cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1


Trong pháp hội trước, Đức Phật nói về Diệu Huệ đồng nữ là cô bé mới 8 tuổi đã tu trước Phật Thích Ca ba mươi kiếp và làm cho Văn Thù Bồ tát phát Bồ đề tâm. Bài pháp này cho chúng ta nhận thức rằng cần nhìn rõ thực chất của con người để định vị hơn là đánh giá theo tuổi tác, theo năm tháng tu hành.

Bước sang pháp hội này, Đức Phật lại đưa ra pháp khác để chúng ta có sự nhận thứctrái lại. Theo tinh thần Đại thừa, chúng ta thường thấy Đức Phật nói các pháp không đồng nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, chúng ta không thắc mắc, không e ngại điều ấy; vì biết rằng đó chính là phương tiện huệ của Đức Phật.

Theo tinh thần Nguyên thủy, lấy huệ làm chính, nhưng không quan tâm đến phương tiện. Theo Đại thừa thì bên cạnh huệ phải có phương tiện huệ. Vì có phương tiện huệ mới được giải thoát, mới có thể giáo hóa độ sanh. Không có phương tiện huệ, chẳng những không độ người được mà còn tự ràng buộc mình.

Phương tiện huệ là tùy người, tùy chỗ, tùy lúc mà ứng dụng pháp tương ưng khác nhau. Chúng ta thường nói là khế lý, khế cơ. Khế lý là huệ và khế cơ là phương tiện huệ. Có huệ, thấy được chân lý. Nhưng diễn đạt chân lý thì khó hơn và diễn đạt cho người hiểu được chân lý càng khó hơn nữa. Thấy chân lý là huệ chứng ngộ. Làm cho người khác hiểu và phát huệ là phương tiện huệ. Ý này thường được kinh diễn tả rằng giáo lý ví như ngón tay chỉ mặt trăng; giáo lý không phải chân lý, nhưng là phương tiện để chúng ta nhận ra chân lý. Chấp giáo lý là chân lý thì tự trói buộc mình. Những gì Phật dạy Diệu Huệ đồng nữ trong pháp hội trước là phương tiện huệ, tức làm một số việc quy định để chứng chân lý và chứng ngộ rồi mới vận dụng được chân lý.

Đức Phật đã ngộ chân lý, chứng chân lý và vận dụng được chân lý. Chúng ta mới học chân lý và người nào nhận ra được chân lý là đắc đạo. Còn người chấp chặt giáo lý Phật,không được giải thoát là tăng thượng mạn.

Pháp hội này Đức Phật điều chỉnh lại pháp trước để chúng ta khỏi chấp. Chúng ta thấy Đức Phật thường dùng pháp sau phá bỏ pháp trước. Theo Phật, những gì Ngài nói nhằm mục tiêu làm cho người xa rời sự chấp trước. Đức Phật không phủ nhận ngũ uẩn, nhưng Ngài phá chấp ngũ uẩn của chúngTăng gọi là thủ uẩn. Trên bước đường hoằng hóa độ sanh, Đức Phật lần lượt đưa ra các pháp để phá bỏ những sự chấp chặt sai lầm nào đó; cứ như vậy Ngài dẹp bỏ tất cả kiến chấp của con người.

Đức Phật hỏi Ưu bà di Hằng Hà Thượng từ đâu đến đây. Ưu bà di này hỏi ngược lại rằng người huyễn hóa cũng có thể từ đâu đến hay sao. Phật hỏi thực tế cuộc sống, nhưng Ưu bà di trả lời trên chơn tánh. Hai điều trái ngược này để chúng ta hiểu đượclập trường thể tánh khác với sanh diệt.

Phật trả lời trên thể tánh không có gì để nói là lý Bát Nhã. Nhưng đối với người chưa ngộ chân lý thì phải nói, phải dùng pháp sanh diệt nói với người sanh diệt. Đó làphương tiện, hay pháp như huyễn dùng cho người trong mộng.

Có thể khẳng định rằng Đức Phật đưa ra các pháp nhằm giúp cho phiền não chúng ta lắng xuống, chơn tánh mới hiện ra được. Người lao vào cuộc sống làm không mệt mỏi, đến khi nhắm mắt lìa đời là hết. Vì cuộc đời là huyễn mộng, làm gì cũng là mộng thôi. Chúng ta thấy rõ vòng quay một đời của người chạy theo vật chất là ăn ngủ, làm việc và hưởng thụ. Cứ liên tục xoay vần như vậy, đến phút cuối cùng trả gió mớ tàn hơi, thì cũng hoàn không.

Còn người chấp pháp lìa bỏ vật chất, nói rằng không cần gì. Nhưng đến lúc nào đó, cuộc đời họ bị hẩm hiu thì lại sanh ra oán trời trách đất. Có Thầy than rằng đang học ykhoa, nhưng nghe người khuyên bỏ học đi tu. Ở chùa mười mấy năm lại thấy tệ thêm, trí khôn và sức khỏe mất dần; chẳng được gì, nghĩ lại cảm thấy nản quá.

Bước theo dấu chân Phật, cần khẳng định rằng bằng mọi cách, sự tu hành của chúng ta phải mang lại thành quả hơn cuộc sống của người thế gian. Trong lúc thực hành pháp Phật, chúng ta có sức khỏe, trí tuệ hay được một điều gì đó hơn người. Nếu không, thì coi như công phu tu hành của chúng ta mất hết.

Đức Phật khuyên chúng ta sống thực tế, tu cho có trí tuệ, thì chúng ta làm những gì đáng làm, tránh những điều đáng tránh. Như vậy, chúng ta đã có phương tiện làm đạo. Xả phương tiện này, chúng ta không có gì hết, rồi lại oán trách đạo, là sai.

Chúng ta dạy đạo là dạy cho ngườilàm những việc bình thường, nhưng họ đạt được trí tuệ và sức khỏe vượt trội hơn người thường. Tu hành rất bình thường mà kết quả hơn người là ý đạo mà chúng ta tu phải thực hiện cho được.

Đức Phật dạy rằng tu tạo tất cả công đức, tâm vẫn giải thoát. Nghĩa là lòng chúng ta không chấp vào những thành quả đã được; vì không vướng mắc với công việc, chúng ta an trụ được ở bản thể. Nhờ vậy, được giải thoát, nhưng việc huyễn hóa ở trên cuộc đời này, chúng ta không cần mà vẫn tốt. Và việc của chúng ta tốt rồi, thì đương nhiên quả báo tốt phải đến. Trong khi người đời lao tâm nhọc sức để việc tốt, hoặc người tu bỏ mặc, không làm gì; cả hai đều không đúng.

Đức Phật dạy chúng ta biết cuộc đời huyễn hóa, nhưng lấy pháp huyễn để độ người huyễn. Ngài dẫn chứng rằng xưa kia ở thời quá khứ có hàng ngàn Đức Như Lai cũng nói pháp như vậy và trong chúng hội cũng có cả ngàn Ưu bà di Hằng Hà Thượng hỏi pháp, đắc ly trần cấu, được giải thoát.

Tóm lại, nếu tu hành trụ ở sanh diệt coi như luong công vô ích. Ở Vô sanh không cần nói, nhưng ở sanh diệt phải nói cho người hiểu là phương tiện. Đối với cứu cánh pháp không nói được, nhưng ở thế giới sanh diệt phải dùng ngữ ngôn văn tự nhằm dìu dắt, đưa người đến Vô sanh.