cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng


Trong pháp hội trước, Đức Phật dạy Tỳ kheo thực hành giới định tuệ và đạt đến trí tuệ là đỉnh cao nhất của Sa môn. Và từ trí tuệ có giới hạn của hàng Thanh văn tiến sang pháp hội này để gặp Vô Tận Huệ Bồ tát tiêu biểu cho người có trí tuệ vô cùng. Trong kinh Pháp Hoa thì có Vô Tận Ý Bồ tát cũng là mẫu người có trí tuệ vô cùng.

Mỗi ngày sự việc liên tục diễn biến không ngừng, nhưng với huệ nhãn của Bồ tát Vô Tận Ý hay Vô Tận Huệ, mọi việc đều đượcgiải quyết tốt đẹp; vì Bồ tát đã có các phương tiện hành sử thích ứng. Sự hiểu biết vô cùng tận ấy được diễn tả trong kinh Duy Ma là vô tậnđăng. Vô tận đăng hay ngọn đèn trí tuệ của Bồ tát không bao giờ tắt. Bồ tát truyền trao sự hiểu biết cho người và họ lại truyền tiếp cho người khác. Cứ như vậy mà đèn trí tuệ được sáng mãi.

Trong pháp hội này, Bồ tát Vô Tận Huệ hỏi Đức Phật về Bồ đề tâm. Bồ đề và tâm đều vô ảnh, vô hình, làm sao thấy biết.Bồ đề là trí giác không thấy được, sao lại ghép với tâm cũng không ai biết là gì. Chúng ta không thấy tâm, nhưng thấy được cái bóng của tâm gọi là tám thức tâm vương (Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức và a lại da thức). Từ tám thức này chuyển thành bốn trí (Sở tác trí,diệu quán sát trí, bình đẳng tánh trí và đại viên cảnh trí), gọi là Bồ đề tâm.

Phật dạy rằng trước khi tu, trong khi tu và sau khi tu, tâm của chúng ta cũng là một. Nhưng trước khi tu, tâm chúng ta duyên với phiền não, nên khởi lên vô số phiền não, gọi là vô minh duyên khởi. Thật vậy, tâm chúng ta qua màng lọc vô minh sanh ra vọng thức, biến tất cả thành tội lỗi, sai trái, buồn phiền, khổ đau. Như vậy tâm vô minh là tâm chúng sanh.

Khi xuất gia, chúng ta lấy tâm kết hợp với pháp Phật, gọi là tâm pháp hoặc chuyển đổi tâm thành pháp. Nghĩa là người thực tu phải suy nghĩ và giải quyết mọi việc theo pháp Phật. Nghĩ và làm như người thế gian vẫn là tâm thế gian, thì thân tuy xuất gia, tâm vẫn chưa vào đạo, vẫn đầy phiền não.

Mặc áo giải thoát, tất yếu tâm phải duyên với pháp Phật. Tuy nhiên, cần ý thức rằng pháp này là pháp phương tiện. Vì vậy, nếu chúng ta học pháp và bị vướng mắc với pháp thì chẳng khác gì từ bỏ cái khổ của thế gian để lãnh lấy cái khổ của xuất thế gian.

Nếu có tầm nhìn và giải quyết theo Phật, thì ta tu trong chánh pháp được. Thí dụ Phật dạy rằng tham lam, bỏn xẻn dẫn đến nghèo cùng và đọa ngạ quỷ. Chúng ta vâng lời Phật dạy, để tâm đến pháp này và nỗ lực thực hành, đương nhiên phải cắt bỏ ham muốn. Vì càng ham, cái ta muốn không đến, mà cứ gặp việc ngược lại. Tâm chúng ta mở rộng, bố thí, giúp đỡ, sẽ được giàu sang cho đến hưởng phước báu nhơn thiên. Theo kinh nghiệm riêng tôi, thực hành pháp Phật dạy như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn …, chấp nhận ta thua thiệt. Nhưng thực tế, ta chẳng thua ai, chẳng thiệt cái gì. Kết quả chân thật ấy chính là pháp của Phật.

Tu hành phải nghĩ đến pháp, đến Tăng đoàn, đến xã hội. Còn lo nghĩ xây cất chùa riêngcho mình là người ích kỷ đang đi trên con đường của ma, nhất định sẽ bị đọa, sẽ nghèo khổ. Theo Phật, ta qua cửa pháp, lấy pháp hóa giải túc nghiệp, tạo thiện nghiệp. Đối với tôi, hết lòng lo việc chung, ta không thiệtthòi gì, việc riêng của ta sẽ có Phật lo, chư Thiên giúp.

Đem tâm ta đưa vào pháp Như Lai, chuyển đổi thành tâm pháp. Từ đó, tâm không còn là "Ta”. Ta là Thích tử, mượn dòng họ Thích làm tâm, làm lẽ sống. Con nhà họ Thích Ca phải sống trong pháp của Thích Ca. Cònmượn danh Phật, sống với ma là đội lốt; trước sau gì cũngthành ma.

Chúng ta nương chánh pháp Phật tu lâu ngày, tất cả phiền não ác thế gian tan mất trong tâm trí và tâm trở thành vắng lặng, niềm tin được khẳng định; đó là tâm pháp.

Sau khi tin và sống với pháp, sang giai đoạn hai, sống với cái chứng đắc của ta. Đó là trí giác của ta hay Bồ đề. Tutrong chánh pháp, Phật khẳng định ta là con họ Thích. Nhưng khi thành Phật, thì ta có tênkhác, quốc độ khác. Đức Phật thọ ký Bồ đề tâm cho ta, hay Bồ đề thọ ký là nghĩa nhưvậy.

Muốn có Bồ đề tâm, ban đầu phải lấy pháp Tứ Thánh đế của Phật Thích Ca làm lẽ sống. Trên bước đường tu, đoạn trừ được một phần phiền não, thì trí giác theo đó phát sanh được một phần; nghĩa là Bồ đề tâm của chúng ta đã tăng trưởng.

Phật dạy rằng Bồ đề tâm phát xuất từ niềm tin của chúng ta. Tu mà không tin Phật, không tin lời dạy của Phật, chắc chắnkhông thể đạt đến quả vị Phật. Niềm tin là mẹ sanh ra các pháp lành và sanh Bồ đề tâm. Chúng ta chưa có Bồ đề tâm phải mượn Bồ đề pháp của Phật để trang nghiêm, không dám suy nghĩ theo thế gian. Trải qua thời gian dài tu hành, phiền não rơi rụng thì Thánh tài hiện ra. Nghĩa là cái chúng ta không cần, không cầu xin, không nghĩ, sẽ đến. Việc tốt tự động đến, chúng ta không tìm. Đó là sự biểuhiện của thành quả đi vào Sơ địa Bồ tát. Và ta dùng tài sản này phân phát cho chúng sanh theo tâm từ bi. Bố thí của Bồ tát là như vậy, không phải đơn thuần chia sẻ phần ít ỏi của ta cho người, hay đem tiền của người đểcho người khác.

Đức Phật khẳng định rằng sống với pháp lâu ngày, Thánh tài đến. Nghĩa là Bồ đề tâm chúng ta bừng sáng, thấy của báu là biết cách tìm ra, làm ra của cải cho người. Làm được như vậy mới có thể tụ nghĩa, làm Chuyển luân Thánh vương hành Bồ tát đạo.

Những nước có mỏ vàng, nhưng nghèo vì thiếu người có trí tuệ, không thể khai thác; hoặc thiếu tài lãnh đạo, quản lý nên bị thất thoát của cải. Chuyển luân Thánh vương quản lý tốt con người và tài nguyên, vì thấy đượctài năng của người, khai thác được của báu trong lòng đất, làm cho đất nước phát triển giàu có. Người dân tự làm, ông không cho,nhưng nhờ tài lãnh đạo và trí khôn của Chuyển luân Thánh vương mà cuộc sống của họ được ấm no, hạnh phúc. Đó là bố thí đúngnghĩa theo Phật dạy Bồ tát đã đạt được giới định huệ.

Tiến sang Bồ tát Nhị địa trụ Thiền định thấy toàn hoa sen, nghĩa là đức hạnh của Bồ tát cao cả, tác động cho người xung quanh cũng trong sạch theo. Đức hạnh và tài năng không có thì người thừa sức lừa dối ta, không thể hành Bồ tát đạo.

Tóm lại, cuộc đời muôn hình vạn trạng, có đủ phải trái, tốt xấu. Chúng ta lóng nghe, tìm được giải pháp tối ưu cho mọi vấn đề. Đó là Bồ đề tâm thể hiện trong cuộc sống. Vìvậy, tuy Bồ đề tâm vô ảnh, vô hình, nhưng ta vẫn biết được nó bằng cách nhìn vào kết quả của công việc; cũng như ta không thấy được cái tài, nhưng việc thành công tốt là thể hiện cái tài của người.

Bồ đề tâm không có hình tướng, nhưng nếu tâm cộng với Bồ đề thì sẽ hiện hữu hình ảnh của Phật, Thánh Hiền, Bồ tát. Đó là những người có tri thức và đạo đức, sống có ý nghĩa, mang an vui cho người. Nếu tâm cộng với vô minh thì sẽ thành chúng sanh sai lầm, tội lỗi, khổ đau, sống tác hại cho người khác.