cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1


Trong pháp hội này, Diệu Huệ đồng nữ là cô bé 8 tuổi hỏi Phật, khiến chúng ta liên tưởng đến Long nữ cũng 8 tuổi thành Phật trong kinh Pháp Hoa. Tuy Diệu Huệ đồng nữ không tức thân thành Phật như Long nữ (nghĩa là thành Phật ngay tức khắc); nhưng Đức Phật cho biết việc không kém phầnkỳ diệu là cô bé Diệu Huệ này đã phát tâm Bồ đề trước Đức Phật Thích Ca ba mươi kiếp và đã làm cho Văn Thù Sư Lợi phát tâm Bồ đề. Đây là một trong những điểm đặc biệt của kinh điển Đại thừa.

Chúng hội rất ngạc nhiên trước những nét siêu tuyệt của Diệu Huệ đồng nữ. Phật là Thầy của trời người, mà cô bé mới 8 tuổi này lại phát tâm Bồ đề trước Ngài ba mươi kiếp. Ngoài ra, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát là Thầy của ba đời các Đức Phật, nhưng cô bé này lại có khả năng làm cho Văn Thù phát tâm. Đức Phật đã nói những việc mà người thường không hiểu nổi, hàng Nhị thừa cũng không hiểu, thì làm sao họ tin và chấp nhận được. Chính vì những điều khó hiểu, khó tin được nói đến trong kinh điển Đại thừa, một số người đã phỉ báng, cho rằng kinh Đại thừa không có thật, không phải do Phật nói. Trong kinh chúng ta cũng thường thấy các vị Thánh Tăng nói rằng họ đã tin Phật không hề hư vọng; chỉ sợ người đời sau không tin, phải bị đọa.

Đức Phật công nhận cô bé 8 tuổi làm Thầy, đương nhiên khó nghe. Muốn được chấp nhận, Diệu Huệ đồng nữ phải hiển thần lực liền, nghĩa là phải chứng tỏ có những khả năng vượt trội hơn mọi người.

Diệu Huệ đồng nữ nói với tôn giả Đại Mục Kiền Liên rằng nếu lời phát nguyện của cô chân thật, có thể làm cho các hạnh Bồ tát được viên mãn, thì xin cõi tam thiên đại thiên rung động sáu cách, trời mưa hoa, trống trời tự kêu. Đồng nữ nguyện xong, các hiện tượng ấy xảy ra đúng như vậy.

Diệu Huệ đồng nữ lại bạch với tôn giả rằng do lời phát nguyện chân thật ấy, đời vị lai cô sẽ thành Phật như Đức Thích Ca Như Lai. Cõi nước của cô không có ma sự. Nếu lời nguyện ấy đúng thì nguyện cho thân thể đại chúng đều có kim sắc. Đồng nữ nói xong, cả đại chúng đều được như vậy.

Tất cả sự kiện này cho chúng ta bài học thiết thực. Những gì chúng ta nói phải đi đôi với việc làm, phải đúng với sự thật, có kết quả tốt. Đó mới thực là tinh thần Đại thừa, nói những điều kỳ vĩ khó tin, nhưng có thật.

Diệu Huệ đồng nữ phải biểu lộ được năng lực đặc biệt của cô, chứng tỏ Đức Phật nói không sai. Ngài quán sát biết rõ khả năng của đối tượng và giao công việc thích hợp và họ cũng thể hiện lời nói của Ngài là đúng. Về ý này, tôi lấy thí dụ thực tế như Giáo hội đề cử tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp, đương nhiên các ngài đã nhìn thấy tôi có khả năng và chính tôi cũng phải cố gắng làm tròn trách nhiệm để chứng tỏ việc các ngài đề cử tôi là đúng. Quan trọng ở điểm thấy được năng lực của người hợp tác và người này cũng không phụ tấm lòng đề bạt của lãnh đạo.

Đức Phật đã giáo hóa độ sanh như vậy, chúng ta cũng cần thể hiện phần nào giống như Ngài. Trên bước đường hành đạo, chúng ta phải thấy được phước duyên từng người. Quán sát thấy họ có đủ phước đức làm Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, mới khuyến khích họ xuất gia. Với người có hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói hay căn tánh hạ liệt, chúng ta giúp đỡ cách khác. Vì vô minh ngăn che, ta cho hạng người này xuất gia là tạo ra sự tranh chấp lớn. Họ sẽ phá hại đạo pháp hoặc hoàn tục thì cũng phí phạm của đàn na tín thí.

Diệu Huệ đồng nữ hỏi Phật là vì đại chúng mà hỏi và Phật trả lời cũng vì đại chúng. Phải hiểu rằng đây là chúng duyên khởi, hay chúng trợ hóa. Xin nhắc lại theo tinh thần Đại thừa, chia ra chúng duyên khởi, chúng đương cơ và chúng kết duyên, vì nhìn người với mắt huệ của Như lai, Bồ tát; không nhìn con người vật chất bằng xương thịt.

Người mới phát Bồ đề tâm thấy Phật, họ là chúng kết duyên. Kinh Đại thừa đặt nặng vấn đề phát Bồ đề tâm; phát tâm rồi, nhiều đời sau họ sẽ tu. Chúng đương cơ đã theo Phật nhiều đời, nay gặp Phật khai ngộ, nhắc nhở họ nhớ lại hạnh nguyện đời trước, khiến họ tu. Họ nghe pháp có cảm giác như đã từng nghe từ bao đời, nên học ít mà giỏi, biết nhiều. Nhiều đời đã học, nghĩa là vốn bên trong đã có, nay được nhắc lại, tức được khai ngộ hay khai tri kiến là nhớ liền. Như vậy, có tri kiến rồi mới khai được. Hiểu man mán và nhờ Phật khai, thì hiểu sâu sắc là chúng đương cơ; đó chính là đối tượng của Phật giáo hóa.

Chúng duyên khởi, hay chúng trợ hóa tạo điều kiện cho Phật thuyết pháp. Chúng này thường là các vị Bồ tát thị hiện lại để nêu ra những điều khó hiểu hay làm những việc khó làm, tạo cơ hội cho Phật giảng dạy đại chúng. Sự thực Bồ tát và Phật đã hiểu nhau, không phải Bồ tát không hiểu. Bồ tát còn hiểu rõ rằng Phật muốn họ hỏi, kinh thường diễn tả là Bồ tát thừa uy lực của Phật mà nói. Thậm chí Bồ tát không hỏi bằng lời, nhưng hỏi bằng hạnh nguyện, như trong phẩm trước đã học, Thiện Thuận Bồ tát bị người gây sự và được người bênh vực, nhặt được của báu là chuông vàng. Tất cả sự việc xảy ra là thực tế cuộc sống làm duyên khởi tạo điều kiện cho mọi người chú ý. Ngài Thiên Thai gọi đó là phiêu chương. Không phải Bồ tát Thiện Thuận thọ nạn thật. Kinh nói rằng ma không thể chướng ngại Bồ tát. Chính các vị Bồ tát lớn thường tạo nghịch hạnh để các Bồ tát khác nhìn tấm gương đó mà tu hành, sửa mình cho tốt đẹp.

Diệu Huệ thỉnh Phật dạy trên bước đường tu làm sao có được phước tướng trang nghiêm. Đây là câu hỏi rất thực tế, vì thực sự không ai muốn xấu xí, bệnh hoạn, ngu dốt. Nhất là theo tinh thần Đại thừa, hành Bồ tát đạo, đòi hỏi phải khỏe mạnh, thông minh và có hảo tướng, được người quý mến, có đủ phương tiện.

Diệu Huệ cũng như mọi người thấy Phật tướng hảo, có sức thuyết phục, họ mới khởi tâm mong muốn giống Ngài và hỏi Ngài tu pháp gì mà được quả báo trọn lành. Đức Phật dạy đạo cũng nhằm hướng dẫn chúng ta đạt đến thành quả ấy ngay trong cuộc sống. Tinh thần Đại thừa luôn luôn nhấn mạnh ý này. Một vị giáo sư người Nhật cũng thường nhắc tôi rằng đạo Phật đào tạo những người cứu đời, không đào tạo người ăn hại.

Trong lịch sử, chúng ta cũng thấy bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề cũng đã chứng tỏ người nữ không thua nam giới. Bà và chư Ni đã đi bộ đến Tỳ Da Ly, vượt qua đoạn đường rất xa và gian khổ chứng tỏ ý chí của người cầu đạo. Đức Phật mới cho phép họ xuất gia và người khác cũng không phản đối được. Vì hành động và ý chí của họ đã nói lên tất cả những gì tốt đẹp nhất của người hướng đến quả vị giải thoát.

Đức Phật và hàng Thánh chúng đã thể hiện nếp sống tuyệt mỹ. Ngày nay chúng ta phải nhận chân sâu sắc tinh thần này, để phát huy năng lực và thấy được vị trí của mình trong xã hội. Có thể khẳng định những lúc Phật giáo suy đồi vì người tu chưa xứng đức, không có tài, ý chí hạ liệt, thua người đời; nên họ không kính nể giáo đoàn. Trái lại, khi người theo Phật ăn uống đơn sơ, nếp sống bình dị, hiền lành, sáng suốt, làm nhiều việc lợi ích cho đời, vượt qua nhiều chướng ngại, gian khổ, tương tự như Phật và Thánh chúng; chắc chắn sẽ làm sáng danh đạo pháp.

Trong pháp hội này, Diệu Huệ đồng nữ thỉnh Phật dạy phải làm thế nào để có sức khỏe tốt, ngoại hình dễ coi. Có một số người tu quán thân là cái túi da đựng đồ ô uế, chứa nhóm tội lỗi và họ sanh ra tâm niệm chán đời, bỏ mặc xác thân ra sao cũng được. Nhưng đạo Phật không chủ yếu dạy như vậy. Đức Phật chỉ dùng phương tiện đưa ra những pháp tương ưng với người mang tâm niệm chán nản để dìu dắt họ, gọi là vi nhân tất đàn.

Sự thật Đức Phật có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp và sức khỏe phi thường. Trong sáu năm tu khổ hạnh, mỗi ngày Ngài chỉ ăn một hột mè, da bụng dính với xương sống mà vẫn không hề hấn gì. Chúng ta học đạo theo tinh thần Đại thừa cũng phải rèn luyện cho được thân khỏe mạnh, ngoại hình giống Phật.

Phật dạy Diệu Huệ đồng nữ muốn có thân đoan trang dễ mến, dễ kính, cần tu Từ tâm là lòng thương người, mang nguồn vui đến cho người. Thực tế, chúng ta thấy có người tuy xấu xí nhưng tâm họ tốt, luôn làm cho người khác vui, thì tự nhiên trông họ cũng dễ thương. Từ tâm rất quan trọng, nên trước khi làm Phật sự gì, chúng ta thường nhập từ bi quán. Nghĩa là làm sao cho lòng của chúng ta phát xuất tình thương trong sáng đối với mọi người; dù họ làm gì, ta vẫn mong cho họ được an vui. Chính nhờ xây dựng Từ tâm, rèn luyện cho thân nghiệp thanh tịnh, không tạo ác nghiệp sát, đạo, dâm, dùng pháp Phật trang nghiêm thân tâm, dần dần kết tinh thành sức khỏe tốt, sống lâu và ngoại hình dễ coi.

Ngoài ra, Đức Phật cũng dạy muốn có thân tướng hảo, nên xây dựng Phật. Điều này không có nghĩa là xây dựng Phật bằng xi măng rồi sẽ được thân kim sắc. Phải xây dựng Phật tâm, Phật thân của chúng ta. Quán tưởng hình Phật, nhìn tượng Phật, nghĩ đến Phật nhiều. Tâm chúng ta cảm được tượng, cảm được hạnh đức của Ngài, sẽ ảnh hưởng đến hành động của chúng ta giống Phật; cho đến ngoại hình của chúng ta cũng thay đổi, trở thành đẹp theo hình ảnh thánh thiện ấy.

Diệu Huệ cũng hỏi Phật làm sao có phước báu đầy đủ hay tài sản nhiều. Trong đạo gọi là Thánh tài quan trọng hơn tài sản thế gian.Tuy nhiên, cần hiểu rằng Thánh
tài không
tách rời tài sản thế gian. Vì nhờ thành tựu công đức, nên được Thánh tài và
tư Thánh tài mới sanh ra tài sản vật chất
theo thế gian. Người tu từ bỏ của cải vật chất, nhưng có Thánh tài là trí sáng suốt và đạo đức. Nhờ sống với trí đức mà được người thế gian kính phục, thương mến. Họ sẵn sàng mang tiền của, công sức, hiểu biết đến dâng cúng, hợp tác và người tu dùng sức người, sức của ấy để độ sanh.

Diệu Huệ hỏi như vậy, vì cô thấy Đức Phật xuất gia, từ bỏ cung vàng điện ngọc, giáo hóa độ sanh với một y một bát mà thực sự Ngài có mọi thứ tốt nhất. Ngài không cần gì, nhưng đến nơi nào giáo hóa, vua chúa, trưởng giả sẵn sàng hiến cúng. Điển hình như vua Tần Bà Sa La cúng Trúc Lâm tinh xá, vua Ba Tư Nặc cúng Kỳ Hoàn tinh xá đều là những gì tốt đẹp nhất mà họ dâng cúng Phật. Ngài chỉ chứng minh tấm lòng thành của họ và tiếp tục bước chân giáo hóa chúng sanh, chẳng hề màng đến những thứ ấy. Đức Phật từ bỏ ngôi vua một nước để thống nhiếp tất cả, làm giáo chủ cõi Ta Bà, sở hữu những gì cao quý nhất. Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ; đừng nghĩ sai lầm rằng tu là từ bỏ để trở thành người ăn bám. Người đời phải xây dựng của cải sự nghiệp bằng mồ hôi, máu xương, nước mắt và cố gắng bảo vệ nó, nhưng cũng chẳng giữ nổi.

Chúng ta chánh tín xuất gia cũng tập từ bỏ, bỏ mà không mất. Từ bỏ được một phần vật chất để xây dựng được một phần Thánh tài. Làm như vậy, chúng ta sẽ thanh thản với người, với việc; nhưng người vẫn gắn bó với chúng ta, việc của chúng ta vẫn thành tựu.

Diệu Huệ đồng nữ hỏi Phật làm sao có đồ chúng không bao giờ chống trái. Câu hỏi này rất thực tế, làm Trụ trì quản lý chúng, ai cũng thấy rất phức tạp. Thậm chí trong một gia đình vài người mà còn khó đồng ý với nhau.

Nhìn cách hành đạo của Đức Phật, chúng ta có cảm giác Ngài không quan tâm đến ai. Giờ nào việc ấy, thuyết pháp, Thiền định, độ ngọ, nghỉ ngơi… Ngài sinh hoạt hoàn toàn thanh thản, chẳng ràng buộc điều gì, nhưng đệ tử tứ chúng hết lòng trung thành.

Chúng ta cần tu tập cách giáo dưỡng của Phật. Người hèn mọn thường tìm cách ràng buộc người khác phải theo, làm việc cho họ; nếu bỏ đi thì bị buộc tội là phản. Phật dạy rằng nếu không giúp ích được gì cho người mà bắt người phải ở với ta, là tội lớn. Cần nhớ rằng Đức Phật luôn luôn vì người. Người ở với ta, ta tìm cách giúp đỡ họ đi lên; nếu không còn gì dạy được, ta chỉ đường cho họ tiếp tục tiến thân. Ở nhà tổ chùa Ấn Quang có câu:

Khô mộc long ngâm bằng quân hội đạo khứ

Trường không điểu tích dữ ngã mích tâm lai.

Câu Thiền ngữ này ngụ ý rằng chúng ta sẵn lòng truyền tất cả sở đắc cho người. Sau đó, chắp cánh cho họ bay đi, không giữ lại. Đức Phật thuyết pháp giáo hóa, cũng không muốn ai lệ thuộc Ngài. Vậy mà người người đềutự nhận đã thọ ơn giáo dưỡng của Ngài. Làm Thầy, đừng nghĩ rằng khi học trò giỏi, nó sẽ bỏ ta và học trò giỏi cũng không được xem thường Thầy. Thầy luôn luôn tạo cơ hội cho trò thăng hoatrò giỏi đến đâu vẫn luôn nhớ ân tình củaThầy.

Phật dạy có quyến thuộc trung thành vô điều kiện là nhờ khẩu nghiệp và ý nghiệp thanh tịnh. Thật vậy, tâm Đức Phật hoàn toàn thanh thản. Ngài thương người thực sự, cứu giúp để họ thăng hoa. Ngài không ràng buộc hay lợi dụng họ, không hề có ý đồ gì hoặc lợi lạc gì cho bản thân Ngài trong việc độ sanh. Không nghĩ xấu ác cho người, không gây mâu thuẫn với người; chỉ có tấm lòng từ bi hỷ xả vô lượng. Đó là chất liệu tốt nhất mà Đức Phật sử dụng để tạo thành số quyến thuộc thủy chung muôn đời với Ngài.

Học Phật, chính yếu là phát Bồ đề tâm và từ bi tâm. Bồ đề tâm là cầu Phật huệ, nỗ lực phát huy năng lực hiểu biết đến tuyệt đỉnh gọi là Chánh Biến Tri, biết tất cả mọi sự việc một cách chính xác. Từ bi tâm là trải lòng thương, mang vui cứu khổ cho người. Theo dấu chân Phật, ta vì người; đừng bảo Phật tử phải vì ta. Tôi để ý thấy vị nào lo cho đạo pháp, vì chúng Tăng, giúp cho đời, thì phước báu của họ tăng trưởng, được người thương kính, cúng dường. Những Thầy có sẵn sự nghiệp, nhưng chỉ lo bản thân, chỉ tồn tại một thời gian và không làm nên đạo nghiệp.

Bồ đề tâm và đại bi tâm là tài sản chánh của người tu, giúp chúng ta mở rộng Thánh tài phước đức, trí tuệ và tác động cho người cùng bước theo con đường thánh thiện. Quý Thầy cô làm đạo được Phật tử tìm đến, nếu thực có lòng đại bi phải nghĩ rằng mình sẽ làm gì cho họ được lợi lạc. Không có gì để hướng dẫn họ sống an vui, không có gì để cứu giúp người hoạn nạn, thì tự cảm thấy đau xót. Trong kinh ghi rằng Đức Phật thường nghĩ lấy gì cho chúng sanh.

Cuối cùng, Diệu Huệ đồng nữ hỏi Phật làm thế nào trước khi chết, được thấy Phật. Đây cũng là sự thắc mắc của tất cả ai bước theo dấu chân Phật. Đức Phật dạy rằng trong sinh hoạt thường ngày, nếu làm hại chúng sanh thì khi chết cận tử nghiệp này hiện lên, chẳng thể nào thấy được hình ảnh thánh thiện của Phật. Hàng ngày nỗ lực suy nghĩ những điều cao quý của Phật dạy, nói những gì tốt đẹp theo Phật và làm những việc theo Phật. Thân khẩu ý của chúng ta đã thấm nhuần tinh hoa Phật pháp. Đến khi mãn duyên ở cõi đời, chắc chắn Đức Phật và Bồ tát, Thánh Hiền xuất hiện tiếp dẫn chúng ta về cảnh giới của các Ngài. Điều này dễ hiểu, giống như chúng ta đón người bạn tâm giao về nhà mình vậy.

Diệu Huệ đồng nữ thỉnh Phật dạy nhiều việc, chúng tôi chỉ trích giảng một số ý. Tóm lại, Đức Phật dạy rằng mọi việc tốt xấu đều do chính chúng ta tự quyết định, không phải tự nhiên có hay do van xin cầu khẩn mà được. Ngài đưa ra những việc làm thiết thực, nếu chúng ta thực hành trong cuộc sống sẽ được hảo tướng, được người thương quý, được giàu sang, được Thánh tài và quyến thuộc tốt.