Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng
Đại thừa ra đời xóa bỏ giới tính, không tính thời gian tu lâu hay mới tu, không tính là nam hay nữ. Theo Đại thừa, lấy phước đức và trí tuệ làm chuẩn để đo lường thành quả tu hành. Người có sự hiểu biết đúng đắn, chúng ta tôn trọng, theo học. Tỳ kheo Tăng mà phạm sai lầm, ta cũng không theo. Pháp chân thật là điều đúng ta theo, việc có lợi ích ta làm.Kinh Đại thừa nói về Bồ tát không phân biệt già trẻ, Tăng tục, nam nữ. Thiết nghĩ nếu áp dụng tinh thần này trong cuộc sống, Phật giáo sẽ tồn tại và phát triển dễ hơn, nhất là ở thời đại ngày nay trở về sau.
Đương nhiên, nhiều quốc gia vẫn còn tinh thần trọng nam khinh nữ; nhưng theo tôi, từ đây phải kể đến tinh thần bình đẳnglà chính. Vì vậy, kinh Bảo Tích thường đềcập đến những điểm ưu việt của từng giới. Tôi nghĩ trong thời đại văn minh theo tinh thần Đại thừa dễ thích hợp với xã hội hơn và căn cứ vào sự hiểu biết để định vị. Hình thức Tăng Ni hay cư sĩ đều được; nếu có phát minh mới, học giỏi, chúng ta nên kính trọng như nhau. Thứ hai là tiêu chuẩn phước đức, làm lợi ích cho đời. Người tạo được thành quả như vậy trong cuộc sống đều xứng đáng được kính trọng. Thực tế cho thấy các nước văn minh thực hiện tinh thần này sớm hơn. Chúng ta đi sau cũng phải vậy, hy sinh quyền lợi cá nhân để Phật pháp được lâu dài. Điển hình như Ni sư Chánh Nghiêm ở Đài Loan dù không tốt nghiệp trường lớp, nhưng có uy tín vì làm được nhiều việc lớn. Ni sư mở một bệnh viện lớn nhất ở Đài Loan, có một đài truyền hình riêng để giảng kinh mỗi ngày và lãnh đạo tổ chức Phật tử rất đông.
Pháp hội này giới thiệu Bửu Nữ Bồ tát là cư sĩ vừa nhỏ, vừa thuộc nữ giới, nhưng đứng vô hàng bậc nhất. Xá Lợi Phất cũng phải công nhận sự hiểu biết của đồng nữnày vượt trên tất cả. Đức Phật cũng nói rằng chỉ có Bồ tát thành Phật, Nhị thừa không thể đạt quả vị Toàn giác. Nhị thừa chỉ cho hàng xuất gia, Nhị thừa Tăng.
Dưới mắt Đại thừa nhìn thấy khác hơn Nhị thừa. Theo Nhị thừa, tu ba mươi bảy Đạo phẩm để trừ tham, sân, si, thành Thánh. Nhưng theo Đại thừa, người không ham muốn, không giận, có phải là Thánh hay không, có tốt hay không. Điều này cần xét lại, coi chừng họ giống như gỗ đá.
Vô si là trí tuệ, là giác ngộ; nhưng giác ngộ bằng cách nào. Giác ngộ gồm có văn, tư, tu, là nghe, suy nghĩ và thực hành. Giác ngộ của Bồ tát là tu và phải cọ xát với thực tế cuộc đời mới phát sanh trí tuệ. Nếu chỉ nghe và suy nghĩ là sự hiểu biết theo kinh điển mà thôi. Vì vậy, thực tế có người học giỏi, nhưng ra trường không làm được việc. Đại thừa lấy thành quả làm việc là chính yếu. Bước thứ nhất là học, bước hai là suy nghĩ hay quán chiếu. Học mà không suy nghĩ, không giỏi được. Học và suy nghĩ về lời dạy của kinh, của Thầy, chúng ta sẽ có sự hiểu biết khác. Bước thứ ba là áp dụng vào cuộc sống. Đại thừa nhìn Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát ứng dụng giáo lý Tam thừa là ba cấp bậc của một con đường mà chúng ta phải đi qua, không phải ba con đường khác nhau.
Thanh văn, Duyên giác đạt được sự nhận thức đúng đắn do học và từ đó vào đời hành Bồ tát đạo mới không bị ô nhiễm. Học trước, làm sau, nhưng làm là chính. Học mà không làm coi như vô ích. Bồ tát hành đạo, có sự hiểu biết sanh ra từ sự cọ xát. Trong ngũ uẩn, nó thuộc về thọ uẩn và trong mười hai chi thì thuộc về Lục nhập và xúc, tức căn tiếp xúc với trần sanh ra sự hiểu biết.
Thọ có khổ, lạc và xả. Chúng ta phải biết ứng dụng vào cuộc sống mới thấy lời Phật dạy rằng thọ khổ thì sanh ra sân, thọ lạc thì sanh tham và xả thọ thì rớt vô si mê. Thật vậy, tu sai pháp xả thọ thì không suy nghĩ, không để tâm, nên chúng ta giống như gỗ đá, không biết gì, rất nguy. Tu suốt đời nhưng tự phá hủy sự hiểu biết, không theokịp văn minh thời đại, không thể nào giữ đạo tồn tại.
Nhưng theo đúng hướng Phật dạy, ta dùng xả thọ để phá bỏ tham sân. Ta bằng lòng với thực tế mình có, còn hơn người ham muốn, bực tức dễ tạo tội lỗi. Nếu tiếp xúc với văn minh và hưởng thụ thì sanh ra lòng tham, hết tham cái này đến tham cái khác và muốn không được thì khổ và khổ thì sanh ra sân hận. Cứ như vậy mà người đời quay cuồng, khổ thì sân, sướng thì tham. Phải xả thọ để tâm được yên. Xả thọ là bỏ tham và sân, không phải bỏ pháp. Các pháp đối với chúng ta rất khách quan; vì chúng ta không giận, không tham, nên cái nhìn trở thành chính xác, nhận được người nào tốt thật, người nào xấu ác. Còn xả các pháp là không quan tâm thì sẽ trở thành gỗ đá.
Hành Bồ tát đạo là cọ xát với cuộc đời, cho chúng ta sự nhận thức. Qua sự cọ xát, có vui, có khổ, mới thấm thía với nó và làm sao chúng ta xả được thì tầm nhìn trở thành chính xác. Nếu chán nản, xa lìa thì không thể thấy được mọi việc. Biết rồi, chúng ta mới cứu đời. Dù biết cuộc đời là mộng huyễn bào ảnh, không thật; nhưng từ cái không thật, chúng ta làm được cái thật, là cứu người được, thì tái sanh gặp lại người mà ta đã giáo dưỡng, chắc chắn được họ quý mến. Cũng vậy, gặp người mà ta từng gây khó khăn, làm hại, thì thấy ta là họ thù ghét liền. Hành Bồ tát đạo, lăn lộn trong sau nẻo luân hồi, tạo được nhiều phước đức; Bồ tát khác Thanh văn là vậy. Nhờ đó mới giáo dưỡng được quyến thuộc là việc làm chính yếu của Bồ tát.
Trong pháp hội này, Đức Phật thuyết pháp ở Đại Bảo Phường Đình nhằm chỉ thế giới rộng lớn để Bồ tát mười phương đến nghe Phật thuyết kinh Đại thừa. Chúng ta không thể hiểu có một chúng hội riêng biệt nghe Phật nói pháp. Trên thực tế Phật cũng đã thuyết ba trăm hội, nhưng thực sự các pháp hội này chỉ khác nhau về tâm thức cấu tạo nên thế giới.
Thật vậy, thế giới chúng ta đang sống là thế giới vật chất. Thế giới này là thế giới chung của tứ sanh lục đạo, nhưng thế giới tinh thần thì chỉ có loài người thâm nhập được. Những loài chưa phát triển được tâm thức không thể tham gia vào thế giới tinh thần được. Hiểu theo ngày nay là não bộ của con người khác với các sinh vật khác, mới có tầm hoạt động gọi là thế giới tâm thức, trong đó có khổ và vui. Các loài vật khó đến được thế giới này.
Loài người sống được với thế giới tâm thức, nên thực tế chúng ta thấy có người đầy đủ vật chất nhưng vẫn khổ; hay ngược lại, không có vật chất nhiều, mà vẫn vui. Thí dụ các bậc La hán không có gì, vẫn an vui. Giàu sang như vua chúa mà sống với tâm thức ngạ quỷ, cũng thấy khổ sở, thiếu thốn.
Trong thế giới vật chất thì các loài và Phật Thích Ca, cùng Thánh chúng giống nhau. Nhưng vào thế giới tâm thức, hình thành chúng hội đạo tràng, Đại thừa gọi là Bồ tát học xứ, thì chỉ có Bồ tát tham dự được, trong đó có Bồ tát Bửu Nữ.
Pháp hội này nằm giữa Sắc giới và Dục giới. Thực tế người tu thường có tâm trạng nằm ở khoảng giữa này, giữa thật và hư, giữa tâm thức và vật chất. Khi nào chúng ta lý tưởng hóa sự vật thì thấy cuộc đời này đẹp; nhưng lý tưởng mất, chúng ta khổ đau. Và lần lần, chúng ta qua lại hai thế giới vật chất và tinh thần mới có kinh nghiệm sống, hình thành được mẫu tu sĩ lấy thế giới tâm linh xây dựng lại vật chất. Theo tôi, lúc ấy việc hành đạo mới dễ dàng. Ở đây thể hiện bằng hình ảnh Bửu Nữ Bồ tát từ tâm linh xây dựng vật chất, nên hoàn toàn tự tại. Theo kinh nghiệm của tôi, người đắc đạo rồi mới làm được Phật sự; người chưa đắc đạo còn tham, sân, si, chỉ làm được ma sự, không phải Phật sự. Vì càng làm, tham, sân, si của họ càng phát triển.
Bửu Nữ từ thế giới tâm linh của Bồ tát hiện lên, nằm giữa thế giới vật chất và tâm linh. Hàng Nhị thừa thì từ vật chất đi vào tâm linh.
Đức Phật thuyết pháp ở giữa hai thế giới của Dục giới và Sắc giới, để chúng ta không phân biệt hai bên, nằm ngoài nhị nguyên, cũng có thể là dục, là sắc, cũng có thể là tâm hay là vật. Nói cách khác, từ cuộc sống thật phóng tầm nhìn vào vô hình và từ vô hình trở lại thấy thực tế. Chúng ta tutrong vô hình, nhưng làm việc trong thế giới thật. Người tu không quan hệ được thế giới vô hình không thể hiện tính tôn giáo.
Pháp hội này đặt ở giữa, không phải vô hình, cũng không phải ở đây. Chúng ta thấy các nhà truyền giáo dù sống giản đơn về vật chất, vẫn tiềm ẩn lực quan hệ vô hình. Trên thực tế, những người tu làm nên đạo nghiệp đều thể hiện được tính tôn giáo trong cuộc sống, là tạo được sự quan hệ vô hình mà kinh thường gọi là có nhân duyên căn lành, được chư Phật hộ niệm. Còn chỉ có thấy biết của người bình thường thì khó làm được gì.
Đức Phật Thích Ca ở thế giới này, nhưng liên hệ được với chư Phật mười phương. Nhờ đó Ngài thành tựu việc độ sanh rất tự tại, bình ổn; trong khi người khác nói mà không ai nghe. Thật vậy, Đức Phật thuyết pháp giáo hóa, đụng chạm với tất cả giáo phái ngoại đạo; nhưng những kẻ thù nghịch không hại được Ngài.
Trong pháp hội này, Đức Phật mượn Bửu Nữ đồng nữ để diễn tả việc của Ngài. Bửu Nữ đến Đại Bảo Phường Đình có Bồ tát, Thanh văn đang tập hợp nghe pháp. Bửu Nữ cầm xâu chuỗi ném lên hư không, phát lời thệ rằng nếu truyền bá được kinh Đại thừa này trong nhân gian thì cho chuỗi trụ trên đỉnh của Như Lai và tất cả Bồ tát. Khi đó, các Bồ tát mới nhìn thấy được tất cả hạnh nguyện của mình trong quá khứ. Thấy vậy rồi mới hỏi Bửu Nữ tu thế nào mà được công đức lớn như vậy.
Đức Phật trả lời rằng Bửu Nữ ở trong chín vạn sáu ức hằng hà sa Phật đã trồng căn lành, nên nay Phật sự tùy theo ý của ngài; nguyện gì thì điều đó hiện đủ, có khả năng đổi nước thành lửa, biến ác ma thành pháp lữ, v.v…
Kinh Đại thừa thường nói những kết quả bất tư nghì vượt ngoài khả năng của con người. Điều này có thật không? Nếu không có thật, chúng ta nói thì được ích lợi gì. Nếu có thật, chúng ta giải thích cách nào. Theo tôi, phải có Phật và Bồ tát lớn ra đời mới chứng minh được những việc khó làm, các Ngài mới đủ sức thành tựu việc bất tư nghì. Chúng ta là phàm phu Tăng có được chút ít thành quả và dùng kinh nghiệm của bản thân mình nhìn lên mới thấy được kết quả lớn của Phật, Bồ tát. Nếu không có các Ngài xuất hiện, Phật pháp không tồn tại được. Tôi tin giáo nghĩa Đại thừa và tin cao nên tác động cho người cũng tin theo được. Vì kinh Đại thừa khó tin, nhưng làm còn khó hơn. Chúng ta tin kinh Đại thừa, kinh Phật nói và tin có người làm được thì ít nhất chúng ta cũng có kinh nghiệm gặt hái ít ỏi của bản thân. Điều taihại là không tin được.
Thực chất chúng ta thấy khả năng mình không làm được việc lớn, nhưng
lại làm được. Chúng ta mới tin có một lực nào đó chi phối, không thấy bằng mắt
được, không hiểu bằng suy luận thế gian. Các Thầy giỏi, khôn ngoan, nhưng cuộc
đời bị mai một. Do cái gì làm cho cuộc đời họ mai một. Hoặc có người giỏi, được
kính trọng, bỗng chốc tự nhiên họ trở thành dở tệ và bị coi thường. Nhận thức như vậy mới
thấy được con người vô hình đóng vai trò quan trọng. Yếu tố quyết định không nằm
trong sự khôn dại của con người. Đức Phật chỉ cho thấy việc quan trọng là
Bửu Nữ đã trồng căn lành ở các Phật quá khứ. Phần này nằm ngoài sự thấy
biết của chúng ta.
Nếu dùng sự khôn dại thấy bực bội, vì người không bằng cấp và dở lại làm được việc; trong khi chúng ta tốt nghiệp nhiều bằng cấp mà lại không làm được. Thấy như vậy là thấy theo sự hiểu biết của người thế gian, không phải trồng căn lành ở Phật.
Người làm được là do trồng căn lành ở Phật, phù hợp với nguyện của Phật và được Bồ tát đồng hạnh đồng nguyện trợ lực; nên họ dễ thành tựu mọi việc.
Thượng tọa Trí Thâm trùng tu chùa Bửu Thiền ở núi Thị Vãi, bảy năm mới xây được nền móng. Tôi chưa có ý thức làm chùa, nhưng đã tu từ nhỏ ở núi này. Vì là chùa Tổ được Sắc tứ, nên tôi động lòng muốn hợp tác tu bổ. Từ ý niệm đó đồng với ý niệm những người cũng muốn làm chùa, đồng hạnh nguyện với những Bồ tát. Vì vậy, xây chùa ở đây là thực hiện việc của các ngài muốn. Tôi thấy có điều lạ, những người thợ, người công quả tự nhiên tìm đến, trên dưới cả trăm người. Đông người như vậy thì vấn đề ăn uống, vật tư, vận chuyển phải tốn kém; thế mà mọi việc đâu vẫn vào đó. Tôi vẫn đi thuyết pháp, vài tuần mới lên một lần thì thấy công trình này xong, việc kia sắp thành. Người nhân gian đồng hạnh nguyện tự tìm đến, có người nói lên núi rồi không muốn về hay về nhà chịu không nổi, phải lên vác đá cực nhọc, ăn uống đơn sơ, nhưng họ thấy vui. Phật sự là như vậy, người đồng hạnh nguyện đồng lao cộng khổ với chúng ta thì Phật sự tự thành tựu. Và những người tôi không quen ở trong và ngoài nước nghe nói tôi đang làm chùa Tổ, họ tự gởi tiền cúng dường. Cần bao nhiêu có bấy nhiêu, quả là Phật pháp nhiệm mầu. Theo tôi, không có như vậy, các anh em đừng làm. Tôi thường nói Phật không bổ xứ, hay không muốn mình làm. Cố gắng làm, phải mượn tiền thì khó khăn dồn dập, không sống nổi. Người ta thường nói làm một chùa thí một Trụ trì là vậy. Chúng ta tùy theo nhân duyên, nếu đúng Phật bổ xứ thì việc mình làm dễ dàng. Phật giao cho người khác, chúng ta thấy họ dở, nên giành lấy để làm thì thọ quả báo. Ở đây muốn nói Bửu Nữ đã trồng căn lành với vô số Phật, nên ngài làm Phật sự được chư Phật phóng quang gia bị.
Trở lại căn bản tu của chúng ta là trồng căn lành ở các Đức Phật và chúng ta làm Phật sự ở đời này mới được chư Phật hộ niệm. Phật muốn nhắc chúng ta điều đó, nên đưa ra hình ảnh Bửu Nữ sanh trên cuộc đời có lực vô cùng, không ai bằng được. Có Thầy bình thường, nhưng làm được việc phi thường. Có người giỏi, nhưng lại không làm được. Đó là người giỏi trên cuộc đời, người bình thường kia là do Phật hộ niệm, ta vẫn trân trọng họ. Biết Phật bổ xứ họ làm, ta tùy hỷ công đức thì cũng được tăng tiến đạo Bồ đề; gây khó khăn cho họ, ta chuốc họa vào thân.
Trong pháp hội này, Bửu Nữ cầm xâu chuỗi ném lên hư không, với lời thệ nguyện rằng nếu hành đạo ở Ta bà, truyền bá kinh Đại thừa này được, thì cho chuỗi ngọc trụ ở đỉnh đầu của Phật và Bồ tát. Tôi không nghĩ là Bồ tát cầm chuỗi ném lên. Pháp hội này đặt giữa cõi Dục và cõi Sắc, hay giữa tâm thức và hiện thực. Có thể hiểu xâu chuỗi từ tâm ném lên, hay đó là lời nguyện phát xuất từ tâm thành. Nếu tâm chúng ta phát lên lời nguyện được Phật, Bồ tát ghi nhận, bảo đảm Phật sự thành. Nếu tâm takhông được Phật ghi nhận, không được Bồ tát đồng ý, thì việc không thể thành.
Có nhiều Thầy phát nguyện lớn, nhưng không thành và thất vọng, đau khổ, sanh bệnh, chết, là rơi vô tham vọng của con người. Thuở nhỏ tôi cũng thao thức về cuộc đời hành đạo và được Hòa thượng Trí Tịnh khai ngộ mà nay tôi vẫn còn áp dụng. Hòa thượng hỏi tôi rằng ông có nghĩ Phật, Bồ tát thương chúng sanh nhiều hơn ông hay không; nhưng tại sao các Ngài lại không xuất hiện để làm. Mình làm coi chừng không đúng với nguyện của Bồ tát.
Ta thấy vậy, nhưng Phật, Bồ tát thấy khác; nghĩa là ta đã khác Phật, Bồ tát. Phải tự điều chỉnh mình cho giống Phật, Bồ tát mới thâm nhập đường đạo được. Tu hành là cố tìm sự liên hệ giữa ta và Phật, Bồ tát. Quan hệ được với các Ngài, Phật sự tự thành. Lệch hướng khác, tự làm, thì rớt qua thế giới ma, thọ quả báo. Thuở nhỏ tôi vẫn nghi ngờ điều này. Đến khi trưởng thành, từng bước nhìn cuộc sống của Hòa thượng và của tôi, tôi hiểu ra. Ngay như việc làm của Hòa thượng mà chúng ta còn không hiểu, huống chi là những gì của Phật. Chỉ còn cách rà xem Phật muốn ta làm gì. Phật muốn ta vô hang động, đọc tụng kinh điển thì làm như vậy, sẽ có người đến cúng dường. Phật muốn chúng ta lăn xả, là trong hoàn cảnh khó, nguy hiểm, chết chóc, thù hận, chúng ta làm Phật sự không sợ với điều kiện chúng ta không chết, không hư. Ý này được diễn tả trong kệ Phổ Hiền hạnh nguyện rằng:
Ở nơi các hoặc nghiệp cảnh ma
Trong vòng thế gian được giải thoát
Cũng như hoa sen không dính nước
Nào khác nhựt nguyệt chẳng dừng không.
Còn dễ làm, dễ có lợi thì nhiều người đã giành rồi. Theo kinh nghiệm bản thân tôi, làm đạo ở nơi khó khăn, nguy hiểm, nhưng được Phật hộ niệm, Bồ tát gia bị; chúng ta mới có thể thành tựu Phật sự. Nếu không, chúng ta không thể nào sống nổi. Không có Phật hộ niệm mà tự ý làm thì thất bại. Tôi nói để các anh em cân nhắc, đừng liều mạng. Phải biết rõ Phật có gia bị hay không, còn tưởng rằng Phật gia bị, nhưng không phảithật như vậy, chắc chắn đi vào đường chết. Làm việc phải hy sinh, nhưng có nên hy sinh hay không; đó là vấn đề cần biết chính xác.
Bửu Nữ phát nguyện và kết quả xảy ra đúng như vậy, chứng tỏ Bồ tát có năng lựcthực sự. Đỉnh Như Lai tiêu biểu cho trí tuệ của Phật và Bồ tát tiêu biểu cho hạnh. Bửu Nữ ném xâu chuỗi mang ý nghĩa là phát nguyện. Nguyện của chúng ta có được Phật, Bồ tát chấp nhận hay không. Thực tế có thể hiểu là được giới trí thức và quyền thế, hay người có điều kiện và có sự hiểu biết rộng ủng hộ thì việc khó cũng thành dễ.
Ta đưa kế hoạch làm lợi ích cho đời, phải tranh thủ sự đồng tình của giới trí thức. Họ ủng hộ thì đem kế hoạch này đến giao tiếp với người giàu có. Thấy có Bồ tát, Phật công nhận rồi, họ sẵn sàng theo. Còn ta nói, nhưng không có Phật ấn chứng, họ không tham gia. Ném xâu chuỗi trụ đỉnh Phật và Bồ tát là nghĩa như vậy.
Các cô xây chùa nên cân nhắc xem Phật có chấp nhận việc này hay không. Hay thực tế là những người trí thức có tán dương không; người hằng tâm hằng sản có đồng tình với chúng ta hay không. Nếu không, không nên làm. Giới trí thức ủng hộ chứng tỏ việc của chúng ta đúng; người giàu ủng hộ là thấy việc của chúng ta có lợi ích.
Và chuỗi ngọc trụ trên đỉnh của Bồ tát rồi, thì các ngài nhìn thấy được việc làm của các ngài trong quá khứ. Hành Bồ tát đạo phải thấy ý này quan trọng. Ta làm, suy nghĩ, nói gì, đều nhằm mục tiêu đánh thức Bồ đề tâm của đại chúng. Đời trước họ đã từng tu hành, nghe pháp ở trong Bồ tát học xứ rồi và ta đánh thức việc đó. Kinh diễn tả là hạt châu rơi trên Bồ tát, họ thấy được việc làm của họ. Vì vậy, trên bước đường độ sanh, khi có người đến với ta, việc chính là phải đánh thức Bồ đề tâm của họ. Tất nhiên phải lựa người có Bồ đề tâm mới khơi căn lành được, bằng cách lấy tâm và nguyện của chúng ta mà khơi cho họ. Họ thấy chúng ta tu, xả thân; họ cũng nhớ lại họ đã làm như vậy trong quá khứ.
Ý này gợi tôi nhớ đến bốn ông vua đời Thanh chịu ảnh hưởng của Phật giáo lớn nhất; đó là Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính và Càn Long. Vua Thuận Trị gặp Thiền sư Ngọc Lâm ung dung, tự tại, khiến ông nhớ lại tiền kiếp ông đã từng là thành viên ở thế giới Tây phương Cực lạc. Tại sao nay ông lại sanh ở đây và chém giết, tạo tội như vậy. Từ đó về sau, ông dừng các việc ác và quyết tâm niệm Phật, cầu về Tây phương Tịnh độ. Ông làm một bài thơ rất hay nói về cuộc đời, trước khi sanh là ai và hiện hữu thân tứ đại thì cái gì là Ta, bỏ thân này rồi về đâu. Vậy mà từ xưa đến nay, biết bao anh hùng chết đầu non góc biển, chỉ vì chém giết.
Từ hạt nhân tỉnh giác như vậy của vua Thuận Trị tạo cho Khang Hy kế nghiệp làm vua, cũng tự xác định rằng đời trước ông lànhà sư. Nhưng khi làm vua, ông cũng luôn nhớ mình là sư đắc đạo và tái sanh làm vua để giúp dân được ấm no hạnh phúc. Và bên cạnh ông, luôn có Thiền sư nhắc nhở ông giải quyết việc lợi ích cho người, không phải để hưởng thụ. Thấy được như vậy, ông sẵn lòng dấn thân, dù có trải qua nhiều khó khăn, Bồ đề tâm không thay đổi. Thực tế, vua Khang Hy đã làm được nhiều việc lợi ích cho dân, ông xây dựng được nhiều chùa và hoàn thành bộ Tục tạng của Trung Hoa. Trước đó chỉ có tạng kinh đời Tống đơn sơ.
Và Càn Long làm vua cũng phát nguyện gặp chùa hư thì trùng tu; gặp hình tượng Phật thì lễ lạy; gặp Tăng thì cúng dường.Phẩm này cũng nói đó là một hạnh của Bồtát, vì chư Tăng tiêu biểu cho hình bóng giải thoát của Phật. Vua Càn Long cũng tạo được công đức là hoàn thành được bộ đại tạng Càn Long. Ông tội nghiệp cho người Mãn Châu không có kinh để đọc tụng, nên đã cho chuyển ngữ Hán tạng sang tiếng Mãn Châu. Vua Ung Chính thì ăn chay trường, cho thấy ông có cơ thể đặc biệt và suy nghĩ cũng khác thường.
Tóm lại, pháp hội này nhắc nhở chúng ta tu Đại thừa, nên tìm người có căn lành đã từng phát Bồ đề tâm trong kiếp quá khứ, để đánh thức Bồ đề tâm của họ sống dậy và lớn lên, tiếp tục sinhmạng của Bồ tát đạo. Ý này kinh diễn tả là hạt châu Bát Nhã rơi trên đầu Bồ tát, làm họ nhớ lại việc quá khứ mà tiến tu đạo nghiệp.
Trong pháp hội này, Bửu Nữ ném xâu chuỗi lên hư không và phát lời nguyện rằng nếu truyền bá được kinh Đại thừa, thì choxâu chuỗi trụ trên đỉnh của Như lai và Bồ tát. Vàthực tế việc này xảy ra đúng như Bửu Nữ phát nguyện. Điều này khiến cho chúng hội phải ngạc nhiên. Vì Bửu Nữ là Ưu bà di được xếp sau cùng trong hàng tứ chúng của Phật, lại làm được việc khó làm. Vì vậy, Xá Lợi Phất, hàng trí tuệ bậc nhất, mới đại diện chúng hội hỏi Bửu Nữ thành tựu được pháp nào mà được đặt tên ấy, hay do tu pháp gì mà có quả báo thù thắng như vậy.
Bửu Nữ trả lời rằng nhờ có ba mươi hai Bảo tâm mà thành danh Bửu Nữ, trong đó không có tâm Thanh văn, Duyên giác; hay tu ba mươi hai pháp mà thành một người vạn năng. Đức Phật Thích Ca cũng tu ba mươi hai pháp mà có ba mươi hai tướng hảo. Từ ba mươi hai Bảo tâm, Phật hiện ba mươi hai tướng nhiếp được cácpháp.
Thanh văn tu hình thức; trong khi Bồ tát tu Bảo tâm, nên hiện ra ngoài Bảo tướng. Nếu là người nam hay nữ, hay là chư Thiên, hoặc hiện thân trong các loài, đều có hảotướng, do tu ba mươi hai tâm này mà trở thành thù thắng. Chúng ta tu Thanh văn, Duyên giác, chỉ được hình thức này; nên khi hoàn tục, không tu thì không làm được gì. Vì cái học của chúng ta là học đạo Thanh văn; bước ra ngoài chúng ta không thể thích nghi, khó tồn tại.
Chỉ có con đường Đại thừa là đường sống. Vì tu Bồ tát đa dạng, đa năng; cuộc đời cần gì thì làm việc đó. Có thể nói tu đạo Bồ tát, tài năng được phát huy triệt để, khác với tu Thanh văn thì thủ tiêu năng lực của con người. Thật vậy, Đức Phật không cho người xuất gia làm bất cứ việc gì. Mọi việc chúng ta còn không để tâm, đừng nói chi đến phát huy năng lực. Vì thế, khi bỏ chiếc áo tu, chúng ta trở thành vô dụng. Nói cách khác, Phật pháp đi vào Thanh văn thừa tự hủy diệt khả năng; từ đó cần mở ra con đường Đại thừa của Bồ tát.
Bồ tát tâm hay Bồ đề tâm không thay đổi; nhưng sống trên cuộc đời, Bồ tát hành đạo tùy duyên. Bảo tâm hay chơn tâm, hoặc Bồ đề tâm bất biến. Và lấy bất biến để ứng vạn biến là Bồ tát pháp của Đại thừa. Nghĩa là không có gì cố định là Ta, tức đạt vô ngã. Còn ta là Thanh văn thì còn vướng mắc với ngã.
Hành Bồ tát đạo đạt vô ngã, thì tùy theo yêu cầu của xã hội cần làm gì, ta làm việc đó. Và làm xong việc ấy thì thôi. Thí dụ như xã hội cần vua cai trị theo chánh pháp, ta làm vua. Qua giai đoạn cần thiết ấy, ta bỏ áo vua một cách thanh thoát, nhẹ nhàng. Đến khimọi người cần hình bóng Pháp sư, ta mặc áo Thầy tu. Và xong việc này rồi, chúng ta cũng không làm Thầy tu nữa.
Phật giáo Ấn Độ xưa kia bị tiêu diệt cũng vì cố thủ với hình thức Thanh văn. Không kẹt cứng trong hình phạm nào là vô ngã. Còn kẹt hình thức là chấp ngã, chấp pháp, thì tự sát. Kinh điển Đại thừa nhằm nhắc nhở chúng ta ý này. Tại sao Bửu Nữ chỉ là một người nữ còntrẻ mà làm được việc phi thường. Vì tu Bảo tâm là chính; nghĩa là lấy đạo đức và tri thức để định vị công phu tu hành, dù là hình thức xuất giahay cư sĩ, tu lâu hay mới tu. Căn cứ vào đạo đức là làm được gì và tri thức là hiểu biết đúng, thể hiện thành lời nói đúng, việc làm lợi ích.
Nói đúng theo sách vở là Thanh văn, nhưng đôi khi cái đúng này không hợp với thực tế, không lợi ích; coi như sai. Theo Bồ tátpháp, nói đúng là lời nói làm lợi ích cho cuộc đời, mặc dù có thể không đúng với kinh điển. Vì Bồ tát học Phật nói điều lợi ích là phải nói đúng chỗ, đúng người, đúng lúc. Thanh vănnhiều khi nói đúng, nhưng không lợi ích; nên người theo bị khổ đau. Đại thừa gọi đó là dùng lầm thuốc, thuốc biến thành độc dược hạingười. Làm Phật pháp suy đồi, làm người phiền não là phá pháp. Đọc kinh Duy Ma, chúng ta thấy Ưu Ba Ly kết tội hai Tỳ kheo, khiến họ buồn khổ, vì nghĩ không thể tu được nữa, nên họ tự tử. Dù nói đúng pháp, nhưng làm họ chết là giết họ. Hoặc có thể họ không chết, nhưng nghĩ rằng đã lỡ tạo tội thì cứtiếp tục quậy phá, tội ác nào cũng dám làm. Cả hai trường hợp giải quyết như vậy, đều làm cho người tạo thêm tội, không tu được, thì ta đãphạm tội phá pháp. Duy Ma dạy rằng đối với người có tội rồi, đừng chồng chất thêm tội cho họ.
Trên bước đường tu, chúng ta làm sao rèn luyện tâm hết phiền não và tâm được trong sáng.Trong ba mươi hai tâm này, theo Bửu Nữ, trước tiên là phát tâm Đại thừa tu thì phải nguyện độ tận chúng sanh. Việc độ sanh trong ba mươi hai tâm được coi là quan trọng, quý báu nhất trên cuộc đời. Nguyện này của Bồ tát khác với người mới phát tâm hay Nhị thừa. Vì phát tâm thì dễ, nhưng giữ trọn nguyện đến hết cuộc đời hay đến thành Phật, không đơn giản; nên họ thường thoái tâm.
Phật dạy chúng ta phát tâm độ tận chúng sanh đời đời kiếp kiếp, thì trong hoàn cảnh nào, dù ở ba đường ác, chúng ta qua lại chỗ có người khổ cũng không sợ. Việc này quả thật là khó vô cùng. Tôi đọc kinh thấy Bồ tát phát nguyện vậy, cũng phát tâm theo. Tuynhiên, chưa độ tận chúng sanh, chỉ mới độ một người thôi, thì thấy tâm chúng ta đãthay đổi. Chúng ta dễ chán nản, vì họ không theo đúng suy nghĩ của chúng ta. Thậm chí phải hy sinh tính mạng mình thì không ngán, không sợ sao được. Nhìn thấy sanh tử, chúng ta sợ, vội vàng trở lại con đường tu Thanh văn. Vì thực tế, chúng ta không độ nổi, thấy mình bất lực, đành bỏ cuộc. Riêng tôi, nhận ra ý này; phát tâm rồi thoái tâm, cứ như vậy thay đổi cả trăm lần.
Phát tâm vì gặp người tốt tác động, chúng ta làm theo. Thật vậy, lần đầu gặp đại thiện tri thức, chúng ta phát tâm mạnh và làm liền. Takhông vào địa ngục thì ai vào đây, như lời Hòa thượng Thiện Hoa dạy. Và vào đó, sống với người tội lỗi, yêu cầu của họ lớn mà năng lực của chúng ta không cứu được ai, lại còn bị họ làm phiền. Tất nhiên chúng ta ớn sợ, không bao giờ muốn làm nữa. Gặp hoàn cảnh xấu, gặp người không vừa lòng, chúng ta thường nản chí. Phát tâm, rồi thoái tâm; nhưng may mắn gặp bậc cao đức nhắc nhở chúng ta làm vừa sức, lúc nào nên vào địa ngục; nghĩa là phải trang bị tư lương, không phải nói đi là đi liền. Đi vào địa ngục thì phải nghĩ đến đó làm gì và làm được hay không. Làm không nổi mà đến là liều mạng, hại mình, không nên.
Bồ tát có trí tuệ chỉ đạo, biết đến đâu làm gì, độ ai; vì thế Bồ tát độ sanh không khó. Còn bị động là phàm phu, vì làm phiền não sanh ra, tệ hơn là không làm. Độ tận chúng sanh, nhưng không phải độ ngay bây giờ. Từ đây đến thành Phật, ta phải cứu độ chúng sanh. Nếu không độ được là khôngthành Phật. Chúng ta chỉ làm Phật được với một người, hai người hay 100 người... Tùy theo năng lực giáo hóa của chúng ta tới đâu, chúng ta làm Phật tới đó.
Độ tận chúng sanh, theo ý tôi, là độ chúng sanh hữu duyên. Vô duyên thì phải để đó. Trong phạm vi làm được, chúng ta sẵnlòng. Đức Phật Thích Ca cũng chỉ độ tận chúng sanh hữu duyên. Mỗi sáng sau khi xả Thiền, theo trí tuệ chỉ đạo đến đâu, độ ai thì Phật đến đó. Đến thọ cơm cúng dường hay thọ sựnguyền rủa cũng đến, nghĩa là Phật chủ động. Điển hình như Đức Phật đến, vua A Xà Thế thả voi say hại Ngài. Ngài vẫn đến để rèn luyện đức nhẫn của Tăng chúng và để độ ông vua này.
Bồ tát hay Phật có trí tuệ, thấy người có duyên mới độ và việc cứu độ mỗi người không giống nhau. Thí dụ Đức Phật độ Vô Não, Đề Bà Đạt Đa hay A Xà Thế đều khác nhau. Tùy theo nhân duyên giữa Phật và họ từ nhiều đời được trí tuệ quán sát, Ngài thấy cách độ họ và giải quyết theo ác duyên hay thiện duyên. Và cuối cùng, thiện hay ác, Phật đều chuyển họ thành quyến thuộc của Ngài.
Người tu Thanh văn từ bỏ cuộc đời và chúng sanh, là tự cô lập và tự sát. Tu Đại thừa lấy đối tượng là chúng sanh; chúng sanh thuận hay nghịch cũng độ. Vì vậy chúng sanh càng đông, chúng ta càng làm được việc lớn. Muốn có quần chúng, phải độ người có duyên và người chưa có duyên thì tạo điều kiện cho họ kết duyên với Phật pháp. Người theo ta hết lòng là biết thiện duyên của họ đã trồng từ nhiều đời trong quá khứ. Người theo ta vì đi chung với một người khác, ta nên biết rằng họ mới chỉ là người kết duyên. Phải nhận ra điều này mới giáo hóa thành công. Người hết lòng thì thấy ta làm Phật sự nào là họ phát tâm cúng dường liền, không cần bảo. Có thể hiểu rằng họ mang ơn ta cứu độ từ quá khứ, nên nay mới sẵn lòng trả nợ. Người mới đến mà ta kêu gọi đóng góp thì họ sợ, trốn luôn. Ta không bảo họ cúng, nhưng thấy bạn họ cúng, thì cũng cúng theo. Theo tôi, dù họ cúng, chúng ta cũng nên từ chối, không nhận. Thiết nghĩ ta phải làm được việc gì lợi ích thiết thực, họ mới kính trọng, tin tưởng. Nếu thực tu, chúng ta có trí tuệ, thấy rõ mặt mạnh và yếu của người. Ta cho lời khuyên, giúp tâm trí họ sáng ra, từ đó họ làm ăn thành công. Họ mới sanh tâm kính trọng và phát tâm cúng dường để trả ơn cứu độ. Đó là hình thức tạo cho người kết duyên với đạo, mà các bậc tiền nhân đã thành tựu. Không phải cho người xuất gia tràn lan, rồi họ tàn tạ, sanh ra oán hận.
Trên bước đường tu, chúng ta tiến từ Thanh văn, Duyên giác sang Bồ tát. Có tư cách Bồ tát, chúng ta mới nghĩ đến từng người để độ, từng việc để làm. Ở giai đoạntrước đó, chỉ làm việc tự lợi; nhưng nay làm được việc lợi ích cho người. Tuy nhiên, cũng chỉ làm giới hạn theo khả năng chúng ta.
Đối với những ngườikhông mời (theo nghĩa tốt), nhưng họ tìm đến, chúng ta vẫn phải trân trọng. Vì hành Bồ tát đạo, phải cóý niệm tốt. Thay vì mình phải tìm họ để giúp đỡ, nhưng họ tự đến, anh em nên mở rộng tấm lòng. Sanh ra công đức cũng phát xuất từ tâmtốt này. Thí dụ gặp những vị Tăng ở tỉnh đến, không biết đường xá, không có cơm ăn. Chúng ta cần giúp họ bước ban đầu. Nhưngđây cũng chưa phải là hành Bồ tát đạo, mà phải có ý niệm nuôi dạy họ đến thành Phật. Tôi cólập trường là ai đến với tôi, tôi không bỏ; nhưng người bỏ tôi, tôi không giữ. Người bỏ đi,chúng ta theo Pháp Hoa nên có ý niệm vì chúng ta chưa đủ tài đức. Nỗ lực tu, đủ tài đức, họ quý mến, chúng ta đưa tay cứu giúp. Phải luôn trân trọng người đến với ta, dù không mời.
Và Phật dạy Bồ tát làm khách khôngmời trong Tam giới; đến để cứu giúp người,không phải để nhờ vả. Quy Sơn Cảnh Sách dạy rằng "Xuất một vị tha tác tắc”, Bồ tát ra vào cõi này, dù người không mời. Có những người không thỉnh Phật, Ngàivẫn dùng cách hóa duyên, đến nhà họ để độ. Mục tiêu của Bồ tát là vậy. Vì người chưa biết Bồ tát, các ngài phải đến để họ có ý niệm tốt về Bồ tát, mà tạo được phước.
Các Thầy đi khất thực là làm kháchkhông mời, nhưng Phật dạy không vì ăn mà đến. Thân khẩu ý của ThầyTỳ kheo đã thanh tịnh và đi vào làng khất thực để tác động cho người thanh tịnh theo. Ngày nay có những người khất thực phi pháp, làm cho người bực bội, mà Giáo hội chúng ta bài trừ, coi đó như một tệ nạn.
Chưa hiện tướng giải thoát, tâm chưatrong sáng, làm cho người phiền não, phải tự biết mình không thanh tịnh; đừng nghĩ người chưa tốt. Và tệ hơn nữa, nếu không được trân trọng, lại bực bội nói rằng họ xem thường ta, thì càng cách xa đạo Bồ đề. Kiểm tra thấymình tự tại an vui, nhưng đến mà người không an vui, là chúng ta đã tưởng lầm mình giải thoát. Phải nỗ lực tu hành để giữ tư cách Tỳ kheo.
Làm khách không mời, đến độ người thuận hay nghịch duyên. Nếu gặp người thuận duyên, họ trân trọng ta liền. Tôi gọi đó làLinh Sơn pháp lữ đã tu chung đời trước với ta, đã làm quyến thuộc Đại thừa rồi. Có như vậy, chúng ta tu dễ và có nhiều bạn. Còn mới phát tâm đời này, không có quyến thuộc. Phật độnăm anh em Kiều Trần Như cũng nói rõ những kiếp trước xa xưa, họ làm nghề chài lưới. Phật hiện thân loài cá và bị họ bắt ăn thịt. Từ nhân duyên quá khứ, họ đã được Phật giáo dục; nay Ngài tìm đến độ họ được một cách nhẹ nhàng. Hoặc Phật quán thấy Mã Thắng có nhân duyên với Xá Lợi Phất, nên bảo ngài đến độ Xá LợiPhất.
Tìm người có nhân duyên là quyến thuộc Bồ đề của ta, độ trước. Và kế tiếp đến người ác duyên; nhiều đời giữa ta và họ cóoan nghiệp, nên gặp nhau khó chấp nhận. Ác duyên cũng là duyên, như trường hợp Phật độ vua A Xà Thế, hay ba anh em Ca Diếp, Vô Não, Sunita. Vô Não hay Sunita đời trước đều xuấtgia học đạo, nhưng phạm sai lầm; đời này rơi vào hoàn cảnh khổ. Đời trước Sunita là đại Pháp sư, vì khởi ý niệm xem thườngngười, bắt người cung phụng hầu hạ, đổ phân. Phật thấy ông này tu tốt, chỉ phạm một sơ xuất nhỏ mà đọa làm người hốt phân. Tuynhiên, tánh minh triết bên trong vẫn còn,nên bỏ gánh phân xuống là ông tu được.Nhưng cần nhớ rằng chỉ có một người hốtphân này đắc độ, không phải tất cả ngườihốt phân đều được. Vua Ba Tư Nặc nổi giận khi nghe nói trong Tăng đoàn có người hốt phân. Giai cấp trên như ông làm sao kính lễ cúng dường người ở giai cấp thấp nhất. Nhân đó, Phật thuyết pháp, giáo hóa Ba Tư Nặc. Ông xin Phật cho gặp người hốt phân. Khi Phật giới thiệu Sunita, vua thấy vị này có hào quang, sang trọng đẹp đẽ hơn các Tỳ kheo khác, thì vua khởi tâm cung kính và đảnh lễ Sunita. Cốt lõi của Sunita là Thánh Tăng; nên trả quả này xong, ông đắc La hán liền.
Hành giả đắc đạo, làm khách không mời, tìm độ người nghịch duyên. Bước đầu cũng bị người chống báng đủ cách. Tuy nhiên, phải tự tại, mới chịu đựng được xấu ác của họ và dùng đạo lực cảm hóa họ thành thiện. Chúng ta còn nghiệp, đến độ người; nhưng nghe họ nói là khó chịu, không độ được, còn phiền não.
Một trong ba mươi hai pháp Đại thừa theo Phật dạy là tâm chúng ta lúc nào cũng phải tự tại, tìm người thuận duyên và nghịch duyên để cứu độ và nuôi dưỡng tâm Bồ đề của họ tăng trưởng theo thời gian. Ngoài ra, cần thực hành pháp khác nữa là chúng ta tự kiểm tra xem còn tâm ganh tỵ thù hiềm hay không. Thấy người đạt được thành quả nào đó, hoặc thấy người được quý trọng, thương mến, ta có khó chịu hay không. Tôi hầu một Thầy, nhưng Thầy này tu không được. Khi tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp, ông nói "Hồi đó nó giặt đồ cho tôi”. Nghe Phật tử kể lại, tôi công nhận điều đóđúng. Vì thuở nhỏ, tôi là học Tăng Sa di, phải hầu hạ người lớn là tất yếu. Tôi xét lại lòng mình, thấy bình thường, không có gì tự ái. Việc đó không có gì sai trái mà phải xấu hổ, phải che giấu. Một Thầy khác cũng bạn tôi, học nước ngoài, cũng bị nói "Nó là học trò tôi”. Ông này tức giận, có thái độ, phản ứng liền và sau ông này cũng hoàn tục.
Khi còn học sơ cấp, họ dạy ta, là người khai tâm đầu tiên cho ta, thì có gì mà ta từ chối. Tôi nghe chê bai vậy, lại thấy mừng. Vì mình từ người tầm thường nhất, nhưng tu lên được. Chỉ sợ chúng ta sanh trong dòng họ cao quý, nhưng không tu được, bị đọa. Đối với những vị Thầy dạy tôi, dù không còn làm được việc nữa, nhưng dứt khoát phải trân trọng các ngài là Thầy. Phật dạy hành Bồ tát đạo phải cân nhắc ý này. Khởi tâm xem thường, ganh tỵ, thì công phu tu hành vô cùng vất vả, cực khổ, chỉ một chút sai lầm như vậy mà mất trắng; thật là phí phạm vô ích.
Và cuối cùng, Phật dạy không bỏ Bồ đề tâm, là mục tiêu phấn đấu đi lên phải đạt cho được. Bằng mọi cách để sự hiểu biết vượt lên cao tột là Vô thượng Bồ đề và làm sao độ tận chúng sanh. Nếu hành đạo, gặp người chống đối, xem thường, chúng ta thoái tâm, bỏ cuộc. Nhưng không độ chúng sanh, chúng ta không thành Phật. Và Phật dạy quả Bồ đề thuộc chúng sanh. Vì vậy, mục tiêu độ sanhnhất định không thay đổi.
Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não là chất lượng nuôi lớn Bồ đề tâm của Bồ tát. Có chúng sanh, nhưng họ không có nghiệp và phiền não, Bồ tát cũng không thành Vôthượng Đẳng giác. Chỉ sợ trí giác của chúng ta không đủ để hóa giải phiền não cho ta và người. Vì vậy, mới phát tâm, chúng ta phải độ người nhỏ. Bồ tát thì cần chúng sanh nghiệp nặng, công đức mới lớn; vì càng khó, vượt được, trí mới khôn. Bồ đề là trí giác cao tột, nghĩa là phiền não đến đâu, trí Bồ tát hóa giải đến đó, mới cao tột. Tất cả Bồ tát không từ chối nghiệp và phiền não của chúng sanh và đến khi không còn yêu cầu nào không giúp được là đạt đến độ tận chúng sanh. Làm được như vậy là Bồ tát hành Đại thừa.
Phát Bồ đề tâm độ tận chúng sanh, theo Bửu Nữ cũng vậy, đời đời kiếp kiếp gắn bó với chúng sanh để hành đạo Bồ tát, không bao giờ bỏ chúng sanh. Thật đáng trân trọng việc làm của Bồ tát vô cùng cao quý, luôn luôn vì mọi người. Tu Thanh văn, chỉ nghĩ đến riêng mình, thì Phật pháp khó tồn tại.
Đức Phật cho biết Bửu Nữ đã thành Phật, nhưng ngài không chấp chặt ngôi Chánh đẳng Chánh giác. Ngài hiện thân người nữ để độ sanh. Bồ tát tùy theo hạnh nguyện mà xuất hiện những thân tướng khác nhau, cũng chỉ nhằm mục tiêu độ tận chúng sanh. Còn tâm trí của Bồ tát luôn có trí tuệ và đạo đức vĩnh hằng bất tử, không bao giờ thay đổi.
Nguyện thứ hai của Bửu Nữ là phát tâm làm cho Phật chủng chẳng mất. Muốn như vậy, bản thân Bồ tát phải thọ trì Phật pháp, làm cho chánh pháp thể hiện trongcuộc sống, hay xây dựng Tịnh độ ngay trên nhân gian này. Ngoài ra, các ngài làm như vậy để chánh pháp cửu trụ, không bao giờ nghĩ đến lợi lạc bản thân.
Nguyện thứ ba của Bửu Nữ là kính trọng Tam bảo. Kinh điển Đại thừa đều nhấn mạnh đến điểm này. Thật vậy, chư Tăng thanh tịnh, hòa hợp, an vui là biểutượng đẹp ở nhân gian. Người nương theo được sống an lành, tôn trọng luật pháp và xã hội cũng được tốt đẹp.
Nguyện thứ tư là thủ hộ Tăng già. Hộ Tăng là nhiệm vụ chính yếu của Phật tử tại gia. Nếu giới xuất gia không có đàn việt tín tâm giúp đỡ, sẽ khó giải quyết vấn đề vật thực để sống và chúng ta cũng không thể làm công việc tìm miếng ăn như mọi người. Đó là sự thật. Theo tinh thần Phật dạy, người xuất gia không được làm chính trị,không được làm thương mại, không được chăn nuôi, trồng trọt. Việc chính yếu của người xuất gia là tu giới, định, tuệ. Nghĩa là Tăng già phải có đức hạnh, phải được người kính trọng; đức hạnh này nằm trong tứ oai nghi. Vấn đề tứ sự cúng dường quan trọng đối với người tu, mặc dù chúng ta tri túc, tiết giảm ăn mặc, cũng phải nhờ đàn việt phụ giúp việc này.
Muốn làm cho hình bóng giải thoát của Tăng già còn hiện hữu trên thế gian để gợi nhắc cho người phát tâm, Bồ tát hay Phật tử tại gia thường nguyện làm cư sĩ. Tuy nhiên, tài năng và đức hạnh của họ vượt trội hơn người. Trên thực tế, chỉ có hàng vua chúa đủ khả năng thực sự hộ Tăng, không phải tất cả cư sĩ đều hơn chư Tăng.
Giới cư sĩ thường đông và có người ưuviệt hỗ trợ được chư Tăng là điều đáng quý. Thí dụ ở Việt Nam có bác sĩ Lê Đình Thám rất tốt, ông giỏi về đời và đạo, chú sớ được nhiều kinh điển Phật giáo và dạy các Hòathượng nổi tiếng. Dù rất giỏi, nhưng ông vẫn một lòngkính trọng chư Tăng để Phật pháp trường tồn. Khi giảng dạy chư Tăng, ông mặc áo tràng và đảnh lễ ba lạy để hình bóng Tăng già cònmãi trên thế gian. Các vị Hòa thượng học đạo với ông cảm thấy sợ khi được ông lạy và phải cân nhắc làm thế nào cho xứng đáng với chiếc áoTăng già, xứng đáng được người cung kính; nên càng nỗ lực tu và không ít người trở thành cao Tăng. Cư sĩ xem thường Tăng già không phải là cư sĩ hộ đạo, nhưng phạm tội phá Tăng, sẽthành thân tàn ma dại.
Bửu Nữ là Bồ tát, phát nguyện hành Bồ tát đạo, hộ trì Tăng, nên phải làm ra nhiều của cải để tạo điều kiện cho họ tu. Nếu khôngcó người hộ Tăng như vậy, làm sao còn chư Tăng tu hành. Thực tế, tôi thấy một số Thầy thiếu người hỗ trợ vật chất, họ phải lao động để trả tiền nhà, tiền ăn ở và chùa phải đóng cửa. Họ phải làm việc y như cư sĩ để sống và nặnghơn nữa là họ phải có đủ tiền để trả tiền chùa thường đắt hơn là tiền phòng. Vì vậycác Thầy này mắc nợ, trả đến cuối đời cũng chưa hết. Họ mua nhà làm chùa, phải lao động trả nợ này, ít nhất là hai mươi lăm năm và có khi chưa trả xong thì đã chết.Dù mang hình thức Tăng, nhưng chỉ ngày Chủ Nhật mới rảnh, còn ngày thường thì làm cư sĩ phải vào hãng xưởng làm việc. Các anh em tu sĩ trong lớp học này may mắn hơn nhiều, có đàn việt hộ pháp và được tu trọn đời.
Chính vì vậy, Bồ tát phátnguyện sanh lại để hộ Tăng. Mỗi người một hoàn cảnh,đóng những vai khác nhau, người làm vua, hay làm tướng hoặc làm hoàng phi hay thương gia để cúng dường tứ sự đầy đủ cho hàng xuất gia. Nhờ vậy, người tu có thì giờchú tâm vào việc suy tư Thánh điển và thể nghiệm tư duy trong Thiền định, trong cuộcsống hàng ngày. Từ đó, chư Tăng mới là chỗ dựa tinh thần cho người tại gia phát huy đạo đức và trí tuệ.
Đọc lại lịch sử, chúng ta thấy rõ tất cả sự nghiệp lớn lao của Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam đều do vua chúa hết lòng ủng hộ. Ở Nhật Bản, nhờ Thánh Đức thái tử, Thánh Vũ Thiên hoàng mà Phật giáo được hưng thạnh. Thánh Đức thái tử vừa trị nước, vừa giảng kinh và Thánh Vũ Thiên hoàng phát nguyện xây dựng tượng Phật Tỳ Lô Giá Na lớn nhất. Không có các ngài hộ Tăng, hộ pháp, đạo pháp khó tồn tại, phát triển.
Ở Việt Nam, có thể nói kinh điển Đại thừa còn được lưu truyền là nhờ kinh điển từ đời nhà Tống ở Trung Hoa. Tống Nhân Tông hoàng đế là người nhiệt tình hộ Tăng, ông làm bài phú ca ngợi hạnh phúc của người tu hành thanh tịnh, giải thoát. Mọi việc đều thành tựu tốt đẹp như ý, trong khi nhà sư chẳng để tâm đến việc gì. Và ông ước mơ sao mình được làm sư thì thật là thiên phúc, vạn phúc: "Phù thế gian tối quý giả. Bất như xả tục xuất gia. Nhược đắc vi Tăng tiện thọ thiên nhơn cúng dường. Tác Như Lai chi đệ tử, dữ Hiền Thánh chi tôn thân... Bang bangnhư ý chủng chủng hiện thành. Sanh tiền vi thiên nhơn chi sư. Một hậu định quy ư Thánh quả hỷ. Trẫm đắc như thử, thiên phúc, vạn phúc”.
Thuở nhỏ, tôi theo hầu một vị Hòa thượng, vị này không ăn chay được. Có một cư sĩ đến chùa xin công quả một tháng và ôngnày ăn chay trường. Vị Hòa thượng nghĩ có ông này làm việc chùa thì đỡ quá, Hòa thượng phảitạm thời ăn chay với ông. Ông cư sĩ này vừa lao động, vừa hiền lành, siêng năng tụng niệm lễ bái; nên Hòa thượng cũng bất đắc dĩ phải tụng niệm, lễ bái, tu hành nghiêm túc theo. Hòa thượng định đến khi nào ông này đi, thì ăn mặn lại và không tụng niệm nữa. Không ngờ, trong thời gian một tháng sống gần cư sĩ thực tâm tu hành trang nghiêm, Hòa thượng đã quen được nếp sống tu hành ấy và đã thực sự tiếp tục hành trì như vậy sau khi cư sĩ này rời chùa. Chính việc này cho tôi thấy rõ người giỏi tốt tuhành đã làm gương cho chúng ta. Họ là cư sĩ, nhưng tánh tốt, nhiệt tình làm được nhiều việc cho đạo. Trong khi người mặc áo Phật, nhưng không được như vậy; nên đã phải tự thay đổi mình, từ tu giả trở thành tu thật.
Cư sĩ này là Phật tử của Ban Bảo trợ Phật học đường Nam Việt. Tôi tìm đến ông và nghe ông nói về ý nghĩa các bộ kinh. Nhờ vậy, tôi cũng ý thức rõ về nếp sống của người tu và nỗ lực tiến tu theo chánh pháp. Có thể khẳng định nhờ cư sĩ, vua chúa, người trí thức hết lòng hộ đạo, khiến chúng ta thay đổi nhận thức. Nhưng ngược lại, có người không cúng bao nhiêu, không giỏi, mà lại xem thường chư Tăng là phạm tội.
Nguyện thứ năm của Bửu Nữ là vui với Thánh pháp. Người không cảm nhận được niềm vui đạo hạnh thì họ vui trong tham dục. Và ngũ dục của trần gian càng hấp dẫn thì họ càng khoái lạc với nó, khó vui với chánh pháp. Bồtát hay người tu theo Đại thừa làm thế nào cho người được an vui trong sự tu hành, thấy được đạo pháp vui hơn thế gian. Muốn như vậy, trước nhất, bản thân ta phải tìm được nguồn vui đạo, sống với nguồn vui đó và kết thành quyến thuộc cũng hài hòa an vui, tạo thành biểu tượng thăng hoa ngay trong cuộc đời.
Và vui với Thánh pháp là diệt dục; trong khi người vui với tham dục không bao giờ thỏa mãn, ví như người uống nước muối càng khát. Có được niềm vui diệt dục, họ hạnh phúc vìkhông ham muốn vật chất. Dù có vật chất của cải hay không, họ vẫn bình thường. Thực tế chúng ta thấy những người phải tụ tập lại để tán gẫu mới vui, đó là cái vui có đối tác. Riêng tôi có thú vui đọc sách, tụng kinh, thamThiền.
Tu Thánh pháp, coi cái vui của thế gian là phiền toái, khác với cái vui yên tĩnh giúp chúng ta từng bước phát huy năng lực đa dạng và trí tuệ phát sanh. Có Thánh tài vô tận ấy, không cần hưởng thụ; nên mức cung luôn luôn trên mức cầu. Nhờ vậy, có hạnh phúc tuyệt đối, càng tu lâu, họ càng hạnhphúc. Trái lại, người đời càng hưởng thụ thì càng khát ái, khổ đau; đến khi mức cung không đáp ứng cho yêu cầu nữa thì rơi vô địa ngục trần gian. Bồ tát giúp người thâm nhập cái vui Thánh pháp là phát huy năng lực, đạo đức, trí tuệ cho họ. Bồ tát ban rải những thứ này cho người thăng hoa trên đường đạo và đườngđời.
Nguyện thứ sáu và thứ bảy là Bửu Nữ vì chúng sanh mà phát tâm đại từ và đại bi, xả bỏ tất cả mọi vật hay nội tài và ngoại tài. Bồ tát lớn mới xả được nội tài để bố thí cho chúng sanh; chúng ta chỉ xả được ngoại tài thôi. Từng bước tu xả, chúng ta chỉ bố thí những gì mình không cần, không sử dụng. Các cô tập việc này dễ nhất, mình không cần sách thì cho bạn. Bước thứ hai, khá hơn, cho họ để họ sử dụng lợi ích hơn ta. Phật giáo Nhật Bản phát triển được nhờ tinh thần này. Người không học được, nhưng giàu có, nên họ hy sinh, không học, để số tiền đó đầu tư cho người thông minh, nghèo, không có điều kiện học. Bước thứ hai là đã tự nâng mình lên trong việc thực hiện pháp Phật.
Bước thứ ba là có những thứ ta rất cần, nhưng sẵn sàng bố thí để xóa sự chấp ngã, chấp pháp, gọi là bố thí độ xan tham, không còn thấy Ta. Và nâng lên đến xả nội ngoại tài, chứng được Bảo tâm như Bửu Nữ. Lúc ấy, tùy theo yêu cầu nào có lợi ích nhất cho đạo thì bố thí. Thí dụ như Phật bố thí cho cọp ăn, vì thân xác trước sau gì cũng phải thay đổi. Tuy nhiên, bố thí mà không mất, để được thân khác theo như ý thì mới nên làm. Đó là ý đại từ đại bi của Bồ tát thể hiện, làm gì cũng được, miễn chúng sanh được an vui. Hạnh này của Bồ tát là hạnh khó làm, không phải việc đùa.
Cứ như vậy, Bồ tát xây dựng trọn vẹn ba mươi hai Thánh tâm thì hiện ra ba mươi hai tướng hảo của Phật. Hoặc ba mươi hai ứng hiện thân của Bồ tát cũng tùy ở ba mươi hai Bảo tâm. Đức Phật sợ Xá Lợi Phất nghĩ chỉ tu ba mươi hai pháp, nên Ngài cho biết thựcsự có vô số Bảo tâm, không phải chỉ có ba mươi hai. Có thể khẳng định rằng hạnh của Bồ tát là lấy bất biến ứng vạn biến, có bao nhiêu chúng sanh cần bao nhiêu yêu cầu thì Bồ tát đều đáp ứng được tất cả.