cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1


Theo Nam và Bắc truyền Phật giáo, Bồ tát Di Lặc được thọ ký thành Phật, thừa kế sự nghiệp của Đức Phật Thích Ca. Chúng ta học với Di Lặc để biết rõ công việc của người thừa kế sự nghiệp Phật Thích Ca như thế nào mới có thể bảo vệ được chánh pháp tồn tại.

Bảo vệ chánh pháp liên hệ mật thiết với bảo vệ Tăng đoàn và Giáo hội. Nếu bỏ quên việc bảo vệ Tăng đoàn và Giáo hội, chúng ta vô tình tạo tội phá pháp. Thật vậy, nếu khai thác lỗi của chư Tăng, làm cho Tăng đoàn trở thành mâu thuẫn, dẫn đến hậu quả Phật pháp bị suy đồi. Chúng ta tưởng rằng mình bảo vệ chánh pháp, nhưng thực sự đã phá hỏng sự hòa hợp của Tăng đoàn.

Theo tinh thần Đại thừa, phạm Phật thì Tăng cứu được; nhưng phạm Tăng, Phật không cứu. Cần suy nghĩ làm cách nào xây dựng Tăng đoàn, mà không phạm tội phá Tăng. Phật dạy Bồ tát phải có trí tuệ, thấy lỗi nào nên nói, điều sai trái nào chúng ta không nên nói. Vì nói ra gây tác hại nhiều hơn là lợi. Phật ví rằng đừng đem đồ ô uế bỏ vào dòng nước trong, ngầm chỉ tội phá Tăng. Rõ ràng là trên cuộc đời này không ai có thể tốt đẹp hoàn toàn, làm thế nào không phạm lỗi lầm. Nếu ta là học Tăng mà tìm sự sơ suất của vị Hiệu trưởng để chỉ trích, làm cho ngài mất uy tín, chắc chắn ta cũng tự hại mình thôi. Thử nghĩ nếu vị Thầy xấu thì ta còn tệ hại đến đâu. Trong trường hợp này, im lặng vẫn tốt hơn, vì bảo vệ được sự hòa hợp Tăng và chánh pháp.

Phẩm này nêu lên cái nhìn của Bồ tát Di Lặc đối với Tăng đoàn gồm năm trăm vị Bồ tát Tăng. Họ ở trong nhà Phật pháp, nhưng không thể phát huy nếp sống đạo hạnh, không tìm được sự an lành. Chúng ta phải nhận ra ý này để tiến tu. Thực tếchúng ta thấy có người muốn tu, nhưng không tu được, vì thiếu nhân lành và nhiều ác nghiệp. Kinh Pháp Hoa cũng dạy muốn tu phải có bốn điều kiện, trong đó điều kiện thứ nhất cũng là nhân lành.

Thiếu nhân lành mà tu sẽ thành nhất xiển đề, điều này chúng ta cần suy nghĩ. Người tu trở thành nhất xiển đề vì không phát sanh trí tuệ, không nhận được sự lợi ích của Phật pháp trong cuộc sống và thường làm những việc không tốt. Nếu chúng ta bảo vệ chánh pháp, chỉ trích họ. Tất nhiên họ phản ứng ác lại với ta, từ đó gây ra sự đấu tranh trong Tăng đoàn, không phải là bảo vệ chánh pháp.

Sự thật lịch sử năm 1963 đã cho thấyđiều này. Các hệ phái của chúng ta tự nhiên chống báng nhau kịch liệt, cố bươi móc lỗi lầm của nhau, để cuối cùng người ngoài nhìn vô, thấy đệ tử Phật không ai tốt cả. Thật là chua xót! Nếu hạ bệ lãnh đạo của mình, tự đánh trốc gốc, thì cành lá cũng phải héo úa theo.

Năm trăm vị trong pháp hội này nói với Di Lặc Bồ tát rằng họ ở trong chánh pháp tu, nhưng không kết quả, không thích đọc tụng kinh điển, lễ bái, tham Thiền. Họ chỉ thích hợp với chuyện thế gian, thích tập hợp bàn chuyện thế sự, làm ăn. Tâm sự của năm trăm Tỳ kheo này cũng là những việc có thật mà tôi thường gặp trong Tăng đoàn. Họ thích đọc tiểu thuyết nhảm nhí hơn, thích hùn hạp kinh doanh hơn. Tu như vậy, khó ở lâu trong đạo hay còn sống trong đạo, cũng khó được quý trọng dù có nhiều tiền của, chùa lớn. Theo tôi, không dám xem thường họ, nhưng cố tìm cho mình hướng đi, không để lạc vô đường này.

Di Lặc Bồ tát khuyên họ đến thỉnh ý Phật dạy tìm cách nào để tu được. Di Lặc khuyên, nhưng trong chúng năm trăm người, chỉ có sáu mươi Bồ tát cùng với Di Lặc đến Phật. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ thêm. Người có nhiều lỗi lầm tự có mặc cảm thường đông hơn là số người biết tàm quý, hối hận, sửa đổi tu hành.

Chúng ta thấy rõ người học đông, tu nhiều, nhưng không mấy người đạt mục tiêu. Năm trăm người đều bị khủng hoảng trong vấn đề tu hành, không biết có nên tin vào việc làm của họ hay không. Vậy mà chỉ có sáu mươi người, tức chỉ có mười phần trăm quyết chí đi lên. Số người còn lại thì mặc tình trôi theo nghiệp ác.

Đọc đến đây, thiết nghĩ hiện tại, chúng ta sống trong Tăng đoàn, được người nàophát tâm Bồ đề, sống hướng thượng là quý người đó. Thời của ngài Di Lặc còn tệ hại như vậy, khả năng và đức độ của ngài Di Lặc tuyệt vời còn không thể làm khác; huống chi thân phận kém cỏi của chúng ta thì làm được gì. Tham vọng lớn, muốn sửa đổi mọi việc thành tốt đẹp, mà phước đức và trí tuệ cỏn con, chỉ chuốc họa vào thân. Bốn trăm bốn mươi bốn người còn lại, họ tự đi theo con đường riêng của họ, hay nói cách khác, là thực tế của Tăng đoàn chúng ta phải nhận cho rõ.

Di Lặc Bồ tát thừa kế Phật, đương nhiên có quyền đối với chư Tăng. Tại sao ngài không áp dụng quyền để khống chế người nghe theo ngài, mà lại dẫn họ đến đảnh lễ Phật, cầu pháp tu giải thoát. Theo tôi, chúng ta học với Di Lặc là học gương sáng của ngài, không áp dụng giáo quyền đối với người, buộc họ theo. Làm Trụ trì cũng vậy, không nên dùng quyền đối với Tăng Ni trong chùa, hay không được dùng quyền đối với bất cứ ai, mới thực sự theo đúng tôn chỉ của đạo Phật.

Không dùng quyền, cũng không áp dụng luật để cử tội. Chỉ áp dụng lòng thương của ta với mọi người, dù họ thuộc thành phần nào trong xã hội. Đánh mất tấm lòng từ bi thì không phải đệ tử Phật.

Di Lặc thấy đại chúng không tu được. Ngài khởi tâm đại bi thương xót họ, không áp dụng quyền luật. Ngài chỉ cảm hóa bằng lòng từ bi, thì người còn chút căn lành mới cảm mến được. Hàng nhứt xiển đề làm sao cảm được tấm lòng của ngài. Bồ tát Di Lặc cảm hóa bằng đức hạnh cũng chỉ thuyết phục được sáu mươi người, tức đạt kết quả một phần mười. Chắc rằng khả năng của chúng ta cảm hóa người, chỉ được một phần trăm, cũng là tốt lắm.

Có thể nói đức hạnh của chúng ta đến mức độ nào thì sức cảm hóa đến đó. Phật dạy rằng một vị A la hán chỉ độ được ba người và hàng Thanh văn thì thường một Thầy một trò. Vì vậy, trên bước đường tu, điều trước tiên phải lo xây dựng đức hạnh của chính mình, mới có sức thuyết phục người.

Bồ tát Di Lặc thấy những Tỳ kheo tu hành, nhưng không thăng hoa cuộc sống. Ngài mới dẫn họ đến Phật Thích Ca để hỏi nguyên nhân. Họ là người của Phật Thích Ca cứu độ, thì phải chính Đức Thích Ca dạy mới được. Trong đạo, vấn đề nhân duyên quan trọng, Thầy nào trò đó. Di Lặc cũng tuyên dương chánh pháp của Phật Thích Ca, không phải pháp của ngài. Phải đến hội Long Hoa, Di Lặc làm Phật mới nói pháp của ngài.

Di Lặc bảo họ đến hỏi Phật Thích Ca, vì số người mặc áo Phật, ăn cơm Phật rất nhiều, nhưng có mấy người sống như Phật. Di Lặc xác nhận chỉ có mười phần trăm cầu tiến, còn lại thích hưởng thụ. Những người đến thấy Phật, rơi lệ, cầu Phật chỉ dạy. Họ muốn tu thật, nhưng không tìm đươc lối thoát tâm linh, dễ sanh ra chán nản. Điều này gợi cho chúng ta ý thức rằng tuy cùng xuất gia, nhưng người đạt kết quả tốt, người không được gì, thậm chí còn bị tác hại xấu. Phẩm này nói đến người tu không được lợi ích.

Phật dạy rằng việc tu hành có kết quả tốt là nhờ yếu tố Bồ đề và căn lành. Yếu tố Bồ đề là trí tuệ có, nên những gì Phật nói khó hiểu, khó tin, mà chúng ta tin, hiểu và thực hành được, dẫn đến thành quả tốt. Nhờ căn lành, chúng ta vô chùa gặp thắng duyên, tu được.

Trái lại, không có căn lành, lại có ác nghiệp, chắc chắn không tu được. Yếu tố Bồ đề không có, không thông minh, không hiểu được việc khó, chúng ta không thích học. Kinh nghiệm dạy học cho tôi thấy rõ những người nghe giảng bài. Họ không hiểu, không thâm nhập được pháp, thường sợ học và thích trốn, ngồi ở phía sau để ngủ hay nói chuyện chơi, là nghiệp bắt đầu sanh ra. Không nghe pháp được, không có sức tập trung, thì không thể học đạo. Hoặc tụng niệm, lễ bái đối với họ như là cực hình. Một ngày chỉ có hai thời công phu, nhưng lại sợ, không muốn tụng, chứng tỏ ác nghiệp có, là nghiệp lười biếng.

Người nhiều ác nghiệp không tu được. Họ thích hợp với việc thế gian tội lỗi, không thích hợp với việc giải thoát, vì nhiều kiếp trước đã từng làm việc đó. Thật vậy, Phật cho biết từ nhiều kiếp quá khứ, ở thời Phật Câu Lưu Tôn, những Tỳ kheo đã xuất gia, thọ Bồ tát giới, nhưng không thanh tịnh, vì thiếu nhân lành, không có hột giống Bồ đề. Tuy cũng tu đã lâu, mà không học được, không phát triển trí tuệ, không có hiểu biết sáng suốt và không có đạo đức.

Theo tinh thần Đại thừa, tu lâu mau không thành vấn đề; nhưng sanh được công đức, người chấp nhận và kính trọng, ta có thể đi lên. Yếu tố Bồ đề rất đặc biệt, giúp chúng ta liễu giải được kinh một cách sâu sắc và áp dụng được trong cuộc sống. Học thuộc lòng kinh, nhưng không dùng được, không thể hiện đạo vị trong lời nói và việc làm. Tu học như vậy đã lạc vào sự hiểu biết theo thế gian, không phải là Phật đạo.

Người ngoài học pháp Phật và giải thích pháp Phật theo cách của họ, không phải Phật đạo. Chỉ có đệ tử Phật mới kiến giải theo Phật, nghĩa là thể hiện ý Phật dạy trong cuộc sống. Chúng ta hiểu Phật bằng tất cả tấm lòng tôn kính Phật và bằng hành động lợi ích thiết thực của chính chúng ta hiến dâng cho đời. Người nhìn thấy chất liệu Phật trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Vì vậy, người đời hay người tu theo Phật đều sử dụng ngôn ngữ diễn tả Phật pháp, nhưng hiệu quả khác nhau.

Người có yếu tố Bồ đề theo Phật thì phát triển đạo đức và trí tuệ. Không có yếu tố Bồ đề thì họ sử dụng cái riêng để phát triển việc khác. Điều này thể hiện rõ trong cuộc sống của các Tỳ kheo từ thời Phật Câu Lưu Tôn. Họ đã xuất gia, thọ Bồ tát giới, nhưng phạm tội phá pháp, nên bị đọa Vô gián địa ngục.

Ý này gợi cho chúng ta biết rằng trên bước đường tu, hoặc là đi lên hoặc đi xuống; không có đứng yên tại chỗ. Đời này khôngphát chí nguyện được, không nỗ lực, đời sau phải đọa xuống.

Các Tỳ kheo đã phạm sai lầm, nghĩ rằng bảo vệ đạo là phải theo mô hình nào đó mới được. Và khi người không làm theo ý của họ, thì họ chỉ trích. Họ quên rằng Bồ tát phải đa hạnh và việc giáo hóa chúng sanh phải tùy duyên. Nếu áp đặt vô khuôn mẫu cố định, không thể hiện được tinh ba của Phật dạy.

Học Phật phải có tầm nhìn toàn diện để không phạm tội phá pháp, đấu cấu hơn thua. Cuối cùng, không còn ai tốt nữa, làm cho đàn viet mất tín tâm là vô tình đã khiến cho người bỏ Phật đạo, quay về với ác ma.

Phật cho biết những Tỳ kheo ở thời Phật Câu Lưu Tôn đã phạm tội phá pháp như vậy, họ đọa địa ngục. Khi tái sanh, thì sanh vào nơi biên địa hạ tiện. Sanh ra và lớn lên ở những vùng xa xôi hẻo lánh, muốn vào ở thành phố và xuất gia, chắc chắn không dễ. Sanh trong dòng họ nghèo khổ, làm thuê mướn, không thông minh thì cũng khó vươn lên. Chính bản thân tôi sanh ở vùng quê xa xôi, cằn cỗi và sống trong gia đình nông dân nghèo khó, tôi thấm thía những khó khăn vô cùng theo Phật dạy.

Chúng ta muốn tu, nhưng rơi vào hoàn cảnh không bằng người về cuộc sống vật chất, về tri thức và đạo đức. Từ thân phận hẩm hiu như vậy, chúng ta dễ có ý nghĩ sai lầm. Người thông minh được kính trọng, ta sẽ sanh lòng ganh tỵ, ghét họ. Thấy người có tướng hảo, chúng ta cũng không ưa. Người xuất thân từ gia đình giàu có, quyền thế, cha mẹ họ thường cúng dường nhiều, đương nhiên Trụ trì phải trọng đãi họ.

Chúng ta tủi thân và ganh tỵ là ác nghiệp đã sanh ra, thì bắt đầu sống với ác nghiệp đó. Việc học Phật pháp, tụng kinh, tham Thiềnkhông nghĩ tới, nhưng chúng ta cố bươi móc lỗi của người vì bực tức. Tìm không ra lỗi, thì chúng ta bịa đặt ra. Tuy còn mặc áo tu, nhưng đã mất công đức, mất căn lành.

Phật chỉ rõ các vị này phải phát tâm lại, gọi là phát chí nguyện, nhận ra sự sai lầm từ quá khứ dẫn đến quả báo hiện tại. Họ phải quyết chí đi tới, không tái phạm tội lỗi này nữa. Tuy nhiên, Phật cho biết họ phải trải qua năm trăm năm sám hối cho tiêu nghiệp cũ. Sau cùng, họ được vãng sanh Tây phương Cực lạc, nhờ Phật Di Đà thọ ký mới bắt đầu tu lên.

Đến đây, Phật mở ra cánh cửa Tịnh độ cho người nghiệp nặng. Họ không thể tu Thiền quán, huệ không sanh. Chỉ có cách duy nhất nhờ Phật Di Đà thọ ký, hay là nương theo pháp môn Tịnh độ. Tuy nhiên, cũng khôngdễ, phải sám hối hết nghiệp, mới tu Tịnh độ được. Theo tôi, trước hết phải sám hối cho hết ý nghiệp thì Phật Di Đà hiện ra, gọi là thấy hảo tướng Phật. Hết ý nghiệp, trong tâm chúng ta không còn tham lam, ganh tỵ, thù hiềm. Nói chung, tánh ác mất, chỉ một lòng nghĩ đến Phật, mới thấy Phật. Phật hiện ra trong lòng chúng ta là bước đầu tu có được; không phải Phật thật bên ngoài.

Không sám hối, ác nghiệp luôn hiện trước mặt, nghĩa là chúng ta rơi vô tình trạng luôn luôn thấy việc chướng tai, gai mắt, khiến ta bực bội, tạo thành nghiệp của thân, khẩu, ý có đủ.

Đối với tôi, lạy Hồng danh sám hối dễ thấy được Phật. Chọn hình tượng Phật mà chúng ta có độ cảm tâm và lạy đến khi tâm chúng ta thông được với Phật, thì ý nghiệp thanh tịnh. Chỉ còn ta và Phật, đối với mọi việc trên cuộc đời này, chúng ta không quan tâm đến. Tôi có kinh nghiệm về pháp tu này. Trước kia, chúng ta ghét, giận đủ thứ, nhưng càng như vậy thì mình càng đau khổ. Nhưng nay, chúng ta đổi mới tư duy, không cần cơm ăn, chỗ ở, tiếng khen. Chỉ cần Phật hiểu lòng ta. Người khác không hiểu cũng không sao, đó là việc của họ. Vì đối tượng của ta là Phật, không phải là người.

Lúc còn nghiệp ác, đối tượng của ta là Tỳ kheo mà ta không ưa thích, Phật tử mà ta không bằng lòng, khiến ta buồn phiền. Lạy Phật một thời gian, những thứ bực bội này không còn. Người làm gì, mặc kệ họ. Lòng chúng ta hoàn toàn trống vắng, chỉ có Phật, nên được Phật thọ ký và chúng ta cảm thấy thương Phật thì công đức mới sanh ra. Chưa thương Phật, chưa thực sự kính trọng Phật, thì tu không có kết quả.

Lạy Phật đến khi chỉ thấy Phật, không thấy cái không vừa lòng là ý nghiệp thanh tịnh. Nỗ lực tu nữa, sẽ được thân nghiệp thanh tịnh theo. Tâm hoàn toàn tốt, nghĩ đến Phật, nên Phật thân của chúng ta hiện, hay hảo tướng hiện, sức khỏe của chúng ta tốt lần. Nhờvậy, làm việc bằng với người thì người bớt khó chịu với ta. Ta nỗ lực thêm, khỏe mạnh hơn người, làm thay cho người, phước chúng ta bắt đầu tăng. Có được hảo tướng, sức khỏe tốt và làm được việc, là khắc phục được thân nghiệp và có đủ tư cách ở trong đạo. Người nhìn thấy ta, họ phát tâm hoặc nghe theo lời ta khuyên, là biết khẩu nghiệp thanh tịnh.

Ba nghiệp thanh tịnh, được Phật thọ ký và từ đây tu lên mới dễ. Các Tỳ kheo trong pháp hội này phát đại nguyện rằng từ ngày được nghe Phật dạy cho đến khi thành Phật, họ nguyện không bao giờ tìm lỗi của người, nghĩ đến lỗi của người và nói lỗi của người. Vì những thứ này làm tâm rối loạn thêm, chẳng được gì. Nói để người phát tâm, mới nói. Vì vậy, Di Lặc phải đưa các Tỳ kheo đến nghe Phật Thích Ca là nghĩa này.

Kế đến, từ đây đến khi thành Phật, họ nguyện rằng không bao giờ tán gẫu, nói chuyện vô ích. Nên dùng thì giờ tụng kinh, lạy Phật, tham Thiền, làm việc tốt đời, đẹp đạo. Thứ ba là các Tỳ kheo xa lánh nơi ồn ào, hơn thua phải trái, để không ảnh hưởng xấu đến cuộc sống tu hành. Thứ tư là tránh xa người lười biếng. Kết bạn với người siêng năng tu hành. Và sau cùng, thệ nguyện học rộng, nghenhiều, siêng tu Thiền quán, thích hành Đầu đà.

Mặc dù thành tựu hạnh Đầu đà, đắc Định, có được đa văn, các Tỳ kheo này nguyện không dám xem thường người không được như vậy. Vì đời trước, họ đã phạm tội khinh khi người, bị đọa. Phật cho biết nếu quyết chí lập hạnh tu, phát nguyện dứt bỏ những sai lầm quá khứ, tội sẽ tiêu và hướng đến tương lai tươi sáng, được sanh về cõi Phật Di Đà.