Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1
Trong pháp hội này, Đức Phật giới thiệu vị trưởng giả Dũng Mãnh Thọ có quyến thuộc là năm trăm trưởng giả. Họ quy tụ cùng nhau bàn luận về cuộc sống của con người. Trưởng giả Dũng Mãnh Thọ đưa ra những điều khó có như được thân người là khó, gặp Phật là khó, chánh tín xuất gia khó, thành tựu tánh Tỳ kheo khó, được giải thoát sanh tử luân hồi là khó, v.v…
Thật vậy, điều mà ai cũng thấy rõ rằng trong tứ sanh lục đạo, phải đủ phước đức mới được thân người, có nhân duyên căn lành mới gặp Phật. Và chánh tín xuất gia lại càng khó hơn nữa. Thực tế cho thấy người tà tâm xuất gia không ít. Vì thế, khi nghe người chỉ trích tu sĩ Phật giáo thất học, ăn bám …, quả thực chúng ta cảm thấy đau lòng vô cùng. Theo tôi, thế hệ các anh em sau này phải nỗ lực học không thua người, làm việc lợi ích cho đời cũng không kém người. Được như vậy, mới xứng đáng là đệ tử Phật và làm cho Phật pháp phát triển lâu dài.
Ngoài việc chánh tín xuất gia khó có, trưởng giả còn đưa ra tiêu chuẩn khó hơn nữa là thành tựu được tánh Tỳ kheo. Thành tựu tánh Tỳ kheo thì thân tướng có đầy đủ oai nghi và tâm thanh tịnh, thể hiện ba đức tánh là sát tặc, phá ác, bố ma trong nếp sống hàng ngày, mới đi vào lộ trình giải thoát của Đức Phật.
Các trưởng giả có nhân duyên căn lành với Phật pháp sâu dày mới có thể nhận thức được những điều khó có ấy trong đời người. Họ quyết tâm tu hành để đạt được những điều khó có ấy.
Ngày nay, Tăng Ni may mắn được đến trường lớp học đàng hoàng. Hai mươi năm trước làm gì được như vậy và năm mươi năm trước ở thời của chúng tôi lại càng khốn khó hơn nữa. Vậy mà quý vị có bằng lòng với phước báu ấy đâu, thường than thở đòi hỏi đủ thư, tánh xấu dễ sanh ra. Trong khi các trưởng giả ý thức được những điều cao quý mà người tu được tận hưởng nếu thực tu.
Đức Phật cũng thường dạy rằng người giàu có từ bỏ sự nghiệp vật chất để đi tu là việc rất khó. Nếu họ xuất gia được thì biết phước đức nhân duyên của họ rất lớn. Đối với người nghèo, niềm tin sanh ra trong hoàn cảnh khó khổ và phát tâm tu hành thì Bồ đề tâm của họ so với người giàu phát tâm tucũng bằng nhau. Cả hai đều nhận thức giống nhau rằng cuộc đời là mộng huyễn bào ảnh; giàu nghèo quán pháp Không đều giống nhau. Ta đi thẳng vào Phật huệ, không cần tu phước thì cũng gặp nhau ở cửa Không. Vì Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát khi đến cửa Không, tâm vắng lặng thì đồng nhau, đồng lên đại bạch ngưu xa.
Thiết nghĩ người nghèo như tôi càng dễ tu hơn người giàu. Tôi không có gì, nên không bận tâm, dễ thâm nhập Phật huệ hơn. Tôi chỉ có con đường đi tới, không có đường khác; những gì ở phía sau tôi đã phá vỡ, nếu buông tay thì chẳng có đường lùi lại. Người có sẵn ruộng vườn, thì gặp khó là họ bỏ tu, quay về với cơ ngơi ấy. Tôi nhắc anh em tu hành đừng lo cất cốc, tạo vườn, hay đừng tạo cái riêng cho mình. Nó sẽ làm chúng ta vướng mắc, dễ thoái lui. Chúng ta xuất gia chỉ có con đường duy nhất là hạ quyết tâm tu đắc đạo; nếu không thì gặp chướng nạn, chúng ta dễ chùn bước, thoái chuyển.
Các vị trưởng giả bạch Phật rằng gặp được Ngài là bậc đại trí, họ nhất định tu. Phật dạy họ từng bước đi theo lộ trình Đại thừa phải tu sáu pháp Ba la mật. Tuy nhiên, muốn đạt kết quả tốt, phải có trí tuệ chỉ đạo; nếu không dễ phạm sai lầm, không được phước, còn có tội. Giúp người không đáng giúp để họ nhân đó làm bậy rồi hoàn tục, thì ta đã phạm tội phá pháp.
Theo Đại thừa, có tâm thương người, chúng ta bố thí, giúp đỡ để tạo điều kiện cho người thăng hoa và trở thành quyến thuộc của chúng ta để cùng nhau tu hành. Càng bố thí, càng có nhiều người tài hợp tác với chúng ta. Thiết nghĩ, chúng ta làm không được, người khác có khả năng làm, ta giúp để họ làm lợi đời, đẹp đạo. Thí dụ, tôi không đủ sức làm Trụ trì, tôi cúng cho vị có tài đức để họ Trụ trì truyền đạo. Cúng dường như vậy là tôi giao trách nhiệm lớn cho họ, không phải giao cho người vô trách nhiệm.
Phật giáo Nhật Bản trong thời kỳ chấn hưng đã áp dụng tinh thần này. Các Thiền sư nổi tiếng như Suzuki, Kimura đã được các vị sư khác cùng nhau hỗ trợ cho họ học thành tài, xiển dương được đạo pháp lớn mạnh. Để đào tạo người có kết quả hữu ích như vậy, nhiều người phải có tinh thần hy sinh, dồn tiền của cho một vài người thật giỏi. Họ học thành đạt, làm được việc lớn. Điều đó tốt hơn là ai cũng làm việc riêng, aicũng lây lất, đạo không phát được. Nói chung, cúng dường nhằm xây dựng chúng Hiền Thánh trong đạo và bố thí để đào tạo người tốt giỏi làm lợi cho đời, sáng danh cho đạo.
Phật khuyên trưởng giả rằng họ có phước báu đời trước, nên xuất gia và sử dụng tài sản để lo cho Tăng chúng tu học, phát triển đạo pháp. Như vậy, họ sẽ dễ dàng tạo công đức và có nhiều quyến thuộc tốt.
Trong sáu pháp, Thiền định và trí tuệ quan trọng nhất. Người tu có tánh Tỳ kheo sống trong hoàn cảnh nào, tâm vẫn tự tại, an vui, có cái nhìn sáng suốt.
Đức Phật dạy đến đây, các trưởng giả thưa rằng họ cũng muốn tu, nhưng từ bỏ gia đình, của cải, sự nghiệp thì họ thấy cũng còn nhiều luyến tiếc. Đó là cái khó của người giàu đi tu. Phật dạy rằng để từ bỏ dễ dàng phần vật chất đeo dính chúng ta nhiều đời, nên quán sát thân người, tài sản và luyến ái của chúng ta là gì và nó sẽ dẫn chúng ta về đâu. Giải đáp được câu hỏi này, chúng ta yên tâm xuất gia học đạo.
Thật vậy, trước mắt chúng ta, không thiếu gì người giàu có, quyền uy hơn ta, cuối cùng cũng chết trong khổ đau. Giàu mà hết phước, bị người hại lấy sạch của cải hoặc giàu mà thụ hưởng rồi sanh bệnh, nghiệp, cho đến sa cơ thất thế, chết trong khổ sở.
Đối với thân người, Phật dạy chúng ta quán sát thân hôi dơ, bất tịnh, dễ hư rã để không sanh tâm đắm nhiễm. Thuở nhỏ, tôi hay nhìn những người già yếu, bệnh hoạn và liên tưởng đến tương lai mình sẽ như vậy, tự sanh tâm khiếp sợ. Đức Phật khi còn là thái tử, Ngài đi dạo bốn cửa thành, chứng kiến cái khổ lụy của con người già nua, bệnh hoạn, chết chóc. Những cảnh ấy đã khiến cho Ngài nhức nhối tâm can và hình ảnh thanh thoát, an lạc của vị Sa môn khiến lòng Ngài nhẹ nhàng. Những hình ảnh ấy đã là tiền đề thúc đẩy Ngài từ bỏ cuộc sống nhung lụa, xuất gia đi tìm cuộc sống giải thoát, vĩnh hằng.
Đức Phật dạy các trưởng giả quán sát như vậy và phát Bồ đề tâm tu hành, xây dựng đạo pháp hưng thạnh. Thời kỳ chấn hưng Phật giáo ở nước ta cho thấy rõ điều này. Điển hình như Ni trưởng Huê Lâm xuất thân từ gia đình giàu có, xuất gia tu hành. Hoặc cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền thuộc hàng quyền thế, giàu có cũng phát tâm tu hành. Các vị này đều đóng góp công của và trí tuệ cho đạo pháp.
Những người giàu có dám từ bỏ sự nghiệp vật chất để sống với đạo pháp, phải biết họ có căn lành sâu dày. Trong pháp hội này đưa ra hình ảnh Bồ tát kiểu mẫu là Dũng Mãnh Thọ và năm trăm trưởng giả đã gieo trồng căn lành từ đời quá khứ, nay được gặp Đức Phật Thích Ca, thâm nhập được pháp vô thường và đã phát tâm xuất gia. Đức Phật cho biết họ trải qua quá trình hành Bồ tát đạo, tu tạo công đức, trong nhiều đời họ thường qua lại chốn nhơn thiên. Và họ sẽ thành Phật trong tương lai, đồng danh hiệu là Thắng Liên Hoa Tạng Như Lai.