Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng
Trước nhất, nói về pháp thế gian, là con người tất yếu phải sinh hoạt với căn trầnthức, sáu căn tiếp xúc với sáu trần sanh ra sáu thức. Hay theo kinh Pháp Hoa, mười tám ngàn thế giới của con người cũng phát xuất từ căn trần thức động loạn. Nói đúng hơn, không phải giới hạn ở con số nhất định nào, mà thực sự là thế giới thiên biến vạn hóa của con người đều do căn trần thức tác động hỗ tương mà thành. Thử nghĩ thế giới này có thật hay không.
Nếu là chúng sanh quan sát, phải nói đây là loại hình thế giới thật của con người vật chất do căn trần thức hợp lại thành. Nhưng đối với Phật pháp, dưới cái nhìn của hàng Nhị thừa, thế giới thật của loài người là giả tạm, không thật. Người tu muốn đạt giải thoát sanh tử đều phải quán như vậy. Quý vị tu, mà không muốn từ bỏ thế giới này, thì không thể nào đạt giải thoát. Vì vậy, ý nghĩa xuất gia là xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia, là ra khỏi thế giới căn trần thức. Hay nói chung, chúng ta từ chối dừng lại ở sự hiểu biết của con người, mới giải thoát được.
Trên bước đường tu, người có hạt giống trần lao nghiệp chướng thì tự nhiên sanh khởi nghiệp thức. Nhưng người có hạt giống giải thoát thì tự nhiên thấy cuộc đời này không phải là lý tưởng của họ sống. Sanh vào bất cứ giai cấp nào, họ cũng nhàm chán thế gian, mới từ bỏ được; họ không thích bất cứ thứ gì trên cuộc đời, mới ra khỏi phiền não, sanh tử. Đó là con đường tất yếu của người tu hành.
Thực tế tôi đã tiếp xúc với người có tâm niệm như vậy. Nếu ta khuyên họ xây chùa, đọc sách, giúp người, thì họ chẳng chịu; họ coi như việc đó không nên làm. Họ thích ở hang động, xa lánh trần tục, để đi vào thế giới tâm linh. Đó là hạt giống lành của hàng Nhị thừa. Họ có thế giới riêng để sống và cho đó mới là thế giới chân thật, cao nhất là Niết bàn. Niết bàn nghĩa là tâm thức không hoạt động nữa. Quả chứng của họ là Vô sanh, không còn sanh khởi ý niệm, được an vui, giải thoát hoàn toàn.
Nhưng theo tinh thần Đại thừa, Văn Thù Sư Lợi muốn đưa ra mẫu Niết bàn thực sự mà hàng Nhị thừa chứng được, để hướng dẫn họ thăng hoa đến quả vị Toàn giác. Hàng Nhị thừa tìm được thế giới sống là Niết bàn Vô sanh. Nếu Đức Phật dừng lại ngay chỗ này thì tất cả Thánh La hán đều nhập Vô dư Niết bàn, chắc chắn Phật pháp sẽ bị hoạidiệt. Nói cho dễ hiểu, ngày nay, nếu những người trí thức, đạo đức, hay Thánh La hán đều tìm hang động để ẩn tu, đương nhiên để cho hạng người xấu ác lợi dụng tôn giáo hoành hành, thì làm thế nào tránh khỏi nạn Phật pháp bị tiêu diệt.
Thông thường người ta quan niệm rằng người tốt tu, người lăn xả vào đời là người xấu. Và chúng ta thấy thực tế người vào đời làm việc cũng xấu thật; vì làm một lúc, họ sẽ rớt vào thế tục, kẹt phiền não tham sân, khó ai tránh khỏi. Tôi cũng thấy vậy. Nếu thật tu, từ bỏ thế gian, ở thế giới Vô sanh, phiền não không sanh khởi được, ta dễ dàng được giảithoát. Nhưng trở lại thế giới hiện thực này, đầu tiên chỉ khởi ý niệm xây chùa, tiếp Tăng độ chúng, thì hàng vạn vấn đề được đặt ra cho ta. Ta có ý niệm xây dựng hiện thực, là ý niệm sanh khởi, nên phiền não cũng nhân đó mà sanh khởi theo.
Trước mắt chúng ta không ít những người vào đời hành Bồ tát đạo để giữ gìn mạng mạch Phật pháp được cửu trụ. Kết quả là đa số bị rơi vào phiền não. Tôi phát tâm thực hiện Bồ tát hạnh, cũng thấy rõ ý này. Hễ làm là phải đụng chạm và đụng chạm thì phiền não đi đầu. Trước tiên làm vì tâm đại bi; nhưng sau đó biến đại bi thành phiền não. Ta muốn giúp người tu hành là xây dựng ý niệm tốt; nhưng ta không xây dựng được người giống như ý muốn, thì bắt đầu có vô số vấn đề. Thật vậy, sống trên cuộc đời, điều ta muốn không bao giờ được, điều không muốn lại đến. Chúng ta thấy nhiều vị tu hành học rộng tài cao, đạo đức, nhưng đệ tử lại không tốt; trong khi Thầy kém lại có đệ tử giỏi. Cội gốc phiền não sanh ra là vậy.
Chân đế và tục đế, hay Nhị đế được phân biệt rõ ràng là nếu làm việc thì phiền não sanh ra; nếu từ bỏ xã hội, hướng về Vô dư Niết bàn thì Phật giáo bị tận diệt. Vì thế, nảy sinh con đường thứ ba là Bồ tát đạo và pháp hội này muốn giải thích cho chúng ta đi đúng con đường này.
Người đời chỉ thấy Nhị đế, đối với họ, còn ham muốn mới vào đời hoạt động; không ham muốn thì đã vào Niết bàn. Họ không bao giờ thấy được đế thứ ba, hay đệ Nhất nghĩa đế; nên lầm tưởng Bồ tát đạo là tục đế. Còn hàng Nhị thừa lại chấp lầm Niết bàn là chân thật, tức chân đế. Nhưng không phải như vậy, vì đó là chỉ là tương đối pháp, phân chia rõ nét hai cuộc sống là bỏ trần tục được giải thoát, hoặc bỏ giải thoát vào trần tục.
Chỉ có Bồ tát đạo là đế thứ ba, là Trung đạo đệ Nhất nghĩa đế mới thực sự là chân lý. Chúng ta phải nhận ra được pháp tu của Bồ tát đạo; nếu không thì chấp theo Tiểu thừa hay theo thế gian, cả hai đều không đúng.
Bồ tát đạo là Trung đạo. Trung đạo không có nghĩa là ở giữa. Bồ tát đạo không phải nằm giữa chân đế và tục đế, nhưng là đệ Nhất nghĩa đế. Nghĩa là đối với sinh hoạt của hàng Nhị thừa xuất thế, Bồ tát vẫn sống trọn vẹn; nhưng với sinh hoạt của xã hội, thì Bồ tát vẫn không từ chối. Theo Bồ tát, chân đế và tục đế là một, nên gọi là đệ Nhất nghĩa; nó là gốc của xuất thế và thế tục.
Hành Bồ tát đạo, chúng ta phải an trụ giải thoát môn của Thanh văn địa là Không, vô tác và vô nguyện. Nếu không trụ giảithoát, làm sao trở thành Phật tử được. Trụ giải thoát môn, Bồ tát nhìn thấy thế giới hiện thực này cũng y hệt như hàng Nhị thừa thấy, thấy nó không thật, là ảo hóa. Kinh KimCang diễn tả ý này là thấy bốn tướng: Mộng,huyễn, bào, ảnh. Người tu thấy cuộc đời này như giấc mộng, tỉnh dậy là hết. Chứng Niết bàn là tỉnh dậy thì mộng hết. Nghĩa là khi tâm của chúng ta vượt được thế tục gia, phiền não gia, mới ra khỏi căn trần thức là tam giới gia và an trụ pháp Không. Lúc ấy, thế giới sanh tử này biến mất là hết. Kinh Niết bàn nói rằng sanh diệt diệt thời tịch diệt vi lạc. Ở đây, lạc là Niết bàn, là hết sanh tử hay thức dậy. Đó là quy trình tu chứng của hàng Nhị thừa. Cuộc đời này là đại mộng đối với người tu. Tỉnh dậy rồi, đại mộng bị xóa đi, chứng được Niết bàn. Niết bàn này là Không. "Không” không phải là không có gì. Niết bàn này là giả, Pháp Hoa gọi đó là Hóa thành.
Bài kệ ngộ đạo của lục Tổ Huệ Năng cho thấy rõ ý này. Ngài Thần Tú thì nói:"Thân tợ Bồ đề thọ. Tâm như minh cảnh đài. Thời thời thường phất thức. Vật vị nhạ trần ai”. Nhưng theo ngài Huệ Năng: "Bồ đề bản vô thọ. Minh cảnh diệc phi đài. Bản lai vô nhất vật. Hà xứ nhá trần ai”.
Từ xưa đến nay "Vô nhất vật” là không có gì, hay diễn tả bản thể Không; nhưng nhiều người lại lầm tưởng là Không suông. Kinh Đại thừa thường so sánh các La hán chứng pháp Không giống như thủy tinh; trong khi pháp Không của Phật là ma ni bảo châu. Để một viên châu vào nước, nước liền trong. Thủy tinh dù có cho một ngàn viên vào nước cũng không tác dụng gì. Điều này muốn chỉ rằng Phật và La hán cùng chứng pháp Không. Nhưng người trông thấy Phật, hoặc chỉ nghe danh Ngài, cũng được giải thoát; thấy La hán thì họ dửng dưng. Khác nhau ở lực tác động của sự tu chứng.
Tu chứng của Niết bàn "Không” theo Tiểu thừa là không có gì. "Không” của Đại thừa chứng theo Lăng Nghiêm là "Không sanh đại giác trung”. Nghĩa là thật chứng "Không” thì "Không” ấy phải sanh ra từ trí tuệ của bậc Đại giác. Hoặc ở chỗ khác diễn tả rằng "Vô nhất vật trung vô tận tạng”, nghĩa là tu hành từ bỏ tất cả vật thế gian để đánh đổi được vô tận tạng công đức. Không phải bỏ rồi trắng tay. Đó mới đúng là ý nghĩa mà Phật dạy, mở ra cánh cửa Đại thừa cho hàng Nhị thừa chứng đắc quả vị La hán phát tâm hành Bồ tát đạo.
Thực tế áp dụng ý này, chúng ta xuất gia, dùng thời son trẻ, sức khỏe, trí thông minh và tài sản thế gian vào việc tu hành, thì nhất định phải đổi lấy được một thành quả nào đó. Chứng được quả vị cao xa nào chưa kể, nhưng trước mắt, Tăng Ni học lớp Cao đẳng này sau bốn năm học, phải tốt nghiệp, phải thâu đạt được vốn liếng tri thức nhất định nào đó, hoặc chứng nghiệm được một pháp nào, v.v… Đó là quy trình để chúng ta đi lên trên bước đường tu học. Không được gì, để thời gian trôi qua, mất hết, là hỏng đời tu, khó tìm lạiđược.