cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển VI HT THÍCH TRÍ QUẢNG


Sách / Trí Quảng Toàn Tập - Quyển VI / Hồi hướng

Lần nghe: 145.170

Trên bước đường tu, hai phần phát nguyện và hồi hướng tuy không phải chính yếu, nhưng cũng rất quan trọng. Phát nguyện nhằm nói lên ý chí quyết tâm làm việc gì và khi đã đạt được mục tiêu, chúng ta sử dụng thành quả ấy để làm gì, gọi là hồi hướng.

Kết thúc Bổn môn, chúng ta tụng bài hồi hướng như sau:

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo.

Bài này rút từ bài kệ hồi hướng của Đại Phạm Thiên vương trong phẩm thứ bảy, kinh Pháp Hoa. Theo đó, bao nhiêu công đức của Đại Phạm Thiên vương tạo được do thỉnh Phật thuyết pháp, nghe pháp, tu hành, Đại Phạm đều hồi hướng cho ông và chúng sanh đều thành Phật.

Đại Phạm Thiên vương tiêu biểu cho quyền uy bậc nhất ở thế giới Ta bà. Tuy nhiên, ông cũng rất khổ sở với việc giữ của, chăn dân ở Ta bà. Vì đúng như tên gọi Ta bà, nơi có đủ thứ rắc rối, phiền toái, mà bắt buộc phải sống chung với nhau, tất yếu không thể bình ổn và phải lãnh đạo những người khó chịu, ích kỷ, đòi hỏi nhiều, nhưng đóng góp chẳng là bao. Tất cả bao vây, bức ngặt Đại Phạm, khiến ông lo sợ. Chỉ còn cách nhờ Đức Phật giải quyết, bởi lẽ tâm Phật truyền thông qua tâm chúng sanh, mới giáo hóa được.

Thực tế, chúng ta dễ nhận ra ý này. Gặp được vị chân tu đạo đức, giải thoát, tâm chúng ta tự nhiên thanh thản theo, trí sáng ra, thấy được đáp số cho mọi vướng mắc của cuộc sống. Đại Phạm Thiên vương đến cầu Đức Phật Đại Thông Trí Thắng cũng nói lên nghĩa này. Ông thỉnh Phật thuyết pháp, tức khai ngộ cho người thấy đúng, thì không còn vấn đề, ông điều hành việc nước mới dễ dàng. Trái lại, dân thấy ông bóc lột họ và ông coi họ như kẻ phá hoại, hiểu nhau dưới dạng tranh chấp như vậy thì khổ lắm.

Đức Phật khuyên Đại Phạm hay nói với chúng ta rằng trên bước đường thể nghiệm Pháp Hoa, chúng ta đừng đính chánh khi bị người hiểu lầm. Làm cho họ hiểu đúng bằng cách của Phật Đại Thông Trí Thắng là ngồi yên mười kiếp; bấy giờ, mười phương thế giới đều tự thông. Nói cách khác, chuyên nỗ lực tu hành, hết nghiệp, thì tất cả các loài đều thấy chúng ta tốt, đúng.

Tôi có kinh nghiệm trong pháp tu này. Thuở nhỏ, muốn làm cho cha mẹ, thầy bạn hiểu mình, nhưng chẳng được. Muốn tốt với người, nhưng họ không thương, cũng khổ. Cuối cùng, tôi tâm niệm chỉ cần Phật hiểu, nghĩa là gia công tu, đạt kết quả, đúng theo pháp hồi hướng, không giải thích, mà tự động một, hai người cho đến nhiều người hiểu tôi, cầu học với tôi, cùng chung xây dựng cảnh giới an vui.

Chúng ta tụng bài hồi hướng của Đại Phạm Thiên vương với ước mơ sao cho chúng sanh hiểu ta như Phật hiểu và chúng ta cũng hiểu họ như Phật hiểu. Từ ước mơ lý tưởng ấy cộng với công phu tu tập pháp này lâu ngày, dần dần sẽ thâm nhập đạo tràng vô tướng hay tu dưới dạng Bổn môn, mọi người đều hiểu nhau. Trái lại, nghi kỵ, chống nhau, không thể đạt đến quả vị Phật.

Tất cả hiểu nhau qua tuệ giác Như Lai, tức đạt đến sáng suốt hoàn toàn, tạo thành thế giới an bình vĩnh cửu, đó là ý nghĩa câu: "Đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo”.

 

Sau đó, chúng ta tụng TAM TỰ QUY Y:

Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh, thể theo đạo cả, phát lòng Vô thượng.

Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thâm nhập kinh tạng, trí huệ như biển.

Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, tất cả không ngại.

Nghĩa là tổng hợp tất cả công đức đã lễ Phật, sám hối, phát nguyện và hồi hướng để kết thành ngôi Tam bảo của tự tánh, không mượn quy y bên ngoài nữa.

Tam tự quy tức ba đức tròn đầy là tự tánh Tam bảo gồm có Bát nhã đức, Pháp thân đức và Giải thoát đức. Chúng ta trở về an trụ nơi bản tánh thanh tịnh rồi, cũng nguyện cho Pháp giới chúng sanh đều được quy y với ngôi Tam bảo vô tận này.

Đối với pháp tu của Hiển giáo, đến phần Tam tự quy y là kết thúc.