Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng
Vua Ba Tư Nặc có những người con tài đức, kính tín Phật pháp là nhờ hoàng hậu Mạt Lợi hết lòng tôn thờ Tam bảo, thọ trì kinh Đại thừa. Đức Phật cho biết rằng Tịnh Tín là Bồ tát lớn tái sinh lại cõi này để giáo hóa, nên đã tìm gia đình có niềm tin kiên cố với Phật để thọ sanh làm con, làm Bồ đề quyến thuộc. Chính vì vậy, công chúa TịnhTín mới 8 tuổi đã thông minh vượt bậc và tin sâu Phật pháp.
Pháp hội này giới thiệu Tịnh Tín đồng nữ đi cùng với năm trăm đồng nữ khác, đến Kỳ Hoàn tinh xá ra mắt Đức Phật và thưa hỏi ba việc rất quan trọng mà chúng ta cần suy nghĩ.
Trước nhất, Tịnh Tín nhìn thấy Phật có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, phước báu rõ ràng hơn cả chư Thiên. Tại sao Đức Phật không ở thiên thượng, mà xuống trần gian làm gìcho cực khổ. Câu hỏi này giúp cho chúng ta nhận ra ý nghĩa Đức Phật vì thương nhân gian mà sanh lại thế giới này để cứu người. Ngài thánh thiện trọn lành, thông minh hơn người, tướng hảo vẹn toàn, sức khỏe bậc nhất, v.v… Nếu không đi tu, chắc chắn Ngài làm Chuyển luân Thánh vương thống nhiếp cả thiên hạ; nhưng Ngài chẳng màng đến những thứ mà người đời ham quý. Tụng kinh, chúng ta thường ca ngợi Phật rằng: "Thiên thượng thiên hạ vô như Phật, thập phương thế giới diệc vô tỷ, thế gian sở hữu ngã tận kiến, nhứt thiết vô hữu như Phật giả”. Đó cũng chính là cảm nghĩ của Tịnh Tín đồng nữ về Đức Phật, trong mười phương thế giới không có ai sánh bằng Phật. Ngài có đủ điều kiện tốt ở thế giới cao hơn, nhưng đến Ta bà đồng lao cộng khổ với các Tỳ kheo, Ngài sống cuộc đời khất thực, ngủ dưới gốc cây và giáo hóa chúng sanh không mệt mỏi. Đức Phật lựa chọn cuộc sống như vậy để làm gì.
Điều này chứng tỏ rằng Tịnh Tín thấy nhân cách của Đức Phật vượt hẳn con người, đã khiến cô phát tâm Bồ đề. Thực tế cũng cho thấy hàng vua chúa, Bà la môn, giáo sĩ ngoại đạo phát tâm, vì họ nhận thấy Phật vượt trội hơn họ về mọi mặt. Ngày nay, chúng ta không làm cho người phát tâm, vì không có phước đức, trí tuệ. Chúng ta còn bị xem thường, phải tự kiểm lại thân phận của ta bằng hay kém hơn người. Họ nghĩ rằng chúng ta không có học thức bằng thế gian và cũng không học giáo lý Phật, chỉ đi cúng, nên ý nghĩa của kinh điển mà chúng ta tụng cũng không hiểu. Và không hiểu thì việc thể nghiệm trong cuộc sống để đắc đạo là chuyện viễn vông. Tìm một nhà sư đắc La hán không có, người chứng Sơ quả, không bị trần ai quấy rầy cũng đã khó kiếm. Văn minh xã hội bên ngoài chúng ta không biết và cũng lờ mờ cả giáo nghĩa. Như vậy nội minh và ngoại minh không có, nên chỉ còn hình thức chiếc áo tu.
Về vấn đề tu hành, chúng ta cũng không hàng phục được bốn loại ma. Tôi thấy ở miền Tây có một số người thuộc tôn giáo khác, pháp hành của họ đúng hay sai chưa nói. Nhưng họ quyết tâm dấn thân hành đạo và đạt kết quả nhất định, khắc phục được một số hiện tượng thiên nhiên và tâm lý. Họ có được sở đắc đặc biệt và chính sở đắc đó mới có sức thuyết phục người. Chúng ta cần phải nghiệm lại điều này, phải có thành quả mà người không làm được thì họ mới theo; còn tu sĩ bình thường thì nắng không ưa, mưa không chịu… Chúng ta đều biết đối với hành giả đắc quả vị thấp nhất của Thanh văn là Tu đà hoàn, thì mưa nắng, nóng lạnh, đói khát, không chi phối họ được. Vì họ đã vận dụng được tâm tập trung, sử dụng được nội lực chống chọi với thiên nhiên, với sự bức bách của thân tứ đại một cách dễ dàng.
Tịnh Tín thấy Đức Phật thể hiện nhân cách siêu tuyệt qua dòng họ, dung sắc, tướng hảo và trí tuệ đầy đủ, làm phước điền cho ba cõi. Và công chúa cũng muốn được như vậy, nên theo cầu học với Phật. Đó là chánh tín, tịnh tín. Theo ông Thầy không đủ cơm ăn mà cầu ông giúp đỡ, ban phước là mê tín.
Công chúa thấy Phật là người toàn thiện. Cô hỏi Ngài làm cách nào thành Phật trong cõi Ta bà, người thế nào ở cõi Ta bà và người thế nào nên xuất ly.
Đức Phật cho biết những người thuộc Tam thừa giáo là Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát thì không nên ở lại Ta bà. Còn những người chưa phát tâm thì nên phát tâm. Người không ra chi mà ở lại Ta bà, chẳng những không giáo hóa được ai, còn hại thân mình. Một chúng sanh không thể giáo hóa chúng sanh. Một vị Thánh La hán chỉ độ được một đệ tử; một thầy một trò dắt nhau ra khỏi sanh tử là tốt rồi.
Hàng Nhị thừa dứt khoát không ở lại cõi này, phải nương giáo lý Phật mà đi ra sanh tử. Họ tin Phật hoàn toàn, như A Nan khẳng định rằng dù mặt trăng nóng lên, mặt trời lạnh lại, nhưng niềm tin đối với Phật không bao giờ thay đổi. Duyên giác nương giáo lý Phật, phát huy sự hiểu biết và lấy đó làm hành trang ra khỏi sanh tử.
Bồ tát thừa cũng ra khỏi sanh tử, nhưng có điều kiện tốt hơn, nên tạo điều kiện cho người khác cùng đi với Bồ tát. Thật vậy, Bồ tát có phước đức và trí tuệ, nên dìu dắt được người. Những người cũng muốn ra khỏi sanh tử thiếu thứ gì, thì Bồ tát lo cho họ thứ đó. Về vật chất, lo cho họ tứ sự cúng dường để họ yên tâm tu hành và về trí tuệ, hướng dẫn họ ra khỏi sanh tử. Tam thừa giáo nhằm đưa tất cả ra khỏi sanh tử, đó là giáo lý thoát ly của Phật dạy. Hàng Nhị thừa lên Niết bàn hay về Cực lạc đều là thoát ly. Phật không dạy hàng Tam thừa ở lại cuộc đời.
Nhưng công chúa Tịnh Tín hỏi Phật rằng Ngài dạy người thoát ly, không ở trong sanh tử, tại sao Ngài lại ở đây. Công chúa nghĩ rằng Phật không phải là người ở đây, vì Ngài không có nét nào tiêu biểu cho sanh tử. Sanh tử là nghiệp chướng, phiền não trần lao. Phật không hề có những thứ này. Người mắng Ngài suốt ngày, Ngài vẫn thanh thản; đối với người ám hại, Ngài còn phát tâm Từ, cứu độ họ.
Phật từ đâu đến đây là cánh cửa Đại thừa mở ra cho chúng ta thấy Phật không phải như bao nhiêu con người ở Ta bà. Ngài còn hơn cả chư Thiên, khác với tiểu thừa chủ trương rằng Phật là người như chúng ta. Ngài là vua hơn hẳn các vua, không biết lấy gì để so sánh với Ngài. Phật phải từ đâu đến đây. Điều này đặt ra nhiều vấn đề.
Kinh Đại Bảo Tích cho biết Phật từ cung Trời Đâu Suất xuống nhân gian, thọ sanh vào dòng họ Thích. Đó là Đức Phật theo Quyền thừa. Theo tinh thần Tối thượng thừa thì Phật thành Phật rồi, Ngài vĩnh viễn ở Ta bà. Kinh Pháp Hoa nói rằng Ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp hiện lại để độ sanh. Những điều này nhằm minh xác Đức Phật vào trần ai để độ đời, cứu người. Chỉ kinh Đại thừa mới có Phật từ Đâu Suất xuống và nói Phật thành Phật từ vô số kiếp. Ngài thành Phật nhiều lần là ứng hóa thân của Ngài. Ý này chính là điều mà công chúa Tịnh Tín muốn hỏi, làm sao có ứng hóa thân mới giáo hóa chúng sanh được. Mang nghiệp thân là khổ, không giải khổ cho bản thân được, làm gì có thể cứu người khác. Không có ứng hóa thân phải rời Ta bà thôi, ở đây không chịu đựng nổi.
Như vậy, điều kiện ở lại Ta bà là phải có ứng thân và hóa thân, thường gọi là ứng hóa thọ sanh thân. Nói cách khác, là hành giả Nhứt thừa đã sạch nghiệp, đã ra khỏi Nhà Lửa, lên đại bạch ngưu xa, mới ở Ta bà được. Tam thừa phải ra khỏi sanh tử và được Phật cho Nhứt thừa, mới trở lại sanh tử độ người. Hai thân là ứng thân và hóa thân có được do hạnh nguyện của Bồ tát, không phải là nghiệp thân, như chúng ta không muốn thân này mà vẫn phải mang nó, phiền não sẽ dẫn dắt ta đọa lạc. Bồ tát muốn thân gì có thân đó, là hóa thân, hay thân do Bồ tát tự tạo ra, mới không sợ ở trong sanh tử. Có ứng hóa thọ sanh thân, Bồ tát đi đến đâu đều có mục tiêu trước, không phải nghiệp dẫn. Nơi nào cần xuất hiện để làm Phật sự, Bồ tát đến đó, tâm thức vẫn trong sáng như Như Lai. Còn mang ngũ uẩn thân vẫn còn mê; phải nhờ thiện tri thức khai ngộ.
Có ứng hóa thọ sanh thân rồi, ở trong sanh tử, mà vẫn quan hệ tốt với mười phương Phật. Đức Phật Thích Ca ở Ta bà, nhưng quan hệ của Ngài với chư Phật mười phương không mất. Cũng vậy, nếu sanh thân chúng ta ở Ta bà làm đạo, trong khi Pháp thân và Báo thân luôn liên hệ với Phật mười phương, thì ở đây được. Nếu chỉ có sanh thân, không liên hệ được với Phật, Phật không hộ niệm; dù có tu chết xác cũng bị dập vùi trong sanh tử khổ đau. Tôi ví Báo thân Bồ tát như điện thoại có thể liên hệ khắp nơi. Bồ tát ở Ta bà, được bao phủ bằng ngũ uẩn thân, nhưng bên trong có Báo thân giống như có mobile phone, nên vẫn bắt liên lạc được với các Đức Phật; mới nhận được sự chỉ đạo của các Ngài, mới làm đạo bình ổn ở đây. Có Báo thân thì thọ sanh thân ở Ta bà, không sợ.
Ngoài ra, ở Ta bà, phải biết được túc mạng; chưa biết túc mạng thì không ở đây được. Biết túc mạng là biết mối liên hệ của ta và người và tùy theo đó mà giải trừ; không biết, chỉ tạo thêm oán hận. Và biết túc mạng mới có thể kham nhẫn. Đến để người mắng nhiếc, nhưng sau họ sẽ phát tâm; có như vậy thì mới hành đạo ở Ta bà được.
Những người tu Pháp Hoa thường nguyện ở lại Ta bà, dẫn đầu là Trí Giả đại sư nguyện đời đời kiếp kiếp ở đây tu hành. Ngài lý giải kinh Pháp Hoa, hướng về thường trú Pháp thân Phật, Phật thành Phật cũng ở đây, không đi đâu. Ngài sáng lập tông phái Pháp Hoa ở Trung Hoa, nhưng đến cuối cuộc đời, ngài Trí Giả cũng có nguyện vãng sanh Tịnh độ. Và tất cả Thánh Tăng là Bồ tát, kể cả Bồ tát Thế Thân cũng hướng về Tịnh độ. Vì vậy pháp hội này đặt ra vấn đề ai ở lại Ta bà được.
Các Bồ tát trong hội Pháp Hoa phát tâm Đại thừa, xin hoằng truyền ở xứ khác, hay ở nơi có Phật. Điểm quan trọng này mở ra cho chúng ta thấy rằng có Phật sanh ra ở Ta bà thì các Thánh Tăng, Bồ tát mới phátnguyện hoằng truyền chánh pháp ở Ta bà. Trong phẩm 13 của kinh Pháp Hoa, Phậtkhuyến khích các vị được thọ ký thành Phật, phải tu Bồ tát đạo, độ chúng sanh mới thành Phật được. Nhưng các ngài lại xin hoằng truyền kinh Pháp Hoa ở thế giới khác, vì ở đây tự cảm thấy không đủ sức làm. Các ngài đắc La hán rồi mà còn e ngại như vậy, làm sao chúng ta dám ở lại thế giới này; đó là vấn đề được đặt ra.
Ngoài ra, các ngài nguyện hoằng truyền kinh Pháp Hoa ở nơi có Phật, nói lên ý nghĩa trợ hóa. Riêng chúng ta tu hành, trước tiên nguyện làm quyến thuộc của Bồ tát lớn thường thân cận với các Đức Như Lai. Ta không thể tự làm được. Kinh nghiệm tôi thấy rõ ý này. Có lúc tưởng ta làm được và thấy khả năng ta cũng được; nhưng đụng việc mới thấy không được. Tôi nhắc anh em đừng nên tự cao, sẽ thất bại. Hòa thượng Thiện Hoa làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, việc xấu trở thành tốt, nguy trở thành an; mặc dù ngài rất hiền, lúc nào tâm hồn ngài cũng thanh thản, nở nụ cười Di Lặc. Đừng cậy tài, dễ chuốc lấy tai họa. Chữ tài và tai cùng một vần là nghĩa này. Đối với tôi, làm gì thường cân nhắc nên hay không và quán sát vận mệnh của chúng ta. Mệnh chỉ cho đức, vận chỉ cho thời cơ. Mệnh chúng ta có, nhưng thời cơ chưa đến cũng nên ẩn. Khương Tử Nha 70 tuổi mới đeo ấn công hầu, mới làm được. Chưa đến lúc, ông chỉ ngồi câu cá là chờ thời, nên lưỡi câu không có mồi. Vận có, mệnh không có, cũng không làm được; vì ra làm, không có người sống chết ủng hộ, thì khó thành công. Có tài, không có mệnh, sẽ gặp đối thủ nhiều hơn là người hy sinh cho ta.
Đức Phật là bậc toàn trí, toàn đức, toàn năng. Bồ tát tu hành, muốn làm việc lớn, phải tìm Phật hợp tác, mới lập công bồi đức được; ngoài đời gọi là tôi hiền tìm chúa thánh mà thờ. Tất cả Bồ tát đều hợp tác với Phật. Phật sanh ở đâu, Bồ tát và Thánh Hiền sanh ở đó. Thật vậy, Phật sanh ở Ấn Độ, những người lãnh đạo các tôn giáo và lãnh đạo quốc gia thời đó đều theo Phật; nghĩa là Hiền Thánh cũng hiện hữu ở nước đó để cùng Ngài làm nên đạo nghiệp lớn. Hành Bồ tát đạo, dứt khoát phải có Phật. Không trực tiếp được với Phật, chúng ta có thể gần gũi những người hiểu biết, thân cận với Phật là Hiền Thánh. Chúng ta làm quyến thuộc của Hiền Thánh và Hiền Thánh là quyến thuộc của Như Lai.
Công chúa Tịnh Tín hỏi Phật tại sao Ngài không ở thế giới của Ngài, mà sanh ở đây. Kinh Pháp Hoa nói rõ trong phẩm thứ ba rằng vì những người con đi lạc ở trong Nhà Lửa tam giới, trưởng giả phải vào đó để cứu họ. Mục tiêu của Như Lai sanh lại thế giới này để cứu độ chúng sanh, chủ yếu là hàng Tam thừa Tứ quả là con của Như Lai. Chúng ta tự xét mình có thuộc hàng Tứ quả Thanh văn, có tu pháp Tam thừa hay không. Nếu đúng như vậy, Phật sẽ cứu. Người ham mê ngũ dục phải ở lại. Chúng ta phải đạt được Tam thừa Tứ quả, nương pháp Phật tu, thấy an vui, hết lòng thể nghiệm tinh ba của pháp Phật để đạt mục tiêu ra khỏi Nhà Lửa tam giới và nguyện độ sanh mới trở lại Ta bà.
Tịnh Tín đồng nữ hỏi Phật làm thế nào vào trần ai mà không bị trần ai chi phối. Câu hỏi của công chúa hay đó là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ để ra khỏi sanh tử. Đức Phật sống trong cõi ô trược này mà không hề bị nó chi phối. Thiết nghĩ bước theo dấu chân Ngài, tất yếu chúng ta cũng phải được như vậy.
Đức Phật dạy Tịnh Tín những điều cần có để không bị cuộc đời chi phối, nhận chìm. Trước nhất, trên bước đường tu, phải có thiện tri thức và đại thiện tri thức. Đó là Bồ tát đồng hạnh và Như Lai toàn trí, toàn năng, cùng giáo pháp của Ngài hướng dẫn chúng ta tu. Được như vậy, mới không sợ lạc đường, không bị cuộc đời làm ô nhiễm và thoát khỏi sanh tử. Thực tế chúng ta không có thầy hiền bạn tốt, không gặp Phật pháp, không hành trì đúng pháp, thì khó hy vọng tiến tu được. Thiếu yếu tố này không bao giờ ra khỏi sanh tử.
Trên bước đường tu, từng chặng đường đều gặp thiện tri thức khai ngộ, nhắc đúng cái của mình, nên huệ phát sanh. Không may, gặp người chỉ dạy pháp không thích hợp, thì không thể đạt kết quả tốt. Riêng tôi, sang Nhật tu học, được giáo sư Sakamoto chỉ dẫn. Ông dành cả cuộc đời cho việc chuyên tu về Hoa Nghiêm và Thiền. Vì thế, học với ông, tôi đốt giai đoạn, học nhanh. Đời trước chúng ta có tu học rồi, nay được thiện tri thức khai ngộ, phát triển nhanh hơn người. Không có người khai ngộ, chúng ta cũng bị mai một. Vì vậy, tất cả Bồ tát mới phát tâm nguyện hoằng truyền kinh Pháp Hoa bất cứ chỗ nào có Phật, để nhờ Phật khai ngộ. Còn ta tự xuất hiện, không có Phật dìu dắt, tự mày mò, dễ bị đọa. Điển hình là Xá Lợi Phất đã trải qua sáu mươi tiểu kiếp cầu Vô thượng đạo, nhưng không gặp Phật. Ông phải theo ngoại đạo, ai bày gì cũng tu theo. May mắn là ông có căn lành và nhân duyên đến, được gặp Phật khai ngộ, trở thành đệ tử trí tuệ đệ nhất.
Đức Phật khuyên người vào Ta bà, quan trọng là phải có đại thiện tri thức. Không có đại thiện tri thức chỉ bảo, nhắc nhở, mà ở đây thì khó lòng thoát ra được. Đừng đánh mất mối quan hệ giữa ta và Bồ tát lớn; mất là quên đường về. Ở Ta bà mang ngũ ấm thân, độ chúng sanh với điều kiện đã chuyển được hữu lậu ngũ uẩn thành vô lậu ngũ uẩn, hay ngũ phần Pháp thân. Chưa chuyển được, còn bị ngũ uẩn ngăn che Pháp thân, trần lao nghiệp chướng chi phối, ở đây là bị đọa.
Làm sao biết đã chuyển được hữu lậu ngũ uẩn thành ngũ phần Pháp thân. Nếu đã chuyển đổi được thân hữu lậu thành vô lậu thì trước nhất, chúng ta thấy được các Đức Như Lai, chúng Hiền Thánh, chư Bồ tát mười phương. Thấy bằng tâm thanh tịnh giải thoát của ta ngang qua thế giới Tịch Quang của Phật. Phật và Bồ tát hoàn toàn vô ảnh, vô hình, nhưng chúng ta cảm nhận được, tiếp cận được. Có như vậy, chúng ta ở Ta bà mới không sợ; vì đã quan hệ chặt chẽ với Phật mười phương, nên được các Ngài thường xuyên nhắc nhở, chỉ dạy. Chúng ta làm việc ở đây theo sự bổ xứ của Phật, với sự trợ lực của Bồ tát. Vì vậy, việc khó đến đâu cũng làm được. Thấy người nào thành tựu như vậy, ta biết chắc là họ quan hệ được với Phật. Tại sao người bình thường mà thành công dễ, người giỏi lại thất bại. Tôi phát hiện ra rằng chính tâm hồn thanh thản tự tại mới tạo được mối quan hệ với Phật, Bồ tát và giúp họ thành công. Phật khẳng định rằng phải có thiện tri thức và đại thiện tri thức là Phật và Bồ tát quan hệ với ta, với tâm ta, mới ở Ta bà được.
Việc thứ hai để biết rằng đã chuyển đổi được ngũ uẩn hữu lậu thành vô lậu. Mới tu thấy bệnh hoạn, xấu xí, ngu dốt là mang thân hữu lậu ngũ uẩn thì đa nghiệp, đa khổ. Nhưng từng bước chuyển sang vô lậu ngũ uẩn, tâm chuyển trước, thân chuyển sau, thì họ có được những điều khác thường là gặp việc đáng buồn, đáng giận, đáng khổ, họ vẫn thanh thản. Họ không buồn, giận, khổ, vì đã có mục tiêu định hướng, có quan hệ vô hình rồi. Ta biết họ không có sự nhận thức phải trái hơn thua là hữu lậu thức uẩn; mà đã chuyển hướng khác trần tục, suy nghĩ khác. Vì thế, họ xả bỏ được tất cả quyền lợi thế gian, thanh thản nhẹ nhàng. Thức uẩn của họ đã chuyển thành trí thuộc phần huệ hương của ngũ phần Pháp thân.
Chuyển đổi được thức uẩn luôn suy tính lợi hại, thành trí vô lậu, thì nhìn sự vật bằng trực giác, linh giác, trí giác, biết rõ, nên không ham muốn, tham vọng như ngườithường. Biết rõ những gì của họ và làm việc nên làm, thì làm ít mà kết quả lớn. Trong khi ta làm mười, nhưng sai chín việc thì chín việc này phá luôn một cái đúng.
Từ huệ hương, thức uẩn chuyển thành trí rồi, thì hành uẩn cho đến sắc uẩn, sắc thân chuyển theo. Sắc thân đổi thành đức hạnh là giới hương. Trước là ngũ uẩn hữu lậu hôi dơ, xấu xí, nay cũng sắc thân này, tuhành chuyển đổi thành giới hương, đượcngười chấp nhận, tôn trọng, tin tưởng.
Cũng từ thân của con người, nhưng biết chuyển đổi tâm, thì thân vật chất của phàm phu cũng theo đó thay đổi lần trở thành thân vật chất của Hiền Thánh. Thân của Hiền Thánh chỉ ăn pháp và Thiền, không kẹt ăn, mặc, ở. Tu hành hơn nhau ở điểm ít ăn và tỉnh thức. Có chuyển đổi như vậy là đã đổi thân thành một phần vô lậu, nên được người kính trọng, tức giới đã chuyển thành đức.
Vấn đề đặt ra là sống ở đây, nhưng làm sao chúng ta
không bị ma oán gây phiền hà. Ta sợ ác ma là những gì trở ngại cho cuộc sống tu hành. Ác ma gồm có
ngũ ấm ma, thiên ma, tử ma. Nhưng đáng sợ nhất
là ngũ ấm ma, tức là ma trong lòng ta. Đó là những tánh xấu mà chúng ta nuôi dưỡng nó từ
bao đời.
Phải phá ngũ ấm ma trước, phá được ma này thì ma bên ngoài hay ma Ba tuần không làm gì được ta. Nói dễ hiểu, chúng ta sợ nội bộ bất hòa, gia đình không an ổn, lòng chúng ta không an vui thì người ngoài nhân đó mới chen vào phá phách, xúi bậy. Đức Phật nói chỉ có đệ tử của Ngài làm giáo pháp suy yếu. Tăng Ni, Phật tử đoàn kết, an vui thì không ai phá được. Còn niềm tin không vững, tâm không trong sáng, người ngoài bịa đặt nói xấu, chúng ta nghi ngờ nhau, rồi chống đối nhau, dẫn đến tan rã đoàn thể.
Chúng ta nỗ lực quét sạch ngũ ấm ma trong lòng, chính yếu là Thập triền gồm tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. Nó là mầm mống gây chia rẽ và đổ vỡ. Nếu còn để mười thứ xấu này ràng buộc, sai khiến, chúng ta không thể ra khỏi sanh tử.
Trên bước đường tu, lo kiểm tra lòng tham, bực tức, vô minh của chúng ta để sửa đổi. Ba con ma này đáng sợ nhất; nếu trong lòng chúng ta còn nuôi nó, nó sẽ liên hệ với ma bên ngoài tác hại ta nhiều hơn nữa. Tôi nhắc nhở Tăng Ni nên trừ sạch lòng tham, bực tức và si mê, để tâm hoàn toàn thanh thản thì ma bên ngoài không còn khuấy phá được.
Để hàng phục chúng ma, Đức Phật khuyên Tỳ kheo nên quán Không, phải trái tốt xấu đều Không. Tất cả việc của trần gian để lại cho trần gian, không nghĩ đến nó thì ma phải thua. Thầy tu chỉ làm việc bố thí, cúng dường, lo cho Tam bảo. Không tham thì ai dụ được. Còn nuôi lòng giận, còn ganh tỵ, thù hiềm thì người đến kích động, ta nổi giận liền.
Quán Không, vô tướng và vô nguyện, tâm hồn sẽ lắng yên, một lúc việc tự tốt. Ví như con rùa rút sáu căn lại trong cái mai để được an toàn. Nếu nghe, suy nghĩ, tìm cách đối phó, càng làm phiền não ta tăng thêm, đến mức chịu không nổi, thì việc nổ ra tệ hại.
Các Thầy muốn giải thoát, ra khỏi sanh tử, phải coi sự vật là Không, chết không mang theo được gì. Chỉ có phước đức và trí tuệ tu tạo được là hành trang duy nhất quý báu mang theo được; nó theo chúng ta đi qua nhiều đời trên dòng sanh mạng tương tục.
Tu phước là cứu nhân độ thế, sẵn lòng cứu giúp người, không gây khó khăn. Người được ta giúp nên danh phận. Thành quả này là niềm vui, là nét đẹp của tuổi già, giúp chúng ta ra đi nhẹ nhàng.
Tu đức, hay thọ ba pháp bất hoại của người xuất gia, nhớ rằng người mắng nhiếc, nói xấu, đánh ta, ta không làm như vậy với họ. Lâu ngày tánh tốt này trở thành đức, được người thương quý, vì ta hiền, tốt. Làm người hiền tuy ban đầu có khó khăn nhất định, do tiền nghiệp, túc nghiệp. Nhưng ta tốt thật thì về lâu dài người hiểu được, sẽ thương ta hơn. Đối với người tu, trí tuệ là sự nghiệp, nên dốc toàn tâm, toàn lực để phát triển trí năng đến mức cao nhất.
Sau cùng, Tịnh Tín đồng nữ hỏi Phật làm sao chuyển thân nữ thành thân nam. Phật dạy rằng tánh bên trong thế nào sẽ hiện ra tướng bên ngoài như vậy. Tướng tùy thuộc tánh. Theo Phật, chúng ta tu sửa tánh là sửa từ gốc, không sửa ngọn, bên ngoài theo đó tự tốt; ví như bón phân dưới gốc, cây sẽ trổ hoa quả.
Tâm bên trong là động cơ chủ yếu thúc đẩy hành động bên ngoài. Bỏ tâm tánh đàn bà thì dư nghiệp đàn bà sẽ mất lần và tướng trượng phu hiện ra. Theo Phật, trượng phu phải có tánh độc lập. Chính tánh này mới giúp chúng ta đạt quả vị Phật. Tánh người nữ là phải nương tựa, nương tựa chồng con mới được yên tâm, không thể độc lập. Người nữ đi tu khó đắc đạo cũng vì thiếu đức tánh này.
Người đàn ông thường được ví như cây tùng bách đứng thẳng, tiêu biểu cho tánh độc lập. Và đặc biệt cây tùng bốn mùa đều xanh tươi, mùa Đông tuyết phủ trắng xóa, cây vẫn tươi tốt. Tánh đàn ông thì lạnh nóng vẫn xanh, tâm hồn thanh thản trước mọi hoàn cảnh khổ vui, vinh nhục. Đó cũng là sức chịu đựng của đàn ông, nên họ ít khóc, ít buồn khổ, ít than thở. Từ thân nữ muốn chuyển thành thân nam, chính yếu là phải rèn luyện cho được các tánh vừa nói. Lúc nào cũng buồn khổ, nặng lòng thì không thể nào chuyển thành thân nam được.
Tánh đàn ông cũng không thích xiên xẹo, nói một lời, không nói trau chuốt, nói thẳng, nói thật, không nói lời ly tán, không nói lời độc ác, mắng nhiếc, nên họ ít phạm bốn khẩu nghiệp hơn người nữ. Hoặc người đàn ông còn được ví như cây trúc rỗng ruột, tượng trưng cho tánh rộng lượng, không cố chấp. Xong việc thì họ bỏ, không nói dài, nói dai. Người nữ thường mắc bệnh "Sống để dạ, chết mang đi”.
Hòa thượng Trí Thủ dạy tôi: "Vị xuất địa thời tiên hữu tiết, đáo lăng vân xứ cánh hư tâm, hư tâm trúc hữu khuynh đầu diệp, ngạo cốt mai vô ngưỡng diện hoa”. Nghĩa là cây trúc còn ở trong đất vẫn có mắt, tiêu biểu cho tánh người đàn ông sống có tiết tháo; tuy nghèo nhưng không hèn. Cây trúc càng lên cao càng rỗng ruột. Cũng vậy, trượng phu đạt địa vị càng cao thì lòng càng rộng lượng, mới dung nhiếp được nhiều người. Người cố ý hay vô tình xúc phạm, chúng ta sẵn sàng tha thứ. Thấy người khổ, chúng ta muốn cứu giúp; thấy người thành công, chúng ta tùy hỷ.
Người tu phải có tánh độc lập, tiến đến việc thứ hai là độc cư, ở một mình. Các Thầy dễ sống độc cư; các Ni ít dám và ít thích ở một mình. Người nữ đi tu khó là vậy.
Tóm lại, người nữ muốn chuyển thành thân nam, tất yếu phải xóa bỏ những tâm tánh đàn bà, tu tạo những đức tánh của nam giới và từ đó tu hành mới thành Phật. Trong kinh Pháp Hoa, Long Nữ tức thân thành Phật, nhưng cũng phải chuyển sang thân tướng trượng phu có đủ ba mươi hai tướng tốt mới thành Phật.
Tịnh Tín đồng nữ cũng vậy. Tuy được Đức Phật thọ ký thành Phật; nhưng cũng phải chấm dứt kiếp hiện tại và được sanh lên cung Trời Đâu Suất. Và phải chuyển thành thân nam, theo Di Lặc hành Bồ tát đạo, đầy đủ công đức, mới thành Phật hiệu Quang Minh Trang Nghiêm Vương Như Lai.