Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1
Trên mặt hiện tượng giới của tứ sanh lục đạo, mỗi loài có hình tướng, tình cảm và sinh hoạt hoàn toàn khác nhau, gọi là sai biệt. Và trong loài người cũng hiện hữu tướng sai biệt như nam nữ, giỏi dở, sang hèn, đẹp xấu, giàu nghèo, v.v…
Nhưng từ sai biệt tướng này trở về thể tánh, hay chơn như tánh đồng nhất thể, thì không có sự khác biệt nào. Đức Phật cho biết tướng sai biệt phát xuất từ vô minh nghiệp mà ra. Từ vô minh hiện làm thân chúng sanh, mỗi đời nghiệp tăng trưởng thêm, tạo thành vô số nghiệp chướng. Vì vậy, chúng ta thấy rõ không ai vừa lòng ai và ngay cả không bằng lòng với chính mình. Nói chung, thế giới của chúng ta sống là Ta bà có đủ thứ khổ phải kham nhẫn, do mỗi người tự tạo nghiep và tập hợp tất cả nghiệp ấy lại để sống với nhau.
Nhưng theo lời Phật, nghiệp không có thực thể, nghĩa là thực sự không có sai biệt, không có khổ đau. Chúng ta tự tạo ra sự sai biệt ấy và sống với cái khổ của sai biệt ấy mà hơn thua với nhau, nên lại tự cảm nhận khổ chồng chất thêm nữa. Vì vậy, Đức Phật khởi tâm đại bi thương những người mê lầm, chấp trước này, mà hiện thân người để chỉ cho họ thấy thế giới vô sai biệt. Thật vậy, chúng ta than khổ, mà Phật lại khẳng định rằng không khổ; hay nói cách khác, Ngài hiện thân người khổ và tìm cách thoát ly khổ, nhằm làm gương cho chúng ta tu hành.
Những người tu chấp pháp, chỉ thấy Phật giống y như họ, cũng bị khổ đau, phiền muộn, phải ráng tu và hết khổ. Đến đây, Phật nói lên pháp bình đẳng vô sai biệt. Từ thật tánh vô sai biệt mà Đức Phật chứng đắc, Ngài hiện hữu trở lại cuộc đời và trải qua quá trình tu hành, thành Phật, trở về thế giới vô sai biệt. Để tiếp độ chúng ta, Phật phải hiện thân con người, nhưng Ngài có những điều không giống với người thường. So sánh nếp sống của Phật với chúng ta, thì thấy rõ tình cảm, tri thức và sinh hoạt của Ngài dẫn đến sự thánh thiện, giải thoát. Trong khi chúng ta đi vào con đường tràn đầy mưu toan mà vẫn gánh lấy phiền muộn không lối thoát. Thấy được sự khác biệt như vậy, giúp chúng ta lập hạnh, bước theo dấu chân Phật.
Đức Phật an trú ở the tánh vô sai biệt thường gọi là Niết bàn, không khổ. Chúng ta vì vô minh, nhận thức sai lầm, khởi lên năng kiến tướng, nghĩ đủ thứ trong lòng và lo đối phó với những ảo giác không thật, không đáng để tâm. Từ đó, sẽ hiện tướng sai biệt bên ngoài, tạo thànnh khổ thật.
Trên thực tế cuộc
sống, tôi đã từng chứng kiến bài pháp sống này. Tôi quen một người giàu có mua
vàng để dành, mà cứ sợ đói, nên mua gạo cất giữ. Nhưng chứa gạo để mọt ăn
trước, rồi ông ta ăn sau và chưa kịp ăn hết gạo mọt, lại lo mua bao khác để
dành. Thực sự ông ta không đói, nhưng cứ lo sợ đói và khổ sở với cái nghiệp
đói. Đó là do si mê mà ra. Nếu quả thực là xã hội nghèo đói
thì ta cũng phải đói theo; một mình ta no
sao được.
Đức Phật lo cho chúng sanh hơn là lo cho Ngài; đáp lại, Ngài nhận được sự thương kính, quý trọng, nên bốn loài tôn Ngài là đấng cha lành. Thiết nghĩ lo cho đời, lo cho người, trong đó có lo cho mình. Bài pháp về thế giới vô sai biệt được thể hiện một cách sống động qua cuộc đời của Đức Phật cho chúng ta nương theo, tiến tu.
Khi Phật chưa ra đời, chiếc áo Sa môn được người đời đánh giá như thế nào. Rõ ràng lúc đó, những người khất thực, dù là hiền triết chăng nữa cũng bị khinh khi là kẻ ăn xin. Đức Phật cũng mang hình thức Sa môn như họ. Điều này theo tinh thần Đại thừa hiểu là một phương tiện của Phật để gần gũi, giáo hóa mọi người. Kinh Pháp Hoa diễn tả ý này bằng hình ảnh ông trưởng giả cởi chuỗi anh lạc, mặc áo thô rách, để đến gần, săn sóc gã cùng tử nghèo khổ.
Thực chất Đức Phật là đấng Pháp vương điều động cả vũ trụ Pháp giới. Ngài tự nguyện rời bỏ thế giới cao sang để sống chung với tu sĩ lang thang là Sa môn. Họ thuộc thành phần bất mãn của xã hội Ấn Độ thời đó, vì họ sanh ra từ giai cấp thấp, bị bít đường tiến thân. Bất mãn, chán đời, bỏ đi tu là thực chất của Sa môn lúc đó, nên đương nhiên họ không được kính trọng. Đức Phật thương hại họ, thật ra cuộc sống không đáng chán, nhưng do vô minh nhận lầm mà hủy hoại cuộc đời. Ngài mới mở ra con đường khác để giúp cho họ thăng hoa, bằng cách khoác vào chiếc áo tu giống họ. Và tu thành Phật rồi, Ngài vẫn đóng vai Sa môn để sống chung, khuyến tấn họ, xây dựng họ trở thành người đạo đức thực sự và có tri thức hơn người. Đó là con đường tu hành đúng pháp theo Phật khẳng định vị trí của người tu là Thầy của trời, người.
Thật vậy, Đức Phật uốn nắn sự sai lầm của Sa môn, nên sống chung với họ. Ngài tìm hiểu tâm trạng và hoàn cảnh của họ, rồi tùy theo đó mà khai ngộ; hay tùy bệnh cho thuốc, chữa lần tâm bệnh của họ, nhất là tâm yếm thế được chữa trước. Đức Phật chỉ cho họ thấy không phải vì chán đời mà đi tu. Ngài giáo hóa cho họ tỉnh thức lần, nhận ra rằng họ có năng lực làm Phật, làm Thầy, hay làm vua, làm tướng, v.v… ; không phải cam phận thấp hèn để tự hủy hoại cuộc đời mình.
Ngày nay, bước theo dấu chân Phật, thiết nghĩ chúng ta học Phật để vươn lên, làm mẫu người tiêu biểu cho tri thức và đạo đức vượt trội. Ngược lại, tu sai lầm, biến mình thành người ăn hại, chẳng thể là đệ tử Như Lai. Đức Phật hướng đến xây dựng con người cứu đời, sống lợi ích không riêng cho bản thân, mà còn lợi ích cho chư Thiên và loài người. Nhưng chúng ta nhận định sai lầm, thu nạp những người không ai nuôi và cho xuất gia. Họ không tự đứng nổi trên đôi chân, thì sao làm Thầy thiên hạ cho được. Chúng ta vì lòng Từ cứu giúp người nghèo khổ, nhưng không vì thế mà kết nạp người một cách bừa bãi vào Tăng đoàn.
Trở lại giáo lý Nguyên thủy hay Đại thừa đều dạy chúng ta tùy theo hoàn cảnh của mình mà tự phấn đấu phát triển. Thực sự việc làm của người tu là phải rèn luyện bản thân, nghị lực và nhận thức. Không thực hiện những điều này, thật uổng phí cuộc đời và cũng không phải đệ tử Phật. Tu là tự rèn luyện bản thân mình, theo đó Phật dạy ba điều căn bản là giới đức, tâm đức và tuệ đức.
Con đường phấn đấu đi lên của chúng ta nhất định phải theo hướng ấy. Riêng tôi, từ con người nghèo cùng khốn khổ, ở trong giai cấp thấp nhất, chăn vịt, chăn bò, nhưng không chịu cam phận. Tôi nỗ lực thực hiện lời Phật dạy, rèn luyện ba đức để hướng đến mục tiêu Hiền Thánh, Phật. Thiển nghĩ ai cũng có thể làm được, nhưng phải chịu cực, siêng năng đi đúng chánh pháp. Tôi không hạ thủ công phu, chắc chắn không được như ngày nay.
Giới đức hay đạo đức là sống sao cho người xung quanh chấp nhận được, không phải chấp chặt theo chủ nghĩa giới điều. Đối với tôi, thể hiện đạo đức nghĩa là không làm những điều mà các Hòa thượng hoặc đại chúng không bằng lòng; những gì mà các ngài và đại chúng cần thì tôi làm, gọi là Tăng sai. Chúng ta hết lòng với công việc chung, sẽ được đại chúng thương kính; đó là thực chất của đạo đức.
Kế đến là tâm đức hay tấm lòng của chúng ta đối với người nghèo. Theo kinh nghiệm hành đạo, tôi thấy người nào có lòng vì đạo, vì đại chúng, thì họ được mọi người chấp nhận và có thể đi lên được. Trên bước đường tu, tập mở rộng lòng, sẵn sàng tha thứ cho người vô tình hay cố ý xúc phạm ta. Đức Phật khác chúng ta ở điểm lòng từ bi của Ngài bao la vô tận. Phật thương tất cả chúng sanh, người nghịch cũng như người thuận với Ngài. Tu theo Phật, tất yếu chúng ta cũng phải thể nghiệm tâm từ bi. Riêng tôi, đến nơi nào và tiếp xúc với ai, tôi luôn làm vui lòng người là việc chính.
Quan trọng nhất là tuệ đức, tức trí khôn, càng giỏi càng tốt; nhưng không phải khôn vặt, hại người, lợi mình. Muốn tu được lâu dài, phải bỏ tâm ích kỷ, làm lợi ích cho người, giúp đỡ người cùng đi lên.
Đức Phật ra đời chỉ dạy chúng ta phương cách rèn luyện ba đức là giới đức, tâm đức và tuệ đức. Nương theo đó, chúng ta trưởng thành trên đường đạo; mỗi ngày phải dễ thương hơn, làm lợi ích cho người và hiểu biết nhiều hơn. Đó là con đường dẫn chúng ta đến thế giới vô sai biệt của Hiền Thánh, Như Lai.
Tuy nhiên, trước khi thâm nhập Pháp giới thể tánh vô sai biệt, tức thành Phật, chúng ta phải trải qua quá trình điều chỉnh từ ngoài lần vào trong tâm. Trên bước đường tu, thể nghiệm ba mươi bảy Trợ đạo phẩm, quán Nhân duyên và hành sáu pháp Ba la mật, nhằm rèn luyện giới đức, tâm đức và tuệ đức. Tu đúng pháp thì tánh tình phải hiền lành, dễ thương, sống lợi ích cho người và tri thức mở rộng hơn; từ thực tế cuộc sống cho đến hiện tượng xã hội và thiên nhiên, chúng ta đều biết được. Tuy nhiên, người tu sai lầm, không biết nương theo lời Phật dạy để phát triển tri thức và đạo đức, mà lại để cho giới điều ràng buộc mình, sẽ không làm được gì lợi cho bản thân và lợi cho người.
Giáo lý Đại thừa đã chỉnh đốn sự sai lầm này, nhắc nhở chúng ta nếu đã học thì phải đạt đến một trình độ nhất định nào và tu cũng phải được một sở đắc nào. Ở trong đạo từ nhỏ đến già, mà không làm tốt đời đẹp đạo; chắc chắn đó không phải là mẫu người của Phật đào tạo.
Đức Phật đưa ra bài pháp về thể tánh vô sai biệt là mô hình cao nhất mà người tu phải phấn đấu đạt cho được mục tiêu này. Vì theo Phật, chúng ta không thể nào chấp nhận cái giả là sai biệt. Chúng ta phạm sai lầm, thường chỉ nói bình đẳng, nhưng không thấy và không sống theo tinh thần bình đẳng. Kinh Bảo Tích dạy chúng ta phát huy thể tánh vô sai biệt và sống an vui với thế giới ấy.
Khởi đầu Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ tát nên giới thiệu thể tánh vô sai biệt với Trí Thượng Thiên tử là người có trình độ hiểu biết hơn tất cả. Điều này nhằm gợi nhắc chúng ta khơi đầu từ người bình thường nỗ lực tu hành để đạt trí Bát Nhã, thấy pháp tánh. Còn chấp pháp thì vẫn vướng mắc với khổ đau, chẳng thể mở rộng tầm nhìn sáng suốt. Đức Phật không nói thẳng, vì Tỳ kheo tăng thượng mạn sẽ tự ái, không thể nghe được. Khi Ngài nói phẩm này cũng có hai ngàn Tỳ kheo bỏ hội trường ra đi.
Văn Thù Bồ tát đề cao việc làm của Trí Thượng Thiên tử tiêu biểu cho phước đức và trí tuệ đầy đủ mới có khả năng nhập Pháp giới, đi vào thể tánh vô sai biệt. Trong khi các Tỳ kheo đi lạc hướng, không học thì làm sao có trí tuệ, không làm gì sao có phước đức.
Các Tỳ kheo nghe Bồ tát Văn Thù ca ngợi việc của chúng tại gia mà họ làm không nổi, nên cảm thấy bực bội, khó chịu, liền bỏ đi. Văn Thù nhận thấy các Tỳ kheo không thể hiểu, không thể chấp nhận pháp Tối thượng này, thì pháp hay mấy cũng trở nên dở, vì không sử dụng được. Ngài liền thay đổi cách giáo hóa, từ chân thật trí đổi thành phương tiện trí. Trong kinh diễn tả là Văn Thù phải từ bỏ vị trí Pháp vương tử, biến thành hóa Tỳ kheo. Nghĩa là ngài sư dụng Đồng sự nhiếp trong Tứ Nhiếp pháp, có hoàn cảnh giống người và mang tâm trạng như họ để hướng dẫn họ tu.
Với hiện thân là hóa Tỳ kheo, ngài hỏi thăm các Tỳ kheo khác, được biết họ không chịu nổi pháp của Văn Thù thuyết. Và ngài cũng nhìn nhận rằng mình cũng bực như vậy. Điều này nhằm nhắc nhở chúng ta khi thuyết pháp phải đứng vào hoàn cảnh của người. Hai tâm trạng giống nhau thì dễ cảm thông, mới tâm sự với nhau được.
Hóa Tỳ kheo hỏi họ điểm nào nghe không được và điều gì không bằng lòng để trao đổi tìm ra chân lý. Đó là một phương cách giáo hóa mà ta cần học ở Văn Thù, không nên áp đặt hoàn cảnh của ta cho người. Thực tế khai ngộ là tìm cách giải thắc mắc cho họ hiểu, không phải nói pháp chung chung.
Văn Thù lóng nghe các Tỳ kheo phát biểu. Họ cho biết đã làm theo những gì Phật dạy để đạt đến quả vị từ Tu đà hoàn đến A la hán và được Phật ấn chứng. Nhưng nay Văn Thù lại nói pháp tánh vô sai biệt, theo đó xuất gia và tại gia không có gì khác nhau; làm sao họ có thể chấp nhận được.
Tâm sự này của Tỳ kheo tăng thượng mạn trình bày khiến tôi giựt mình, vì tôicũng suy nghĩ giống họ; nghĩa là chúng ta xuất gia nhất định phải làm Thầy của thiên hạ. Có một bà cúng dường tôi và nói rằng: "Thấy Thầy học được, tôi nuôi”. Tôi trả lời: "Cúng dường thì nhận, nhưng nuôi thì tôi không cần!”. Rõ ràng mình tự rớt vô tăng thượng mạn mà không hay, vì luôn coi mình là chúng trung tôn. Hóa Tỳ kheo làm tôi thức tỉnh lại.
Hóa Tỳ kheo cho biết rằng ông cũng thấy bực với pháp vô sai biệt, nhưng có khác hơn một chút là phải công bằng mà nói, đừng nên cường điệu quá mức mà tự nghĩ mình đứng đầu thiên hạ. Văn Thù Sư Lợi khai ngộ, bảo các thầy Tỳ kheo phải nhìn vào thực tế, tự xét lại thân phận mình, xem vị trí và việc làm của mình có đúng nghĩa hay chưa, đã rèn luyện thành tựu được giới đức, tâm đức và tuệ đức hay chưa, có xứng đáng cho trời, người cúng dường hay không.
Riêng chúng ta nương theo kinh Bảo Tích nhận ra được vị trí thực tế của mình là học trò, không phải là Thầy của thiên hạ. Phải chấp nhận khó, khổ, phải nỗ lực học; không nên tự ái, xấu hổ. Cần thức tỉnh và phấn đấu nâng sự hiểu biết của mình lên, tối thiểu cũng bằng người đời.
Khi các Tỳ kheo tỉnh ngộ, nhận ra hóa Tỳ kheo nói có lý, thì ngài đưa họ trở về chúng hội đạo tràng. Nói cách khác, chúng ta chấp nhận mình sai lầm thì mới tiến bộ, mới học được thể tánh vô sai biệt mà Văn Thù dạy.
Thực chất vô sai biệt, nhưng vì cố chấp, vô minh, nên thấy sai biệt. Bỏ vô minh, vọng thức, chấp ngã, chấp pháp, thể tánh sáng suốt của chúng ta tự hiện lên.
Đối với hạng người vọng ngôn, tự coi mình là Hiền Thánh, thì không nói đến. Nhưng với hạng người thứ hai mà Đức Phật muốn giáo hóa, nhắc đến ở đây là những người vướng mắc với quá trình tu hành của họ. Họ chấp ngã, chấp pháp đã sở đắc được. Chúng ta cần ghi nhớ ý này, nếu không dễ trở thành tăng thượng mạn. Đơn giản như khi gặp người xuất gia sau mà lại đứng trước, ta bực mình liền. Chỉ chút xíu như vậy, ta đã bộc lộ tánh tăng thượng mạn của mình mà không hay.
Theo tôi, chư Ni phải giữ Bát Kỉnh pháp, nhưng các Thầy không nên đòi hỏi họ phải kính ta. Có nhận chân thể tánh vô sai biệt mới kính trọng người. Người kính trọng ta ít, nhưng ta kính trọng họ nhiều, thể hiện được thực chất của đạo lý. Đức Phật đã từng trải thân hành Bồ tát đạo, tu hạnh kính trọng người một cách tuyệt đối qua hình ảnh Thường Bất Khinh Bồ tát, làm chúng ta vô cùng cảm kích. Không nên xem thường người, hôm nay họ là học trò, nhưng mai kia họ phát huệ, trở thành bậc cao đức trong đạo thì sao.
Đối với tôi, điều chính yếu là chúng ta phải tự cố gắng vươn lên, thăng hoa đạo đức và tri thức, người tự động kính mến ta. Đừng sanh tâm buồn phiền, khó chịu, mà trở thành tăng thượng mạn. Tăng thượng mạn là người ôm nặng một số quy điều của Phật, thấy ai không theo giống như vậy thì tự khó chịu, khổ sở. Và phiền não nhân đây phát sanh liên tục. Người chấp pháp mình được cũng trở thành tăng thượng mạn. Thí dụ như đắc quả Tu đà hoàn hay A la hán và sung sướng mãn nguyện với quả vị ấy, cũng không thể thâm nhập thể tánh vô sai biệt. Đức Phật dạy nếu thực sự đắc A la hán, nhưng không tự thấy mình là A la hán, mới là A la hán thật.
Các Tỳ kheo nghe hóa Tỳ kheo phân tích thì tỉnh ngộ, tự nhận ra họ đã lạc đường và quay trở lại tu tập theo chánh pháp. Họ liền thâm nhập thế giới vô sai biệt, thể hiện mẫu Tỳ kheo chân chánh, dứt sạch nghiệp chướng, phiền não.
Đọc phẩm này, nhìn thấy hình ảnh giải thoát của Tỳ kheo đúng nghĩa là chúng trung tôn, chúng ta tự nhận biết rằng khi người còn làm cho ta buồn phiền, giận dữ và còn vô số việc mà ta không bằng lòng, phải biết ta đang là tăng thượng mạn. Cần tinh tấn nhiếp niệm, tỉnh giác, cho đến không có việc gì và không có ai tác hại được tâm hồn chúng ta. Đó là cửa ngõ để ta bước vào thế giới vô sai biệt vĩnh hằng, bất tư.