cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng



Đức Phật và đại chúng đang ở Kỳ Xà Quật và Ngài chuẩn bị thuyết pháp thì cách thế giới này về phương Đông chín trăm hai mươi vạn Phật độ có thế giới tên Thiện Biến, Phật hiệu Tịnh Trụ Như Lai và Bồ tát Bửu Kế hầu Phật cùng với tám ngàn Bồ tát.

Một Phật độ là tam thiên đại thiên thế giới, ở đây có đến chín trăm hai mươi vạn Phật độ cho chúng ta thấy khoảng cách giữa Ta bà và thế giới Thiện Biến xa đến dường nào. Tuy cách xa vô cùng tận như vậy mà Bồ tát Thiện Biến vẫn cảm thông được với Phật Thích Ca. Nhưng ngàikhông đi thẳng đến Ta bà mà lên Trời Phạm Thiên nói kệ ca ngợi Phật để chúng sanh mười phương trong Pháp giới nghe Phật thuyết pháp.

Điều này nghe có vẻ thần bí, nhất là ở thời xưa, hai người ở hai cõi khác nhau, nói chuyện và hiểu được nhau là điều khó. Tuy nhiên, ở thời đại chúng ta có thể lý giải được. Thực tế cho thấy ngày nay các Thiền sư ở thế giới khác nhau vẫn cảm thông và hiểu nhau được. Điển hình như vào thời gian tôi tu học ở Nhật Bản, khi tôi có ý định đến tham vấnThiền sư Sato ở chùa Vĩnh Bình cách xa thành phố Tokyo là nơi tôi ở đến sáu trăm cây số, mà ngài đã nhận biết được ý định đó của tôi và sai thị giả đứng chờ tôi đến để đưa vàophương trượng của ngài. Có thể nói những người đắc đạo, đắc Thiền có những sinh hoạt kỳ diệu. Thấy được như vậy, chúng ta mới vững niềm tin và thích tu hành.

Câu chuyện của bản thân tôi vừa nói để tạm lý giải phần nào sự tương thông giữa Phật Thích Ca và Bồ tát Bửu Kế. Hai Ngàicách nhau chín trăm hai mươi vạn Phật độ, nhưng đồng hạnh nguyện, đồng tâm tưởng là đồng một tần số, thì có thể nhận được tín hiệu của nhau. Chúng ta tu hành, tham Thiền thực chất nhằm dò tìm tần số của Phật, Bồ tát để cảm thông. Dò bằng cách suy nghĩ về hạnh của Bồ tát, Như Lai.

Nhưng muốn nghĩ được như vậy, trước tiên phải xóa ngũ uẩn. Người nhập Thiền bị lạc hay điên là vì không xóa được ngũ uẩn. Tôi tham vấn các Thiền sư, họ đều cho biết rằng điều chính yếu để nhập Thiền là phải thoát được thân ngũ uẩn. Vì vậy, Thiền sư dạy chúng ta tất cả phương tiện để không bị ngũ uẩn chi phối, là không còn kẹt tham, sân, si, mạn, nghi, đẳng phần phiền não hay tám mươi bốn ngàn phiền não trần lao. Nếu còn những thứ này mà vào Định là chúng ta vào thẳng phiền não. Vì khi Thiền định, sự tác ý của chúng ta khởi lên ở chỗ nào sẽ đi thẳng vào cảnh giới đó.

Chúng ta phải tập xóa phiền não mới vào Định. Luyện tập chính là làm sao đạt được vô tâm, vô niệm thì vào định, bất cứ ma nghiệp nào cũng không tác động ta được, chủ yếu là ngũ ấm ma.

Còn bị ngũ ấm chi phối, tuy có thần biến làm chúng ta tưởng mình đắc đạo thật; nhưng đó là tà. Thí dụ nhập Định thấy Thượng đế truyền lực làm cho mình bay được, tầm nhìn sáng hẳn. Ngoại đạo tu cũng đạt được kết quả thần biến này. Nhưng họ còn kẹt ngũ ấm,thần linh sẽ đến với họ và tác động cho họ làm được những điều kỳ lạ; chẳng hạn nhưnhịn đói được ba tháng vẫn khỏe mạnh.Nhưng họ còn khởi ham muốn, khó chịu, ai nói động đến liền khởi sân si, đối phó, đằng đằng sát khí, thì biết họ lạc vào tà định.

Trở lại việc Phật Thích Ca nhập Thiền, Ngài đưa một tần số ngang với Bồ tát Bửu Kế. Bồ tát nhận được tín hiệu của Ngài ở Ta bà, giống như trường hợp Diệu Âm Bồ tát ởphương Đông. Diệu Âm nhận được hai luồng hào quang từ bạch hào tướng và vô kiến đảnh tướng của Phật Thích Ca ở Ta bà phóng đến. Diệu Âm liền đến ngay Ta bà đảnh lễ Đức Phật Thích Ca. Có thể lý giải việc này rằngmuốn điều người, trước tiên phải sử dụng trí tướng hay trí tuệ, tài năng.

Bồ tát Diệu Âm nhận ra được hào quang của Phật Thích Ca là biết ở Ta bà có vị đại Đạo sư có trí tuệ vô thượng. Chúng ta có thể hiểu điều này nhằm khuyên người học đạo phải tìm người có tài tiêu biểu cho trí tướng và có đức hạnh là đức tướng. Tài năng và đức hạnh đầy đủ, người mới tìm đến học. Bồ tát Diệu Âm nói rằng ngài không thể không qua Ta bà, vì có vị Thầy quá tốt, quá giỏi cần ngài. Hợp tác với người tài giỏi và đạo đức, chắc chắn thành tựu được công đức.

Phật Thích Ca phóng hai hào quang chiếu thẳng đến Diệu Âm, chứng tỏ hai vị này đồng hạnh nguyện hay đồng tần số, dễ cảm nhau. Thật vậy, Phật Thích Ca ứng hóa thọ sanh thân và Bồ tát Diệu Âm trợ lực, vì không mang thân ngũ uẩn.

Kinh Pháp Hoa phẩm Tựa thứ nhất cũng cho thấy Đức Phật phóng bạch hào tướng quang chiếu sáng mười tám ngàn thế giới. Tất cả thế giới đó hiện ra đầy đủ và chúng sanh tự thấy nhau; nghĩa là Phật huệ phát ra rồi, người nươngtheo đó để hiểu rõ cuộc đời, thấy được nhân duyên. Chúng ta trực tiếp nhận ánhquang của Phật giúp chúng ta thấy pháp, hay nhân duyên và hiểu nhau. Nhưng Phật không còn trên cuộc đời, chúng ta nương theo giáo lý cũng có được những cảm thông với nhau và mường tượng được nhân duyên giữa các loài. Nói cách khác, nương trí và đức của Như Lai mà hiểu.

Điều quan trọng trên bước đường tu đối với chúng ta là đồng hạnh nguyện. Chúng ta quyết lòng bỏ việc trần thế để đi vào thế giới thuần tịnh của Như Lai, sẽ có Bồ tát đồnghạnh nguyện trợ lực. Còn khởi tham lam, thì khôngthể điều người. Lúc ấy, muốn người giỏi, tốt, giàu đến, nhưng họ lại tránh xa ta và chỉ có người nghèo đói, bệnh hoạn, tham lam tìm đến.

Muốn tu Phật đạo, phải lập hạnh theo Phật. Bồ tát Bửu Kế từ phương Đông cách chín trăm hai mươi vạn Phật độ không đến thẳng Ta bà như Diệu Âm. Nhưng ngài bay lên Trời PhạmThiên thuyết kệ tán thán Phật, ví như phải qua vệ tinh trung gian; vì họ không thể trực tiếp nghe Phật Thích Ca.

Bồ tát trong Pháp giới nghe bài kệ của Bửu Kế mới tập hợp về Ta bà để nghe Phật Thích Ca thuyết pháp. Có thể khẳng định rằng truyền đạo qua tâm có sức mạnh vôcùng; nghe qua lời nói rất giới hạn, đôi khicòn hiểu lầm. Người ở thế giới khác, nhưng đồng hạnhnguyện có thể hợp tác với ta. Thí dụ như Thượng tọa Giác Toàn có hạnh nguyện thăm viếng, an ủi người bệnh phong. Phật tử ở nước ngoài cũngcó ý thích như vậy thì họ gởi tiền về để nhờ Thượng tọa làm việc nhân từ đó. Họ không về được, nên phải qua trung gian của Thượngtọa.

Suy từ việc này để chúng ta hiểu Đức Phật Thích Ca. Ngài có thân người mới giáo hóa chúng hữu tình được. Bồ tát vô hình muốn làm việc này cũng không được, phải dồn lực cho người bằng xương thịt đồng hạnh nguyện để làm thay họ. Vì vậy, nếu tâm ý ta đồng với Bồ tát lực, Phật lực, tất yếu các Ngài gia bị cho ta. Nếu suy nghĩ đồng với ma lực, thì ma lực ủng hộ ta.

Điều này thể hiện rõ nét trên thực tế đời thường, có người giờ trước được việc, nhưng giờ sau đổi ý, họ thất bại. Họ phát lên nhanh chóng dễ dàng, vì tâm hồn lúc đótrong sáng, nhận được sức gia bị của Phật, Bồ tát và thể hiện thành những việc làm đúng đắn, thành công. Nhưng vì chưa đắc đạo, nên tâm của họ vô thường, tâm đổi thành xấu ác, không nhận được sức gia hộ của Phật, của Hiền Thánh nữa, nên việc làm cũng trở thành sai trái.

Riêng Đức Phật thì hoàn toàn thánh thiện. Vì vậy suốt cuộc đời Ngài nhận được lực gia bị của các Đức Như Lai và chư Bồ tát vô hình ở mười phương, gọi là nhứt Phật xuất thế, thiên Phật hộ. Nghĩa là có một Đức Phật mang thân ngũ uẩn thì có ngàn vị Phật vô hình ủng hộ. Nhưng Phật Thích Ca nhập diệt, lực của Phật mười phương gia bị hộ trì chánh pháp của Ngài. Ngày nay, chúng ta đang tuyên dương chánh pháp của Phật Thích Ca, nhất định phải được mười phương Phật gia bị để chúng ta đủ sức giữ gìn pháp Phật hiện hữu lâu dài, lợi ích cho chúng hữu tình.

Trong pháp hội này, Đức Phật đang ở Ta bà thuyết pháp. Bồ tát Bửu Kế ở phương Đông cách xa chín trăm hai mươi vạn Phật độ, nhận được tín hiệu của Đức Thích Ca. Ngài liền đưa một số Bồ tát lên Phạm Thiên thuyết kệ tán thán, để Bồ tát mười phương vân tập về Ta bà nghe thuyết pháp.

Bồ tát Bửu Kế ở xa mà hiểu được Phật là thần giao cách cảm. Hay nói cách khác, người có tâm hồn vắng lặng tạo thành tần số tâm linh. Ai ngang qua tần số đó thì trựcnhận được. Trong Pháp giới có nhiều tần số tâm linh và khi thông được với tần số nào thì bắt được tín hiệu tâm linh đó. Tín hiệu tâm linh không bị chướng ngại như sóng từ của điện thoại hay truyền thanh, truyền hình, v.v... Ở trạng thái tâm ngang nhau, người này nghĩ, người kia nhận được ý đó, là sự kỳ diệu của thế giới tâm linh. Có người làm thí nghiệm nói với tôi rằng anh ta có một người thân ở Hà Nội. Khi người này nghĩ về anh, thì anh biết được người này đang làm gì dù anh đang ở thành phố Hồ Chí Minh. Có thể hiểu đó là sóng từ của tâm linh. Giữa Phật Thích Ca đắc đạo và Bồ tát ở xa vẫn nhận được tín hiệu của nhau. Bồ tát mười phương tập hợp nghe được pháp âm của Phật Thích Ca là nghe theo sóng từ tâm linh.

Bồ tát Bửu Kế ở cách thật xa vẫn nghe Đức Thích Ca ở đây thuyết pháp. Nhưng Bồ tát này lại lên Trời Phạm Thiên và ở đó thuyết kệ. Ý này làm chúng ta suy nghĩ rằng Bồ tát Bửu Kế đồng hạnh nguyện với Phật Thích Ca. Ngài không đến để nghe pháp thôi, mà chính yếu là tạo điều kiện cho Phật thuyết pháp giáo hóa.

Bửu Kế thăng Phạm Thiên và từ đây, Bồ tát truyền làn sóng tâm linh đến các Bồ tát khác cùng một hệ tiếp thu. Nói đơn giảnlà ngài báo tin ở Ta bà có Thích Ca đang thuyết pháp. Nhưng ngài phải lên Phạm Thiên mở tần số thông báo.

Bồ tát Bửu Kế phải lên Trời Phạm Thiên tán thán Phật, ví như đưa vệ tinh lên không gian truyền đi khắp nơi. Hay ngụ ý thăng lên Phạm Thiên là đạt đến trình độ cao nhất của tâm linh mới truyền đi được cho mọi người. Vì Phạm Thiên tiêu biểu cho sự khởi đầu của vạn vật, hay trở về thật tướng các pháp thì các loài hữu tình đồng một thể, mới tương giao và cảm thông được. Bửu Kế phải thăng lên Trời Phạm Thiên là vậy.

Thực tế cho thấy các Thiền sư ở trên núi, trong hang động mà người vẫn lặn lội tìm đến; vì có lực vô hình tác động họ phải đến. Điển hình như Hòa thượng Huê Nghiêm lúc Ngài độ hơn 20 tuổi, nhưng tấm lòng mộ đạo rất cao.Chùa hết gạo, nhưng ngài nghĩ đi xin thì không nên. Ngài vẫn trụ ở chùa bỏ hoang tên là chùa Cô Hồn, tự nghĩ cứ ngồi yên nhập Thiền, chết cũng không sao. Ngài trụ tâm vô niệm hoàn toàn. Dân làng ở xã Phước Long lúc ấy đều chiêm bao thấy có một vị Thần gọi họ đến cúng dường một vị đang tu ở chùa Cô Hồn. Họ kéo nhau lên núi cúng dường Hòa thượng và kể lại giấc mơ như vậy. Ngài không biết, không gọi và cũng không mượn người đi kêu gọi. Tuy nhiên, thực tu đến mức độ nào, tâm trạng nào và cảm thông được thế lực vô hình thì các Bồ tát, thiện thần xuất hiện để hỗ trợ.

Bồ tát Bửu Kế từ Trời Phạm Thiên thuyết kệ thì người ở trần gian là trưởng lão Xá Lợi Phất nghe được Phạm âm, mới hỏi Phật Thích Ca. Nhân đó, Phật thuyết pháp cho biết có Bửu Kế đang nói kệ. Xá Lợi Phất vào Định, nghe được âm thanh của Bửu Kế.Thực tế người tu Thiền thường trực nhận được âm thanh ngoài ngôn ngữ như vậy. Ở Nhật Bản có một bà lãnh đạo tập đoàn Phật tử Reiyukai. Bà không biết chữ và xuất thân từ giai cấp làm thuê, nhưng chuyên thuyết kệ và có đến ba triệu đệ tử theo tu học. Phảichăng bà đã nghe được âm thanh ngoài càn khôn.

Bồ tát Bửu Kế hỏi Phật làm thế nào thấy Phật, nghe được pháp âm, vượt được lưới ma và tập hợp quần chúng. Vì thực tế có người tu thấy được Phật, vượt được khó khăn và có người tu cũng không được gì. Tuy cùng tu một chùa, cùng học một lớp, một Thầy, nhưng người đắc đạo, người không. Có người làm nên đạo nghiệp hay vào thế giới tâm linh được và cũng có người chẳng làm được gì ở thế gian này, nói chi đến thế giới khác. Chúng ta cùng suynghĩ về câu hỏi của Bồ tát Bửu Kế và lóng nghe Phật Thích Ca trả lời để áp dụng trong việc tu hành.

Việc quan trọng khác nữa mà chúng ta cần suy nghĩ là Bồ tát hành đạo bình thường, nhưng lại đạt kết quả cao. Thuở nhỏ tôi cũng hay ức lòng vì chuyện này. Mìnhráng tu cực khổ, ốm đau và còn bị người chống phá. Trong khi người khác sống tà tà, không tu lại gặp toàn việc may mắn và đi lên. Phải nói đó là cái nhìn của người chưa đắc đạo, không bao giờ thấy sự thật, chỉ thấy cái giả bề ngoài.

Bề ngoài thấy Bồ tát không tu. Thực sự họ tu trên chân thật môn, tu trên chơn tâm, nhưng hiện bên ngoài giả tướng. Bồ tát dùng chân thật trí quán sát các pháp và tùy nhân duyên giáo hóa chúng sanh. Đức Phật dạy rằng Bồ tát dùng đại huệ hiện tướng dâm nộ si để giáo hóa chúng sanh. Đại huệ nghĩa là đã đạt được sự hiểu biết cùng tột chân lý, nhưng vẫn hiện tướng tham sân si để độ sanh.Chúng sanh tội cấu, sống thật với dâm nộ si thì chắc chắn phải đọa ba đườngác, không thể khác. Nhưng Bồ tát Đại Huệ thấy được nhân duyên giáo hóa chúng sanh, nên ngài hiện tướng nghiệp để giống với họ, thường được gọi là đồng sự nhiếp. Đối với Bồ tát, dâm phòng tửu điếm, vô phi thanh tịnh đạo tràng; nghĩa là những nơi tội lỗi vẫn là đạo tràng thanh tịnh của Bồ tát. Ý nói bản tâm Bồ tát thanh tịnh, vào nơi tội lỗi nhằm mục đích làm cho người tỉnh thức. Bồ tát vào đời bằng đại huệ, nhưng có giả tướng là dâm, nộ, si. Chính do huệ chỉ đạo nên họ không bị hoàn cảnh xấu ác chi phối; người có nghiệp thật thì không thoát ra được. Chúng ta biết được Bồ tát hiện tướng giả say, vì sau đó, Bồ tát không bị nghiệp rượu hành hạ và còn làm cho người phát tâm. Giống như Phật Thích Ca hiện hữu ở Ta bà mang thân ngũ uẩn như chúng ta. Và Ngài tu hành đắc đạo, thông được mười phương Phật để chúng ta thấy Phật giống y như ta mà đắc đạo; chẳng lẽ chúng ta không được như vậy sao.

Không thể có việc một người tham sân si bỗng nhiên trở thành Bồ tát, Phật. Thật vậy, chúng phàm phu tham sân si sẽ đọa bađường ác, không thể nào khác. Hàng Thanh văn hay Nhị thừa thì sợ ba đường ác; nên họ trốn chạy, không dám làm việc ác, sợ cuộc đời sẽ nhận chìm họ. Thanh văn phảisống cách biệt thế gian để thoát ly dâm, nộ, si.

Bồ tát không phải phàm phu, không phải Nhị thừa, ra vào cõi này tự tại. Vì vậy, ta thấy họ là sát nhân, nhưng buông dao xuống là thành La hán liền. Phải biết đó là Bồ tát, vì sát nhân thật thì không thể nào được như vậy. Tất cả sự nghiệp công danh từ bỏ dễ dàng, đó là Bồ tát. Vì đối với Bồ tát, có cũng như không, không cũng như có. Việc làm của Bồ tát chúng ta không thể suy nghĩ biết được, thường gọi là bí mật thần thông. Mọi việc làm của Bồ tát đều nhằm giáo hóa chúng sanh, giúp họ tỉnh thức.

Bồ tát Bửu Kế hỏi Phật làm sao thấy Phật, được chư Phật hộ niệm, được chúng sanh quy ngưỡng, vượt được tất cả ma chướng, mọi Phật sự đều thành tựu. Bồ tát hỏi Phật những điều này không phải hỏi cho ngài. Ngài hỏi cho các Bồ tát khác do ngài vận động đến nghe.

Phật trả lời rằng cần tu sáu pháp Ba la mật và ba mươi bảy Phẩm trợ đạo. Đó là những điều kiện tất yếu để thấy Phật, được Phật hộ niệm, vượt được lưới ma, giáo hóa được chúng sanh và thành tựu Phật sự.

Đức Phật dạy chúng ta các pháp tu và Ngài khẳng định rằng ai sống trong chánh pháp thì được Phật hộ niệm. Vì Phật đangtrụ chánh pháp và ta sống với chánh pháp, nên ta và Phật không cách ly, nhất định được Ngài phóng quang gia bị. Chúng ta không thấy Phật hộ niệm cho mình thì phải tự xét lại xem mình có sống trong chánh pháp thật hay không, hay là đang ôm ấp tham lam, tức giận, si mê. Mỗi khi tôi buồn, giận, ham muốn… là giựt mình, vì tự biết mình đã ra ngoài phápNhư Lai, không còn được Phật hộ niệm nữa. Tôi vội vàng trụ tâm trở lại trong chánhpháp.

Khởi lên những tánh xấu ác, phiền não là đã lọt vào thế giới ma. Ma ở thế giới ma thì nó vẫn an lành. Ta là đệ tử Phật mà vô thế giới ma là tự sát. Thực tế cho thấy các Thầy tu làm ăn với người đời là hoàn toàn thua, mất trắng. Phải luôn sống trong pháp Phật mới được Phật che chở, mọi việc của chúng ta mới thành Phật sự.

Phật khuyên chúng ta nên sử dụng ba mươi bảy Trợ đạo phẩm để tự trang nghiêm thân tâm. Đây là pháp cơ bản nhất của Phật mà chúng ta phải thể nghiệm; nói chung là ba cửa giải thoát: Không, vô tác, vô nguyện. Đối với chúng ta, tất cả đều là Không, là giả, không có thật; vì thế, tâm chúng ta không tham đắm cuộc đời, mới ở trong đạo. Thấy cuộc đời là thật thì còn tham. Nhìn qua lăng kínhPhật pháp thấy cuộc đời này và mọi việc không tồn tại lâu dài, chỉ có khổ. Cần quán thân bất tịnh, thọ thì khổ, các pháp thì vô ngã, tâm thì vô thường. Trụ pháp như vậy,mọi việc không chi phối ta nữa, tâm luôn được an vui, thanh tịnh, hiện tướng giải thoát, mới vượt được lưới ma, người trông thấy mới phát tâm tu hành. Tôi nhắc các anh em ra trường đừng lo cất am cốc. Chùa dư rất nhiều, chỉ cần người tu, cần người làm việc.Thiết nghĩ chúng sanh ở nơi nào, thời nào cũng cần người tu đắc đạo. Đắc đạo tất yếucứu độ được chúng sanh. Người chưa theo vì chúng ta chưa đắc đạo, thì đừng nói, đừngkhuyên họ. Tôi lập hạnh này trong mấy chục năm trước. Mình tu đắc đạo, giải thoát chomình, không cứu được ai cũng không sao. Chỉ sợ nhất đọa xuống thì không lên được.

Thực chất bước ban đầu của người tu là từ bỏ sự quan tâm đến vật chất, trụ pháp Phật để diệt lòng tham, thì sẽ có tướng giải thoát. Kinh nghiệm bản thân tôi thấy rõ điều này. Người nói rằng sẽ cúng cho ta bữa cơm, một khu đất… Ta nghiệm lại xem lòng tham của ta có nổi dậy không. Khi chúng ta không nghĩ đến cơm ăn, tiền bạc…, lòng trống vắng thì người nghĩ chúng ta tốt, phước báu hiện rõ liền và họ cúng thật.Nhưng ta khởi niệm, trông chờ họ cúng như lời họ hứa, thì họ lại phớt lờ. Hoặc những lúc cần tiền xây chùa, ta tìm họ để xin thì họ cũng tìmcách từ chối; trong khi ta chẳng muốn xây dựng gì, người lại đem tiền đến đề nghị ta xây chùa! Chính vì vậy, phước báu được mất theo cách này gọi là mộng huyễn bào ảnh.

Ba mươi bảy Trợ đạo phẩm và sáu pháp Ba la mật dành cho hai hàng đệ tử Phật là Nhị thừa Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Tại sao ta không ở trong pháp đó, mà chạy ra ngoài chi cho khổ. Tự xét mình xuất gia thì nên trang nghiêm thân tâm bằng ba mươi bảy Trợ đạo phẩm. Nhưng theo tinh thần Đại thừa, ba mươi bảy Trợ đạo phẩm được quy lại, lấy Bát Chánh đạo làm chuẩn.

Người tu phải trụ Bát Chánh đạo, trong đó quan trọng nhất là đạt được chánh kiến. Muốn có chánh kiến, bước đầu áp dụng thấp nhất là văn, tư, tu. Ở trong pháp Phật, Thanh văn phải nghe, suy nghĩ, ứng dụng và phải có Thầy khai ngộ. Thầy phải giải thoát mới khai được; tu học với Thầy phiền não, chúng ta sẽ bị nhiễm phiền não. Theo Thầy thường rầy la, đánh mắng, chúng ta tích lũynhững thứ này lâu ngày bị tiêm nhiễm theo mà không hay; sau này chúng ta cũng đánh mắng học tròmình. Điều này sai, dù là để bắt nó học.

Từ chánh kiến của Thanh văn là Nhứt thiết trí, tiến lên chánh kiến của Bồ tát là Đạo chủng trí và chánh kiến của Như Lai là Nhứt thiết chủng trí. Có chánh kiến thấy tất cả pháp đều giống nhau; chỉ vì nghiệp khác nhau tạo thành hình tướng các loài hữu tình khác nhau và trong mỗi loài cũng có vô số hình tướng đẹp xấu khác nhau. Vì vậy, việc tu hành chính là chuyển nghiệp bằng cách nương theo pháp Phật. Nương theo pháp Phậtlà học, suy nghĩ, áp dụng pháp Phật trongcuộc sống; từng bước chúng ta sẽ phát huy sự thấy biết của Thanh văn tiến đến sự thấy biết của Bồ tát, Như Lai. Đạt được quả vị Như Lai, mọisự thấy biết hoàn toàn chính xác, không còn sai lầm và dùng sự hiểu biết vô thượng để cứu độ vô số chúng sanh thoát khỏi trầm luân sanh tử.