Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1
Trong pháp hội này, Đức Phật dạy cho quốc vương có phước báu mới được làm vua. Đối với người tu Nhị thừa thì e ngại phước báu sẽ làm cho họ đọa. Thật vậy, các Tỳ kheo lo tu giới định huệ, không quan tâm đến tạo phước. Vì nếu đời sau có phước là đẹp, nhiều người theo, nhiều tiền của, nhưng không có định huệ thì dễ dàng bị những thứ ấy tác động, làm trở ngại cho việc tu hành, thậm chí có khi bị đọa vì nó.
Trái lại, người tu hạnh Bồ tát thì cần phước; vì không có sức người, sức của, khó thành tựu công đức. Tuy nhiên, nếu chúng ta cần người, cần của thì cũng dễ bị lệ thuộc ở người, phải thỏa mãn yêu cầu của họ. Có thể nói thực sự hành Bồ tát đạo, chắc chắn không khởi tâm mong cầu hay lệ thuộc điều gì. Chúng ta chỉ hành đạo trên căn bản phước đức, nhân duyên và hạnh nguyện. Có nhân duyên thì tự nhiên cảm thấy thương mến nơi ta đến và người địa phương cũng quý mến ta, hỗ trợ cho ta làm. Phước đức của chúng ta có thì người phát tâm tham gia vào việc của ta, không phải dụ dỗ, quyên góp. Tự đáy lòng của chúng ta thôi thúc làm việc Phật và chúng ta an vui, thanh thản với công việc ấy, là hạnh nguyện. Đức Phật thấy rõ ý chí, hạnh nguyện, khả năng, quyến thuộc của ta như vậy thì Ngài bổ xứ, hộ niệm cho việc ta thành tựu. Hay có thể nói, hội đủ được những yếu tố cần thiết ấy thì việc tự thành, Phật bổ xứ mà không bổ xứ, hiểu theo lý Bát Nhã.
Ở pháp hội này, Đức Phật dạy vua Ưu Đà Diên. Sự kiện xảy ra như sau, hoàng hậu Xá Ma của Ưu Đà Diên vương là người hiền lành, thường thân cận cúng dường và nghe Phật thuyết pháp. Bà phi là Đế Nữ thường ganh tỵ với hoàng hậu, đặt điều nói xấu hoàng hậu với vua. Vua tức giận dùng cung tên bắn hoàng hậu Xá Ma. Vua bắn ba phát tên cũng đều không hại được hoàng hậu. Vua kinh sợ, vội vàng đến sám hốivới Phật rằng vì ông bị nữ nhơn mê hoặc điên đảo nên làm tội như vậy. Xin Phật nói cho biết tội lỗi của nữ nhơn để ông thoát khỏi sự khổ lụy vì nữ nhơn. Phật bảo rằng ông phải lo quan sát lỗi của ông trước.
Hoàng hậu Xá Ma có căn lành và có nhân duyên với Phật, thường đến Phật nghe pháp cúng dường. Đức Phật là bậc phước đức vẹn toàn, nên Ngài độ cho hoàng hậu thành tựu pháp tu của Ưu bà di một cách dễ dàng. Phước đức và nhân duyên là yếu tố rất quan trọng trong việc độ sanh, không có hai điều này, khó độ được người.
Phước căn bản theo Phật dạy là tấm lòng của chúng ta. Tỳ kheo tu hành phải luyện tập cho được tâm hoan hỷ đối với mọi tình huống, đặc biệt là đối với người ác hại. Tâm hồn trong sáng, thanh thản thì giáo hóa người được. Trái lại, lòng của chúng ta còn suy tính đủ thứ, còn nhiều gút mắc, nên ẩn tu.
Tỳ kheo không nên tỏ thái độ giận dữ, bực tức, khó chịu; vì chắc chắn đó không phải là đức tánh của người tu. Nếu có xảy ra việc không vừa lòng, theo tôi đã có Hộ pháp Long thiên giải quyết giùm. Trong phẩm trước cho thấy Thiện Thuận Tỳ kheo bị bức hại, lòng vẫn thanh thản và được Hộ pháp bảo vệ. Thiết nghĩ phước chúng ta giữ được là lìa tham sânsi. Tôi thấy một số Thầy không học giỏi, nhưng nhờ tâm thanh thản, nhẹ nhàng, họ được nhiều người quý trọng. Những Thầy tính toán, mưu lược giỏi lại không thành công và nếu hung dữ thì càng bị khinh thườnghơn.
Theo Phật, chúng ta nói với đời là nói bằng phước đức của mình; dù nói năng hay yên lặng, người vẫn nghe. Nói bằng phước đức có thể hiểu theo thực tế là người có tiền bạc, có nhân lực, nhân tài và uy tín thì họ nắm quyền quyết định.
Đức Phật thành đạo và thuyết pháp độ sanh thành công cũng thể hiện rõ nét tinh thần giáo hóa người bằng phước đức. Trước tiên, Ngài chọn năm anh em Kiều Trần Như ở Lộc Uyển là người đức hạnh nổi tiếng. Ngài cảm hóa được họ theo Ngài tu học, là có người uy tín hợp tác thì việc của Ngài dễ thành công. Kế đến, Đức Phật độ Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp là những người lãnh đạo các tập thể lớn của ngoại đạo thời bấy giờ. Như vậy Ngài đã tập trung được những người đức hạnh, trí thức và nhiệt tình cầu đạo, tạo thành giáo đoàn đầu tiên của Phật gồm một ngàn hai trăm vị thánh thiện A la hán. Chính nhân cách siêu tuyệt của Đức Phật và giáo đoàn như vậy đã thể hiện bài pháp sống là đức hạnh và phước báu khiến cho người người quy ngưỡng, kính mến.
Trong pháp hội này, Phật độ được vua Ưu Đà Diên vì Phật cũng từng là vua. Ngài đồng đẳng với vua và tu hành đạt được những điều kỳ vĩ, vượt trội hơn họ; nên các vua thời ấy quy phục Ngài dễ dàng.
Hoàng hậu gặp Phật, bà sanh tâm kính trọng và phát tâm quy y, trở thành Ưu bà di đúng nghĩa. Tiếp nhận được tâm Phật, nên bà cũng tự trang nghiêm được tâm từ bi hỷ xả. Và bà cũng có được những quyền năng rất lạ, kinh diễn tả rằng vua nghe thứ phi gièm pha, bắn ba mũi tên vô hoàng hậu vẫn không hại được bà. Trái lại, mũi tên quay ngược về đỉnh đầu vua và bốc lửa. Vua sợ, không biết bà là quỷ thần hay chư thiên.
Bà cho biết rằng bà chỉ là người thường, nhưng nhờ tu theo Phật và dùng tâm từ nghĩ đến vua, nên có được hiện tượng thần biến vậy. Vua nghĩ bà chỉ giữ năm giới mà còn được phép lạ ấy; chắc là Phật thì phải hơn thế nữa, ông liền tìm đến Phật. Câu chuyện này theo tinh thần Đại thừa nhằm diễn tả ý sâu xa hàm chứa bên trong.
Tấm lòng độc ác của vua nghĩ xấu về Phật và Thánh chúng được ví như mũi tên bắn ra. Tâm độc nghĩ xấu về người tốt, hay người dữ hại người lành, họ không phản ứng lại; nhưng tâm ác đó tạo thành hậu quả xấu đến với người ác.
Hoàng hậu thực tu, không nghĩ đến quyền thế, tình ái; nhưng nghĩ đến Phật, cảm đức của Phật, tu theo hạnh đức ấy. Tâm hồn bà không sân hận, không ham muốn. Vua cảm nhận được sự hiền lành, trong sáng của bà và ông đã thay đổi thái độ, tìm đến Phật. Điều này cho thấy chỉ có người tốt mới giới thiệu được cái tốt.
Vua gặp Phật, thấy rõ Ngài hoàn toàn tốt và giỏi, nhưng đã bỏ ngôi báu xuất gia, trở thành đấng Toàn giác, Toàn trí. Ông hết lòng kính phục Phật và thực lòng muốn nghe Ngài chỉ dạy.
Phật dạy rằng Ngài và ông đều làm vua. Nhưng làm vua của Đức Phật mới thực là vua, vì được mọi người cảm mến. Ngài không dùng quyền thế, chỉ dùng đức độ cảm hóa mới lâu dài. Quả thực, Đức Phật đã nhập diệt hàng ngàn năm mà loài người vẫn còn quy ngưỡng là ngưỡng mộ đức hạnh của Ngài. Trong khi các vua theo thường tình thế gian thì một đời còn không được trọn vẹn ngôi vị đế vương. Vì khi họ được hưởng phước báu của vua, họ luôn bị ngũ dục lôi cuốn, sa đọa trong thú vui này. Ho thường sanh tâm ác, dùng thủ đoạn chiếm đoạt những gì không phải của họ và tiêu diệt người có ý khác với họ. Cuối cùng họ cũng bị chết trong sự thù hận. Trong kinh, Đức Phật chỉ rõ những lỗi lầm khiến cho người trượng phu bị sa đọa. Nghe pháp xong, vua Ưu Đà Diên phát tâm quy y Tam bảo và nguyện làm những điều tốt của Ưu bà tắc như Phật dạy.