám hối tội lỗi nghi lầm, nghĩ bậy, nghe bậy của mình.

Đối với vị Tỳ kheo Vô Cấu đã đắc được từ nhẫn mà vua còn sanh lòng độc hại, nên mặc dù đã ăn năn sám hối, vua vẫn bị đọa địa ngục Đại Kiếu trong nhiều ức năm vì ác nghiệp ấy. Mãn tội, được thân người, vua gặp Đức Phổ Nhãn Như Lai, thân cận cúng dường. Phổ Nhãn Như Lai chính là Đức Thích Ca Mâu Ni ngày nay. Các ác Tỳ kheo muốn hại Pháp sư vô tội ấy, trong đó có Di Lặc Bồ tát cầm đầu, cũng bị đọa địa ngục.

Đức Phật nói về kinh nghiệm tu hành của Ngài nhằm nhắc nhở các quốc vương hay những Tỳ kheo thường ưa chống đối, hại người. Đừng để tham, sân, si, phiền não nổi dậy thì phải khổ sở nhiều kiếp trong địa ngục. Khi thoát được khổ nạn này, nên nhớ kỹ, đừng bao giờ nghĩ xấu về người tu. Di Lặc cũng nhớ lỗi lầm xưa, quyết lòng đổi tâm xấu ác ấy thành tâm tùy hỷ và hành động thánh thiện, nên Di Lặc được thọ ký sẽ thành Phật trong tương lai.