Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng
Pháp tu niệm Phật đã được triển khai thành pháp môn Tịnh độ khá phổ biến trong Phật giáo từ xưa đến nay. Trong các sách đã ghi nhận nhiều trường hợp người niệm Phật được vãng sanh Tây phương Tịnh độ, trong số đó nổi tiếng có gia đình Bàng Công Uẩn. Nhưng ngày nay, chúng ta tu niệm Phật phần lớn không thấy những điềm lành báo hiệu được vãngsanh.
Điềm lành báo hiệu người tu được vãng sanh là tâm không buồn phiền, thân không bệnh hoạn và biết trước ngày giờ chết. Hoặc là thân có bệnh vì nghiệp quá khứ, nhưng đời này trả xong túc nghiệp ấy rồi thì khỏe mạnh và từ giã bạn bè, bà con rồi nhắm mắt ra đi nhẹ nhàng. Những người này tuy còn sống ở thế gian, nhưng tâm họ đã gắn liền với thế giới của Phật Di Đà. Vì thế, mãn duyên ở cõi này, họ liền sanh về Tây phương Tịnh độ. Đó là kết quả của pháp tu niệm Phật vãng sanh.
Chúng ta niệm Phật bằng cách nào. Trong kinh, Đức Phật dạy rằng niệm hồng danh Phật là được công đức, được vãng sanh. Tuy nhiên, có người niệm Phật để cầu công đức, cầu vãng sanh; nhưng thực tế họ không có công đức, huống chi là được vãng sanh.
Công đức có được, nghĩa là ba điều kiện căn bản phải hội đủ là thân không bệnh hoạn, tâm không buồn phiền và biết trước ngày giờ chết. Có thể khẳng định rằng không có công đức thì không thể vãng sanh. Công đức có vì ta đã kết nhân duyên với Đức Phật đó. Nhờ vậy, mãn duyên ở thế giới này, thế giới kia mới hiện ra cho ta được. Thí dụ cho dễ hiểu như có người bảo lãnh cho ta đi nước ngoài, họ lo xong mọi thủ tục và báo cho ta biết ngày giờ lên máy bay, ta mới đi đến nước khác được.
Ta tu vãng sanh về thế giới Phật cũng vậy. Trên bước đường tu làm sao tạo được nhân duyên với Đức Phật và Phật bảo lãnh cho chúng ta về thế giới của Ngài thì vãng sanh được. Hoặc chúng ta được Phật Di Đà, hay Bồ tát Quan Âm, Thế Chí, hay một trong những vị Thánh chúngbáo cho chúng ta biết ngày giờ ra đi. Nhưng điều quan trọng là muốn được Phật và Thánh chúng bảo chứng, chúng ta phải tu tạo công đức và nương theo công đức đó mới vãng sanh.
Pháp hội này nói về công đức nhiều hơn là vấn đề vãng sanh. Bửu Hoa Phu Bồ tát hỏi Phật rằng niệm Phật có công đức hay không. Câu hỏi này của Bồ tát và cũng là câu hỏi chung của người tu Tịnh độ. Đức Phật trả lời niệm Phật được công đức lớn hơn tất cả, pháp môn niệm Phật thù thắng hơn các pháp môn khác.
Trong các pháp môn, pháp tu Thiền được cả hệ Nam tông và Bắc tông ứng dụng. Thiền nhằm làm cho tâm ổn định, tinh thần sáng suốt, kết hợp hai thành quả này là định huệ hay tĩnh lự. Có "tĩnh” mà không "lự” thì biến thành củi mục than nguội, không ích lợi. Có "lự” mà không "tĩnh” là suy nghĩ tính toán của ma, theo khôn dại hơn thua của con người. Người đời vì có "lự”, nhưng không có "tĩnh”, nên sự hiểu biết của họ không trọn vẹn, không chính xác; chỉ biết một phần của cuộc đời. Ngoại đạo có "tĩnh”, nhưng không "lự”, rơi vào Diệt tận định, tách biệt với cuộc đời; cho nên họ tu một thời gian, thì không biết những gì xảy ra chung quanh. Phật pháp không phải như vậy.
Thiền giúp chúng ta có tâm bình ổn và trí sáng suốt, từ đó mới tiến thêm một bước nữa, làm việc khác. Đó là việc gì. Một trong các pháp môn tu thường áp dụng là Tịnh độ. Từ tâm bình ổn và trí sáng suốt, chúng ta mới nhìn thấy và tiếp cận được loại hình thế giới mà bình thường không có. Thật vậy, nếu không tu, sống theo sự khôn dại của thế gian, thì ta và người đời cũng giống như nhau. Ta và họ cũng sống trong thế giới sanh diệt này, thì sanh ở đây, già ở đây và chết ở đây. Đạo Phật ở dạng này chắc chắn không tồn tại được.
Quán sát chúng ta thấy những thời kỳ, những con người tu hành đều khác nhau. Có thời kỳ Phật giáo suy đồi hay đấu tranh kiên cố, người tu chỉ sống với thế giới của người đời, dùng phải trái hơn thua xử sự với nhau. Nhưng nếu gặp được các bậc chứng Thiền có tâm yên tĩnh, trí sáng suốt, họ thấy được loại hình thế giới thứ hai là thấy được chư Phật, Bồ tát và thế giới thanh tịnh của các Ngài.
Tuy tu cùng pháp môn, nhưng nếu ta gặp vị Hòa thượng có sở đắc, họ chưa nói mà ta đã cảm nhận được sự an lành, hoặc thấy được đáp án cho vấn đề đang tồn đọng trong tâm trí ta. Đó là cách khai ngộ của người tu có tâm chứng. Trái lại, người không có tâm chứng, dùng khôn dại thế gian chỉ dạy, thì ta biết tâm họ chưa vào đạo. Tâm vào đạo nghĩa là chứng cảnh giới Thiền; tuy mức độ tu chứng cao thấp của mỗi người có khác nhau, nhưng chắc chắn họ phải khác hẳn người chưa chứng ngộ.
Bước thứ nhất là chứng và bước hai là tu Tịnh độ, thấy được loại hình thế giới khác; hoặc chưa thấy được, nhưng tâm cảm được thế giới Tịnh độ và hướng tâm về đó để tìm. Người tu Tịnh độ như vậy sẽ đạt được kết quả tốt. Có cảm thế giới khác, con người khác, chúng ta mới đi tìm, gọi là tầm sư học đạo. Người tu có căn lành cầu đạo, khổ cực vào rừng núi, lặn lội khắp nơi để tìm cái vô hình. Chính căn lành thôi thúc họ đi tìm, niềm tin giúp cho họ thấy được cái vô hình. Điển hình như Huệ Khả đi tìm Tổ Đạt Ma. Ngài đến thiếu thất đình tiền thấy Đạt Ma ngồi hướng mặt vô vách. Phải tìm mới thấy. Còn người khác cũng vô chùa mà có thấy Đạt Ma đâu. Chỉ một mình Thần Quang thấy Đạt Ma. Đạt Ma là pháp, thấy Đạt Ma hay thấy pháp. Phật dạy người thấy nhân duyên là thấy pháp và thấy pháp là thấy Như Lai. Có khổ công đi tìm mới gặp thật tướng các pháp, kinh Pháp Hoa gọi là Thập như thị, không giải thích nữa. Vì là tướng chân thật, không thay đổi, nên chỉ có thấy hay không mà thôi; còn giải thích sẽ giống như người mù rờ voi.
Trên bước đường tu của chúng ta, đi tìm bằng niềm tin và thấy bằng sự chứng ngộ. Người tu Tịnh độ cũng phải có căn lành và niềm tin mới đi tìm trong thế giới tâm linh của mình và nhân duyên đến thì ngộ. Người không có căn lành chỉ nghe và bắt chước và tu với tham vọng, niệm Phật bằng tham vọng, thì không thể đạt kết quả tốt.
Người tu pháp môn niệm Phật, bước đầu là xưng danh niệm Phật, chỉ niệm tên Phật thôi. Nhiều người áp dụng pháp này, từ sáng đến chiều, họ niệm đến một vạn hay tám mươi bốn ngàn danh hiệu Phật. Vì mỗi ngày phải niệm đủ túcsố này, nên mới đầu ta còn nghe được tênPhật, sau họ niệm nhanh đến độ không nghe ra tiếng. Niệm Phật như vậy để đạt được kết quả gì là điều cần suy nghĩ.
Từ xưng danh niệm Phật, nhằm tập trung ba nghiệp thân khẩu ý, chúng ta bước sang giai đoạn hai quan trọng hơn. Đó là quán tưởng để hình dung Phật, Bồ tát và thế giới của các Ngài là chính yếu cần thực hiện. Lúc đó, việc niệm nhanh cho đủ túc số danh hiệu Phật không cần thiết, mà quan trọng là thế giới Phật phải hiện ra trong tâm trí ta. Niệm nhanh và thế giới niệm tưởng theo đó hiện ra, cũng chỉ là thế giới Phật do ta hình dung ra, chưa phải thế giới thật. Tuy nhiên, từ thế giới hình dung này dẫn chúng ta đến thế giới thật là đi đúng hướng ở bước thứ hai.
Từ niệm Phật bằng miệng giúp cho tâm tập trung để thế giới thứ hai hiện ra. Giai đoạn hai, người niệm Phật không còn để tượng Phật trước mặt, nhưng dùng đồ biểu để niệm. Họ không niệm một vị Phật nữa, nhưng nhìn đồ biểu để thấy toàn cảnh sinh hoạt của Phật và Bồ tát. Họ niệm như vậy, cho biết rằng nhìn vào đồ biểu thấy Phật thuyết pháp, Bồ tát mười phương nghe pháp và cúng dường…; tất cả hình ảnh này trở thành thế giới sống. Tu đạt tới trạng thái này thì ngay khi họ đang nói chuyện với ta, tâm họ vẫn đang ở trong thế giới Phật. Có thể nói đến trình độ tu chứng này là khá tiến bộ.
Hình dung ra thế giới Phật, tuy không phải là thật, nhưng từ hình dung này chuyển qua giai đoạn ba gọi là Xứng tánh niệm Phật hay niệm trong vô niệm.
Bước
đầu, họ nghĩ Phật ở thế giới khác, nhưng
khi nhận chân được Phật và tâm họ là một, nên họ
sống với thế giới tâm. Sống với thế giới tâm khác với sống với thế
giới vật. Thế giới tâm thì thiên biến vạn hóa. Thay vì niệm Nam Mô A Di Đà Phật, họ quán sát
"Ai niệm Phật đây” và không tìm thấy người niệm Phật nữa. Đạt đến Xứng
tánh niệm Phật tức chân niệm, thì tâm niệm tâm. Họ và Phật cùng ở trong thế
giới mầu nhiệm mà kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp
giới, tức loại hình thế giới vượt ngoài thế
giới hiểu biết
bằng căn trần thức của con người.