Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1
Trong pháp hội này, Đức Phật thọ ký cho ảo sư Bạt Đà La là một người ngoại đạo, nói lên ý nghĩa chính yếu rằng đạo Phật dung hóa tất cả mọi người mọi loài, không phải chỉ dành riêng cho một người nào, một loài nào.
Trên bước đường tu, nếu không hiểu ý này, chúng ta dễ chấp vào pháp môn mình tu, chấp vào chùa của mình, hệ phái của mình. Những kiến chấp như vậy sẽ dẫn chúng ta đến tình trạng tự cô lập và xa hơn, chấp vào đạo của mình thì ta lại tự đưa mình ra ngoài xã hội.
Nhưng đạo Phật không phải là mô hình cố chấp. Đức Phật dung nhiếp tất cả các loài, kinh thường nói Phật là bậc Thầy của trời người, là vị cha lành của bốn loài. Như vậy, là đệ tử Phật, chúng ta coi bốn loài đều là huynh đệ.
Từ ý này, theo tinh thần Đại thừa, với tầm nhìn phóng khoáng, người giác ngộ trước, kẻ giác ngộ sau, mọi người, mọi loài đều lần lượt tiến về Vô thượng Đẳng giác. Chúng ta sớm giác ngộ, trở thành Sa môn. Các Phật tử tại gia còn bị nhiều phiền não trần lao nghiệp chướng ràng buộc và xa hơn nữa có nhiều người bị tà kiến ngăn che; vì họ phải chịu ảnh hưởng phong tục, tập quán của quốc gia nơi họ sinh ra và lớn lên, không thể nào khác được. Tuy nhiên, nếu có duyên lành, gặp được Phật pháp, họ cũng sẽ tin theo.
Hàng Thánh đệ tử Phật cũng xuất thân từ Bà la môn giáo. Họ gặp Phật có sức thuyết phục, nên đã cải tà quy chánh. Chúng ta theo Phật cũng học cách xây dựng người giống như Ngài, làm sao giúp cho người từ bỏ đường tà, trở thành chân chánh.
Đức Phật giáo hóa nhiều thành phần xã hội. Trong pháp hội này, Ngài giáo hóa ảo sư Bạt Đà La là người nổi tiếng về ảo thuật ở thành Vương Xá. Những trò ảo thuật lạ lùng dễ thu hút người, thường được ngoại đạo sử dụng để mê hoặc người khác. Ảo thuật nâng lên độ cao có thể gọi là thần thông biến hóa, tác động cho người phải sợ và tin theo. Thực tế cho thấy một số tôn giáo ngày nay vẫn còn áp dụng thủ đoạn này.
Thật vậy, trên bước đường hành đạo, chúng ta dạy người sống chân thật theo giáo lý, thì ít ai nghe theo; vì đối với họ, làm như vậy thật là cực khổ. Phần lớn, người ta tham lam, nghe đồn ở đâu linh thiêng là họ theo liền.
Thời Phật tại thế, ngoại đạo rất nhiều và có thế lực mạnh. Nhưng, Đức Phật đã cảm hóa được họ trở về chánh pháp của Ngài. Ngày nay, chúng ta theo dấu chân Phật tất yếu cũng phải hướng dẫn người đi theo chánh đạo. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải có ưu thế hơn người. Tuy nhiên, thực tế lúc bắt đầu hành đạo, chúng ta luôn luôn phải đối phó với nhiều người tranh chấp. Điều này khó tránh khỏi. Thiết nghĩ, Đức Phật trên bước đường du hóa, Ngài cũng từng trải qua không ít những cuộc đối đầu với thế lực ác. Chúng ta thấy rõ điều này qua lời dạy của Ngài về cách xử thế đối trước việc xung đột: "….Chỉ có đời tranh chấp với Như Lai, Như Lai không bao giờ tranh chấp với đời….”. Ngài không tranh chấp, nhưng hàng phục được họ. Chúng ta học Phật cũng không thể nào làm khác hơn.
Chúng ta thử nghĩ xem ưu thế của Phật và của ngoại đạo khác nhau như thế nào. Chắc chắn đối với Phật đạo, sống chân thật là chủ yếu, còn ngoại đạo lấy việc mê hoặc người làm chính. Ta sống chân thật, có thể lúcđầu, người chưa hiểu, nên chưa tin và chưa chấp nhận ta. Tuy nhiên, càng lâu dài về sau, họ sẽ hiểu rõ và đồng tình với ta. Vì vậy, trong nhứt thời, chúng ta thua thế lực ác. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta sẽ hơn họ. Thực tế cho thấy những người dùng thủ đoạn để lừa dối thì họ cũng chỉ đạt kết quả tạm thời, vì đâu thể nào gạt được người nhiều lần. Bản thân tôi được như ngày nay là nhờ có quá trình năm mươi năm hành đạo, càng về lâu, người càng hiểu tôi hơn. Trái lại, nay nói vầy, nhưng ngày mai cuộc sống họ đã khác rồi thì sao tin được.
Chính vì vậy, đạo Phật tồn tại lâu dài hơn hai mươi lăm thế kỷ và còn đang phát triển mạnh. Trong khi các tà giáo lúc mới thì mạnh, nhưng càng lâu càng suy sụp, không cứu được. Họ công kích, nhưng ta tu, lợi dụng sự công kích đó để phát huy tính chân thật của ta. Theo tôi, khi họ nói xấu, chúng ta lóng nghe xem họ nói đúng không. Nếu phê phán đúng, ta phải sợ, lo sám hối, sửa đổi để trở thành tốt. Nhưng nếu họ vu khống, chúng ta không có lỗi thì chẳng có gì mà sợ. Nói sai thì họ phải nói lại cho đúng, hoặc nói sai là tự làm cho họ mất uy tín với người. Sở trường của chúng ta sống chân thật là như vậy. Lấy sở đoản mà đọ sức với người, chắc chắnta thua, làm sao chúng ta gian xảo bằng họ được.
Nguyễn Trãi chịu ảnh hưởng đạo Phật đã nói rằng trí nhân thắng cường bạo. Thắng người là hơn họ sự hiểu biết, hơn họ lòng từ bi và đức khoan dung. Ngoại đạo tà sư hại Phật, nhưng Ngài vẫn thanh thản và mở rộng lòng từ bi, tha thứ và dung nhiếp tất cả. Đó là phương cách cảm hóa ngoại đạo, không tranh chấp với họ. Không nói giáo lý của ta hay, nhưng ta thể hiện giáo lý thành việc làm thánh thiện và cứ như vậy mà thăng hoa cuộc sống.
Thành Vương Xá ở phía Đông Ấn Độ, nơi hội tụ nhiều văn hóa khác nhau và có khuynh hướng theo tư tưởng mới. Tuy nhiên, quan niệm cũ vẫn còn, từ đó có nhiều nhà ảo thuật, nhà hùng biện, hay người luyện bùa chú. Đối với Đức Phật, Ngài thấy đó là mảnh đất tốt có nhiều đối tượng để Ngài hành đạo. Kinh Duy Ma diễn tả rằng tìm Phật đạo trong dị kiến ngoại đạo. Trong khi dị kiến ngoại đạo thì tìm trong sự sợ hãi, sự hoài nghi của con người, nhưng tà thuyết ấy vẫn không dẫn họ đến đâu; nhờ vậy chánh đạo mới có cơ hội phát triển.
Đức Phật nhắm đến Vương Xá thành tiêu biểu cho môi trường tốt để hoằng hóa độ sanh. Đối với người có trí tuệ, thì đây là phương tiện để phát huy. Còn cái giỏi đóng khuon thì không thể coi là giỏi. Có đối tượng cho chúng ta quan sát; càng khó, ta càng khôn, càng khổ, ta càng đạo đức.
Phật thể hiện ý này, ở thành Vương Xá, Ngài độ ba anh em Ca Diếp và nhận một ngàn đệ tử, khiến cho vua Tần Bà Sa La phải phát tâm và Ngài độ Mục Kiền Liên. Đức Phật đã sử dụng ngay những sự tranh chấp của dị kiến ngoại đạo mà khai ngộ cho họ. Nói cách khác, Ngài lấy sự suy nghĩ của chính họ để dạy họ, không phải áp đặt cho họ suy nghĩ của Ngài.
Tất cả sự thao thức, nguyện vọng của họ, Phật đều đáp ứng; còn đem cái xa lạ nào đưa cho họ, làm sao họ chấp nhận được. Điều này thể hiện tinh thần Bất nhị pháp môn của đạo Phật tuyệt vời là vậy. Chân lý chỉ có một, ví như hai mặt của một bàn tay là mê và ngộ. Người suy nghĩ sai lầm là mê, Phật điều chỉnh lại cho đúng là ngộ, thì vẫn là suy nghĩ của họ, không phải của ai khác, không lấy cái đầu khác đặt lên cho họ. Với cách giáo hóa này, người theo Phật đạo trở thành thông minh; nhưng theo ngoại đạo thì đầu của họ trở thành khờ khạo.
Ảo sư Bạt Đà La nổi tiếng nhất ở Vương Xá và Phật nhắm vô ông này để độ, đó là nhân duyên khiến ta phải suy nghĩ. Phật cũng nói Ngài chỉ độ được người có duyên; nghĩa là họ và Phật đều có mối liên hệ và sự liên hệ cao nhất thuộc về suy nghĩ, trong tư duy giữa Phật và họ có điểm tương đồng.
Trên bước đường hành đạo, muốn độ người, tôi thường quán sát xem giữa tôi và người đó có mối quan hệ nào hay không. Tôi và họ có điểm gì đồng nhau, thì tôi mới khai thác được, hoặc họ có cùng ước mơ thì tôi nói, họ mới nghe. Nhưng suy nghĩ và hành động của họ không giống tôi thì không tài nào độ được.
Thử nghĩ chúng ta làm Sa môn giải thoát, làm sao độ thương gia giàu có. Trong đầu họ chỉ nghĩ đến tính toán, tiền bạc, quyền lợi; trong khi lòng ta không hề có những thứ này. Rõ ràng ta và họ không có chút xíu gì tương đồng. Theo tôi, họ có thể gặp thầy tướng, thầy bói và dễ nghe theo. Chúng ta khuyên họ tu Bát quan trai, tụng kinh, chắc chắn thất bại.
Kinh nghiệm riêng tôi, cố tìm điểm đồng nhau của người nào đến với tôi; nếu không có, tôi không độ. Độ được thương gia là khi họ đã mỏi gối chồn chân, chán nản với công việc tính toán hơn thiệt rồi; lúc ấy khuyên tu, họ dễ nghe theo ta. Lúc họ còn hăng say, nhiệt tình với việc làm giàu, ta phải chỉ cách cho họ làm giàu thêm, giống như Duy Ma dạy họ làm sao nắm quyền hành, được nhiều của cải, họ mới kính phục.
Học Đại thừa, phải thấy khả năng của Đức Phật thật đa dạng, không phải có một. Ngài làm Thầy của Sa môn, Bà la môn, chư thiên, v.v… Trong con người của Phật có đủ tất cả sự đặc thù của mọi thành phần xã hội, không phải Ngài chỉ đóng vai trò Sa môn thôi.
Đức Phật thành công trong việc tế độ ảo sư Bạt Đà La thì Ngài phải là vị đại ảo sư, vì có hơn họ mới độ được.
Ảo sư Bạt Đà La có tham vọng lớn, thấy Phật được nhiều người kính trọng, ông tìm cách hạ uy tín Phật để người phải phục ông. Dưới mắt Phật, đây là người có duyên để Phật tiếp độ, dù cho người ác khởi ý nghĩ ác cũng là duyên. Đó là cơ hội để Phật thi thố tài năng, có chạm trán thực sự mới biết ai giỏi, làm cho người hiểu rõ Ngài hơn.
Đức Phật nhận lời thỉnh Trai tăng cúng dường của ảo sư Bạt Đà La. Mục Kiền Liên dùng thần thông quán sát thấy ảo sư không phải thực tâm cúng dường Phật, nhưng muốn hại Ngài, nên bạch Phật đừng nhận lời.
Tuy nhiên, Đức Phật lại thấy khác với Mục Kiền Liên. Mục Kiền Liên thấy ngán sợ ngoại đạo và đối lập với họ, để cuối cùng bị họ hại chết. Đó cũng là bài học cho chúng ta làm sao dung hóa được ngoại đạo. Đối với Phật, đến với ảo sư là cơ hội ngàn vàng, còn Mục Kiền Liên thì lại thấy không nên. Ý này nói lên sự khác biệt giữa tinh thần Tiểu thừa và Đại thừa.
Đức Phật nhận lời dự Trai tăng khiến cho ảo sư nghĩ thầm rằng lâu nay nghe đồn Phật là bậc Chánh biến tri, nhưng nay coi như chắc chắn thua vì đã rơi vô kế của ông. Ông sẽ dùng ảo thuật để tạo thành một trai đường trên đống rác dơ bẩn.
Mọi người dù theo tà giáo hay Phật đạo, nghe nói ông Trai tăng cúng Phật, họ đều rung động. Người thương Phật thì lo sợ Phật hiền từ, sẽ rơi vô bẫy của ảo sư xảo trá, làm sao sống được. Người ghét Phật cũng đến xem Phật và ảo sư này, pháp thuật của ai cao hơn.
Theo Phật, khi quần chúng tập trung đến là điều kiện tốt để Ngài giáo hóa. Ngài thể hiện đạo đức thực sự của bậc chân tu đắc đạo thì cảnh giới trang nghiêm theo. Điều ấy hoàn toàn khác vơi mưu chước của ảo sư Bạt Đà La là dùng ảo thuật tạo cảnh trang nghiêm, nhưng đó là cảnh giả.
Thật vậy, chư Thiên cảm đức hạnh của Phật, nên đồng một lúc bốn vị Thiên vương xuất hiện, nói với ảo sư rằng họ nghe ông thỉnh Phật Trai tăng cúng dường. Họ cũng đến xin tùy hỷ công đức và dựng lên đạo tràng của họ. Thích Đề Hoàn Nhơn cũng đến tùy hỷ, cũng lập đạo tràng bên cạnh. Điều này khiến cho ảo sư phải khiếp sợ.
Về điểm Trời Đế Thích và Tứ Thiênvương có đến thật hay không, ta không đề cập. Nhưng nếu hiểu theo suy nghĩ thông thường thì Trời Tứ Thiên vương và Đế Thích cảm đức độ của Phật mà tới. Còn nghĩ theo lý tánh, triết học, Đức Phật thánh thiện thì chắc chắn có người tốt đến tạo điều kiện tốt cho Phật. Và nếu nhìn ở khía cạnh thần thông, Đức Phật vẫn hơn hẳn ảo sư.
Ảo sư Bạt Đà La xây dựng đạo tràng cúng Phật ở chỗ ô uế, nhưng nhờ Trời Tứ Thiên vương và Đao Lợi đem của quý giá của cõi Trời đến, nói lên ý cao tột của đạo Phật rằng tịnh uế là một, đều do tâm tạo ra. Tâm ác độc thì biến tất cả thành xấu xa, dơ bẩn. Tâm chư Thiên tốt lành hiện thành cảnh trang nghiêm đẹp đẽ theo. Nói cách khác, con người có hai mặt, biết phát huy mặt tốt, việc tự tốt; nhưng không biết hướng thiện, chỉ phát triển mặt ác, hoàn cảnh sẽ trở nên xấu.
Chư Thiên xuất hiện cúng dường Phật, gợi cho chúng ta suy nghĩ về công đức và phước báu của Đức Phật vô cùng to lớn. Xảo thuật của thế gian chẳng thể sánh bằng. Theo dấu chân Phật, chúng ta tin rằng nếu hành thiện, có đạo đức thực sự, thì không ai có thể ám hại được ta. Tư cách thánh thiện của Phật quá lớn, hàng phục được tất cả và Ngài là biểu tượng cho nhiều người kính mến. Tất nhiên những kẻ xấu ác thấy vậy cũng sanh tâm ganh tỵ. Ý này nhắc nhở quý Thầy gặp người ganh tỵ gièm pha, đừng sợ; cố giữ cho tâm mình hoan hỷ.
Hòa thượng Thiện Hoa dạy tôi rằng khi hành đạo mà không ai nói đến, thì tự biết chúng ta còn non kém. Người ta đặt vấn đề vớimình là biết họ sợ mình, mới tìm cách hạn chế. Mình có tiếng hoặc được kính trọng, mới khiến họ bực tức nói xấu. Chúng ta thấy rõ ý này giữa việc làm của Đề Bà Đạt Đa và Đức Phật.
Chính ác tâm của ảo sư làm cho uy tín của Phật tăng thêm và khiến người tập hợp đến. Phật vẫn đến chứng trai và chỗ này vẫn trang nghiêm thanh tịnh, có chư Thiên nhiều phước báu hiện diện. Trước kia nơi này là bùn nhơ tội lỗi do người tham, sân, si dựng lên. Nhưng nay, chư Thiên trong sáng tạo dựng thì đạo tràng trở thành tốt đẹp. Có thể hiểu, tất cả đều do con người quyết định, nơi xấu mà người tốt đến ở, sẽ trở thành tốt và phát triển. Ngược lại, người xấu sử dụng, nơi tốt cũng trở thành hư xấu.
Đức Phật đến chứng trai khiến cho ảo sư có cái nhìn thay đổi, thấy nhiều người ủng hộ Phật, có cả chư Thiên tham dự. Trong kinh diễn tả rằng Phật hóa làm ông trưởng giả đến nói chuyện với ảo sư. Ảo sư thực sự không giàu, nên thích nhờ vả người giàu. Thấy ông trưởng giả (hóa thân của Phật), ảo sư mừng lắm. Trưởng giả mới hỏi ảo sư làm gì ở đây. Ảo sư cho biết ông cúng dường Sa môn Cù Đàm. Trưởng giả liền bảo ông chớ nói như vậy. Hiện nay Đức Phật và đại chúng đang được dâng cúng ở cung vua A Xà Thế. Do thần lực của Phật khiến cho ảo sư cũng thấy như vậy.
Đức Phật lại hóa hiện làm trưởng giả thứ hai vào hội, cũng hỏi ảo sư như vậy và dùng thần lực cho ảo sư thấy Đức Phật và chư thánh Tăng đang đi khất thực ở khu Phạm chí.
Sau đó, Đức Phật cũng hóa hiện làm trưởng giả thứ ba vào hội bảo với ảo sư rằng Đức Phật đang ở tại vườn nhà của y vương Kỳ Bà và đang thuyết pháp cho tứ chúng. Và Phật dùng thần lực khiến cho ảo sư cũng thấy như vậy.
Đức Phật lại hóa hiện Thiên Đế Thích đến bảo với ảo sư rằng Đức Như Lai đang thuyết pháp cho chư Thiên tại cung Trời Đao Lợi và thần lực của Phật cũng khiến cho ảo sư thấy như vậy.
Ý này được Đại thừa triển khai thành thiên bá ức hóa thân Phật. Chứng trai xong, Đức Phật trở về thành Vương Xá thuyết pháp. Ảo sư nhận ra năng lực nhỏ bé giới hạn của ông; trong khi uy tín và việc làm của Phật thì vô cùng, không thể nghĩ bàn. Vì thế, ông tỏ lòng sám hối, phát tâm Bồ đề, xin theo Phat tu hành, liền chứng Vô sanh nhẫn. Cách giáo hóa của Phật thật đơn giản, đi thẳng vào tâm, khiến ông nhận được đúng sai; nói ít mà tác dụng lớn lao.
Ông mới hỏi Phật về pháp tu của Bồ tát. Theo tôi, pháp của Bồ tát rất nhiều, nhưng tựu trung phân ra cho ta thấy pháp tu của Bồ tát không phải phàm phu cũng không phải Nhị thừa. Thông thường chúng ta dễ hiểu điều gì tách bạch rõ ràng, một là nhiễm, tức là thế gian, hai là tịnh tức xuất thế gian. Nhưng theo Đại thừa, Nhị đế dung thông hay Đệ nhất nghĩa đế là pháp tu của Bồ tát.
Nhị thừa và Bồ tát đều tu Thiền định. Nhưng hàng Nhị thừa nhập Định thì lìa thế gian, hoàn toàn dứt bặt mọi sinh hoạt; càng vào sâu Thiền định càng cách xa cuộc đời. Hàng Bồ tát thì trái lại, càng vào Định, càng gần gũi quần chúng. Quần chúng thương Bồ tát nhiều vì Bồ tát và họ là một. Cách đắc Định của Bồ tát khó hiểu là vậy.
Thiền định của Nhị thừa phát huy lên cao thì tâm đại bi biến mất. Nhưng Thiền Đại thừa, định càng sâu, tâm đại bi càng lớn, mức độ cảm hóa chúng sanh càng rộng. Trên tinh thần như vậy, đi vào tâm thể của sự vật, Bồ tát giáo hóa trên tâm.
Ngoài ra, Nhị thừa vào Định thì không biết việc bên ngoài. Bồ tát khác hẳn, càng thâm nhập Định, sự vật càng sáng ratrước mắt; giáo nghĩa Phật và sinh hoạt của các loài đối với Bồ tát càng thấu rõ. Từ đó, Bồ tát không từ bỏ chúng sanh, vẫn giáo hóa chúng sanh, vẫn sinh hoạt với cuộc đời, nhưng trong lúc đó, Bồ tát vẫn thanh tịnh.
Và Bồ tát có bốn pháp dẫn đến thành tựu quả vị Vô thượng Bồ đề. Một là Bồ tát khác với chúng sanh và Nhị thừa ở điểm càng khó, ý chí Bồ tát càng cao; không phải sợ khó, bỏ cuộc. Đó là tâm không thoái chuyển, lập chí đi lên của Bồ tát.
Hai là càng khó, tâm Bồ tát càng thương chúng sanh. Vì thấy cái khó mà Bồ tát gặp hôm nay, đối với chúng sanh càng khó nhiều hơn, nên Bồ tát thương chúng sanh hơn, không bao giờ bỏ họ.
Ba là Bồ tát luôn nuôi lớn thiện căn. Căn lành là điều tốt mà chúng ta phải cố gắng phát triển, nuôi dưỡng nó, mới tiến tu được. Nếu là Nhị thừa, tu được một phần công đức, được quần chúng thương thì chúng ta càng dễ hư hỏng. Ngược lại, Bồ tát càng gặp điều kiện thuận lợi, càng quyết chí tu.
Bốn là Bồ tát luôn hộ trì chánh pháp, giữ chánh pháp tồn tại lợi ích cho muôn loài.
Từ ao sư biến thuật bình thường phát tâm tu, tiến lên đại thần biến, được Đức Phật thọ ký thành Phật tên là Thần Biến Vương Như Lai ở nước Đại Trang Nghiêm. Điều này một lần nữa gợi lên cho chúng ta ý nghĩa sự vật không cố định. Nếu trình độ và năng lực của chúng ta cao, sẽ chuyển xấu thành tốt và ngược lại, năng lực kém, làm cho điều tốt trở thành hư hỏng.
Mọi vật trên cuộc đời này như ảo hóa, không thật và giáo hóa chúng sanh của Bồ tát là mượn cảnh huyễn độ người trong mộng. Biết thì xây dựng mộng huyễn thành tốt; không biết thì bị mộng huyễn bao vây làm khổ chúng ta.