Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng
Thế giới vật chất chỉ chia làm hai là thế giới của loài người và của loài vật. Mặc dù người và vật đồng sinh hoạt trên trái đất này, nhưng chúng ta tự tách ra, vật riêng và người riêng. Vì loài vật từ xưa đến nay không thay đổi; trong khi loài người từ lúc xuất hiện trên trái đất cho đến ngày nay, từ suy nghĩ, cho đến cuộc sống và sinh hoạt đều thay đổi rất nhiều. Như vậy, chúng ta thấy có loại hình thế giới không thay đổi và loại thế giới hữu tình có thay đổi. Con vật muôn đời vẫn vậy, không đổi; nhưng loài người từng thế hệ nối tiếp không giống nhau.
Với xã hội loài người đi lên như vậy thì Phật dạy Phật pháp bất ly thế gian giác. Thế gian chỉ cho con người và thế giới của người. Đức Phật mang thân người và từ con người mà Ngài giác ngộ. Vì vậy, Phật dạy rằng từ con người tu thành Phật, không phải ra ngoài thế giới khác. Nếu nghĩ thành Phật ở thế giới khác thì sai.
Phật nhắc rằng loài người tối linh trong muôn loài, vì duy nhất thế giới loài người có thay đổi và chỉ có làm người mới có đủ điều kiện tu đắc đạo. Ý này được Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng thế gian tướng thường trụ, hay thường trụ Phật thân ở ngay trong con người, Phật pháp tồn tại trong loài người. Khi nào loài người không tin Phật, không nghĩ về Phật, thì đạo Phật mất. Cách duy trì của đạo Phật là duy trì trong suy nghĩ của con người, đầu tư đúng nhất của đạo Phật là đầu tư cho con người. Có thể hiểu là khi Tăng Ni, Phật tử bị người tẩy chay là đạo của chúng ta đã bị bỏ rơi. Loài người văn minh đến đâu, giới Phật giáo phải văn minh đến đó và chúng ta là người giác ngộ phải đi trước người khác một bước. Điển hình là Đức Phật thấy đúng và thấy xa hơn ngoại đạo ở thời của Ngài.
Trên bước đường tu, việc quan trọng của chúng ta là thấy, ở đây nói về thế giới Phật và mượn Bồ tát Diệu Kiết Tường, tức Văn Thù Sư Lợi, dịch âm là Mansjusri. Ngài tiêu biểu cho trí là cốt lõi của đạo Phật, hay nói về thế giới của người trí thức thấy xa hiểu rộng, mở đường cho văn minh nhân loại đi tới. Phật giáo thực hiện được việc này, tất nhiên hưng thạnh; nhưng đánh mất vai trò chỉ đạo của trí tuệ thì Phật giáo bị lãng quên hay mất dạng, chùa chỉ còn dưới hình thức di tích lịch sử. Chùa cổ vang bóng một thời, nhưng không được người đương thời để tâm, coi như đạo mất. Nhìn về thế giới Phật và đi vào thế giới Phật là khai mở trí tuệ, mở ra văn minh cho người. Theo Phật, chúng ta xây dựng thế giới tiến bộ, không phải bảothủ.
Trong kinh này, Phật dạy rằng gốc của đạo Phật là ngũ uẩn, tức con người. Nói cách khác, đạo Phật tồn tại trong con người, trong suy nghĩ của con người. Tuy nhiên, những suy nghĩ về Đức Phật, đạo Phật, về con người có thay đổi. Tuy chúng ta chưa đạt Vô thượng Đẳng giác, chưa có trí tuệ chính xác như Phật; nhưng về mặt truyền thừa, những suy nghĩ của chúng ta được loài người đương thời chấp nhận là đạo Phật vẫn còn tồn tại.
Quan sát trong ngũ uẩn có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, thấy rõ Phật giáo tồn tại ở trong năm thứ này, không thể lạc ra ngoài. Tồn tại ở sắc, nghĩa là hình thức Thầy tu,chùa chiền, Phật tử lễ bái, cúng kính thì dễ thấy. Nhưng sang bước thứ hai, cảm thọ về Phật giáo còn hay không. Hình thức còn, nhưng cảm thọ mất, nghĩa là mặc áo tu, nhưng không tha thiết với cuộc sống của người tu, là biết Phật giáo suy đồi. Tu bất đắc dĩ, vì hoàn cảnh đi tu thì họ cảm khổ thọ; vì họ không muốn, không bao giờ làm đạo tiến bộ được.
Quan trọng là chúng ta phải làm cho người lạc thọ, đưa Niết bàn vào đây. Nghĩa là trên bước đường dấn thân của ta và người, đều nhận được hương vị giải thoát của đạo, làm cho người thích thú, an lạc, thăng hoa. Thấy chán nản, buồn bả, không thể đi lên được. Kinh nghiệm bản thân tôi tu hành, tiếp nhận được sự cảm thọ an lạc và thể hiện trong cuộc sống hiện thực. Người thấy cuộc sống lý tưởng mới theo và tôi giảng dạy họ bằng thành quả ấy. Nếu chúng ta tu hành mà sống khổ đau, chẳng ai dám theo.
Sự tồn tại của đạo Phật có trong cảm thọ ở bước thứ hai. Nếu không, chỉ còn phần sắc là chùa và Thầy tu, thì chùa không có hồn cũng dần dần trở thành hoang phế.
Phần thứ ba là tưởng uẩn. Việc tu hành của chúng ta cũng liên quan mật thiết đến ”Tưởng”, từ đó hình thành thế giới quan; nghĩa là sự quan sát, suy nghĩ và lẽ sống của chúng ta tạo nên thế giới Cực lạc hay Niết bàn. Đó là pháp môn Tịnh độ để xây dựng con người, xã hội và đại tự nhiên hoàn toàn vui tươi, gọi là thế giới Cực lạc.
"Tưởng” đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Thật vậy, "tưởng” là phát nguồn của văn minh khoa học của loài người. Tu mà diệt "tưởng” thì nguy hiểm; vì văn minh không thể phát và cũng không thể cảm thọ, tiếp nhận được, thì chúng ta trở thành lạc hậu.
Quan trọng là chúng ta ngồi yên suy nghĩ được cái mới, tức văn minh do "tưởng” mà ra. Tưởng đó là triết học, đem ứng dụng trở thành khoa học. Thế giới Tây phương Cực lạc của Đức Phật Di Đà được Ngài xây dựng bằng cách kết hợp vật chất tạo thành thế giới và mộ tập đưa người về xây dựng thế giới đó; nghĩa là chuyển đổi con người thành lợi ích, chuyển thế giới thành tốt đẹp. Bắt đầu chỉ có ”tưởng”, nhưng sau trở thành thế giới văn minh tiến bộ.
Có người nói rằng Phật rất văn minh, vì Ngài đã biết từ xa xưa việc làm nhà vệ sinh hiện đại. Và đối với người chết thì đất tự nứt ra, làm xác của họ mất dạng; có thể hiểu theo ngày nay là hình thức thổ táng, khác với thủy táng theo kiểu Ấn Độ xưa kia. Từ người chết hôi dơ theo thủy táng đổi thành cách sống văn minh, không có xác chết, là từ tưởng tượng trở thành hiện thực.
Nhờ "tưởng” văn minh tiến bộ đóng góp thiết thực cho cuộc sống tốt hơn. Nếu tu hành diệt "tưởng”, chúng ta trở thành gỗ đá và hiện hữu cũng không còn ý nghĩa.
Phần thứ tư là hành uẩn, tức hành vi tạo tác của nội tâm rất quan trọng, chúng ta phải nhận ra. Hành uẩn có hai mặt, mặt hạn chế là vô minh duyên khởi nên diệt; nghĩa là diệt vô minh hay sai lầm của chúng ta, không phải diệt "tưởng”. Chúng ta không cho vô minh duyên khởi lên "hành”, nhưng từ chơn như duyên khởi.
Tất cả những duyên khởi hay mọi việc trên cuộc đời, Đức Phật biết rõ không sai lầm. Ngài thấy nó từ cội nguồn là chơn như. Vì vậy, Ngài đưa ra tám mươi bốn ngàn pháp môn tu để đối trị với tám mươi bốn ngàn phiền não trần lao, chận đứng cửa vô minh.
Sự vật biến đổi thì tâm tưởng cũng biến đổi. Vì thế, Đức Phật giúp chúng ta nhận thức đúng, đổi từ vô minh thành chơn như, đổi khổ đau thành an lạc, đắc La hán. Và từ đây phát triển mặt tu tích cực làm lợi ích cho người. Đó là hướng tu tự giác, giác tha của chúng ta.
Theo Phật, chỉ có trí tuệ mới có khả năng thay đổi xấu thành tốt, khổ đau thành an lạc. Vô minh chấp trước tham vọng sẽ dẫn chúng ta đến quả khổ đau. Thực chất không khổ; về tự nhiên, không có gì làm chúng ta khổ, nhưng tham vọng của chúng ta biến tự nhiên thành bao vây, làm chúng ta khổ. Điển hình như loài người làm thế giới này ô nhiễm và chính tình trạng ô nhiễm tác động ngược lại, gây khổ cho chúng ta. Chúng ta có thay đổi là phải tự mình làm trong sạch môi trường. Thay đổi thế giới thành trong sạch hay ô nhiễm cũng do chúng ta. Nếu có trí tuệ, thấy ô nhiễm không có lợi, chúng ta không tạo ra nó, thì cũng không cần cải thiện cho trong sạch; vì vốn dĩ nó bất sanh bất diệt. Nếu chúng ta tiến bộ văn minh, không làm sai, khỏi cần làmlại. Thí dụ nếu không xả rác hay nước thải độc hại làm ô nhiễm kênh Nhiêu Lộc thì không phải mất công sức và tiền của để dọn dẹp kênh này cho sạch sẽ. Đó là cái nhìn về tự nhiên.
Nhìn về khoa học xã hội, thấy tâm lý phức tạp của con người. Phân tích, hiểu được tất cả tâm tưởng của mọi người thì chúng ta chuyển được xã hội theo hướng tốt. Hiểu biết của con người chuyển đổi xã hội thành tốt; dại dột của con người làm cho xã hội trở thành xấu. Tôi thấy có việc không đáng giận, không có gì để chống phá, giết hại nhau. Nhưng loài người vẫn cứ tiếp diễn chiến tranh từ thời xưa cho đến nghìn sau, vẫn không chấm dứt thù nghịch nhau.
Vua Thuận Trị thấy từ xưa, thời Trung Hoa lập quốc cho đến nhà Thương, Chu, Tần, Hán, Đường, Nguyên, Minh, trải qua giaiđoạn lịch sử dài, tự nhiên mọi người sanh tâm thù nghịch, sát hại nhau, làm cho bao người sống không được chút an lành. Chỉ vì một người làm vua quyết định sai lầm, mà xua tất cả vào vòng chém giết không thương tiếc.Nhưng làm như vậy thì đạt được thành quả gì, có sung sướng, lợi lạc gì không.
Xã hội này tốt xấu cũng do con người quyết định. Phát xuất từ một điểm nhỏ như ngay trong chùa, nếu thầy Trụ trì sángsuốt thìkhông có vấn đề. Nếu vô minh khởi lên thì cũng Tịnh độ này, nhưng không còn Phật pháp, mà là địa ngục. Ngài Thảo Đường Thiền sư cảm nhận ý này, dạy rằng trong nhà tranh vách đất có tâm từ bi thì vẫn có Phật; ở nơi cao sang mà tranh chấp thì mở ra cảnh địa ngục.
Chỉ cần thay đổi tâm phát xuất từ vô minh hay từ chơn như duyên khởi, là thay đổi toàn bộ cảnh giới. Tâm do chơn như duyên khởi thì tác động vào cuộc đời, vào thiênnhiên, vào người đều nhận được sự an lành; vì hành giả không có quyền lợi gì. Thiền sư đắc đạo sống với tâm hành vô hành, không lợi dụng nhờ vả ai, chỉ tỏa ra sức sống an bình. Đức Phật chẳng những không nhờ mà còn tác động cho người giải thoát an vui. Vì Ngài từ chơn như duyên khởi, không có nghiệp chướng trần lao, ham muốn đòi hỏi. Không cần gì ở cuộc đời này, nhưng từ tình thương, Phật muốn mang sự hiểu biết và lòng từ bi đến giúp đỡ mọi người.
Thế giới này là một, trong đó có thế giới của Phật, của Thánh Hiền, của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, v.v...; hay mười loại hình khác nhau hiện hữu trong thế giới chúng ta đang sống là thế giới tâm tưởng. Đó là vấn đề mà Đức Phật giải thích trong pháp hội này.
Kế tiếp, Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật về sự bất sanh bất diệt trong đạo Phật. Tâm chơn như không sanh diệt, nhưng hiểu được rất khó; phải có con người không sanh không diệt mới chứng minh được.
Có vô thường sanh diệt là việc bình thường. Nhưng không sanh diệt để chuyển đổi thế giới sanh diệt thành không sanh diệt là việc khó mà Đức Phật thường thể hiện trong việc hành đạo. Nói cách khác, sống trong thế giới sanh diệt, người tu chứng như Phật không sanh bất cứ vọng tâm tham đắm nào, gọi là vô sanh.
Không sanh vọng tâm tham đắm thì người sẽ không tranh chấp với ta. Tâm ta sanh khởi thì tâm người cũng sanh khởi theo. Ý này được Phật dạy rằng cái này sanh thì cái kia sanh, nghĩa là sanh theo cái vọng tâm sanh ra của chúng ta. Chúng ta có ý niệm giúp Trụ trì thì Thầy này cũng sanh tâm tương ưng. Nhưng chúng ta bất mãn, thì Trụ trì cũngsanh khởi tâm tống khứ chúng ta đi. Tất cả mọi việc đều do tâm sanh khởi của chúng ta mà ra.
Như Lai không ở trong vòng luẩn quẩn này. Ngài trụ ở Vô sanh, không có quyền lợi nào trên cuộc đời này; nên không ai tranhchấp với Ngài. Từ Vô sanh, không sanh khởi mới đưa ra vấn đề thứ hai là Văn Thù Sư Lợi hỏi rằng Vô sanh thì trở thành gỗ đá, không biết phân biệt mọi việc trên cuộc đời hay sao.
Đức Phật dạy chẳng phân biệt, nhưng cũng không rời phân biệt. Vì sự phân biệt này ở dạng Vô sanh, nên trong cái không sanh có sanh, tức Vô sanh hiện sanh. Vô sanh mà Đức Phật chứng đắc, Ngài không phân biệt, nhưng không phải tuệ giác đánh mất tâm tưởng. Ngài không phân biệt, nhưng nhìn sự vật chính xác hơn người thường. Người có phân biệt thấy không bao giờ chính xác. Không làm, nhưng không ai qua mặt được là Phật dạy Bồ tát; không phải không làm rồi trở thành gỗ đá. Ai làm gì cũng được, nhưng không ai dám làm gì Như Lai. Vì Ngài không rời phân biệt, nên tất cả suy nghĩ và việc làm của người thế gian đều không ngoài tầm tay, ánh mắt của Như Lai. Chúng ta theo dấu chân Như Lai phải như vậy mới đắc đạo. Còn chúng ta phân biệt phải trái, cuối cùng chúng ta cũng sẽthua cuộc, khổ đau. Thử nghĩ xem trên cuộc đời này biết bao người khôn, giỏi; nhưng chính cái khôn đó tác hại lại họ, sẽ gặp người khác xảo trá hơn, thì họ tự chết. Chúng ta thấy Đức Phật trọn lành, bao nhiêu người dùng thủ đoạn độc ác nhất để chống phá, Ngài chẳng hề quan tâm, nhưng chẳng có ai hại được Ngài. Đức Phật hành đạo ung dung tự tại, không phân biệt, nhưng không rời sự phân biệt cho đến khi Ngài Niết bàn. Trong khi các vị Thánh khác còn hành sử trong vòng phân biệt, phải vất vả khổ đau và chết mới được tôn Thánh.
Điều chúng ta cần lưu tâm là trên bước đường tu, chúng ta không phân biệt, không tìm hiểu văn minh của nhân loại, chắc chắn trở thành lạc hậu, thua kém người đời. Đức Phật không bao giờ dạy chúng ta tụt hậu. Người tu không phân biệt theo tinh thần Phật dạy để đừng rơi vào sự hiểu biết cục bộ, đối xử hơn thua phải trái theo vọng thức thế gian, không tốt. Ứng dụng Phật pháp trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không phân biệt, nhưng với trí tuệ tĩnh giác, chúng ta không rời sự tiến bộ văn minh của loài người. Những tinh ba của nhân loại chúng ta vẫn bắt kịp và có thể thấy xa hơn một bước, thấy trước mặt tiêu cực của vấn đề, thấy những hậu quả tác hại của nó về lâu dài và có được những gợi ý cho đáp số của những vấn đề nan giải của xã hội, của toàn cầu. Đó là những gì mà Đức Phật muốn dạy Văn Thù Sư Lợi Bồ tát hay hướng đi của chính Phật giáo chúng ta ngày nay.