Trí Quảng Toàn Tập - Quyển VI HT THÍCH TRÍ QUẢNG
Chúng ta tán thán Phật có độ cảm rồi, bắt đầu lạy Phật. Pháp tu lạy Phật giúp thân tâm thanh tịnh, rất cần cho chúng ta ở đời sau. Thật vậy, hàng thượng căn thượng trí vào đạo bằng cửa pháp, cửa tâm. Người thấp hơn một nấc nghe Phật nói thí dụ hay điều tương ưng với họ, liền liễu ngộ, tự điều chỉnh tâm ý trở thành thanh tịnh.
Hạng người thứ ba không có khả năng chứng ngộ lời Phật dạy, cần lạy Phật, sám hối để tiêu nghiệp và thấy đạo. Từ thuở nhỏ xuất gia, tôi siêng năng hành trì pháp lễ Phật, nhận được nhiều lợi lạc. Vì nghiệp chướng của chúng ta sâu nặng, thì thân cận người làm họ khó chịu, nghi ngờ; như vậy, ác nghiệp của ta càng dễ sanh ra, thì dù chúng ta cố gắng lo cho họ, họ cũng không cần. Theo tôi, chúng ta không cần chiều họ, vì vô ích; nên để tâm hướng đến Phật, đến Bồ tát thì tốt hơn. Các Ngài có tâm đại bi, thương chúng sanh vô điều kiện; người trần gian không thể có tâm đó. Những vị chân tu đắc đạo đã vượt ngoài tám tướng sai biệt, đầy đủ khả năng lăn xả vào đời để cứu độ người nhiều nghiệp chướng.
Chúng ta lạy Phật, Bồ tát, hướng tâm đến các Ngài, cầu gia bị, tâm cũng tự thanh tịnh lần. Kinh nghiệm tôi trên bước đường tu, lúc nhỏ thường bệnh hoạn, ốm yếu, người nhìn thấy nghi ngờ tôi ho lao. Tuy nhiên, tôi hết lòng lạy Phật, gần Ngài, Ngài không chê. Nói đúng hơn, lòng tôi thích nghĩ đến Phật hơn là nhớ đến người trần thế, nên cũng không muốn gần họ. Lúc đó, tuy mang thân nghiệp, nhưng tâm thông được với Phật, tôi có cảm giác hơn người thế tục; vì bỏ xác thân này, tôi còn biết đường đi về với Phật. Nhờ không quan tâm đến chúng sanh, lo tu cho chính mình, trải qua thời gian dài, độ cảm tâm với Phật cao, nên phiền não thế gian không tác hại mình. Từ đó, nghiệp tiêu, tâm hoan hỷ sanh, tướng hảo hiện.
Bước đầu lạy Phật, mệt đẫm mồ hôi là biết nghiệp ta nặng. Dần dần nghiệp tiêu, hôi dơ cũng mất, không còn đổ mồ hôi. Và tiến hơn nữa, lạy Phật không cảm thấy mệt mỏi, nhưng cảm thấy vui. Cho đến không lạy Phật thì có cảm giác như thiếu hụt, mất mát. Điều này chứng tỏ nghiệp ác đã giảm và căn lành tăng trưởng. Đạt được thành quả ấy, người xem thường chúng ta bắt đầu để ý, tìm hiểu về ta. Tuy nhiên, khi căn lành sanh, phải cố gắng nuôi dưỡng nó. Nếu không, căn lành sẽ ốm bệnh, chúng ta sẽ trở thành nhất xiển đề, không tu được. Thực tế cho thấy nhiều người tinh tấn một thời gian, sau lại trở nên xấu ác; vì họ đã để cho căn lành chết mất.
Mỗi ngày siêng năng lạy Phật, tụng kinh và suy nghĩ lời Phật dạy, ứng dụng trong cuộc sống, căn lành sẽ lớn dần theo thành quả tu hành của chúng ta và sẽ tác động cho người sanh thiện cảm với ta. Trên bước đường tu, đến đây, nhiều người thường dễ bị hư. Bước đầu, không được ai ngó ngàng, dễ tu; nhưng hảo tướng sanh thì ở đâu cũng mời thỉnh. Chúng ta phải quán sát căn lành của mình có đủ sức thuyết phục bạn ác hay không. Nếu căn lành của ta nhỏ, mà nghiệp của người thì lớn, họ sẽ dập chúng ta chết, ví như cây mới lớn, phải coi chừng nhổ cỏ dại. Chúng ta tiếp xúc với người, lòng vẫn an nhiên, mới nên tiếp tục giúp họ để căn lành của họ và ta cùng tăng trưởng. Nhưng căn lành của ta không ngăn chặn được nghiệp ác của người, thì coi chừng ta bị họ độ ngược lại.
Bước đầu tu phải dè dặt, chỉ giúp đỡ người đến mức độ nào mà ta có thể kiểm soát được. Vì vậy, khi căn lành còn nhỏ thì chỉ nên giao thiệp với người tốt. Vượt quá sức, chúng ta bị hại, tức phạm sai lầm rồi, người xem thường, chà đạp, chắc chắn chúng ta khó tiến tu; chỉ còn cách lạy Phật, sám hối, hướng về Phật, Bồ tát để tu lại. Tất nhiên là phải cực khổ hơn giai đoạn một, lúc ta bắt đầu phát tâm. Âm thầm nỗ lực sám hối đến khi người không thấy ta xấu, mới trở lại tu chung với đại chúng được.
Chúng ta tán thán Phật, tạo được độ cảm rồi, đầu tiên lạy Tam bảo; vì Phật dạy muốn tu phải quy y Tam bảo, dù xuất gia hay tại gia. Ở đây chúng ta hướng về mười phương Tam bảo mà quy y:
"Nam mô quy y thập phương tận hư không giới nhứt thiết chư Phật.
Nam mô quy y thập phương tận hư không giới nhứt thiết tôn pháp.
Nam mô quy y thập phương tận hư không giới nhứt thiết Hiền thánh Tăng”.
Thực tế chúng ta tu dễ cảm điều này. Ở thế giới Ta bà toàn là chuyện phiền muộn, dễ chán, nên không để tâm. Bắt đầu tu hành, phải gá tâm ở Tịnh độ mười phương. Chỗ nào có Tịnh độ, chúng ta theo. Chỗ nào Ta bà, chúng ta rời bỏ. Mang tâm niệm tầm đạo, tầm tri thức mười phương, nghĩa là đặt niềm tin ở thế giới an lành.
"Nam mô quy y thập phương tận hư không giới nhứt thiết chư Phật”.
Khởi điểm, chúng ta tình nguyện đi theo Phật ứng hóa thân trên cuộc đời này. Thấy Phật ứng hóa thân chỗ nào, hiện trong các loài, mang các thân hình thuyết pháp mà chúng ta thấy biết được, thì cũng đến bằng tất cả lòng mình, dù Phật ở chân trời góc biển nào. Vì vậy, quy y Phật không có ý nghĩ ở chùa, nhưng bất cứ chỗ nào có Phật, chúng ta cũng tới, không nề gian nguy khổ cực.
Chúng ta tới với Phật bằng thân hay tâm. Tuy nhiên, vì sanh vào lúc không có Phật trên cuộc đời này, nên chỉ có thể đến với Phật bằng tâm hay Thức. Đứng yên, hướng tâm về nơi xa xăm, bằng lòng thành đó, chúng ta quy y với Phật mới thấy được Ngài. Có bao nhiêu Phật trong mười phương, chúng ta có bấy nhiêu tâm thức để lễ lạy. Tôi lễ Phật theo cách này, nên thường quên hết tất cả việc bên ngoài. Quan trọng là tâm thức tôi nở bung Pháp giới và Phật xuất hiện trong đó để tôi đảnh lễ. Bằng thần thức lễ Phật, nghĩa là mỗi ngày đọc kinh, biết được việc làm của mười phương Phật, thần thức tiếp thu đưa vào A lại da thức. Bất giác một hôm, chúng ta ngủ quên, thì A lại da mở cửa cho Phật đó hiện ra.
Sơ tâm tu, phải luôn sống với Phật, hướng về chân lý và để tâm đến tam thừa tứ quả giải thoát Tăng. Đừng hướng đến nghiệp Tăng, ác Tăng, họ sẽ truyền cho chúng ta phiền não, nghiệp chướng, trần lao.
Quy y thập phương Hiền thánh Tăng gồm Hiền thánh Tăng của nhị thừa và Bồ tát thừa. Hiền vị của nhị thừa là người đắc từ sơ quả đến tam quả và hàng A la hán là Thánh vị. Tam hiền của Bồ tát thừa thuộc hàng thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng. Hàng Thánh vị của Bồ tát thừa từ sơ địa đến thập địa.
Khi xướng lên câu: Nam mô quy y thập phương tận hư không giới nhứt thiết Hiền thánh Tăng, chúng ta cảm nhận rằng nhờ nương theo Hiền thánh Tăng và dùng giải thoát tri kiến hương, nên thấy được đồng một lúc mười phương Phật.
Tận hư không giới mười phương có bao nhiêu Đức Phật hiện ra, ta đều đảnh lễ. Trên lộ trình tu tập, tùy theo mức độ hành trì mà thấy tận hư không giới mỗi ngày một khác. Dưới tầm mắt của A la hán, thấy được bảy mươi lăm ức Phật độ. Qua tận hư không giới của Bồ tát cộng thêm bảy mươi sáu ức Phật độ và đến tam kỳ quả mãn, phần tận hư không giới cộng thêm bảy mươi bảy ức Phật độ. Đó là mức độ thấy được tất cả Pháp giới. Hàng tam thừa tu lễ lạy cho đủ túc số này. Nhưng đặc biệt là theo Viên thừa, chỉ lạy Hồng danh mà thông được tất cả các pháp. Vì vậy, ngài Bất Không Tam tạng tán thán pháp Hồng danh sám hối là pháp cao tột.
Nhờ nương với Tam bảo mười phương, lạy ứng hóa thân Phật, Bồ tát và học giáo nghĩa của các Ngài lưu lại, tâm chúng ta từ từ an lành, trí tuệ sáng ra. Từ đó, nhìn ngược lại, mới nhận ra Tam bảo của Pháp Hoa, hay Phật thừa vượt lên sanh diệt, thường hằng, miên viễn; chúng ta sung sướng niệm:
"Nam mô Tối thượng thừa Viên giáo Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”.
Bước đầu, niệm Phật, Pháp, Tăng; nhưng nay tu Pháp Hoa, niệm ngược lại, Pháp trở thành chính, Phật là phụ; vì kinh Pháp Hoa là mẹ sanh ra các Đức Phật. Chư Phật đều do tu hành chánh pháp mới thành Phật; nên Pháp là chân lý có trước và Phật ra đời sau. Dù Phật nào cũng phải an trụ chân lý, vì rời bỏ chân lý thì không còn là Phật nữa.
Vì vậy, trước tiên chúng ta quy y pháp là Tối thượng thừa Viên giáo Diệu Pháp Liên Hoa Kinh chỉ cho chân lý khác với pháp phương tiện. Pháp đó cao tột dung thông được tất cả pháp. Trên tinh thần hành trì được pháp viên dung vô ngại, hành giả đến với người tu các pháp khác như tham Thiền, trì chú, niệm Phật, Khất sĩ, Nam tông …, chúng ta được họ chấp nhận và trở thành người xuất sắc nhất. Trái lại, nếu đến với người mà bị đánh đuổi, thì không phải là hành giả Pháp Hoa.
Tu Pháp Hoa phải kết hợp được Diệu Pháp và Liên Hoa; nghĩa là bên trong đầy đủ chân thật pháp bất biến và bên ngoài tùy duyên làm lợi ích cho cuộc đời. Ai cần, ta sẵn lòng giúp; nhưng xong việc thì ta vẫn là ta. Ta không là của ai, nhưng là của tất cả.
Khi nhận ra được Pháp Hoa là mẹ của các Đức Phật, chúng ta quyết tâm tu theo Diệu Pháp, tìm thấy được trong phẩm Như Lai Thọ Lượng, Đức Phật khẳng định rằng Ngài thành Phật từ vô lượng kiếp trước, kinh diễn tả bằng con số ngũ bách ức trần điểm, không phải mới thành Phật. Đức Phật đã thành Vô thượng Chánh đẳng giác từ lâu xa, đó là Báo thân Lô Xá Na. Từ Phật Báo thân viên mãn Lô Xá Na mới hiện ra trăm ngàn muôn ức ứng hóa thân để giáo hóa chúng sanh và Phật Thích Ca là một hiện thân trong loài người.
Nhờ có sự hiện hữu của Đức Phật Thích Ca trên cuộc đời này, chúng ta nương theo hình bóng của Ngài mà tìm được Đức Phật cửu viễn Lô Xá Na kết hợp đầy đủ bằng phước đức và trí tuệ.
Chính vì cốt lõi bên trong của Phật Thích Ca là Báo thân viên mãn, nên hiện đời mang sanh thân như mọi người, nhưng Đức Phật Thích Ca tiêu biểu cho mẫu người hành Viên giáo, dung được và tổng hợp được tất cả các pháp, không vướng mắc pháp nào. Ngài hiện hữu sáng ngời trên cuộc đời, từ trẻ già, giàu nghèo, khôn dại, đều tôn Ngài là bậc Thầy, là đấng cha lành. Tâm Phật hàm chứa pháp tối thượng viên dung vô ngại và hiện ra bên ngoài ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp và cuộc sống cao thượng thể hiện đầy đủ Diệu Pháp Liên Hoa.
Thấy được Đức Phật là bậc sáng suốt nhất, cao cả nhất, phước đức nhất, dung thông tất cả; chúng ta sung sướng đảnh lễ:
"Nam mô Cửu viễn thật thành đại ân giáo chủ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” .
Đó là Đức Phật bất sanh bất diệt thành Phật từ lâu xa, không phải mới thành. Cả một công phu hành Bồ tát đạo của Phật trong quá khứ không đơn giản. Nhờ vậy, đời này Ngài hiện thân lại, thông minh xuất chúng, văn võ song toàn, mới 12 tuổi mà giỏi đến độ không Thầy nào có khả năng dạy Ngài được.
Ngài thành Phật từ ngũ bách ức trần kiếp ở thế giới Thường Tịch Quang, không ai có thể xâm phạm. Vì thương nhân gian, Đức Phật phải mang thân ngũ ấm Thích Ca Mâu Ni, để dìu dắt chúng ta trở về với cuộc sống vĩnh hằng an lạc như Ngài. Cảm nhận sâu sắc lòng từ của Phật như vậy, chúng ta mang cùng tâm trạng với Xá Lợi Phất ở hội Pháp Hoa, mà rơi lệ bạch rằng tu hành theo ngoại đạo thiệt khổ sở, nhưng khổ rồi vẫn hoàn khổ. May nhờ Phật mở lối đưa đường, trong chớp mắt đạt quả vị A la hán. Ơn lớn của Thế Tôn dù có dùng đầu đội, vai mang trong vô số kiếp cũng không đền đáp được.
Chúng ta dùng tâm kiên cố ấy mà đảnh lễ quy y với Đức Phật cửu viễn có tâm Kim cang bất hoại và thầm cảm ơn Ngài đã khai mở chân lý. Sau đó, chúng ta lạy:
Nam mô Pháp Hoa kinh chứng tín thị hiện Đa Bảo Như Lai, tiêu biểu cho Tăng bảo của Pháp Hoa.
Trước chúng ta lạy Hiền thánh Tăng là người thay Phật giáo hóa chúng sanh. Nay Tăng của Bổn môn Pháp Hoa chỉ cho Đức Đa Bảo Như Lai là vị Phật quá khứ hiện thân lại nghe Phật Thích Ca thuyết pháp mới có chân lý, vì chân lý chỉ phô bày khi người nói và người nghe đồng đẳng, thông nhau.
Phật Thích Ca nói không lời và Đa Bảo nghe không tiếng. Hai tâm của Đa Bảo và Thích Ca thống nhất thành một, thể hiện Tam bảo của Pháp Hoa có một. Thật vậy, mặc dù chia Tam bảo thành ba là Pháp thân tiêu biểu bằng Diệu Pháp, Phật tiêu biểu bằng Đức cửu viễn thật thành Thích Ca Mâu Ni và Tăng là Đa Bảo. Nhưng ba phần này hợp thành một; vì Đức Thích Ca thành Phật do ngộ pháp và Ngài từ chân lý hiện thân trên cuộc đời vận dụng pháp, nói pháp cho người. Ai nghe, tu hành, ngộ được bản nguyên, trở về chân lý.
Trên tinh thần ấy, lạy kinh Pháp Hoa, lạy Phật cửu viễn thật thành Bổn sư Thích Ca Mâu Ni và Phật Đa Bảo nhằm mở ra cho chúng ta hiểu biết như vậy và đánh thức Phật tâm bên trong của chúng ta. Vì vậy, tu bên ngoài nhưng không tỉnh thức bên trong chỉ là muốn nấu cát thành cơm. Chúng ta thấy nhiều người càng tu càng dữ, càng khờ, vì phạm sai lầm này. Với cách tu đánh thức bên trong bằng cách đem Phật, Pháp, Tăng vào lòng, lâu ngày, ba điều quý báu này tự hiện ra trong cuộc sống chúng ta. Bổn môn Pháp Hoa diễn tả rằng tâm họ là Thiền, thân làm giống Phật, lời nói là pháp.
Đức Phật sanh tiền thuyết pháp làm an vui cho người; chúng ta từng bước cũng làm như vậy mới đắc đạo. Tâm là Thiền chỉ cho tâm yên tĩnh đến mức độ trần duyên không khuấy động được. Tâm thanh tịnh, trong suốt, hòa hợp, không chống trái, được tiêu biểu qua hình ảnh Tăng già. Trên bước đường tu, lần lần phát triển yên tĩnh, sáng suốt ngay trong lòng mình, mặc cho cuộc đời làm gì cũng được; đừng để tâm ta dao động. Tu như vậy, nên khi bị ai làm phiền, tôi sợ và phục họ. Trái lại, bị khuấy phá, tôi không khởi niệm tức giận, tôi sung sướng vì tự biết mình đã gần được Phật.
Người được bản tâm thanh tịnh rồi, việc làm và lời nói của họ đều là chân lý. Người chưa đắc đạo, dù có nói chân lý, cũng thành tà pháp. Điều này dễ nhận ra trên thực tế, chúng ta thấy người tốt nói gì cũng tốt. Người không có đạo đức, dù có trau chuốt lời hoa mỹ, cũng chẳng ai tin được. Quan trọng ở hành động và tâm của chúng ta. Chính vì vậy, có khi Thầy rầy mắng chúng ta, nhưng đó là lời đạo đức; còn người nịnh mà chúng ta vẫn thấy đó là lời phi đạo đức. Thuở nhỏ học với Hòa thượng Trí Tịnh, tôi luôn nhớ ngài dạy rằng nghe người khen, phải tự xét lại mình, nên từ chối lời khen hay cố gắng vươn lên cho được như vậy.
Chúng ta nương theo Tam bảo, thấy Phật Đa Bảo từ quá khứ hiện thân trong suốt, Phật Thích Ca là đấng Vô thượng Năng nhơn và lời Phật nói nhằm khai thị nhất thừa. Từ đó, chúng ta cũng đánh thức cái sáng suốt, cái Vô thượng Năng nhơn và điều chỉnh lời nói, cuộc sống của chúng ta. Trên căn bản đó, chúng ta càng thu ngắn khoảng cách giữa thế giới xa xăm của chư Phật và thế giới này gần lại bao nhiêu, thì càng dễ tiếp cận chân lý bấy nhiêu. Thu ngắn bằng cách nào. Theo tôi, khi phát nguyện đồng hạnh với Bồ tát nào sẽ được vị ấy gia hộ. Trở về thực tế, được một hạnh Bồ tát nào, sẽ có Bồ tát hữu hình, hay một số người tốt đến hợp tác, giúp đỡ và thương quý chúng ta. Làm được như vậy, chúng ta kéo Tịnh độ gần lại Ta bà; vì mang qua đây được một Bồ tát là đẩy lùi được một ác ma. Khi tu, ác ma còn đến quấy nhiễu, tự biết chúng ta còn cách xa đạo, chưa phải người trì kinh Diệu Pháp.
Theo tinh thần Pháp Hoa, Tịnh độ và Ta bà chỉ là hai mặt của một bàn tay. Khởi một niệm ác là Ta bà, một niệm thiện là Tịnh độ. Tịnh độ của Pháp Hoa nằm trong tâm chúng ta.
Tóm lại, đi trên lộ trình tu hành, quy y theo Bổn môn Pháp Hoa, Đức Đạo sư dẫn chúng ta nhập môn qua cửa Tam bảo mười phương, mở ra chân trời an lạc. Có được hành trang quý báu ấy, chúng ta tiến lên thâm nhập thế giới Pháp Hoa, kính lễ Đức Phật hằng hữu miên viễn bất sanh bất diệt và Đức Đa Bảo Như Lai.
Mong rằng Tăng Ni, Phật tử luôn nhiếp tâm an trụ trong Diệu Pháp, thân luôn hiện hữu tươi đẹp, lợi ích cho cuộc đời, ngõ hầu báo đáp công ơn muôn một của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật.