cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1


Mở đầu phẩm không có người hỏi, nhưng Phật tự nói. Ngài giảng về sáu pháp Ba la mật và dạy rằng tất cả Bồ tát muốn thành Vô thượng Chánh đẳng giác phải thành tựu sáu pháp Ba la mật.

Kinh Bát Nhã và kinh Bảo Tích nói đến sáu pháp Ba la mật. Kinh Hoa Nghiêm thì nói có mười pháp Ba la mật. Ba bộ kinh này đều thuộc hệ Đại thưa, đều lý giải về pháp Ba la mật. Tuy danh từ dùng chung, nhưng cách giải thích khác nhau.

Lập trường Bát Nhã đưa về Không, lấy huệ làm chính. Chuyển sang kinh Hoa Nghiêm tu sáu pháp Ba la mật, nhưng cũng đặt căn bản trên Bát Nhã Ba la mật là trí tuệ; vì không có trí tuệ không thể thực hiện năm pháp Ba la mật còn lại.

Có thể nói, Bồ tát từ nhân hướng quả hành lục độ, từ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, Thiền định và đến trí tuệ. Nhưng Bồ tát từ quả hướng nhân, tu trí tuệ trước, vì có trí tuệ là có tất cả.

Kinh Nguyên thủy theo hướng tu giới, định, huệ, cũng lấy trí tuệ làm chính. Chứng được Bát Nhã là đạt Chơn không, không còn phiền não, không phải là ngoan không, hay không có gì. Nhưng có Nhứt thiết trí thì mọi việc trên cuộc đời, không còn gì mà ta khônggiải được. Sự vật vẫn là sự vật, nhưng chưa chứng Bát Nhã thì sự vật chi phối làm khổ ta. Không có trí tuệ, ta làm việc không nên làm, mới thọ quả báo xấu. Còn chứng được Nhứt thiết trí, biết được việc nên làm, người nên độ, sẽ luôn thành công trên bước đường hành đạo.

Chính Phật đã thể hiện pháp này. Ngài chứng Bát Nhã, biết rõ việc diễn biến bên ngoài, khác với ngoại đạo nhập diệt tận định, không biết gì. Trên bước đường tu, nếu từ biết một ít, ta dẹp hết, để trở thành không biết gì trên cuộc đời, là đã lạc vào ngoại đạo. Ngoại đạo nhập Định, năm trăm cỗ xe chạy ngang, họ không hề hay biết. Phật thì khác, Ngài biết rõ có năm trăm xe chạy qua và còn biết nó phát xuất từ đâu, chở gì và đi đâu. Nghĩa là trí Bát Nhã của Phật do định sanh ra, biết thấu suốt ba đời nhân quả, nên giải quyết được mọi việc.

Trước khi có Bát Nhã, vật chướng ngại. Nhưng chứng Bát Nhã, quét sạch phiền não trần lao, Thiện Tài vào đời tự tại, xấu chuyển thành tốt. Kinh Hoa Nghiêm ra đơi sau Bát Nhã là từ Chơn không đi về Diệu hữu, đi vào Pháp giới.

Vì vậy, giải thoát theo Phật giáo phát triển không phải là từ bỏ các pháp để chứng Niết bàn Không. Trái lại, dùng trí tuệ Bát Nhã quán sát được các pháp, chứng Nhứt thiết trí, biết hoàn toàn tất cả pháp và tùy theo sự diễn biến của nó mà hành đạo. Nhờ vậy, đối với các pháp, hành giả được hoàn toàn tự tại.

Kinh Hoa Nghiêm dạy thêm rằng tu sáu pháp Ba la mật, không rời niệm Phật, Pháp, Tăng. Thí dụ tu bố thí theo Bồ tát từ nhân hướng quả, ta chưa có trí tuệ, thì phải nương theo trí tuệ Phật, trí tuệ của tập thể Tăng đoàn. Nếu không, sẽ bị lạc đạo.

Tôi lãnh đạo Thành hội Phật giáo, mọi việc phải được Ban Trị sự quyết định, không phải cá nhân tôi tự quyết. Việc làm của tôi là việc chung của Tăng đoàn, nghĩa là tôi không rời niệm Tăng. Khi ta đạt quả vị Phật, biếtđược tâm niệm của đại chúng và quyết định đúng, thì tự quyết được. Chưa được Nhứt thiết trí, chưa biết được ý của chư Tăng, phải làm theo trí tuệ tập thể chỉ đạo, là niệm Tăng.

Phật tại thế, Ngài dạy sao thì làm đúng như vậy. Nhưng Phật Niết bàn, thì niệm Phật theo tinh thần Phật giáo phát triển là căn cứ vào tập thể chư Tăng quyết định trên căn bản kinh điển. Vì vậy, Phật giáo phát triển có phần chỉnh lý, cho phép tập hợp chư Tăng để thay đổi; không dùng những gì không thích hợp nữa, hoặc thêm vào những điều nhằm giải quyết việc mới xảy ra. Thí dụ trong thời Phật tại thế, chưa có tháp Phật; nên luật không đặt ra vấn đề trước tháp Phật không được đốt thây người chết, không được khạc nhổ. Những điều này được chư Tăng thêm vô sau để giữ vẻ tôn nghiêm nơi tháp Phật.

Hoặc điều luật cấm chư Tăng ăn quá giờ ngọ. Phật giáo phát triển thấy điều này trở ngại cho việc tu hành, vì sanh ra bệnh hoạn. Vì thế, không áp dụng chặt chẽ, cho phép chư Tăng ăn sau giờ ngọ. Đó là quy định ở thành Tỳ Da Ly. Trưởng lão Da Xá chấp giới này, cho rằng nếu phạm không còn là Tỳ kheo.

Thử nghĩ theo tinh thần Phật giáo phát triển, căn cứ vào trí tuệ tập thể để quyết định, có sai trái hay không. Trước nhất cần khẳng định rằng tất cả pháp Phật nói là phương tiện. Thể hiện ý này, kinh Văn Thù cho rằng suốt bốn mươi chín năm, Phật không nói gì, đó là chân lý. Hay theo kinh Bát Nhã, không có pháp nào cố định có thể đưa chúng ta đến Nhứt thiết trí.

Cái đưa chúng ta đến Nhứt thiết trí là cái uyển chuyển, thay đổi của chúng ta. Chính Phật cũng cho biết Ngài tùy chỗ, tùy lúc, tùy người, mà nói pháp khác nhau. Đó là sự uyển chuyển có phạm trù rõ ràng. Tỳ kheo bệnh thì khác với người tu không bệnh, người đa nghiệp phải khác với không có nghiệp, có trí tuệ dĩ nhiên khác với không trí tuệ. Không nên cố định, không nên bắt buộc phải sinh hoạt giống y nhau một khuôn.

Tinh thần Phật giáo phát triển chủ trương tùy theo hoàn cảnh khác nhau mà tu, nhưng mục tiêu chung là giải thoát. Chính vì nhờ "cái tùy” đó, mới được giải thoát. Thí dụ có người không ăn chay được, chẳng lẽ không cho họ tu. Cần biết điều quan trọng của người tu là đừng sát sanh, vì thế không nên chỉ trích người ăn mặn. Hoặc người có cơ thể đặc biệt, không ăn vài ngày cũng bình thường, trong khi có người phải ăn nhiều lần trong ngày.

Ngài Thiên Thai dạy muốn được giải thoát, phải tùy theo cơ thể để có chế độ ăn uống thích hợp với mình. Đừng ăn những thứ ảnh hưởng đến bệnh của mình. Tôi thấy rõ điều này, khi còn là học Tăng ở Phật học đường, chế độ ăn uống giống nhau và quá khắc nghiệt. Vì vậy, sau mùa hạ thứ nhất là vắng bóng một số Thầy. Đến mùa hạ thứ hai, thứ ba, chỉ còn vài mươi người, nên cứ phải sát nhập các lớp lại. Vì chế độ ăn uống, ngủ nghỉ không thích hợp, sanh ra bệnh hoạn, không thể học. Chính sự áp dụng cứng nhắc giới luật, thiếu tinh thần "tùy người”, khiến một số người không tu được.

Trong kinh Bảo Tích, Phật cũng nhắc nhở tu sáu pháp Ba la mật, nhưng người chưa có trí tuệ, phải nương Phật huệ chỉ đạo. Theo Phật giáo phát triển, thì từng người, từng chỗ, từng lúc có những việc khác nhau. Không thể đem việc của người này áp dụng cho người khác. Các Tỳ kheo theo gót Phật, xem Ngài xử trí từng việc, nghĩa là học trí tuệ.

Khi chúng ta hành bố thí cũng vậy, phải cân nhắc việc của ta sanh ra phước hay sanh tội. Bố thí có trí tuệ, quán triệt được ba đời nhân quả, biết nghiệp quá khứ của họ dẫn đến quả hiện tại và nghiệp quả đời sau thế nào.

Trong Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên kinh, Phật cho biết những người khiêng kiệu cho hoàng hậu của vua Ba Tư Nặc là bốn Tỳ kheo đã làm Thầy của bà này trong kiếp trước. Vì phạm sai lầm, tu không đúng pháp, mà kiếp này trở thành người hầu của bà. Nhờ nghe pháp (vì phải khiêng kiệu cho bà đến nghe Phật thuyết pháp), dần dần họ thức tỉnh và xin xuất gia. Phật dạy rằng họ hết nghiệp mới xuất gia được, còn nghiệp phải thọ quả báo. Phật giáo hóa thành công vì Ngài đã biết rõ quá khứ, hiện tại và đoán định được tương lai của người.

Thật vậy, nếu Phật cho những người ấy xuất gia liền, là hỏng; vì cho người có cốt lõi nô tỳ mặc ao Sa môn là phá pháp. Thực sự cốt lõi bên trong là Sa môn, thì mới xóa bỏ được hình thức bên ngoài. Chẳng hạn thấy cốt lõi hay tư chất của Sunita là Pháp sư, Phật khai ngộ cho ông tiêu nghiệp, thì thực chất này hiện ra. Nói cách khác, tạo điều kiện cho người làm thuê được xuất gia, để họ trở thành Hiền Thánh; mà không làm như vậy là bỏ mất cơ hội tốt giúp người thăng hoa. Còn cứ chấp vào việc có một người gánh phân được xuất gia, để cho tất cả nô tỳ xuất gia, quả thật là tai họa cho đạo.

Bốn người khiêng kiệu của hoàng hậu khi phát được chơn tánh và tiêu nghiệp, họ mới tu được; nghĩa là phải chờ đúng lúc cho xuất gia. Nếu ta độ sớm hơn, Phật ví như hái trái chưa chín, không ăn được. Họ đi tu, mang theo cả khối nghiệp, thì sẽ bị đọa.

Hành bố thí, giúp đỡ người, chắp gối cho họ đứng dậy, đi lên. Giúp mà làm cho người thành ăn hại, ta có tội. Độ người cũng vậy, phải nghĩ đến việc họ thành Hiền Thánh. Nếu không, họ phải hoàn tục, cuộc đời rất thảm hại. Vì vô minh ngăn che, ta không thấy nghiệp chướng của người, cho họ xuất gia, được cung kính cúng dường. Họ hưởng hết phước nhanh, phải hoàn tục, kéo cày trả nợ. Nếu để họ làm thuê mướn, sống cơ cực với đồng lương ít ỏi, mà họ không bị tổn phước.

Trong kinh Bảo Tích, Phật dạy Bồ tát hành sáu pháp Ba la mật, phải suy nghĩ đến hậu quả. Quán sát được ba đời nhân quả, mới có thể giúp người thăng hoa. Từ phần lý giải này của kinh Bảo Tích giúp chúng ta hiểu rõ về pháp hành Lục độ trong kinh Bản Sinh của Phật giáo Nguyên thủy.

Kinh Bản Sinh ghi rằng tiền thân Phật Thích Ca có lần bố thí ngôi vua, đền đài, cung điện, vợ con và bố thí cả thân mạng của Ngài. Kinh chỉ ghi bố thí Ba la mật như vậy, không giải thích thêm. Nhưng kinh Bảo Tích phân tích rõ ý nghĩa của bố thí Ba la mật. Bồ tát có trí tuệ bố thí để thành Phật và đểngười được thí phát tâm Bồ đề, cầu Vô thượng đạo.

Chúng ta bắt chước làm theo, nhưng không đạt được kết quả như vậy, coi như sai pháp. Thử nghĩ ở thời đại chúng ta mà giảng dạy việc bố thí vợ con, quả là điên! Luật pháp không cho phép buôn bán người. Nhất là đối với vợ con, phải có trách nhiệm, không thể chấp nhận chuyện bán vợ đợ con. Chúng ta đưa ra câu chuyện này khiến người hiểu lầm đạo Phật dạy làm điều quá nhẫn tâm.

Bố thí đền đài, cung điện nhằm mục tiêu gì. Đem cho cả sự nghiệp, theo kinh Bảo Tích, để được lợi cho bản thân ta và người. Không cho để người tăng trưởng lòng tham, tội ác. Cho để tăng trưởng công đức, thì nên làm. Ta làm không đạt năng suất bằng người, nên nhường ngôi là hợp lý. Nếu chúng ta cho họ quyền uy để họ làm sai trái, ta có tội.

Chung ta không thể giao quyền Trụ trì cho đệ tử để nó hưởng thụ. Công khó nhọc mới tạo dựng được và tặng người không ra gì, làm Phật giáo suy đồi, chùa xuống cấp. Đó là sai lầm lớn. Phải quan sát xem đệ tử nào làm nên việc thì chia sẻ, giúp đỡ họ. Làm như vậy nhằm mục tiêu giúp Phật pháp hưng thạnh và chắp gối cho người đi lên. Không phải bố thí Ba la mật là không cần suy nghĩ, không cần xét hậu quả.

Tại sao không cần suy nghĩ. Hòa thượng Trí Tịnh dạy rằng khi suy nghĩ, chúng ta chỉ biết được khoảng sáu mươi phần trăm; bằng trực giác, biết đến tám mươi phần trăm. Vì vậy, không suy nghĩ của Bồ tát bậc Thánh khác với người phàm. Người phàm không suy nghĩ, dễ thất bại. Người không biết phải trái, không làm được gì. Không suy nghĩ, không biết gì là sai.

Phật giáo không đào tạo người ăn bám. Phật chỉ có hai hạng đệ tử, đệ tử nhỏ chỉ lo cho mình, không làm phiền người và đệ tử lớn lo được cho người, mới sanh ra công đức. Chúng ta nuôi dạy đệ tử cũng theo hướng này, để họ tự phấn đấu lên và bước thứ hai, họ tự lo được, chúng ta phải buông.

Bố thí theo đạo Phật, bước đầu thấp nhất là giúp người ở mức độ nào trong cuộc sống. Điều chính yếu mà Phật dạy là phải phát huy ý chí và phát triển trí tuệ của người thì họ phải trưởng thành. Chỉ có ý chí, thiếu trí tuệ, thì dễ thành liều mạng.

Còn giúp mà thủ tiêu ý chí của người, ta lo hết cho họ, họ chỉ việc hưởng thụ, là đào tạo người ăn hại, Phật giáo sẽ suy đồi. Kinh Pháp Hoa dạy rằng dù có nuôi vô số chúng sanh cho đến khi họ nhắm mắt lìa đời, cũng không bằng dạy cho người một câu, một bài kệ hay một niệm kinh Pháp Hoa.

Về điểm này, đừng hiểu lầm là dạy một câu, một bài kệ thật trong kinh Pháp Hoa. Nên hiểu rằng ta xây dựng cho người cao nhất là một câu, một bài kệ, hay ít nhất một niệm nghĩ về Phật pháp, rất quan trọng. Một niệm tâm là khởi điểm phát Bồ đề tâm, huệ đã sanh ra, tia sáng lóe lên trong đầu, biết được việcđáng làm, thì ý chí phấn đấu của họ đem đặt vào đó.

Riêng tôi, nhờ niệm tâm ban đầu đi tu là cố gắng phấn đấu phá bỏ ý niệm ăn nhờ ở đậu. Từ đó, lập chí đi lên, tự giải quyết việc của mình thành tựu và gánh vác việc cho người, giúp người cùng thăng hoa theo mình.

Tiền thân Phật bố thí thân cho cọp đói để nó có sữa cho con bú. Chúng ta đọc thấy gương của Ngài như vậy phải xúc động. Chính Đức Phật đã đưa ra hình ảnh đẹp, cho người thấy rằng Ngài không cần bất cứ thứ gì, kể cảmạng sống của vương tử được người đời đánh giá là cao sang nhất. Điều này cũng gợi lên cho chúng ta suy nghĩ rằng ắt hẳn Ngài có cái siêu việt bên trong. Ngài xả thân mạng vì tâm đại bi, vì tinh thần vô ngã vị tha. Ý này trong kinh thường dạy là lấy thân mạng để đo niềm tin của người cầu đạo. Trước cái chết, hiểm nguy, sang giàu …, thử xem lòng chúng ta có thay đổi hay không. Người không có trí tuệ, làm vì bắt chước người khác, rồi sanh tâm hốihận.

Phật dạy Thiện Tý Bồ tát bố thí để tăng trưởng đạo hạnh của chính mình và làm cho người được bố thí phát tâm Bồ đề, phát triển đời sống vật chất và tinh thần. Nuôi người thành ăn hại hay thủ tiêu ý chí của họ, ta phải gánh một phần trách nhiệm. Cúng dường chư Tăng cũng để tạo điều kiện thuận tiện cho người tu phát triển nếp sống thánh thiện, thăng hoa tri thức. Nếu nghĩ đơn giản rằng cúng Tăng có phước, chúng ta vô tình giúp cho người lười biếng khoác áo tu. Cúng dường như vậy, chúng ta đã gián tiếp phá đạo, có tội hơn là được phước.

Hàng Bồ tát sơ tâm làm việc phải suy nghĩ. Nếu không suy nghĩ được, thì phải nương theo lời Phật dạy và nương theo Tăng đoàn. Lời Phật dạy được ghi lại trong kinh điển, chúng ta hiểu và làm theo. Tuy nhiên, pháp Phật mà ta sử dụng cũng cần thích hợp với hoàn cảnh của ta. Nếu không thích hợp với ta mà đem dùng, kinh Pháp Hoa gọi là uống lầm thuốc độc.

Phật dạy vua chúa, chư Thiên làm, hãy xem ta có phải đúng đối tượng mà Phật muốn nói hay khong. Tám mươi bốn ngàn pháp tu của Phật có thể hình dung là kho thuốc gia truyền của Ngài để lại, phải chọn thuốc đúng với bệnh của ta, là điều tất yếu.

Đọc kinh Đại thừa, nhận thấy ý nào của Phật dạy trùng hợp với sự suy nghĩ, với việc làm của tôi trong cuộc sống, tôi liền đem áp dụng. Với những điều áp dụng không phù hợp, tôi tạm gác lại, không phê phán.

Đức Phật còn tại thế, ta làm theo Phật, không phạm lỗi lầm, vì Ngài thấy không sai. Nghĩa là không sai lúc đó, không sai ở hoàn cảnh đó. Tôi thường tự hỏi nếu có Đức Phật ở thế kỷ XX, Ngài sẽ dạy gì. Chắc chắn những gì không thích hợp, làm cho người khổ, thì Phật không bao giờ dạy. Nhưng không có Phật, hay chưa có trực giác, chúng ta phải suy nghĩ. Đem hoàn cảnh của ta đối chiếu lời Phật dạy, xem điều nào ăn khớp với cuộc sống của ta, thì thực hiện.

Cần ý thức rõ tất cả pháp môn của Phật đưa ra đều là phương tiện thiện xảo. Việc quan trọng là biết sử dụng đúng hoàn cảnh của mình để được lợi lạc trên bước đường tu. Làm như vậy, chúng ta đã nương được pháp Phật giải quyết mọi việc và không đánh mất bản chất của đệ tử Phật.

Ngoài việc nương Phật, nương Pháp, Bồ tát chưa đạt Bát Nhã phải theo Tăng đoàn. Không tự quyết định được vì chưa đắc đạo, thì nên thi hành theo quyết định của tập thể.

Thực hiện Lục độ, Bồ tát cũng tu pháp trì giới. Giới của Phật từ năm giới cho đến 350 giới. Nói chung, các giới do Phật chế ra, ta thọ giới nào thì giới đó phải ứng với hoàn cảnh và nghiệp của ta. Không ứng, có giữ cũng chẳng ích lợi gì.

Giới của Phật nhằm giúp chúng ta đạt giải thoát. Thọ giới mà không giải thoát, lại trở thành ràng buộc chúng ta, thì quả là hại. Có thể nói giới phải ứng với từng người. Có thể phân ra ba hạng người là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Còn tính kỹ thì có vô số sai biệt. Riêng trong Tỳ kheo, cũng có nhiều hạng khác nhau. Giới Tỳ kheo nhằm khống chế hàng ác Tăng. Khi có chư Tăng phạm giới, Phật mới chế giới. Ngoài ra, giới cũng nhằm khống chế nghiệp chướng Tăng. Giới ngăn cấm một số việc để giữ cho Tăng đoàn tốt đẹp.

Đối với Hiền Thánh Tăng thì không cần giới này. Thật vậy, khi Phật đến Lộc Uyển thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như, Ngài không cần nói giới nào cả. Họ chỉ tôn thờ Tam bảo là sống dưới sự lãnh đạo của Phật, tôn trọng nguyên tắc sống của Phật đưa ra và hòa hợp tu hành. Họ không bận tâm đến giới, chỉ thể hiện Tam bảo trong nếp sống và họ đắc đạo.

Nhưng đến hàng Duyên giác, Bồ tát thì giới lại khác. Duyên giác là hàng trí thức luôn suy tư. Suy tư thì thay đổi liên tục, khôngdừng lại, nên không thể có mô hình cố định cho người sống với sự suy tư. Duyên giác thường tu quán Nhân duyên. Mỗi người có một đối tượng, một thế giới để quán sát. Vì vậy, không có giới cho hàng Duyên giác được. Hay nói cách khác, họ đã thành tựu đạo hạnh của Thanh văn, Phật dạy họ quán sát đề mục, không thể ép họ vào khuôn sống cố định. Tuy nhiên, họ có giới chung là giới giải thoát.

Đối với Duyên giác, làm gì cũng được, nhưng không đánh mất Tăng thể, tâm hồn vẫn trong sáng, hiểu biết vẫn chính xác. Họ không theo Phật vào hang núi tu, chỉ đến với Phật khi cần kiểm chứng việc tu hành của họ. Như vậy, mới đến hàng trung thừa mà giới luật đã không giống nhau.

Tiến đến Bồ tát hành đạo, lấy tâm chúng sanh làm tâm mình, hoàn cảnh chúng sanh làm hoàn cảnh mình. Nhưng chúng sanh thì muôn hình vạn trạng, nên Bồ tát phải đa hạnh. Tất nhiên cũng không có khuôn nhất định cho Bồ tát. Vì vậy, đứng lập trường này mà phê phán Bồ tát khác, là điều sai lầm.

Đến đây, giới của Bồ tát chỉ còn Tam tụ tịnh giới. Bồ tát làm gì cũng được, miễn sao giữ được tư chất đạo đức, không ai có thể phê phán, như hoa sen không nhiễm bùn. Bồ tát sáng phạm giới, trưa nhiếp tâm, chiều trở lại thanh tịnh. Tội từ tâm sanh và cũng từ tâm diệt. Vì Bồ tát có trí tuệ, nhiếp tâm, quy về Không và trở thành trong sáng. Còn ta tạo tội, không có trí tuệ, không thể xóa được, tội vẫn giữ nguyên trong lòng ta.

Bồ tát làm gì cũng thấy họ là người đạo đức. Điển hình như Phật giết tên cướp để cứu cả đoàn thương buôn, Ngài vẫn là người thánh thiện, không ai coi Ngài là sát nhân tội lỗi. Hoặc đức Thánh Trần giết giặc thật nhiều, vẫn được tôn là Thánh. Bồ tát khác Thanh văn ở điểm đó.

Ngoài việc giữ trọn phẩm chất đạo đức trong mọi việc làm, Bồ tát hành đạo để phát huy trí tuệ. Vì làm việc, mới đụng chạm, trí tuệ mới trong sáng và tích lũy được công đức. Bồ tát làm tội và xóa sạch, nên công đức dày thêm. Dùng công đức này giáo hóa chúng sanh, gọi là Nhiêu ích hữu tình giới.

Giới Bồ tát nâng cao tột đỉnh đến Ba la mật trở thành Bồ tát giới thể thanh tịnh. Và từ giới thể thánh thiện này, chuyển đổi tất cả ác nghiệp của Bồ tát thành phương tiện độ đời. Tinh thần này khác với Thanh văn không dám làm gì. Nếu Phật giáo đời Trần không dám giết giặc, không thể viết lên trang sử vàngson, thì Phật giáo chúng ta cũng không có thành quả ngày nay. Công sức của các ngài đã đóng góp cho đất nước, dân tộc Việt Nam thật hiển nhiên. Các ngài chẳng phạm sai lầm nào. Nếu xét về mặt giới luật theo Nhị thừa, thì việc làm như vậy là sai trái. Nhưng theo tinh thần Đại thừa, chẳng những không sai, còn có lợi ích.

Trong sáu pháp, Bồ tát tu sằn đề Ba la mật là nhẫn nhục. Tiền thân Phật cũng từng thực hiện pháp này. Ngài để cho Ca Lợi vương chặt tay chân mà không hề nổi giận. Đọc đến đây, ta cũng muốn để cho người hành hạ như vậy, để đạt được nhẫn nhục Ba la mật, là sai lầm lớn. Thiết nghĩ Bồ tát tùy trường hợp mà ứng sử đều được lợi ích. Không hiểu rõ, ta nhịn để người lấn lướt, hành hung, tiêu diệt Phật giáo, quả là không khôn; vì việc chính của chúng ta là hộ trì chánh pháp.

Trong trường hợp nào chúng ta nên nhẫn. Kinh Bảo Tích dạy tất cả pháp nhẫn phải làm lợi ích cho mình và người. Không được lợi thì dại gì nhẫn. Ta tu trong chánh pháp mà người đọa thì không nên. Thật vậy, người mắng chửi, hành hạ ta, tất nhiên họ đọa địa ngục. Chấp nhận cho người đọa địa ngục vì ta, không phải là việc làm của Bồ tát.

Nhẫn phải kèm theo sự suy nghĩ có trí tuệ. Nên nhẫn hay không va nhẫn bằng cách nào. Ta mặc áo tu, để họ xỉ vả, đánh chết, làm ta đọa và họ ác vậy cũng đọa, là hỏng. Có trí tuệ, chúng ta không bao giờ tạo điều kiện cho người gây tội lỗi. Nếu có tâm đại bi, thương người thực sự, phải chuyển hóa họ.

Sằn Đề tiên nhântu trên núi. Vua đưa thể nữ đi săn bắn, nghĩ rằng vị tiên này đã nhìn thấy sinh hoạt riêng tư của ông, nên tức giận chặt tay chân, móc mắt ngài. Bị vua hành hạ như vậy, ngài không giận. Đó là đại Bồ tát dùng pháp cảm hóa người, nhẫn để độ đời. Ngài đã thành tựu pháp vô nhiễm, không còn ham muốn, nên không còn sân hận và chứng minh cho vua thấy không có gì tác động được ngài.

Kinh Bảo Tích khuyên chúng ta thực hành pháp nào cũng phải có lợi. Không dại gì thí thân mà không được gì.

Tu sáu pháp Ba la mật theo kinh Bát Nhã hoàn toàn quán chiếu Không. Nhưng kinh Bảo Tích chủ yếu lấy phần Bát Nhã hay trí tuệ là chính. Vì tu năm pháp Ba la mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, Thiền định, mà không có Bát Nhã Ba la mật thì năm pháp kia có thể biến giải thoát thành ràng buộc, biến công đức thành tội lỗi. Có thể nói chưa đạt Bát Nhã Ba la mật, chưa thể thực hành năm pháp trước được.

Kinh Bảo Tích dạy nếu chưa đạtBát Nhã, muốn hành Bồ tát đạo, chúng ta phải nương theo sự chỉ dạy của Phật hay của Bồ tátĐệ Bát địa, hoặc nương thiện tri thức đã chứng Bát Nhã Ba la mật trở lên. Các ngài mới có tầm nhìn chính xác, mới chỉ đạo đúng. Chúng ta không tự làm được, vì không thấy ba đời nhân quả; giúp người đôi khi lại thành hại người.

Hai phần cuối cùng của sáu pháp Ba la mật là Thiền định và trí tuệ được coi như then chốt của đạo Phật. Có Thiền định và trí tuệ thì bốn pháp còn lại được thực hiện tùy duyên, không quan trọng.

Định và huệ là chính. Phật dạy có huệ thì mới có định và giới. Vì không có huệ mà giữ giới và tu định, dễ trở thành giới cấm thủ và lạc vào tà định. Tuy nhiên, không có giới và định, cũng khó có huệ.

Chúng ta tu giới và định, phải nương vào người có trí tuệ. Người chưa đắc huệ mà dạy thì chúng ta thành củi mục. Sở dĩ cần có trí tuệ vì giới có khai, giá, trì, phạm và áp dụng cho từng người, từng trường hợp khác nhau. Vì vậy, có trường hợp giữ giới trở thành phá giới. Thí dụ phá giới của Thanh văn lại được Bồ tát coi là giữ giới.

Đức Phật có trí tuệ, Ngài chế giới để dạy dỗ ngăn cấm người nào, là điều chúng ta phải hiểu rõ. Phật dạy rằng người phạm giới ví như cây dừa bị chặt ngọn, không dùng được nữa. Ngài nói như vậy với người sắp thanh tịnh để cấm ngăn, thức tỉnh họ và họ sợ, không dám phạm. Nhưng đối với người đã phạm tội rồi, thì nói với họ điều đó càng làm cho họ liều mạng, làm bậy thêm nữa, tăng thêm tội cho họ. Giữ giới có trí tuệ thì tùy trường hợp mà giải quyết. Không có huệ, giới không được lợi ích, lại trở thành hại.

Định có trí tuệ cũng khác. Trong định, phần căn bản là ngoại đạo và chúng ta cũng tu tứ Thiền. Xưa kia, Phật tu với Kalama, ông này đã đắc Tứ Thiền nên truyền cho Phật là người có trí tuệ, Ngài cũng đắc ngay. Người chưa đắc Thiền chỉ dạy theo công thức, nên lạc đạo, thành ám chứng Thiền sư nhập diệt tận định, năm trăm chiếc xe chạy ngang cũng không hay biết. Định theo cách này có lợi là không phát sanh phiền não, nhưng trí tuệcũng theo đó tiêu mất. Trong kinh Pháp Hoa, bốn vị trưởng lão than khóc với Phật rằng những người còn phiền não mà phát tâm Bồ đề, tu đắc đạo. Còn họ đã đắc La hán, vào diệt tận định, nhưng không phát Bồ đề tâm được. Nhập định theo ngoại đạo, ác không biết thì thiện cũng không biết, trở thành người vô dụng, không biết gì cả. Như vậy, ngoại đạo và Phật giáo đều tu Định, nhưng khác nhau ở kết quả; một bên thành vô dụng, một bên được trí tuệ.

Khởi đầu, bị nghiệp chướng phiền não trần lao quấy rầy; muốn cắt nó, chúng ta phải tu Định. Không dẹp nó, chúng ta không thể phát sanh trí tuệ; nó chỉ cho chúng ta nhận thức phiền não. Thí dụ tánh tôi nóng nảy thì tất cả suy nghĩ của tôi sẽ thành phiền não. Thực tế chúng ta thấy người thông minh, tốt, nhưng vì nóng, thường làm những điều hại cho bản thân họ và hại cho người.

Đầu tiên, chúng ta tu Thiền không cho tánh nóng bộc phát, không cho nhận thức theo phiền não phát sanh, bằng cách không đối tác với mọi sự vật bên ngoài. Thiền giúp chúng ta ở giai đoạn một là được bình tĩnh, để đi sâu thêm; không phải đến đây để thành diệt tận định.

Tôi tâm đắc điều Phật dạy rằng đến đỉnh cao của Tứ Thiền là bắt đầu ngã rẻ. Đến chỗ vừa cắt phiền não, đoạn được kiến hoặc và tư hoặc xong, đắc La hán, nếu chúng ta bước vào được Ngũ Tịnh Cư Thiên là Thiền của Phật đạo. Nhưng ngoại đạo thì khác, đến đây, họ không vào được Ngũ Tịnh Cư Thiên, mà lọt vào Tứ Không Thiên, nhập diệt tận định, không biết gì.

Ở đay chúng ta không nói đến hai mươi lăm phương tiện để vào Thiền theo ngài Thiên Thai. Chỉ nói sơ vài nét cần phải chuẩn bị khi tu Thiền. Trước nhất, cơ thể phải có sức chịu đựng để luyện tập Thiền quán; nếu không chỉ luống công vô ích. Tuy nhiên, luyện được cơ thể cũng chưa đủ. Cần điều chỉnh ba việc ăn, ở, ngủ để cơ thể chúng ta không bị vướng mắc với nó, mới vào Thiền được.

Để chọn chỗ ở có không khí trong lành, Thiền sư thường vào động đá, vì trong đó ấm và mát, dù bên ngoài trời lạnh và nóng. Chuẩn bị hang động vừa đủ ở có thể che nắng mưa để tu. Khi có chỗ ở cho thân tứ đại được bình yên, ngồi Thiền, chúng ta từ từ rời bỏ thế giới bên ngoài; cũng không bận tâm đến hang động và thân tứ đại cũng không chi phối được. Chúng ta chứng Ly sanh hỷ lạc.

Điều hòa được những thứ này, chúng ta cũng không phải đối phó với nóng lạnh đói khát. Thật vậy, cơ thể đã được điều chỉnh, vấn đề ăn uống không cần nữa. Thiền sư không uống nước nhiều, vì dễ hại thận bị cảm. Tuy không uống nước nhiều, nhưng không khát. Việc ăn cũng được hạn chế và cơ thể tiêu hóa được lượng thực phẩm vừa đủ. Vì vậy, hành Thiền, ngồi yên một tuần, không ăn uống, không đi vệ sinh, không tắm rửa, nhưng không hôi dơ, không mệt mỏi.

Phải khẳng định rằng người có nhiều căn lành từ đời trước mới tu được pháp này. Vì khi mang thân tứ đại, chúng ta khó thoát khỏi sự chi phối của nó. Điển hình như ngài Xá Lợi Phất đã tu sáu mươi tiểu kiếp trước, chỉ gặp Mã Thắng Tỳ kheo, chưa nói lời nào, mà ngài đã đắc sơ Thiền, được Ly sanh hỷ lạc. Không được pháp tối thiểu này, tu cùng kiếp cũngvậy.

Tuy nhiên, cần biết rằng chỉ có Phật, Bồ tát, Thánh Tăng mới có khả năng dạy người khác đắc Định. Người có căn lành gặp Thiềnkhai ngộ bằng lời nói rất đơn giản, không cần học nhiều mà vào Định được. Vì tâm sáng của Thiền sư tác động vào căn lành, ảnh hưởng cho tâm Thiền sinh sáng theo và phát tâm Bồ đề.

Hành Thiền, bằng mọi cách phải đạt cho được trạng thái thấp nhất là Ly sanh hỷ lạc, nếu không kể như tuyệt phần. Còn tệ hơn nữa, lo làm hang động cho đẹp, để thu hút người cúng dường. Đắc Định, đạt Ly sanh hỷ lạc là cửa ngõ để chúng ta vào đạo. Dù hoàn cảnh thế nào, cũng không bận tâm, tâm luôn an vui. Muốn như vậy, phải loại bỏ danh lợi, tự khắc phục sự ham muốn, đòi hỏi của mình. Làm sao thoát khỏi sự chi phối của xã hội; xã hội không làm phiền chúng ta, để lòng chúng ta an ổn, mặc dù cuộc sống còn nghèo. Người giàu có, quyền thế đâu có được yên tâm; họ thường nhờ tôi làm cho họ an lành. Trên bước đường tu, ý thức sâu sắc rằng quyền thế, tiền bạc không làm cho chúng ta yên. Từ chối danh lợi là được yên ổn tức khắc. Sắp xếp cuộc sống nhẹ nhàng, thiểu dục tri túc; sự đòi hỏi của bản thân càng ít càng đỡ lệ thuộc là pháp tu của chúng ta.

Bước thứ hai, rời bỏ cuộc đời, tâm mới Định được. Trụ Định để giải thoát, vì cuộc đời quá đau khổ, chúng ta lao vào, chịu sao nổi. Chúng ta dồn tâm trí cho việc tu Định và ở trong Định, tâm cũng phải an vui. Đạt được trạng thái Định sanh hỷ lạc, Tổ Thiên Thai nói rằng "Thùy tri đại đạo lạc vô cương”. Đó là nguồn vui vô tận giữa ngài và hang động núi rừng, đại tự nhiên hòa thành một.

Bước thứ ba đạt được Ly hỷ diệu lạc, có nguồn vui sâu kín trong lòng. Diễn biến của tâm khó diễn tả được. Cuối cùng là Xả niệm thanh tịnh, niềm vui âm thầm cũng không nhớ đến. Đó là quy trình vào Thiền định. Đến đây, nếu lạc tứ Không, rớt vào diệt tận định của ngoại đạo, trở thành than nguội củi mục.

Nhưng nếu đạt Xả niệm thanh tịnh rồi, bước qua Ngũ Tịnh Cư Thiên của Phật, Bồ tát ở, thì chúng ta không phải không biết gì như gỗ đá. Chúng ta vẫn cảm nhận được sự hiện hữu của ta, nhưng cái Ta này không còn bị phiền não quấy rầy, là cái Ta giải thoát.

Qua Không Vô Biên Xứ thiên, ta đứng ở bãi đất trống là ta có căn lành, có nhân duyên với Phật pháp và được Phật trao cho Diệu Pháp. Bấy giờ, vẫn sống trên cuộc đời này, nhưng không có phiền não, không ai có thể làm phiền ta, là đạt được phiền thiên.

Kế tiếp, chúng ta được Vô nhiệt thiên, lòng không còn buồn phiền khó chịu, hoàn toàn giải thoát là loại hình hai của Ngũ Tịnh Cư Thiên. Có cái Ta, nhưng không còn vấn đề, nhìn đời chính xác hơn; bước qua giai đoạn ba gọi là Thiện kiến thiên. Nghĩa là thấy rõ ba đời nhân quả, diễn biến của ngũ uẩn, Thập nhị nhân duyên. Chưa đắc đạo, cuộc đời xấu với ta. Đắc đạo thì cũng cuộc đời này, mà nó rất đẹp, giống như vinh quy bái tổ, cái gì cũng tốt, gọi là Thiện hiện thiên. Trong Thiền thường thí dụ chưa tu thấy núi là núi, sông là sông; tức núi sông cản trở bước đi của ta. Nhưng đắc đạo, núi sông vẫn là núi sông, nghĩa là những trở ngại, khó khăn chuyển thành phương tiện hành đạo của Bồ tát.

Cuối cùng đến Sắc Cứu cánh là cùng tột vật chất, không có gì mà Thiền sư không hiểu. Kinh Hoa Nghiêm diễn tả là nhập Pháp giới thì "Nhứt thân phục hiện sắc trần thân …”

Trên bước đường tu đạt đến trình độ tu chứng này, mọi việc đều do trí tuệ chỉ đạo, vẽ ra bức tranh tương lai đời này và vô số kiếp sau của Bồ tát đều hoàn toàn thánh thiện, lợi ích cho người. Khác với vô minh chỉ đạo ta khôn, thiên hạ dại; nhưng càng đi xa, ta càng lún vào bùn sâu tội lỗi. Trí tuệ hay minh của Phật, Bồ tát chỉ đạo thì càng đi xa, chúng ta càng tiến đến chân, thiện, mỹ.