Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng
Khi chúng phàm phu phát tâm tu hành, đi vào con đường phương tiện của Đức Phật là Thanh văn xuất gia học đạo. Tuy được đứng vào hàng ngũ của Thánh chúng, nhưng thực sự họ chỉ mới khoác áo tu bên ngoài, bên trong còn phiền não nghiệp chướng. Tuy nhiên, hàng phàm phu Tăng hay nghiệp chướng Tăngbiết nương theo Hiền Thánh Tăng để tự sửa mình, bỏ dần những ham muốn, phiền não trần lao, lòng trống vắng, thanh thản, mới được coi là Thanh văn. Từ đó phước lành tự sanh ra, họ mới tham dự được hội chúng Hiền thánh và nhận được sự nhiệm mầu của pháp Phật.
Sa môn bước theo dấu chân Phật, phải an trụ ba pháp giải thoát là Không, vô tác, vô nguyện. Phần tác ý rất nguy hiểm; chúng ta ngồi yên nhưng khởi ý niệm không lành phải thọ quả báo. Trên bước đường thâm nhập pháp Phật, chúng ta không cho khởi ý; vì thấy rõ tất cả pháp có rồi không, giống như trò ảo hóa. Nhận thức như vậy, Sa môn không trụ vật chất, không tác ý, không ham muốn, vì thấy rõ cuộc đời này chẳng có gì đáng để ham. Bỏ tâm phàm phu, thâm nhập giáo pháp và trở thành chúng Hiền Thánh mới xứng đáng cho trời người cung kính cúng dường. Và đạt đến đỉnh cao của chúng xuất gia là quả vị La hán được giải thoát hoàn toàn, mọi người đều tôn kính cúng dường.
Đạt đến vị trí này, lòng hoàn toàn trong sạch, trần lao nghiệp chướng dứt bặt, ở cùng tột nguồn tâm mới phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát đạo được. Chưa đắc La hán, phần lớn việc làm của chúng ta còn thuộc phàm phu địa. Vì thế, làm một lúc, thì không làm được nữa, hoặc làm một lúc, phiền não phát sanh. Thật vậy, chúng ta làm từ thiện, nhưng không khéo để tâm ác sanh ra. Chúng ta có thể bố thí đến hàng tỷ bạc, nhưng hàng ngày có người nghèo đến xin hoài, ta nổi nóng, là phải tự biết tâm phàm phu của chúng ta còn, chưa thâm nhập giải thoát. Riêng bản thân tôi ngộ được điểm này, không cho nhiều thì cho ít, để tâm nhẹ nhàng, ngăn chặn sự khó chịu nổi lên trong lòng. Vì nếu cứ chất chứa tâm không tốt này lớn dần, thì hình thức tu còn, nhưng Tăng tướng mất, phước đức trí tuệ không có, sẽ thành phiền não.
Có thể nói người xuất gia hơn thế tục ở tâm lượng. Người thế tục còn kẹt phiền não nghiệp chướng, người tu thì phải giải thoát. Mặc dù nghiệp chướng còn, nghĩa là người còn gây khó khăn cho ta; nhưng đừng để phiền não phát sanh. Dứt phiền não bằng cách nhiếp tâm niệm Phật, luyện tập cho thanh thản trước nghịch cảnh. Người nói xấu, mình phiền não, thì đó là nhân cho họ nói tiếp và ta mắng lại thì họ còn nói nhiều hơn nữa. Nhiếp tâm, thanh thản được thì nghiệp nhẹ và phá được phần nghiệp bên trong, chướng bên ngoài tự động mất.
Thanh văn nương tựa Hiền Thánh đểtu học, sống với đại chúng. Duyên giác ẩn cư, quán thật tướng các pháp. Tuy nhiên, cả hai đều hướng đến mục tiêu giải thoát, trở về nguồn tâm, đắc La hán thì nhập làm một. Với tư cách A la hán, mới phát tâm Bồ đề là Bồ tát.
Bồ tát đã chứng được thật trí mới khai phương tiện quyền xảo nhằm mục tiêu độ sanh. Cần làm Sa môn hay vua chúa, thậm chí làm đồng nữ…, thì Bồ tát mang hình thức đó. Bồ tát an trụ pháp Không, giống Thanh văn, nhưng tùy loại ứng hiện thân. Hàng Nhị thừa phải giữ giới tinh mật, thân tâm không thanh tịnh là đọa. Bồ tát thì khác, lấy vấn đề độ sanh là chính để đạt đến Vô thượng Bồ đề. Bỏ rơi chúng sanh là Bồ tát đọa.
Pháp chân thật chỉ có một là giải thoát; nhưng pháp phương tiện được khai triển. Thí dụ bậc Hiền Thánh chỉ ăn một bữa. Nhưng với người tu mà thể lực còn yếu kém thì phương tiện cho ăn thêm buổi chiều; với người bệnh thì cho dùng rượu thuốc, v.v…
Trong pháp hội này, Trí Thắng Bồ tát hỏi Phật về
phương tiện của Bồ tát hành trì. Đức Phật trả lời rằng Bồ tát có vô số phương
tiện. Mỗi ngày có việc xảy ra, Bồ tát có phương tiện tương ưng để giải quyết,
không rập y khuôn phương tiện quá khứ. Muốn như vậy, phải có phương tiện trí,
nghĩa là trí bén nhạy để ứng xử đúng đắn
cho từng việc khác nhau. Phương tiện phải thay đổi luôn. Trong hơn ba trăm
hội thuyết pháp, chính Đức Phật Thích Ca cũng không nói giống nhau.
Vô số phương tiện của Bồ tát đều phát xuất từ phương tiện huệ. Phương tiện huệ rất quan trọng. Không có phương tiện huệ thì không thể nào giữ được phước báu. Nhờ thực hành giới định huệ vô lậu, sự hiểu biết của Bồ tát trở nên chính xác, việc nào cũng giải quyết đúng. Và càng tu học huệ vô lậu thì trí khôn của Bồ tát càng sáng ra, tâm càng an vui, giải thoát, khác với hữu lậu huệ, càng học thì càng đau đầu và biết nhiều thì càng phiền não.
Vô lậu huệ khai ra thành phương tiện huệ. Người tu không có phương tiện huệ thường chấp pháp, ràng buộc mình và người, phiền não nhân đó phát sanh. Có huệ thì biết người, biết ta và sử dụng được phương tiện thích hợp, dễ thành công.
Các vị Tỳ kheo bạch Phật rằng xưa kia họ còn là vương tử, trưởng giả có tiền của, thế lực thì bố thí, giúp người dễ dàng. Lúc đó sao Phật không bảo họ hành Bồ tát đạo. Nay xuất gia, từ bỏ tất cả để sống cuộc đời khất thực, đâu còn điều kiện để hành Bồ tát đạo. Nghe Phật dạy việc làm cao quý của Bồ tát, họ có thể phát tâm Bồ đề, nhưng không hành Bồ tát đạo được.
Đức Phật khẳng định rằng nếu trước kia các vị này có đầy đủ của cải, thế lực và trí khôn mà hành Bồ tát đạo thì đó không phải là việc của Bồ tát; chỉ là việc thế gian. Qua câu trả lời của Đức Phật, nhắc nhở chúng ta đừng lầm việc làm từ thiện với Bồ tát đạo để thành Phật. Thật vậy, nếu ta giúp người, được họ biết ơn và không cho nữa thì ơn hết, thậm chí oán sanh ra, vì không thỏa mãn yêu cầu của họ. Nếu cho đầy đủ thì họ vui vẻ, không cho thì họ bỏ rơi ta, cho đến xem thường ta. Phiền não trần lao nghiệp chướng theo đây phát sanh, làm như vậy không phải là Bồ tát.
Hành Bồ tát
đạo để chứng Nhứt thiết chủng trí, vào đời làm việc để quán sát tâm chúng sanh.
Với vô lậu huệ có trước, Bồ tát tiếp cận chúng sanh, xem họ nghĩ gì, muốn
gì, làm được gì, theo đó dẫn dắt, nhất định họ thăng hoa. Đó là sự hiểu biết do
tiếp cận, thể nghiệm mà có được, là Đạo chủng trí của
Bồ tát. Và tiến đến đỉnh cao là Nhứt thiết chủng trí của Như Lai biết tất cả
mọi việc,
do tu vô lượng đạo pháp.
Bồ tát hành đạo chính yếu là thấy nghiệp của chúng sanh và dạy họ tu để giải nghiệp. Xóa nghiệp thì tự họ lên được, không cần phải cưu mang họ. Đức Phật khuyên chúng ta tu hành với hai tay không thì có bị xài xể thế nào cũng dễ nhịn chịu. Còn làm người có quyền thế, chúng ta khó chịu thua ai.
Các Tỳ kheo theo Phật, sống thiểu dục tri túc và lần xóa bỏ nghiệp, tâm hồn trống vắng nhẹ nhàng. Lúc ấy, Phật mới khuyên phát tâm hành Bồ tát đạo. Nói cách khác, chúng ta giỏi tốt hoàn toàn, Phật mới giao việc. Sạch nghiệp, đắc La hán, Phật mới giao quyền lực Như Lai. Quyền lực Như Lai hay sức mạnh tinh thần của bậc chân tu đắc đạo mới điều hành được đại chúng không chướng ngại. Nhận được lực Như Lai gia bị thì dù họ vẫn sống bình dị, nhưng không ai có khả năng tác hại.
Phương tiện khác nữa của Bồ tát là tiền của. Người đời thường nói của vua thua của Phật. Người tu không cần tiền của thế gian, nhưng cần của cải của Phật. Có thể khẳng định rằng của Phật để làm Phật sự thì bao nhiêu cũng có. Tôi cảm nhận sâu sắc ý này. Gần đây nhất, chúng tôi nhận chùa Phổ Quang, thật khó tưởng tượng nổi chỉ trong vòng ba tháng mà có đủ một số tiền thật lớn để sửa chữa được toàn bộ giảng đường, phòng ốc cho chư Tăng an cư kiết hạ. Quả thật chỉ có của Phật mới làm được như vậy. Có được của cải của Phật cộng với trí tuệ của Phật là vô lậu huệ và lực gia bị của Phật, Bồ tát, thì mọi Phật sự được thành tựu dễ dàng.
Nếu Bồ tát phát Bồ đề tâm, một hột cơm có thể bố thí cho cả sáu đường chúng sanh; thậm chí không có vật, chỉ có tâm tùy hỷ cũng sanh công đức vô lượng. Đối với Bồ tát, không cần tài vật lớn, nhưng cần tâm rộng lớn. Nhiều khi tiền càng lớn, càng tham và tâm càng hẹp, dễ trở thành người ác độc. Phật dạy Bồ tát Trí Thắng rằng không có vật gì, nhưng có tâm cúng dường được mười phương Phật. Không có tấm lòng thì dù vật lớn như núi Tu Di cũng trở thành vô nghĩa.
Theo Phật, tấm lòng rất quan trọng.
Đi ngang vườn hoa, ngửi thấy hương thơm, chúng ta khởi tâm muốn cúng dường
Phật hương này, Phật liền chứng minh lòng thành của ta, ta cũng được công
đức.