Trí Quảng Toàn Tập - Quyển VI HT THÍCH TRÍ QUẢNG
Tu Pháp Hoa không đặt nặng vấn đề văn tự, ngữ ngôn; nhưng chú trọng đến thọ trì cốt lõi của pháp để tiến tu có kết quả. Nghi thức thọ trì Bổn môn Pháp Hoa gồm năm phần là nguyện hương, lễ Phật, sám hối, phát nguyện và hồi hướng.
Trước tiên, chúng ta đảnh lễ Phật trong kinh Pháp Hoa nhằm mục tiêu trồng căn lành với các Ngài. Điều này cần thiết, vì Phật dạy rằng không có căn lành không thể thọ trì Pháp Hoa. Muốn trồng căn lành, phải thực hiện pháp lễ bái cung kính các Đức Phật, mang hình ảnh thánh thiện của Ngài vào tâm mình.
Tiến sang giai đoạn hai, ngoài việc kính lễ Phật, chúng ta cần tìm nghĩa lý sâu xa của kinh, xem Phật suy nghĩ như thế nào để hướng tư tưởng theo đó. Đây là pháp trồng căn lành ở Phật huệ.
Thực hành hai pháp này lâu ngày, thân tướng trở thành dễ thương và nhận thức sáng suốt giống Phật, tức nuôi lớn căn lành của chúng ta. Trên nền tảng đó, mới có tư cách thọ trì Pháp Hoa.
Sau cùng, chúng ta muốn đi theo lộ trình Pháp Hoa, tất yếu phải tu Bồ tát hạnh; vì Pháp Hoa là pháp tu của Bồ tát, làm việc cứu nhân độ thế, lợi ích cho đời.
Trong ba pháp tu trồng căn lành này, bước đầu từ thuở nhỏ, ngày nào tôi cũng lạy Phật, ít nhất 200 lạy. Tự nguyện lạy với tất cả tâm hoan hỷ và lòng thành kính, không phải bị bắt buộc. Trong khi các chú tiểu khác đi ngủ sau thời công phu khuya, tôi tiếp tục lễ Phật. Nhờ vậy, tinh thần thư thái, sáng suốt, nên lễ xong, tôi lại đọc kinh sách, dễ dàng nhận ra được ý Phật dạy.
Người có căn lành và sống với căn lành, tự nhiên tâm tánh khác với người mang nghiệp ác. Người ác thường có tâm niệm tranh chấp, muốn hưởng thụ, nhưng không chịu làm việc. Trái lại, người có căn lành tu Bồ tát pháp, phát tâm Bồ đề, bản thân họ không cần gì, chỉ thích làm lợi cho người. Riêng tôi, nhờ siêng năng lạy Phật, thọ trì lý kinh, nên phát triển căn lành thêm sâu dày tác dộng cho tôi vui thích công quả. Bất cứ tu ở chùa nào, tôi cũng tự mình tìm kiếm việc làm, không nề hà việc khó, việc khổ, không đợi sai biểu, bắt buộc mới làm.
Trong phần lễ Phật, tôi trích ra danh hiệu Phật, Bồ tát trong kinh Pháp Hoa. Chúng ta lễ lạy để liên hệ với các Ngài, học kinh nghiệm hành đạo của bậc tiền bối, ứng dụng vào cuộc sống hiện tại cho được lợi lạc.
Mở đầu, chúng ta quy y đảnh lễ Tam bảo mười phương và Tam bảo theo tinh thần Pháp Hoa, hành giả đảnh lễ ba đời mười phương các Đức Phật hiện thân trên cuộc đời giáo hóa chúng sanh. Với pháp tu này, ba đời mười phương Phật được thu lại trong một niệm tâm của chúng ta, nhưng khi mở ra, không đâu không đến được. Riêng tôi, 20 năm trước, chuyên thọ trì Hồng danh Pháp Hoa, nhận được sự an lành và niềm hoan hỷ vô cùng tận. Tôi cảm thấy giữa Phật và tôi có mối liên hệ gần gũi thân thương. Thiết nghĩ nhiều đời tôi đã từng thân cận, cúng dường các Ngài, nên đời này nhắc đến tên, thấy quen liền. Không có độ cảm này, tức không có nhân duyên với Phật, với kinh Pháp Hoa, thì tu hành khó có kết quả tốt đẹp.
Nghe danh hiệu Phật, nhận ra mối liên hệ thân quen và gợi nhớ xa thêm rằng các Ngài đã từng làm những việc thánh thiện gì. Nhớ lại công hạnh của Phật quá khứ, tất nhiên cũng nhớ đến quá khứ của ta mà cảm thấy xấu hổ; vì ta như thế nào mới ra nông nổi như thế này. Lạy Phật, so sánh như vậy, chắc chắn chúng ta hết lòng ăn năn, sửa đổi, tu hành.
Lễ Phật ba đời mười phương là cách lễ của người tu Đại thừa. Lễ Phật quá khứ là học kinh nghiệm tu đạt được kết quả hoàn hảo của các bậc tiền bối. Lễ Phật hiện tại là cầu thiện tri thức giúp đỡ và lễ Phật vị lai là tranh thủ người chống đối trở về với chúng ta. Như vậy, đảnh lễ ba đời mười phương Phật, chúng ta muốn tạo một thế giới hay một xã hội mà mọi người đều là Phật. Vì chúng ta đang sống trong thế giới đầy nghiệp chướng và phiền não, tràn ngập tranh giành, thù hận, sát hại nhau. Từ thế giới khổ đau này, chúng ta phát tâm Bồ đề, tu hành lần lần thăng hoa đời sống tâm linh, phát triển Phật huệ, thấy được mạng mạch hiện hữu liên tục của Phật quá khứ nối tiếp đến Phật hiện tại và Phật vị lai.
Kinh Pháp Hoa nêu lên mười vị Phật quá khứ. Nhìn về Phật quá khứ, tức nhìn những tấm gương sáng trong lịch sử. Đức Phật nhắc chúng ta nhân hạnh tu hành của các vị Phật quá khứ, như Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, Phật Oai Âm Vương, v.v… để chúng ta nương theo đó mà tự rèn luyện, sửa mình. Theo kinh nghiệm tu của riêng tôi, vị Phật nào tôi cảm thấy gần gũi nhất, thì lúc có sự cố gì trong cuộc sống tu hành, tôi nhớ ngay đến vị Phật đó và thấy công hạnh các Ngài hiện ra. Trên bước đường tu, chúng ta không cảm đức, không thấy nhân địa tu hành của Phật, chỉ lạy suông không thể có kết quả.
Kính lễ chư Phật quá khứ không còn hiện hữu trên cuộc đời, nghĩa là trân trọng cả một sự nghiệp trí tuệ của các Ngài để lại, làm gương sáng cho chúng ta noi theo.
1.ĐẢNH LỄ PHẬT OAI ÂM VƯƠNG
Mở đầu là Phật Oai Âm Vương. Theo Thiền tông, Oai Âm Vương là vị đầu tiên ngộ pháp thành Phật. Ở thời kỳ trước Ngài, không có Phật. (Oai Âm Vương Phật tiền, dĩ pháp ấn tâm)
Đối với hành giả Pháp Hoa, lạy Phật Oai Âm Vương là lạy hai muôn ức Phật tạo cho ta độ cảm đảnh lễ Đức Phật khởi thủy. Đức Phật quá khứ này dẫn đến hiện tại và mãi trong tương lai vẫn hiện hữu không mất. Điển hình như tiền thân của Phật Thích Ca là Thường Bất Khinh đã từng hành đạo Bồ tát trong thời tượng pháp của Phật Oai Âm Vương. Nhờ có đối tượng là các Tỳ kheo tăng thượng mạn đánh chửi, ném đá mà ngài chứng ngộ pháp, nghe được hai trăm muôn ức bài kệ Pháp Hoa của Phật Oai Âm Vương thuyết, lậu tâm được thanh tịnh và thấy thật tướng các pháp. Lúc trước, Thường Bất Khinh nói, họ đánh chửi, không nghe. Sau khi ngài ngộ chân lý, thấy những gì đáng nói, đáng làm, thì hàng tăng thượng mạn quay lại cầu học với ngài.
Oai Âm Vương nghĩa là lời nói có quyền uy cao nhất. Pháp của Oai Âm Vương tiêu biểu cho chân lý thể hiện dưới dạng quyền uy tuyệt đối, tức lời nói phải đúng chân lý, làm cho người được an vui, giải thoát.
Chúng ta lạy Phật Oai Âm Vương, hay học theo sự hiểu biết tuyệt đối của Ngài, từ đó phát ra lời nói xác thực, có giá trị. Lạy Phật Oai Âm Vương cũng khiến tôi nhớ đến lời dạy của Hòa thượng Trí Tịnh nhắc nhở: "Biết là nói được và còn phải biết thêm có nên nói hay không và nói ở đâu, nói với ai, nói lúc nào”. Nói không đúng lúc, không đúng đối tượng, hoặc bắt chước, lặp y lời người lớn, đều có thể chuốc họa và thân.
Tôi lạy Phật Oai Âm Vương hình dung sự hiểu biết tuyệt vời và lời nói có uy lực tuyệt đối của Ngài mà nhớ đến thân phận mình để cố gắng phát huy tự thân. Với phương cách lạy Phật, quán tưởng và thể nghiệm trong cuộc sống tu hành như vậy, tôi được Phật lực gia bị, dần dần lời nói cũng có giá trị được một số người tôn trọng, nghe theo.
2.ĐẢNH LỄ PHẬT NHẬT NGUYỆT ĐĂNG MINH
Tuy nhiên, để cho việc thấy đúng và lời nói có giá trị, kinh Pháp Hoa giới thiệu cho chúng ta học thêm với Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh. Khi lạy Ngài, chúng ta nhớ đến phẩm Tựa trong kinh Pháp Hoa, theo đó nghi thức nói pháp chân thật của các Đức Phật đều giống nhau. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi từ vô lượng kiếp trước mang tên là Diệu Quang đã thấy Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh hiện thần biến tướng trước khi nói kinh Pháp Hoa.
Lạy Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh là lạy hai vạn Phật đồng tên và đồng họ Phả La Đọa. Đức Phật này đã có trước khi Phật Thích Ca ra đời. Lạy Ngài để mong được ánh quang của Ngài soi rọi đến ta, để thu ngắn thời gian hành đạo và tiếp nhận được pháp chân thật.
Nhờ pháp tu này mà chỉ trong bốn mươi chín ngày, Nhật Liên Thánh nhân thấy được các Đức Phật quá khứ, nghe được pháp âm và được tôn danh là Thượng Hạnh Bồ tát
Hai vạn Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh tuần tự ra đời mang cùng tên nhằm chỉ chân lý hằng hữu, tức bất cứ Phật nào cũng phải giống nhau ở điểm Nhật, Nguyệt, Đăng và Minh.
Minh là ánh sáng. Nhật là mặt trời. Nguyệt là mặt trăng. Đăng là đèn. Nghĩa là Phật có ánh sáng trí tuệ, biết và làm được tất cả; nhưng Ngài tùy thời, tùy chỗ mà sử dụng trí tuệ khác nhau, cho nên phân ra có ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng và ánh sáng của đèn.
Nhật, Nguyệt, Đăng tiêu biểu cho ba thân Phật. Một Phật nhưng hình dung ra ba thân. Nói cách khác, một người muốn làm được việc phải có ba điều kiện, hay hằng hữu dưới ba dạng khác nhau, có lúc như mặt trời, lúc lại là mặt trăng, hay ngọn đèn.
Mặt trời chỉ cho Pháp thân Phật muôn đời không thay đổi. Trí tuệ tuyệt vời của Pháp thân Phật ví như ánh sáng mặt trời cực mạnh và cao nhất nắm bắt chân lý và vận dụng chân lý tự tại. Theo tinh thần này, trong thời Pháp Hoa, Đức Phật thuyết chân lý thì năm ngàn Tỳ kheo tăng thượng mạn bỏ đi, không nghe. Đức Phật khẳng định họ là cỏ rác, ra đi càng tốt. Các thời pháp trước, Phật không nói thẳng như vậy. Vì lòng từ bi muốn cho mọi người đến gần chân lý, nên Ngài phải sử dụng ánh sáng mát dịu hơn, không nóng gắt như ánh mặt trời. Ngài vỗ về, khuyến khích chúng ta tu và Ngài giáo hóa bằng cách lấy Ngài làm thí dụ để chúng ta noi theo tu hành. Ai bắt chước thực hành theo được Phật khen ngợi, không theo thì thôi. Ngài không nói thẳng lỗi, nhằm tránh chạm tự ái. Đức Phật đối với chúng ta tràn đầy lòng khoan dung như bà mẹ hiền đối với đứa con ngu dại.
Ánh sáng mặt trăng trong đêm dài sanh tử thỉnh thoảng lóe lên. Nơi nào có nước, dù nước đục hay trong, đều có trăng hiện vào. Cũng vậy, người nào có tâm hồn dịu hòa, ngay thật đều thấy Phật. Phật này là Phật Báo thân giáo hóa chúng sanh. Tuy nhiên, ở thế gian tìm được người ngay thật, dịu hòa không dễ. Ngoài ra, còn đòi hỏi tâm hồn chúng ta lắng yên hoàn toàn, mới tiếp nhận được Báo thân Phật soi sáng. Tâm vừa ngay thật, dịu hòa, vừa yên tĩnh. Điều này quá khó đối với chúng sanh đầy nghiệp chướng ở Ta bà, nên chúng ta không thể nào hiểu và thấy được Báo thân Phật. Từ đó, Phật muốn giáo hóa chúng ta, Ngài phải ứng hiện thân tứ đại, ngũ uẩn giống như ta. Phật hiện sanh thân và dùng ngôn ngữ, thân người để giáo hóa, rồi Ngài Niết bàn được tiêu biểu bằng cây đèn. Nhờ ngọn đèn của Phật rọi đường, tức nương theo kho tàng giáo lý của Ngài để lại, chúng ta thoát ra khỏi đường hầm sanh tử. Như vậy, ánh sáng giác ngộ, hay trí tuệ của Phật phân thành ba thứ là giáo hóa chúng sanh trên tâm bình đẳng, trên Bồ tát hạnh và ứng hiện tùy loại hình.
Chúng ta lạy Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh liên tưởng đến Pháp thân, Báo thân và Ứng thân Phật, cũng tự luyện cho mình có được ba thân này, hay có ba tâm là tâm bình đẳng, tâm đại bi và tâm hằng thuận. Càng lạy càng nuôi lớn ba tâm này chứng tỏ chúng ta đang cảm hạnh của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh và nhận được lực Phật gia bị. Nếu không sanh trưởng được ba tâm này, tức không phát huy được Pháp thân, Báo thân của chính mình thì coi như lạy vô ích.
3.ĐẢNH LỄ PHẬT NHIÊN ĐĂNG
Cuối thời Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh có Phật Nhiên Đăng. Nhiên Đăng nghĩa là mồi đèn. Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh có đủ ba thân giáo hóa chúng sanh; nhưng Phật Nhiên Đăng mang tính thừa kế chư Phật mà kinh diễn tả là Phật sau cùng. Trước kia, Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh làm được tất cả, khi là mặt trời, lúc làm mặt trăng, hay làm ngọn đèn. Đến thời Phật Nhiên Đăng không thể được như vậy. Phải lùi xuống một nấc, chỉ làm nhiệm vụ mồi đèn, làm công tác gạch nối giữa người trước và người sau để gợi niềm tin cho họ tiến lên.
Lạy Phật Nhiên Đăng, tôi quán tưởng Ngài châm ngọn đèn trí tuệ cho Phật Thích Ca và mồi ánh sáng cho ngọn đèn tâm của chúng ta bừng sáng, bắc nhịp cầu nối liền thế giới tối tăm của người có căn lành với thế giới rực sáng của chư Phật.
4.ĐẢNH LỄ PHẬT ĐẠI THÔNG TRÍ THẮNG
Kế đến, chúng ta kính lễ Đức Phật Đại Thông Trí Thắng, một vị có trí năng siêu việt. Trong phẩm Hóa Thành Dụ cho biết khi chưa tu, Ngài đã là Chuyển luân Thánh vương cai trị khắp thiên hạ thái bình. Lúc nhận ra đạo giải thoát cao quý cùng tột, Ngài liền xuất gia, giao ngôi vua lại cho mười sáu vương tử.
Đặc biệt Ngài thành Phật rồi mà vẫn yên lặng trong mười tiểu kiếp, chưa thuyết pháp. Đó là điều mà tôi tâm đắc khi học hạnh của Phật Đại Thông Trí Thắng. Ngài yên lặng, không nói, nhưng tác động khắp mười phương. Các Đại Phạm Thiên vương tìm đến cúng dường những thứ thượng diệu và thỉnh Phật thuyết pháp. Các vị Trời cao nhất cùng với mười sáu vương tử tiêu biểu cho tầng lớp trí thức lãnh đạo Thiên thượng và nhân gian đến thỉnh Phật giảng dạy, thì còn ai dám chống đối, chê bai.
Bốn phương tám hướng Đại Phạm Thiên vương và mười sáu vương tử cầu thỉnh, nói lên lòng khát ngưỡng giáo pháp cao độ. Chính lúc đó mới đúng thời tiết nhân duyên để Phật thuyết pháp. Thuyết pháp sớm, không đúng thời, họ tiếp nhận hời hợt, pháp không tác động vào tâm họ, nên không tẩy được trần nghiệp và phước không sanh, mà nghiệp tăng trưởng thì không thể tu được.
Lạy Phật Đại Thông Trí Thắng, chúng ta lập chí tu hành sao cho đạt được quả đức và dùng đức cảm hóa chúng sanh. Không vội vàng dạy người khi bản thân mình còn nhiều lỗi lầm, sai trái.
5.ĐẢNH LỄ PHẬT KHÔNG VƯƠNG
Lạy Phật Không Vương gợi nhắc đến phẩm Thọ học, Vô học Nhơn ký trong kinh Pháp Hoa, hiểu được thế nào là Bồ tát đạo.
Tất cả trời người đều xem A Nan là vương tử mới xuất gia tu hành và bị mắc nạn Ma Đăng Già. Nhưng Phật Thích Ca cho biết với sự bảo chứng của Phật Không Vương, thì A Nan là một đại Bồ tát lưu nghiệp để hóa độ chúng sanh. Ngài tu hành trong sự hộ niệm của Phật Không Vương và tạo được muôn ngàn công đức ở tất cả Phật độ. Ngài phát nguyện đời đời kiếp kiếp hộ trì tạng pháp Như Lai. Kinh điển còn tồn tại cho chúng ta nương theo tu hành đều do công đức của ngài A Nan, một vị Bồ tát lớn thị hiện nghiệp thân.
Đức Phật Thích Ca cho biết nếu nói ra sự thật của ngài A Nan, thì trời người sẽ kinh nghi và Tỳ kheo tự tôn phải bị đọa. Ngày nay, chúng ta chẳng những không kinh nghi mà còn kính lễ Phật Không Vương qua ngài A Nan, chắc chắn cũng được Đức Phật này hộ niệm và thành tựu được hạnh Bồ tát như ngài A Nan trong mười phương thế giới Phật.
6.ĐẢNH LỄ PHẬT TỰ TẠI ĐĂNG VƯƠNG
Lạy Phật Tự Tại Đăng Vương, chúng ta tập sống theo Ngài, đừng để tâm vướng bận bất cứ việc gì của trần gian, mới thực sự được giải thoát. Và lòng chúng ta thanh thản, vượt qua bao cạm bẫy, chướng ngại của cuộc đời, ví như mây bay không có gì ngăn cản được.
7.ĐẢNH LỄ PHẬT NHẬT NGUYỆT TỊNH MINH ĐỨC
Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức là vị Đạo sư của Dược Vương Bồ tát. Ngài trợ hóa cho Dược Vương thành tựu được Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát thân.
Tịnh Minh nghĩa là tịch nhi thường chiếu, không còn hiện hữu ở thế gian, nhưng đức hạnh vẫn lưu truyền, tác động mạnh đến độ làm cho Dược Vương hiện Nhứt thiết sắc thân tam muội. Đắc tam muội này, chúng sanh cần loại thân nào, thì Bồ tát hiện thân đó để giáo hóa và hiểu được ngôn ngữ, giải được tâm tư, nguyện vọng của tất cả các loài, gọi là Giải nhứt thiết ngữ ngôn đà la ni.
Lạy Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, cầu mong Ngài nhiếp trì để chúng ta cùng làm được những việc khó làm như Bồ tát Dược Vương.
8. ĐẢNH LỄ PHẬT VÂN LÔI ÂM VƯƠNG
Phật Vân Lôi Âm Vương giáo dưỡng Diệu Âm Bồ tát đạt được thần lực đặc biệt. Trong kinh ghi Diệu Âm mới khởi niệm đến Ta bà thì ở đây liền nổi lên tám mươi bốn ngàn hoa sen báu và trong chớp mắt, ngài lại trở về thế giới phương Đông.
Vân Lôi Âm là âm thanh sấm sét trên trời tiêu biểu cho quyền uy của Đức Phật. Xướng danh đảnh lễ Ngài, chúng ta nghĩ đến thân phận mình không giáo hóa được ai, nên ước mơ nhận được lực siêu tuyệt của Đức Phật Vân Lôi Âm trợ giúp chúng ta phát huy khả năng để cũng có được lực nhiếp hóa mọi chướng ngại trên cuộc đời và làm được việc lớn như Diệu Âm Bồ tát.
9. ĐẢNH LỄ PHẬT VÂN LÔI ÂM TÚ VƯƠNG HOA TRÍ
Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí tiêu biểu cho trí sáng suốt, giác ngộ viên mãn. Chúng ta hoàn toàn mù mờ trước mọi sinh hoạt diễn biến của muôn loài, trong khi Đức Phật hiểu rõ ngọn ngành từ nhân đến quả.
Chúng ta đảnh lễ, cầu mong Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí rọi sáng tâm trí để chúng ta thấy rõ phần nào bộ mặt thực của chúng sanh mà phát ra được ngôn ngữ, âm thanh giáo hóa đầy sức mạnh thuyết phục.
10. ĐẢNH LỄ THẬP PHƯƠNG TẬN HƯ KHÔNG BIẾN PHÁP GIỚI QUÁ KHỨ NHỨT THIẾT CHƯ PHẬT
Cuối cùng, chúng ta tổng lễ các Đức Phật quá khứ và đặc biệt nêu danh các vị Phật trên, tạo cho ta một ý thức về nguồn, kính phục, lễ lạy nhân hạnh quả đức của các Ngài. Đức hạnh ấy vẫn tỏa sáng, soi đường cho chúng ta phát huy nhân hạnh của chính mình.
Càng lạy mười vị Phật quá khứ, tâm hồn chúng ta càng tương giao với Phật và nhận được lực Phật hỗ trợ để dũng mảnh tinh tấn trên lộ trình hành Bồ tát đạo đời đời kiếp kiếp không lui sụt.