Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng
Quảng Bác Tiên nhân là giáo chủ lãnh đạo phái thần lửa và chủ trương tu khổ hạnh. Cách hành Đầu đà của ông được quần chúng kính ngưỡng. Ông có việc làm đặc biệt là mùa hè nóng bức, ngồi phơi nắng và đốt lửa cho nóng hơn nữa. Họ tự rèn luyện sự chịu đựng sức nóng, hoặc đến mùa lạnh chịu rét buốt, đói khát, cả tháng không ăn, coi như đắc đạo. Họ lấy sự chịu đựng nóng lạnh, nhịn ăn làm sở đắc. Người thấy lạ nên kính trọng.
Ở Việt Nam cũng vậy, tôi đã tiếp xúc với những vị nhịn ăn cả tháng, Thiền cả tuần, không nằm ngủ. Họ tưởng như vậy là đắc Thiền, đắc đạo; nhưng thật ra cơ thể họ xanh xao và trí tuệ không phát sanh. Đó là ám chứng Thiền sư, có sở đắc kỳ lạ, không ăn uống mà không đói, không ngủ cũng không mệt. Tôi kính trọng họ thực, nhưng khi tham vấn, tôi cầu học xem Thiền giả này đạt được gì. Họ trả lời rằng chỉ thấy an ổn, tức sống vô niệm, có thể tạm giải thoát, vọng thức tạm thời đứng yên, không hoạt động. Nhưng Đức Phật dạy chúng ta do Định phát huệ. Định mà không sanh ra huệ là hỏng. Không Định mà có huệ là hữu lậu huệ, là trí khôn của người đời khác với vô lậu huệ do hành Thiền.
Có thể nói Định của một số ngoại đạo hay bùa chú của họ luyện có kết quả thật. Họ dùng lực áp đảo, sai khiến người; nhưng việc làm của họ chỉ được một thời gian. Họ luyện tập rất cực khổ, mà mất rất dễ. Có một lúc nào họ dụng công, nhận được lực hiệu nghiệm kỳ lạ; nhưng chẳng bao lâu thì sự linh nghiệm ấy tự mất.
Theo tôi, vấn đề này dễ hiểu. Chẳng hạn như khi tôi tập Hiệp khí đạo cũng có được sức mạnh lạ. Khi tập trung luyện khí công, tôi có thể nhấc một vật nặng mà bình thường không làm nổi. Tuy nhiên, công lực này chỉ có được lúc đó và khi xả khí công, tôi cũng trở thành bình thường. Hoặc khi bị cảm, thì tất cả công lực cũng đều biến mất.
Việc tu luyện cho thể xác có sức mạnh phi thường của ngoại đạo rất cực khổ, nhưng vận dụng không được hiệu quả là bao. Việc phi thường của họ giống như làm trò ảo thuật, tạm được trong giây lát và khi chấm dứt trò chơi giả tạo này, thì họ cũng chẳng có phép lạ gì như họ đã biểu diễn. Điều này nhằm chỉ cho các Tiên nhân tu luyện thân xác theo các pháp của ngoại đạo. Đến khi tuổi già, sức khỏe và tinh thần suy sụp thì công phu tu luyện của họ trở thành không. Ở đây nói lên việc tu sai của ngoại đạo, đưa ra hình ảnh Quảng Bác Tiên nhân làm thí dụ cụ thể.
Tiên nhân dẫn đồ chúng đến ra mắtPhật. Ông thấy Phật và Thánh chúng có đời sống hoàn toàn khác hẳn. Họ nhịn đói lâu ngày, chịu lửa nóng đốt thân còn da bọc xương. Dùng khổ hạnh hành hạ xác thân, họ mang đầy thương tật và khổ đau. Họ tưởng rằng làm như vậy là đắc đạo và có thần thông, không ngờ đến tuổi già, công lực mất hết. Suốt đời tu khổ cực, được người kính trọng; nhưng xét lại chẳng được gì, chỉ là giả tưởng. Lúc ấy, họ mới tìm đến Phật xem có gì khác và thấy rõ Phật cùng Thánh chúng hiện tướng giải thoát, tâm hồn trong sáng.
Tu theo Phật thì kết quả phải như vậy. Người trần thế ăn no ngủ kỹ, lo chăm sóc thân xác, nhưng không được giải thoát và cũng không có trí tuệ. Ngoại đạo thì hành hạ xác thân, chịu khổ đau để mong được sanh lên Trời hưởng khoái lạc. Chúng ta theo đường Trung đạo, không hưởng lạc thú vật chất như người thế gian, nhưng cũng không khổ hạnh để phiền não phát sanh. Chúng ta vẫn ăn uống bình thường và tiến hơn, chỉ ăn những thứ cần thiết và thích hợp với cơ thể nhằm giữ được sức khỏe tốt. Chữa lành bệnh và cơ thể chuyển biến theo hướng tốt là cách tu điều chỉnh thân. Khi thân trở thành khỏe mạnh, nghĩa là chúng ta đã thỏa hiệp được với thân trên bước đường tu, thì tâm không còn bị thân tác động nữa. Phật dạy tâm Tỳ kheo thanh tịnh êm thắm như mặt nước hồ thu, thân giải thoát. Tu đúng pháp, các Thầy cần suy nghĩ rằng chưa nói đến việc thành Phật, nhưng trước mắt, chúng ta phải hơn người về thân tâm như vậy. Từ thân thể khỏe mạnh, chúng ta có được tầm nhìn tương đối chính xác và cứ như vậy mà thăng hoa. Đó chính là Định sanh Huệ, hay tinh thần lành mạnh, trong sáng trong một cơ thể tốt khỏe.
Diện kiến Phật và Thánh chúng, Quảng Bác Tiên nhân nhận ra cuộc sống cao đẹp của Đức Phật và con đường sai lầm của họ. Phật hoàn toàn thanh thản tự tại trước mọi việc; còn họ theo truyền thống Bà la môn, chịu khổ hạnh để sanh lên Trời. Họ không thấy Trời mà chỉ thấy bệnh hoạn, ốm yếu, mệt mỏi. Phật dạy họ rằng với cơ thể bệ rạc làm sao lên thiên thượng được, vì Trời phước báu hơn người; đã không bằng người, thì nói chi đến lên Trời.
Phật dạy họ muốn lên Trời phải tu phước, mà căn bản là bố thí. Không làm phước, không bao giờ sanh phước được. Theo Phật, có ba việc để sanh phước. Thứ nhất, bố thí về trí tuệ là phước lớn nhất, dùng hiểu biết của mình dạy cho người. Muốn như vậy, ta phải có sự hiểu biết chính xác, nghĩa là lấy thành quả của mình đạt được để chỉ dạy cho người, không phải nói suông. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được như mình; nên phải dùng phương tiện dạy cái họ cần, họ ưa thích, nhất định họ làm được. Người có làm được, mới dạy. Nếu không, việc dạy của chúng ta trở thành vô ích, nhiều khi phản tác dụng.
Dạy cho người phát triển được trí khôn, giúp họ có nghề nghiệp để tự sinh sống, làm ra của cải dùng được suốt đời và nhiều đời. Truyền trao sự hiểu biết và vẽ ra con đường sống cho người như vậy là bố thí trí tuệ, tạo được phước báu lớn nhất. Người theo Phật tu từng bước đi lên và từng kiếp có thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Ngoài ra, chúng ta che chở, làm chỗ cho người nương tựa và phát huy tài năng để họ trở thành người hữu ích. Ai nương theo ta cũng nên người; đó là công đức bố thí lớn thứ nhì. Công đức thứ ba là bố thí thức ăn, tiền bạc, vật chất. Tuy nhiên, cũng cần giúp đúng người, đúng chỗ. Họ cần tiền mua sách vở, đóng học phí, ta sẵn sàng giúp để họ tiến bộ trên đường học vấn, tốt nghiệp và có một nghề nghiệp vững vàng trong xã hội. Trái lại, cho người để họ sử dụng vào việc vô lý, có hại là bố thí không đúng đối tượng, không được phước, cònsanh ra tai họa.
Đối tượng là người có chí hướng thượng đang tu, đang cần được giúp đỡ. Ta chỉ giúp một phần, nhưng họ lên được. Người tham lam, ích kỷ, chỉ hưởng thụ, thì cho họ baonhiêu cũng không đủ. Ta giúp họ tu, học và theo dõi họ có thực sự tu học hay không, có trưởng thành hay không, Họ cần tiền học, ta cho. Họ thi đậu rồi thì không cần sự giúp đỡ này nữa; ta không nên tiếp tục cho để tạo cơ hội cho họ tiêu xài phí phạm.
Phần nhiều chúng ta bố thí, cúng dường sai, nên không có công đức. Xây chùa, đúc tượng đúng chỗ mới tạo được công đức. Chùa mà không có người tu hành thì để làm gì. Điều quan trọng là nhắm đến nơi sử dụng mà chúng ta đáp ứng. Ở thôn quê, cất chùa lá, Phật giấy, nhưng người tu được. Chúng ta không cần đầu tư nhiều tiền của, công đức vẫn sanh ra. Trái lại, huy động nhiều tiền,nhưng xây dựng xong, đóng cửa chùa, để đó, quả là phí phạm. Hoặc cúng chùa để người tranh chấp với nhau là cùng nắm tay nhau vào địa ngục. Xây dựng chùa cho ta thì ta thiếu nợ người, vì lạc quyên, vay mượn, bao giờ trả hết được, nên đọa. Nhưng ta không cần, mà xây chùa cho người tu, làm chỗ dựa cho người phát huy đạo đức. Biết làm đúng, công đức sanh; không biết, làm sai, tiền mất tật mang.
Đức Phật cũng dạy Quảng Bác Tiên nhân tránh những sai lầm trong việc bố thí. Chúng ta ngày nay cũng thường phạm sai lầm này, là không phân biệt được thí chủ và người đi bố thí.
Thí chủ là người xuất tiền ra, thí dụ tiền của tôi đem đi cứu trợ, tôi là thí chủ. Người xuất tiền ra hoàn toàn vô tư, nghe có người khổ, họ động lòng trắc ẩn, nhưng không đích thân mang tiền cho người được. Họ phải nhờ chúng ta làm trung gian mang tiền đi giúp. Thí chủ chỉ có lòng tốt như vậy là được hưởng phước báu sanh Thiên.
Người làm thay, quyên góp để đem đi bố thí, chỉ là người chuyển giao; giao xong thì hết trách nhiệm, không giao thì nợ. Nhưng giao, mà nói là của mình bố thí, thì phạm tội cướp công, sẽ thọ quả báo. Ý thức rằng đồng tiền là của người và ta cũng nói rõ như vậy với họ khi bố thí, thì ta đã tạo được công đức chuyển giao. Người nhờ ta mang tiền đi giúp và người nhận được tiền giúp đỡ, cả hai bên đều mang ơn ta. Nếu chỉ có một ý niệm là của ta thì tội liền.
Chúng ta tu giải thoát, thanh tịnh, sạch nghiệp tham sân si; người tin tưởng và quý trọng, mới ủy thác việc làm cho ta. Và làm được, công đức mới sanh. Nếu nghiệp còn thì nhận tiền của người, liền khởi lòng tham. Thí dụ họ đưa tiền để chúng ta giúp đỡ người nghèo, nhưng các Thầy cô lại sử dụng tiền này để xây chùa, thì chùa này thành cái gì. Như vậy, tu hành mà phạm phải tội ăn cắp, ăn trộm của người nghèo khổ, chắc chắn là tội lớn. Tiền nuôi cô nhi, dưỡng lão, người bị phong..., thì ăn của họ thật đáng sợ; đổi việc phước thành tội như vậy, làm sao sanh Thiên nổi.
Hoặc cũng có người làm từ thiện hóa ra làm ác. Chẳng hạn thực tế có mở nhà cô nhi rồi và làm đơn xin trợ cấp. Với dự án là một trăm triệu đồng và được cho năm mươi triệu là được một nửa; còn một nửa mình phải phấn đấu. Họ liền nghĩ đến gian lận là khai một trăm triệu đồng, nhưng thực sự chỉ cần đến năm mươi triệu đồng là đủ và họ còn nộp hồ sơ nhiều nơi để nhận nhiều hơn nữa. Từ thiện kiểu đó trở thành bất thiện và đồ viện trợ chứa đầy kho, đem bán để dùng vào việc khác. Số tiền lớn mà họ nhận được là do từng đồng góp nhặt của những người giàu lòng nhân ái ở khắp thế giới gom lại. Thử nghĩ tội ăn cắp này làm sao xóa được.
Gần đây, tôi tham gia vận động cho chương trình giúp người nghèo mổ mắt. Ở Úc, các Phật tử tuy không dư dã, nhưng đã gom góp từng đồng để nhờ tôi làm công việc từ thiện này. Tôi cảm thấy đồng tiền từ thiện rất nặng. Mình chỉ là người trung gian, nhưng làm không trọn là phạm tội. Chúng tanghĩ mình tu hành, làm từ thiện, bố thí. Nhưng kiểm lại thấy tội quá nhiều, nên cuối đời thân tàn ma dại, cửa địa ngục mở ra chờ sẵn; làm gì có chuyện lên Thiên đươngg.
Phật dạy Quảng Bác Tiên nhân bố thí, cúng dường đúng pháp. Phật, Thánh nhân, Thầy và cha mẹ là những người xứng đáng mà chúng ta phải cúng dường, đầu tư công đức.
Đức Phật là bậc toàn giác, toàn thiện. Ngài hiện hữu làm lợi ích cho vô số người. Chúng ta thân cận cúng dường Phật, tu học với Ngài, tất nhiên được công đức lớn nhất. Kế đến, gần gũi cầu học với các bậc Thánh nhân không phạm sai lầm. Hoặc thân cận, tu học với các vị minh sư, đạo đức, hiểu rộng biết nhiều, cũng không làm điều gì sai trái.
Phật, Thánh nhân, Thầy Tổ là những vị xứng đáng có thừa khả năng truyền trao trithức và tác động cho thân, khẩu ý của chúng ta thanh tịnh, thăng hoa. Vì vậy, được nươngtheo sự sáng suốt và thánh thiện của những vị này để tu học, chúng ta dễ dàng tạo được công đức vô cùng trên lộ trình hành Bồ tát đạo.
Có một số người thường nghĩ rằng Phật, Thánh nhân và Thầy Tổ không cần mình, nên đi tìm người cần mình để hợp tác. Nhưng thử nghĩ lại xem, phần nhiều những người cần mình thì thường kém hơn mình và họ phải nương mình để sống thì e rằng cộng tác với họ, bản thân mình khó thăng tiến tâm linh và khó tạo được công đức.
Ngoài ra, chúng ta còn có bổn phận cúng dường, chăm sóc cha mẹ. Phật đã dạy tâm hiếu, hạnh hiếu là hạnh Phật. Người bất hiếu chắc chắn không có phước đức, chẳng ai thương kính, mà còn bị đọa.
Nếu chúng ta không quan tâm đến Phật, Thánh nhân, minh sư, cha mẹ, nhưng lo tiền của, công sức để đầu tư vào việc khác, thì cần xét lại xem việc ấy có đáng làm hay không. Không đáng mà làm thì phải tiêu mất cả vốn lẫn lời.
Phải luôn nhớ rằng không có Phật,Thánh nhân, minh sư thì làm thế nào chúng ta tạo phước được. Các Ngài nhìn xa hiểu rộng, mới có thể đưa ta ra khỏi khổ đau sanh tử luân hồi. Và khi chúng ta có tri thức, đạo đức, chúng ta sẽ tiếp tục theo con đường của các Ngài, làm chỗ nương tựa cho mọi người để họ cũng được phước như ta. Hành Bồ tát đạo phải làm quyến thuộc của Bồ tát và khi lên quả vị Bồ tát, chúng ta tiếp nhận quyến thuộc để cùng dìu dắt họ đi lên. Còn tự ý làm, phạm sai lầm thì phải thọ quả báo.
Đức Phật bảo Tiên nhân Quảng Bác hãy quan sát Thánh chúng của Phật và đồ chúng của Tiên nhân, sẽ thấy khác xa một trời một vực. Thánh chúng thì hiện tướng giải thoát và tâm hồn thanh tịnh, là phước điền cho người nương nhờ. Đức Phật chỉ dạy pháp tu đúng đắn, đưa người từ hạng phàm phu tiến sang quả Dự lưu, Nhứt lai, Bất hoàn và La hán. Đó là quá trình chuyển đổi từ phàm phu sang Hiền vị của đại chúng đệ tử Phật đạt được trên bước đường tiến tu. Trong hiện tại, tu hành được sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn là đi đúng hướng và chấm dứt cuộc sống này thì tái sanh về Niết bàn hay lên Thiên đường. Nhìn thấy thành quả của Thánh chúng tốt đẹp như vậy, tự khắc hiểu rằng Đức Phật là bậc đại Đạo sư toàn giác, toàn trí, toàn mỹ. Trong khi, tà sư ngoại đạo dạyngười đi vào đường cùng, bệnh hoạn yếu đuối, tinh thần u mê, ám chướng, làm thế nào có đủ khả năng bước cao hơn lên Thiên giới.
Đức Phật chỉ cho Quảng Bác Tiên nhân thấy A Na Luật và Thiên Đế Thích. Đế Thích nhờ tu hành, tích lũy đầy đủ phước báu mới làm vua Trời ở cảnh giới chư Thiên. A Nâu Lâu Đà hay A Na Luật là đại đệ tử của Đức Phật còn vượt trội hơn cả Trời Đế Thích. Ngài là bậc Thánh đã ra khỏi sự chi phối của sanh tử luân hồi. Đế Thích tuy là vua Trời được hưởng mọi phước báu vượt hơn thế gian, nhưng vẫn còn trong vòng quay sanh tử; khi hưởng hết phước, cũng bị đọa như mọi người.
Có thể khẳng định rằng đạo Phật dạy người pháp tu rất thực tế. Cứ nhìn thành quả tốt về thể xác, tinh thần, đạo đức, việc làm ích lợi cho người thì biết người đó tu đúng; khỏi cần tranh luận phải trái chi cho vô ích. Không ai có thể phủ nhận hình ảnh của Đức Phật trọn lành, toàn trí, toàn thiện và đệ tử của Ngài cũng phần nào tỏa hương định, huệ, giải thoát, tác động cho người an vui.
Quảng Bác Tiên nhân hỏi Phật làm sao biết người chết được sanh lên cõi Trời. Theo Phật dạy, quan sát cận tử nghiệp của họ thì biết. Người đã tạo nhiều tội ác thì khi sắp chết, họ sẽ hiện tướng địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh hay A tu la, thường rên la, đau đớn như đang bị hành hình, dù họ không bệnh hoạn gì; hoặc chỗ họ nằm đã bốc mùi hôi thúi, dù họ giàu có, dọn dẹp kỹ lưỡng. Trái lại, người bình thường có tu hành, có sở đắc. Khi chết, họ thường không có mùi hôi, lòng họ lại thanh thản, niệm Phật, nên nét mặt lúc chết rất tự nhiên như người ngủ, nhìn không thấy sợ. Cao hơn nữa, người sắp chết tỏa mùi hương, nét mặt hân hoan, sáng láng, cảnh trí xung quanh họ nằm thật thanh tịnh. Chắc chắn đó là điềm báo người này sanh về cõi Trời.
Đức Phật dạy rằng căn cứ vào việc làm hàng ngày và cận tử nghiệp sẽ biết được người đó tái sanh cảnh giới nào. Khi Phật nói xong điều này, Ngài liền phóng quang cho Quảng Bác Tiên nhân và đồ chúng của ông trông thấy các cảnh giới khác, cho họ thấy nguyên nhân làm những việc lành dữ như thế nào mà thác sanh vào thế giới tương ưng xấu tốt như vậy. Đức Phật dạy điều gì cũng khiến cho người tin tưởng tuyệt đối và thực hành theo, vì Ngài luôn luôn chứng minh được những gì Ngài dạy. Không phải Ngài chỉ nói suông, mà chứng minh bằng việc làm cụ thể bất tư nghì, vượt ngoài khả năng thông thường của tri thức con người. Chúng ta khó thuyết phục, giáo hóa được người cũng vì còn bị nhiều hạn chế về khả năng tu chứng.
Tóm lại, trong pháp hội này Đức Phật đưa ra pháp tu sai và kết quả thảm hại của tà sư ngoại đạo ở thời của Ngài, để hướng người đi theo chánh pháp của Phật. Hiện đời họ an vui giải thoát, tái sanh thì luôn được hưởng những thành quả tốt đẹp hơn trong những cảnh giới sung sướng hơn. Và cao tột hơn nữa, Bồ tát Thánh Hiền ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, tùy ý thọ sanh, xây dựng Tịnh độ, hoặc ra vào tự tại bất cứ cảnh giới nào tùy tâm nguyện.