cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng


Mở đầu pháp hội này, Bồ tát Hiền Hộ đến thăm Đức Phật ở vườn Trúc. A Nan hỏi Phật rằng vị Bồ tát này tu nhân hạnh gì mà hiện đời có tướng trưởng giả sang trọng, so với vua chúa không ai có thể sánh bằng ngài. Câu hỏi của A Nan gợi cho chúng ta ý thức tu thế nào để có công đức.

Trong kinh Pháp Hoa, Hiền Hộ có tên là Bạt Đà Ba La Bồ tát. Từ thời cổ Phật Oai Âm Vương, khi Phật Thích Ca còn là Thường Bất Khinh, Ngài đã gặp Hiền Hộ rồi. Lúc đó Hiền Hộ là đại trưởng giả, Phật Thích Ca là Tỳ kheo xấu xí bệnh hoạn Thường Bất Khinh.

Kinh Pháp Hoa cho biết Hiền Hộ vì phạm tội khinh chê Thường Bất Khinh, nên phải trải qua thời gian dài ở địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, ông được Thường Bất Khinh giáo hóa và được gặp lại Phật Thích Ca. Điều này gợi ý rằng việc làm chúng ta ngày nay đều có quan hệ với việc quá khứ. Nhìn hiện tại sẽ biết được quá khứ của mình tốt hay xấu, xem người đối xử với ta thế nào thì biết đời trước ta tốt hay xấu.

Tôi xuất thân từ giai cấp nghèo, bệnh hoạn, đến đâu cũng bị xem thường. Nhưng tôi nỗ lực tu học; từ nghèo khổ phấn đấu đi lên, đỗ đạt có học vị thì người không xem thường nữa. Đức Phật cũng đưa ra kinh nghiệm của Ngài khi còn là Thường Bất Khinh bị khinh chê, mắng nhiếc. Ngài không hề buồn phiền, oán hận, khó chịu. Đó cũng chính là ý thức tu hành theo tinh thần Đại thừa, không thể làm gì khác hơn là kiên nhẫn, nỗ lực vượt khó. Vì nghèo mà chống chọi với giàu, yếu mà đấu với mạnh, một mình mà chống với đám đông; chắc chắn sẽ bị giết hại dễ dàng.

Kinh nghiệm tiền thân của Đức Phật đã từng nhẫn nhịn Hiền Hộ và năm trăm người chống phá, đến mức chuyển đổi họ trở thành đệ tử của Ngài với tín tâm rất mạnh. Kinh Pháp Hoa diễn tả ý này rằng khi Bồ tát Thường Bất Khinh mạng chung, nghĩa là sạch nghiệp, thì nghe được lời dạy của Phật Oai Âm Vương. Hiền Hộ hay Bạt Đà Bà La và năm trăm trưởng giả bị đọa địa ngục do tội chống phá người trì kinh Pháp Hoa. Nhưng nhờ được Ngài cứu độ, nên khi Phật thuyết kinh Pháp Hoa, họ đều đến nghe pháp. Đức Phật cho biết vì họ khinh chê mắng nhiếc, sau này lại kính trọng Ngài nhiều hơn. Đó cũng là tinh thần Pháp Hoa muốn dạy chúng ta giáp mặt với cuộc đời để tẩy sạch phiền não, nghiệp chướng và làm gương tốt cho người phát tâm Bồ đề.

Trong kinh Bảo Tích, Hiền Hộ mới đến với Phật, khác với hội Pháp Hoa, Hiền Hộ đã tín tâm thanh tịnh. Vì vậy, ở hội Pháp Hoa, Đức Phật mới nói thẳng với Hiền Hộ về việc xấu của ông là đã từng khinh chê mắng nhiếc Thường Bất Khinh Bồ tát. Chỉ thẳng lỗi cho người đã thanh tịnh thì họ vẫn hoan hỷ được.

Vì Hiền Hộ mới đến với Phật, Ngài phải dùng phương tiện giáo hóa, không thể nói thẳng được; phải mượn người khác nói. Ở đây là A Nan khen Hiền Hộ giàu có, sang trọng và có uy đức, dìu dắt được một ngàn trưởng giả cùng đến đảnh lễ Phật.

Và lời khen của A Nan quả đúng với sự thật; vì nhân đó Đức Phật cho biết rằng tuy Hiền Hộ là trưởng giả, nhưng phước đức của ông còn lớn hơn cả vua Trời Đế Thích. Nhiều kiếp trước ông đã từng làm vua trời, nên kiếp này phong độ của vua trời vẫn còn, dù ông không làm vua. Điều này muốn chỉ cho chúng ta thấy luật nhân quả, hiện thân của đời này là kết quả của những việc tạo tác đời trước.

Hiền Hộ đã trải qua chín mươi mốt kiếp làm vua trời và nay sa cơ thất thế, sanh lại nhân gian vẫn còn tướng hảo, sang giàu hay cốt cách đạo Tiên vẫn có. Trong dân gian thường gọi là "Tiên mắc đọa”. Tuy mang thân người, nhưng tiền nghiệp mỗi người đều khác nhau, thể hiện ra hình tướng, tánh tình và tâm trí của họ không giống nhau. Người từ cõi chư thiên xuống, hay từ ba đường ác ngoi lên, hoặc từ loài người tái sanh lại, v. v… đều thể hiện rõ nét trong cuộc sống hiện tại của họ.

Đức Phật kể rõ năm tướng phước mà Hiền Hộ trưởng giả có đầy đủ. Trước nhất là tâm hoan hỷ. Hiền Hộ được như vậy vì trong nhà ông tràn ngập của báu mà vua chúa cũng không có. Tôi tớ hầu hạ không bao giờ dám làm trái ý, hay không muốn làm trái ý ông; nên lúc nào ông cũng được ung dung tự tại.

Có đầy đủ điều như ý thì dễ vui sướng, thiếu thốn thì dễ tạo tội, đau khổ. Tuy nhiên, Đức Phật dạy Tỳ kheo tu hành, dù nghèo, cũng phải ráng giữ tâm an vui thì cũng bằng với trưởng giả Hiền Hộ. Thật vậy, ta muốn gì cũng không được, nên tốt nhất là đừng muốn. Tôi thường tập tu pháp này. Người có phước muốn gì cũng tốt và người không có phước tập tu không muốn gì cũng vui; hai tâm giải thoát này bằng nhau. Đức Phật cho biết tâm an lạc thì giống nhau. Vì vậy, Thầy Tỳ kheo đắc đạo có tâm giải thoát an vui cũng giống như vua trời có tâm này. Nghĩa là chúng ta tu hành đi đường tắt, diệt dục thì cũng nhận được thành quả như vậy.

Ngoài ra, Hiền Hộ còn có những phước báu như cơ thể khỏe mạnh, ít bệnh, làm được nhiều việc và có tướng hảo, còn bạn bè và người hợp tác với ông thì tốt, giỏi, họ không gian tham, lừa dối và ông có nhiều tiền của.

Hiền Hộ có đủ năm phước, sự nghiệp cứ phát triển mà ông không cần quan tâm. Đức Phật cho biết trong tiền kiếp xa xưa, tiền thân của Hiền Hộ là Tỳ kheo Pháp Kế tu hành với Phật Lạc Quang Như Lai. Vị Tỳ kheo này lãnh thọ giáo pháp Như Lai và chuyên thuyết giảng pháp Như Lai rất giỏi. Người nghe ông thuyết pháp đều sanh tâm hoan hỷ, chẳng còn bị đọa ác đạo.

Phật dạy rằng công đức giữ gìn chánh pháp Như Lai giúp cho người tu hành chữa được tâm bệnh của họ và họ thoát được tử sanh luân hồi; đó là công đức lớn nhất. Công đức của Phật thì vô cùng tận và Hiền Hộ đầu tư vào công đức này của Phật cũng được hưởng sự lợi lạc vô cùng.

Đến đây có hai ngã rẽ. Nếu giữ gìn chánh pháp Phật được công đức và tiếp tục tiến vào con đường giải thoát thì sẽ chứng quả La hán. Và con đường thứ hai là người hết lòng hộ trì chánh pháp, nhưng vẫn cầu phước báu nhơn thiên, thì họ sẽ được làm trời hay làm vua để hưởng phước báu lớn nhất trong chốn nhơn thiên.

Hiền Hộ đi theo con đường thứ hai, ông đã có công đức diễn nói chánh pháp Như Lai cho người phát tâm, nhưng không tròn hạnh Sa môn, nghĩa là vẫn ưa thích phước báu nhơn thiên. Vì vậy, tuy không trọn đạo, nhưng nhờ công đức quảng tuyên chánh pháp Như Lai mà trong suốt chín mươi mốt kiếp, ông đã làm vua trời được hưởng phước báu vô cùng, muốn gì được nấy. Tuy nhiên, cốt lõi của ông là hộ trì chánh pháp; cho nên sau khi mãn kiếp ở cõi trời, ông lại tái sanh làm trưởng giả để hộ trì chánh pháp của Đức Phật Thích Ca và được Ngài thọ ký.

Tiếp đến phần hai của pháp hội này nêu lên câu hỏi của trưởng giả Hiền Hộ. Ông xin Phật giải đáp về vấn đề thần thức, tướng mạo của thần thức ra sao. Nó không có tay chân đầu mắt thì lúc con người mạng chung, tứ đại sắp phân tán, làm sao ra khỏi thân được. Thần thức màu gì, hình gì, làm sao nó nhập sang các thân khác ở đời kế tiếp được, v.v…

Khi còn sống, phần nhận thức, suy nghĩ của chúng ta, gọi là Thức có được do năm giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân tiếp xúc với bên ngoài. Đến khi chết, năm giác quan này không còn hoạt động, thì ý thức cũng không còn. Lúc ấy, thân xác mất, chỉ còn linh hồn gồm Mạt na thức và A lại da thức, gọi chung là thần thức. Thần thức sẽ dẫn chúng ta đi thọ sanh trong các loài.

Trên bước đường tu, dù tu hình thức gì cũng để có được thần thức sáng láng, giúp chúng ta nhận ra được chỗ thọ sanh như ý. Khi còn khỏe, chúng ta phải chuẩn bị cho thần thức trong sáng bằng cách đừng để động lực nội tâm đi về hướng xấu. Nghĩa là không cho khởi tâm tham lam, tức giận, thù hằn, kiêu căng, ngã mạn, ham muốn… Chính những tâm xấu ác này làm cho tâm hồn chúng ta đen tối và lâu ngày dồn lại tạo thành thần thức hôn ám khi chết, thì không còn biết chỗ xấu ác và không thấy đường đi, mới thọ sanh vô ba đường ác.

Chúng ta chưa có ông Phật trong lòng, nên thường hướng ngoại và ít bằng lòng với những gì xảy đến cho ta hay xung quanh ta. Nhưng nhiếp tâm niệm Phật, nghĩ đến Phật, chúng ta nhìn thấy mọi người là Phật, nghĩa là thấy Phật bằng tâm. Khi thấy người là Phật; hay nói cách khác, thấy mặt tốt của người, ta dễ xử sự tốt với họ, tất nhiên họ cũng tốt lại với ta.

Nhìn người bằng vọng tâm duyên khởi thì thấy toàn người xấu; vì cuộc đời này làm gì có người tốt. Căn lành phải có bằng cách đem Phật ngự ở lòng ta và lấy niệm Phật để chận lại vọng tâm, không cho nó rò rỉ.

Niệm Phật quen rồi, đến bước thứ hai là kinh hành niệm Phật. Bước chân theo tiếng niệm hồng danh Phật và xa hơn niệm đức hạnh của Ngài, chúng ta nghĩ đến Phật Thích Cangười toàn năng, thánh thiện trọn lành, thì lòng chúng ta tự nhiên thanh thản, an vui, sanh tâm kính trọng và cũng muốn làm tốt như Ngài. Trái lại, bằng vọng tâm duyên khởi, cứ nghĩ việc xấu, người xấu, chắc chắn chúng ta phải đau khổ, phải trôi lăn theo dòng sanh tử khổ đau.

Họ tội lỗi là việc của họ, chúng ta đem vô lòng làm chi, để lâu ngày tạo thành nghiệp, làm duyên cho chúng ta khổ. Phải xóa cái xấu này bằng cách đưa hình ảnh thánh thiện là tịch mặc hay tâm lắng yên của Phật vô tâm ta. Tâm hồn lắng yên để trí sáng suốt sanh ra. Pháp kinh hành niệm Phật giúp chúng ta ngăn chặn vọng tâm và trở về tâm chơn như.

Tâm chơn như được phát triển qua ba giai đoạn. Giai đoạn một, khi ngăn chặn phiền não bên ngoài, tâm được lắng yên, tánh linh bên trong tự hiện ra. Đó là thế giới nội quan, tuy chưa là Phật, nhưng ta cảm được Phật và thấy được Phật. Có được độ cảm như vậy, sẽ dễ tiến tu. Mỗi ngày tôi lễ bái cầu nguyện và đem hình ảnh Phật, Bồ tát, Thánh Hiền vào lòng để tạo tình cảm thân thương với các Ngài. Tôi coi đó là chỗ dựa vững chắc cho sự tu hành của mình.

Bước thứ hai, sống với thế giới nội quán là tâm hồn của chúng ta. Tự mình xây dựng thế giới đó hoàn toàn tùy theo ý của mình. Nếu đem chiến tranh vào lòng là thế giới tàn phá hiện diện. Nếu đem Phật vào lòng là thế giới an lạc của Phật hiện ra. Người tu Thiền sống an lành dù cuộc sống đạm bạc là vậy. Người có đầy đủ vật chất, nhưng lòng đau khổ; vì thế giới nội tâm của họ là địa ngục, A tu la.

Đức Phật dạy rằng chúng ta tạo được và sống được với thế giới Phật, thế giới chư Thiên hay bất cứ loại hình thế giới nào, thì chúng ta cũng đi về thế giới ấy bằng tâm thức. Chúng ta đi thọ sanh cũng bằng tâm thức.

Giai đoạn ba, Bồ tát tùy theo hạnh nguyện tái sanh vào loài nào, thì mang hình dáng loài đó, gọi là trục loại tùy hình. Nhưng tâm thức của Bồ tát vẫn liên hệ được với Phật miên viễn, không phải mang tâm thức khổ đau, khát vọng của loài đó. Vì vậy, Bồ tát hiện hữu trong chốn ngũ dục mà không hề tham đắm, nhiễm ô, được kinh diễn tả qua hình ảnh Hiền Hộ trưởng giả.