cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng


Pháp hội này cũng đặt ở Đại BảoPhường Đình, giữa Sắc giới và Dục giới hay giữa sắc và tâm. Trên bước đường tu, chúng ta khởi đầu tu từ sắc hay từ vật chất đi vào tâm. Trước tiên, chúng ta thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Tướng hảo của Ngài tác động mạnh vào mắt chúng ta, khiến tâm ta cung kính Ngài. Chúng ta thấy rõ Đức Phật siêu tuyệt hơn mọi người. Nhưng tiến sang kinh điển Đại thừa như kinh Kim Cang dạy rằng không nên nhìn ba mươi hai tướng tốt là Như Lai; vì Chuyển luân Thánh vương cũng có tướng tốt giống như Phật. Điều đó có nghĩa là bước đầu, ít nhất chúng ta cũng phải thấy Phật bằng với Chuyển luân Thánh vương, có vị trí cao nhất trong loài người, thu nhiếp được tất cả tiểu vương. Còn nhìn Phật thua cả người đời là Phật pháp suy đồi.

Thấy Phật bằng với Chuyển luân Thánh vương, hay nhìn người tu ngang với người đời ở bước ban đầu và từ đó, chúng ta phải nhìn Phật cao hơn. Trong kinh Pháp Hoa nói Đức Đại Thông Trí Thắng cũng là Chuyển luân Thánh vương; ý muốn nói Phật và Chuyển luân Thánh vương bằng nhau, nếu tính theo địa vị cao nhất của thế gian. Nhưng Phật sống xuất thế, thể hiện tinh thần Phật đạo cao quý hơn thế gian.

Bước thứ hai theo kinh Kim Cang, không nhìn Phật bằng ba mươi hai tướng tốt bên ngoài; vì Chuyển luân Thánh vương không phải Như Lai hay Như Lai không phải là Chuyển luân Thánh vương. Thấy phước đức của Như Lai và Chuyển luân Thánh vương ngang nhau, nhưng phần cấu tạo bên trong khác nhau. Chuyển luân Thánh vương nhiếp hóa được các nước nhỏ, nhưng việc làm của họ phần nhiều tạo ác nghiệp và thọ hưởng cho bản thân nhiều, nên hết phước, họ bị đọa. Trong khi Phật hơn Chuyển luân Thánh vương ở trí tuệ và việc làm hoàn toàn vị tha, lợi ích cho người, không vì lợi riêng cho Ngài. Vì thế Phật không bao giờ bị cạn kiệt phước đức, không bị đọa trong vòng sanh tử luân hồi.

Các vị Thiền sư cũng hơn vua ở trí tuệ. Thí dụ vua Thuận Trị thống nhất nước Trung Hoa. Ông mạnh thật, nhưng gặp Ngọc Lâm quốc sư và nhận ra được trí tuệ của vị Thiền sư này siêu tuyệt, mới tôn kính ngài làmThầy. Và nhà vua cũng đã thay đổi tâm chinh lược thành tâm hộ đạo. Nhờ Ngọc Lâm khai ngộ, ông tu hành kiếp này và cũng nhớ lại đời trước ông đã tu ở thế giới Cực lạc; nênnhà vua đã quyết định dành quãng đời còn lại cho Phật pháp. Hoặc Khang Hy cũng xác định kiếp trước đã làm sư ở Việt Nam. Theo truyền thuyết, trên lưng ông còn lưu lại dấu bớt son ghi là Sa Diệt Tỳ kheo.

Có thể khẳng định rằng vì các nhà sư có trí tuệ hơn vua, khiến họ phát tâm. Đức Phật cũng vậy, từ thực tế cuộc sống, Ngài đã cảm hóa được mọi người bằng tri thức siêu tuyệt, mới có thể nói đến tác động của Ngài ở mặt siêu hình.

Đức Phật được các vua chúa kính trọng, tiêu biểu cho vị trí của Ngài trên hàng Chuyển luân Thánh vương, nghĩa là Phật hơn vua ở trí tuệ. Kinh Bảo Tích nói rằng sở dĩ Ngài được thành quả đó, vì nhờ Phật Nhiên Đăng đã thọ ký cho Ngài; nói cách khác là mồi đèn trí tuệ cho Ngài. Nhờ Phật Nhiên Đăng mà ngọn đèn tâm của Đức Thích Ca sáng lên trên lộ trình Bồ tát đạo và thành Phật trong hiện đời. Từ đó, Ngài thấy muôn sự muôn vật ở mặt hữu hình và cả vô hình. Đó là điểm quan trọng của Phật hơn người. Theo kinh Pháp Hoa, người thế gian bị coi là người mù từ thuở nhỏ, vì mang thân ngũ uẩn, bị nó ngăn che, nên mù trước chân lý. Ngoại đạo thời ấy cũng bị mù do suy tưởng bằng vọng thức; họ sai nhiều hơn đúng. Được gặp Phật khai ngộ, thấy đúng, nên họ theo Phật hết lòng. Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp… theo Phật là vậy.

Những người sinh hoạt thực tế một chút, mà ngày nay ta gọi là khoa học thực nghiệm, họ làm thí nghiệm cũng thấy đúng một phần, nhưng họ cũng không khác người mù rờ voi. Họ tiếp cận được việc nào thì biết việc đó, không biết toàn diện. Đức Phật hoàn toàn sáng suốt. Với huệ đăng, Ngài thấy rõ tâm mình và soi sáng được tâm chúng sanh, thấy căn tánh hành nghiệp của chúng sanh, biết họ muốn gì, nghĩ gì, làm được gì. Rõ ràng là Phật hơn mọi người một cái đầu, mới chỉ dạy được cho tất cả mọi người và việc làm của Ngài cũng không bao giờ sai lầm. Ngài biết nên dùng pháp gì để độ người nào, dạy họ tu pháp nào thích hợp. Vì vậy, Phật thấy biết, nói năng, dạy dỗ người không sai, nên họ đắc đạo.

Sau khi thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt, kế đến thấy Ngài hơn người về trí tuệ, về đức hạnh, là những điều vô hình không nói được. Pháp hội này muốn nói rằng không thể nói hết tất cả hạnh của Phật, trí của Phật, gọi là bất khả thuyết. Nghĩa là từ những gì bình thường, tiến xa hơn, nói đến những điều phi thường không diễn tả được. Chúng ta không thấy biết trọn vẹn, nên luẩn quẩn chấp nhận thân phận của chúng ta trong sanh tử. Tuy nhiên, cũng còn khá hơn là người thân tàn ma dại, kết thúc đời người, mà cũng không biết về đâu.

Pháp hội này muốn dạy chúng ta những gì không thể biết, không thể thấy, không thể nói, đưa ra những việc bất khả thuyết, làm sao nói hết công hạnh của Phật. Ý này gợi nhắc chúng ta nhìn về Phật là nhìn trí tuệ, đức hạnh của Ngài. Chúng ta tu hành hơn nhau ở điểm này. Bước đầu chọn Giảng sư thì chọn giọng nói truyền cảm, tướng dễ coi; nhưng quan trọng là phải hơn người ở điểm biết cái người không biết. Ngoài trí tuệ, điểm quan trọng khác là phải có đức hạnh, làm được việc mới có giá trị.

Đức Phật đầy đủ phước đức trí tuệ, những gì Ngài nói đều làm được. Hàng tu sĩ hay cư sĩ học hơn người và làm việc cũng phải hơn người, đứng đầu xã hội, là đưa Phật pháp lên được. Tôi mong các anh em ở lãnh vực nào cũng góp mặt, không hơn thì cũng không thua. Bước chân vào đời, quan trọng là "hành”, tức làm việc được. Đức Phật được coi là bậc Minh Hạnh Túc là vậy. Minh và Hạnh cũng nằm trong phần bất khả thuyết, vì không nói ra được. Phật cũng muốn cho mọi người thành Phật, nhưng họ không thể thành Phật liền. Vì không thể nói được, nên Phật phải nói những việc thích ứng với trình độ, khả năng và hiểu biết của người. Vì vậy mới có pháp dành cho Thanh văn, Bích chi Phật và Bồ tát. Và từ đó, Phật phát triển dần dần khả năng của họ, không thể làm khác được.

Hành Bồ tát đạo vô cùng cao quý, nhưng không phải ai cũng làm được. Phải có căn tánh Bồ tát mới làm Bồ tát. Đơn giản như muốn bố thí phải có tiền của, hay có người hằng tâm hằng sản hợp tác mới làm được.

Chúng ta học Phật, phải thấy đúng và thấy rõ người có khả năng mới giao việc tương ưng. Tuy cùng học một lớp, nhưng ra trường có người theo nghề biên tập, viết lách được, không phải ai cũng viết được. Khả năng mỗi người khác nhau và ta sử dụng đúng mới có lợi.

Căn tánh chúng sanh không đồng, Phật phải phân ra Tam thừa hay Ngũ thừa để ứng vô từng người, giúp họ tu học có kết quả. Phật làm được như vậy vì Ngài có trí tuệ, thấy được chúng sanh nghĩ gì, muốn gì, mà tùy theo đó thuyết pháp dạy họ tu. Rõ ràng chúng ta thấy Phật có những điều không thể nói được. Bồ tát chỉ dùng cảm tâm mà trực nhận được Phật như thế nào và tâm họ theo đó tự nhiên sáng ra.

Đọc lịch sử truyền tâm, chúng ta thấy rõ ý này. Ngày nay, người không đắc pháp cũng được truyền, vì chỉ lấy theo pháp hệ là chánh; trong khi xưa kia, truyền tâm là chánh. Vì vậy, Tổ Đạt Ma chỉ truyền cho Huệ Khả, vì tâm ông ngang với tâm của Tổ. Đó là tâm đăng, ngọn đèn tâm, huệ tâm tiếp nhận được sự sáng suốt của Đạt Ma. Và ngài Huệ Khả đến Thiếu Lâm tự quỳ trong tuyết lạnh ngập đến đầu gối mà không biết, thể hiện độ cảm tâm của ngài quá cao; nếu không thì không có sức nhẫn nại như vậy.

Ngày nay, tôi thấy nhiều anh em mỗi tháng đắp y, lễ sám hối mà cũng trốn tránh. Vì đạo tâm chưa đủ cao, thấy việc tu hành, sám hối chưa hiệu nghiệm, nên chưa hết lòng.

Ngài Huệ Khả còn chặt đứt cánh tay để cầu pháp, nói lên lòng mộ đạo vô cùng. Người như vậy mới truyền được đạo. Không có người thứ hai quyết tâm như ngài.

Trên tinh thần đem thân mạng cầu pháp, thì Phật Nhiên Đăng chỉ truyền cho Đức Phật Thích Ca. Hai bên cùng có đèn thì mới mồi được. Một bên là đèn, một bên là nước lạnh, làm sao mồi. Ngọn đèn cháy sáng, vì tâm nhiệt tình cầu đạo cao mới thông được với ánh sáng của đèn trí tuệ, mới phát tâmBồ đề được. Sự cảm tâm này giữa Phật và Bồ tát, hay Thanh văn, Duyên giác, chỉ có các Ngài biết thôi. Chúng ta ngoại cuộc không nói được, nên xếp vào phần bất khả tư nghì. Không nhận ra được, không hiểu được và không thể nói được việc làm của Phật. Kinh Pháp Hoa diễn tả là chỉ có Phật với Phật mới biết (Duy Phật dữ Phật nãi năng cứu tận chư pháp thật tướng).

Đức Phật Nhiên Đăng mồi đèn cho Phật Thích Ca rồi, tâm Ngài tự sáng. Chúng ta thấy có người mới phát tâm còn nhỏ tuổi, nhưng việc của họ cứ tự sáng lên, vì đèn tâm của họ đã sáng và họ cứ theo đó mà hành đạo. Điển hình là Bồ Đề Đạt Ma sanh ở Tây Trúc, nhưng ngài biết nơi đó không làm đạo được. Ngài rọi đèn thấy ở Đông độ có Thần Quang có sẵn ngọn đèn, nhưng chưa cháy. Người đi truyền đạo tìm người có nhân duyên căn lành và họ gặp nhau thì đèn tự sáng lên. Ngài từ Ấn Độ bỏ sang Trung Hoa, tìm lên Tung Sơn đến Thiếu Lâm tự. Suốt chín năm ngồi yên, nhìn vô vách; nhưng ngọn đèn tâm của ngài cháy sáng lên, tỏa sức thu hút Thần Quang tự tìm đến. Chúng ta tạm hình dung giống như ngọn đèn đốt lên, côn trùng tự đến. Nhận chân ý này, việc quan trọng là làm sao cho ngọn đèn tâm của chúng ta sáng, thì thiện hữu tri thức tự tìm đến. Còn dùng vọng tâm, chúng ta không hơn được đời.

Đạo tâm có sức thu hút nhân gian, người đến với ta bằng tâm đạo. Người đến vì danh lợi hơn thua, như người tìm cách giết Huệ Năng, vì ngài được truyền y bát. Bồ Đề Đạt Ma ngồi trước sân, không phải là Viện chủ, không có quyền lợi, nên người không tìm ngài, mà tìm Viện chủ để xin xuất gia hưởng thừa kế, không phải đạo. Duy có Thần Quang tìm tới hầu Đạt Ma. Và đạo chỉ hiện hữu giữa hai con người siêu tuyệt thoát ly trần tâm.

Từ đó, Đạt Ma mồi đèn cho Thần Quang, thì tâm Thần Quang sáng lên. Và ngài làm việc theo cái sáng soi của tâm, thấy việc nên làm, người đáng độ. Tâm của chúng ta chưa sáng, thường làm cái không đúng, nên luôn thọ quả báo. Người có đèn tâm sáng làm đơn giản, nhưng kết quả bất tư nghì. Người tu trong sanh tử, làm việc cật lực mà kết quả đáng buồn.

Bồ tát Bất Khả Thuyết đến pháp hội ở giữa cõi Dục và Sắc giới muốn nhắc chúng ta ý thức rằng xa rời thế giới vật chất, nhưng chưa xa thật được. Vì đưa chúng ta vào cõi trống không, không có chỗ ăn ở, thì làm sao sống, làm sao tu. Và đưa về sống với vật chất đầy đủ thì chúng ta lại bị kẹt với nó và trở thành nô lệ cho vật chất.

Thực tu thấy rõ ý này. Có những Hòa thượng ở chùa nhỏ thì tu được, có chùa lớn lại bị kẹt cứng với nó, từ nhà truyền giáo trở thành người giữ chùa. Đưa vô vật chất, thì kẹt nó và phiền não nhân đây phát sanh. Kinh Bảo Tích muốn nâng chúng ta lên, nhưng không cắt đứt vật chất. Tâm chúng ta chưa bỏ hẳn vật chất được; vì bỏ nó, chúng ta vào vô dư Niết bàn, không còn ý thức độ đời. Không cho chúng ta kẹt vật chất, nhưng cũng không rời vật chất là Trung đạo đệ nhất nghĩa của Phật dạy. Theo Trung đạo, trụ trong thế giới vô vi, vô hành, ở cõiSắc; nhưng không còn vọng tâm, dục nhiễm tham đắm.

Bồ tát Bất Khả Thuyết đã đến khoảng giữa này, là người có của cải, nhưng không ham mê nó; phước báu đầy đủ, nhưng không bị nó chi phối, không vướng mắc với nó. Nói chung, Bồ tát có đủ vẫn không vướng bận gì. Tâm Bồ tát cầu đạo, hướng về giải thoát theo Phật, là ý nghĩa của pháp hội này ở Đại Bảo Phường Đình tiêu biểu cho ngôi nhà sang trọng nhất ở giữa Sắc giới và cõi Dục của chúng ta. Nhà đó của người cao quý có đầy đủ vật chất sang trọng, mà họ không hề say đắm; vì họ trụ ở pháp Không. Đó chính là hạnh của Bồ tát.

Trên tinh thần đó, Huệ Năng nói "Bản lai vô nhất vật”, chỉ cho chơn tâm. "Vô nhất vật” thì ta tưởng là không có gì. Nhưng không phải như vậy, vì "Hữu hoa, hữu nguyệt, hữu lầu đài”. Sự nghiệp vật chất không thiếu thứ gì, nhưng vẫn không vướng bận, dù chỉ nhỏ bằng hạt bụi, mới thực là phước báu, mới làm đạo được. Đức Phật thể hiện tinh thần này trọn vẹn. Chưa tu, Ngài có cung vàng điện ngọc cũng từ bỏ. Làm Phật, người dâng cúng tinh xá cũng nhận để đó, không bận tâm với nó.

Chúng ta phải nhận ra ý này, tu hành trắng tay làm người ăn xin thì không đúng. Chúng ta không vướng mắc của cải vật chất, nhưng vẫn có đầy đủ để cứu đời, giúp người.

Bồ tát Bất Khả Thuyết đã đạt pháp này và nhân đây hỏi đạo. Ngài hỏi Phật rằng trên cuộc đời mà ngài đang tu, không thấy Phật vướng bận thứ gì, nhưng tại sao Phật lại chi phối được tất cả. Đó cũng chính là điều mà chúng ta muốn tìm hiểu, học theo, làm theo. Nếu không có vật gì và trở thành ăn xin thực sự, thì chúng ta đến với Phật làm gì. Chúng ta muốn học cái "Bỏ tất cả mà được tất cả”, không lo tính toán gì, mà mọi việc vẫn thành tựu một cách tốt đẹp, kinh gọi là "Như thị”. Đạo Phật không dạy chúng ta bỏ để trở thành ăn mày thực sự, không đào tạo người ăn xin. Chúng ta bước theo dấu chân Phật không vì đói mà xin, nhưng xin là cái cớ để độ đời.

Bồ tát Bất Khả Thuyết muốn hỏi và học Phật điều đó, hay đó cũng là tinh ba mà chính chúng ta ngày nay cũng cầu học Phật. Phật không quan tâm đến mọi người, mọi việc, nhưng người hết lòng kính trọng Ngài và mọi việc của Ngài luôn tốt lành. Chúng ta cần một túp lều cũng khó, còn Ngài đầy đủ tinh xá, dù không cần.

Vì vậy, pháp hội này đặt vào khoảng giữa, không giống ngoại đạo thời Đức Phật tại thế chủ trương sống giàu có hay sống lang thang qua ngày. Làm thế nào chi phối được cả hai mặt hữu hình và vô hình là chúng ta học được ý nghĩa "Bản lai vô nhất vật”, nhưng tất cả những gì của cuộc đời chúng ta vẫn có đủ. Được như vậy, Phật giáo mới hưng thạnh và mới đúng với tinh thần Phật giáo Nguyên thủy, Đức Phật có đủ trí tuệ, đức hạnh và uy lực vô cùng.