Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Tựa thứ nhất, Văn Thù Sư Lợi nói rằng Di Lặc trước kia là Cầu Danh Bồ tát và Văn Thù là Diệu Quang Bồ tát. Có kinh khác thì nói rằng Di Lặc thường chuyên hành bố thí, làm phước; Thích Ca thì tinh tấn tu hành, nên mau thành Phật. Ở kinh Đại Bảo Tích, Phật Thích Ca nói Di Lặc lo xây dựng Phật quốc trước, trong khi Đức Thích Ca mau đến Vô thượng Bồ đề, nhờ xây dựng con người trước.
Tại sao các kinh lại đề cập đến Di Lặc khác nhau như vậy. Chúng ta có thể hiểu rằng có nhiều con đường đi đến Phật quả, là nhiều pháp môn tu. Ở đây, Di Lặc hỏi thành tựu pháp nào thì không thoái chuyển Vô thượng Bồ đề.
Có thể tóm tắt có ba đường chính, một là xây dựng Phật quốc trước và tu hành sau. Hai là tu trước và xây dựng Phật quốc sau. Ba là cùng một lúc xây dựng con người và Phật quốc.
Di Lặc theo hướng thứ nhất, lo làm chùa, làm sao có chùa cao Phật lớn đầy đủ phòng ốc và sau đó mới lo tu. Hướng thứ hai lo tu hành trước và xây dựng tinh xá sau là chủ trương của Phật Thích Ca.
Ai cũng biết là Đức Phật Thích Ca nỗ lực tu hành cho đắc đạo, Ngài có màng gì đến cơ sở vật chất đâu. Chưa đắc đạo, vật chất càng lớn thì càng khổ. Tôi ít đầu tư vô việc xây dựng cơ sở là vậy. Trải qua hàng chục năm tu hành, tôi thấy ít có chùa nào mà không tranh chấp và chùa càng lớn thì quyền lợi càng nhiều và tranh chấp càng lớn.
Tranh chấp do chúng Tăng không thanh tịnh. Nhưng có chùa mà không cho người ở thì cũng không được. Trong khi thực tế người xấu nhiều hơn người tốt, người giàu thì ít mà người nghèo thì nhiều, người dữ cũng nhiều hơn người hiền. Một số Thầy trụ trì than rằng họ không cho người ở thì không có người giữ chùa, tụng kinh; nhưng cho ở thì gây thêm nhiều phiền phức.
Con đường của Phật Thích Ca quả là đúng. Cuối cùng Di Lặc phải theo con đường này, không thể khác. Nghĩa là Di Lặc về Đâu Suất, sống trong đại Thiền định để hoàn thiện bản thân của ngài trước và điều chỉnh những người theo ngài. Đến giai đoạn ba, ngài mới xây dựng Tịnh độ.
Bước theo dấu chân Phật, chúng ta phải lo tu cho đắc đạo; chưa đắc đạo thì chưa nên làm. Ta làm đúng chín việc, chỉ sai một việc, sự nghiệp cũng thành mây khói. Vì chưa đắc đạo, sự hiểu biết của ta không chính xác, việc sai lầm khiến trở thành mất trắng.
Lo hoàn thiện tri thức và đạo đức xong, bước thứ hai tìm người có nhân duyên với ta mà độ. Không phải độ tràn lan, nên cân nhắc. Cơ sở vật chất không thể để cho người không có nhân duyên và không phải là pháp lữnhiều đời, là tạp chúng vào ở thì không tu được. Chín người mười ý, làm thế nào đoàn kết, hòa hợp, an vui. Tổ sư Minh Đăng Quang có sáu đồ đệ có nhân duyên nhiều đời với ngài; đó là sáu hạt nhân quan trọng để sau này hình thành sáu giáo đoàn của Khất sĩ.Phải đắc đạo mới thấy được nhân duyên vàngười đáng độ. Hòa thượng Từ Huệ nói rằng trước đây ngài theo tông Thiên Thai. Khigặp Tổ sư Minh Đăng Quang, ngài sanh lòng kính trọng, đó là nhân duyên. Sau này mở đạo, các sư phải thấy rõ học trò của mình quanhân duyên căn lành. Thầy trò hiểu nhau, nói với nhau bằng tâm.
Người theo ta tu học để cầu giải thoát, không muốn gì khác hơn; chắc chắn chúng ta giáo hóa dễ dàng. Những người khác hạnh nguyện sống với nhau, như ở Phật học đường, mỗi tháng kiểm điểm sáu pháp hòa; nhưng tôi cảm giác chỉ hòa ngoài mặt và lần lần tấm lòng thì ở xa, mà thân xác thì ở chung, quả là phiền. Gặp mặt, cách lòng là khổ.Những điều mà chúng ta làm và suy nghĩ, thì người không chấp nhận, dù không nói ra, nhưng không khí thật nặng nề.
Các sư thích xây chùa và gặp Phật tử thích cúng dường để xây dựng, việc trở thành dễ. Nếu chúng ta quyên góp, nhưng gặp người không đồng tình, chắc chắn không được. Các sư đến xin tiền, không phải tôi hoàn toàn ủng hộ hay bác bỏ. Tôi suy nghĩ xem xây chùa ở đâu và để cho ai tu. Thấy rõ nhu cầu cần thiết này, thì tôi tùy hỷ; nếu không, tôi từ chối. Vì xây chùa trước, không có người ở, còn khổ hơn là không xây chùa. Đến đâu cũng lo xây chùa, nhưng kiếm được Trụ trì đúng nghĩa không dễ. Trụ trì đúng nghĩa thì từ không làmthành có, từ ít làm ra nhiều, từ xấu làm thành tốt. Ngược lại, thì chùa lụn bại. Ta khổ công xây dựng, thế hệ kế tiếp không duy trì được, làm hư hại; rõ ràng là công dã tràng. Lo xây chùa và tìm người ở, nhưng họ quậy phá, không vừa ý, nên phiền não phát sanh. Đó là ý nghĩa xây dựng chùa trước và tu sau, phần lớn không thành công.
Phật Thích Ca tư duy ở Bồ đề đạo tràng trước và đắc đạo xong, Ngài tìm người có nhân duyên để độ. Lúc ấy, tinh xá được hìnhthành tùy theo yêu cầu và phước đức củaTăng chúng là vững nhất; vì họ theo Phật để học đạo,không có quyền lợi gì. Những người theo Tổ sư Minh Đăng Quang cũng vậy, họ không có quyền lợi và thực sự cũng không có chùa, ở mái hiên, sống qua đêm để lo tu hành. Chỉ có người hiểu được tâm ngài và được tâm ngài nhiếp phục.
Theo vì quyền lợi thì mất quyền lợi, vấn đề lớn nổ ra. Người đông tới mức nào, tinh xá lớn đến đó; phước đức của người theo lớn tới mức nào, tùy theo đó mà tinh xá trởthành sang trọng.
Hòa thượng Trí Tịnh dạy tôi rằng chùa lớn hay nhỏ tùy thuộc Tăng chúng tu hay không. Đó là điều quan trọng mà tôi luôn suy nghĩ. Xưa kia, có chùa nghèo như chùa Pháp Hội ở vũng rau muống. Hòa thượng Tắc Nghi ở đó và ngài mở Khóa huấn luyện giảng sư và trụ trì. Tăng chúng tập hợp về đó tu học, mang theo cả phước đức. Đàn việt mới cúng dường, san lấp vũng rau muống, xây dựng thành chùa. Nhưng chùa Pháp Hội được xây lớn rồi thì vấn đề phát sanh, người động lòng tham gây khó khăn cho Giáo hội Tăng già Nam Việt thời đó. Cuối cùng, Hòa thượng Thiện Hòa phải trả chùa này, xây chùa Tuyền Lâm và chúng Tăng tập hợp về Tuyền Lâm tu hành thì nơi đây lại phát triển lên.
Chùa lớn lên hay nhỏ đi, thanh tịnh hay nhiễm ô là tùy thuộc người ở đó. Chính con người quyết định. Vì vậy, Phật Thích Ca chọn hướng đúng, Ngài Thiền định ở Bồ đề đạo tràng, phá ma quân và thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác là việc chính.
Di Lặc hỏi làm thế nào không thoái chuyển Vô thượng Bồ đề, hàng phục được ma oán và mau đến Vô thượng Bồ đề. Vì Di Lặc xây chùa nhiều quá, ngán rồi! Chùa lớn, không có người ở, dọn dẹp và giữ gìn đến mất ngủ. Sư trụ trì chùa lớn đều biết nỗi khổ này. DiLặc hỏi điều này là nhằm hỏi cho chúng ta.
Đức Phật dạy Di Lặc phải thực hành tám tâm giải thoát, mới không thoái chuyển Vô thượng Bồ đề, hàng phục được tất cả ma oán và mau đến Vô thượng Bồ đề. Tám tâm này cho chúng ta thấy khác với tám thức của Di Lặc dạy trong Duy Thức.
Thức là sự hiểu biết thay đổi trong sanh diệt, huân tu trong tiềm thức. Ở trong sanh diệt môn, chúng ta chứa nhóm hạt giống phiền não, giàu nghèo, ngu dốt, thông minh, v.v…; nhưng tất cả đều là hạt nhân dẫn đến quảkhổ. Chỉ có cuộc sống của Phật và Bồ tát là không khổ.
Đức Phật dạy Di Lặc muốn hết khổ, được giải thoát, trước tiên phải tu thâm tâm, nghĩa là từ bỏ tất cả những gì lượm lặt được từ ngoài vào tận trong A lại da thức. Chúng ta từ bỏ tiền ngũ thức là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức, bằng cách trước tiên không cho sáu căn tiếp xúc với sáu trần.
Thí dụ chúng ta muốn cách ly nhãn căn với sắc trần, thì phải nhắm mắt nhiều hơn là mở mắt. Tôi thường tập như vậy, mở hai mắt thấy tất cả phải trái của cuộc đời này, nó liền cột thần thức chúng ta, giữ chúng ta lại trong trần lao sanh tử, làm sao đến Niết bàn được.Đầu tiên thì còn mắt nhắm, mắt mở và sau thì nhắm cả hai mắt, là phớt lờ mọi việc, nên phiền não không sanh. Tất yếu phải như vậy,vì những điều tai nghe mắt thấy thường trở thành "Nghiệp chướng tai gai mắt”; lúc ấy, ý thức khổ đã sinh ra. Thử nghĩ có mấy khichúng ta bằng lòng với những việc trước mắt. Trên cuộc đời này, những việc làm chúng tabuồn phiền, khó chịu, bất mãn luôn luôn nhiều hơn. Tôi thấy những người sống với nhau vui vẻ, tưởng là hòa thuận suốt đời; nhưng chỉ được một thời gian là bộc phát bực tức, buồn phiền, họ không thể làm bạn với nhau nữa.
Tuy nhiên, dù việc xấu hay tốt đều cột chúng ta ở lại thế giới sanh tử khổ đau, ngăn cản ta đến Vô thượng Bồ đề. Việc xấu làm chúng ta khổ đã đành; việc tốt cũng ràng chân ta lại. Trụ trì lo cho chùa, thương chùa, thương chúng quá, coi chừng chết làm ma giữ chùa. Suốt đời tu mà thành quỷ giữ chùa thì khổ lắm, khổ hơn lúc sống nhiều. Sống cònxác thân, còn la rầy, sửa đổi theo ý mình được. Chết rồi, ở trên bàn thờ, biết họ saitrái, tức lắm, mà có la rầy được đâu.
Muốn được giải thoát, bước đầu chúng ta tập đừng quan tâm đến mọi việc bênngoài. Nhắm cả hai mắt để đi vào tâm, thì cái lợi trước mắt là chúng ta đoạn trừ được những cái chướng tai gai mắt, trừ được hai thức là nhãn thức và nhĩ thức. Hai thức này khôn ngoan, lanh lợi nhất. Nhãn thức khôn lanh vì dù vật ở xa, chúng ta cũng thấy vàbắt đầu giận. Nhưng nhãn thức còn thua nhĩ thức vì việc xảy ra cách tường, cách vách,không thấy được; nhưng họ nói lén, chúng ta nghe được cũng khổ tâm lắm.
Thân thức là ý thức do thân tiếp xúc với vật mới có. Thí dụ có sự đụng chạm, như bị đánh, chúng ta mới cảm nhận được; vì thế, thức này nhẹ hơn nhãn và nhĩ thức. Thiệt thức như lưỡi nếm mùi vị, khen ngon chê dở; nhưng không có vật để trên lưỡi thì nó không phân biệtđược. Mũi cũng vậy, không có mùi thì nó không biết.
Từ năm thức là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, tiến đến ý thức. Chúng ta không thấy ý thức, nhưng nó là cửa ngõ của linh hồn. Tập tu, quên bên ngoài thì chúng ta dễ làm mất lòng người; đành xin lỗi vậy. Ta không để ý, dù việc có xảy ra trước mắt, chúng ta cũng không biết.
Sự quan trọng của ý thức hay thức thứ sáu là để ý, nên khổ. Muốn tu giải thoát, đừng để ý việc thiên hạ. Tôi thấy nhẹ nhàng nhờ ít bận tâm đến thiên hạ; nhưng hễ tôi để ý là khổ liền. Ai muốn làm gì mặc họ, vì biết rõ để ý là lòng chúng ta không bao giờ yên; hết việc này đến việc kia, nó cứ chồng chất lên nhau.
Thậm chí, ý thức trách nhiệm cũng ràng buộc chúng ta trong công việc, làm chúng ta lao tâm nhọc trí. Nhưng tuổi càng lớn, sức lực yếu thì việc không làm được mà ý thức mạnh hơn, gọi là lực bất tòng tâm. Thấy dễ vậy mà làm không được, thì khổ tâm lắm.
Trên bước đường tu, ta đi lần từ ngoài vào trong, từ tiền ngũ thức, tiến đến ý thức, tập không để ý, thì thức thứ bảy là Mạt na thức không chấp; nhờ vậy chúng ta không khổ. Mạt na thức không chấp thì A lại da thức hay tiềm thức không có gì, không lưu lại gì cả, chuyển thành Bạch tịnh thức.
Chúng ta tu lâu, tự kiểm tra xem trong tiềm thức mình để vào bao nhiêu phần Phật pháp, bao nhiêu phiền não nhiễm ô. Kinh nghiệm của tôi là đem Phật pháp vào đầy tiềm thức để đẩy phiền não trần lao nghiệp chướng ra. Cái gì làm chúng ta buồn giận là phải loại trừ nó.
Mới tu, chúng ta thường bị nó tập kích bất ngờ, nên buồn giận. Nhưng tiến tu, đẩy nó lần lần, chúng ta được giải thoát, khác với người đời chịu đựng đến khi "Nhứt quá tam” là nổi điên.
Chúng ta đem Phật pháp vào thay cho phiền não; giải quyết theo Phật, Bồ tát, mới mong đến được Vô thượng Bồ đề. Gặp việc xảy ra, theo lời Phật dạy để giải quyết là thực tế nhất. Thí dụ gặp người gây khó khăn, Phật bảo chúng ta nhịn. Ngài không dạy ta chống lại họ. Tôi thọ giới nhớ rằng người đánh, mắng, nói xấu ta, nhưng ta không làm như vậy với họ. Nghe Phật, ghi nhớ lời Phật, lần đem Phật pháp vào lòng, tâm chứa toàn Phật pháp, thì những gì ta nói ra cũng là kinh, việc của ta cũng là của Bồ tát, đáng làm.
Tiến đến tầng thứ tám, A lại da thức được quét sạch phiền não, chỉ toàn là Phật pháp. Và từ đây, mở cánh cửa bên trong, chúng ta đi thẳng vào chơn thân, chơn tâm nằm ngoài vọng thức.
Chơn thân là thân bất sanh bất diệt,người tu cần sống với nó. Với giả thân sanhdiệt, chúng ta coi nhẹ, thì sở hữu của giảthân còn nhẹ hơn nữa. Chính vì vậy, phảithực hiện thâm tâm, đi thẳng vào tâm sâukín, vượt qua ngũ uẩn, nằm ngoài sự suy nghĩ,tính toán của con người. Từ đó mới bước chân vào Tịnh độ của Phật, học xứ của Bồ tát được. Nói chung, đó là thế giới của Phật hay thế giới của tâm, vượt hơn "Thức”, gọi là thâm tâm. Thâm nhập thế giới này, việc của ta trở thành việc của Phật, của Bồ tát; nên được các Ngài hộ niệm, hợp tác, ta mới mau đến Vô thượng Bồ đề. Được như vậy thì khác với trước kia làm theo khôn dại, được ít, khổ nhiều. Làm theo thâm tâm, do Phật huệ chỉ đạo, Bồ tát hợp lực, thì dễ dàng thànhtựu mọi việc.
Tâm ở học xứ Bồ tát, nhưng thân vẫn ở nhân gian để làm lợi ích cho chúng hữu tình. Đó là pháp Đại thừa của Bồ tát khác với pháp Nhị thừa tu hành, từ bỏ tất cả. Chúng ta làm việc theo yêu cầu của chúng sanh, tâm vẫn ở trong giáo pháp mà Phật dạy các Bồ tát hành trì, nên không bị đọa. Nếu thân xác và cả tâm lượng đều ở với chúng sanh mà hành đạo giáo hóa, thì bị chúng sanh làm phiền lòng, ta sẽ bị đọa.
Ở học xứ Bồ tát, hay trong Phật pháp giáo hóa chúng sanh, ở Tịnh độ của Phật giáo hóa chúng sanh. Tịnh độ của Phật là Thâm tâm, sâu kín đáy lòng có Phật ngự trị chỉ đạo, việc của chúng ta làm đều trở thành Phật sự. Tu đúng pháp, việc khó thành dễ. Tu sai pháp, Phật sự biến thành ma sự thì cúng dường, đúc tượng, in kinh đều làm mình buồnkhổ.
Đi thẳng vào Thâm tâm, tu với Thâmtâm, không quan tâm đến cuộc đời, nhưngcuộc đời bao giờ cũng tốt đẹp. Phật tử, Tăng Ni siêng năng tu trong chánh pháp thì chánh pháp vẫn luôn luôn tồn tại. Theo kinh nghiệm, tôi làm việc với Hòa thượng Trí Thủ thấy rằng nơi nào mời, ngài cũng đi. Tôi nghĩ như vậy Phật pháp mới tồn tại và phát triển. Nhưng trái lại, tôi thấy Hòa thượng Trí Tịnh không đi đâu, nhưng từng bước Giáo hội mạnh thêm, Phật sự phát triển nhiều hơn.Thành quả này do tu hành tích lũy công đức mới trang nghiêm được Tịnh độ. Phật Thích Ca cũng nói rằng Phật Di Đà thành tựu Phật quốc là do công đức. Công đức trang nghiêm Tịnh độ, nghĩa là không rầy, không nói, không khổ công lo cho đại chúng. Nhưng giữ tâm ta thanh tịnh thì họ tự thanh tịnh theo, dùng đức để cảm hóa người. Dùng vọng tưởng điên đảo của chúng ta để hành đạo, chắc chắn rơi vào cảnh giới ma.
Chúng ta tu sao cho đạt được Thâm tâm, cũng sống như mọi người, nhưng lòng chúng ta không giống họ. Bước một phải thực tập tâm này bằng cách đi sâu vào Thiền định.
Thành tựu được Thâm tâm, tiến sang bước hai, Phật dạy Hành tâm. Hành tâm hay Bồ đề tâm là mọi ý niệm của Bồ tát đều phát xuất từ Chơn tâm, gọi là Chơn như duyên khởi. Vì thế, lúc nào Bồ tát cũng như như bất động trước mọi diễn biến của cuộc đời; khác với A lại da duyên khởi của chúng sanh là tâm khởi theo hoàn cảnh bên ngoài và họ luôn luôn bị mọi sự việc chi phối.
Hành tâm khởi lên từ Chơn như tâm, Bồ tát đi vào cuộc đời để mang vui cho người, cứu giúp đời. Trong khi ma quỷ xuất hiện trên cuộc đời theo vọng tâm, làm khổ người.
Hành tâm của Bồ tát khởi từ Thâm tâm,Chơn như tâm, nên thân tướng của họ tốt đẹp, trọn lành, không có ba nghiệp sát, đạo, dâm, không bệnh hoạn, hôi dơ, xấu xí. Đó là phước tướng của Bồ tát khiến người trông thấy phải phát tâm, khác với nghiệp tướng làm cho người không thương quý.
Mỗi khi tiễn đưa một vị Hòa thượng về thế giới bên kia, các Thầy thường nói: "Từ Chơn tánh hiện thân Đại sĩ. Giữa hồng trần chẳng nhiễm bụi trần”. Nghĩa là muốn nhắc nhở người quá cố nên giữ tâm yên tĩnh xem từ đâu đến đây thì trở về thế giới đó. TừThâm tâm, bản tâm thanh tịnh hiện lên cuộc đời để cứu nhân độ thế là Đại sĩ có phước tướng khiến người quý mến và cuộc sống thánh thiện, chẳng hề bị đời làm ô nhiễm.
Đối với phàm phu, bốn ác nghiệp của miệng dẫn họ đi vào sanh tử khổ đau. Trong khi Hành tâm của Bồ tát chuyển bốn việc xấu ác của miệng thành bốn việc tốt. Vọng ngôn được đổi thành chân thật ngữ, nói thật, không nói dối. Ỷ ngữ là nói thêu dệt, làm người phiền não thì đổi lại lời nói làm mát lòng người. Người đang thù nghịch, họ nghe Bồ tát nói, quên thù hận. Lưỡng thiệt là đem chuyện người này nói với người kia, gây mất lòng, mất đoàn kết, đổi lại lời nói tạo tình thân hài hòa với nhau. Và cuối cùng không nói lời ác cho người khổ, chỉ nói lời an vui cho người.
Hành tâm cũng thay đổi ba nghiệp áctham, sân, si của ý. Tham lam, ích kỷ đổithành tâm thương người, bố thí, giúp đỡ.Giận dữ đổi thành hoan hỷ và vô minh đổi thành trí tuệ, thấy việc đúng. Đó là ba việc mà Hành tâm phải làm.
Kế tiếp, thực hiện pháp thứ ba là Xả tâm. Tu tâm này, buông bỏ mọi việc. Nhưng buông bỏ có ý nghĩa, khác với buông bỏ của phápđầu tiên là Thâm tâm. Thí dụ bố thí có ý nghĩa, vì Hành tâm có trí tuệ, nên phânđịnh được bố thí cho ai, ở hoàn cảnh nào và cho đến mức độ nào, người nhận sẽ được ích lợi gì. Không phải bố thí tràn lan. Nghe Phật nói bố thí bất nghịch như ý, nhưng xả không đúng chỗ, không đúng đối tượng, khiến cho người nhận tham lam, ăn bám, thì gây tai hạihơn là làm lợi.
Pháp thứ tư là Thiện tri Hồi hướng Phương tiện Tâm nghĩa là biết rõ việc mình làm là phương tiện và dẫn đến kết quả gì. Thí dụ bố thí cho người nhằm mục tiêu gì, thấy biết được là Thiện tri. Biết bố thí là phương tiện, Bồ tát giúp một phần, nhưng người sẽ tu được, là Thiện tri. Giúp mà không biết tương lai, hậu quả ra sao, thì không phải là Thiện tri.
Kinh Hoa Nghiêm nói rõ có ba pháp Hồi hướng là Pháp giới chúng sanh, Vô thượng Bồ đề và Chơn như thật tướng. Bố thí nhằm phục vụ chúng sanh và phát huy trí tuệ của ta và người, nhưng việc tốt này không dính mắc lòng ta. Còn bố thí đại trà, vô ích, vì người được giúp đỡ không cải thiện tâm tánh và việc làm của họ.
Pháp thứ năm và thứ sáu là Bồ tát thành tựu Tâm Đại Từ và Đại Bi. Đến nơi nào, Bồ tát cũng chỉ nhằm mang an vui, cứu khổ cho người, không vì mục đích gì khác.
Pháp thứ bảy là Thiện tri Phương tiện. Đối với Bồ tát, mọi việc trên thế gian này đều là mộng huyễn bào ảnh, không thật. Mọi việc đều là phương tiện giúp Bồ tát hành đạo; tùy người, tùy chỗ, tùy lúc, tùy hoàn cảnh mà Bồ tát làm những việc thích ứng khác nhau, không phải rập y khuôn của người khác. Nói đơn giản là biết mình, biết người thì theo cái thấy biết đó mà làm việc đáng làm, nói điều nên nói, chắc chắn thành công.
Pháp thứ tám là thành tựu Bát Nhã Tâm hay Trí tuệ Ba la mật, đạt đến Vô thượngBồ đề.
Phật nói rằng Di Lặc lo xây chùa, làm phước, quên mất con đường Bồ đề, phát huy trí tuệ là chính. Được Phật nhắc nhở và thọ ký thành Phật, Di Lặc chuyên tu trí tuệ. Khi công đức của Di Lặc đầy đủ, đáng làm Phật; nhưng vì quyến thuộc chưa thuần thục, ngài phải giáo dưỡng họ cho thuần thì ngài thành đạo. Ý này cũng nhắc chúng ta bao giờ họctrò mình đỗ đạt, tài giỏi, mới bày ra việc. Chưa có người tài giỏi mà ta bày việc thì tự chuốc họa vào thân.