cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng


Pháp hội này cũng đặt ở Đại Bảo Phường Đình giữa cõi Sắc và Dục, tức giữa thế giới hiện thực mà chúng ta đang sống và thế giới tâm linh. Thế giới ấy không hẳn là hiện thực cũng không phải hoàn toàn là tâm linh.

Những người chỉ sống với hiện thực không thấy được sự huyền bí của tôn giáo. Nhà tôn giáo thường sinh hoạt trong thế giới tâm linh. Các học giả đỗ Tiến sĩ Phật học, nhưng họ không phải là nhà tôn giáo. Họ chỉ nghiên cứu pháp Phật, sống trên văn tự, hiểu biết trên văn tự mà thôi. Trong khi các Hòa thượng có thể không trình bày được Phật pháp rõ ràng, nhưng là nhà tôn giáo, nên được kính trọng. Thuở nhỏ tôi thắc mắc tại sao các học giả biết rành giáo lý mà lạikhông được quần chúng kính trọng bằng các vị tu hành. Theo tôi, học giả sống với tư cách con người, chỉ nghiên cứu lịch sử hiện thực,nhưng tâm linh của họ thì mờ tối. Trong khi nhà tôn giáo không quan tâm mấy đến lịch sử hiện thực, lại rất rành lịch sử tâm linh. Đó là sự khác biệt giữa nhà tôn giáo và nhà nghiên cứu.

Đức Phật đặt pháp hội ở giữa nhằm giúp Thanh văn rời khỏi thế giới hiện thực để thâm nhập thế giới tâm linh, trở thành nhà tôn giáo thực sự. Nói cách khác, những vị Bồ tát siêu hình xuất hiện trong thế giới hiện thực và từ hiện thực này nâng lên vô hình. Kinh Pháp Hoa diễn tả là trời người giao tiếp với nhau, hay cuộc gặp gỡ giữa con người thật và con người tâm linh của chúng ta. Sinh hoạt thực tế tu hành thường cho thấy ý này. Chúng ta ngồi đây, nhưng tâm thức vươn cao bao la, quên mất con người hạn hẹp. Lúc sực tỉnh, trở lại thực tế, chúng ta thấy mình là một Tỳ kheo mang thân tứ đại.

Trên bước đường tu theo lộ trình Đại thừa để chúng ta hiểu thế giới Phật và từ đó, giáo hóa người ở Ta bà. Đức Phật dạy rằng Bồ tát biết việc thế gian và còn biết cả những việc xuất thế gian mà người đời không thể biết. Trong khi tu Thanh văn, chỉ biết việcxuất thế. Người thế gian thì hướng tâm đến việc hoàn toàn khác, nên không thể nghenhững điều xuất thế của Thanh văn nói.

Đức Phật cho biết Thanh văn không giáo hóa chúng sanh được. Chỉ có Bồ tát biết mọi việc mà chúng sanh biết, đó là phương tiện huệ. Và Bồ tát còn biết việc người đời không biết, đó là chân thật huệ. Chúng sanh cần gì, Bồ tát đáp ứng được, nên họ không dám xem thường, mới thừa sức giáo hóa họ. Bồ tát trụ ở chân thật thế giới, nhưng dùng phương tiện ở trong ba cõi giáo hóa.

Phật đặt pháp hội này giữa thế giới vô hình và hiện thực, khiến tứ chúng nghe được hiện thực và Bồ tát, chư Thiên nghe đượcphần vô hình. Nghĩa là Phật vừa giáo hóaloài người ở nhân gian, vừa là Thầy của Bồ tát và chư Thiên.

Ở Đại Bảo Phường Đình phát ra ánh sáng chiếu khắp tam thiên thế giới. Ý này diễn tả rằng phải thâm nhập được khoảng giữa mới thấy thế giới Phật. Người không rời hiện thực, không thể thấy được Phật.

Tu Bồ Đề hỏi Phật nhân duyên gì mà có ánh sáng. Phật cho biết có Bồ tát Bất Thuấn từ phương Đông của Phổ Hiền đến Ta Bà học với Phật Thích Ca; nên ánh sáng xuất hiện. Và Tu Bồ Đề thấy được ánh sáng là đã thâm nhập Bồ tát học xứ và thấy thế giới Phật, nhưng cũng không rời thế giới này.

Trên bước đường tu, khi chúng ta đóng kín cánh cửa nhân gian và mở tầm nhìn qua thế giới khác, thấy được Bồ tát là người tuluôn có thế giới tâm thức và hiện thực. Nếu chúng ta không có thì giờ sống với thế giớiPhật thì không thể thăng hoa tâm linh được. Đứng về mặt tôn giáo, chúng ta cũng thấychúng hội đạo tràng thực sự có sức sống về tâm linh. Chánh điện nào cũng giống nhau,nhưng ở chánh điện có sức sống tâm linh thì bước vào đó, cảm thấy có điều khác lạ. Người làm lễ theo hình thức tôn giáo, chắc chắn sức sống tôn giáo không có. Vì bản thân họ không tin được việc làm ấy có kết quả, làm thế nào có sức thuyết phục người, đưa người vào thế giới tâm linh được. Các bậc cao đức cầu nguyện, chỉ đối trước Phật bằng tấm lòng thành, dù nói ra lời hay yên lặng đều tạo cho chúng ta thấy sức sống kỳ diệu.

Chư Phật giáng lâm, Bồ tát, Hộ pháp Long thần đến thì tạo thành sức sống tâm linh, là ý nghĩa của ánh sáng hiện ra trong pháp hội. Ở đây, Tu Bồ Đề giải Không đệnhất, nên mượn ngài chỉ dạy pháp này. Giải Không là tâm của Tu Bồ Đề tự tại, không chướng ngại mới vào thế giới này. Chúng ta chưa tự tại, còn kẹt căn, trần, thức, không thấu hiểu pháp Phật, không vào thế giới Phật được.

Đức Phật đang thuyết pháp ở Đại Bảo Phường Đình, Bồ tát Bất Thuấn dẫn mười ngàn Bồ tát ở phương Đông đến, khiến cho phát ra ánh sáng chiếu khắp tam thiên thế giới. Qua ánh sáng đó, thấy được chúng hội đạo tràng của A tu la, thiên thượng, Nhị thừa và Bồ tát. Mỗi pháp hội đều khác nhau.

Pháp hội A tu la gặp nhau là tranh cãi không biết mệt. Ai cũng muốn nhất. Và Đức Phật cho biết thực tế ở thế gian này có các thầy Bà la môn sử dụng việc cãi nhau làm sự sống. Cãi bằng miệng thua thì cãi bằng tay chân, gậy gộc, súng đạn. Đó là đặc tính của thế giới A tu la.

Trong thế giới của Nhị thừa, các Thanh văn, Bích chi Phật là những người lóng nghe chân lý. Vì vậy trong kinh ghi rằng có cả vạn Tỳ kheo vào thành Vương Xá mà không hề gây tiếng động, vì tâm họ đã lắng yên. Họ nghe bằng tâm và cảm nhận bằng tâm. Chư Tăng tiêu biểu cho sự thanh tịnh, nên chỗ Tăng ở yên tĩnh, khác với chỗ buôn bán.

Thế giới chư Thiên là thế giới của phước lạc, tưởng cái gì thì cái đó hiện ra.
Vì thế, họ sống hoàn toàn an vui, không
chướng ngại. Có chướng ngại là biết hết phước, sắp đọa.

Bồ tát gặp nhau đều trao đổi về việc độ sanh ở nơi nào, như thế nào. Mười ngàn Bồ tát đã tập hợp, Bất Thuấn Bồ tát mới đại diện chúng hội thỉnh Phật dạy làm sao mau đến Vô thượng Bồ đề. Câu hỏi đó cũng chính là sự thắc mắc của chúng ta. Bồ tát thanh tịnh hiện thân ở Ta bà hỏi Phật để chúng ta nhận ra tinh ba Phật dạy.

Bồ tát có hai nghĩa, một là hữu tình giác và hai là giác hữu tình. Hữu tình giác là từ loài hữu tình tu hành hướng về giác ngộ. Giác hữu tình là người đã giác ngộ và làm cho người khác giác ngộ. Kinh Pháp Hoa chia ra Bồ tát từ nhân hướng quả là hữu tình giác, hay Bồ tát nhỏ. Bồ tát từ quả hướng nhân là giác hữu tình, hay Bồ tát lớn làm cho người khác giác ngộ; đó là việc rất khó. Muốn làm được, bản thân chúng ta phải giác ngộ trước, tin trước. Và từ đức tin này, chúng ta thực hiện có kết quả mới dùng thành quả ấy dạy người, gọi là từ quả hướng nhân. Thực tế,
về phần chúng ta tu hành, tuy tin Phật,
nhưng chưa thực chứng quả, nên không thể dạy người được.

Trong lúc tu hành, chúng ta bệnh hoạn vì đang trắc nghiệm pháp, chưa đạt được kết quả; đó là dị ứng hay phản ứng của nghiệp. Thật vậy, nếu sống thuận theo dòng sanh tử, lập gia đình và có con cái thì không có vấn đề gì đặt ra. Nhưng sống theo sinh hoạt của người tu, chúng ta từ bình thường vươn lên, ắt hẳn phải kinh qua những giai đoạn không bình thường.

Điều không bình thường trước nhất là cơ thể chúng ta sẽ bị phản ứng vật chất và tâm lý, gọi là khủng hoảng tâm sinh lý, trở thành bệnh hoạn thể xác và tinh thần rối loạn. Đó là phản ứng tự nhiên của thân tâm, vì chúng ta đi theo con đường khác thường. Thí dụ nhiều kiếp chúng ta quen ăn thịt, nay ăn chay, cơ thể chưa thích nghi, không thể tiếp thu được, sanh ra mệt mỏi, bệnh hoạn là phản ứng của vật chất.

Muốn chuyển đổi cơ thể về vật lý, phải có quá trình tu từ sáu đến mười hai năm, cơ thể mới tiếp thu được thức ăn chay. Giai đoạn đầu chúng ta tu, chuyển đổi cơ thể sao cho hấp thu được chất đạm, chất béo từ thực vật. Trường hợp tôi mới tu thường bệnh sưng nướu răng, bị chảy máu răng vì thiếu chất đạm. Hoặc mới ăn chay, tự nhiên tay chân bị run, hoặc bị nhức đầu. Trong giai đoạn này, chúng ta tu hành hết sức khó khăn. Bác sĩ đã khuyên chúng ta nên uống thuốc chế bằng lòng trắng trứng để nuôi tế bào thần kinh giúp cho khỏi bệnh nhức đầu, hoặc bị suy nhược quá thì phải vô nước biển có đạm. Khi chưa tiếp thu được chất đạm, chất béo trong thực vật, chúng ta phải uống loại thuốc có các chất này và sau đó, cơ thể sẽ từ từ quen dần. Phần chuyển đổi về vật lý cho cơ thể thích nghi không khó lắm. Chỉ điều chỉnh trong sáu năm tu trở
lên là cơ thể nhẹ nhàng, không thèm đồ
mặn nữa.

Về phần chuyển đổi tâm lý thì rất phức tạp, đòi hỏi một quá trình tu hành lâu dài. Đức Phật cho biết Ngài đã phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp mới đạt được Vô thượng Đẳng giác; không phải một ngày mà có được. Vì vậy, ngày nay, trong chúng hội đạo tràng, chúng ta thấy có người bề ngoài họ cũng giống như ta, nhưng họ hơn ta ở điểm tâm
lý thật nhẹ nhàng, giải thoát. Dù ở trong
hoàn cảnh nào, họ cũng tự tại là biết họ đang từ nhân hướng quả và đã đạt quả A la hán tự tại.

Các Bồ tát từ thế giới của Phổ Hiền đến đây là những vị đã đạt được quả xuất thế, đã ra khỏi sanh tử trần lao. Tâm của các ngài tự tại rồi và nay thực hành giai đoạn hai là từ quả hướng nhân, bằng cách đến Ta bà để hành Bồ tát đạo hay để trắc nghiệm pháp một cách tự tại. Tâm tự tại có trước và Bồ tát tiến tu để đạt pháp tự tại là giác hữu tình, bắt đầu làm công việc điều chỉnh người khác. Bản thân Bồ tát tự tại thì dễ, nhưng tác động cho người không buồn phiền, quả thật khó hơn nhiều. Chúng ta chưa giải thoát tự tại mà nghĩ làm cho người được như vậy thì không bao giờ được.

Bất Thuấn Bồ tát hỏi Phật làm thế nào chứng được Nhứt Thiết Pháp Tự Tại Tam muội. Theo Đại thừa, hai phần quan trọng nhất là Tam muội và Đà la ni. Tam muội là Định và Đà la ni là Huệ. Trên bước đường tu, có nhiều Tam muội phải chứng cho được; mỗi Tam muội tương ưng đối trị một hoàn cảnh. Vì thế, chúng ta có Tam muội không tương ưng với nghiệp duyên cũng không có hiệu lực.

Đạt được tất cả Tam muội là trong mọi tình huống, chúng ta đều an lành, gọi là Nhứt Thiết Pháp Tự Tại. Giai đoạn đầu, chúng ta tu từng Tam muội, nhưng mỗi Tam muội mà chúng ta tu được kèm theo Đà la ni là huệ giải. Nghĩa là chúng ta biết Tam muội này dùng đối trị với nghiệp này và đưa đến kết quả mà chúng ta biết được nên gọi là huệ giải. Định và huệ luôn đi đôi với nhau là vậy.

Đối trước việc, tâm chúng ta không dao động và kế tiếp hóa giải được việc đó để tiến lên một bước nữa. Còn chúng ta ù lì chịu đựng, bịt tai, không nghe gọi là ám chứng, hay củi mục than nguội. Nói cách khác, người có hiểu biết trải qua một thời gian tu hànhtrở thành không biết gì, là đi vào con đường xuất thế sai lầm, rơi vào tà định hay diệt tận định. Chúng ta theo Phật có chánh định phải sanh ra huệ.

Bất Thuấn Bồ tát hỏi về Nhứt Thiết Pháp Tự Tại Tam muội là hỏi làm sao chứng Vô thượng Bồ đề. Phật dạy rằng phải đạt tâm tự tại giải thoát trước, sau đó mới có thể tu tập nhứt thiết pháp tự tại. Tâm tự tại đi trước, pháp mới đi sau. Tâm chúng ta phải tự tại với tất cả pháp. Tâm chưa tự tại là chưa vượt qua cửa Nhị thừa, không hành Bồ tát đạo được. Vì Bồ tát là người đã thể nghiệm được pháp tự tại giải thoát Tam muội; còn Nhị thừa mới đạt được tâm tự tại giải thoát Tam muội.

Tu cách nào để được tâm tự tại. Tâm chúng ta không tự tại vì bị ngũ uẩn ngăn che. Năm vòng này bao vây và sai khiến tâm chúng ta, làm cho tâm chúng ta không tự tại, thì pháp cũng không tự tại. Từ đó, việc của chúng ta làm chỉ luẩn quẩn như tằm nhả tơ, càng tu càng bị phiền não.

Phật nói muốn được tâm tự tại phải kính tín Tam bảo, quy y Tam bảo. Căn bản của đạo Phật là phải quy y Phật, pháp, Tăng; nói rộng là niệm Phật, Pháp, Tăng, thí, giới, thiên. Tu sáu niệm tâm này để được tự tại. Rời sáu niệm này sẽ bị phiền não quấy rầy.

Đem tâm gắn với Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng thì được giải thoát. Quan trọng nhất là gắn tâm với Phật. Phật nghĩa là trí tuệ. Tâm chúng ta luôn hướng về huệ giải thoát. Quy y Phật nghĩa thứ nhất là chúng ta dồn nỗ lực cho vấn đề tăng trưởng trí tuệ, hiểu biết sáng suốt của bản thân mình.

Phật là đấng sáng suốt giác ngộ hoàn toàn. Quy y Phật theo nghĩa thứ hai là nương với người sáng suốt hoàn toàn. Phật tại thế, người tu theo Ngài được giải thoát dễ dàng. Ngày nay, vắng bóng Phật, chúng ta nương theo các bậc cao đức thấy tâm mình cũng nhẹ nhàng, an vui. Theo phàm Tăng thì phiền não của Thầy đụng với phiền não của ta, không tu được. Tôi thường nghe các Thầy cô than phiền là chưa tu thấy chùa đẹp, nhưng tu thấy phiền não tăng là lý do đó. Muốn tự tại, đem tâm gắn với Phật, nghĩa là bản thân chúng ta sáng suốt, hay nương với người sáng suốt, đức hạnh thì nghiệp trần lao không bao giờ phát sanh. Nương chúng sanh thì làm thế nào tâm tự tại được, chỉ có phiền não và nghiệp sanh ra mà thôi. Không gần gũi chúng sanh, chỉ nương Phật là bước thứ nhất.

Phật dạy không rời tam quy. Có người nói tam quy là pháp của người sơ tâm. Nhưng ở đây, Phật khuyên chúng ta lúc nào cũng nhớ nghĩ đến tam quy, dù là Bồ tát lớn như Bất Thuấn cũng phải nương tam quy.

Kế đến, quy y pháp là nương giáo pháp Phật để sống. Chúng ta thường suy nghĩ Tứ Thánh đế cho đến Thập nhị nhân duyên và ba mươi bảy Phẩm trợ đạo. Suy nghĩ những pháp này xong, chúng ta nghĩ thêm về sáu pháp Ba la mật và bốn pháp Nhiếp. Chúng ta thường để tâm đến lời Phật dạy, không để tâm đến tà giáo, hay người khác.

Niềm tin của chúng ta chỉ đặt nơi lời dạy của Phật, nương theo pháp để sống, thì pháp sáng tỏ trong lòng chúng ta; nên được giải thoát. Riêng tôi, không phải gặp toàn người tốt, nhưng tôi không để tâm đến họ. Đến khi nhìn lại thì thấy họ hoàn tục hay đã chết mà tôi cũng không hay biết; vì lòng tôi gắn chặt với pháp và Như Lai. Tôi suy nghĩpháp và lấy pháp làm lẽ sống, nên được an lành. Trong hoàn cảnh khó khăn tưởngkhông sống được, nhưng vẫn bình yên là nhờ nương pháp. Người nương theo sự khôn dại của thế gian để sống, họ trở thành thân tàn ma dại. Nương Phật và pháp trên bước đường tu, từng bước tôi thăng hoa. Dùng sự khôn dại của thế gian, chắc gì chúng ta qua được. Có người nói tôi may mắn vì thấy tôi không giỏi, nhưng việc lại thành tựu. Tôi nghĩ đó là nhờ Phật hộ niệm và sống trong pháp an lành.

Sau cùng, quy y Tăng. Tăng là thanh tịnh. Giáo đoàn của Phật lấy thanh tịnh là chính. Người thanh tịnh chúng ta nên gần gũi, vì không có vấn đề. Gần người không thanh tịnh, nhiều phiền phức xảy đến cho ta.

Từ giáo đoàn nhân gian có đủ vấn đề mà tôi nghĩ là không vượt được, nên tôi kính lễ tất cả Hiền Thánh Tăng trong thời khóa tu Hồng danh Pháp Hoa mỗi ngày. Lạy nghĩa là quy y với các ngài. Và nâng lên một bước nữa, hướng đến Bồ tát Tùng địa dũng xuất để lạy. Các ngài là những người âm thầm hộ trì cho người trì kinh Pháp Hoa. Thế giới Tăng của tôi là Bồ tát Tùng địa dũng xuất và Bồ tát mười phương tạo thành thế giới an lành cho tôi hướng tâm, làm cho tâm tôi được tự tại giải thoát. Và trở lại thực tế là hiện tiền Tăng, tức Giáo hội của chúng ta. Theo tôi, muốn mau đến Vô thượng Bồ đề, đừng làm mất lòng bất cứ Thầy cô nào. Tôi kính ngưỡng Bồ tát, Thanh văn trong mười phương và sống ở đời này không làm mất lòng người.

Phải kính tín Tam bảo và đem tâm đặt vào Tam bảo, không có cái riêng của ta, là vô ngã. Tâm chúng ta đặt vào Phật, Pháp, Tăng; nghĩa là lấy Như Lai, chân lý và tập thể làm mình, sống vì đại chúng, từng bước được giải thoát.

Ngoài ra, Phật còn dạy Bồ tát Bất Thuấn phải thâm tín nhân quả. Mọi việc đều do nhân quả quyết định. Chúng ta làm gì tốt hôm nay sẽ là nhân tốt ở ngày mai. Trong đời này xuất gia tu hành, nhìn lại quá khứ thấy thành quả đã làm an vui cho người là biết chúng ta lên được. Còn đến chùa nào cũng sanh sự và kết luận rằng không có chùa nào, Thầy nào được. Không được thì tại sao họ tồn tại. Chúng ta phải nhận ra điều này là thâm tín nhân nào quả nấy. Người tích cực đóng góp công sức, nhất định phải hưởng thành quả. Có công quả, dù không giỏi, ít nhất cũng lên Trụ trì. Học giỏi nhưng không đóng góp, không có công; nên không có quả. Ta nhìn kỹ xem mình đã làm gì được cho đời, cho đạo.

Thâm tín nhân quả thì quyết lòng học và tu để phục vụ. Thuở nhỏ, tôi quyết tâm học cho đỗ đạt và thành tài xong phải phục vụ nhiều năm mới có thành quả ngày nay. Sợ nhất là hưởng thụ mà không làm, đến khi hết phước thì khổ vô cùng.

Phật cũng khuyên Bất Thuấn Bồ tát dù tin Phật, Pháp, Tăng, nhân quả, nhưng đừng chấp Phật, Pháp, Tăng, nhân quả. Chấp pháp nguy hiểm, vì tự lấy pháp ràng buộc mình kẹt trong pháp; thay vì không tu, lại được tự tại. Thực tế cho thấy có Thầy mới tu rất hiền, tu một lúc trở thành hung dữ là vì chấp chặt pháp; thấy người tu không đúng với pháp của mình, nên sanh bực bội, khó chịu. Xưa kia tôi cũng phạm sai lầm này. Thấy người tu không giống Phật dạy, sống không đúng chánh pháp thì khởi tâm bực.

Bước đầu, nương Phật pháp, nhân quả, nhưng sau đó, phải phá bỏ tất cả để đạt được giải thoát. Kẹt những thứ này không thể nào giải thoát. Và cuối cùng phải đạt Bồ đề phương tiện và Thiện pháp phương tiện; hay nói rõ, Bồ tát muốn giải thoát phải có huệ.

Tu hành có chân lý, nhưng chân lý của cuộc đời khác với chân lý của chúng ta. Chân lý bất biến muôn đời không thay đổi và chỉ có ở Niết bàn, thì không có vấn đề gì. Ngôn ngữ đạo đoạn, chứng Vô sanh nhẫn. Nhưng trở lại thực tế cuộc đời, sống với người, chúng ta phải tùy duyên mới giải thoát được. Chúng ta phải biết mình đang ở địa ngục, súc sanh, A tu la, Ta bà hay Tịnh độ.

Thấy rõ vị trí mình trong thế giới đó rồi, chúng ta mới tích lũy những thiện pháp nhỏ là căn lành. Còn chúng ta đòi hỏi mọi người ở Ta bà phải tốt như Phật Di Đà, làm sao có được. Phật dạy người tạo được một việc thiện, chúng ta cũng phải tùy hỷ với họ. Cho đến người ở trong địa ngục, tâm tán loạn, cũng tu được. Họ chỉ cần niệm một câu Nam Mô Phật, thì theo tinh thần kinh Pháp Hoa, Phật cũng cứu họ. Đó là phương tiện thiện pháp, ai có chút xíu việc thiện nào, chúng ta cũng tùy hỷ. Nghĩa là chúng ta biết rõ họ như vậy và chỉ liên hệ với họ qua thiện pháp ấy mà thôi.

Nếu nghĩ họ xấu, chúng ta sẽ khởi ý niệm không tốt; tất nhiên họ cũng không tốt lại với ta. Dù họ có một việc tốt nhỏ như chắp tay niệm Phật cũng còn tốt hơn là không biết như vậy. Chúng ta trân trọng việc tốt này và giúp họ từ từ phát triển tánh tốt để trở thành Phật tử. Làm như vậy là tích lũy phương tiện thiện pháp, các pháp thiện được góp nhặt lần lần.

Thiết nghĩ tìm được người toàn vẹn ở thế giới ngũ trược này làm gì có. Nếu chúng ta biết khai thác mặt thiện thì ai cũng có và tập hợp được nhiều cái tốt của nhiều người là góp nhặt những thiện pháp để hướng dẫn họ cùng nhau thăng hoa tri thức, đạo đức theo Phật. Đó là việc làm của Bồ tát. Chỉ khai thác mặt ác của người, làm cho họ ác hơn nữa là việc làm của ác ma.