Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1
Quan sát bề ngoài, chúng ta thấy mọi người đều có nguyên chất cấu tạo như máu, xương, tế bào… giống nhau. Tuy giống về phần kết hợp vật chất, mỗi người lại tạo thành một cơ thể riêng với thể lực, hình dáng, trí tuệ, v.v…, hoàn toàn khác nhau.
Kim Cang Mật Tích muốn chỉ cho chúng ta nhận ra phần khác biệt ấy và tu như thế nào để có cấu trúc cơ thể đặc biệt để dễ dàng đạt tới quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác như Đức Phật. Đó là điểm căn bản khác biệt giữa đạo Phật và các tôn giáo khác.
Hầu như mọi tôn giáo đều quan niệm rằng con người do đấng tạo hóa tạo dựng. Con người đẹp xấu, giỏi dở, mạnh yếu, khôn ngoan hay khờ khạo, v.v…, đều do tạo hóa quyết định sẵn cho mỗi người. Vì vậy, chúng ta chẳng thể làm gì khác hơn là chấp nhận cái khuôn mà tạo hóa đã đúc sẵn cho ta.
Đạo Phật hoàn toàn quan niệm ngược lại. Theo Phật, mọi việc tốt xấu đều do ta quyết định; cấu trúc cơ thể của chúng ta cũng vậy, hoàn toàn do ta tự tạo ra. Đức Phật đã chứng minh điều này bằng hình ảnh của chính Ngài. Thật vậy, Đức Phật cũng có cùng nguyên tố tạo hình như chúng ta, nhưng Ngài đã tạo thành thân tướng trang nghiêm với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp và một sức mạnh phi thường, một trí tuệ tuyệt vời. Đi theo lộ trình Phật dạy, chúng ta phải sử dụng cho được những yếu tố tạo nên tướng hảo, khỏe mạnh, thông minh. Theo tinh thần Đại thừa, phải tu tập nhiều đời, thì ngày nay chúng ta mới có cấu trúc cơ thể vật chất và tinh thần tốt đẹp. Hoặc ít nhất trong một đời hiện tại, chúng ta cũng thực hiện một số việc để thay đổi được cuộc sống trở thành tốt hơn.
Riêng tôi, ứng dụng lời Phật dạy trong đời tu và trải qua quá trình chuyển đổi nếp sống, cũng đã thay đổi được thân bệnh thành cơ thể khỏe mạnh. Về vật chất, muốn thay đổi tình trạng sức khỏe của cơ thể, đương nhiên phải chú trọng đến không khí mà chúng ta hít thở và vấn đề ăn uống; vì hai việc này tác động trực tiếp đến sức khỏe chúng ta. Theo tôi, chúng ta không cần ăn ngon, ăn nhiều, chỉ cần đủ dinh dưỡng để sống. Thực tế phần lớn thức ăn ở chùa nhiều, nhưng không đủ dinh dưỡng, lại thiếu vệ sinh. Nhất là trong các buổi lễ cúng trai tăng, thức ăn thường làm từ ngày hôm trước và dọn ăn sớm, để ruồi bu, dễ gây bệnh truyền nhiễm. Những thức ăn cũ, thiu, chẳng những không cung cấp bổ dưỡng, còn làm chúng ta bị bệnh đường ruột. Thiết tưởng chúng ta cần suy nghĩ về chế độ ăn uống ở chùa thế nào cho đủ sức khỏe. Thế hệ tôi chưa thay đổi được, nhưng lớp người thừa kế phải nghĩ cách đào tạo tu sĩ khỏe mạnh. Không thể ăn cho đầy bao tử mà vẫn bị suy dinh dưỡng. Tôi thấy rõ thời tôi đi học, khoảng 50 tu sĩ, nhưng kết cuộc chỉ còn mười mấy người và trong số đó, lại chỉ có vài người khỏe mạnh. Số còn lại tốt nghiệp rồi thì thân ốm yếu, bệnh hoạn.
Nếu chúng ta cứ tiếp tục đào tạo lớp tu sĩ bệnh hoạn như vậy, làm sao duy trì đạo mạch tồn tại. Khi sang Nhật tu học, họ đặtra hai tiêu chuẩn mà mới nghe qua, tôi cảmthấy khó chịu. Trước tiên, họ đặt vấn đề sức khỏe quan trọng nhất. Theo họ, học để làm việc. Nếu không đủ sức khỏe, ra trường, ta làm được gì. Lúc mới, tôi cũng tự ái, tủi thân, vì ốm yếu; nhưng suy nghĩ kỹ, thấy họ nói đúng. Họ tuyển người dù tu hay ở ngoài đời, đều đòi hỏi phải khỏe mạnh. Và đối với người tu, còn cần nhiều sức khỏe hơn; vì ta phải làm việc khó làm và làm nhiều mà ăn ít, ngủ ít.
Điều thứ hai quan trọng là trí thông minh của con người. Đa số người Việt chúng ta thường mắc bệnh học từ chương, học "gạo bài” là học thuộc lòng để thi đậu, có bằng cấp mà không chú trọng đến việc phát triển trí tuệ. Đối với người tu, thông minh và sức khỏe rất cần thiết. Căn cứ vào cuộc đời của Đức Phật, chúng ta thấy Ngài trở thành đấng Thế Tôn, Chánh biến tri, Điều ngự Trượng phu … cũng vì Ngài có cấu trúc cơ thể rất đặc biệt và yếu tố Bồ đề hay trí giác siêu tuyệt. Lúc mới 12 tuổi, Ngài đã trang bị thể lực, trí lực toàn hảo, văn võ song toàn, không còn thầy nào có khả năng dạy được Ngài và không ai có thể đọ sức với Ngài.
Trên bước đường tu theo Kim Cang Mật Tích, chúng ta cần tạo một cơ thể khỏe mạnh và trí thông minh; không phải học lấy bằng cấp mà không làm được việc. Điều chính yếu của người tu là thực hiện giới, định, huệ. Giới để tạo cho ta cấu trúc cơ thể tốt và định huệ để tạo yếu tố Bồ đề là trí thông minh bén nhạy. Học theo Đại thừa không phải nhồi nhét vô đầu nhiều kinh sách; nhưng học cho được trí thông minh của Phật.
Trong kinh, Ngài Kim Cang Mật Tích dẫn câu chuyện quá khứ xa xưa giữa Xá Lợi Phất và Đức Phật. Xá Lợi Phất tu hành, ngồi đếm lá cây thì Đức Phật đến hỏi Ngài làm gì. Xá Lợi Phất trả lời rằng ông đã đếm lá cây 12 năm rồi, nhưng cũng chưa đếm được hết. Đức Phật cho biết Ngài không đếm, nhưng cần biết nhánh nào có bao nhiêu lá, Ngài sẽ đáp đúng ngay.
Điều này nhằm chỉ mọi việc xảy ra trên cuộc đời đều có thể nhận biết được một cách đúng đắn bằng yếu tố Bồ đề hay trí thông minh. Theo tinh thần Đại thừa, chúng ta học để phát huy yếu tố Bồ đề; không phải học văn tự. Đức Phật để lại vô tự chơn kinh, khơi dậy cho chúng ta Bồ đề tâm. Tâm sáng rồi thì sự việc như thế nào, chúng ta thấy biết đúng như vậy.
Theo giáo sư Kubota, Bồ đề tâm là mắt sáng của ta và giáo nghĩa là kinh nghiệm của người xưa. Đi theo lộ trình của Đại thừa, chúng ta học kinh nghiệm của Phật, của chư vị Tổ sư để phát huy trí tuệ mình, không phải học để lặp y lời người đi trước. Ví như có chim bay trên bầu trời, Đức Phật nhìn thấy và chỉ cho các Tỳ kheo cùng thấy. Một giờ sau, chim bay đi rồi mà một thầy Tỳ kheo cũng lặp y lời Phật để chỉ đại chúng rằng có chim bay. Trùng tuyên lời Phật theo cách ấy bị Tổ sư quở là y kinh giải nghĩa, Phật oan tam thế.
Chính vì vậy, kinh Bảo Tích dạy rằng một Phật nói, Phật khác không lặp lại. Ngài Nhật Liên cũng nhấn mạnh đến yếu tố Bồ đề, đặt ra bốn tiêu chuẩn : giáo, cơ, thời, quốc, để thuyết pháp. Không căn cứ vào bốn điều này mà y khuôn nói pháp sẽ thành phá pháp; vì ứng dụng sai gây tác hại hơn là lợi. Tùy quốc độ, tùy lúc, tùy người, tùy trường hợp, mà sử dụng pháp khác nhau. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, chúng ta phải dùng yếu tố Bồ đề hay trí thông minh nói pháp, người tin hiểu được và thực hành có kết quả. Nói điều họ không hiểu, hay hiểu sai thì gây tác hại.
Tinh thần Phật giáo Đại thừa muốn nhắc chúng ta sử dụng vô tự chơn kinh. Nghĩa là để tâm Bồ đề chúng ta sáng suốt trắng trong, thì thấy điều gì, điều ấy tự động in lên. Giữ lại văn tự thường bị vướng mắc với nó. Kinh Văn Thù thể hiện ý này rằng suốt 49 năm, Như Lai chưa nói một lời. Xá Lợi Phất đếm lá trong quá khứ, nghĩa là học và chấp chặt việc của quá khứ, rồi khổ với một bồ kinh nghiệm ấy. Thật vậy, Xá Lợi Phất là đại luận sư, nhưng đau khổ với mớ hiểu biết rối rắm của mình. Kinh gọi đó là phiền não trí do học nhiều, sinh ra phiền não.
Người học Phật luyện cho được tầm nhìn, hiểu biết đúng như thật; không cần y theo chuyện xưa tích cũ, vì lịch sử không tái diễn. Phải nhìn thực tế, chúng ta thấy người, biết ngay là họ chân thật hay dối trá. Thiếu cái nhìn đúng như vậy, khó lãnh đạo được. Vì chúng ta đã bị lừa nhiều, gặp người tốt, ta cũng nghĩ họ xấu; người nào ta cũng cho là xấu.
Đạo Phật là đạo của trí tuệ. Vì thế cần nương theo lời Phật dạy như là phương tiện giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn cho chínhxác và biết người, biết việc qua Bồ đề tâm. Không phải biết bằng kinh nghiệm hay sách vở.
Phát triển yếu tố Bồ đề bằng cách tu định, huệ. Thật vậy, hiểu biết của chúng ta không sáng suốt, vì thường bị phân tâm.Phật dạy chế tâm hay định tâm thì việc tự sáng ra. Tôi áp dụng pháp này nhận rõ ý Phật dạy rất đúng. Khi phải lo toan nhiều việc, tâm không tập trung được, tôi không thể thấy đáp án. Tôi liền dứt bặt mọi suy tưởng, chú tâm vào thẳng vấn đề, tự nhiên thấy ngay cách giải quyết. Vì vậy, trên bước đường tu, do Định mà phát huệ và có trí tuệ thì chúng ta biết cách tập trung, dễ định tâm. Có thể nói định và huệ hỗ tương tác động cho nhau. Riêng tôi, thường tu Định có tính cách quán chiếu. Tôi đọc kinh nói về pháp hội này và tập trung vào những điều tâm đắc. Qua nhiều ngày suy niệm như vậy, đến một lúc nào đó, vấn đề tự vỡ ra, thấy yếu nghĩa mà Đức Phật muốn dạy chúng ta một cách rõ ràng như kinh thường diễn tả là thấy trái xoài trong lòng bàn tay.
Tôi thích Thiền Lâm Tế ở điểm dùng thoại đầu để chúng ta tập trung; nhờ tập trung, vấn đề sáng lên và chúng ta ứng dụng có kết quả. Giáo pháp là phương tiện để ta tập trung; quán pháp là như vậy. Thiền Tào Động thì ngồi quay mặt vô vách, nhưng Thiền Lâm Tế thì hai người ngồi đối diện nhau. Tôi và bạn yên lặng, mặt đối mặt, mắt nhìn mắt, quan sát như thế nào mà chúng ta hiểu nhau, hiểu được sự diễn tiến trong tâm ta và người. Hiểu nhau theo cách này, hai người ở xa cũng thông nhau, vì có đồng quan điểm, hay tinh thần nhập Pháp giới theo kinh Hoa Nghiêm.
Trong kinh nói tiền thân của Xá Lợi Phất ngồi đếm lá cây trong mười hai năm, nhưng không biết được số lá; trong khi Đức Phật lại biết. Điều này nhằm nói lên phần bí mật tiềm ẩn ben trong của Hiển giáo hay mười hai bộ kinh mà Phật thuyet cho hàng Nhị thừa.
Người học Phật chấp văn tự, thuộc lòng kinh, giảng giải làu làu. Tuy nhiên, không sử dụng được tinh ba của Phật dạy trong cuộc sống, thì kinh cũng trở thành vô ích, ví như vào biển đếm cát như Ngài Vĩnh Gia quở, hay ngồi đếm lá cây rừng, sao được. Mỗi năm bốn mùa, cây luôn thay lá, nhằm chỉ cho cuộc sống của con người luôn thay đổi. Văn minh của con người tiến triển từ thế hệ này sang thế hệ khác, không dừng. Chính vì sự diễn tiến liên tục của hoàn cảnh, của thời gian, của con người về tâm lý, vật lý hoàn toàn khác nhau như vậy, cho nên Đức Phật nói pháp hơn ba trăm hội không giống nhau. Tùy lúc, tùy người, tùy chỗ mà Ngài đưa ra pháp tương ưng thích hợp lợi lạc, tiêu biểu bằng lá trên cây mà Phật biết rõ.
Thật vậy, với trí tuệ, Phật quan sát xã hội mà Ngài đang sống, thấy rõ tầng lớp nông nô, vua chúa, trí thức như thế nào. Và Ngài tùy theo quyền lợi của vua chúa, hay tâm thao thức của giới trí thức, hoặc khổ nhục của hàng nông nô, mà Ngài nói điều tương ưng để nâng cuộc sống của họ lên. Có thể nói trong mười hai bộ kinh, Đức Phật nhằm giải thích để người đương thời nương theo, phát triển tri thức, đạo đức của chính họ. Tuy nhiên, Đức Phật đã cách xa ta về thời gian và sinh hoạt của con người ngày nay đã thay đổi khá nhiều, mà ta cứ áp dụng y khuôn là sai lầm.
Phải khẳng định rằng cây Phật giáo phát triển, tồn tại đến ngày nay là nhờ chư vị Tổ sư không lặp y lời Phật. Các Ngài diễn tả ngôn ngữ khác, nhưng vẫn đồng với Phật ở điểm giáo hóa làm lợi ích cho cuộc đời. Vô tự chơn kinh hay bạch tự kinh là vậy. Phật dạy chúng ta tạo nên trí khôn. Ngài không để lại giáo điều để chúng ta phải vướng mắc, làm khổ mình, khổ người.
Chúng ta học và chấp hình thức mà không hiểu ý nghĩa thì sai. Nhưng không học văn tự, bỏ trường lớp thì cũng sai. Như vậy, ngồi Thiền để đắc đạo, bị Tổ sư quở là mài ngói để thành gương. Tuy nhiên, muốn đắc đạo, không thể không ngồi Thiền. Vì vậy, cần ứng dụng được phần bí mật tiềm ẩn bên trong pháp Phật dạy mới là điều quan trọng.
Khởi đầu, Thiền của Phật giáo Nguyên thủy là Minh Sát Tuệ, Thiền phải kèm theo minh sát mới đắc đạo. Nhưng đến Thiền Đông độ của Tổ Đạt Ma là Thiền diện bích, chín năm quay mặt vô vách ở chùa Thiếu Lâm. Và sau này, truyền đến Thiền Lâm Tế hay Thiền thoại đầu.
Điều này cho thấy rõ trong ba cách hành Thiền nói trên, ngoài phần hình thức, thì pháp quan trọng chính yếu và cần thiết phải kèm theo là phần minh sát, phần quay mặt vô vách, phần thoại đầu. Nói cách khác, phải có phần tu chứng; không phải chỉ ngồi suông. Người ta lầm tưởng Tổ Đạt Ma ngồi yên, không làm gì. Nhưng thử hỏi Ngài không làm thì sao Thiền tông tồn tại cả ngàn năm và còn ảnh hưởng mạnh qua Âu châu ngày nay. Phải thấy phần vô tác diệu lực rất quan trọng tạo thành sức sống mãnh liệt của Phật giáo. Đó là lực gia trì bí mật, khó hiểu mà chúng ta phải nhận ra và ứng xử trong cuộc sống.
Đức Phật Thích Ca sống đơn giản, bình dị, buổi sáng Ngài đi khất thực, buổi trưa dùng cơm xong, Ngài tọa Thiền. Chúng ta đời sau cũng làm y vậy, nhưng Tỳ kheo là Tỳ kheo, Phật là Phật; cũng như ma ni bảo châu và thủy tinh giống nhau bề ngoài, nhưng công dụng thì hoàn toàn khác nhau. Vị Tỳ kheo đắc đạo tác động cho người an vui, giải thoát. Điển hình như Đức Phật ra đời, ta chưa tu, chỉ nhìn Ngài đã cảm nhận được sự an lạc; khác với nghiệp chướng Tăng, trông thấy họ chỉ bực mình. Phần bí mật bên trong tác động cho người là như thế.
Đa số chúng ta kẹt hình thức, ngữ ngôn, văn tự, nên không học được, không sử dụng được phần bí mật tác động cho người thanh tịnh, an vui. Hành sử được phần tác động lợi ích cho người, chúng ta mới có thể thay Phật giáo hóa độ sanh.
Từ đó, tinh thần Đại thừa đề cao việc phát triển trí tuệ. Cuộc đời như thế nào, ta thấy như vậy và sống như vậy; không phải chấp chặt cái xưa cũ. Lá cây của mười hai năm đã rơi rụng; lá ngày nay hoàn toàn khác, mà ta cứ ngỡ muôn đời lá vẫn là một.
Ta thấy cuộc đời không bao giờ thiếu vắng con người. Nhưng thật ra lớp người ngày hôm nay không phải là người của trăm năm trước, cũng không phải là người của trăm năm sau. Người giống nhau; nhưng tâm tư, nguyện vọng, hiểu biết, cuộc sống, v.v… của mỗi người hoàn toàn khác nhau. Không ý thức sâu sắc điều này, chúng ta sinh hoạt không thích hợp với thời đại thì khó tồn tại.
Phải minh sát là có trí tuệ chiếu quán, như Thiền sư không nhìn đời bằng mắt, nhưng thấy sự vật bằng tâm. Từ đó, thấy mối tương quan tương duyên giữa ta với người và tùy theo đó mà hành đạo Bồ tát, cứu đời. Không thấy lý nhân duyên, hành đạo không thành công. Đức Phật cũng độ đời theo tinh thần quán nhân duyên. Trước khi đi khất thực, Ngài luôn nhập Định, dùng tâm quán sát, nhận ra được quyến thuộc thì đến cứu giúp, khai ngộ. Phật chỉ độ người có duyên với Ngài và Phật độ ai thì người đó đắc đạo.
Theo dấu chân Phật, chúng ta cũngphải quán nhân duyên để thấy mối quan hệ của ta với người như thế nào, mà tùy theo đó thuyết pháp giáo hóa; không phải mang giáo nghĩa giảng chung chung, không ai được lợi lạc gì.
Kim Cang Mật Tích gợi ý thêm cho chúng ta về "Nhứt Phật xuất thế, thiên Phật hộ”, nghĩa là một vị Phật hiện hữu làm đạo thì có ngàn vị Phật đồng gia bị. Điều này nhằm dạy rằng chúng ta muốn thành công, cần có nhiều người giỏi, tốt hợp tác. Một mình ta giỏi cũng không làm được gì.
Hành Bồ tát đạo, đáp ứng yêu cầu của người; họ có thiện cảm và hợp tác với ta thì con đường ta đi đã có hai người. Và từng bước, ta và họ cùng phát triển, lần nhân rộng làm cho nhiều người đồng hạnh, đồng nguyện tìm đến cộng tác. Như vậy, chúng ta đã tạo được một số Bồ tát quyến thuộc. Kinh Hoa Nghiêm triển khai tinh thần này trong việc hành Bồ tát đạo. Bồ tát làm từ việc nhỏ lần lên việc lớn, trải qua các giai đoạn tu từ Thập Tín, đến Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi hướng để phát triển tri thức và nhân rộng số quyến thuộc đồng hành.
Đức Phật cho biết Ngài thành tựu việc hóa độ ở Ta bà một cách dễ dàng vì trong Pháp giới đã có vô số Phật hỗ trợ Ngài, tạo thành lực bất tư nghì mà nhìn bên ngoài không thấy, không biết được. Mối quan hệ vô hình giữa Phật Thích Ca và chư Phật mười phương, cùng chư Bồ tát và Thánh chúng mới là tác nhân quan trọng quyết định mọi việc thành tựu một cách kỳ diệu của Đức Thích Ca trên bước đường giáo hóa độ sanh. Vì vậy, kinh Đại thừa luôn diễn tả thế lực vô hình, siêu tự nhiên của chư Phật, chư Bồ tát, nằm ngoài sự hiểu biết bình thường của chúng ta.
Tóm lại, phẩm Mật Tích Kim Cang muốn nhắc nhở chúng ta nếu lo mở rộng phần hình thức, sẽ đánh mất lực tác động của nội tâm, thì đạo chỉ còn là cái xác không hồn, khó tồn tại lâu dài.
Tuy học giáo nghĩa bên ngoài, chúng ta cần nỗ lực phát triển sức sống bên trong, sức sống của tâm linh, của trí tuệ, của đạo đức thánh thiện. Đó là sinh lực kỳ diệu, vĩnh hằng bất tử mà Đức Phật truyền trao cho chúng ta thay Ngài giáo hóa chúng sanh trên bước đường tự hành hóa tha.