Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 1
Học Phật pháp không phải là học nhồi sọ, nhưng học bằng sự suy nghĩ và áp dụng trong cuộc sống. Hiểu được yếu nghĩa của pháp Phật và áp dụng thành công trong đời thường mới là điều quan trọng và không đơn giản. Vì vậy, nhiều người học pháp Phật, nhưng áp dụng được thì không có mấy người.
Đức Phật tại thế, Ngài thuyết pháp tùy chỗ, tùy lúc, tùy người mà khai thị các pháp tương ưng và khác nhau. Có thể khẳng định rằng khi Phật còn tại thế giáo hóa, Ngài không đưa ra pháp môn cố định. Các Tỳ kheo học với Phật những pháp khác nhau, thậm chí chúng ta thấy có những mâu thuẫn. Đó là sự thật, vì Đức Phật là bậc Chánh biến tri. Đến nơi nào giáo hóa, Ngài đều quan sát hoàn cảnh nơi đó, nên nói những gì mà người nghe chấp nhận và sửa đổi được thân khẩu ý của họ trở thành tốt đẹp. Điều này thể hiện rằng pháp không cố định. Đó là ý thứ nhất mà người học Phật phải nhận ra. Ngày nay, chúng ta học Phật cũng vậy, học trí tuệ của Phật, không phải học ngữ ngôn văn tự mà Phật để lại. Chỉ học ngữ ngôn văn tự và vướng mắc với nó thì trở thành chấp pháp, sẽ không được an lạc, giải thoát.
Tất cả pháp Phật dạy nhằm mục tiêu giúp chúng ta cởi bỏ phiền não để phát sanh trí tuệ. Và trí tuệ này là trí khôn giúp chúng ta hiểu biết sự việc chính xác, biết cách xử thế đúng đắn, mang lại lợi lạc cho mình và người. Không phải học để phân tích phải trái, không được gì; không phải chấp lời Phật rồi thấy ai làm khác, mình khó chịu.
Học tất cả những gì Phật dạy, nhưng học xong phải bỏ tất cả để huệ sinh ra và tùy từng lúc, từng người mà giảng dạy khác nhau, làm cho người được lợi ích. Pháp Phật tạm ví như thức ăn. Không có thức ăn, chúng ta không sống được; nhưng chính yếu của chúng ta là sự sống, không phải thức ăn. Phải chọn thức ăn giúp chúng ta khỏe mạnh. Cùng một thức ăn mà có người dùng lại sinh bệnh, vì không hạp, vì cơ thể mỗi người không giống nhau. Cơ thể khác, nghiệp khác, nên pháp áp dụng cũng phải khác.
Phải chọn pháp thích hợp cho chúng ta sự sống tốt và tu hành đạt kết quả cao. Tôi chọn kinh Pháp Hoa làm lẽ sống, nên tiến tu được; nhưng không phải ai cũng làm như tôi được. Thật vậy, tôi thích hợp với việc suy tư, lễ bái, tụng niệm. Người sợ tụng kinh là không thích hợp.
Vì vậy, chúng ta không chấp pháp, nhưng chọn pháp thích hợp để nuôi giới thân huệ mạng phát triển. Làm thế nào mỗi ngày con người đạo đức của chúng ta lớn mạnh, huệ sáng ra. Có thể nói trên bước đường tu, chúng ta trải qua giai đoạn dài, lúc còn trẻ, đến trưởng thành và khi lớn tuổi, từng thời kỳ khác nhau, thì pháp ứng dụng cũng phải khác. Chúng ta trưởng thành đòi hỏi tri thức phải phát triển hơn, không thể cố định. Thực tế cho thấy có Hòa thượng trước tu Tịnh độ, sau lại thích tham Thiền. Vì cơ thể thay đổi, giới thân huệ mạng của họ trưởng thành, nảy sinh những yêu cầu khác, họ phải thay đổi pháp tương ưng. Chúng ta thấy vậy mà phê phán thì không đúng.
Học kinh Bảo Tích phải có ý thức như vậy để nhận chân được cuộc sống thật củachúng ta. Tại sao vị này làm một việc gì đó, được coi là trì giới thanh tịnh; trong khi người khác làm lai bị chỉ trích là phá giới. Chúng ta cần suy nghĩ ý này. Hành Bồ tát đạo khác với Thanh văn đạo, giới thân huệ mạng ở Bồ tát khác với Thanh văn. Chúng ta không chê người khác. Pháp này thích hợp với ta thì hành trì, không thích hợp với người thì họkhông thể hành trì.
Không có bộ kinh cố định cho chúng ta, vì Phật tùy duyên mà thuyết pháp. Không phải như Trí Giả nói rằng Phật thuyết kinh Hoa Nghiêm trong hai mươi mốt ngày rồi đến kinh A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã và Pháp Hoa, Niết Bàn. Phật giảng dạy trong bốn mươi chín năm gồm có các bo kinh vừa nói, không phải tám năm sau cùng mới nói Pháp Hoa. Đối với từng lúc, từng chỗ, từng người, Phật nói các pháp khác nhau. Ngày nay, chúng ta có nhiều bộ kinh là do đệ tử Phật nghe được ý và tập hợp những ý đó thành những bộ kinh, thành những chuyên đề.
Kinh căn ban Nguyên thủy là kinh Nikaya được tập hợp trước tiên, gọi là Thanh văn tạng do các vị Thanh văn gồm năm trăm La hán kiết tập. Sư thật các Ngài cùng tập hợp lại và trao đổi với nhau, chứ không viết thành sách, thành văn như ngày nay chúng ta có. Không phải trong mười hai năm Phật nói kinh A Hàm. Nhưng tại sao Trí Giả đại sư lại chia như vậy và chúng ta thấy cũng hợp lý. Ngài phân chia thành Ngũ thời Bát giáo như vậy không sai, vì đứng ở lập trường Pháp Hoa hay tâm thức mà chia. Trên tâm thức cô đọng thì phải chia như vậy, không phải chia theo mặt lịch sử. Đứng về mặt lịch sử mà xét thì phân chia kinh như vậy là sai, nhưng đứng về mặt giáo tông mà xét thì Ngài đúng. Và đứng về Thiền thì sự phán giáo này cũng không đúng, vì Thiền lấy ngộ làm chính, giáo ngoại biệt truyền, có ngộ thì có truyền thừa, không ngộ thì mất. Như vậy, Phật pháp vĩnh hằng. Về Thiền, hay lịch sử đã phủ nhận tính cách cố định đóng khuôn, mà cả về giáo cũng phải từ bỏ để nhận được chân ý của pháp Phật. Ngài Nhật Liên dạy rằng quan trọng nhất là chư Phật hiện tiền; nói cách khác, chúng ta cần đặt vấn đề nếu có Phật ra đời, Ngài sẽ làm gì, nói gì và chúng ta làm theo ý đó.
Đối với tôi, nếu theo tinh thần Phap Hoa, thì Phật ở thế kỷ XXI sẽ nói những điều mà mọi người chấp nhận được; những gì không được chấp nhận thì không phải của Phật nói. Ngay tại đây và trong hoàn cảnh này nói việc mà đại đa số tán đồng là hiểu Phật theo Pháp Hoa. Còn dẫn kinh Phật mà người chê bai là phạm tội phá pháp, phi pháp.
Điều thứ hai cần ý thức rằng pháp Phật là pháp giải thoát, làm cho người vui lòng, không làm người đau khổ. Chúng ta nói gì cũng được, nhưng phải tác động cho người nghe được an lạc. Trên tinh thần này, Đại thừa lấy phương tiện huệ làm chính; người chấp pháp thì gây khổ đau cho mình và người. Tôi tâm đắc ý Phật dạy rằng nói điều mà người an vui, giai thoát, tinh tấn tu hành. Nếu nói mà gây buồn phiền thì tôi không nói, vì lúc đó nói là nói lời của ma. Quan trọng của pháp Như Lai là truyền đạt tâm hoan hỷ, an vui cho người; không phải cố dẫn dụng lời Phật để chống phá người.
Việc kiết tập kinh điển cũng từ sự tập hợp những kinh nhỏ mà thành, như kinh tạng Nikaya tập hợp những câu chuyện của Phật dạy các Tỳ kheo cho đến Bà la môn. Nghĩa là Đức Phật hướng đến giải quyết những vấn đề thực tế cuộc sống và xã hội. Ngày nay chúng ta học Phật cũng vậy, nhưng xã hội của thời Phật tại thế khác hẳn xã hội của chúng ta thời hiện đại. Vì vậy, có những điều chúng ta áp dụng được và tất nhiên có cái không thể áp dụng. Nếu chúng ta cứng nhắc, cứ viện dẫn lời Phật để đưa ra những cái khuôn không dùng được trong xã hội ngày nay, thì chẳng những không có lợi cho Phật giáo, còn tác hại.
Sau thời kỳ kiết tập kinh tạng lần thứ nhất, đến giai đoạn kiết tập lần thứ hai là kinh Đại Tập, cũng tập hợp lời Phật dạy, nhưng tập hợp theo cách khác, theo thời đại mới. Ý Phật không đổi, nhưng sự nhận thức theo phương cách của thời đại sau; nên văn phong khác và cách trình bày diễn tả cho người thời đại hiểu được.
Và sau thời kỳ kinh Đại Tập, có những người cũng không bằng lòng, mới kiết tập lại lần nữa. Đó là thời kỳ kinh Bảo Tích cũng gom những lời hay ý đẹp của Phật dạy.
Có thể khẳng định rằng kinh Nikaya, kinh Đại Tập và kinh Bảo Tích là một, không khác. Nhưng kinh Nguyên thủy được tập hợp dưới dạng Thanh văn, sang đến kinh Đại Tập có sự tham gia của Bồ tát và đến kinh Bảo Tích thì phần lớn là Bồ tát. Nghĩa là kinh đầu tiên Nguyên thủy được giữ nguyên, dùng văn huệ, nên nghe sao ghi vậy. Nhưng kinh điển ở giai đoạn hai thể hiện tinh thần học có suy nghĩ, cân nhắc. Và kinh ở giai đoạn ba, thể hiện sự ứng dụng có kết quả, tiêu biểu là kinh Bảo Tích và chúng ta học bộ kinh này thấy nhiều điểm rất hay.
Đọc kinh Bảo Tích nhận thấy nhiều ý hay, tôi nêu ra sơ lược một vài thí dụ, phần triển khai sẽ nói đến trong các pháp hội sau. Thí dụ chỉ một vấn đề nhận xét về cuộc sống của Đức Phật như thế nào cũng đã nổi bật tính trí tuệ siêu việt của Ngài trong việc giáo hóa độ sanh, sẽ giúp chúng ta nhận ra muôn màu muôn vẻ trong việc áp dụng pháp Phật vào thực tế cuộc sống. Còn chấp pháp và cứ nghĩ đây là của Phật, rồi chấp cứng, chết sống với nó, không thay đổi, thì e rằng sẽ trở ngại nhiều cho bước đường tu giải thoát.
Tôi tâm đắc trí tuệ của Bồ tát Văn Thù sử dụng sự chống phá của ma. Tỳ kheo cứ nghĩ ma mạnh, chúng ta yếu, phải sợ và đề phòng ma. Nghĩ vậy là không được, vì kẹt vào thế này, chúng ta sẽ bị suy sụp lần đến chết, không còn cách nào khác. Kinh Bảo Tích dạy chúng ta cách xử thế rất hay, thể nghiệm tinh ba của pháp Phật. Và Bồ tát đi vào cuộc đời có kinh nghiệm, mới kiết tập, dạy chúng ta những tinh ba sống thực ấy.
Trong kinh diễn tả rằng trước khi Phật vào thành Vương Xá, ác ma đến trước và bảo mọi người đừng dại khờ đến nghe Phật thuyết pháp. Phật mới bảo Văn Thù Bồ tát vào thành Vương Xá nói với ma vương rằng chúng nên nói lại, nói như vậy không đung. Ta nghĩ gì về điều này. Chẳng lẽ Văn Thù cãi lý, hơn thua với ma; Ngài không làm như vậy. Cách của Văn Thù, hay cách hành xử của người trí đối phó với hoàn cảnh một cách nhẹ nhàng. Kết quả là ma vương phải đính chính rằng mọi người nên ra đón Phật và nghe pháp.
Tôi học được ý này, người nói sai thì họ phải tự nói lại cho đúng, mình không cần đính chính. Theo Bảo Vương Tam muội, người học Phật không nên tự minh oan cho mình; vì làm như vậy không tốt, chẳng được gì. Đối với Đức Phật, người nói xấu Ngài chẳng có chút kết quả nào, vì nhân cách cao thượng và trí tuệ tuyệt vời của Ngài, v.v… đã nói lên sự thánh thiện tuyệt đối, không ai phủ nhận được. Nói thực tế hơn, thời Phật tại thế, người nào muốn được quần chúng nghe theo, thì phải theo Phật, không thể khác.
Học Phật phải nhận ra ý này. Nếu chúng ta dở, xấu, thì có thể che đậy mãi cái xấu đó hay không. Trái lại, giỏi, tốt thực, thì ai nói xấu được. Hiểu đạo, khi người còn chê được là biết chúng ta còn kém dở, cần nỗ lực tu; đừng để tham sân phiền não bộc phát. Đó là kinh nghiệm mà tôi học được ở kinh Bảo Tích vậy. Chúng ta nhẹ nhàng, không để ý đến sự chống phá, đỡ mất thì giờ; lo phát huy năng lực của mình, tu cho thành đức, học cho thành tài. Không ai ngăn cản được bước tiến đạo đức và trí tuệ của chúng ta. Học kinh Bảo Tích thấy rõ ý này.
Và từng việc một, từng vấn đề được kinh phân ra thành từng pháp hội. Từng vấn đề được tất cả Bồ tát nêu ra trong kinh thể hiện tấm gương sáng cho chúng ta thực hành theo. Học kinh Bảo Tích là học những tấm gương ấy và lấy đó mà tự soi bóng mình, sửa đổi những lỗi lầm.
Trong kinh Bảo Tích có nói đến Phật Vô Động, Phật Di Đà là những tấm gương tiêu biểu cho chúng ta noi theo. Phật Thích Ca giới thiệu các Ngài tu nhân hạnh gì để kết thành quả đức như vậy. Đức Phật Vô Động chính là đối tượng chủ yếu của pháp tu Thiền với nét đặc sắc rằng sống giữa cuộc đời nhơ bẩn luôn luôn có mọi tác động xấu tốt; nhưng Ngài rèn luyện trở thành bất động, tự tại. Bình thường chúng ta dễ động, nghe thấy bên ngoài là phân tâm liền thì việc của chúng ta dễ thất bại. Tôi áp dụng tinh thần vô động bằng cách giờ nào việc đó, chuyện khác xảy ra không dính líu thì để sau sẽ tính. Làm sao rèn luyện tâm mình bất động, mọi người, mọi việc chung quanh không chi phối chúng ta.
Ngoài Phật Vô Động, chúng ta học gương sáng của Phật Di Đà. Đó là hai tấm gương, một bên là tu Thiền, lo xây dựng tâm chúng ta trong sáng và một bên tu Tịnh độ, lo xây dựng thế giới và Bồ đề quyến thuộc của chúng ta an vui, thanh tịnh. Phật Di Đà trước khi tu lãnh đạo quốc gia, nhưng giữ ý niệm không hơn thua với người mà người phải chấp nhận, tôn trọng Ngài. Nếu người giỏi hơn, chưa chấp nhận ta mà ta lãnh đạo thì dễ chuốc họa vào thân. Vì vậy, có người tự lượng sức mình, ẩn tu để rèn luyện ý chí và tâm tánh, chờ cơ hội giúp đời, mở đạo.
Rèn luyện năng lực đến khi đại chúng chấp nhận, lại sẵn sàng buông bỏ, là vua Vô Tránh Niệm. Theo gương này, trước tiên, chúng ta phải xây dựng bản thân mình. Phải làm sao cho người thương kính là học Phật Di Đà, tôi học ngay cách tổ chức, lãnh đạo của Ngài. Muốn người chấp nhận, ta phải có ý kiến hay nhất. Trong đại chúng, ai có sáng kiến ưu việt, người đó lãnh đạo, dù thực tế họ không lãnh đạo.
Phật Di Đà có tên là Vô Lượng Quang, vì hiểu biết hơn tất cả. Ngài không tranh giành, nhưng không ai tranh được với Ngài. Quan trọng là ta không hơn thua với người, nhưng tự phấn đấu hơn người về sự hiểu biết, về năng lực và đạo đức. Học kinh Bảo Tích là học vậy, ý chí cầu tiến không ngừng là ý chí xuất gia của vua Vô Tránh Niệm. Vô chùa tìm cơm áo, chẳng phải đệ tử Phật. Tìm cuộc sống xuất thế, nên Vô Tránh Niệm phát tâm tu, hết lòng tìm Vô thượng đạo. Có Thầy ở chùa lâu, nhưng không nhận được pháp mầu tươi nhuận là tăng thượng mạn. Tỳ kheo hết lòng tìm giáo nghĩa và thăng hoa cuộc sống là đi con đường của Pháp Tạng, nhất định thăng hoa.
Tóm lại, kinh Đại Bảo Tích là bộ kinh lớn, một tạng kinh tổng hợp lời Phật dạy và được chọn lọc, diễn tả theo tinh thần Đại thừa. Kinh Nikaya cũng gồm toàn bộ lời Phật, nhưng do A la hán hay Thanh văn kiết tập. Từ kinh Nikaya tiến sang kinh Đại Tập thì đưa Bồ tát vào. Bồ tát chủ yếu tu huệ, lấy kinh nghiệm thực tế cuộc sống để hiểu giáo lý Phật, nên ít nhiều khác biệt với Thanh văn tạng. Thanh văn tạng mang tính thuần lý, trong khi Bồ tát tạng chủ yếu đặt nền tảng trên kinh nghiệm sống.
Kinh Đại Bảo Tích tổng hợp một đời giáo hóa của Phật và giới thiệu nhân hạnh và quả đức của các vị Bồ tát, chư Phật và Thánh chúng. Qua đó chúng ta hiểu được việc thật của cuộc sống theo lộ trình giác ngộ, giải thoát.
Tôi chỉ trích giảng một số pháp hội nói đến những vị Phật liên hệ trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta, đến pháp môn mà chúng ta hành trì và triển khai hành trạng của một số Bồ tát, A la hán. Tất cả đều được tôi kiến giải theo cách suy nghĩ, hiểu biết, văn từ theo thời đại của chúng ta, theo cách nhìn qua lăng kính Đại thừa.
![]() |