Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng
Mở đầu pháp hội này, Đức Phật cũng nói pháp ở Đại Bảo Phường Đình giữa Dục giới và Sắc giới hay giữa sắc và tâm. Điều này gợi ý rằng trong cuộc sống, có lúc chúng ta nặng về lý tưởng nên quên phần thực tế; hay ngược lại, thiên về cuộc sống vật chất mà không biết đến sinh hoạt tâm linh. Chúng ta thường rơi vào một trong hai cực đoan ấy. Đức Phật dạy Bồ tát đạo để nhắc nhở hàng Nhị thừa đừng mãi hướng tâm đến những cái cao xa mà quên thực tế. Vì thế, Ngài nói pháp hội này ở giữa cõi Dục và Sắc. Nói cách khác, trên bước đường tu, chúng ta còn nhiều mối quan hệ với xã hội mà chúng ta đang sống; đừng lý tưởng hóa mọi việc một cách quá mức.
Ý thứ hai của hiện tượng pháp hội ở giữa cõi Dục và Sắc là chúng ta không thiên nhiều về vật chất, cũng không hướng hoàn toàn đến lý tưởng; đó là con đường Nhị đế dung thông. Chúng ta luôn cân nhắc khi sống với tục đế, nhưng không bị nhiễm trần và sống với chân đế, nhưng không quên bốn ơn.
Trong pháp hội này, đại chúng thấy nước dâng tràn cả tam thiên thế giới; nghĩa là từ thực tế nhìn qua hiện tượng thần thông biến hóa của Đức Phật. Trụ ở thực tế không thể thấy hiện tượng này, nó chỉ xuất hiện ở thế giới tâm linh. Ý này gợi tôi nhớ đến khi đi hành hương đến Phổ Đà sơn ở Trung Quốc, nơi thờ Bồ tát Quan Âm. Tục truyền rằng xưa kia có vị sư Nhật Bản tạc tượng Quan Âm để mang về nước. Nhưng thuyền gặp bão và gió đã đưa tượng này tắp vô Phổ Đà sơn. Vị sư này nghĩ rằng Bồ tát Quan Âm muốn trụ ở đây để cứu người đi biển bị nạn, nên đã đặt tượng nơi này. Ngày nay tượng này được gọi là Nam Hải Quan Âm và người ta đã thếp một trăm lượng vàng trên mặt tượng Quan Âm cùng xây dựng cảnh quan nơi đó rất đồ sộ. Trong đoàn hành hương có một anh Việt kiều tu Thiền và Mật tông, lên đến Phổ Đà sơn thì anh tìm gốc đá để ngồi Thiền. Sau đó, anh nói với tôi rằng trong lúc Thiền, anh đã thấy nhiều cảnh lạ, thấy nước từ biển dâng lên ngập tràn mọi nơi và thủy quái bu quanh anh. Còn những người hành hương khác thì không thấy gì cả. Có thể nói vào cảnh giới Thiền định mới thấy những việc mà bình thường không thấy; đó là thế giới nằm giữa vật chất và tâm linh. Theo tôi, khi Thiền gặp những điều kỳ lạ, thì phải cẩn thận. Phải trụ vô tâm, là quán Không; bản thân của chúng ta còn không có thì nước và thủy quái làm gì có. Nhưng nếu chúng ta không trụ được pháp Không, có thể nhiếp tâm niệm Phật thì tất cả hình tượng ma quái ấy sẽ biến thành hình ảnh Phật. Đó là kinh nghiệm mà tôi đã kiểm chứng và cũng nghe các vị Thiền sư dạy như vậy.
Chúng ta còn kẹt trong vật chất, không thấy những hiện tượng vô hình, thì vẫn nên trân trọng tâm thức của người khác. Dưới mắt họ, có thể hiện ra hình Phật qua một đám mây hay một hòn đá. Chúng ta đừng vội chỉ trích họ, vì biết rằng đó chỉ là do tâm tưởng mà hình thành, không phải hiện tượng của thế giới vật chất. Trên bước đường tu Đại thừa, chúng ta chỉ ở trong sự chập chờn, không hẳn vật chất, cũng không hẳn là siêu thức. Tuy cùng một vật, có lúc chúng ta thấy nó là vật chất, có lúc lại thấy siêu vật chất.
Trong pháp hội, đại chúng thấy nước mênh mông và có vô số hoa sen. Có thể hiểu rằng thần lực của Phật và Bồ tát đã đưa đại chúng rời khỏi thế giới vật chất và nương theo thần lực của các Ngài, chúng hội thấy được hiện tượng lạ như vậy. Thiết nghĩ người tu không thâm nhập được thế giới Phật và chỉ sống với thế giới vật chất, chắc chắn phải thấy buồn.
Thực tế lịch sử cho thấy nhiều vị Tổ sư đắc đạo có đời sống tâm linh cao. Sinh hoạt của các ngài được nâng lên ở dạng siêu thoát, khiến cho người phát tâm tu theo và thể hiện thành những việc làm lợi ích, cứu đời. Chính nội lực tu hành của các vị Tổ sư thâm nhập thế giới kỳ diệu siêu hình đã tạo thành mạng mạch cho Phật giáo phát triển. Trái lại, Phật giáo bị suy đồi khi người tu còn kẹt ở đời sống vật chất và như vậy so với người đời, họ tự làm để sống thì người tu trở thành con nợ. Ý thức sâu sắc tinh thần này, các anh em tu hành phải tìm được cuộc sống siêu thế gian của Đức Phật, thì mới hiểu được sự hành đạo của Bồ tát.
Chúng hội thấy nước dâng tràn tam thiên đại thiên thế giới, trên mỗi hoa sen nở có một vị Bồ tát ngự, không phải Phật ngự. Chúng ta thường thấy hoa sen mọc trong bùn, tiêu biểu cho đạo Phật "bất ly thế gian giác”. Cần ý thức sâu sắc điều này, tìm giác ngộ trong cuộc sống khổ đau. Mỗi hoa sen có một Bồ tát ngự, khác với Phật ngồi hoa sen. Đức Phật ngự trên hoa sen tiêu biểu cho trí tuệ toàn giác; Ngài được kính trọng vì sự hiểu biết chính xác và vô cùng. Tăng Ni theo dấu chân Phật nếu không phát huy được trí tuệ, thì không thể làm lợi ích cho đời.
Bồ tát ngồi trên hoa sen chỉ cho hạnh cứu nhân độ thế, làm ích lợi cho người và ai cũng có thể hành Bồ tát đạo; đó là cái nhìn của Đại thừa. Nhìn theo Tiểu thừa thì chỉ có Đức Thích Ca là Phật và kế tiếp là Di Lặc làm Phật trong đời vị lai.
Dưới mắt Đại thừa, mọi người ở trần gian đều là Bồ tát có thể phát huy tánh Phật, thành Phật trong tương lai. Họ có thể tự cứu mình và cứu đời, là mặt tích cực của Bồ tát theo Đại thừa Phật giáo.
Di Lặc tiêu biểu cho Bồ tát trong pháp hội này, ngài hỏi tại sao có nước dâng và hoa sen xuất hiện. Điều này thể hiện ý niệm mới trong đạo Phật, vì từ trước chỉ có Di Lặc là Bồ tát. Đức Phật cho biết có thế giới Bửu Trang Nghiêm của Phật Hải Trí và có Bồ tát Hải Huệ đưa tất cả Bồ tát đến đây nghe pháp. Có Bồ tát, chư Thiên, Long thần đến thì có hiện tượng lạ. Cũng quang cảnh đó, nhưng nhân vật quan trọng đến, tự nhiên tạo thành sức sống mãnh liệt. Đại Bảo Phường Đình sáng rực vì có Bồ tát Hải Huệ và vô số Bồ tát tùy tùng. Điều này lại khiến chúng ta nghĩ thêm rằng đương nhiên Đức Phật là bậc Thầy cao cả. Tuy nhiên, với tư cách là người xuất gia, Ngài không thể vào trần thế làm tất cả ngành nghề trong xã hội như chúng ta. Thật vậy, chúng ta khoác áo nhà sư tu hành mà vào đời buôn bán, giao dịch, phải trái hơn thua là phá pháp. Chúng ta chỉ chuyên làm việc đạo.
Nếu chúng ta theo Tiểu thừa cầu giải thoát, trụ A la hán, chứng Không, vô tác, an trú Niết bàn. Nhưng phát tâm Đại thừa, nâng chúng ta ra khỏi sanh tử khổ đau, trụ ở Đại Bảo Phường Đình là thế giới giữa cõi Dục và Sắc. Nếu đến đây, chúng ta không phát tâm thì đi thẳng vào Niết bàn.
Trong cõi Sắc có Ngũ Tịnh Cư Thiên là nơi dành cho hàng A la hán phát tâm hành Bồ tát đạo. Trong khi ngoại đạo tu đến tứ Không Thiên, lọt vào tứ Không hay Không Vô Biên Xứ, họ mất liên hệ với cuộc đời. Nhưng chúng ta vào Ngũ Tịnh Cư Thiên vẫn còn nghe Phật thuyết pháp. Ngũ Tịnh Cư Thiên và Đại Bảo Phường Đình gần giống nhau, vì còn nghe pháp Phật được.
Quả Nhị thừa tu chứng được, bản thân giải thoát rồi, thì Phật mở cánh cửa Đại thừa để tiếp tục tu Bồ tát đạo. Nếu không thực hiện Bồ tát hạnh ở giai đoạn kế tiếp, chúng ta cũng không thể làm Phật được.
Phát Bồ đề tâm, khoác áo tu, vào đời làm đủ thứ việc thì không còn là người xuất gia. Vì vậy, phát tâm vào đời hành Bồ tát đạo, chủ yếu phải là cư sĩ. Có hai hình thức là Bồ tát tại gia và Bồ tát xuất gia. Chúng ta là tu sĩ vào đời làm Bồ tát xuất gia, làm người tiêu biểu cho Bồ tát tại gia nương theo. Họ đóng vai cư sĩ hộ đạo, thì chúng ta phải đóng vai người tu chỉ đạo. Họ làm vì Tam bảo và ta là người xuất gia tiêu biểu cho Tam bảo. Người xuất gia không tốt hoặc không có, thì cư sĩ không nương vào đâu để làm đạo; còn chúng ta lăn xả như người đời, họ sẽ xem thường. Chúng ta lãnh đạo cư sĩ để họ nương theo phát huy mặt tích cực của Bồ tát.
Bồ tát Hải Huệ dìu dắt vô số Bồ tát ngồi hoa sen là ý Bồ tát nương Phật Hải Trí mà phát huy mặt huệ. Sống trong cuộc đời, muốn làm được việc, chỉ có trí chưa đủ, còn cần phải có huệ. Trí là sự hiểu biết do học mà có và huệ là trí khôn ứng cảm tùy cơ, không có trong sách vở. Người học giỏi, không làm được việc vì không có huệ. Nhìn một người, ta biết họ nghĩ gì, muốn gì và làm được gì; kinh sách không dạy được những việc này. Biết nghiệp quá khứ của người và hiện tại họ làm được gì, ta tùy theo đó mà giúp đỡ. Nếu không có huệ, người không đáng xuất gia mà cho xuất gia là hại họ.
Hải Huệ Bồ tát thấy biết năng lực của mọi người, ngài giúp họ phát huy khả năng. Nói cách khác, là đưa họ ngồi hoa sen. Ngay cả người dở, người xấu ác, Bồ tát cũng thấy năng lực riêng của họ và ở mức độ nào, ngài cũng giao việc thích hợp để họ có được những đóng góp lợi ích nhất định.
Ở chùa, chúng ta thấy có tứ Thiên vương Hộ pháp để làm những việc mà người xuất gia không thể làm. Thí dụ Thầy tu không thể hung dữ, đánh nhau, ăn nói bừa bãi; lúc nào cũng phải rộng lượng, khoan dung thì làm thế nào trị được những kẻ phá chùa. Để yên cho họ quậy phá, thì chùa chẳng thể thanh tịnh. Trừng trị những kẻ gây rối trong chùa là công việc của Hộ pháp "sống”.
Nên hiểu Bồ tát là người cứu nhân độ thế, tất nhiên đa dạng. Hiểu như vậy thì nhìn xã hội chúng ta đang sống sẽ khác hơn thế giới Phật mà chúng ta thâm nhập. Thật vậy, trong thế giới Phật, chúng ta thấy chư Phật ngự đài sen, thể hiện hình ảnh xuất gia thoát tục, giải thoát. Vì vậy, hình ảnh chư Tăng gần với Phật hơn, vì Phật nào cũng mang hình ảnh xuất gia. Nhưng ở đây là hiện tượng trong đời, nên trên hoa sen có Bồ tát ngự và chúng ta thấy họ tu giải thoát nhưng cứu đời. Vì vậy, cái nhìn của Đại thừa thấy tầng lớp nào trong xã hội cũng có người tốt chí đạo.
Nhìn theo Tiểu thừa thì giới xuất gia trên hết. Nhưng theo Đại thừa, ai cũng có thể ngự đài sen nếu tín tâm kiên cố. Phát tâm Bồ đề là ngự đài sen. Đại thừa căn cứ vào phát tâm Bồ đề và cứu độ chúng sanh là việc chính. Hai việc này gắn liền nhau, không thể tách rời. Bồ tát phát tâm và thân cận chúng sanh để dìu dắt họ.
Tu Thanh văn thấy Phật ngự đài sen; trong khi tu Đại thừa thấy Bồ tát ngự đài sen. Thể hiện tinh thần này, ngài Trí Giả dạy rằng trong hồ sen có sen đã nở ra, sen còn búp hay còn trong mầm. Mầm là Bồ đề tâm. Những người trong xã hội phát Bồ đề tâm là có mầm sen rồi. Nếu nhìn xuống thấy mọi người đều xấu ác, chúng ta khiếp sợ và muốn rời bỏ họ là sai. Theo Đại thừa, thấy ai cũng có năng lực tự cứu được bản thân và giúp đỡ người khác. Các anh em tu Đại thừa nên tập nhìn đời theo cách này, không bỏ ai. Nếu cố chấp, chúng ta không bằng lòng người khác và loại bỏ dần mọi người; chỉ còn ta tốt và bằng lòng việc của mình thôi. Dưới mắt Đại thừa, nhìn xuống thấy mọi người đều có mặt tốt riêng. Và thấy được điểm tốt của họ, chúng ta khai thác mặt tốt ấy thì trong chừng mực nào đó, họ trở thành người tốt hay đối với chúng ta, họ là người tốt.
Khéo vận dụng tinh thần này trong xã hội, chúng ta dễ hành Bồ tát đạo. Ở Nhật Bản, có ba hội đoàn Phật giáo là Soka gakai, Rissho Koseikai và Busshogokenkai. Tôi nhận thấy cả ba tổ chức này đều tập hợp được số đông quần chúng tín ngưỡng và họ sử dụng được sức mạnh của tập thể, tập hợp được những người bị xã hội bỏ rơi. Thiết nghĩ không có mấy người tự sống được lại tìm đến ta. Chúng ta tìm người tốt giỏi làm quyến thuộc là hư vọng. Nhắm vô hạng hạ tầng, người nghèo đói bị bỏ rơi để chúng ta xây dựng, giáo dưỡng. Trong xã hội, người giàu, giỏi không quá mười phần trăm, dù là ở các nước tiên tiến, thành phần này cũng không đông.
Lúc tôi tu học tại Nhật Bản, dân số nước này khoảng 110 triệu dân, thì ba hội đoàn nói trên đã tập hợp được trên 70 triệu người. Nhờ sử dụng được số đông nhân lực và có nhiều tiền do đông đảo hội viên đóng góp, các hội đoàn này mới xây dựng được cơ sở lớn lao và tận dụng được nhân lực để làm những việc giúp cho xã hội đi lên.
Tu Đại thừa thấy mọi người đều có năng lực sử dụng được và phải khai thác mặt mạnh này của họ; khác với tu cố chấp thấy người không có năng lực hoặc thủ tiêu năng lực của người biến họ thành kẻ ăn hại. Nghĩa là người bình thường phát huy khả năng trong cuộc sống và họ đóng góp được cho xã hội. Nhưng ta khuyên họ bỏ học, bỏ việc làm để đi tu và đến khi vô chùa, họ quét lá, tụng kinh, quả đường, v.v... mà không phát triển khả năng được. Dần dần theo thời gian, tất cả khả năng đóng góp của họ cho xã hội cũng bị thủ tiêu.
Các anh em tu hành nên cân nhắc điểm này để khỏi ân hận. Đừng để rơi vô tình trạng theo Thầy tu một thời gian, hết duyên, hoàn tục, trở thành vô dụng. Tu như vậy là một tội ác. Các anh em phải suy nghĩ để lãnh đạo Phật giáo sau này. Chúng ta giúp người để họ phát huy khả năng, tự làm được việc, tự đứng bằng đôi chân của họ và dạy họ làm lợi cho đời. Đừng thủ tiêu khả năng của người để xã hội coi người tu là ăn bám.
Nhìn xuống thấy tất cả người ngồi đài sen, nghĩa là họ đều có năng lực và làm được việc, chúng ta giúp đỡ họ thăng hoa. Tôi lên Nga Mi sơn cao trên ba ngàn thước, đường rất sạch. Cứ một đoạn đường, tôi thấy có người quét lá. Điều này gợi ý cho chúng ta nhận thức rằng người có khả năng nào thì chúng ta đều sử dụng được. Người có thể khuân vác, bán hàng, quét dọn, v.v..., thì họ làm việc đó. Chúng ta vận dụng năng lực của Phật tử để đóng góp cho xã hội và Phật giáo đi lên, làm đẹp cuộc đời. Còn lý tưởng của chúng ta thì mỗi người tự có cái riêng. Việc đóng góp cho xã hội, người tu không thể không góp phần. Đừng dạy người cách tu ăn ở không.
Bồ tát là Hải Huệ, Như Lai là Hải Trí, hay có nghĩa là tu chứng đắc rồi mà ngồi yên, không làm cũng không tạo được thành quả gì. Trở thành bậc minh triết, Hải Huệ Bồ tát quán sát xã hội có đủ mọi thành phần, làm đủ ngành nghề. Bồ tát thấy được mọi người và biết rõ năng lực của họ, giúp họ phát huy tài năng. Làm như vậy là đưa mọi người lên ngồi tòa sen, mới xây dựng được xã hội tốt đẹp gọi là Phật quốc. Đó là cách nhìn theo Đại thừa Phật giáo, không phải tự nhiên có xã hội tốt. Thể hiện tinh thần Bồ tát đạo là giúp mọi người phát huy khả năng, đóng góp cho xã hội đi lên. Điều này nói lên ý nghĩa nhìn xuống vẫn thấy hoa sen, không thấy khổ. Người đau khổ vì không được người có trí tuệ chỉ đạo, không ai thương họ. Bồ tát vào địa ngục vận dụng khả năng của người, giúp họ tự sống và xây dựng xã hội phát triển là tinh thần Đại thừa.
Theo cách nhìn mới của kinh Bảo Tích, Bồ tát đưa tất cả người lên hoa sen, khác với trước kia nghĩ rằng chỉ có Di Lặc là Bồ tát. Nay Hải Huệ giúp tất cả thành Bồ tát, là giáo dưỡng quyến thuộc thành người hộ đạo; không phải đẩy người vào thế đối lập với mình. Chúng ta học tinh thần này để mai sau vào đời hành đạo, xây dựng cho người trở thành hữu ích cho đời, làm đẹp cho đạo.
Trong pháp hội, Xá Lợi Phất hỏi Đức Phật rằng Hải Huệ Bồ tát tu pháp gì và từ thế giới nào đến đây mà có thần thông biến hóa nhiều như vậy. Xá Lợi Phất là bậc trí tuệ đệ nhất trong hàng Thanh văn, có đủ tư cách để hỏi Phật giải đáp sự nghi ngờ của đại chúng.
Bồ tát Hải Huệ nghe hỏi liền nhập Hải Ấn Tam muội, làm cho đại chúng thấy được thế giới Bửu Trang Nghiêm của Đức Phật Hải Trí, một thế giới có huệ và trí. Có trí huệ là có tất cả, không trí huệ thì vật báu cũng trở thành vô ích. Thí dụ một nước có nhiều tài nguyên tốt và cũng có người giỏi; nhưng không biết sử dụng tài năng của họ, không biết giao đúng việc cho họ, lâu dần cũng khiến họ trở thành người ăn không ngồi rồi, không giúp ích gì được cho xã hội và làm cho tài nguyên có giá trị trở thành những vật vô dụng.
Đại chúng thấy thế giới Bửu Trang Nghiêm của Hải Huệ ở hạ phương tiêu biểu cho những gì thấp kém; nhưng với trí tuệ của Hải Huệ biết khai thác những thứ tầm thường thành những tiện nghi hữu ích. Ở đây muốn nói tuy phương dưới không bằng ta, nhưng nhờ họ có trí tuệ cũng chuyển đổi người trở thành hữu dụng. Đó là ý nghĩa của Hải Huệ nhập Định.
Hải Huệ Bồ tát thưa với Đức Phật rằng ngài đưa Bồ tát đến đây để nghe pháp. Bồ tát ở thế giới an lành rồi, đưa chúng về đây học. Học gì? Ý này chỉ xuất hiện trong kinh điển Đại thừa.
Học của Nhị thừa là học ở trường lớp, trong khi Đại thừa học ở cuộc đời. Hai cách học này khác nhau. Học ở trường lớp là học ở thế giới Phật, tức học lý thuyết. Tuy nhiên, học xong phần này, đòi hỏi phải đi thực tế, hay phải vào cuộc đời. Phật Thích Ca đang ở Ta bà, nơi có đủ mọi việc tốt xấu. Muốn học đạo Bồ tát, rõ ràng phải học ngay ở Ta bà. Tất cả Bồ tát đều phải về đây thực tập mới có điều kiện sống thật cho họ hành Bồ tát đạo, phát huy được năng lực thực sự.
Bồ tát Hải Huệ hỏi Phật như vậy thì Ngài giảng cho họ chứng được Hải Ấn Tam muội. Nhưng muốn được Tam muội này, phải chứng Tịnh Ấn Tam muội. Tịnh Ấn Tam muội là dấu ấn thanh tịnh, tức thân, khẩu, ý phải thanh tịnh và thanh tịnh trong mọi hoàn cảnh. Phật dạy Bồ tát Hải Huệ, hay Ngài cho Hải Huệ hỏi để đại chúng hiện tiền suy nghĩ, không hướng thẳng về Niết bàn.
Trở lại thực tế, chúng ta tu pháp gì cũng nhằm làm cho ba nghiệp thanh tịnh. Nhưng muốn thanh tịnh, phải làm sao. Phật dạy phải tu Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Tu Thanh văn, sử dụng ba mươi bảy Phẩm trợ đạo trang nghiêm thân tâm. Tu Duyên giác quán Nhân duyên và tu Bồ tát dùng sáu pháp Ba la mật, Tứ Vô lượng tâm để trang nghiêm thân tâm. Đó là quá trình tu mà người áp dụng đúng pháp này, sẽ hiện rõ tướng Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát.
Tướng Thanh văn là tướng giải thoát; chúng ta tu hành lấy giải thoát làm chính. Phật dạy pháp môn vô lượng, nhưng chỉ có một vị giải thoát. Thực hiện hạnh Thanh văn, phải làm cho ba nghiệp thanh tịnh và ba mươi bảy Trợ đạo phẩm giúp cho thân tâm thanh tịnh. Khi còn ngồi ghế nhà trường, phải rèn luyện cho được pháp này.
Có thể nói giai đoạn thứ nhất thể hiện qua thân nghiệp, là ở xa đã thấy vị Tỳ kheo giải thoát; đến gần nghe nói thì người phát tâm, là khẩu thanh tịnh. Và sống gần, thì người quý trọng vị Tỳ kheo này, là ý thanh tịnh. Vì vậy, người đời còn chỉ trích được, tự biết chúng ta chưa thanh tịnh. Người đánh giá chúng ta hoàn toàn tốt, là ba nghiệp của chúng ta đã thanh tịnh theo Thanh văn đạo.
Hải Huệ ở thế giới Bửu Trang Nghiêm. Từ thế giới an lành này, ngài trở lại thế giới không an lành và cảm thấy không an chút nào. Đó là ý mà Đại thừa muốn chúng ta triển khai. Trong sinh hoạt thực tế, chúng ta cũng thường thấy như vậy, ở chùa thì an lành, nhưng ra đời, tự thấy mình không bằng ai; điều này rất nguy hại. Có thể nói đây là triệu chứng Phật giáo suy đồi; vì Đức Phật không dạy người ăn bám, nhưng dạy cứu đời.
Phật giáo phát triển do chư Tăng hoằng hóa, nói rõ hơn là làm lợi ích cho cuộc đời. Điển hình như Phật giáo Trung Hoa thời hưng thạnh vì có các bậc cao Tăng đạo đức, tri thức hơn thiên hạ. Các ngài đóng góp nhiều cho đời và nổi tiếng là các vị tu hành ở tứ đại danh sơn, hiện còn là thắng tích của Phật giáo Trung Quốc. Danh lam thắng tích hầu hết là của Phật giáo, mặc dù nước Trung Quốc là nước của đạo Khổng.
Ngày nay, người tham quan Thiếu Lâm tự, ngoài việc chiêm bái, còn thấy có trường võ thuật Thiếu Lâm được người ngoại quốc đến cầu học rất đông. Người Trung Hoa cho con em đến học võ ở đó để tự vệ và có thể tham gia ngành cảnh sát an ninh dễ dàng, vì giỏi về võ thuật, tốt về đạo đức. Như vậy, Phật giáo đã làm lợi ích ngay trong cuộc đời, đã rèn luyện đạo đức, trí năng bén nhạy và thể lực tốt cho người. Với những con người có đặc tánh hoàn hảo như vậy đi vào cuộc đời, làm lợi cho đời, khiến cho người người kính nể. Đó là tinh thần Đại thừa muốn nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực của Phật giáo.
Ý thứ hai mà Phật giáo Đại thừa muốn nói lên là sự hiểu biết của con người đóng góp cho xã hội, quản lý tốt đẹp xã hội. Còn sống ở chùa để khả năng bị mai một được diễn tả qua hình ảnh Hải Huệ an lành ở thế giới Phật, nhưng vào Ta bà lại bị dao động.
Tại sao Phật Thích Ca ở Ta bà không dao động. Thiết nghĩ sống ở chùa, nhưng phải nghĩ ngay đến việc đóng góp gì cho xã hội. Đức Phật cho biết Ngài ở Ta bà an ổn được là nhờ tu các pháp trong Ta bà, tìm tịnh trong động, tìm an trong bất an. Các Thầy tu Thiền quen ở núi, khi về thành phố không chịu nổi cảnh náo động. Xưa kia tôi ở Nhật Bản về Ấn Quang hành đạo cũng không chịu được tiếng ồn ào, đến nỗi tôi phát bệnh. Điều này khiến tôi dễ hiểu Hải Huệ Bồ tát ở cảnh tịnh quen, không chịu nổi cảnh náo nhiệt của thành thị; chưa nói đến đóng góp được gì cho xã hội.
Người tu ở Thiếu Lâm tự phải đốn củi, gánh nước, là rèn luyện thể lực. Chúng ta tu hành không rèn luyện cơ thể lâu ngày trở thành bạc nhược. Họ nổi tiếng với thể lực mạnh, tạo được hai thế khinh công và xuống tấn vững chắc như núi. Nhờ luyện tập thể lực, trí lực và đạo đức, họ vào đời làm được nhiều việc lợi ích. Hình thức đào tạo người cứu đời của Phật giáo Trung Hoa thời xưa là như thế.
Ngày nay, tôi nghĩ chúng ta có thể học thêm ngành khoa học nào đó để góp mặt với đời, tạo được sự ngưỡng mộ trong quần chúng. Như vậy, Phật giáo tồn tại trong lòng người, trong sự ngưỡng mộ của mọi người. Khi người không nghĩ đến ta, dù hình thức Phật giáo có còn chăng nữa, thì cũng kể như đã mất.
Trên bước đường tu, trước khi chứng được Tịnh Ấn Tam muội, trước tiên phải phát tâm đại bi đối với tất cả chúng sanh. Đối tượng của chúng ta là chúng sanh và cứu vớt chúng sanh là việc làm đặt lên hàng đầu. Phải có mục tiêu trước và từ đó mới dẫn đến hành động; vì có thương chúng sanh mới tìm cách cứu.
Đức Phật thấy các loài chúng sanh giết hại nhau, Ngài mới động lòng thương và xuất gia học đạo để tìm cách cứu thoát mọi loài. Chúng ta bước theo dấu chân Phật, xuất gia cũng với tinh thần thương chúng sanh, không phải chán đời hay bị người đời ruồng bỏ.
Người nhiệt tình đi tu với tâm thương xót chúng sanh và tìm cách cứu khổ. Như vậy phải cứu mình trước, mới cứu người, tìm ra lối thoát cho chính mình là Tịnh Ấn Tam muội. Tìm lối thoát, nghĩ xem chúng sanh đau khổ vì lý do gì. Đức Phật đã chiêm nghiệm ý này, đó là Tứ Thánh đế. Nghiệm ra được nguyên nhân khổ và phương pháp dứt được mọi khổ đau, thì giải thoát. Đó là quá trình Phật dạy để tự cứu mình.
Trong Đạo đế, Phật dạy ba mươi bảy Trợ đạo phẩm, theo đó tất cả khổ đau đều do tham vọng, ái nghiệp mà sanh ra. Vì vậy, Ngài dạy chúng ta diệt dục, khử ái trong sinh hoạt đời thường. Khi đã đoạn sạch nó rồi, chúng ta thực hiện Tứ Niệm xứ, Tứ Chánh cần. Thành tựu hai pháp này thì đạt được Tứ Như ý túc, là giải thoát thực sự, mới tu hành Ngũ căn, Ngũ lực. Và thực sự sống vững trên cuộc đời với tinh thần Bát Chánh đạo, trước tiên phải rèn luyện cho tầm nhìn chính xác, gọi là chánh kiến. Thực tế, người kính trọng vì chúng ta có sự hiểu biết sáng suốt.
Trí tuệ là sự nghiệp của người tu. Lời khuyên của chúng ta đúng theo kinh điển, đúng người, đúng lúc, đúng chỗ. Thầy Tỳ kheo có trí tuệ mới áp dụng được bốn điều đúng này. Dạy người trái với bốn điều đúng đắn này là phá pháp. Thí dụ, gặp ai chúng ta cũng khuyên xuất gia, nhưng họ xuất gia không làm được việc, không có cơm ăn, không phát sanh trí tuệ và trở thành hư hỏng. Nhiều người xin xuất gia, nhưng tôi không cho phép, vì biết họ bốc đồng, hay bực tức vấn đề gì đó trong cuộc sống. Căn tánh thuần thục mới được xuất gia.
Đức Phật dạy muốn được Tịnh Ấn Tam muội thì ba nghiệp thân, khẩu, ý phải do trí tuệ chỉ đạo. Từ người thường đi lên, trước tiên phải tu ba mươi bảy Trợ đạo phẩm. Và căn bản được giải thoát là phải thể hiện Bát Chánh đạo trong cuộc sống. Giai đoạn một là phải tự độ. Bát Chánh đạo chưa hoàn thiện là chưa tự độ, không thể cứu chúng sanh. Hành Bồ tát đạo mà xa rời Bát Chánh đạo là lạc vào tà đạo.
Đứng ở Bát Chánh đạo rồi, bước thứ hai, quán Nhân duyên là pháp tu của Duyên giác, thực hiện vế thứ hai trong Tam thừa giáo. Quán Nhân duyên để thấy được tất cả nghiệp của chúng sanh. Và thấy được sự liên hệ giữa ta và người, thì tùy theo đó mà chúng ta nói, làm, suy nghĩ. Trí tuệ này có từ Duyên giác thừa dẫn đến hành động.
Nhân duyên nói chung, không phải chỉ có mười hai nhân duyên. Nhưng phải quán sát sự tương quan tương duyên của chúng sanh trong Pháp giới. Thí dụ quán sát giữa ta và Phật. Chúng ta thấy người phát tâm Bồ đề là người đã trồng căn lành ở Phật quá khứ. Chưa được như vậy, dù tu, cũng bị nghẽn lối. Thật vậy, có người tu suốt đời không được gì; vì căn lành không có, Phật không hộ niệm, càng tu họ càng buồn phiền, chán nản. Chúng ta đã trồng căn lành, phát Bồ đề tâm, thì Phật huệ rọi vô, giúp tầm nhìn ta chính xác, mới thấy được mối tương quan tương duyên giữa ta và người. Các vị Tổ sư truyền đạo đều ở dạng này, nên không thất bại. Các ngài thấy được pháp hành có liên hệ với Phật và chúng sanh như thế nào. Vì pháp là gạch nối giữa ta và Phật, nên ta tiếp nhận pháp liền được Phật hộ niệm.
Riêng tôi, tu Pháp Hoa là có trồng căn lành với kinh này. Vì vậy, mới 12 tuổi, tự nhiên kinh này trở thành rất quen thuộc và rất thiêng liêng đối với tôi, dẫn dắt tôi xuất gia. Đó là điểm đặc biệt mà tôi nhận được trong cuộc đời tu của mình. Một số bạn đồng hành với tôi không tu được, vì không có căn lành; nên không được Phật gia bị. Họ ở chùa sinh hoạt thấy chán nản. Người có căn lành dễ phát tâm, được Phật ấn chứng, hộ niệm, nên họ luôn gặp thiện tri thức. Không được như vậy, tự biết chúng ta không có căn lành, hay căn lành còn yếu kém.
Với căn lành, tự nhiên có những người bạn xuất hiện bất ngờ, giúp chúng ta tu học và làm việc thành công. Vì vậy khiến ta gắn bó với Tăng đoàn, với Phật pháp một cách chặt chẽ; không thể khác. Đó là thành quả mà Phật dạy chúng ta phải quán được nhân duyên, tìm được mối quan hệ giữa ta và người để chúng ta tìm đến học.
Cũng trên tinh thần này, tôi đã quy y cho hàng ngàn Phật tử ở Hà Nội. Họ vào khách sạn tìm tôi để xin quy y và thọ pháp. Tôi nghĩ Phật hộ niệm, khiến tôi có quyết định lạ. Từ trước tôi luôn luôn làm lễ quy y ở chánh điện, nhưng nay quy y tại khách sạn và thuê hội trường ở khách sạn để thuyết pháp. Theo tinh thần Đại thừa, tôi nhận ra rằng khi nào người phát tâm Bồ đề thì ta nên tạo điều kiện để nuôi tâm Bồ đề của họ. Giống như phi thuyền con được bắn lên không gian để gặp phi thuyền mẹ; nghĩa là chỉ lúc đó họ phát tâm, chờ nghe pháp thì đó là lúc chúng ta nên gieo hạt giống Bồ đề. Lúc khác, tâm khát ngưỡng của họ đã thay đổi; nếu có làm lễ cũng chỉ là quy y theo hình thức.
Quán Nhân duyên là thấy giữa ta và họ có sự liên hệ nhiều đời, hay căn lành của họ đã gieo trồng ở quá khứ. Theo tôi, Phật giáo miền Bắc đã có quá trình dài lâu, có thể nói ở đó là gốc, ở miền Nam là ngọn. Các vị Tổ sư đã gieo vào tâm điền của nhân dân ở miền Bắc. Vì thế, tôi thấy Phật tử miền Bắc có niềm tin rất mạnh. Nếu họ không được dẫn dắt đi đúng hướng, dễ bị tà đạo khai thác. Chúng ta đem chánh pháp tuyên dương thì họ tiếp thu nhanh; truyền bá chánh pháp cho người đã trồng căn lành ở quá khứ dễ đạt được kết quả lợi lạc. Tôi đến chùa Lý Quốc Sư nghĩ ngay đến Tổ Nguyễn Minh Không đã từng giáo hóa ở đây; công hạnh của ngài còn lưu dấu tích nơi đây. Chúng ta chỉ cần nhắc lại công hạnh của ngài và cuộc sống của chúng ta cũng có một phần nhỏ giống như vậy, thì người nghe dễ tiếp nhận được.
Các anh em truyền đạo phải quán Nhân duyên; không có nhân duyên, đừng cố gắng làm, vô ích. Trên bước đường giáo hóa, chính Đức Phật cũng nói với A Nan rằng người dân ở đó đã có Thầy của họ rồi, có nói cũng vô ích. Và Phật sai Mục Kiền Liên đến độ thì họ theo liền, mặc dù đạo hạnh của Mục Kiền Liên chắc chắn kém xa Phật. Phật chỉ độ người có duyên, chúng ta phải ý thức rõ điềuđó. Tôi tu Pháp Hoa cũng chỉ độ người có duyên với kinh này. Người tu pháp khác, có Thầy của họ.
Bước thứ hai, thấy rõ nhân duyên, bước thứ ba mới hành Bồ tát đạo, đi vào Tam muội, tìm được sự bình an. Ngồi yên quán sát như Đức Phật thấy mối liên hệ của Ngài và năm anh em Kiều Trần Như từ kiếp xa xưa và đã tu khổ hạnh. Phật biết rõ quá trình của họ tu hành ở quá khứ như vậy thì hiện tại cũng vậy. Phật thấy họ muốn gì, nghĩ gì, làm gì. Ngài dạy điều họ muốn, nói cái họ suy nghĩ. Ta không thấy nhân duyên, nói điều người không muốn thì họ cãi lại liền. Năm anh em Kiều Trần Như chỉ muốn ra khỏi sanh tử và quá trình tu của họ cũng mấp mé ở mức độ này. Nghĩa là nhiều đời, họ đã không nghĩ đến việc trần thế; ở đời này, tâm hồn họ đã ổn định, nên Phật đưa họ đến bờ giảithoát nhanh chóng.
Tên Kiều Trần Như nghĩa là liễu bổn tế, tức hiểu rõ nguồn tâm rồi. Vì vậy, Phật chuyển pháp luân Tứ Thánh đế là họ nhận được ngay khổ và nguyên nhân của khổ (tức Khổ đế và Tập đế, họ đã hiểu và trải qua) và con đường tu mà họ đã thực hiện là đạo đế. Ba mươi bảy Trợ đạo phẩm mà Phật nói đến đâu, Kiều Trần Như liền chứng đến đó. Phật đã nói đúng người, đúng chỗ, đúng lúc. Bốn vị còn lại cần tu tiếp ba mươi bảy Phẩm trợ đạo, vì họ còn một số vấn đề vướng mắc và Đức Phật tuần tự tháo gỡ cho họ. Có thể hiểu rằng nhờ trí tuệ chỉ đạo, Phật suy nghĩ đúng về quá khứ, hiện tại và vị lai của năm anh em Kiều Trần Như, dẫn đến lời nói đúng, nên họ nghe và làm theo đạt kết quả.
Phật đã có kinh nghiệm và hiểu được tâm của họ, mới dễ dàng độ họ. Những gì Phật nói và làm, họ đều bằng lòng, thì làm sao chống Phật được. Đó chính là Tha tâm thông, là hiểu được nhân duyên quá khứ cho đến hiện tại và tìm pháp tương ưng đáp ứng được yêu cầu của người, nhất định thành công.
Biết đúng nhân duyên rồi mới áp dụng tứ Nhiếp pháp để độ sanh. Chúng ta thấy Tứ Nhiếp pháp tuy khó, nhưng thực ra pháp này cũng ở trong tầm tay mà thôi. Thí dụ như tu sĩ ở Thiếu Lâm tự rèn luyện sức khỏe tốt, trí lực cao và dùng thành quả ấy để cứu đời. Đức Phật thấy người nghĩ gì, muốn gì, làm được gì, Ngài dạy họ đều đắc đạo. Người không có nhân duyên, Phật không độ; không phải ai Ngài cũng độ được. Điển hình như Phật chỉ độ một người hốt phân là Sunita, ông từng là Pháp sư nhưng bị đọa; không phải bất cứ người hốt phân nào Phật cũng có thể cứu độ. Phật giúp Sunita thức tỉnh, nên ông thấy ơn của Phật quá lớn và quyết lòng tu, đắc quả A la hán trong khoảnh khắc. Đó là ý chính mà Phật muốn nhắc chúng ta áp dụng Tứ Nhiếp pháp cũng nằm trong nhân duyên quán. Nếu không biết quán Nhân duyên mà hành Tứ Nhiếp pháp có hại nhiều hơn lợi. Thấy người làm, chúng ta cũng tham dự, nhưng họ không thích là thất bại. Quán Nhân duyên, thấy việc đó, người đó hợp tác được, ta hợp tác làm lợi cho họ, lợi cho ta. Người không thể hợp tác, chúng ta không làm chung được. Hay bố thí cũng vậy, chúng ta chỉ giúp một phần nhỏ, mà người trưởng thành và làm nên sự nghiệp. Nhưng giúp tràn lan, người chẳng được gì và ta cũng trắng tay.
Quán Nhân duyên mới hành Tứ Nhiếp pháp và cuối cùng tu Lục độ gọi là Tịnh Ấn Tam muội. Tịnh Ấn Tam muội, hay nói cách khác là trí tuệ chỉ đạo ba nghiệp của chúng ta. Tất cả Đức Phật đều chứng đắc Tam muội này trước và dùng Tam muội này mới hành Bồ tát đạo được. Đức Phật Thích Ca cũng vậy, mọi việc làm độ sanh của Ngài đều thể hiện một dấu ấn yên tĩnh ở ngay Ta bà, nên có tôn danh là Thích Ca Mâu Ni, nghĩa là tịch mặc hay Tịnh Ấn. Chính vì thế, trông thấy Phật nhàn hạ, nhưng không việc nào mà Ngài không thành công.
Chúng ta chưa có Tịnh Ấn Tam muội, thân khẩu ý chưa có trí tuệ chỉ đạo, nên việc làm sai trái, lời nói lỗi lầm; vì nói để thỏa mãn tự ái, nói theo tâm buồn phiền của mình. Từ sai lầm của lời nói, chúng ta làm mất lòng người; sai lầm của hành động khiến chúng ta mất phước và sai lầm của suy nghĩ thì vô minh luôn bao phủ chúng ta.
Trên bước đường tu, tôi nhắc các Thầy cô khi nào buồn thì đừng tâm sự, khi giận thì đừng nói, vì đó là phiền não. Thậm chí khi thương người, ta cũng không nói, nếu chưa có trí tuệ chỉ đạo. Chúng ta mới có từ bi, thiếu phần trí tuệ; không thấy rõ nghiệp ác của họ mà nói thì họ không nghe theo. Thí dụ bạn đồng tu của chúng ta lỡ có nghiệp, họ nhất định hoàn tục. Ta có thể khuyên họ đượckhông. Muốn khuyên phải thấy được nghiệp của bạn ta. Nếu nghiệp của họ nhẹ và đức của chúng ta lớn, có thể cứu họ được. Nhưng đức của ta mỏng thì không nên can thiệp. Thực tế cho thấy khi trong chúng có vị Tỳ kheo đắc quả A la hán, đức của ngài lớn, bao phủ được cả hai chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, sức cảm hóa của ngài mạnh; nên trần lao không đủ sức cám dỗ những người tu hành dưới sự giáo dưỡng của vị Thánh này.
Người bị vô minh và nghiệp chướng bao phủ, họ không thấy biết sai lầm gì cả. Ta nói Phật pháp, họ cũng chẳng chịu nghe. Dù có thương họ, nhưng ta cũng biết mình đức mỏng, không thể cứu nổi. Ta chỉ còn cáchkhuyên họ là khi ra đời nhớ niệm Phật, cókhó khăn thì đến ta giúp đỡ. Tôi đã chứngkiến một trong những người bạn đồng tuhoàn tục. Khi ông này khổ quá mới đến xin tiền Thầy Minh Phát và ông ta đã quy y, tu lại với thầy Minh Phát. Điều này nhắc chúng ta nhớ lời Phật dạy rằng người đáng đọa vào địa ngục mới có thể độ, thì phải chờ cho họ đọa địa ngục mới cứu được; độ ngay thì lại phản tác dụng. Trường hợp ông nọ bị khổ cùng cực, không còn tiền gạo nuôi vợ con, nên được Thầy Minh Phát giúp thì ông vâng lờiThầy liền.
Quán Nhân duyên thấy người có cơ duyên thuần thục mới đến độ. Phật Thích Ca nói có người phải chờ Di Lặc độ. Phật Thích Ca chỉ độ tận được những người là quyến thuộc của Ngài. Đức Phật thường ví như trái chưa chín, không ăn được. Người có duyên thuần thục, độ họ nhất định đạt kết quả tốt. Chưa thuần thục, độ nửa chừng là hư. Thật vậy, người xuất gia theo hạnh Sa môn là đã từ bỏ con đường thế tục rồi. Nếu tu hành chân chánh, thì làm Thầy của người; nhưng ra đời lại không kiếm sống nổi, vì họ đã không xây dựng con đường thế tục mà nay trở lại sống theo thế tục, tất nhiên phải thua cuộc.
Lịch sử cho thấy Sư Vạn Hạnh độ Lý Công Uẩn thật tuyệt vời. Ngài thấy rõ ông này không có tâm hồn xuất thế, nên không dạy ông tụng kinh niệm Phật. Ngài biết ông có nhân duyên làm vua, mới cho học võ, học binh thư đồ trận, học cách trị nước chăn dân. Các vị tu hành đắc đạo có trí tuệ, thấy rõ từng người, từng việc, từng lúc, chỉ dạy mọi người khác nhau; người nào nên làm Pháp sư, người nào nên làm vua, quan, hay làm thương gia, v.v..., nhưng tất cả đều làm được việc lợi ích cho đời, cho đạo, cho bản thân họ. Có thể khẳng định rằng đó là pháp tu Tịnh Ấn Tam muội ở Ta bà. Bồ tát hành đạo cần có đôi mắt trí tuệ thấy từng người, từng việc để chỉ đạo đúng đắn, lợi lạc.
Ngoài ra, thân khẩu ý của Bồ tát theo trí tuệ chỉ đạo cũng phải thấy nghiệp và tâm tưởng của chúng sanh bất khả tư nghì, thì Bồ tát phải sử dụng pháp bất tư nghì và trí bất tư nghì. Pháp ví như thuốc, Bồ tát hành đạo ví như Y sư phải biết tâm bệnh hay nghiệp của chúng sanh, mới tùy bệnh mà cho thuốc là pháp. Kinh Pháp Hoa dạy rằng uống lầm thuốc thì chất bổ cũng thành độc, uống đúng thuốc, thì chất độc cũng thành dược liệu cứu được người. Người đáng sử dụng thuốc nào thì uống thuốc đó. Vấn đề trị bệnh rất quan trọng, phải chẩn đoán đúng bệnh, uống đúng thuốc. Đó là những việc bất tư nghì, không nghĩ được, không nói được, không dạy được. Chỉ có trí tuệ nhận ra được đúng bệnh, đúng thuốc mà thôi.
Kinh Đại thừa dạy rằng không có pháp cố định, sử dụng pháp cố định trở thành phá pháp. Sử dụng pháp đúng người, đúng chỗ, đúng lúc mới có hiệu lực. Hành Bồ tát đạo hơn nhau ở chỗ sử dụng được pháp chân thật, thấy được nghiệp và tâm tưởng của chúng sanh và sử dụng được pháp và trí bất tư nghì để chữa trị cho người. Chỉ học ngữ ngôn văn tự thì khó thực hiện được pháp bất tư nghì.
Biết được pháp bất tư nghì, Bồ tát chuyển đổi phiền não lực, nghiệp lực thành trí tuệ lực và phương tiện lực. Thật vậy, nếu có trí tuệ, nghiệp trở thành phương tiện hành đạo của Bồ tát. Không trí tuệ thì nghiệp tự hành hạ thân tâm.
Hàng Nhị thừa sợ nghiệp, hay cái gì cũng sợ thì không làm được gì. Thí dụ như được giao chùa thì họ thấy chúng khó dạy, vì thực sự dạy lôi thôi làm họ bất hòa. Hoặc họ thấy chùa khó giữ, nếu không có tiền. Rõ ràng tài sản và con người là hai việc quan trọng. Đối với người không có trí tuệ, thì tài sản và con người trở thành phiền hà, tác hại cho họ. Kế đến là chùa cao Phật lớn cũng là vấn đề không đơn giản.
Lập trường của tôi từ thuở nhỏ không thích tạo quyến thuộc và không thích xây dựng chùa. Tôi thường nghĩ Phật dạy người tu như tê giác một sừng cứ một đường đi thẳng đến Niết bàn. Nhưng khi sang Nhật Bản tu học, tôi nhận thấy không có quyến thuộc và tài sản, làm thế nào hành đạo Bồ tát. Tự nghĩ làm việc nhỏ còn không được, thì sao làm Phật. Tôi bắt đầu nhìn khác, nhìn đồ chúng và tài sản là phương tiện hành đạo của Bồ tát. Không có hai phần này, chắc chắn không làm được gì.
Quan trọng là nhất hô bá ứng, càng đông người càng dễ truyền bá chánh pháp. Nhưng đông người mà không có tiền thì làm sao nuôi họ. Phật dạy rằng tất cả sẽ trở thành ràng buộc đối với người không trí. Bồ tát dùng trí khôn chuyển đổi phiền não và nghiệp của chúng sanh thành phương tiện. Và Bồ tát sử dụng phương tiện huệ giáo hóa chúng sanh, mới tăng trưởng được phước lực của Bồ tát.
Kế tiếp, Phật dạy rằng Bồ tát phát được Bồ đề tâm vượt hơn Nhị thừa là nhờ họ đã trồng căn lành ở quá khứ Phật, mới phát tâm được ở kiếp này. Trong lòngchúng ta nghĩ đến Phật, xuất gia hành đạo, liền có Phật lực gia bị; nghĩa là tự gặp Thầy hiền bạn tốt. Không trồng căn lành ở Phật quá khứ thì tu ra sao. Nhiều người than vô chùa bị Thầy lợi dụng, bắt làm nhiều mà không cho học, nên buồn.
Theo kinh nghiệm hành đạo, tôi thấy nếu chúng ta trồng căn lành ở Phật quá khứ, thì đời này phát Bồ đề tâm dễ dàng; Phật sẽ khiến Bồ tát trợ hóa chúng ta. Thuở nhỏ, tôi gặp Sư Bác Pháp Võ khuyên tôi không nên học làm Thầy cúng, vì không còn thích hợp. Và ngài bảo tôi nên học ở Phật học đường. Tuy lúc đó vào Phật học đường rất khó, nhưng ngài bảo tôi muốn vào được Phật học đường Nam Việt, nên qua chùa Phước Tường ở Thủ Đức học với Hòa thượng Bửu Ngọc. Nhớ lại lúc đó tôi mới 12 tuổi mà đã được bậc cao đức nhắc nhở con đường tu chân chánh. Từ đó, tôi nghe lời ngài đi từ Đức Hòa về Thủ Đức tu và được chính Hòa thượng Bửu Ngọc giới thiệu cho tôi vào Phật học đường Nam Việt. Thiết nghĩ, trên bước đường tu đầy hiểm trở, không có người dẫn dắt, chúng ta dễ đi lạc. Nhờ Phật gia bị, mới gặp Thầy hiền, bạn tốt giúp chúng ta phát huy căn lành.
Và cuối cùng, khi phát tâm Bồ đề, chúng ta thấy người xung quanh khác ta. Người đồng tu sợ khó khổ, trong khi chúng ta thấy khó thì thích làm. Phật dạy rằng sư tử con chỉ cho Bồ tát đã phát tâm Bồ đề, nghe tiếng rống của sư tử không sợ, là không sợ việc khó, khổ. Chồn chó thì sợ tiếng rống của sư tử, sợ chuyện khó, khổ. Nghe Phật dạy Bồ tát đạo mà sợ thì không phải là phát tâm Bồ đề. Nếu đã phát Bồ đề tâm, nghe nhắc đến Bồ tát pháp, thì càng phấn khởi, nhiệt tình dấn thân hành đạo; việc khó trở thành không khó vì đã được Phật hộ niệm.