Trí Quảng Toàn Tập - Quyển V - Kinh Đại Bảo Tích - Tập 2HT. Thích Trí Quảng
Tôi chọn giảng pháp hội này vì tính cách quan trọng ở điểm hàng phục tứ ma, tồi tà phụ chánh, làm sao dẹp bỏ tà giáo để xiển dương chánh đạo. Còn kinh điển thì phần nhiều mang tính ẩn dụ, Phật nói nhiều thí dụ để làm gì, chúng ta phải suy nghĩ.
Mở đầu pháp hội này, Đức Phật trở lại Ma Kiệt Đà độ ba anh em Ca Diếp, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Thực tế lịch sử theo Nguyên thủy cũng ghi nhận như vậy. Nước Ma Kiệt Đà là nơi tập trung các Luận sư ngoại đạo chỉ lo tranh chấp về lý thuyết, mỗi người nói một cách và luôn chống báng nhau. Đức Phật đến đó để hàng phục ma oán.
Việc đầu tiên Đức Phật phải đối phó với Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp. Ông này là quốc sư của vua Tần Bà Sa La sanh tâm ganh tỵ với Đức Phật, vì Ngài được vua kính mến. Chúng ta phải thấy sự thật được kinh diễn tả dưới dạng thần thánh hóa. Hay nói đúng hơn là quan sát bề ngoài theo lịch sử và phải nhận ra nguyên nhân sâu xa là thật tướng cácpháp, hay bề trái của cuộc đời. Thấy rõ nhân quả ba đời thì đắc đạo.
Các cô tốt nghiệp rồi thì tiếp tục học cao hơn nữa hay trở về trụ xứ. Quyết định quan trọng và đúng đắn không phải làm theo sách vở. Chúng ta học theo Phật, theo Tổ sư, vì các Ngài đã thành công trong việc truyền bá. Tuy nhiên, phải biết hành sử theo tuệ giác của chúng ta, theo kinh nghiệm sống trong thời đại của chúng ta mới thành công. Trung thành với giáo điều, theo sách vở, dễ thất bại. Những người thành đạt học kinh điển để rèn luyện mình và đạt được tuệ giác là việc chánh.
Lúc còn trẻ ở Phật học đường, Hòa thượng Nhất Hạnh nói với tôi những điều mà ngày nay tôi suy nghĩ, vẫn thấy có giá trị. Tôi muốn nhắc nhở các cô cần suy nghĩ, làm thế nào ứng dụng được việc học kinh điển ở trường vào thực tế cuộc sống để làm được lợi ích cho bản thân và cho người. Tôi học kinh Thủ Lăng Nghiêm bằng chữ Hán với Hòa thượng Thiện Hoa và thuộc lòng văn kinh cũng như phần giải thích, thì được điểm cao. Tôi học luận cũng vậy. Thấy vậy, Hòa thượng Nhất Hạnh mới nhắc nhở tôi rằng học từ chương như thế không dùng được. Quan trọng là làm thế nào ứng dụng được sở học của mình vào cuộc sống thực tế. Tu là chánh và học là phụ.
Đừng nghĩ học xong Phật học viện, có bằng cấp Tiến sĩ là hơn người, vì không tu thì cũng bỏ đi. Huynh đệ của tôi cũng đậu Tiến sĩ, nhưng cuộc đời bị mai một. Chúng ta tu không coi trọng việc này, nhưng quan trọng ở việc tu để ngộ và huệ sanh ra. Con đường của đạo Phật phải như vậy. Chúng ta thường diễn tả là tu yếu ngộ. Học để tu, tu để ngộ, để đắc đạo và sau đó mới truyền đạo.
Theo tôi, Hòa thượng Nhất Hạnh sống đơn sơ, nhưng thực chất bên trong là tu. Hòa thượng không lấy việc hạ thủ công phu như tụng kinh từ sáng đến tối, mà cho đó là tu. Tôi quan sát những người tụng kinh đầy đủ, không bỏ thời khóa; nhưng họ vẫn không hưởng được pháp vị, vì chỉ tu theo hình thức. Hòa thượng Nhất Hạnh dạy rằng đi, đứng, nằm, ngồi, suy nghĩ, v.v… đều là Thiền hành. Và tôi đã áp dụng như vậy. Học trong lớp, tôi ghi nhận cốt lõi của bài và giờ ra chơi, tôi thường đi bộ ở hành lang một mình; không nói chuyện gẫu, vừa đi vừa suy nghĩ về tinh ba của pháp mình tiếp thu được.
Đức Phật đi kinh hành dưới cây Bồ đề cũng thể hiện tinh thần này. Ngài suy nghĩ về cuộc đời, về các học thuyết của ngoại đạo, v.v… Và do suy nghĩ cao độ cho đến Ngài nhận ra sự thật đúng hoàn toàn, gọi là chân lý. Hiểu rõ cuộc đời, Ngài mới cứu giúp đời một cách trọn vẹn. Hiểu rõ ngoại đạo, Ngài mới hàng phục hoàn toàn ma chướng. Trong kinh Pháp Hoa ghi rằng Đức Phật thường nghĩ chúng sanh muốn gì, nghĩ gì, làm được gì. Ngài tùy theo đó mà khuyên dạy, chuyển hóa họ thành người tri thức, đạo đức, dẫn đến xây dựng xã hội tốt đẹp.
Ngày nay, chúng ta thấy rõ con người là một đơn vị tế bào của xã hội. Vì vậy, nếu con người không tốt, tư tưởng, lời nói, hành động của họ không tốt sẽ tác động cho xã hội không tốt. Giáo lý Phật nhất định phải đặt trên nền tảng xây dựng con người, không phải thuộc lòng kinh điển. Chính vì vậy mà Đức Phật đã chọn nước Ma Kiệt Đà, thành Vương Xá, một nơi tập trung nhiều Luận sư và Ngài căn cứ vào sự tranh chấp của các luận sư mà biết được tư tưởng chỉ đạo xã hội ấy. Đức Phật dạy trong kinh Duy Ma rằng muốn hiểu Phật pháp thì tìm trong chín mươi ba thứ dị kiến ngoại đạo; nói chung là tư tưởng của các tôn giáo thời bấy giờ. Và muốn tìm dị kiến ngoại đạo thì tìm trong cuộc sống của con người, cuộc sống thật của xã hội. Trên nền tảng này, hành đạo là gắn liền ta với xã hội; lập y theo sách vở sẽ rơi vào không tưởng, vì xã hội ta khác với xã hội thời Phật tại thế cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm.
Phật giáo Đại thừa tồn tại ở Việt Nam mạnh mẽ và lâu dài nhờ thích hợp với sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, nếp sống, v.v… của dân Việt Nam. Các vị Tổ sư truyền giáo đã nhìn thấy rõ xã hội Việt Nam cần gì và các ngài theo đó đáp ứng. Cây nhân sinh Phật giáo cắm rễ vào lòng đất Việt Nam, hút được nhựa Việt Nam là chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não. Tuy nhiên, muốn biết như vậy, thì căn cứ vào đâu. Phật dạy căn cứ vào dị thuyết ngoại đạo, hiểu theo ngày nay là thông tin, báo chí, bình luận của những nhà trí thức. Theo tôi, xem phim, nghe đài, đọc báo chí, sách vở, để thấy được suy nghĩ của người trẻ, người già, nam nữ, v.v…, chúng ta biết được xã hội muốn gì, nghĩ gì, là biết tâm trạng của quần chúng và tìm cách giáo dục họ. Nhà tu là thầy thuốc chữa tâm bệnh của chúng sanh. Không biết chúng sanh, làm sao chữa bệnh cho họ. Thầy truyền giáo không biết thực trạng xã hội thì làm cách nào hành đạo thành công.
Hòa thượng Từ Thông giảng kinh thu hút người, vì ngài theo dõi báo đài, biết tâm lý quần chúng và nói điều tương ưng với họ. Các cô làm đạo cũng phải nhớ ý này, theo dõi báo đài thì biết người cần gì, thích gì, nghĩ gì. Những gì xảy ra trong xã hội, trên báo chí có viết đủ. Đại thừa dạy chúng ta tìm Phật pháp trong dị kiến, ngoại đạo là nghĩa này.
Cùng một việc mà mỗi Luận sư nói một cách. Phật lóng nghe, nhận thấy sự sai lầm của tất cả ngoại đạo và từ đó Ngài đưa ra pháp đúng đắn. Đức Phật biết rất rõ sự thật ở chơn như môn hay chân lý tuyệt đối và Ngài còn biết thêm là có nên nói chân lý ấy hay không và nói cách nào. Đức Phật tư duy ở Bồ đề đạo tràng, chứng được sự thật tuyệt đối. Và Ngài biết rằng nếu nói sự thật này, chúng sanh sẽ bị đọa; vì mọi người không thể tin, nghe, chấp nhận và không làm được. Vì vậy, Phật muốn nhập Niết bàn ngay. Lúc ấy, mười phươngPhật hiện ra an ủi Phật Thích Ca, khuyênNgài nên nói. Vì mục tiêu Phật xuất hiện để độ chúng sanh, thì phải nói. Tuy nhiên, Phật chỉ có thể nói phương tiện. Nói ở đâu, lúc nào và với ai là pháp phương tiện được Phật triển khai. Mở ra pháp phương tiện, chúng ta thấy không còn việc gì cố định nữa. Chư Phật quá khứ và chư vị Tổ sư đều phải dùng phương tiện; chúng ta cũng phải như vậy.
Tôi nhớ một việc đơn giản trong cuộc đời hoằng pháp. Trước kia, tôi về miền Tây thuyết pháp trải qua mấy chục năm. Người nghe không hiểu, không thích; vì tôi giảng kinh Đại thừa theo sở đắc của tôi, theo sự hiểu biết của tôi. Người không nghe được, dù họ quý trọng tôi, tôi giảng không sai. Nhưng lần này, tôi giảng, họ nghe đông và thích; vì tôi thử nói cái họ hiểu, họ thích. Tôi chỉ mất một đêm suy nghĩ làm bài Sám Pháp Hoa đơn giản; nhưng người trẻ cho đến người già nghe rớt nước mắt, khen hay quá! Giảng kinh điển bao nhiêu năm, họ ngủ; nay nói một bài sám ngắn, họ thích vì gần gũi tâm trạng của họ. Đại thừa gọi đó là khế cơ. Ở miền Tây không nói sám không được. Thật vậy, trước kia Tổ Huệ Lưu có sám Huệ Lưu được nhiều người học thuộc và đa số người theo Hòa Hảo ở miền Tây cũng sử dụng sám kệ. Phái Khất sĩ cũng tụng kinh theo thể thơ lục bát dễ hiểu, dễ nhớ, được nhiều người ở miền Tây theo.
Các cô vào đời nhớ theo tinh thần Phật dạy mà áp dụng pháp thích nghi. Xưa Phật dạy tìm hiểu Phật pháp qua dị kiến ngoại đạo. Ngày nay muốn độ đời, phải hiểu cuộc đời, phải theo dõi thông tin. Và chúng ta nhận thức, suy nghĩ bằng cách Thiền tọa, Thiền hành, vừa đi bách bộ trong vườn vừa suy nghĩ. Kinh hành niệm Phật hay niệm kinh là suy nghĩ lời Phật dạy và nhận ra nghĩa lý để áp dụng trong cuộc sống, là tu. Tu thật một thời gian ngắn, sẽ phát hiện được nhiều điều hay. Tu hình thức thì suốt đời không được gì.
Tôi đi bách bộ mỏi chân thì ngồi suy nghĩ về pháp, là áp dụng Thiền hành, Thiền tọa. Có lúc lạy sám hối Hồng danh cũng suy nghĩ. Nói chung, lúc nào cũng suy nghĩ. Tu của tôi là vận dụng trí năng, không phải hành xác. Suy nghĩ nhiều và phát hiện được nhiều điều Phật dạy áp dụng trong cuộc sống bản thân có kết quả tốt, mới đem dạy người.
Trong pháp hội này nói về câu chuyện Phật ở Ma Kiệt Đà sai Mã Thắng Tỳ kheo khất thực. Luận sư Xá Lợi Phất thấy Mã Thắng, tâm liền thanh tịnh vànói với Mục Kiền Liên, cả hai phát tâmđến với Phật. Ma Ba Tuần thấy vậy nghĩrằng một mình Phật thành Phật, ma còn thấy khổ. Nay để cho hai đại Luận sư này theo Phật, thì chắc chắn ma không còn đất sống.
Nghĩ vậy, Thiên ma liền đến phá Xá Lợi Phất bằng cách giả làm Đế Thích, Phạm vương để nói bậy, nhưng không kết quả. Ma lại giả hiện làm Mã Thắng Tỳ kheo, nói Phật dạy như vầy, không phải dạy vậy. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã chứng Sơ quả, tâm thanh tịnh, nên thấy ma là ma, không phải là Mã Thắng. Điều này gợi ý đừng nhìn người qua bề ngoài. Mục Kiền Liên nói rằng chồn và sư tử giống màu lông, nhưng tiếng gầm của chúng khác nhau. Tôi suy nghĩ câu này rất lâu và nhận ra rằng Thiên ma, ngoại đạo có thể thâm nhập Phật đạo để phá, bằng cách họ cũng xuất gia thọ giới Tỳ kheo, mang hình thức tu sĩ giống chúng ta, được ví như màu da của chồn giống với sư tử. Nhưng thực sự tâm lượng của họ là ngoại đạo.
Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đủ trí tuệ, nên phân biệt được. Người đời không phân biệt được tu thật, tu giả, vì chỉ căn cứ trên màu áo. Muốn nhận lãnh của cúng dường, sư giả chỉ cần mặc áo màu vàng. Nhìn đúng sự thật để chúng ta phân biệt tà đạo thâm nhập Phật đạo nhằm đưa người theo hướng khác. Vì vậy, mặc áo Sa môn, nhưng không nói lời Phật, không làm lợi ích cho người, thì ta không nên theo họ.
Mã Thắng trước kia khai ngộ Xá Lợi Phất, giúp ông chứng Sơ quả. Nhưng nay cũng là Mã Thắng (do ma Ba Tuần giả làm Mã Thắng), mà Xá Lợi Phất nhìn thấy khó chịu. Thật tu, Xá Lợi Phất nương theo Phật, tâm liền thanh tịnh và thấy được sự thật của cuộc đời, nhận ra ma giả làm Mã Thắng. Còn tâm không thanh tịnh thì dễ bị người lừa gạt.
Nếu họ được Phật lực gia bị thật, họ là pháp lữ Đại thừa. Ta thấy họ thì lòng cảm nhận được sự an lạc, dù hình thức của họ là bác sĩ hay chính khách. Tuy nhiên, thấy đồng môn, đồng đạo, đồng màu áo, nhưng không sống chung được; vì những gì họ nói, khiến chúng ta buồn khổ, nghi ngờ pháp Phật, thì biết đó là ma. Sống trong tu viện, tiếp xúc với người tu không vì đạo, không cầu giải thoát, chúng ta biết liền. Nhận thức của chúng ta được bạn giúp làm sáng tỏ, vững niềm tin, người đó là pháp lữ Đại thừa.
Thiên ma hiện hình Mã Thắng là Tỳ kheo, nhưng tâm bên trong là ma, thì sao giải thoát được. Xây dựng trên nền tảng tâm là chánh, hiện ra tướng bên ngoài tương ưng, khó che giấu được. Vì vậy, khoác áo cư sĩ như Duy Ma hay mặc áo thầy thuốc của Tuệ Tĩnh, nhưng nhìn vào tâm, biết họ là Thiền sư ngộ đạo. Hoặc Thiền sư Suzuki là cư sĩ, nhưng tâm luôn tĩnh thức, nhìn đời chính xác và cho lời khuyên rất hiệu quả. Vì tâm ông là Thiền, hiện tướng thanh tịnh giải thoát.
Nếu chỉ căn cứ theo bề ngoài, Thiên ma, ngoại đạo cũng có thể đóng vai Thầy tu. Nhận làm pháp lữ trên hình thức, chúng ta sẽ bị nhiễm độc; vì họ mặc áo tu, làm sai quấy, mà bảo vệ họ là chúng ta vô tình kết bè đảng với ác ma. Vì vậy, người cùng màu áo, sống cùng tu viện, nhưng tâm của họ là tà, vẫn coi là ác ma. Theo Đại thừa, cùng tâm niệm, cùng đi đường giải thoát, nhưng khác màu áo, vẫn coi là pháp lữ. Ý thức như vậy, chúng ta sẽ kết hợp được pháp lữ Đại thừa dưới mọi dạng thức, làm đẹp cuộc đời. Kinh Đại thừa luôn nhìn thẳng vào cuộc đời, vào sự thật và từ đó suy nghĩ cách ứng xử thích hợp nhất. Tu theo tinh thần Đại thừa, chúng ta không làm theo tham, sân, si, nhưng suy nghĩ cách làm có lợi cho dân tộc và nhân loại.
Nội dung của pháp hội này, mở đầu giống pháp hội trước là tập hợp đại chúng ở Đại Bảo Phường Đình, không thay đổi vị trí nói pháp; nhưng đi sâu vào việc khác, nói về Phật và ma Ba Tuần hay giữa Phật đạo và tà đạo. Điểm này là đề tài chính tôi gợi ý, các anh em nên suy nghĩ về Phật giáo và tà giáo, cũng như cách xử trí của chúng ta thế nào khi kế thừa sự nghiệp của Phật, căn cứ vào cách xử trí của Phật và Thánh chúng.
Cách ứng xử của Phật rất nhẹ nhàng, nhưng cuối cùng tất cả ngoại đạo và tà giáo đều quy về Phật đạo. Phật dạy rằng chiến thắng của Phật không có người bại. Đó là sự thắng lợi của nội tâm phát huy được đạo đức, trí tuệ và giải thoát được đối thủ hơn là sát phạt và căm thù họ. Cái thắng của thế gian và tà giáo đem lại sự kiêu căng cho người thắng và khổ đau cho kẻ bại.
Đức Phật hàng phục ngoại đạo, điển hình như ba anh em Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và những người trí thức đương thời. Nếu coi tà giáo ngoại đạo là đối lập, mà họ thì đông hơn và mạnh hơn, tất yếu phải bị họ tiêu diệt. Quan sát cách hành xử của Đức Phật, chúng ta thấy rõ Ngài không coi tà giáo ngoại đạo là đối thủ. Ngài hàng phục họ là phá bỏ sự nhận thức sai lầm của họ, thì họ trở thành người chân chánh. Vì thế, đối với Phật, họ là người ân, không phải oán.
Hàng đệ tử Phật trước khi theo Ngài, họ tu ngoại đạo. Nhờ Phật khai thị cho họ nhận thức đúng đắn, cuộc sống được thăng hoa. Cách hàng phục ngoại đạo của Phật là vậy, không phải đối lập với người; nhưng thấy người sai lầm và giúp họ sửa đổi sai lầm. Sai lầm có tính cách nhất thời. Người tu Phật đạo cũng có sai lầm vậy. Nếu họ chấp pháp, thì cũng làm Phật đạo thành ngoại đạo; như thực tế chúng ta thấy thời kỳ phân chia bộ phái chống đối lẫn nhau.
Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ đều là đệ tử Phật, nhưng coi nhau là ngoại đạo tà giáo, là tự biến Phật đạo thành tà đạo. Thật vậy, Phật đạo thì phải giải thoát. Phân chia và chống đối, cho đến hủy diệt, là tất cả đều phá Phật, làm Phật pháp bị tiêu diệt do sự sai lầm chấp trước. Trong khi Đức Phật hành đạo đúng, hướng dẫn được các hàng ngoại đạo theo Phật đạo, chuyển các dị kiến thành chánh kiến. Như vậy, có thể khẳng định Phật đạo là đổi tà thành chánh, không phải tạo thành đối lập.
Thực tế lịch sử cho thấy Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên thuộc ngoại đạo có tu viện và đồ chúng riêng. Nhưng Xá Lợi Phất gặp Mã Thắng Tỳ kheo, thấy tâm an vui giải thoát, chứng được Sơ quả. Và Mục Kiền Liên thấy an vui của Xá Lợi Phất, mới phát tâm, cũng được an vui giải thoát. Như vậy, hai vị này trước khi gặp Phật đã chứng được Sơ quả. Ma Ba Tuần sợ hãi, tìm cách phá, vì nghĩ rằng mới có một Đức Thích Ca thành Phật mà đã gây nhiều khó khăn cho ma. Nay lại thêm Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên theo Phật, thì thế giới ma hay quyền lợi của ma càng bị thu hẹp hơn nữa.
Điều này cũng gợi ý rằng người chống đối vì họ nghĩ rằng nếu ta thắng thì họ phải thua, quyền lợi của họ bị đụng chạm. Theo Phật, ta phải xóa sự hiểu lầm của họ. Sự hiểu lầm là tà giáo, là ma chướng; khôngphải con người là ma. Riêng tôi, cố tránhđụng chạm quyền lợi, trước nhất là quyền lợi vật chất; vì tà giáo thuộc thế lực tham, sân, si. Chúng ta theo Phật đạo, phải phát huy tâm tánh và việc làm không tham, không giận, không si mê. Được như vậy, mới làm mất thế lực chống đối.
Họ tham, nên sợ ta chống đối. Tất cả vì tham nên chống nhau, sát phạt nhau, tạo thành xã hội loạn; đó là thế lực của vô minh. Thái độ của chúng ta là làm thế nào cho người thấy ta là đệ tử Phật, có trí tuệ, thấy đúng, tâm hồn bình ổn, trí sáng và không tranh chấp, không tham lam ích kỷ.Trên bước đường tu, hơn nhau ở chỗ đó. Thiết nghĩ người có tâm hồn rộng lớn khác với người tham lam ích kỷ, hay gièm pha, gây khó khăn. Người có tâm hồn rộng lớn sẵn sàng tha thứ, vì thấy được sự thật là tham cũng không được.
Ta thấy tất cả chúng sanh, thu hẹp là thế giới loài người, thấy người mà ta quen biết và những người mà ta tiếp xúc. Thấy năng lực của người cùng học chung với ta, người cùng ở chung một chùa và xa hơn thấy người cùng sống chung một nước, nghĩa là thấy cộng nghiệp, thấy ảnh hưởng của ta đối với người và ngược lại. Riêng tôi, thường quán sát sự tồn tại của tôi với tất cả anh em, với tất cả chùa và xã hội. Đó là cái thấy tương quan tương duyên tồn tại trong xã hội, thấy được nghiệp của người và mình. Chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não là ba đại tiền đề mà người tu luôn quan sát. Quan sát thấy chúng sanh nghiệp, nghĩa là chúng ta luôn tĩnh thức để nhìn thấy ác nghiệp, thiện nghiệp của người từ quá khứ dẫn đến cuộc sống hiện tại. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ tát cũng nói vì thế giới, chúng sanh, phiền não và nghiệp vô cùng nên hạnh nguyện của ngài vô tận.
Đức Phật cho biết ma Ba Tuần luôn phá Phật từ thời quá khứ cho đến hiện tại và cả đến khi Ngài Niết bàn, ma cũng vẫn theo. Sự liên hệ của ma và Phật trong pháp hội này được Phật cho biết là đã có từ thời Phật Hương Công Đức ở thế giới Diệu Hương Quang Minh. Lúc đó, Phật Thích Ca làm Chuyển luân Thánh vương tên Hoa Mục và ma Ba Tuần là đại thần Thiện Hạnh từng hợp tác, phò trợ Chuyển luân Thánh vương Hoa Mục. Nhưng khi vua phát tâm xuất gia học đạo, trở thành Hoa Mục Tỳ kheo, diệt được tham, sân, si. Thấy thành quả của Hoa Mục như vậy, tất cả cung phi mỹ nữ cũng đều theo Phật tu, hết nghiệp dục, chuyển thân nữ thành thân nam. Vì vậy, đại thần Thiện Hạnh cảm thấy bực tức, buồn khổ.
Đọc đến đây, tôi nhớ lại các bạn tôi nói rằng nghe giới thiệu cảnh Cực lạc của Phật Di Đà, họ không thích chút nào; vì ở đó không có gì ăn, không có phụ nữ, thì làm sao vui được. Họ thích ăn đồ huyết nhục, nghe ăn hoa hương thì sợ; ở nơi có toàn đàn ông thì họ thấy nguy! Rõ ràng quan niệm vui sướng theo thế gian hoàn toàn khác với an lạc của đạo. Chúng ta phải nhìn đúng sự thật; người có ác nghiệp nhìn đời khác chúng ta, nên họ thường sanh tâm thù oán. Cung phi mỹ nữ săn sóc họ, mà nay lại bỏ đi tu, tất nhiên họ phải bực. Chúng ta nghĩ mọi việc quấy rầy chấm dứt là được an lạc, nhưng họ không nghĩ như vậy. Họ nghĩ tranh chấp, hơn thua phải trái, giành giựt mới vui; thế giới hoàn toàn an lành thì không vui. Các Thầy vào đời phải thấy chúng sanh nghĩ gì, muốn gì, hành động nào dẫn đến khổ đau, nhưng họ chưa bị thì hàng trung căn nghe nói, suy nghĩ biết; hàng hạ căn thì rơi vào địa ngục A tỳ mới nhận ra cái khổ.
Câu chuyện nói về việc chống phá Phật của ma Ba Tuần có từ thời quá khứ gợi nhắc chúng ta trên bước đường tu, nếu có người chống phá, ta phải tìm biết nguyên nhân và cách hóa giải. Kinh Đại thừa nói Phật là đại lương y biết đúng bệnh và cho thuốc, quan trọng là bắt mạch đúng thân bệnh và tâm bệnh. Ta tu không đắc đạo vì sử dụng thuốc gia truyền theo kiểu hên xui may rủi, có khi hết bệnh, có khi lại nặng thêm. Kinh Pháp Hoa nói rằng sử dụng không đúng thuốc thì thuốc biến thành chất độc là ý này.
Ra trường, hành đạo, các anh em phải cân nhắc, thấu rõ cội nguồn việc xảy ra. Muốn như vậy, phải gia công Thiền định. Tu hình thức thì giữ đúng thời khóa và thấy như vậy là xong; nhưng suốt đời, cuộc sống tâm linh không phát triển, đạo đức cũng không lên cao. Thực chất của việc tu hành là phát triển tâm linh, tập quan sát để thấy biết đúng. Pháp tu Thiền giúp ta điều này. Tuy nhiên, có một số người rơi vô Thiền hình thức cũng không đạt kết quả tốt.
Theo Đại thừa, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, ngủ đều là Thiền, đọc sách cũng Thiền. Tôi đọc sách, bắt gặp ý nào, giữ tâm lại ngay ý đó để tìm lý sâu xa Phật dạy. Làm vậy lâu ngày, kinh điển đối với tôi sáng hơn và giúp tôi nhiều. Tôi siêng đọc kinh, không phải đọc cho hết, nhưng mỗi lần đọc thấy ý hay, thì ghi nhớ và suy nghĩ về ý đó; ngồi một mình hay nằm, đi, cũng suy nghĩ ý đó. Như vậy, ngồi hay đi cũng Thiền, vì chính yếu củaThiền là chỉ và quán. "Chỉ” là dừng tâm lại, không cho nghĩ lung tung. Tôi áp dụng pháp này để trụ tâm, tâm tôi dao động thì nhìn cây, lá, v.v… để tạo sức tập trung. Và bắt đầu quán về lời Phật dạy trong các bộ kinh, so sánh kinh Nguyên thủy với kinh điển Đại thừa để tìm chân ý của Phật và các Tổ sư, rồi ứng dụng vào đời; làm thử sẽ thấy chúng ta tiến bộ rõ về tri thức.
Như vậy, chúng ta đã mở rộng phạm vi kinh điển và kế tiếp bắt đầu nhìn ra cuộc đời. Tôi nhìn tà giáo ngoại đạo trước. Ngày xưa, các Luận sư được ghép vô tà giáo ngoại đạo; nay tôi gọi là nhà phê bình trên thế giới và trong nước. Ta nghe họ nhận xét, bình luận và từ đó rút ra cho chúng ta cái nhìn chính xác, thấy đúng hơn. Đó là lấy Phật đạo rọi vào tà kiến ngoại đạo, thấy được sự thật của cuộc đời, ai sai, ai đúng. Thiền quán cho ta thấy biết đúng đắn như vậy.
Đức Phật tổng hợp dị kiến ngoại đạo và đưa ra kết luận chính xác, thấy đúng và thấy nguyên nhân từ quá khứ dẫn đến hiện tại. Nghĩa là Phật thấy ma Ba Tuần xưa kia đã chống phá Ngài, vì họ mê muội, tham lam quyền lợi, nên tạo thành khổ đau. Phật đã gở bỏ lời thề oán thù của họ, là độ người ác.
Các anh em giáo hóa, thấy pháp lữ đồng hành trong quá khứ đã từng là Bồ tát quyến thuộc. Thấy như vậy, thì quý kính nhau dễ và thành công Phật sự quan trọng, vì được thắng duyên.
Xá Lợi Phất đời này thông minh vì sáu mươi tiểu kiếp trước đã tu hành, được Phật khai thị. Bản chất tu hành của ngài đã có và gặp Phật khai ngộ cái có sẵn là Phật tri kiến sáng ra liền. Ngày nay, Phật giáo Tây Tạng áp dụng pháp này. Họ tìm Lạt ma tái sanh còn hài đồng, mới năm, ba tuổi, nhưng đưa cho đứa bé này các món đồ pháp khí, mà nó biết sử dụng; hoặc đưa pháp ngữ cũng hiểu nghĩa liền. Điều này chứng minh đời trước đứa bé này đã tu hành.
Người có nhân duyên căn lành gặp Phật, thấy Phật, tin dễ dàng, phát tâm vô điều kiện và tu hành đạt được kết quả nhanh chóng. Phật hóa hữu duyên là độ được người có duyên dễ; nhưng Ngài gặp ma Ba Tuần chống đối cuồng nhiệt, thấy Phật là họ ghét liền.
Ta phải thấy sự việc chính xác, thấy rõ ngoại đạo như thế nào và từ đó, hiểu rõ xã hội mà chúng ta đang sống; thấy người có duyên thì giáo hóa hay làm việc chung dễ. Người không có duyên thường chống đối ta. Như vậy, hiện tại họ chống ta vô cớ là biết quá khứ đã từng như vậy. Phải tìm cách hóa giải để họ không chống đối nữa, đừng đặt họ vào thế chống đối thêm, tự hại mình và hại Phật đạo. Tôi suy nghĩ tại sao các Thầy Nguyên thủy và Đại thừa chống nhau, tại sao các Thầy cùng theo Đại thừa cũng chống nhau. Quán sát thấy biết thì vô hiệu hóa sự chống đối và chuyển hóa người chống thành pháp lữ.
Từ cái nhìn cởi mở trong đạo như vậy và nhìn ra dị kiến ngoại đạo, chúng ta tạo điều kiện cho người hợp tác. Kinh diễn tả là Văn Thù Sư Lợi Bồ tát sử dụng trí, chuyển ác ma thành pháp lữ, bắt buộc ma Ba Tuần phải nói đúng pháp. Đó là thuyết pháp trong sự sống của con người.
Phật cũng thấy xa xưa Di Lặc Bồ tát làm phu nhân của Chuyển luân Thánh vương và Phật làm vua. Điều này cho thấy Đức Phật và Di Lặc từng liên hệ với nhau từ nhiều đời, từng làm việc, chung sống và tu hành với nhau, nên dễ hiểu nhau. Ngày nay chúng ta thấy có người hợp tác hay chống đối vô điều kiện cũng vì ta và họ đã từng như vậy ở đời trước. Muốn thành công, Phật dạy tìm người có duyên mà độ, tìm chỗ có duyên mà phát triển Phật sự. Riêng tôi có duyên giáo hóa ở Việt Nam, dù cực khổ, nhưng làm được Phật sự; vì quyến thuộc của tôi ở Việt Nam.
Ta tự nhận ra nhân duyên làm đạo của mình hay Thầy khai ngộ cho ta. Các anh em ra trường không phải thấy nơi tốt là đến; phải chọn chỗ thích hợp để phát triển khả năng, dù thuận hay nghịch đều được. Nếu có đủ bản lĩnh, chọn chỗ đối đầu, chuyển nghịch thành thuận, chuyển khó thành dễ thì đạt được sự vinh quang. Chỗ không thích hợp là không đủ sức hàng phục, mà đến thì chuốc họa vào thân. Chỗ dữ, nhưng có cách điều phục vẫn thành công. Phải thấy trước việc của mình muốn làm để tìm môi trường thích hợp, ứng dụng đúng chỗ, đúng đối tượng, nhất định đạt kết quả tốt.
Ma Ba Tuần tranh chấp với Phật tại Bồ đề đạo tràng, nghĩa là sự giằng co giữa tối và sáng. Và Phật chiếm ưu thế, thành Phật; vì suy nghĩ, lời nói và việc làm của Phật được đa số chấp nhận. Ma Ba Tuần phải thua. Ma hùng hổ, nói nhiều thì nói sai. Trong khi Phật không nói, hay không nói sai, nên không thể đổ sai lầm cho Ngài. Ma làm đủ cách, nhưng cuối cùng bị quần chúng phê phán. Phật thì điềm tỉnh kỳ diệu, không đánh mà thắng. Đó là phương cách mà Phật vô hiệu hóa sự chống đối của ma.
Kinh nghiệm tôi lóng nghe người chỉ trích và từ từ sửa đổi, làm những gì người bằng lòng; điều họ không bằng lòng thì xếp lại và sau cùng, thực hiện tất cả những gì mà mọi người đều bằng lòng, là thành Phật. Phải lóng nghe phê bình. Nhờ ác ma bươi móc, chúng ta sửa mình thành Thánh, thì ma thua.
Ma thua lần thứ nhất, về Trời thì cứ để nó về. Bản tánh nó là ma, nên nói lại với ma khác. Đức Phật sử dụng pháp thứ hai rất tuyệt vời bằng cách để ma tuyên truyền và cuối cùng nó thua, Phật thắng. Phật không thuyết pháp, nhưng để ma khoe khoang về sở trường của nó luôn chiến thắng. Mọi người tìm đến xem thì thấy lòng từ bi, đức hạnh và tài trí của Phật siêu tuyệt; còn ma thì giả dối, độc ác, xấu xa. Như vậy là ma đã tự hại nó và tự quảng cáo cho Phật. Sau cùng ma cũng nhận ra những việc tệ hại của nó và cảm thấy ăn năn, nên tất cả ma đều xin quy y với Phật. Sau khi theo Phật, ma vương Trang Nghiêm Hoa phát nguyện sẽ hộ trì chánh pháp của Như Lai và bảo vệ người thọ pháp. Đức Phật mới thọ ký cho ma vương này sẽ thành Phật hiệu Công Đức Ý ở thế giới tên Pháp Hạnh.
Tất cả những việc vừa nói gợi cho chúng ta suy nghĩ để áp dụng trong việc truyền đạo là thắng mà không có người thua và chuyển được người ác trở thành người thiện. Con đường hành đạo của Đại thừa Phật giáo là như thế.