cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng


Trong Phật pháp, Bát Nhã được coi là bộ kinh cao nhất. Nếu chúng ta chưa đạt đến trình độ này, không thể hiểu được ý nghĩa Bát Nhã của Phật hay của Văn Thù thuyết. Vì Bát Nhã dành cho các Đức Phật, không phải của Bồ tát; đương nhiên hàng Nhị thừa không thể có và chúng ta thì còn cách xa.

Vì vậy, chúng ta bàn việc của Phật, Bồ tát để có khái niệm về Bát Nhã mà thôi. Thực sự chúng ta chưa có khả năng hiểu Bát Nhãcủa Phật. Trong kinh điển có bộ Đại Bát Nhã nói về trí tuệ Phật và thu gọn thành Tâm kinh gọi là Bát Nhã Tâm kinh và kinh Kim Cang cũng là Bát Nhã. Trong kinh BảoTích, pháp hội này nói về Văn Thù Sư Lợithuyết Bát Nhã Ba la mật đa lại khác nữa.Chúng ta biết như vậy để đừng kẹt vào ba bộ Bát Nhã nói trên; vì Bát Nhã phải hiểu là trí hay tuệ giác của Phật.

Kim Cang Bát Nhã phá hết tất cả kiến chấp trên thế gian, phá bỏ hoàn toàn. Nhưng khi hàng Nhị thừa học về sự phá bỏ kiến chấp thế gian, họ lại rơi vào ngoan không là cái không suông, không biết gì giống như gỗ đá.

Tôi thí nghiệm pháp này thấy quả đúng như vậy. Bình thường chúng ta đánh giá, phân biệt, suy nghĩ thì hiểu được. Nhưngcàng suy tính thì càng cách xa đạo. Và học Bát Nhã, bỏ sự hiểu biết của con người để vượt "Thức”, chúng ta lại trở thành vô tri. Hàng Nhị thừa thường rơi vô tình trạng này, làm cho Chân Không trở thành ngoan không và chấp cái Không này mà ở mãi vị trí Nhị thừa. Đó là ý nghĩa mà Bát Nhã muốn nói đến.

Ngài Trí Giả so sánh trí Bát Nhã của Phật và sự hướng tâm của Nhị thừa về Bát Nhã giống như ma ni bảo châu và thủy tinh. Trí Bát Nhã của Phật ví như ma ni bảo châu có khả năng soi rọi giúp cho người thanh tịnh, phát tâm Bồ đề. Trái lại, tâm Khôngcủa Thanh văn giống như thủy tinh, chẳng tác động lợi lạc cho họ và tha nhân.

Giữ sự hiểu biết theo "Thức” thì rơi vô phàm phu là chấp hữu. Nhưng bỏ sự hiểu biết, trởthành gỗ đá, không có gì là rơi vô ngoan không, chấp không của Nhị thừa. Đó là vòng luẩn quẩn của Nhị nguyên, khó tìm được Nhất nguyên.

Bát Nhã của Phật nói và của Văn Thù nhằm đưa đại chúng vào Nhất nguyên. Chúng ta đang ở Nhị nguyên, một là biết theo thế gian là "Thức”, hai là không biết. Trên bước đường tu, có lúc chúng ta diệt phiền não, diệt khái niệm, tưởng rằng mình đắc đạo; nhưng không phải như vậy.

Thiền sư có thể nhập thất trong khoảng thời gian rất lâu, không cần ăn uống, ngủ nghỉ, mà vẫn khỏe mạnh, rất đáng trântrọng. Tuy nhiên, khi xả Định, họ cũng trở thành bình thường như người khác, không được gì. Ngài Trí Giả gọi đó là ám chứng Thiền sư, không đạt Bát Nhã. Hoặc chúng ta theo giáo tông, giải thích Bát Nhã đủ cách, trong khi thực sự không thâm nhập được Bát Nhã trí của Phật, nên đụng việc không thể ứng xử tốt. Đó là danh tự Pháp sư.

Thực chất của Bát Nhã muốn nói mà Phật dạy và Văn Thù chỉ cho chúng ta là cách ứng xử đúng trong cuộc sống, không phải lý thuyết Bát Nhã. Chúng ta học văn tự của Bát Nhã và lý luận được, nhưng gặp việc không giải quyết được. Cũng giống như học có bằng cấp thì dễ; còn ứng dụng vào cuộc sống tu hành của mình và làm cho người thanhtịnh, giải thoát theo, thì ít ai làm được.

Bát Nhã giúp chúng ta hiểu biết để tu là bước thứ nhất nhận ra tinh thần Bát Nhã trong cuộc sống. Và bước thứ hai, chúng ta cũng truyền bá tinh thần Bát Nhã để người khác ứng dụng được pháp Phật.

Như vậy, bộ kinh đại Bát Nhã sáu trăm quyển và Bát Nhã Tâm kinh cũng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng. Nhưng theo Bát Nhã Tâm kinh, chúng ta dễ sai lầm vì kinh này rất cô đọng. Chúng ta có cảm giác như kinh phủ nhận tất cả làm chúng ta chới với trong cái Không ấy. Nếu theo đại Bát Nhã, chúng ta thấy mênh mông quá, khó thực hiện được. Và Kim Cang Bát Nhã đối với ta càng xa hơn nữa.

Tuy nhiên, theo kinh Bảo Tích, học Bát Nhã không phải học văn tự và áp dụng Bát Nhã là ứng xử tuệ giác của chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta học, nhưng bỏ tất cả sở học để ứng xử đúng theo từng tình huống.

Người ứng xử giỏi trong cuộc sống cần trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn một, học văn tự hay kinh nghiệm. Bỏ việc học ở trường lớp để được Vô thượng tuệ giác, thì không thể nào có. Phải học kinh nghiệm của Nhị thừa, của Bồ tát, của Như Lai là học văn tự Bát Nhã. Nói cách khác, học kinh nghiệm của người trước, của bậc minh triết xử sự thế nào.

Văn tự Bát Nhã chỉ giúp cho ta kinh nghiệm. Nhưng có kinh nghiệm và kẹt với nó, nó ràng buộc chúng ta, khiến huệ không sanh được. Vì đối trước một việc xảy ra, tất cả kinh nghiệm trong đầu sẽ xuất hiện ngăn chặn chúng ta ngay. Và chúng ta sẽ giải thích, hiểu sự việc theo kinh nghiệm này, không giải thoát được.

Có một thời gian tôi cũng rơi vô tình trạng này. Học kinh nghiệm theo sách vở,hiểu biết theo người xưa và giải quyết theo họ rất nguy hại; vì rơi vô khuôn mẫu, không tiến bộ được. Thật vậy, sự vật luôn biến đổi không ngừng, mà lấy việc hôm nay giải quyết theo ngày xưa, thì cùng lắm chỉ đúng được một nửa; chúng ta vẫn thất bại. Vì vậy, thực tế chúng ta thấy có nhà chính trị, nhà quân sự hay Pháp sư nổi tiếng; nhưng họ chỉ nổi tiếng một giai đoạn nào, một việc nào thôi, sau đó không còn được như vậy. Chín lần trúng, một lần trật cũng hỏng là việc tu hành của chúng ta ở chặng đường thứ nhất, còn học theo sách vở, làm theo kinh nghiệm.

Bước sang giai đoạn hai gọi là quán chiếu Bát Nhã, giúp cho trực giác chúng ta sanh ra. Nghĩa là phá bỏ cái chúng ta được để khỏi chấp vô văn tự Bát Nhã, mà có cái nhìn mới là nhìn thẳng vào sự vật. Bát Nhã cho chúng ta cái nhìn thực tế hiện tiền. Và sang giai đoạn ba, giải quyết bén nhạy vấn đề "Bây giờ, ở đây và người này”. Nhìn thẳng như vậy, mới thấy diễn biến nội tâm của ta hay tâm của người. Nhờ đó, kiểm soát được diễn biến của tâm thay đổi theo từng hoàn cảnh, từng thời điểm, từng niệm.

Mở đầu pháp hội, kinh ghi rằng sáng sớm Bồ tát Văn Thù đến tinh xá nhìn Đức Phật Thích Ca và Xá Lợi Phất cũng bắt chước nhìn theo. Ở đây đưa ra cho chúng ta haicách nhìn của Nhị thừa và Bồ tát nhìn về Phật. Đó là cái học của các ngài bằng cách nhìn diễn biến của tâm lý con người thánh thiện là Phật.

Từ đây có thể rút ra ý nghĩa rằngchúng ta học Phật, học Bát Nhã là học cách ứng xử của Phật. Ở thời điểm đó, gặp sự việc đó, Ngài giải thích và xử sự như thế nào mà mọi người tôn kính Ngài là Phật. Học Bát Nhã, tôi thường đặt vấn đề nếu là Phật hiện diện bây giờ, Ngài sẽ giải quyết việc này thế nào.

Kinh Bảo Tích dạy rằng một Phật nói, Phật khác không lặp lại. Hoặc Tổ dạy rằng y kinh giải nghĩa, Phật oan tam thế… Chúng ta cũng vậy, khi ứng dụng kinh nghiệm của Phật, cần cân nhắc. Phật Thích Ca là Phật quá khứ sống cách chúng ta hàng mấy ngàn năm.Ngài nói pháp cho những đối tượng có hoàn cảnh không giống chúng ta, ở quốc độ cũng khác. Đó là điều mà chúng ta cần cân nhắc,không thể áp dụng y khuôn. Thậm chí mỗi người có một hoàn cảnh, mà hoàn cảnh của chính người đó cũng luôn thay đổi. Thí dụhoàn cảnh của tôi lúc ở nhà, lúc xuất gia, lúc đi học và lúc đang lãnh đạo… đều khác nhau.

Mỗi lần gặp việc, tôi tự hỏi Phật giảiquyết cách nào. Ngài Nhật Liên dạy rằngchúng ta hỏi Phật quá khứ không được, phải hỏi Phật hiện tại hay mười phương Phật không nhập diệt. Nghĩa là Phật huệ không nhậpdiệt, đó là trí tuệ hay Bát Nhã. Thật vậy, con người có sanh diệt, nhưng tuệ giác bất sanh bất diệt,không bao giờ mất. Hay nói cách khác, trí tuệ sanh diệt là sanh diệt theocon người, theo hoàn cảnh. Chúng ta hỏi Phật là hỏi Phật huệ.

Và chúng ta nhận ra được trí tuệ thì vô cùng, vô tận, vô ảnh, vô hình. Tuy khôngthấy nó, nhưng chúng ta biết chắc rằng mỗi người trên bước đường theo dấu chân Phật đều lấy được một phần trong vô cùng vô tận của tuệgiác. Thí dụ như thể của điện thì vô cùng, tùy theo cách thiếtkế của từng nhà máy điện mà sử dụng được điện lực nhiều hay ít. Trí tuệ cũng vậy, Bát Nhã không có giới hạn, tùy theo năng lực của chúng ta, mỗi người bắt được một phần nhỏ. Ai trong chúng ta cũng có trí tuệ và hiểu biết để ứng xử công việc. Nhìn thẳng vào xã hội chúng ta đang sống xem người nghĩ gì, làm được gì và theo đó chúng ta đưa ra việc đúng, đương nhiên người chấp nhận. Đó là Bát Nhã trong cuộc sống.

Các Thầy dạy kinh Phật không thôngqua Bát Nhã, là dạy những điều mà ngườikhông dùng được, thật phí công người dạy và người học. Học Phật pháp theo tinh thần Bát Nhã, phải thấy hoàn cảnh của đất nước ta ở đầu thế kỷ XXI cần gì, người làm được gì. Chúng ta đáp ứng yêu cầu đó; dạy như vậy chắc chắn Tăng Ni, Phật tử và Giáo hội đi lên được.

Theo tôi, ngày nay chúng ta không nên mất thì giờ đọc, giải thích từng chữ Hán của cả bộ kinh; đó là công việc của ngàn năm trước. Chỉ cần học tóm lược toàn bộ kinh, thí dụ biết nội dung chính của sáu trăm quyển kinh Bát Nhã nói gì. Không phải mất vài chụcnăm để giảng bộ kinh. Học tóm lược ý kinh và xa hơn còn phải hiểu được hệ thống tư tưởng này bắt nguồn từ bộ kinh nào, nghĩa là tổng hợp. Thí dụ chúng ta có hệ thống Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Trung Quán… Hiểu biếtvề hệ thống tư tưởng sẽ giúp chúng ta biếtđược điểm phát xuất và sự truyền thừa của kinh.

Với cách học như vậy, chúng ta có thể nắm bắt được tánh Không của Bát Nhã trong vài buổi học; trong khi học từ chương thì có lẽ phải suốt đời. Theo tinh thần Bát Nhã, chúng ta phải tùy đối tượng mà giảng dạy. Đối với người già yếu mà dạy họ làm Pháp sư thì e phải chờ nhiều kiếp nữa, may ra họ mới thực hiện được. Trên bước đường giáo hóa độ sanh, Phật khuyên mỗi người làm một việc khác nhau, nhưng tất cả đều được lợi ích. Đó là cách giảng dạy theo Bát Nhã hay Phật huệ.

Cần nhắc lại rằng Bát Nhã là trí tuệhay tuệ giác của con người được sử dụng trong cuộc sống mang lại lợi ích cho chính họ và cho những người có liên hệ. Vì vậy, không thể hiểu một cách đơn giản rằng Bát Nhã làbộ kinh sáu trăm quyển bằng giấy trắng mực đen mà chúng ta phân tích, tìm hiểu. Sống theo tinh thần Bát Nhã, quán sát sự diễn biến của mọi việc, mọi hiện tượng trên thế gian này bằng trí tuệ vô thượng. Và với sự chỉ đạo của trí giác đúng như thật, cuộc sống của hànhgiả Bát Nhã luôn luôn có ý nghĩa, cao quý.

Văn Thù Sư Lợi thuyết Bát Nhã bằng cách đứng nhìn Đức Phật. Rõ ràng điều này khác lạ hơn các bộ kinh khác. Bồ tát Văn Thù nhìn thấy Đức Phật như thế nào.

Có thể khẳng định rằng đối với VănThù Sư Lợi, Đức Phật không đơn thuần là một con người bình thường như bao người khác. Với sự hiểu biết của một bậc đại trí, Văn Thù thấy Phật là biểu tượng của trời người cung kính cúng dường.

Kế đến, Văn Thù Sư Lợi thấy pháp chân thật hay thấy sự tác động giữa các pháp. Kinh diễn tả ý này là Văn Thù dùng Bát Nhã trí quán Nhân duyên sở sanh pháp, thấy được mối tương quan của Đức Phật đối với hữu tình chúng sanh và hữu tình thấy chúng sanh quy ngưỡng Phật như thế nào.

Ý thứ ba mà Văn Thù Sư Lợi trực nhận được khi chiêm ngưỡng Đức Phật, đó là lực tác động kỳ diệu của Ngài khiến cho hàng hàng lớp lớp người dấn thân theo Phật. Họ sống chết với Phật, thể nghiệm ý Phật dạy bằng tất cả tâm huyết. Nhờ quyết lòng tu hành như vậy, đệ tử Phật thăng hoa đời sống tâm linh và phát triển cả mặt vật chất.

Nhận chân được tâm trí, lời nói và hành động của Đức Phật ảnh hưởng sâu sắc cho cuộc đời, cho những người có nhân duyên căn lành với Ngài, là đã hiểu Đức Phật theo tinh thần Văn Thù muốn nói. Đi theo con đường này của Văn Thù triển khai, chúng ta đã tu học Bát Nhã và xây dựng được nếp sống giải thoát, an vui thực sự, lợi lạc cho bản thân mình và cho người.

Trái lại, không nhận chân được lời dạy và cuộc sống cao quý của Đức Phật, chúng ta khó tiến tu theo chánh pháp. Vì dù có học nhiều bộ kinh, biết phân tích ý nghĩa của Bát Nhã, mà cuộc sống chúng ta vẫn nhiều phiền muộn và theo năm tháng trôi qua, thì lạicàng cách xa đạo pháp, chán nản, không muốn tunữa. Thật vậy, Tổ đã dạy rằng nhứt niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên, tam niên Phật biến thiên. Mới phát tâm, nhiệt tình với đạo còn cao, thấy việc gì trong đạo cũng tốtđẹp. Nhưng vào chốn Thiền môn rồi, chúng ta thấy nhiều khó khăn, hơi nản. Và ở trongnhà đạo một thời gian, không chịu nổi, phải hoàn tục. Đó là con đường sai lầm mà nhiều người đã mắc phải.

Tu theo Phật, phải thấy cái huy hoàng của mình, thấy những điều cao quý vô cùng mà chỉ có đệ tử Phật mới nhận được. Còn nói Bát Nhã là Không suông, quán các pháp đều Không, thì theo Phật, ta được gì.

Quán Không của Văn Thù Sư Lợi dạy thì tất cả pháp là Không, chúng sanh là Không; nhưng từng bước ngài đưa chúng sanh đến an lạc, giải thoát. Không phải quán Không rồi rơivào cuộc sống vô nghĩa. Theo tinh thần quán Không có tác dụng hướng dẫn người đến đời sống tri thức cao tột, thì người thuyết được BátNhã như vậy phải là Như Lai. Như Lai mới thấy được pháp chân thật, nói được pháp chân thật và người nương theo pháp này, xa rời vọng tưởng điên đảo.

Chúng sanh ở thế gian và người tu không nương được pháp chân thật, thì cả hai đều sống với vọng tưởng điên đảo, đều chịu khổđau. Thực tế chúng ta thường thấy những người tu phạm sai lầm này. Người xuất gia học được nhiều kinh điển dễ sanh tâm kiêu ngạo, coi thường người ít học. Mặc dù không học nhiều, nhưng họ lại làm được việc, thì người ngãmạn thấy vậy càng bực tức hơn và tìm cách nói xấu. Như vậy, là càng đi xa đạo. Đức Phậtkhông dạy chúng ta trở thành người ngông cuồng.

Hoặc trường hợp có người nỗ lực làm công quả, lo xây dựng chùa chiền, đúc tượng hay xây tháp, v.v… Xét ở khía cạnh nào đó, chúng ta thấy họ có công lao to lớn. Nhưng làm được những thành quả lớn lao như vậy thì những thành tích ấy thường đeo dính vào tâm họ và tâm đã kẹt vào vật chất, thì làm sao thanh tịnh được. Trên bước đường làm Phật sự, mặc dù thành công nhưng phải kiểm xem thực chất công việc có làm phiền hàchúng ta hay không. Nhiều vị Trụ trì thường vấp phải lỗi lầm này. Đơn giản như việc điều hành đại chúng không đạt được kết quả theo ý muốn, thì tất yếu họ phải đeo mang phiền não và làm cho đại chúng cũng khổ lây. Có thể nói rằng học và tu theo hướng đó đều sai lầm.

Nhìn lại Đức Phật thấy Ngài buông xả tất cả khi lập hạnh xuất gia. Nói cách khác, người có trí tuệ sáng suốt thì đầu tiên họ chỉ giữ những gì giữ được, những gì không giữ được thì sẵn sàng buông bỏ. Đó là giai đoạn một của người tu.

Nhưng qua giai đoạn hai, hiểu rằng cái gì của ta có thể giữ thì giữ. Tuy nhiên, đứng về Bát Nhã, thấy lý luận này thật ngớ ngẩn. Vì những gì có thể giữ được, ta giữ, nhưng thực ta đâu cần giữ mà nó cũng là của ta, có mất đâu. Rõ ràng trên con đường tìm cầuchân lý, Đức Phật đã buông xả tất cả, mà thực tế Ngài chẳng mất mát gì cả. Ngài còn có nhiều hơn nữa là đàng khác. Đức Phật thể hiện tinh thần Bát Nhã mà Văn Thù nhìn về Phật và nhận ra rằng Ngài thừa sức giữ được ngôi báu, giữ được những khu vườn hay tinh xá tốt đẹp của người dâng cúng. Nhưng Đức Phật nào có màng đến việc giữ gìn những thứ ấy đâu. Ngài từ bỏ ngôi vị đế vương của một nước để trở thành vua của các vua vùng Ngũ hà. Hay cao hơn nữa, Phật là vua của các pháp, là người nắmgiữ quy luật sinh tồn của muôn vật trong vũ trụ.

Bỏ tất cả, nhưng được tất cả; đó là Phật. Điều này gợi cho ta ý thức rằng mọi thứ sở hữu trên cuộc đời này luôn ở trong tầm tay của Phật; vì nó là phước báu của Ngài, không cần bận tâm. Bước theo dấu chân Phật, tôi có kinh nghiệm rằng khi nào tôi có ý niệm giữ gìn thì cái đó sẽ mất. Ta không thể giữ được, vì phát khởi ý niệm giữ là đã có tâm tham chấp, thì những gì tệ xấu sẽ nương theo tâm tham chấp ấy mà đến với ta.

Đức Phật xem tất cả việc trên cuộc đời này nhẹ tênh. Ngài xả bỏ vật chất sở hữu và cũng không muốn bắt ai lệ thuộc Ngài. Theo Phật, vật chất có được là do phước báu tạothành. Phước là cái hồn và vật là cái xác. Phước báu hết thì của cải vật chất tiêu tan vì nạn cướp, nạn đao binh, nạn lửa cháy, nước trôi, con cái phá hủy.

Phật dạy người có phước đến đâu, vật sở hữu theo đến đó. Cái gì của ta, ta giữ được, nghĩa là giữ phước. Phước là tâm hồn hoan hỷ; hết phước thì tâm chúng ta tự nhiên buồn phiền. Tâm buồn phiền, bệnh hoạn theo đó thâm nhập vào thân. Tâm an, thân khỏe dẫn đến phước thứ ba là mọi người sẽ đến kết bạn và hợp tác làm ra của cải cho ta.

Trên bước đường tu, cần ý thức rằng việc giữ gìnphước báu quan trọng hơn vật sở hữu bên ngoài.Chúng ta giữ phước, chính yếu là giữ tâm hoan hỷ. Chính tâm hồn thanh thản tác động cho người tiếp xúc với ta được thanh thản theo. Ta không có ý đồ hay cơ tâm, nên mọi người dễ dàng thân thiện với ta. Còntính toán càng nhiều, khiến cho người cảm thấy e dè, sợ sệt, không dám gần gũi, hợp tác với ta. Thủ đoạn là tác nhân chính yếu làm tiêu hủy phước của mình.

Ở giai đoạn tiền Bát Nhã, giữ gìn phước đức bằng cách giữ tâm, thường gọi là thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức.Nói cách khác, là giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh. Ở giai đoạn tiền Bát Nhã, trước khi huệ sanh, chúng ta phải giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh để làm khuôn phép tu hành. Cónhư vậy, lòng chúng ta mới thanh thản được và tác động cho người thanh thản theo, tạo thành quyến thuộc đồng hành trên bước đường tu.

Tuy nhiên, trải qua một thời gian tập luyện như vậy trở thành nếp sống thuần thục rồi, tiến đến giai đoạn Bát Nhã, thì phản ứng của ta trước một việc hoàn toàn tự nhiên và đúng đắn, không phải dụng công nữa.

Tôi học kiếm đạo ở Nhật Bản và đã nhận ra ý của Văn Thù dạy về Bát Nhã trí. Mới tập, bước đầu họ chỉ dạy ta rút kiếm ra, thu kiếm lại trong suốt ba tháng và học bước tới bước lui cũng cả vài tháng. Điều này làm cho nhiều người dễ chán và nghĩ rằng không cần tập nhiều những động tác đơn giản ấy. Nhưng nỗ lực làm theo võ sư, tôi phát hiện ra về sau mình tự động tới lui, tránh né dễ dàng hay di chuyển đường kiếm cũng nhẹ nhàng tự động chính xác, không cần dụng công. Có thể tạm ví những bước học cơ bản ấy với thời gian chúng ta tu tập theo khuôn mẫu để luyện cho ba nghiệp thanh tịnh. Tuy thấy nó bình thường, nhưng giúp ích cho chúng ta rất nhiều về sau. Tiền Bát Nhã là những bước cơ bản để sau này đến giai đoạn Bát Nhã chúng ta tự ứng xử chính xác tùy trường hợp.

Đến giai đoạn quán chiếu Bát Nhã, trí chúng ta tự động trở thành bén nhạy lạ lùng; thấy được diễn biến của tâm thì chắc chắn sẽ hành xử đúng. Thực sự hành động hay việc làm, lời nói của một người đều phát khởi từ tâm của họ. Đức Phật quán sát được tâm chúng sanh, thấy họ muốn gì, nghĩ gì, làm được gì, Ngài theo đó đáp ứng. Vì vậy, Phật cứu độ người nào thì bảo đảm họ đắc quả, đắc pháp. Chúng ta không thấy tâm, không thấy nghiệp của chúng sanh, nên thường bị mắc lừa, hành động sai lầm.

Bồ tát Văn Thù nhìn Phật hành động đúng đắn, giáo hóa chúng sanh lợi lạc; nghĩa là Phật đã thể hiện tinh thần Bát Nhã. Dù Phật quán các pháp đều Không, nhưng việc làm của Phật và Bồ tát đều mang lại lợi ích cho các loài hữu tình về vật chất lẫn tinh thần.

Riêng chúng ta, tạo dựng được lợi ích vật chất, nhưng luôn luôn làm hao tổn tâm linh.Thật vậy, chúng ta xây chùa mà làm cho người buồn phiền bất mãn, vì chúng ta không sống với Bát Nhã và không làm theo cách của Phật.

Việc làm của Phật có lợi ích cho người từ đời này cho đến nhiều kiếp sau, vì Ngài hành xử với tâm Không. Tâm hoàn toàn trống không, Ngài mới quan hệ với chúng sanh qua tâm. Và tâm luôn thay đổi thì Phật pháp cũng luôn chuyển đổi cho thích hợp, tồn tại được với thời gian vô tận, không gian vô cùng.

Thật vậy, ngày nay chúng ta phát tâm Bồ đề, tu hành có kết quả chính là nhờ Phật lực đang chi phối chúng ta qua tâm. Và tâm Bồ đề của những bậc chân tu thạc đức tiếp tục ảnh hưởng qua tâm của những người có nhân duyên với Phật pháp. Cứ như vậy, từng thếhệ hỗ tương tác động nuôi lớn tâm Bồ đề của nhau, duy trì mạng mạch Phật pháp tồn tạivĩnh hằng trên thế gian này. Đó là cách nhìn thọ mạng của Đức Phật và chánh pháp củaNgài qua lăng kính Bát Nhã.