cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển VI HT THÍCH TRÍ QUẢNG


Sách / Trí Quảng Toàn Tập - Quyển VI / Đảnh lễ Bồ tát

Lần nghe: 120.942

Kinh Pháp Hoa quy định Bồ tát là những người làm lợi ích cho chúng sanh và được sự hộ niệm của chư Phật. Có ba cấp bậc Bồ tát. Ở dạng cao nhất là Bồ tát Tùng địa dũng xuất, hay Bồ tát Pháp thân là thị tùng của Pháp thân Phật. Các Ngài trụ trong thế giới Thường Tịch Quang ở ngoài tầm mắt của phàm phu. Chỉ sau khi thành tựu ba pháp là đại từ bi, nhẫn nhục và nhứt thiết pháp Không, chúng ta dự vào hội không trung thuyết pháp mới diện kiến được các Ngài. Nhờ lực gia trì của các Bồ tát vô hình này, chúng ta tu dưới dạng thức nào cũng giữ gìn và phát triển tâm Bồ đề được.

Kế đến là Bồ tát mười phương lai thính Pháp Hoa kinh, hay Bồ tát thị tùng Báo thân Phật có tám mươi ngàn vị. Nhưng đến hội không trung thuyết pháp, con số này tăng lên thành nhị vạn, bát vạn, bát thập vạn ức na do tha. Con số này cũng là số biến không cùng. Muốn đảnh lễ các ngài, chúng ta phải thâm nhập được thế giới Thật Báo trang nghiêm.

Thập phương du hóa Bồ tát đông vô số, thu hẹp lại trong hội Pháp Hoa nêu danh ba mươi bảy vị tiêu biểu cho ba mươi bảy Trợ đạo phẩm. Hàng ngày kính lễ ba mươi bảy vị Bồ tát này để kiểm tra tâm thức và cuộc sống của chúng ta cho tương ưng với ba mươi bảy pháp thánh thiện. Hay nói cách khác, tập làm theo hạnh nguyện của các ngài, sẽ nhận được lực Bồ tát hộ niệm trong thế liên hoàn hỗ tương, chúng ta sẽ dễ dàng tạo được công đức.

Hạng cuối cùng là Bồ tát mới phát tâm, hay những người cùng tu chung. Đây là Bồ tát từ nhân hướng quả khác với Bồ tát lớn vừa nói là Bồ tát từ quả hướng nhân. Chúng ta tôn trọng và từng bước dìu dắt người mới phát tâm tiến thân trên đường đạo hạnh. Tuy nhiên, muốn giúp đỡ họ, chúng ta cần phải được sự trợ lực của hai hàng Bồ tát lớn từ quả hướng nhân. Vì các Bồ tát mới phát tâm nghiệp chướng còn nhiều, thuộc loại "Vui thì tu, buồn thì bỏ”; độ được họ không bỏ cuộc là vấn đề không đơn giản.

Trước tiên, chúng ta lạy Bồ tát mười phương lai thính Pháp Hoa kinh để tiếp nhận sự trợ lực cho ta và người. Tôi lạy Bồ tát mười phương thường thưa với các ngài rằng tôi không cần gì, nhưng quyến thuộc của tôi còn nhiều phiền não, còn có nhiều yêu cầu. Vì vậy, để giải quyết nghiệp chướng của họ và giúp đỡ họ, tôi cầu nguyện vị Bồ tát có hạnh nguyện tương ưng, xin ngài gia hộ cho họ. Nhờ Bồ tát mười phương trợ lực mà bản thân ta thăng hoa và quyến thuộc của chúng ta cũng được an vui theo.

Ngoài ra, đảnh lễ Bồ tát đến dự hội Pháp Hoa nhiều đến tám mươi muôn ức vị gợi cho chúng ta suy nghĩ ở trên thế gian này, người làm việc thiện, cứu tế xã hội, lợi ích cho cuộc đời không phải ít. Chúng ta cần liên kết với người có hiểu biết, có tính thương trong việc làm và học hỏi với họ, không thể làm một mình được. Như vậy, người tốt sẽ đến với ta để cùng nhau thực hiện điều tốt, mang an vui lợi ích cho người; đạo hạnh Bồ tát nhờ đó được tăng trưởng.

 

1.ĐẢNH LỄ BỒ TÁT MƯỜI PHƯƠNG LAI THÍNH PHÁP HOA KINH

-ĐẢNH LỄ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

Mở đầu Bồ tát lai thính Pháp Hoa kinh là Văn Thù Sư Lợi tiêu biểu cho bậc đại trí. Ngài hiện hữu từ thời Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, tên là Diệu Quang. Lúc đó, ngài cũng là bậc Bồ tát thượng thủ và vẫn giữ ngôi vị đó cho đến nay.

Những người được Bồ tát Văn Thù giáo hóa đều thành Phật, trong số đó có Phật Nhiên Đăng. Và chính Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Phật Thích Ca.

Ngài xuất hiện trong hội Pháp Hoa để giới thiệu Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh và ngài xuống cung rồng Ta Kiệt La giảng kinh Pháp Hoa trong tám năm. Đến hội không trung thuyết pháp, Văn Thù lại xuất hiện với nhiều Bồ tát thị tùng, đặc biệt có Long Nữ thoạt nhiên thành Phật.

Đức Phật cho biết Văn Thù là Thầy của ba đời các Đức Phật. Điều này gợi nhắc hành giả trên bước đường tu phải nương theo bậc cao đức am hiểu đúng đắn lời Phật dạy và thực hiện được cuộc sống theo tam tạng thánh điển.

Chỉ có kinh Pháp Hoa mở ra cánh cửa cho thấy Văn Thù Sư Lợi là vị cổ Phật hiện lại làm Bồ tát nên trí tuệ của ngài thật vô cùng. Từ người thấp nhất đến người cao nhất, ngài đều hiểu rõ và cưu mang, giúp họ thành Phật.

Ý thức như vậy, chúng ta càng kính lễ Bồ tát Văn Thù thì càng nỗ lực phát huy trí tuệ, đồng thời cầu nguyện trí lực của ngài soi sáng tâm trí để chúng ta đạt được sự thấy biết chính xác như thật, ngõ hầu giải quyết lợi ích cho mình và người.

 

-ĐẢNH LỄ QUAN ÂM BỒ TÁT

Khi có được trí Văn Thù rọi sáng, hay phải suy nghĩ chín chắn rồi, chúng ta mới niệm Quan Âm, tức theo hạnh đại bi cứu nhân độ thế. Vì không có trí tuệ chỉ đạo, giúp người sẽ hóa ra hại người và còn hại cả chính mình nữa.

Có trí tuệ, Bồ tát Quan Âm dạy chúng ta cách nhìn đời, thấy rõ căn tánh hành nghiệp của chúng sanh, nghe rõ tiếng nói của ngũ uẩn, mới biết được người đáng độ, việc đáng cứu và giải quyết tốt đẹp cho người.

Ngoài việc cứu độ chúng sanh ở cõi Ta bà, Quan Âm còn trợ hóa Đức Phật Di Đà ở Tây phương Tịnh độ. Hành đạo ở hai trụ xứ tịnh uế tương phản như vậy cho thấy Đức Quan Âm là một vị cổ Phật tên là Chánh Pháp Minh Như Lai. Từ Phật cảnh giới, Ngài bước xuống cõi Ta bà, hiện hóa trên cuộc đời dưới ba mươi hai dạng hình khác nhau để đưa chúng sanh về bờ giải thoát.

-ĐẢNH LỄ ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT

Kế tiếp, đảnh lễ Vô Biên Quang Trí Thân Đại Hùng Đại Lực Đại Thế Chí Bồ tát. Ngài có hạnh nguyện phóng ánh quang đến người có tịnh nhân ở Ta bà. Tiếp nhận được ánh sáng gia bị của ngài, hành giả sẽ trở nên thông minh, hiền lành, khỏe mạnh hơn.

Tuy nhiên, muốn nhận được lực nhiếp trì, khi niệm danh hiệu của Bồ tát Đại Thế Chí, chúng ta cần cố gắng phát huy tịnh nhân của chính mình. Ở trong đời ngũ trược ác thế, mọi người luôn sống với năm thứ nhơ bẩn là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược. Trái lại, theo ngài, chúng ta luôn nuôi dưỡng tịnh nhân, hay năm hạt giống thiện.

Thật vậy, sống trong kiếp trược là thời đại đấu tranh kiên cố, lòng chúng ta luôn thanh thản, khoan dung với người, không hơn thua tranh chấp, vì có hạt nhân thanh tịnh bên trong. Kiến trược là không ai bằng lòng với cuộc sống của mình, luôn luôn bực bội. Đó chính là hạt nhân ác, nên những cái họ không ưa sẽ gắn chặt với họ đời đời vĩnh kiếp. Riêng tôi, cái gì không thích, nó tự biến mất. Điều gì thích thì tự hiện ra; vì biết trồng hạt nhân thanh tịnh. Thiết nghĩ khi tâm hồn trong sạch, hay trang bị hạt nhân thanh tịnh, cảnh giới bên ngoài sẽ tự động an vui theo.

Phiền não trược của chúng sanh thì đầy dẫy, tựu trung có sáu thứ chính là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Chúng ta tự kiểm tra xem những nhơ bẩn này còn tác động thân tâm mình hay không. Đức Phật dạy phiền não phát xuất từ lòng tham. Do tham nhưng không đạt được như ý, mới sanh ra bực tức, dẫn đến mất khôn.

Chúng ta có tịnh nhân, để tâm hồn lắng yên. Nhờ vậy, thấy rõ lý nhân duyên của mọi việc trên cuộc đời, giải được những gút mắt khó khăn trong sinh hoạt đời thường; đồng thời chuẩn bị tư lương phong phú cho con đường trở về Tịnh độ của mình. Tu như vậy, khi mãn duyên ở cõi này, chắc chắn chúng ta sẽ sanh về Tịnh độ.

Trên nền tảng cần gieo trồng tịnh nhân, chúng ta tu Tịnh độ nên lưu ý nếu chỉ niệm Phật suông thì không đủ. Muốn sanh về thế giới Phật, phải nuôi điều thiện trong tâm. Trái lại, trồng toàn hạt nhân ác của Ta bà như tham lam, ghét ganh, tranh giành, sân hận, si mê, v.v… , tất nhiên vĩnh kiếp ở cõi ô trược này mà hưởng quả đã gieo.

 

-ĐẢNH LỄ THƯỜNG TINH TẤN BỒ TÁT

Ngoài ra, một vị Bồ tát rất thân thương đối với người tu Pháp Hoa, đó là ngài Thường Tinh Tấn. Trong ba mươi bảy Trợ đạo phẩm, ngài có nguyện chuyên tu Tứ Chánh cần. Ngài làm công việc duy nhất là kiểm tra chính bản thân để thanh lọc hai phần thiện ác. Đem điều thánh thiện vô lòng và thể hiện trong cuộc sống, loại bỏ điều ác xấu khỏi thân tâm.

Trong vô số kiếp quá khứ, Thường Tinh Tấn Bồ tát đã trải thân chịu cam khổ thực hành pháp tu này và phát nguyện tận vị lai kiếp hành Bồ tát đạo để trả ơn Phật bằng cách đem pháp môn mà ngài tu có kết quả để khai ngộ cho người noi theo tu hành.

Hòa thượng Niwano cũng dạy áp dụng pháp tu này bằng cách khi làm được một điều tốt thì đánh dấu bằng một hột đậu trắng. Làm điều xấu thì đánh dấu bằng một hột đậu đen. Cuối tháng kiểm lại xem thường thấy niệm ác nhiều hơn niệm thiện.

Biết như vậy, chúng ta cố gắng siêng tu, nếu ác tâm nổi lên, cần đoạn ngay, không cho phát triển và phải chân thành sám hối. Ý thức sâu sắc điều này và khởi tu từ đó mới có hy vọng đắc đạo. Theo tôi, cuộc đời là tấm gương cho chúng ta soi bóng, tội lỗi nhiều thì người khinh chê, có phước đức thì người kính trọng. Vì vậy, bị khinh chê, chúng ta cần nỗ lực siêng tu hơn. Tôi thường nhớ lời cố Hòa thượng Thiện Hoa dạy mà lấy đó làm tư lương phát huy đạo nghiệp. Ngài nhắc nhở rằng nhờ có nhiều người bài báng, chúng ta mới ra công tu hành.

Kính lễ Thường Tinh Tấn Bồ tát, chúng ta càng cố gắng vượt khó, cương quyết loại bỏ tâm xấu ác và việc làm xấu ác, siêng năng phát triển tâm tốt lành và việc làm tốt lành; đó là hạnh Bồ tát kết thành quả vị Như Lai.

 

-ĐẢNH LỄ NGUYỆT QUANG BỒ TÁT

Trang bị Bi Trí Dũng của Bồ tát Văn Thù, Quan Âm và Đắc Đại Thế, theo gương của Thường Tinh Tấn, chúng ta vào đời bắt gặp được sự hiện hữu dễ thương của Bồ tát Nguyệt Quang. Ngài không bao giờ nổi nóng, luôn bình tĩnh, nhẹ nhàng làm dịu mát chúng ta trước những oi bức của cuộc đời.

 

-ĐẢNH LỄ PHỔ HIỀN BỒ TÁT

Cuối cùng, chúng ta đảnh lễ Phổ Hiền Bồ tát là vị tiêu biểu cho uy đức vô cùng cực. Thiết nghĩ việc làm muốn thành tựu, ta phải có uy đức. Có đức hạnh, người dễ cảm mến ta; nhưng gần gũi thường, chúng sanh cũng dễ lờn mặt. Không có uy thì khó điều được người.

Phổ Hiền Bồ tát có nguyện rất dễ thương, ngài đến để ngăn chặn ma và bảo vệ người tu. Khi nào chúng ta làm điều tốt, Phổ Hiền trợ lực gia bị. Nhưng làm việc trái đạo, ta bị lương tâm hành hạ, có thể hiểu đó là uy đức của Phổ Hiền tác động đến ta.

Trên bước đường tu, chúng ta nhìn vô tấm gương đời mà tự sửa mình cho tốt. Tuy nhiên, bên cạnh thực tế phũ phàng đắng cay, chúng ta còn có hình ảnh Phật và vô số Bồ tát tuyệt vời. Đó là nơi trú ngụ an lành nhất, ấm áp nhất; vì chỉ có tình thương bao la vô bờ bến và trí tuệ sáng ngời của các Ngài mới có khả năng an ủi, vỗ về và đẩy mạnh bước tiến đạo hạnh của chúng ta trên năm trăm do tuần đường hiểm.

Tóm lại, kính lễ chư vị Bồ tát nhằm nhắc nhở chúng ta công hạnh của các ngài để gieo trồng, nuôi dưỡng, phát huy đức hạnh của chính chúng ta. Thực hiện được bao nhiêu hạnh nguyện giống các ngài, chúng ta sẽ tiếp nhận được bấy nhiêu lực gia bị từ các ngài truyền đến. Từ đó, dễ dàng tăng trưởng Bồ đề tâm và phước đức trên con đường tu tạo Bồ tát hạnh.

 

2. ĐẢNH LỄ BỒ TÁT TÙNG ĐỊA DŨNG XUẤT

Sau khi tổng lễ nhị vạn, bát vạn, bát thập vạn ức na do tha Bồ tát lai thính Pháp Hoa kinh, nghĩa là liên kết với Bồ tát hữu hình, hữu danh trong khắp mười phương, chúng ta đảnh lễ Bồ tát ẩn danh vô hình gọi là Bồ tát Tùng địa dũng xuất.

Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật muốn giới thiệu Bồ tát cửu trụ ở Ta bà luôn luôn làm việc tốt một cách âm thầm lặng lẽ. Các ngài là Bồ tát từ quả hướng nhân đã đủ trí tuệ vô thượng và tâm từ bi, vì thương nhân gian mà các ngài hiện thân trên cuộc đời để giáo hóa chúng sanh; nhưng không bao giờ để lộ cho biết các ngài là người siêu việt. Thí dụ như Di Lặc hiện thân làm Tế Điên Hòa thượng. Người ta nghĩ rằng ngài điên; nhưng trước khi mất, ngài mới cho biết mình là hiện thân của Bồ tát Di Lặc và nói bài kệ. Nói xong, ngài thị tịch. Ngài được coi là Tổ của Duy Thức học, chuyên phân tích tâm con người và đưa ra pháp tu để gạn lọc tâm cho trong sạch đến mức hoàn toàn thì thành Phật. Bài kệ ấy như sau:

Tam điểm như tinh tượng

Hoành câu tợ nguyệt tà

Phi mao tùng thử đắc

Tố Phật giả do tha

Bài kệ nói về tâm của con người, viết theo chữ Hán có ba điểm như ngôi sao, hình móc câu như mặt trăng. Trở thành loài thú mang lông đội sừng, hay thành Phật cũng đều từ tâm mà tạo nên.

Hoặc Bồ tát Quan Âm hiện thân chịu nhiều đau khổ đắng cay, nhưng vẫn nhẫn nhịn tu hành cho đến ngày hoàn thành mục tiêu giáo hóa. Ngài ra đi rồi, ta mới biết người có tình thương cao cả đó là Bồ tát Quan Âm.

Nói chung, tất cả Bồ tát vì cứu khổ chúng sanh mà hiện thân trên cuộc đời, sống bình thường như chúng ta, nhưng việc làm của các ngài thì thật là phi thường. Khi từ giã cõi đời, các ngài để lại dấu ấn của những bậc siêu phàm, chúng ta mới nhận ra các ngài là Bồ tát. Pháp Hoa gọi đó là Bồ tát Tùng địa dũng xuất là Bồ tát từ đất trồi lên.

Đối với hành giả Pháp Hoa, nhận được sự mật tá của Bồ tát Tùng địa dũng xuất, việc hành đạo trở thành đơn giản, không cần tính toán. Thiết nghĩ nếu là việc do Phật bổ xứ, Giáo hội giao trách nhiệm, Bồ tát mật tá oai linh, chúng ta hết lòng làm thì việc khó cũng hóa thành dễ, việc nguy hiểm cũng thành an lành.

Bồ tát Tùng địa dũng xuất đông vô số có đến lục vạn hằng hà sa, trong đó dẫn đầu có bốn vị là Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh và An Lập Hạnh. Bốn vị thượng thủ này rất quan trọng mang bốn đức tính của thường trú Pháp thân.

Kính lễ bốn vị Bồ tát thượng thủ, chúng ta phải tu bồi bốn đức giống các ngài. Không thể hiện bốn đức ấy trong cuộc sống, lễ lạy suông cũng vô ích.

 

ĐẢNH LỄ THƯỢNG HẠNH BỒ TÁT

Bồ tát Thượng Hạnh đồng với Pháp Thượng Bồ tát trong kinh Bảo Tích có khả năng giáo hóa cao tột, làm được những việc cao quý mà người thường không vói tới được. Kính lễ ngài, chúng ta phải lập chí hướng thượng, không an phận với cuộc sống thấp hèn, nỗ lực phát triển tri thức và đạo đức cho đến ngày thành Phật.

Nuôi chí và lập hạnh như vậy tương ưng với Bồ tát Thượng Hạnh và chư Phật mười phương, chắc chắn nhận được lực gia bị của các ngài. Dù biết các ngài hộ niệm, chúng ta cũng không ỷ lại, chỉ lo gắng sức phát triển tự thân. Bấy giờ không van xin, mà các ngài vẫn giúp cho chúng ta tăng trưởng đạo lực.

Trái lại, cầu khẩn đến đâu chăng nữa, Bồ tát lực và Phật lực cũng không bao giờ đến với người có tánh hèn mọn, thích nhờ vả. Người Nhật học kinh Pháp Hoa chịu ảnh hưởng tinh thần Thượng Hạnh Bồ tát, nên thường chỉ giúp đỡ người có chí phấn đấu vượt khó, không nuôi người ăn hại.

 

ĐẢNH LỄ VÔ BIÊN HẠNH BỒ TÁT

Vô Biên Hạnh Bồ tát hay Bồ tát đa hạnh mới có thể giáo hóa được chúng sanh với căn tánh hành nghiệp khác nhau. Thể hiện tinh thần vô biên hạnh, tức hạnh hằng thuận chúng sanh của Phổ Hiền Bồ tát, Phật giáo truyền sang Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan … đều được chư vị Tổ sư sinh hoạt theo những mô hình khác nhau, phù hợp với dân tộc tính nơi đó. Nhờ vậy, đạo pháp tồn tại và hưng thịnh lâu dài. Vì vậy, áp dụng mô hình cố định, không thay đổi, không phù hợp với thực tế cuộc sống hiện tại chính là đưa Phật giáo đến chỗ diệt vong.

Chúng ta cầu vị Bồ tát này gia bị, nghĩa là cố gắng đa dạng hóa khả năng của mình. Đừng để lạc vào khung cứng nhắc, cố định, không thể phát triển công đức.

 

ĐẢNH LỄ TỊNH HẠNH BỒ TÁT

Tịnh Hạnh là hạnh trong sạch, từ việc làm đến tâm tư, tình cảm hoàn toàn thánh thiện. Kính lễ Bồ tát Tịnh Hạnh trên bước đường tu, dù làm việc lớn hay nhỏ, làm ít hay nhiều, chúng ta luôn luôn giữ tâm bình ổn, trong sạch.

 

ĐẢNH LỄ AN LẠC HẠNH BỒ TÁT

Cuối cùng, chúng ta nối gót theo An Lập Hạnh Bồ tát, nghĩa là đứng đúng vị trí, trụ vững chắc, không bị khuynh đảo, tức sống hài hòa với mọi hoàn cảnh, mọi người, nhưng không bị người chi phối, không bị hoàn cảnh cuốn trôi. Muôn đời tư chất của người đệ tử Phật không thay đổi. Vào đời, chúng ta thấy người đòi hỏi nhiều thì biết họ không phải là Bồ tát, không nên gần gũi họ. Người mà hoàn cảnh nào cũng an vui, chúng ta có thể kết thân được.

Trên bước đường hành đạo, chúng ta có những người thuộc bốn loại hình này hợp tác, nhất định thành công. Bốn thượng thủ Bồ tát Tùng địa dũng xuất dẫn đạo cho sáu muôn hằng hà sa Bồ tát. Điều này có thể hiểu là nếu chúng ta sống với bốn đức tánh của bốn vị Bồ tát thượng thủ thì sẽ luôn luôn có người ở khắp mọi nơi đến làm quyến thuộc. Họ xuất hiện từ đủ giai cấp trong xã hội, nhưng ở thành phần nào, cũng là người tốt nhất đến với chúng ta.

Đảnh lễ bốn vị Bồ tát này để cầu được gia hộ, nghĩa là chúng ta hành đạo theo bốn phương thức của các ngài chỉ giáo, thì mọi việc tự thành tựu tốt đẹp, ngoài sức hiểu biết thông thường.

 

TỔNG LỄ BỒ TÁT TÙNG ĐỊA DŨNG XUẤT

Ngoài bốn vị Bồ tát thượng thủ, chúng ta tổng lễ nhị vạn, bát vạn, bát thập vạn ức na do tha Bồ tát Tùng địa dũng xuất đã thọ nhận lời di chúc của Phật Thích Ca truyền bá kinh Pháp Hoa sau Phật diệt độ ở cõi Ta bà, nhằm tạo thắng duyên và nhận được lực gia bị nơi các ngài.

 

3.TỔNG LỄ THÁNH HIỀN BỒ TÁT

Kế đến, chúng ta tổng lễ các vị Thánh hiền Bồ tát trong hội Pháp Hoa. Đức Phật thuyết pháp hơn ba trăm hội, nhưng chúng ta lấy quyến thuộc Pháp Hoa ở núi Linh Thứu làm chính, vì đồng hạnh nguyện thì dễ tu chung hơn.

ĐẢNH LỄ NGÀI A NAN VÀ CÁC VỊ ĐẠI THÁNH TĂNG

Tiếp theo lạy ngài A Nan và mười hai ngàn vị đại Thánh Tăng. Các ngài là đối tượng cho Phật Thích Ca nói kinh Pháp Hoa ở núi Linh Thứu. Mười hai ngàn vị này tiêu biểu cho Thập nhị xứ, tức sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Nói chung, đó là tất cả sự hiểu biết của chúng ta trên cuộc đời.

Đảnh lễ các ngài, thầm ghi nhận công lao của các ngài đã đóng góp cho Phật pháp, nhất là đối với ngài A Nan đã trùng tuyên kinh điển. Nhờ đó, chúng ta mới có chỗ nương thân và tiến bước tu tập.