Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng
Trong pháp hội này xuất hiện Bồ tát Vô Ngôn, Thiền gọi là ngôn ngữ đạo đoạn; nghĩa là không sử dụng ngôn ngữ bình thường, chấm dứt sinh hoạt tư tưởng theo cách sáu căn tiếp xúc với sáu trần; nên không sanh ra Thập nhị xứ. Người bình thường thì luôn luôn sinh hoạt ở dạng sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Trái lại, Phật dạy Thanh văn tu cho sáu căn cách ly sáu trần mới bắt đầu vào Thiền định. Còn để nó tiếp xúc là còn sanh trưởng tất cả pháp, thì vẫn là người bình thường sống với dại khôn của thế nhân.
Người tu khác với người trần ở việc thu nhiếp sáu căn. Đầu tiên, học đạo Thanh văn là từ bỏ ngôn ngữ, không nghe ngôn ngữ, âm thanh bình thường và cũng không nói; chỉ nghe Phật nói và phát triển tri thức của chúng ta. Nhưng tiến vào Bồ tát đạo, cắt đứt tri thức bằng cách không nghe, không nói là Bồ tát Vô Ngôn. Đối với Bồ tát này, ngôn ngữ đạo đoạn, không sử dụng ngôn ngữ, nhưng sử dụng pháp ngữ thuyết pháp. Pháp mà Bồ tát thuyết không chống trái với chúng sanh mới là pháp ngữ. Thuyết pháp mà tạo ra sự tranh chấp, phiền não, không phải là pháp ngữ.
Dùng pháp ngữ thì pháp sanh nói sanh, pháp diệt nói diệt, là nói pháp theo nhân duyên, nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng người.
Phật ngữ chỉ cho tuệ giác Như Lai thấy rõ ba thời là quá khứ, hiện tại, vị lai. Bước theo dấu chân Phật, chúng ta không rập y khuôn, sử dụng pháp như phương tiện để giúp chúng ta nhận thức đúng. Dùng pháp ngữ và Phật ngữ thì lìa ngôn ngữ thế gian; nên Bồ tát này có tên là Vô Ngôn. Ngài không sử dụng ngôn ngữ thế gian, hay không nói gì; do hạnh này mà thành danh là Vô Ngôn, khởi đầu, là không nói pháp thế gian.
Bồ tát này mới chào đời, tánh thiên chơn còn nên nghe trên hư không nói. Ý này nhắc chúng ta nên nghe Phật, Pháp;đừng nghe ngôn ngữ thế gian, vì nó sẽdẫn chúng ta vào cuộc đời, hơn thua phải trái. Nghe được ngôn ngữ, âm thanh ngoài ngôn ngữ con người, là biết tánh thiên chơn của họ còn rất sáng. Điển hình như các vị đại Lạt ma tái sanh được phát hiện sớm và được đưa vào sống trong Phật pháp sớm. Họ có sự hiểu biết vượt hơn người, không theo ngôn ngữ âm thanh hay sự chi phối của thế gian; nhưng nhiếp tâm trong Phật pháp một cách dễ dàng.
Từ khi sanh ra đời đến khi gặp Phật, trong tám năm, Bồ tát Vô Ngôn không nói lời nào. Điều này nhằm đưa chúng ta vào thế giới khác, không nói chuyện đời; nhiếp tâm thâm nhập Thiền định hay thời gian tu Bát Chánh đạo tương ưng với tám năm không sử dụng ngôn ngữ của Bồ tát Vô Ngôn. Số tám thường được nhắc đến trong kinh điển Đại thừa, chẳng hạn như Long Nữ tám tuổi thành Phật cũng mang ý nghĩa này, là lìa bỏ được pháp Thanh văn mới thâm nhập Phật huệ. Trải qua tám năm không nói lời nào, mới gặp được Phật là quy y Phật, Pháp, Tăng. Như vậy, quy y theo Tiểu thừa, nhập đạo khác với quy y theo tinh thần Đại thừa.
Theo kinh Nguyên thủy, đến Lộc Uyển, Phật nói pháp Tứ Thánh đế. Lúc đó, Tam bảo thanh tịnh được bắt đầu; Phật là Phật, Tứ Thánh đế là pháp và năm anh em Kiều Trần Như là Tăng. Từ đây, ai muốn thành Phật tử phải quy y Tam bảo.
Kinh Đại Bảo Tích rút gọn lại thành Bồ tát Vô Ngôn không nói gì, nhưng cũng nói lên ba điều là phải quy y Phật, Pháp, Tăng. Tuy nhiên, ý nghĩa quy y theo Đại thừa thì khác. Thực lòng chúng ta quy y, gọi là phát tâm Bồ đề. Những người quy y theo Thanh văn tạng, thì chỉ cần nhắc lại lời Thầy, không phải thực tâm muốn như vậy. Thực lòng tu mới đạt kết quả tốt. Tu cả đời không được gì, vì tu trên đầu môi chót lưỡi, khác với tu trên chơn tâm. Phát Bồ đề tâm, quy y Tam bảo thì khác với quy y theo hình thức, thấy Tam bảo bên ngoài mà quy. Chúng ta tu từ lòng thành, nên hành động phát xuất từ chơn tâm.
Phải thấy Phật, nghe pháp mới phát tâm Bồ đề được. Nhưng thấy Phật bằng hình tướng, khác với thấy Phật chân thật. ThấyPhật hình tướng là thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Bồ tát Quyền thừa không nhìn Phật qua hình tướng, nhưng thấy được việc làm siêu việt và tuệ giác vô thượng của Phật. Và họ theo Phật là theo đức hạnh và tri thức của Ngài. Hàng vua chúa theo Phật mang hình thức Sa môn là việc khó, vì họ sống theohình thức, tôn trọng bề ngoài hơn. Nhưng ĐứcPhật từ bỏ hình thức, vị trí tột đỉnh của xã hội Ngài đã vứt bỏ để lưu lộ con người đạo đức, thánh thiện, tài trí siêu tuyệt.
Ngày nay, chúng ta phát tâm Bồ đề dưới dạng Quyền thừa, cũng quy y với đạo đức và tri thức của Phật; không phải quy y theo hình thức, theo bề ngoài giàu sang của Tam bảo. Và cụ thể, các cô xuất gia học đạo theo vị Thầy đạo đức, tri thức, thì phát triển được hai điều này. Riêng đối với tôi, những ngườicó tri thức và đạo đức là Thầy của tôi. Theo Phật cũng vậy, hình thức bề ngoài sao cũng được. Tu hình thức, ta quy y với Tăng, không theo Ni. Điều này không đúng, vì nhìn sâu thấy vấn đề quan trọng giúp chúng ta tiến tu đạo nghiệp là tri thức và đạo đức; nên chúng ta theo người có tri thức, đạo đức.
Tuy nhiên, có thể hiểu tri thức và đạo đức chính là một hình thức khác, vi tế hơn. Và chính có tri thức, đạo đức mới kết thành con người có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Người có dáng đẹp, nhưng thiếu đạo đức thì đẹp cũng mất. Người ta thường nói cái nết đánh chết cái đẹp là nghĩa này.
Đức Phật cho biết Bồ tát Vô Ngôn sử dụng tùy hình hảo làm phương tiện giáo hóa chúng sanh. Ta thấy ba mươi hai tướng là chính, trong khi Bồ tát Vô Ngôn nói hảo tướng hiện rồi mất; tuy không thấy bằng mắt, nhưng cảm tâm được. Cái đẹp của đạo đức thể hiện bằng việc làm của chúng ta lợi ích cho đời, nên dù còn nhỏ cũng dễ thương. Trong tám mươi bốn ngàn pháp môn tu, Bồ tát dùng cái đẹp của đạo đức làm phương tiện giáo hóa chúng sanh; nên nó không cố định, luôn thay đổi.
Vì vậy, nhìn thấy phước đức và trí tuệ của Phật gợi lên căn lành đời trước của chúng ta nằm sâu kín trong tiềm thức, do tích lũy tu nhiều đời. Nay mang thân hữu hạn, nó bị che kín, chúng ta không thấy. Nhưng thấy Phật là thấy tri thức và đạo đức của Ngài, chúng ta mới phát tâm Bồ đề. Kinh Pháp Hoa gọi là Đức Phật đã khai tri kiến Phật cho chúng ta, vì tâm Bồ đề của chúng ta ngang qua tâm Bồ đề của Phật; hai tâm này là một.
Thật vậy, một lần thấy tâm Bồ đề của Phật, ngọn đèn tâm chúng ta sáng lên. Phật Thích Ca cho biết xưa kia Ngài cũng vậy, nhờ thấy Phật Nhiên Đăng mà Ngài phát tâm Bồ đề. Ngọn đèn tâm của Phật Nhiên Đăng đã mồi cho ngọn đèn tâm của Phật Thích Ca, gọi là tục tâm đăng. Nhưng muốn được như vậy, phải gặp Thiền Tăng đắc đạo, chúng ta mới phát sáng theo. Phật mới khai được Phật tri kiến. Thiền gọi là truyền tâm ấn; gặp Thầy, tâm chúng ta sáng, không cần sử dụng ngôn ngữ. Vì tâm Thầy sáng, mồi ánh sáng đó qua ngọn đèn tâm chúng ta và chúng ta tiếp nối được ngọn đèn tâm của Thầy là vậy. Điển hình như Cảm Thành Thiền sư không nói, hay có nói cũng chỉ sử dụng ngôn ngữ vô nghĩa; trong khi chúng ta thường kẹt ngôn ngữ có nghĩa.
Sử dụng ngôn ngữ vô nghĩa để đánh thức tâm. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật bảo A Nan đánh chuông; có thể hiểu đó là ngôn ngữ không nghĩa để giúp đại chúng thoát khỏi vướng mắc vào ngôn ngữ. Người có căn lành nghe tiếng chuông đánh thức tâm họ, thấy lâng lâng trong lòng cái hồn đạo; đó là phương tiện để bỏ ngôn ngữ. Sử dụng tiếng chuông đánh thức được tâm cũng là một dạng mồi đèn tâm.
Hàng Thanh văn thấy Phật qua giả thân bằng xương thịt, nhưng dù sao thấy được ba mươi hai tướng tốt vẫn hơn là thấy tướng xấu của ba đường ác. Thanh văn thấy hảo tướng của Phật thì phát tâm. Bồ tát thấy tâm Phật nên phát tâm là tầng thứ hai và đến tầng thứ ba là Bồ tát Vô Ngôn thấy được Phật chân thật mới quy y Tam bảo và trở thành vạn năng. Bồ tát này chỉ có một tâm niệm khởi từ chơn tâm nhưng trở thành vạn năng, thông hiểu tất cả pháp.
Trở lại Bồ tát Vô Ngôn, mới 8 tuổi đã theo cha mẹ đến nghe pháp ở Đại Bảo Phường Đình. Đến đây cho thấy kinh điển Đại thừa khác với thực tế, vì phần nhiều nói đến những điều phi lịch sử, thấy hơi không tưởng. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng từ con người bình thường, nhưng đưa lên lý tưởng cao, hay thấy theo nhân duyên căn lành, không thấy theo người thường, không thấy theo nghiệp.
Đến Đại Bảo Phường Đình ở giữa cõi Trời Sắc và Dục giới, là thế giới ở giữa thế giới này và thế giới siêu hình. Người có trồng căn lành với Phật pháp thấy cuộc đời này không phải của họ, vì sống vài chục năm rồi cũng phải bỏ; còn Tịnh độ Niết bàn thì chưa bước chân vào được. Nghĩa là họ chỉ được hữu dư y Niết bàn, sống an lạc ở đây. Nói cách khác, Bồ tát cảm nhận sự chập chờn giữa ngũ ấm thân con người và thanh tịnh thân của Phật. Họ không bị cuộc đời chi phối, mới gặp được Phật, nghe pháp ở khoảng giữa là pháp thanh tịnh của Phật, nhưng vẫn hành đạo ở thế giới này.
Các vị Tổ sư đã đến vị trí Đại Bảo Phường Đình, học được kinh nghiệm của Bồ tát, thì các ngài hiện hữu trên cuộc đời, giáo hóa chúng sanh, sống đơn giản, làm việc bình dị; nhưng kết quả tốt vô cùng.
Tôi quan sát mọi hiện tượng xã hội, từ hàng lãnh đạo chính trị đến tôn giáo, thấy được bề trong của họ. Tuy bên ngoài bình thường, nhưng họ có sức thuyết phục làm cho người tin theo, chấp nhận, hợp tác hết lòng. Đó là thành quả của người thành đạt lâu dài. Người thủ đoạn thì chỉ được nhất thời, rồi phải xuống. Có người thành công trong một đời, nhưng có người chết rồi vẫn được người khác nghĩ đến. Đó là lực chi phối của con người ảnh hưởng đến thế giới bên ngoài.
Thế giới siêu hình ảnh hưởng vào hiện thực, mà chúng ta học Đại thừa phải thấy. Họ học vô vi pháp trong thế giới siêu hình của Phật và ứng dụng thành công ngoài sự hiểu biết của chúng ta; họ hơn ta một cái đầu là vậy. Ta thấy trái, họ thấy phải, thấy an lành, nên họ thành công. Cách điều hợp xã hội của họ khác hơn người không ngộ đạo. Điển hình như đã nói ở pháp hội trước, bốn ông vua đời Thanh của Trung Hoa là Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính và Càn Long rất sùng đạo Phật. Tại sao họ lại tin Phật. Tôi có cảm giác là thực sự họ từ thế giới khác sanh lại nơi này và quyết tâm trở về cảnh giới Phật, để tạo cho chúng ta nhận chân được khoảng giữa, kinh gọi là Đại Bảo Phường Đình.
Đến với thế giới đạo, nếu chúng ta không đi sâu vào Thiền định là thế giới vô ngôn, thì không thể nào thấy được thế giới chân thật nằm ngoài thế giới vật chất hữu hình. Và như vậy, chúng ta cũng không có được thực chất tôn giáo, chỉ là người thế tục. Những nhà tôn giáo thực sự sống bình dị, nhưng làm được việc người thường không vói tới nổi.
Vô Ngôn Bồ tát gặp Phật, hỏi Phật, nghe pháp. Chúng ta muốn hành Bồ tát đạo, vào đời, phải tu học Phật pháp trước và trongtâm chúng ta có sở đắc. Vào đời với tư cáchBồ tát, Phật, mới là nhà truyền giáo đúng nghĩa. Vào đời bằng tâm thức con người thế tục, thường phải trái hơn thua, chắc chắn phải khổ đau.
Hướng về Phật pháp để thấy được việc mà người bình thường không thấy, là học Phật và Pháp theo Bồ tát. Tu học Bồ tát đạo, càng học Phật thì tuệ giác càng sáng. Học Pháp thấy được sự thật của cuộc đời và sống bình dị, nhưng làm được việc lớn lao cho đạo. Nếu chỉ học một ít giáo lý và truyền đạo, sẽ bị vô số khó khăn nhận chìm; đó không phải là mô hình mà Phật muốn xây dựng.
Đức Phật cho biết Bồ tát Vô Ngôn đã chứng được Huệ Đăng Tam muội, nghĩa là ngọn đèn tâm đã được mồi lên, thắp sáng mới quan trọng. Chúng ta tu suốt đời, nhưng không được kết quả này, coi như tu mù. Tuy nhiên, may mắn gặp Phật, Bồ tát, Thánh Tăng, chúng ta làm theo các vị này, thì cũng được một phần công đức. Tâm đăng của chúng ta chưa sáng, ngọn đèn huệ chưa sanh, chúng ta làm việc theo cảm tính, không biết tương lai về đâu, ở dạng may rủi thôi. Khi tu mù, ngọn đèn tâm chưa sáng, thì may gặp bổn đạo giàu có xây chùa cho chúng ta và chết chúng ta làm quỷ giữ chùa cho thiên hạ. Nhưng tâm chưa sáng mà may mắn gặp chân sư, Thiền Tăng đắc đạo hay Phật, thì ta chỉ làm theo những gì các Ngài dạy bảo và đạt được kết quả nhất định, cũng là tốt cho ta lắm rồi. Còn trường hợp Bồ tát Vô Ngôn chỉ nghe Phật, nhìn Phật có một lần mà đèn tâm sáng, chứng được Huệ Đăng Tam muội, trí cứ sáng lần ra.
Giai đoạn chúng ta làm theo, giống như người mù rờ voi, khi thấy vầy, khi thấy khác. Nhưng có Huệ Đăng Tam muội, hay ngọn đèn huệ đã được thắp sáng trong lòng chúng ta, thì cái gì gần, chúng ta thấy trước. Những phiền não trong lòng, chúng ta phát hiện trước và chuyển đổi phiền não thành nhiên liệu để thắp sáng Bồ đề tâm. Đó là ý nghĩa phiền não tức Bồ đề, dùng phiền não làm nhiên liệu thắp sáng ngọn đèn tâm của chúng ta. Vì vậy, hàng Tiểu thừa mang tâm xuất thế, tách rời cuộc đời mà quan sát, chắc chắn không thể biết và rơi vào không tưởng.
Hành Bồ tát đạo, khi ngọn đèn tâm sáng lên rồi, bất cứ vật nào hiện lên trước tâm ta, thì dùng tâm đăng mà thấy vật hay thấy thật tướng các pháp. Nói đơn giản, mỗi ngày tâm chúng ta sáng lần theo sự tiến tu và thấy càng rõ những hiện tượng xảy ra trong tâm chúng ta, xung quanh chúng ta. Theo tâm sáng này mà quan sát vật, vật trở thành đối tượng quan sát của tâm, làm cho tâm sáng lên; nói cách khác, nhờ sự cọ xát với phiền não mà tâm trí sáng ra. Đèn không có dầu, phải bị tắt.
Tu Đại thừa thấy rõ không có chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não, tâm chúng ta không sáng được. Và tâm càng sáng, càng cần nhiên liệu để tiếp đốt ngọn đèn tâm; nghĩa là càng cần nghiệp, phiền não và chúng sanh, ba thứ này là một. Phiền não chỉ có năng lực dập vùi chúng sanh, nhưng nó là nhiên liệu rất cần thiết để làm sáng Bồ đề tâm của Bồ tát. Theo tinh thần ấy, Phật nói Ngài nhờ ma chướng mới mau thành Vô thượng Đẳng giác. Tất nhiên, chúng ta nối gót theo Phật, cũng phải vậy. Có chỗ ví ngọn đèn huệ như mặt trời; nghiệp và phiền não ví như bóng tối. Mặt trời lên thì bóng tối tự mất.
Ở đây huệ của Bồ tát Vô Ngôn phát sanh rồi, ngài sử dụng ngay phương tiện quán thấy chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não, hay thấy chúng sanh muốn gì, nghĩ gì, làm được gì, là thấy thật tướng của chúng sanh. Chúng ta chưa có huệ tâm, nên thấy giả tướng của chúng sanh, mà giả tướng thì luôn luôn sanh diệt. Từ đó, thấy theo yêu cầu của chúng ta, theo tham vọng, thì phiền não luôn phát sanh. Nhưng thấy thật tướng hay con người thật của họ, ta không đòi hỏi họ điều gì cả.
Lúc trước, vì thấy giả tướng của người, nên tin và giao việc; chúng ta mới thất bại, phiền não nhân đó phát sanh. Nay thấy thật tướng, là thấy năng lực của người, thấy tham vọng của họ, v.v…, thì chúng ta ứng xử tương ưng, chắc chắn đạt kết quả tốt. Thấy ý muốn của họ tốt, ta giúp cho họ thực hiện, phải thành công. Ý muốn của họ không tốt, chúng ta không giúp; nhắm mắt giúp có hại nhiều hơn lợi. Tiếp Tăng độ chúng, phải thấy điều này. Người không có khả năng xuất gia, mà cho tu là tội. Thấy bản chất của nó là ác ma, mà cho khoác áo Sa môn, làm hại cho đạo biết bao. Trái lại, sửa đổi tâm của ác ma thành tâm của Sa môn là việc Bồ tát làm.
Người đắc đạo thấy biết người có căn lành, cho họ đi tu để tạo điều kiện cho căn lành của họ phát triển; không phải ai cũng cho xuất gia. Thực chất của người là muốn học đạo giải thoát, hay đi tu chỉ là mượn cái cớ để làm việc khác. Có người xuất gia, nhưng để tâm học thế tục nhiều hơn, nên tánh khí của họ hoàn toàn như người đời.
Bồ tát Vô Ngôn thấy được người nghĩ gì, muốn gì, làm được gì, nên việc giáo hóa của ngài đạt kết quả cao. Kinh diễn tả rằng Bồ tát Vô Ngôn dùng bàn tay mình đỡ lên vô số Bồ tát đến gặp Phật; nghĩa là tất cả Bồ tát do Vô Ngôn giáo hóa đều nằm trong tầm tay của ngài. Ngày nay, chúng ta tiếp Tăng độ chúng phải nhớ ý này; chúng ta dạy người có sử dụng được họ, hay là nuôi ong tay áo.
Bồ tát Vô Ngôn không nói, nhưng người do ngài giáo hóa đều nằm trong tầm tay, mới điều động được. Chúng ta còn nhớ hình ảnh Tề Thiên đại Thánh nhảy qua nhảy lại cũng ở trong bàn tay của Đức Như Lai. Bồ tát Vô Ngôn đem các Bồ tát đứng trong lòng bàn tay đến nghe pháp. Đọc ý này, dạy chúng học Phật đạo cũng phải ở trong tầm tay của chúng ta mới được.
Bồ tát Vô Ngôn từ vô ngôn mới nhìn thấy thật tướng các pháp, từ vô sắc hiện sắc, từ vô hình hiện hữu hình. Đứng về thật tướng các pháp, không có chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não, không có sắc. Nhưng từ Không này hiện ra sắc; nghĩa là từ chơn tánh hiện lên cuộc đời, từ bản thể hiện lên muôn ngàn sai khác. Kinh Lăng Nghiêm diễn tả ý này là tánh sắc chơn không, tánh không chơn sắc.
Huệ Phật sanh ra từ chơn không hay từ tâm đăng tuệ giác của Phật, thấy thật tướng các pháp là Không và từ Không này hiện Có. Ngày nay chúng ta có thể hiểu ý này bằng hiện tượng các âm dương điện tử chạy rất nhanh tạo thành nguyên tử.
Vạn tượng sơn hà đại địa từ Không mà hiện thành Có. Và trí giác của Phật mới thấy được cái Không này. Ở đây diễn tả Bồ tát thấy vô sắc hiện sắc, nên không nhiễm sắc vì biết sắc này là giả.
Bồ tát Vô Ngôn quán sát các pháp, thấy thật tướng các pháp sanh ra vạn tướng
và biết vạn tướng này giả, hư cấu, thực chất của nó là Không. Biết rõ như vậy,
Bồ tát từ bỏ sự hiểu biết và vướng mắc gọi
là ly giác quán, tâm ở trạng thái Không, mới thông đạt được với tâm Phật. Và từ đó, đối với Bồ tát, Phật,
tâm và chúng sanh, ba thứ này không khác nhau, là một.