Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1
Ngài Ưu Ba Ly là người thông hiểu nhất về giới luật và cũng trì luật đệ nhất trong hàng đệ tử Phật. Nhưng Ưu Ba Ly bị Duy Ma Cật chỉnh lý việc áp dụng sai lầm giới luật. Ngài nhắc nhở rằng giới chỉ là phương tiện giúp chúng ta tu hành đắc đạo, không phải để ràng buộc ta trở thành thụ động, không thăng hoa được. Kinh Duy Ma đã đưa ra quan niệm về giới luật hoàn toàn trái với quan niệm của Tiểu thừa.
Nhưng kinh Bảo Tích thì hóa giải hai tư tưởng này và cho biết Đức Phật nói giới luật của Nhị thừa và của Bồ tát đều phải trải qua quá trình tu tập tương ưng. Kinh Pháp Hoa giải thích rằng vì người sợ sanh tử, Phật phải nói ba mươi Trợ đạo phẩm, hướng tâm họ về Niết bàn. Vì người cầu Duyên giác, Ngài nói pháp Thập nhị Nhân duyên. Đối với người mang chí lớn, cầu Bồ tát đạo, Phật nói sáu pháp Ba la mật. Nói chung, Phật có đầy đủ phương tiện thiện xảo và quan trọng ở điểm Ngài biết rõ đối tượng thuộc trình độ Thanh văn, Duyên giác hay Bồ tát. Ngài tùy theo đó dùng pháp tương ưng khai ngộ, giúp họ đạt được kết quả tốt.
Trong pháp hội này đặt ra vấn đề chánh pháp Phật trải qua vô lượng kiếp, ai là người giữ gìn được pháp trong tương lai. Các vị Thanh văn từ chối việc này; vì trong phẩm trước có nói hàng Thanh văn tu hành tất yếu phảihướng về Niết bàn. Nếu không như vậy, không phải là Thanh văn. Còn chấp sanh tử là thế tục.
Chỉ riêng Bồ tát phát nguyện ở lại thế gian giữ gìn chánh pháp của Phật. Hai tư tưởng trái ngược nhau, một bên hướng về Niết bàn và một bên ở lại sanh tử. Theo Phật, nếu hàng Nhị thừa có một ý niệm ở lại thế gian, tái sanh cõi này là đã phạm giới, coi như công phu tu tập bị hủy bỏ. Việc quan trọng của người tu theo Nhị thừa là nhàm chán thế giới này. Có thể khẳng định tất cả giới luật mà chúng ta thọ lãnh nhằm cách ly chúng ta ra khỏi cuộc sống, tức sanh tử và xây dựng, hướng ta về Niết bàn. GiớiThanh văn được gọi là tận hình giới, nghĩa là giới của Tỳ kheo, Tỳ kheo ni chỉ có tác dụng trọn cuộc đời này thôi. Vì còn sống trong sanh tử, thì chúng ta còn giữ giới. Nhưng chết rồi, dứt khoát không tái sanh, nên giới này không còn nữa và chúng ta về Niết bàn.
Vì vậy, xuất gia, hành Đầu đà, không có ý niệm trở về Niết bàn là đại phạm giới. Thật vậy, hướng tâm về Niết bàn, chúng ta không dính líu gì đến thế tục; rõ ràng điều này giúp cho ta hết phiền não liền. Hễ còn suy nghĩ, tiếp xúc, làm việc, chắc chắn còn phiền não.
Trái lại, giới Bồ tát là thâm tâm giới; có một ý niệm lên Niết bàn là đại phạm giới đối với Bồ tát. Người thọ Bồ tát giới không có ý niệm nhàm chán sanh tử, mà đời đời kiếp kiếp thường ở thế gian làm việc độ sanh, hộ trì chánh pháp để làm lợi lạc cho chúng hữu tình. Đó là quan niệm khác biệt về giới luật giữa Tiểu thừa và Đại thừa.
Tại sao Thanh văn hướng về Niết bàn và Bồ tát hướng về sanh tử. Phải phân ra để chúng ta biết rõ. Trên dòng sanh mạng tương tục, chúng ta đã từng nhiều đời ở trong sanh tử và từng khổ sở với nó. Càng ở trong sanh tử, khổ não càng chồng chất và đẩy ta xuống chín tầng địa ngục. Đối với những chúng sanh khổ vì sanh tử như vậy, Phật mới nói Niết bàn, mở ra con đường giải thoát cho họ. Theo Phật tu hành, thọ giới và khắc phục nghiệp, họ lại được an vui. Với tâm trạng và khả năng ấy, phải tu Nhị thừa; không thể khác hơn.
Tuy nhiên, nếu toàn những người như vậy tu hành, chắc chắn Phật pháp không thể tồn tại. Phật mới giới thiệu thêm Bồ tát Tỳ kheo hay Bồ tát thị hiện Thanh văn. Không có Bồ tát thị hiện vào hàng Thanh văn, Thanh văn không thể làm được gì. Thật vậy, mọi người đều hướng về Niết bàn, thì ai lo cho đại chúng, ai phát huy đạo pháp. Có thể đại chúng tu hành, hướng tâm về Niết bàn; nhưng người lãnh đạo Tăng đoàn thì hướng tâm nuôi nấng, dạy dỗ họ, lo xây dựng cho họ thăng hoa.
Có một vị Hòa thượng nói rằng muốn tiếp Tăng độ chúng, phải có cái bụng lớn như Di Lặc Bồ tát, tức có tấm lòng bao dung mọi người. Kinh nghiệm thực tế cho thấy trong giới tu hành, có người thì lo tu cho chính mình, có người còn kẹt thế tục, thường phiền não và cũng có vị luôn ung dung tự tại, giáo dưỡng mọi người. Tấm lòng của người lãnh đạo là Bồ tát thị hiện Thanh văn được thể hiện rõ nét trong thời kỳ Phật pháp thạnh hành. Họ thường làm công việc của Tổ sư lập giáo khai tông, lãnh đạo giáo đoàn. Tâm hồn hẹp không thể nào làm được việc lớn như vậy, hoặc người hướng về giải thoát, làm sao bao dung được người. Làm được việc cho đạo pháp và nuôi dạy đại chúng rất phức tạp, gặp nhiều buồn phiền, không dễ. Muốn bao dung đại chúng, các Bồ tát quyền hiện Tỳ kheo phải có phước đức rất lớn.
Mở đầu phẩm cho thấy các Bồ tát thị hiện Tỳ kheo đóng vai trò quan trọng. Họ an trụ vô tận giải thoát giới, khác với tận hình giải thoát giới của Thanh văn, chỉ giữ trong một đời. Đối với Bồ tát, đời đời kiếp kiếp qua lại chốn nhơn thiên, tiêu biểu cho đạo. Giới của Bồ tát vô tận, vì phát xuất từ tâm. Bồ tát làm mọi việc chỉ vì lòng đại bi, nên không phạm giới. Hay vì tâm đại bi mà pham giới, thì Bồ tát an trụ Nhứt thiết giới để phá hủy việc phạm giới này, họ liền thanh tịnh.
Theo tinh thần ấy, Bồ tát cần hiện thân làm tướng, làm vua, làm quan, làm trưởng giả … , thì hiện thân đó. Đương nhiên, những việc làm này là việc thế tục. Nhưng vì tâm đại bi của Bồ tát, muốn độ người thuộc giai cấp nào, thì phải hiện thân vào giới đó và vượt trội hơn mọi người để cảm hóa người. Bồ tát không làm vì tham vọng, không vì ý đồ xấu ác, nên không phạm giới.
Các ngài ở mãi trong sanh tử luân hồi mà coi như không phạm giới, hiện diện đủ trong các ngành nghề, đều đóng vai xuất sắc. Nếu làm Sa môn thì hơn hẳn Sa môn khác; ta biết đó là Bồ tát.
Ở Việt Nam có gương sáng của vua Trần Nhân Tông thể hiện rõ nét ý nghĩa Bồ tát thị hiện làm quốc vương. Ngài đánh giặc giỏi nhất, đánh tan quân Nguyên xong, lên Yên Tử làm Tổ sư khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm. Ngài đánh giặc vì tâm đại bi thôi thúc, không để cho quân Nguyên sát hại nhân dân ta. Ngài xả thân tiêu diệt giặc, chận đứng ác nghiệp của chúng; không phải vì tham vọng, hiếu sát, nên không phạm tội. Thắng giặc xong, nhà vua lại cầu hòa với họ và quân lính bị thương cũng được vua cấp cho lương thảo trở về nước. Vua không đánh giết tù binh là nhờ có Nhứt thiết chủng trí chỉ đạo.
Buổi sáng phạm tội, nhưng buổi trưa nhờ Nhứt thiết chủng trí xóa sạch, tâm trở thành thánh thiện, giải thoát; đó là giới của Bồ tát theo Đại thừa. Tiến cao hơn một nấc, Văn Thù Sư Lợi dạy Bồ tát nên quán sát thật tướng các pháp, không có ngã, nhân và chúng sanh. Bồ tát an trụ chánh pháp mới hoàn toàn tịnh giới.
Bước thứ nhất dùng Nhứt thiết trí chi phối tâm đại bi để xóa nghiệp ác. Nếu dùng tâm đại bi mà không có trí chỉ đạo, thì cứu được người này lại gây ra oán thù với người khác; vay trả trả vay không bao giờ dứt. Từ đó, dù tu giới của Tiểu thừa hay Đại thừa, thì cuối cùng phải trở về Kim Cang giới, không có mình và người, nên không có tội gì. Kinh diễn tả ý này là: "Tội tùng tâm khởi tùng tâm sám. Tâm nhược diệt thời tội diệt vong. Tội vong tâm diệt lưỡng câu không. Thị tắc danh vi chơn sám hối”.
Khi tâm hồn vắng lặng thì giới thể thanh tịnh. Phải dùng Nhứt thiết chủng trí, an trụ Kim Cang bảo giới, thấy được tội tánh Không; không có giới Tiểu thừa, Đại thừa, không có giới nào cả, mới là giới thể thanh tịnh, thực chứng Niết bàn.
Thiết nghĩ đạt đến trình độ tu chứng này đòi hỏi chúng ta phải có quá trình tu tập, khó diễn tả bằng ngôn ngữ. Chúng ta không thể nói suông, hay nghĩ sai lầm cho rằng không có giới nào để rồi hủy phạm tất cả giới là điều cấm kỵ lớn.