cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1


Lộ trình tu học của hàng đệ tử Phật tuần tự tiến bước theo quá trình từ nhơn thừa, thiên thừa và chuyển lần sang tu Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Không phải Thanh văn hay Duyên giác, Bồ tát có con đường riêng.

Chúng ta cần ý thức rõ quá trình tiến tu như vậy để khỏi lạc vào hàng thú tịch Thanh văn, nghĩa là họ lầm chấp A la hán là quả vị cao tột, nên không phát tâm Bồ đề được. Kinh Đại thừa gọi đó là tiêu nha bại chủng, là mất hạt giống Phật. Thật vậy, trên bước đường tu, đa số người đã đi lệch hướng. Vì khi tiếp nhận giáo lý, nhất là chủ trương bình đẳng của đạo Phật, người ta thường nghĩ rằng tất cả người xuất gia đều bằng nhau.

Theo tinh thần Đại thừa, không thể có sự bình đẳng một cách đơn giản và thụ động như vậy. Dưới kiến giải của Đại thừa, nếu nhìn hình thức bên ngoài, Thanh văn, Bồ tát hay Phật khoác áo tu giống nhau; nhưng tư chất bên trong mỗi người hoàn toàn khác. Người nghiệp chướng nặng đi tu thì họ mang theo cả khối nghiệp; trong khi người đầy đủ phước báu bước vào đời tu với hành trang thật tốt đẹp. Giữa hai người ấy làm sao giống nhau, bằng nhau.

Theo Đại thừa, chúng ta không tu một đời, phải trải qua nhiều đời mới đạt quả vị Phật. Vì tu nhiều đời, nhiều kiếp, nên táisanh trong hiện đời, chúng ta mang theo những gì từ kiếp trước và thể hiện thành cuộc sống, hiểu biết, tình cảm, hình dáng, v.v… đều khác nhau; đó là nghiệp.

Như vậy, Đại thừa nhìn về quá khứ để thấy nhiều đời của con người, nên thấy có sự khác nhau của từng người. Từ đó, phán định mọi việc khác với Tiểu thừa. Theo Tiểu thừa, ai thọ giới trước là lớn. Nhưng dưới mắt Đại thừa, lấy tánh linh hay phước đức, trí tuệ của con người là chính yếu; còn thân tứ đại thì ai cũng như nhau. Vì đã trải qua nhiều kiếp tu hành, thân hữu lậu ngủ uẩn đã chuyển thành vô lậu; nên ai làm được nhiều việc lợi ích, hoặc hiểu biết nhiều, mới được coi là lớn.

Đại thừa phân ra ba hạng Thượng tọa. Trước nhất người tu lâu, 50 tuổi đời, 20 tuổi đạo, thì được quý trọng và được tấn phong là Thượng tọa. Ngoài nguyên tắc bình thường này, còn có Pháp tánh Thượng tọa là người có trí tuệ, bẩm tánh thông minh, vì đã tu nhiều đời rồi, nên hiện đời chỉ học ít mà biết nhiều. Các vị Tổ sư hầu hết nổi tiếng từ tuổi nhỏ. Điển hình như ngài Trí Giả nổi danh là tiểu Thích Ca, 30 tuổi đã thuyết pháp cho vua nghe và 58 tuổi, ngài tịch. Hoặc ngài Pháp Loa làm Tổ của tông Trúc Lâm từ lúc mới 24 tuổi và cũng tịch rất sớm, lúc ngài 47 tuổi. Đối với hàng thượng căn, từ nhỏ đã ngộ tánh, hay từ chơn tánh hiện thân Đại sĩ siêu tuyệt hơn người. Đại thừa coi đó là mẫu người mô phạm đáng tôn kính, vượt ngoài quy định bình thường của thế gian về tuổi đời và tuổi đạo.

Hạng người thứ ba gọi là Tộc tánh Thượng tọa. Người Nhật rất coi trọng thành phần này, họ thuộc dòng họ nổi tiếng đi tu. Sống ngoài đời, họ làm quan hoặc là người giỏi có tiếng. Vào chùa tu, họ cũng được tấn phong ngay chức vụ lớn. Như anh em dòng họ Ishi nối nhau làm Thủ tướng, đều là Thầy tu của Tịnh độ tông.

Thử nghĩ nếu giai cấp cao sang, tài giỏi xuất gia, làm sao họ chịu để cho ông Thầy không biết chữ lãnh đạo họ. Ở Việt Nam cũng vậy, chúng ta thấy vua quan vào chùa gặp các nhà sư tài ba, tinh thông mọi việc, họ cảm phục và nể đức từ bi mới theo tu. Vì vậy, theo Đại thừa, những người tài giỏi, giàu có, quyền thế mà xuất gia, chúng ta nên dành cho họ vị trí xứng đáng để họ có cơ hội mang sự hiểu biết và năng lực hoặc phước báu đóng góp cho đạo pháp. Đạo Phật tập hợp được nhiều thành phần ưu tú như vậy, mới có thể phát triển vững mạnh.

Tuy nhiên thành phần thượng tầng trí thức này chỉ có khoảng 20% là nhiều. Vì thế, chúng ta không thể bỏ quên giới bình dân chiếm đến 80%. Nếu bỏ qua đại đa số quần chúng thì ngoại đạo sẽ khai thác, đẩy họ vào con đường mê tín, thì càng có hại thêm cho xã hội. Lịch sử Phật giáo đời Trần cho thấy đạo được phát triển mạnh theo chiều hướng các nhà trí thức gặp gỡ vua quan để trao đổi lý Thiền, tạo nên những tư tưởng phong phú, cao sâu. Trong khi đó, đại đa số quần chúng không vói kịp, bị bỏ quên, tạo thành giới tín ngưỡng bình dân chịu sự chi phối của những tay phù thủy mê muội. Chúng ta còn nhớ Đức Phật xưa kia cứu độ người bình dân, nhưng vẫn tạo điều kiện cho giai cấp trí thức gia nhập Tăng đoàn. Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ trên bước đường hành đạo.

Đức Phật an trú ở Thường Tịch Quang chơn cảnh, không một chúng sanh nào hiểu được tâm chơn thường vắng lặng của Ngài. Nhưng nếu từ tịch diệt đạo tràng, Đức Phật nhập diệt thì ngày nay, ai biết được đạo Phật.

Chúng ta bước theo dấu chân Phật, chắc chắn phải hướng đến thế giới lý tưởng để phát huy tri thức và đạo đức; đồng thời ra làm đạo phải hài hòa với quần chúng nhiều chừng nào tốt chừng đó. Tuy sống hướng thượng, nhưng đừng tách rời cuộc đời. Trở lại thực tế cuộc sống thì phải sử dụng phương tiện. Với trí tuệ vô lậu, thấy được căn tánh, hành nghiệp của chúng sanh và tùy theo đó mà cảm hóa người; đừng bắt họ làm việc ngoài khả năng. Chúng ta thường phạm sai lầm là ưa lý tưởng hóa; nhưng thực chất họ là phàm phu, có phải là Thánh hiền, A la hán đâu mà bảo họ làm tốt, làm giỏi được.

Có người thắc mắc tại sao tôi học cao, lại giáo hóa người bình dân. Tôi tâm đắc lời giáo sư Kubota nhắc nhở phải nhớ đến số đông quần chúng mới lãnh đạo được. Điển hình như Pháp Hoa tông của Nhật Bản chiếm đến 40% giới Phật giáo, vì họ biết vận dụng cuộc sống hòa với quần chúng. Họ không xây dựng chùa, trong khi các tông phái khác phải lên núi cao để xây chùa. Như vậy thì chùa xa thành phố, công nhân không thể nào thường xuyên đến chùa. Pháp Hoa tông chủ trương mua các căn hộ chung cư để sinh hoạt tôn giáo, vừa rẻ, Phật tử vừa dễ đến tu và các nhà truyền giáo lại dễ gần gũi quần chúng. Chỉ cần một Giảng sư đến thuyết pháp vào các ngày lễ. Bình thường chỉ có một nhóm trưởng là Phật tử ở chung cư đó trông coi, không cần lo chu cấp ăn uống cho họ và cũng khỏi tốn tiền quản lý. Tất cả tiền bạc, công sức để dồn vô đầu tư cho Giảng sư, nên đào tạo được một người đáng một người.

Theo tinh thần Pháp Hoa, Đức Phật tồn tại trong con người, trong niềm tin của quần chúng. Làm sao gìn giữ được những điều này thì đạo Phật còn. Làm sao nâng đời sống vật chất và phát huy tinh thần cho người là đạo Phật làm lợi lạc cho chúng hữu tình.

Lộ trình Phật dạy tu Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, nối lại thành một con đường, không có ba con đường riêng biệt. Phát xuất từ người bình thường, Đức Phật xây dựng chúng ta lần lần; từ người giữ ngũ giới, tiến lên tư cách của chư Thiên trang nghiêm mười giới và nâng lên, tu hạnh Thanh văn với 250 giới.

Tuy nhiên, về giới bổn thì tựu trung một Tỳ kheo kiểu mẫu cũng chỉ cốt tu cho được ba nghiệp thanh tịnh, vì tất cả luật Phật chế cũng đều nhằm mục tiêu này. Về hình tướng, một Tỳ kheo không bị đui, điếc, câm, ngọng; ngoài ra, không trốn thuế, thiếu nợ. Và tốt hơn nữa là người tu có được sáu căn thông lợi, ba nghiệp thuần hòa. Chắc chắn chúng ta chọn người học giỏi, có hảo tướng, có đạo đức để cho xuất gia thì đàn việt phát tâm liền. Đại thừa đề cao thành phần này đi tu, được diễn tả trong kinh Duy Ma bằng hình ảnh năm trăm công tử cúng lọng báu cho Phật rồi xin xuất gia. Trái lại, người đi tu đông, nhưng thuộc thành phần tệ ác, thì đáng sợ hơn là mừng.

Chúng ta tu hạnh Thanh văn là tu tứ Thánh đế, nương theo Phật mà thực hành ba mươi bảy Phẩm trợ đạo; tuy chưa là Thánh cũng là người đạo đức. Nhờ Phật huệ gia bị, ta mở được trí và tâm lắng yên. Nếu chỉ học văn tự, ngữ ngôn và vướng mắc với nó, chỉ là tu mù. Tuy tu ba mươi bảy Phẩm trợ đạo, nhưng lấy Bát Chánh đạo làm chính. Lấy đó làm lẽ sống thì chúng ta cân nhắc lần để chỉ làm toàn những việcđúng.

Đứng vững trên Bát Chánh đạo rồi, mới quán Nhân duyên. Đối với tôi, quán Nhân duyên là quán minh và vô minh. Chúng ta nhìn sự vật như thế nào mà có được cái thấy đúng đắn nhất. Nếu lý giải đủ thứ, nhưng thực tế không áp dụng được, không lợi ích cho ai và tệ hơn nữa là còn có hại, mà ta cứ làm thì tự chuốc họa. Như vậy là kẹt vô minh mà cứ tưởng là minh.

Kết hợp tu chứng của Thanh văn và Duyên giác làm giới thân huệ mạng, làm lẽ sống của ta; nói cách khác, đã trở thành người tốt và có hiểu biết đúng đắn, chúng ta mới bắt đầu hành Bồ tát đạo. Vì vậy, trong các kinh Đại thừa, Phật thọ ký cho các vị Bồ tát tu phước đức và trí tuệ đầy đủ. Chúng ta chỉ mới là người tốt, trí thức, nhưng chưa làm được việc vì công đức không có. Nói theo ngày nay, ta không có đồng vốn và tay nghề, chỉ có thể hợp tác với người, không thể tự làm chủ.

Pháp hội này có tên là Mặc Giáp Trang Nghiêm. Giáp trụ hay áo giáp của người ra trận để bảo vệ thân họ khỏi bị tổn thương. Trong đạo, người tu mặc giáp trụ để bảo vệ giới thân huệ mạng. Người mặc giáp trụ Tiểu thừa là đi theo lộ trình tu của Thanh văn tiến đến quả vị A la hán. Hành giả ngồi xe Đại thừa, mặc giáp Đại thừa thì mục tiêu tiến tới là quả vị Phật.

Ai là người mặc được giáp Đại thừa, ngồi được xe Đại thừa để đến quả vị Vôthượng Chánh đẳng giác. Cần nhớ rằng chúng ta đang tu hạnh Sa môn, nghĩa là đang mặc giáp Tiểu thừa, ngồi xe Tiểu thừa, phần tự tu là chính yếu để đạt được mục tiêu giải thoát, bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình, chưa thể cứu được người. Vì vậy, quả Tiểu thừa mà chúng ta chứng được là Không, vô tướng và vô nguyện. Vì thân phận chúng ta còn yếu kém, chỉ cầu được bình an là tốt lắm rồi, làm sao đòi như Bồ tát.

Có người thường nghĩ lầm họ là Bồ tát, vì đã thọ giới Bồ tát. Thực sự khi chưa có tư cách và khả năng của Bồ tát, thì chỉ là danh tự Bồ tát. Trong kinh quy định người có tư cách Bồ tát mặc giáp trụ Đại thừa phải là Chuyển luân Thánh vương. Chuyển luân Thánh vương có binh chủng mạnh, có khả năng cai trị bốn phương thái bình. Bản thân họ đã đạt đến sự bình an tuyệt đối, chẳng phải khiếp sợ thế lực nào cả. Ngoài ra, họ còn có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, có sức thuyết phục người cảm mến. Vì vậy, kinh thường diễn tả Chuyển luân Thánh vương không cần đánh giặc mà nước tự yên. Đặc biệt là Chuyển luân Thánh vương có trí tuệ siêu tuyệt, thấy trước được việc sắp xảy ra, thí dụ như biết nơi nào định làm loạn, nên họ đã ngăn chặn từ trứng nước.

Với trí thông minh tuyệt vời, sức khỏe phi thường, Chuyển luân Thánh vương hội đủ điều kiện mặc giáp trụ Đại thừa. Chưa tu, họ đã là người lãnh đạo, nên xuất gia cũng dễ dàng hành Bồ tát đạo, cứu giúp người. Tất cả các Đức Phật trước khi thành Phật đều làm Chuyển luân Thánh vương. Đức Phật Thích Ca cũng vậy, chúng ta thấy rõ Ngài cứu nhân độ thế một cách nhẹ nhàng, thanh thản, hoàn toàn tốt đẹp.

Riêng chúng ta, thiết nghĩ chưa bằng người, còn bị bốn tướng hàn nhiệt cơ khát chi phối, còn bị người bức ngặt được. Phải tự biết chúng ta còn ngồi xe Tiểu thừa, nên chỉ xin hai chữ bình an.

Trong pháp hội này giới thiệu Đức Phật ra đời tên Chiên Đàn Hương Quang Minh, ở trong nước có Chuyển luân Thánh vương tên Nhứt Thiết Nghĩa Thành. Ông là Chuyển luân Thánh vương có tầm nhìn xa thấy rộng, biết mọi việc, thấy được căn tánh hành nghiệp của chúng sanh, nên lãnh đạo họ dễ dàng. Điều này nhắc chúng ta cần biết rõ người, biết khả năng và nghiệp của họ, thì bố trí công việc đúng người, đúng chỗ, chắc chắn thành công.

Chuyển luân Thánh vương hiểu biết rộng, gặp Phật có hương thơm bay ngược gió, nghĩa là có đức hạnh tuyệt vời khiến cho người phát tâm. Đó là sự tương ưng mà chúng ta thường gặp trong các kinh diễn tả. Trên thực tế hành đạo, tôi cũng thấy mối tương quan tương duyên kỳ diệu này. Nếu không có như vậy, thì tôi khó xuất gia, hành đạo đến ngày nay. Thiết nghĩ người chống phá hay giúp đỡ tôi đều là việc nhiệm mầu không giải thích được, vượt ngoài sự suy nghĩ của tôi.

Thánh vương lãnh đạo, bên cạnh ông hiện hữu Đức Phật giáo hóa chúng sanh bằng mùi hương. Trong kinh ghi rằng khi Chuyển luân Thánh vương đầy đủ mọi thứ, mọi người đều kính phục ông, không ai dám trái ý, thì ông lại cảm thấy chán ngán. Riêng chúng ta còn thiếu thốn, nên ham muốn; nhưng người quá dư thừa lại sinh ra buồn, vì không có gì để làm. Tôi thông cảm với ông điều này, vì trên bước đường hành đạo của riêng tôi, khi không có việc khó để động não cũng cảm thấy hơi chán.

Thử nghĩ khi vua cai trị được bốn phương thiên hạ thái bình, ngày nào cũng ăn chơi, thì thú vui nào cũng có ngày phải chán. Việc đời chán mới nghĩ đến đạo. Chuyển luân Thánh vương có đầy đủ lạc thú thế gian, rồi chán, đi tu, là cách bỏ tục xuất gia theo Phật; khác hẳn với người chán đời vì thua cuộc, bị đời khinh bỏ rồi đi tu. Hai hoàn cảnh này khác nhau, nên khi tu mặc giáp trụ phải khác.

Người thất bại ở đời mới đi tu, họ mặc giáp trụ Tiểu thừa. Nhưng người mặc giáp Đại thừa không màng đến ngũ uẩn thân và cũng không bị sáu trần tác động. Họ đang trụ pháp Không, không tham vọng, không yêu cầu gì nữa. Đối với họ, điều mong ước duy nhất là biết được những bí ẩn của cuộc đời. Nói cách khác, họ nỗ lực tu để đạt được Vô thượng huệ, giải thoát tri kiến. Pháp này được Phật nói cho Bồ tát Vô Biên Huệ là người cầu pháp xuất thế gian.

Khi vua chán ngán tất cả, ông thấy hóa Phật hiện trên hư không và thuyết pháp cho ông. Vua Nhứt Thiết Nghĩa Thành thấy Đức Như Lai đầy đủ ba mươi hai tướng tốt như vậy, mới phát tâm. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ độ được vua quan, trưởng giả, người trí thức thì không dễ. Chúng ta tự lượng sức, phước đức và năng lực của mình có thể độ được hạng người nào. Trên đời không có người nào bằng Chuyển luân Thánh vương, thì ai dám làm Thầy của ông. Vì thế, chỉ có hóa Phật xuất hiện để đáp ứng yêu cầu của ông.

Đức Phật đã biết rõ tâm ông quá nhàm chán phú quý lợi danh và cũng biết ông cókhả năng siêu tuyệt. Ngài mới khai tâm cho ông thấy tất cả những gì mà ông sở hữu, cũng như mạng sống và sự hiểu biết của ông đều nằm trong sanh tử, nhắm mắt lìa đời là hết. Riêng Pháp giới vô cùng vô tận thì ông chưa hề biết đến.

Vua thắc mắc xin Phật chỉ giáo xem ai có thể dẫn ông vào Pháp giới. Vị hóa Phậtcho biết Đức Phật Chiên Đàn Hương Quang Minh có khả năng giúp vua mặc giáp Đại thừa, ngồi xe Đại thừa, tiến đến Nhứt thiết chủng trí. Nói xong, vị hóa Phật này biến mất.

Từ đó, tâm ông cố tìm cho được Đức Phật này, cũng nhằm chỉ khi lòng khát ngưỡng của chúng ta đối với Phật cao độ mới gặp được Ngài. Trên bước đường tu, không tha thiết chí thành với đạo, thì dễ bỏ cuộc, đến chùa nào cũng chỉ thấy việc bất mãn. Thuở nhỏ tôi cũng rơi vào tâm trạng này. Chùa lý tưởng của tôi đẹp bao nhiêu thì chùa trên hiện thực cuộc đời tồi tệ bấy nhiêu. Cuối cùng, trong thế giới Không, hay trong tâm vô cầu, vô niệm, mới thấy Phật. Phật xuất hiện trong lòng tôi, không phải ở bên ngoài. Có Phật ngự trị trong tâm, tôi giảng kinh không cùng tận, không biết mệt. Trái lại, không được Phật lực gia bị, tôi không làm nổi việc gì, dù là việc nhỏ nhất.

Theo tôi, hướng tâm đến Phật Chiên Đàn Hương Quang Minh hay bất cứ vị Phật nào và an trú trong thế giới Phật, chúng ta mới thấy chân thiện mỹ. Còn cuộc đời này chỉ là quán trọ, ta sống cho qua ngày thôi. Chúng ta tu pháp Không của Đại thừa, làm đạo nhưng không bị vướng mắc vì công việc. Đối với ta, chùa và mọi việc đều là phương tiện nhằm đưa ta và người đến Vô thượng giác. Chúng ta chỉ mượn cảnh giả, việc huyễn để độ người trong mộng mà thôi.

Đức Chiên Đàn Hương Quang Minh Như Lai chỉ xuất hiện trong tâm của hành giả phát tâm Bồ đề và xuất hiện với Chuyển luân Thánh vương Nhứt Thiết Nghĩa Thành nhằm khơi dậy tâm Bồ đề cho ông xuất gia, trở thành Tỳ kheo.

Đức Chiên Đàn Hương Quang MinhNhư Lai hỏi Nhứt Thiết Nghĩa Thành Tỳ kheo đã ngồi xe Đại thừa, mặc giáp Đại thừa và tiến đến Nhứt thiết chủng trí hay chưa. Ông trả lời rằng mặc giáp Đại thừa nghĩa là không có áo nào mặc lên người, hay không còn kẹt pháp nào. Tâm hoàn toàn vắng lặng, ngũ uẩn đều thành Không, thì chẳng còn pháp nào để tu.

Giai đoạn một, chúng ta còn kẹt ngũ uẩn, còn có pháp để cầu, có giới luật để tu. Thần Tú diễn tả ý này là "Thân tợ Bồ đề thọ”, phải siêng năng lau chùi cho sạch. Tiến sang giai đoạn hai, xả ngũ uẩn hành đạo, mặc giáp trụ Đại thừa thì "Bồ đề bản vô thọ”, tức thân ngũ uẩn này không thật thì còn cần gì áo giáp che chở.

Từ xưa đến nay, thể tánh vắng lặng hoàn toàn, hay "Bản lai vô nhất vật”. Chưa đắc đạo, tưởng lầm pháp Không của người tu là không được gì hết. Dưới mắt Đại thừa, "Vô nhất vật” của Tổ Huệ Năng được triển khai thành "Vô nhất vật trung, vô tận tạng”.Trong cái Không "Vô nhất vật” có "Vô tận tạng” và Bồ tát sống với vô tận công đức của mình. Tu bằng vô tận công đức ấy, khác với tu bằng năng lực ở giai đoạn đầu, phải nỗ lực tụng kinh, sám hối, Thiền quán, làm việc mới tạo thành kết quả ở giai đoạn hai.

Theo Đại thừa, người hành đạo bằng công đức, không làm gì, vậy mà thiếu họ thì việc không thành. Chúng ta thấy rõ thực tế có những vị Hòa thượng đạo cao đức trọng chẳng cần làm gì, nhưng các ngài là tàng lọng cho chúng ta nương nhờ.

Chuyển luân Thánh vương đạt đến vô tận tạng, tu bằng công đức. Vì vậy, ôngkhông mong cầu gì nữa mà mọi việc tự sắp đặt tốt đẹp; vì ông hành Bồ tát đạo theo phước đức, và nhân duyên, nên không khổ công nhọc trí.

Với tư cách Tỳ kheo đã chứng Bát Nhã Ba la mật và an trụ vô tận tạng, tạo thành thế giới kỳ diệu vô biên, nên Sa môn Nhứt Thiết Nghĩa Thành được Đức Chiên Đàn Hương Quang Minh Như Lai thọ ký thành Phật hiệu là Siêu Vô Biên Cảnh Giới Vương Như Lai.

Tóm lại, theo tinh thần của pháp hội Mặc Giáp Trang Nghiêm, những người tu hành phát triển được trí tuệ, năng lực và phướcđức, từng bước tiến lên địa vị Chuyển luân Thánh vương. Với tư cách một Thánh vương phát tâm Bồ đề tu, Phật sẽ thọ ký cho họ hành Bồ tát đạo, mặc giáp đại trang nghiêm, diễn pháp đại trang nghiêm.

Riêng thân phận chúng ta, vì chỉ thuộc hàng tiểu căn hay trung căn, chỉ nói được những pháp tương ưng theo ba nghiệp của ta mà thôi. Có thể hiểu rằng tùy theo bản chất của con người như thế nào mà pháp theo đó lưu xuất. Thanh văn mặc giáp Thanh văn, Duyên giác có áo giáp của Duyên giác. Và Bồ tát mới hành được sáu pháp Ba la mật, đó là áo giáp trang nghiêm của Bồ tát.