cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng


Pháp hội này nói về con của vua A Xà Thế tên là Sư Tử cùng với năm trăm thiếu niên đến Kỳ Xà Quật đảnh lễ Đức Phật và hỏi về đạo Bồ tát. Sau khi nghe dạy bảo, họ lãnh thọ ý Phật và nguyện sẽ tu học như vậy. Phật mới nói với Di Lặc Bồ tát rằng Sư Tử vương tử và năm trăm người bạn hỏi được pháp thậm thâm vi diệu là vì họ đã từng phát tâm Bồ đề, cúng dường vô lượng Phật và từ thời Phật Nhiên Đăng, họ đã là học trò của Đức Thích Ca. Vì vậy, ngày nay họ mới kính Phật, hỏi pháp đã ứng dụng có kết quả và chưa kết quả. Được Phật nhắc lại quá khứ như vậy, họ liền đắc đạo và rời bỏ vương cung, xuất gia, được Đức Phật thọ ký trong tương lai đồng thành Phật hiệu là Trí Huệ Tràng Tướng.

Điều này gợi cho chúng ta ý thức về luật nhân quả. Ngày nay chúng ta tu hành được là vì đã tu từ thời quá khứ. Hoặc những người chống phá ta là họ và ta đã có mối bất đồng ở thời quá khứ. Thực tế cho thấy có vị tu hành đàng hoàng, nhưng không giáo hóa được ai và ngược lại có cư sĩ lại độ được hàng triệu người như ông Niwano ở Nhật Bản. Vị này có tám triệu đệ tử quy ngưỡng, là biết ông đã từng hướng dẫn họ tu Bồ tát đạoquá khứ. Vì thế, đời này họ gặp lại thì thương kính và hết lòng với ông; mặc dù ông xuất thân là người bình thường và có cuộc sống đơn giản. Chúng ta có thể hiểu những điều bình thường bên ngoài, nhưng không thấy được cái cao thượng bên trong của họ. Có thể nói rằng xét về hình thức thì cư sĩ không bằng Thầy tu; nhưng xét trên tâm lượng thì hoàn toàn khác.

Theo tôi, chúng ta xuất gia tu hành dễ rơi vào tâm lượng hẹp hòi; trong khi người thế gian dễ phát tâm Đại thừa hơn. Thật vậy, chúng ta thật tu tìm đường giải thoát, nên sẵn sàng từ bỏ tất cả, tài sản, ngôi vị và cả người thân, chúng ta cũng không quan tâm. Tâm ta đóng kín lại, không nghĩ đến người, chắc chắn họ cũng không nghĩ đến ta.

Trái lại, người tại gia dễ phát tâm Bồ đề, tu Bồ tát đạo hơn; vì họ mang chí lớn, lo cho người. Họ thường có mục tiêu lớn như ý thức bảo vệ con người, giải phóng dân tộc, giải phóng nô lệ. Hiếm khi người xuất gia có ý thức này; vì nếu chúng ta nghĩ vậy, làm vậy thì người đời phán xét rằng chúng ta không tu. Từ sự suy nghĩ của đa số người như vậy dễ tạo nên tầng lớp tu sĩ yếm thế.

Ở núi Kỳ Xà Quật, các Tỳ kheo tu hành viễn ly, có vua A Xà Thế bảo vệ tinh xá và cúng dường. Trước kia, A Xà Thế thấy vua cha là Tần Bà Sa La cung kính cúng dường Phật và Thánh chúng thì ông bất mãn. Ông cho rằng vua cha không lo chăn dân trị nước, nhưng lo cúng dường những người yếm thế. A Xà Thế không thành công trong việc chống Phật, thả voi say hại Phật, hoặc làm nhiều tội ác khác. Đến khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn và mắc bệnh nan y không cứu chữa được, ông mới hối hận tội giết cha hại mẹ, phá hại Sa môn, nên hết lòng sám hối. Điều này cũng cho chúng ta bài học rằng người chống đối nhiều, sau này sẽ ủng hộ nhiều. Chỉ sợ chúng ta không giỏi, không tốt thật; không sợ người không theo ta. Nếu ta tốt và giỏi, người chống đối không thể hại được, thì họ dễ phát tâm và sẽ trở thành hết lòng với ta.

Vua A Xà Thế phát tâm và hết lòng phục vụ đạo pháp, nên sanh ra người con thích tu hành là Sư Tử. Sư Tử vương tử đã trồng căn lành ở chư Phật quá khứ, đã là học trò lớn của Đức Thích Ca từ kiếp xa xưa, nên ngài phải chọn nơi sanh lại. Quý Thầy nên suy nghĩ điều này để hướng dẫn Phật tử tu hành.

Điển hình ý này là Phật giáo khi mới truyền sang Nhật Bản bị Thần đạo chống phá mạnh; họ đốt kinh, bỏ tượng Phật xuống sông. Có một quan đại thần tên Soga thấy tượng Phật thì phát tâm, nên thay vì đốt kinh, bỏ tượng Phật theo như lịnh đã truyền ra, ông lại đưa tượng Phật về nhà thờ và đem kinh về nghiên cứu. Sau khi đọc kinh, gia đình ông sanh được con trai làm Tể tướng, con gái làm Hoàng hậu và cháu ngoại là Thánh Đức Thái tử có công rất lớn với đạo Phật. Phật giáo Nhật Bản hưng long được là nhờ như vậy. Theo tôi, các Bồ tát sẽ hiện thân vào gia đình sùng đạo để làm quyến thuộc.

Sư Tử vương tử từng là đệ tử lớn của Phật Thích Ca. Vì vậy, ông tìm nhà sùng kính Tam bảo để tái sanh, sẵn sàng từ bỏ ngôi vị đế vương, xuất gia làm Sa môn. Sa môn này là Đại thừa Tăng; ông không hề chán đời, đương nhiên dạy pháp giải thoát tiêu cực thì ông sẽ không theo. Trên bước đường thuyết pháp giáo hóa, các anh em phải quan sát đối tượng. Nếu họ muốn thoát ly cầu giải thoát, ta phải dạy pháp Thanh văn; với người căn tánh Đại thừa, thích cứu giúp chúng sanh, phải dạy họ pháp Bồ tát. Không phải dạy ai cũng giống nhau.

Vương tử Sư Tử lễ Phật và thưa hỏi về Bồ tát đạo, gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng tùy theo yêu cầu của người, ta dạy những gì mà họ cần. Họ không cần, dạy cũng không kết quả. Theo yêu cầu của người thường được thể hiện trong kinh rằng có người thưa thỉnh, Phật mới dạy. Cũng có trường hợp Phật tự nói, không có người hỏi. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rằng Phật quán nhân duyên rất chính xác, thấy rõ việc người không hỏi, nhưng nếu Phật nói thì họ sẽ phát tâm ngay.

Vương tử Sư Tử hỏi Phật pháp tu của Bồ tát, không hỏi pháp Nhị thừa. Hỏi pháp Bồ tát nghĩa là hỏi Phật dạy ông tu thế nào để có ba mươi hai tướng tốt. Đức Phật có đầy đủ hảo tướng; vương tử thấy và muốn được ngoại hình có sức thuyết phục như vậy, mới hỏi điều này.

Việc thứ hai là ông hỏi làm sao có được quyến thuộc tận tâm tận lực với mình. Chúng ta thấy rõ người theo Phật dù ở địa vị nào, từ vua chúa cho đến hàng trưởng giả, trí thức, Sa môn, đều kính trọng Phật. Chắc chắn không thể hỏi điều này với tu sĩ viễn ly. Vì họ chưa tập hợp được quyến thuộc và không có người theo học, thì làm sao biết được cách giáo dưỡng người thành công.

Kế đến là làm sao có nhiều tiền của. Tất nhiên hàng Sa môn không thể biết điều này; không thể học kinh doanh với Thầy tu. Nói chung, năm việc của thế gian như sức khỏe tốt, ngoại hình dễ coi, tiền nhiều, phán đoán chính xác, quyến thuộc đông. Có thể coi đó là yêu cầu cao của xã hội mà Phật giáo không đáp ứng được cho người thì khó có thể phát triển.

Muốn dạy những điều này, chúng ta phải có nó trước. Nếu tu mà từ bỏ thế gian thì chỉ tiếp độ được người chán đời. Thực tế ở Việt Nam, người đau khổ quá mới tìm đến chùa cầu giải thoát; có mấy ai đến hỏi đạo như Sư Tử vương tử. Các Thầy gặp Phật tử như vậy thường khuyên họ cạo đầu đi tu. Riêng tôi, khuyên họ tu, nhưng không khuyên cạo đầu. Vì họ vào chùa không biết tu gì, tiến tới thì không được, mà thụt lùi cũng không xong.

Có thể nói người tâm lượng yếm thế chỉ độ được người chán đời. Họ ở chùa có Phật nuôi, không lo gì để tịnh dưỡng thân tâm bớt đau khổ. Giá trị Phật pháp đối với họ chỉ có chừng đó thôi. Nhưng nếu dừng lại ở mức độ đó thì thử nghĩ Phật giáo hưng thạnh sao được. Phải mở ra con đường mà Sư Tử thái tử đã hỏi Đức Phật làm cách nào cho tâm hồn trong sáng, thông minh, khỏe mạnh, dìu dắt được nhiều người và có nhiều của cải.

Chúng ta lóng nghe Phật trả lời cho Sư Tử sẽ thấy rõ pháp Đại thừa của Bồ tát không gì khác hơn là Tứ Nhiếp pháp và Lục Ba la mật. Tu hai pháp này song hành hoặc tu bốn pháp nhiếp trước và sáu pháp Ba la mật sau là kiện toàn Bồ tát hạnh.

Mở đầu Phật dạy muốn giàu có, phải hành bố thí; muốn có quyến thuộc phải đào tạo, nuôi dưỡng người. Đó là những điểm thực tế nhất mà ngày nay Giáo hội chúng ta đang xây dựng. Để Giáo hội vững mạnh, tất yếu phải mở trường truyền trao kiến thức thì có giá trị muôn đời so với cơm ăn áo mặc chỉ có giá trị nhất thời.

Theo Phật, tâm lượng bố thí mới quan trọng. Nếu bố thí mà làm tâm lượng của chúng ta trở thành hẹp hòi hoặc dễ bực tức, thì đừng cho còn hơn. Ta tưởng là bố thí, nhưng không khéo, ta phá đạo; vì cái hư nhiều hơn việc được.

Trước tiên, tu dưỡng sao cho tâm chúng ta mở rộng, thí dụ như tu tâm Từ. Lòng thương của chúng ta hướng về họ, dù chưa cho gì, họ cũng sẽ quý trọng ta. Quý nhất là tâm Phật, tiêu biểu như tâm từ bi hỷ xả. Chúng ta nên tập cho người những tâm này, tài vật đem cho chỉ là thứ yếu; đừng hiểu lầm là phải cho tiền của.

Hành bố thí của Bồ tát là bố thí huệ và tâm. Tâm ta trang trải cho người, khiến họ an vui và họ theo ta là được học hỏi, mở mang kiến thức. Vì vậy, theo chúng ta lâu, họ hiểu biết nhiều hơn và an lạc hơn.

Năm trăm công tử và Sư Tử vương tử từng theo Phật từ thời Phật Nhiên Đăng. Nay gặp Phật, họ cảm được và nhớ lại hạnh nguyện quá khứ. Họ tha thiết cầu học pháp để thăng hoa đời sống tâm linh, họ quý pháp hơn của cải vật chất.

Riêng tôi không chỉ cho tiền, mà thường bố thí kinh sách, báo Giác Ngộ, để giúp người hiểu sinh hoạt của Giáo hội và hiểu Phật pháp. Họ sẽ phát tâm Bồ đề, mở rộng tầm nhìn đúng đắn. Thí dụ trong một trăm người được chúng ta truyền trao tri thức như vậy, ít nhất cũng có vài người hiểu đạo và kết làm Bồ đề quyến thuộc với ta. Trên bước đường tu, phải xây dựng quyến thuộc, giúp người tu hành để họ cùng hành động, cùng suy nghĩ với ta; nghĩa là có người đồng hạnh đồng nguyện thì việc hành đạo dễ thành công.

Phật khuyên chúng ta tu sao cho lòng mở rộng, bao dung được người là thực hành Bồ tát đạo. Thử tu một tâm tha thứ; đối với người vô tình hay cố ý làm mất lòng, chúng ta đều tha thứ được. Bố thí cho họ Phật tâm là tâm tha thứ, chắc chắn người quý chúng ta vô cùng. Người lỡ làm điều gì xúc phạm, dù họ xin lỗi hay không, ta cũng nhẹ nhàng bỏ qua cho họ; như vậy họ dễ kết bạn với ta. Thực tế chúng ta thường thấy người xấu muốn được tha thứ, nhưng họ lại không tha cho ai; họ ít có bạn là vậy. Người có quyến thuộc đông là vì họ biết tha thứ.

Ngoài ra, người đến với ta từ cánh cửa tùy hỷ. Họ làm tốt, ta phải nhận ra điểm tốt đó và khen ngợi cái tốt của họ, họ sẽ làm bạn với ta. Thực tế có Thầy cô khoe với tôi thành quả tu tạo được, tôi liền tùy hỷ và khuyên họ nên cố gắng phát triển hơn nữa. Từ đó, họ thích tìm tôi để tâm sự, nhờ tôi chứng minh cho việc làm hay tấm lòng của họ. Riêng bản thân tôi, từ thuở nhỏ đã bị chống đối. Nhưng tôi nghĩ là có Phật hiểu tôi, nên tôi hết lòng với Phật, thường nghĩ về Phật; nhờ đó tôi tu được.

Trên bước đường hành đạo, muốn xây dựng được nhiều quyến thuộc, phải hiểu được hoàn cảnh, tâm trạng của người và tùy hỷ với họ. Đừng lấy cái của mình chụp lên cho người, chẳng ai chấp nhận điều này.

Cũng trên tinh thần cảm thông, chúng ta thử suy nghĩ về các Thầy khất thực phi pháp. Nếu ta bực tức, đòi lột áo họ, thì chắc chắn họ không từ chối một hành động ác nào đối với ta. Nhưng nếu hiểu sâu sắc để thông cảm rằng chúng ta có đời sống vật chất dễ dàng, còn họ không còn cách nào khác, mới lợi dụng cách sống này. Khất thực phi pháp là hành động không đẹp đối với sinh hoạt thành phố của chúng ta cũng như đối với Giáo hội. Tôi bàn với Hòa thượng Thiện Tường nên cho mở ở chùa Hoàng Linh một nhà dưỡng Tăng để tạo điều kiện cho các Thầy có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, giúp họ tu hành chân chánh, không được phép đi khất thực phi pháp nữa. Nếu họ thực sự không muốn tu, không chấp nhận cách sống như vậy, thì chúng ta không có trách nhiệm gì đối với họ và tùy chính quyền muốn xử trí thế nào, vì họ cũng là một công dân.

Theo tôi, đó là phương hướng mở ra để giải quyết tệ nạn xã hội mang màu áo tu sĩ Phật giáo mà chúng ta có trách nhiệm. Không phải chúng ta thông cảm rồi để mặc họ muốn làm gì cũng được, thì họ sẽ làm cho xã hội xấu thêm, làm cho người hiểu lầm về hạnh khất thực chân chánh của đạo Phật. Trên tinh thần bố thí để giúp đỡ cho người khá lên; đối với người bệnh hoạn, già yếu, không người chăm sóc, chúng ta lo cho họ để họ yên tâm tu hành.

Đức Phật dạy chúng ta rất thực tế; nếu thực hành đúng chánh pháp, quần chúng sẽ theo. Không phải dùng khôn ngoan, thủ đoạn, lừa dối để lôi kéo người; vì dùng phương cách xấu ấy, dù họ có theo trước mặt, nhưng trong lòng cũng hận ta suốt đời. Bước theo dấu chân Phật, xây dựng tâm ta và người gặp nhau ở Phật tâm. Đó là Tịch Quang Tịnh độ, kết thành Bồ đề quyến thuộc kiếp kiếp đời đời. Đời này có một số người theo, đời sau lại có thêm nữa. Cứ như vậy, quyến thuộc Bồ đề của chúng ta sẽ phát triển về số lượng lẫn phẩm chất.

Vương tử Sư Tử và năm trăm thanh niên vâng lời Phật dạy, thực hiện Bồ tát hạnh. Đến khi Phật Di Lặc ra đời thì họ viên mãn phước đức trí tuệ và được Phật thọ ký. Nghe Phật thọ ký tương lai sẽ thành Phật, họ liền chứng được năm pháp thần thông và phát nguyện xuất gia tu hành.

Chúng ta tự nghĩ suốt cả đời mình tu hành, mà còn khó đạt được một kết quả nhỏ, một pháp thần thông còn không có. Tại saoTử vương tử và năm trăm thanh niên này chứng thần thông dễ dàng quá vậy; chỉ mới nghe Phật nói Bồ tát đạo là họ có năm pháp thần thông liền.

Đức Phật cho biết rằng những người này đã được giáo hóa thuần thục, nghĩa là họ đã chứng năm pháp thần thông từ thời Phật Nhiên Đăng và luôn trụ ở Bồ tát đạo không thoái chuyển. Chính vì quá khứ đã thuần thục nên sanh lại thời Phật Thích Ca, họ tu hành hoàn toàn dễ dàng. Chúng ta chưa có quá trình tu hành ở quá khứ, đời hiện tại mới bắt đầu tu, tất nhiên phải khó.

Và tại sao họ đã tu từ thời Phật Nhiên Đăng, đã đắc năm pháp thần thông, nhưng đời này phải đợi Phật Thích Ca nhắc lại thì mới chứng được năm pháp thần thông.

Phật dạy rằng Bồ tát mê khi còn cách ấm, nghĩa là khi thọ ngũ ấm thân, thường quên việc làm của đời trước. Không phải quên hoàn toàn, chỉ vì bị ngũ ấm ngăn che bên ngoài. Vì thế, vén bức màn này lên là họ nhớ lại việc tu hành của quá khứ. Thí dụ điển hình như Hòa thượng Trí Tịnh lúc còn bé theo mẹ lên chùa Vạn Linh ở núi Ông Cấm. Thầy của Hòa thượng nhìn thấy ngài liền nói rằng ông này đời trước đã là Hòa thượng, đời này cũng sẽ là Hòa thượng. Ngài chưa tu mà Thầy đã thấy cốt lõi tu hành bên trong của ngài. Nhờ Hòa thượng Vạn Linh khai ngộ, căn lành được tác động, ngài xuất gia học đạo và thuộc lòng kinh không ai sánh kịp. Bộ kinh Pháp Hoa bằng chữ Hán mà ngài dạy chúng tôi, ngài thuộc lòng không cần coi sách. Các kinh điển Đại thừa gần như ngài thuộc lòng, chứng tỏ đời trước ngài đã là Hòa thượng Pháp sư, nay được nhắc lại là nhớ liền. Vì thế, hiện đời ngài là bậc cao Tăng phiên dịch nhiều kinh điển nhất cho Phật giáo Việt Nam.

Chúng ta tạm lấy câu chuyện này để hiểu việc của Phật nhắc nhở Sư Tử và năm trăm thanh niên là họ liền chứng đắc ngũ thông. Đương nhiên tầm nhìn và sự tác động của Phật mạnh hơn Hòa thượng Vạn Linh. Sư Tử vương tử và năm trăm thanh niên đã là Bồ đề quyến thuộc của Phật Thích Ca từ thời Phật Nhiên Đăng. Vì vậy, đời này, họ tái sanh vào dòng dõi quý tộc mà dám từ bỏ cuộc sống nhung lụa để xuất gia. Nhờ họ ngộ đạo, thấy được lợi ích xuất gia thực sự là con đường mà họ đã chọn theo từ nhiều đời; nên nghe Phật nhắc liền nhớ lại những gì đã ngộ trước kia, gọi là năm pháp thần thông.

Trước nhất là Túc mạng thông, biết đời trước thì tu dễ. Phổ Hiền Bồ tát dạy rằng nhớ túc mạng, biết kiếp trước mình đã vui buồn khổ đau như thế nào, thì nay không dám tái phạm sai lầm nữa và vững niềm tin tiến tu, không bị đọa ba đường ác. Không biết túc mạng, lo sống hưởng thụ, sẽ bị đọa. Tôi chưa chứng pháp này, nhưng có thể mường tượng cảm nhận được. Thuở nhỏ, dù chưa được khai ngộ, tôi vẫn không thiết tha với cuộc sống ở thế giới này. Theo tôi, đó là sự khởi điểm của túc mạng, nghĩa là nhận ra được thế giới này không phải của ta, việc này không phải của ta. Chỗ ở trước của ta nơi nào, quyến thuộc của ta và người dìu dắt ta là ai, thì người có căn lành đều có thoáng biết những điều này.

Hoặc người ta thường trắc nghiệm các cậu bé để biết xem đời trước đã tu hay chưa. Họ thử bằng cách gợi ý những pháp ngữ xem nó có nhận ra hay không. Có thể nói trẻ con dưới năm tuổi chưa biết nhận thức nhiều, chưa bị tưởng uẩn tác động, chưa bị trần laophiền não nhiều. Tâm hồn nó còn trống vắng, chỉ mới kẹt sắc uẩn. Vì vậy, đưa pháp ngữ cho đứa bé mà tiềm thức nó đã có sẵn thì nó sẽ nhận ra ngay. Còn chúng ta bị đủ ngũ uẩn ngăn che, nên khó nhận được chơn tánh. Hoặc họ thử đứa bé về pháp khí của người tu, nếu biết sử dụng chứng tỏ đời trước nó đã tu.

Chúng ta biết túc mạng của mình qua sự mường tượng trong đầu. Thí dụ tôi xuất gia thấy cuộc sống tu hành này không có gì lạ. Thức khuya dậy sớm, ăn chay đạm bạc, tụng kinh, bái sám, Thiền định, tôi làm dễ dàng và thích thú, không phải bị bắt buộc. Trái lại, đời trước từng làm ăn buôn bán thì đời này có tu cũng thích bưng bánh đi bán. Việc nào đời trước chúng ta đã từng làm thì đời này khỏi cần học cũng làm được.

Năm trăm vương tử đã đắc năm pháp thần thông ở đời trước. Vì thế, khi được Phật nhắc thẳng trong tâm và đúng chánh pháp, không qua ngôn ngữ, họ liền nhận ra một cách nhanh chóng, dễ dàng. Riêng chúng ta học với Thầy chưa đắc đạo, nên có trật có trúng và chúng ta khó nhận ra được quá khứ của mình.

Tổ Huệ Năng cũng vậy, ngài nghe một câu kinh Kim Cang đã ngộ đạo khi còn là cưvà ngài chỉ công quả mà được Tổ Hoằng Nhẫn ấn chứng, truyền y bát. Thực sự đời trước ngài đã từng ngộ đạo rồi; nay nghe kinh nhớ ra và gặp Tổ thì nhận ra được những gì mà ngài quên. Như vậy, cái gì có sẵn mới nhớ được, là nhớ túc mạng, biết quá khứ và sử dụng cái biết này trong hiện tại mới được Thiên nhãn.

Dù tu Thanh văn hay Bồ tát đều phải đạt được năm pháp thần thông là chính. Phải nhớ rằng việc học kinh điển cốt giúp ta đạt được thành quả; không phải học kinh để biết kinh. Biết túc mạng của ta là biết mối quan hệ giữa ta và người, từ đó mới biết cách đối xử đúng trong hiện tại (Thiên nhãn). Trên tinh thần ấy, Đức Phật biết từ thời Phật Nhiên Đăng, Ngài đã giáo dưỡng năm trăm thanh niên hành Bồ tát đạo và biết rõ năng lực của họ như thế nào, tánh tình ra sao, thì Ngài nói họ mới chấp nhận.

Đức Phật trước khi đi khất thực dành thì giờ suy nghĩ xem mối quan hệ đời trước giữa Ngài và dân làng như thế nào; đó là Túc mạng minh. Không phải nhắm mắt đi càn để ngoại đạo sát hại. Riêng tôi thường xem phản ứng của người đối với tôi ra sao, thương hay ghét, kính trọng hay xem thường. Họ kính trọng, thương mến thì giáo hóa dễ, xem thường thì thôi.

Ngoài ra, các vương tử cũng hỏi Phật làm sao có giọng nói thuyết phục được người, kinh diễn tả là tiếng Phạm âm, tiếng nói của Trời Phạm Thiên, hay tiếng nói từ đáy lòng. Đức Phật không nói nhiều, nhưng người vâng theo. Vì tiếng nói của Ngài phát xuất từ tâm đại bi, từ tấm lòng chân tình của Ngài đối với chúng sanh và Ngài chỉ nói điều lợi ích cho người được an vui. Phật dạy vương tử, hay dạy chúng ta bằng mọi cách đối xử với nhau bằng chân tình, không thể thù nghịch. Chỉ có chân tình là hóa giải được mọi việc. Dùng thủ đoạn thì hậu quả như nhân gian thường nói "Vỏ quýt dày, móng tay nhọn”.

Và Phật dạy các vương tử tu sao cho được ngôn ngữ chân thật thốt ra từ đáy lòng. Đừng bao giờ nói láo, nói thêu dệt, nói đâm thọc, nói lời hung ác. Được như vậy, chúng ta sẽ có giọng nói êm tai mát lòng. Thực tế chúng ta thấy người đau khổ nghe lời nói của bậc chân tu, họ tự cảm thấy nhẹ lòng.

Các vương tử cũng hỏi Phật làm sao có được ba mươi hai tướng tốt. Phật dạy rằng do giữ giới hạnh nên hiện được hảo tướng. Ba mươi hai hảo tướng của Phật là tướng cố định, không thay đổi; vì Ngài giữ được trọn vẹn niệm tâm thánh thiện liên tục. Chúng ta không được như vậy,nhưng cũng có thể chuyển tướng xấu thành tốt, bằng cách ngăn chặn việc ác bên ngoài và tâm ác bên trong. Siêng năng trì tụng kinh điển, lễ Phật sám hối để hỗ trợ, không cho điều ác xâm nhập vào tâm ta và thể hiện thành hành động tốt. Dần dần ta cũng có được tướng dễ nhìn, dễ thương. Đó gọi là tùy hình hảo, chuyển đổi thành tướng tốt, quyến thuộc sẽ tốt theo.

Điều thứ năm mà các vương tử hỏi làm sao để được khỏe mạnh, ít ốm đau. Đức Phật khuyên chúng ta đừng bao giờ làm khổ người khác. Nếu lỡ một lời làm khổ người, phải cảm thấy đau xót và cần sám hối.

Tóm lại, những lời Phật khuyên các vương tử đều rất thiết thực trong cuộc sống. Chúng ta thực hành đúng theo đó, chắc chắn phải đạt kết quả tốt. Đời trước họ từng tu hành, nay mang thân người quên mất. Được Phật nhắc lại thì họ liền nhớ và đạt quả vị A la hán.