Trí Quảng Toàn Tập - Quyển VI HT THÍCH TRÍ QUẢNG
Sau khi tổng lễ các Đức Phật hiện tại trong tám phương, chúng ta tiếp tục đảnh lễ các Đức Phật vị lai. Nghĩa là sau khi chúng ta nương với các Đức Phật hiện tại tạo cho ta và người có nguồn sống giải thoát rồi, chúng ta mới hướng đến tương lai để làm cho Phật pháp cửu trụ bằng cách xây dựng cho thế hệ kế tiếp thành tựu những việc làm tốt đẹp.
Tinh thần này đã được Đức Phật Thích Ca thể hiện trong phẩm Như Lai Thần Lực. Ngài mang tất cả công đức tu tạo được đầu tư cho Pháp giới chúng sanh. Việc làm này được kinh diễn tả bằng hình ảnh Phật thè lưỡi và phóng ánh sáng.
Phật vị lai là những Bồ tát đã trồng căn lành với chư Phật mười phương và được Phật thọ ký. Riêng trong hội Pháp Hoa, sự thọ ký có tính cách đặc biệt hơn các hội khác.
Trong phẩm Pháp Sư thứ 10, Đức Phật thọ ký cho tất cả các loài từ chư Thiên cho đến phi nhơn về dự hội đều thành Phật trong tương lai. Chẳng những các người về nghe kinh ở Linh Sơn được thọ ký, mà sau khi Phật Niết bàn, nếu có người thọ trì kinh một câu, một kệ, cho đến một niệm tùy hỷ, đều được thọ ký. Từ tổng ký thu hẹp lại trong hội Pháp Hoa nêu đích danh thọ ký cho mười sáu vị đã trồng căn lành với hằng sa Đức Phật quá khứ và sau khi được thọ ký, tiếp tục tu Bồ tát đạo trong khắp mười phương.
Ngày nay, chúng ta phát nguyện thọ trì kinh Pháp Hoa, nghĩa là đi chung đường với các Ngài, nên cảm đức và kính lễ để kết duyên tu hành, mong được các Ngài làm pháp lữ đồng hành dìu dắt chúng ta thành tựu Vô thượng Bồ đề.
Các vị được thọ ký thành Phật mà chúng ta đảnh lễ là Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Ca Diếp, Kiều Trần Như, A Nan, La Hầu La, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Kiên Mãn, Đề Bà Đạt Đa, Kiều Đàm Di, Gia Du Đà La, Diệu Trang Nghiêm và hai ngàn vị hữu học, vô học. Ngoài những vị này, chúng ta đảnh lễ Phật vị lai còn nhắm đến kinh lễ những người đồng học, đồng tu với chúng ta; vì chắc chắn chúng ta sẽ gặp lại họ trong hội Pháp Hoa ở các kiếp sau.
1.ĐẢNH LỄ TỊNH THÂN PHẬT
Đức Phật vị lai được xướng lễ đầu tiên là Tịnh Thân Phật. Ngài mang tôn danh này vì có thân trong sạch hoàn toàn, được Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh thọ ký. Trên bước đường tu, chúng ta lạy Phật Tịnh Thân, hay cầu mong sao được gần gũi pháp lữ thuần thiện không phạm lỗi lầm. Họ là những người đã tu trong quá khứ còn hiện thân lại Ta bà. Tu hành chung với mẫu người có giới thân huệ mạng như vậy rất cần cho chúng ta.
Tôi lạy Tịnh Thân Phật, nhận ra được ý đó. Thật vậy, sống ở Ta bà không còn gì may mắn hơn là có được những pháp lữ tốt, trong sạch. Những người tốt theo tôi tu hành, họ không vi phạm luật đạo cũng như luật thế gian, tạo thành đạo tràng trong sạch và tiến tu an lành. Ngược lại, nếu thành phần xấu thâm nhập sẽ gây ra đủ thứ phiền toái, cho đến nghiêm trọng hơn, tạo tội ác, phạm pháp, chắc chắn đạo tràng sẽ tan vỡ theo. Thực tế đã chứng minh điều này.
Kính lễ Tịnh Thân Phật là người thừa kế sự nghiệp hoằng truyền kinh Pháp Hoa của hai muôn Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh. Lạy Ngài để trồng căn lành nơi Ngài, cầu Ngài gia bị khiến người tốt đến tu chung, tạo thành thế giới bình ổn cho ta và người. Từ đó tiến xa hơn, cùng đi với Ngài đến Bảo sở, đến thế giới Phật. Nếu đến được chỗ có châu báu, thì ta cũng nhận được đầy đủ như Ngài, không khác. Qua đường hiểm sanh tử với một vị Bồ tát đầy đủ phước đức như Ngài, chắc chắn chúng ta không gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cầu mong Ngài xuất hiện như một Đại Đạo sư của chúng ta.
2.ĐẢNH LỄ HOA QUANG PHẬT
Kế tiếp kính lễ Phật Hoa Quang, hay hậu thân của Xá Lợi Phất. Ngài là Bồ tát thoái chuyển xuống làm Thanh văn có trí tuệ bậc nhất trong hàng đệ tử Phật, được cả hai hệ Nam và Bắc truyền tôn kính.
Xá Lợi Phất cũng là chúng duyên khởi cho Đức Phật nói kinh Di Đà, kinh Bát Nhã và nói việc tu hành thành đạo bất khả tư nghì của Quán Thế Âm. Đến hội Pháp Hoa, Đức Phật từ chánh định Vô lượng nghĩa xứ trở lại sinh hoạt đời thường cũng gọi Xá Lợi Phất trước tiên để giảng kinh Pháp Hoa. Ngài đã được Phật Thích Ca thọ ký sau khi cúng dường bao nhiêu nghìn muôn ức Phật, phụng trì chánh pháp, đầy đủ đạo Bồ tát thì sẽ thành Phật.
Ngài về Tịnh độ trước Đức Phật Thích Ca nhập diệt một ngày. Nhắc đến ngài, ta nghĩ ngay tới phẩm Nhà Lửa và không khỏi ước mơ rằng ngài sẽ xuất hiện như một ngọn hải đăng trong đêm dài sanh tử, xuất hiện như một người lái đò đưa khách đến Tây phương.
Xướng lạy tôn danh Hoa Quang Phật, chúng ta liên tưởng đến ý nghĩa của Hoa là tinh ba, Quang là ánh sáng. Ánh sáng này từ Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh chiếu đến, nhưng người tu phải biết lựa chọn giáo pháp nào thích hợp với hoàn cảnh. Sử dụng pháp Phật đúng chỗ, đúng lúc, đúng người là điều rất quan trọng; vì nếu dùng ánh sáng hay chân lý không phù hợp với thực tế, cũng trở thành thất bại. Vì vậy, khi Phật tại thế, Ngài giảng dạy ở Xá Vệ khác với pháp ở Tỳ Da Ly hay Vương Xá. Nói chung, Đức Phật thuyết pháp trong hơn ba trăm hội không hề giống nhau.
Hoa Quang làm Phật trong tương lai, nghĩa là ngài biết chắc lọc tinh ba của đạo pháp và ứng dụng có hiệu quả trong cuộc sống để thăng hoa cho mình và lợi lạc cho người. Tôi lạy Phật Hoa Quang thường suy nghĩ giả sử ngay bây giờ có Đức Phật ra đời, Ngài sẽ nói gì với chúng ta. Tôi thuyết pháp theo tinh thần này hơn là lặp lại những gì có sẵn trong kinh.
3.ĐẢNH LỄ HOA TÚC AN HÀNH PHẬT
Ngài Kiên Mãn nối tiếp ánh sáng của Phật Hoa Quang, nên được thọ ký là Hoa Túc An Hành Phật, nghĩa là từng bươc đi có hoa sen đỡ chân. Tôi đảnh lễ vị Phật này thầm cám ơn Phật và các vị tiền bối thừa kế. Lạy với lòng cảm thương và kính mến các Ngài vô hạn đến độ rớt nước mắt. Tự nghĩ thật là diễm phúc cho chúng ta có được đấng giáo chủ trọn lành và được các vị luận sư để lại kho tàng pháp bảo vô giá, được Thầy Tổ nuôi dưỡng un đúc. Về vật chất thì đầy đủ chỗ ăn ở tiện nghi.
Xưa kia, các Tổ đi trên chông gai. Ngày nay, chúng ta thừa hưởng sự nghiệp của các ngài, nên được tiến bước trên hoa sen. Với điều kiện quá tốt như vậy mà tu không đắc đạo thì rõ ràng là lỗi hoàn toàn ở chúng ta. Đức Phật để lại gia tài vĩ đại và các bậc cha anh cũng đã dày công xây dựng. Chúng ta chỉ việc thừa hưởng suốt đời cũng không hết. Vì thế, không làm được gì lợi lạc thêm thì cũng xin đừng phá hỏng.
Lạy Phật Hoa Túc An Hành, chúng ta nỗ lực thiết thân kiểm nghiệm giáo pháp, đi đúng trên hoa sen của Đức Phật đã đặt sẵn để từng bước tiến đến tương lai thành Phật.
4.ĐẢNH LỄ QUANG MINH PHẬT
Đảnh lễ Quang Minh Phật là hậu thân của Tổ Ca Diếp. Ngài là một người truyền pháp ngoài ngữ ngôn văn tự, là người duy trì mạng mạch của đạo qua mấy ngàn năm lịch sử bằng tâm, bằng Thiền định. Thật vậy, Tổ Ca Diếp không khổ công giảng dạy mà pháp ngữ của Ngài chấn động cõi đại thiên, không truyền đạo mà tất cả đều xưng là Thiền gia pháp tử.
Lạy Ngài, liên hệ với Ngài có nghĩa là tìm đến thế giới siêu nhiên, đến thế giới của các Bồ tát Tùng địa dũng xuất hoằng đạo và tìm sự an bình vĩnh cửu của Pháp thân.
5.ĐẢNH LỄ SƠN HẢI HUỆ TỰ TẠI THÔNG VƯƠNG PHẬT
Đảnh lễ Phật Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương là hậu thân của ngài A Nan. Ngài là vị đại đệ tử của Phật Thích Ca chuyên kiết tập kinh điển. Không phải chỉ trong một đời, mà từ thời Phật Không Vương lâu xa, ngài đã phát nguyện thắp sáng ngọn đèn chánh pháp của chư Phật để lưu truyền mãi mãi trong vô số kiếp ở mười phương. Thực hiện hạnh nguyện sâu dày như vậy, nên ngài có tầm nhìn xa trông rộng ví như núi cao vời vợi, biển cả mênh mông.
Trên bước đường tiến đến Vô thượng Đẳng giác, tất yếu đòi hỏi trong tương lai chúng ta cũng phải có sự hiểu biết như vậy. Điều này không đơn giản, muốn vượt đường hiểm sanh tử, chúng ta cầu ngài gia bị và ban cho những lời chỉ dạy để hướng dẫn chúng ta tránh khỏi hầm hố chông gai, không bị tổn hoại giới thân huệ mạng.
Trên thực tế, cầu nguyện vị Phật này có cảm ứng, tôi gặp được những vị danh Tăng khai ngộ, nên nhận ra nhiều điều quý báu mà tự mình không bao giờ tìm được. Có may mắn gần gũi người học rộng biết nhiều, chúng ta học được kinh nghiệm sống rất quý, thì nhất định tuệ giác của chúng ta sẽ phát sanh và tăng trưởng.
6.KẾ TIẾP, ĐẢNH LỄ CÁC ĐỨC PHẬT VỊ LAI LÀ QUANG MINH, DANH TƯỚNG, DIÊM PHÙ NA ĐỀ KIM QUANG, ĐA MA LA BẠT CHIÊN ĐÀN HƯƠNG, PHÁP MINH, PHỔ MINH, ĐẠO THẤT BẢO HOA, BẢO TƯỚNG, THIÊN VƯƠNG, NHẤT THIẾT CHÚNG SANH HỶ KIẾN, CỤ TÚC THIÊN VẠN QUANG TƯỚNG. ĐÓ LÀ HẬU THÂN CỦA CA DIẾP, TU BỒ ĐỀ, CA CHIÊN DIÊN, MỤC KIỀN LIÊN, PHÚ LÂU NA, KIỀU TRẦN NHƯ, LA HẦU LA, 20000 VỊ HỮU HỌC VÀ VÔ HỌC, ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA, GIA DU ĐÀ LA VÀ VUA DIỆU TRANG NGHIÊM
Trên đây là các vị được nêu đích danh, hiện tại các ngài sanh lại theo bản nguyện để hành đạo Bồ tát, mà ta thấy ẩn hiện khắp đó đây. Hoặc có người giữ nguyên thân để làm chứng tín cho đến ngày Phật ra đời, hoặc thị hiện lại dưới hình thức đại Pháp sư để gia bị cho chúng sanh đời sau tu hành.
7.RIÊNG CHƯ NI QUẢN LÝ TỰ VIỆN, MUỐN CHÚNG ĐƯỢC HÒA THUẬN PHẢI SIÊNG NĂNG LỄ LẠY NHẤT THIẾT CHÚNG SANH HỶ KIẾN PHẬT VÀ CỤ TÚC THIÊN VẠN QUANG TƯỚNG PHẬT
Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Phật là hậu thân của Kiều Đàm Di, một người được sáu ngàn Tỳ kheo Ni kính trọng và phục tùng, một người nữ tu được tam mật gia trì của chư Phật. Lễ lạy ngài và nương công đức của ngài, đại chúng thương ta và nghe lời ta vô điều kiện.
Khởi đầu tu, chúng ta chỉ thấy chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não. Tuy nhiên, sau một thời gian trồng căn lành với các Đức Phật, lạy ba đời mười phương Phật, cái thấy của chúng ta đổi khác, thấy có Phật quá khứ, hiện tại và vị lai từ từ đến với chúng ta.
Khi xưa tôi ở Nhật về, nhận thấy ở Việt Nam khó tu quá, vì tôi không quen với tánh tình hơn thua, khó chịu của thầy tu cho đến cư sĩ. Tôi khởi niệm bực bội và muốn trở lại Nhật; nhưng sau đó, nhờ lạy Hồng danh Pháp Hoa, kính lễ ba đời các Đức Phật, tôi nhận ra người tốt xuất hiện, không phải họ từ chốn xa lạ nào tới. Cũng người đó, trước chúng ta thấy họ xấu, nhưng nay họ tốt. Tốt xấu không phải do bên ngoài; nguyên nhân dẫn đến tốt xấu tùy thuộc ở thiện nghiệp hay ác nghiệp của chính ta.
Ý thức như vậy, người thực tu không lo bề ngoài, chỉ lo tu từ chơn tâm. Điều chỉnh cho tâm tốt xuất hiện trước thì thực tế sẽ tốt theo. Không quan tâm đến hoàn cảnh xấu và người xấu, chỉ một lòng lạy Phật Tịnh Thân, Hoa Quang, Hoa Túc An Hành, Pháp Minh, Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương, v.v… Nghĩa là chuyên tâm kính lễ các Phật vị lai, thì lâu ngày chung quanh chúng ta toàn là Phật, từ Phật bên ngoài cho đến Phật bên trong tâm và khi mở mắt nhìn đời, ngỡ họ là Phật thiệt. Bấy giờ, họ cũng trở thành Phật theo tâm niệm của chúng ta.
Theo tôi, lạy Phật để tu đúng pháp, nhất định sẽ có được kết quả như vậy. Tuy nhiên, nếu lạy Phật mà phân ra Phật tốt và chúng sanh xấu thì càng lạy Phật, ông Phật của chúng ta càng xấu. Hiểu rõ như vậy, lạy Phật nhiều chừng nào, tâm chúng ta phải thánh thiện nhiều chừng nấy. Khi quên tất cả cái xấu trên cuộc đời, chỉ lo tu, đến ngày nào đức sanh ra, chuyển người nói xấu trở thành người nói tốt chúng ta. Tôi đã kiểm nghiệm pháp này, chung quanh tôi thường có người chống phá; nhưng tôi không hề có ý niệm đó, chỉ để tâm kính lễ Phật. Sau đó, họ trở thành người ủng hộ tôi.
Thiết nghĩ lạy Phật mà vẫn nhớ cái xấu của người thì càng lạy, nghiệp càng tăng; nhưng nếu chúng ta biết lấy cái đẹp của Phật gắn lên cho người, người sẽ tốt theo. Đó là pháp tu từ giả biến thành thật. Trong lịch sử, chúng ta thấy rõ điều này. Điển hình như Tổ Huệ Đăng và Tổ Phi Lai thực sự không xuất thân từ Thầy tu. Thật ra các ngài là những nhà cách mạng thất vận, trốn vô chùa, mặc áo tu và được người cung kính coi là Thầy. Với thời gian nên quen lần, nghĩ mình là Thầy tu, cũng học kinh, suy nghĩ, hiểu nghĩa kinh và tu hành, các Ngài mới trở thành Tổ.
Ngược lại, tôi cũng thấy có người chưa đến nỗi tệ xấu, nhưng chúng ta khi dễ họ, khiến họ nổi nóng, nói bậy và họ tự cho rằng lỡ hư rồi thì họ làm cho hư luôn. Theo tôi, tất cả lỗi của người, chúng ta không để tâm và chỉ nghĩ đem điều tốt trang nghiêm cho họ. Dần dần họ trở nên tốt thực. Bấy giờ, ta có pháp lữ đồng hành. Đừng dại dột đẩy họ vô thế chống đối ta.
Chúng ta tu Pháp Hoa, hình dung người khác là Phật tương lai, nên sanh tâm cung kính tâm Bồ đề của họ, thì Bồ đề tâm của họ tự lớn. Giúp người tin tưởng được khả năng của họ có thể tiến bước trên con đường thánh thiện là điều mà chúng ta nhắm tới khi lễ Phật vị lai. Bản thân tôi khi tu học ở Nhật may mắn được Thầy hiền bạn tốt viết thư động viên và tin tưởng tôi sẽ làm được những điều tốt đẹp cho đạo. Lòng tin yêu gửi gấm ấy khiến tôi nỗ lực hơn nữa.
Sau cùng TỔNG LỄ THẬP PHƯƠNG TẬN HƯ KHÔNG BIẾN PHÁP GIỚI VỊ LAI NHỨT THIẾT CHƯ PHẬT. Nghĩa là quán tưởng mọi người trong Pháp giới không ai không thành Phật trong tương lai, nên chúng ta lạy để kết duyên với họ. Thiết nghĩ Phật tánh của quý vị đã nhận được sự kính lạy của tôi từ quá khứ. Lạy qua tương quan Phật tánh, không phải lạy xác thân tội lỗi. Nhờ duyên lành này dẫn đến hiện tại chúng ta gặp nhau và cùng tu chung trong pháp hội.
Chúng ta cứ nhìn về tương lai, hướng đến thành Phật của mọi người mà sanh tâm kính trọng như Phật, thì công đức chúng ta sẽ được vô lượng. Thật vậy, kinh Pháp Hoa dạy rằng đối với Phật quá khứ đã thành Phật thì không có vấn đề gì tác hại các Ngài được. Dù có chửi mắng Phật trong một kiếp thì tội cũng không nặng bằng phá pháp làm cho người thoái tâm, không tu, tức là đã giết chết một Đức Phật vị lai.
Tóm lại, siêng năng kính lễ các Đức Phật vị lai nhằm tạo niềm tin cho người và kết thành sự hỗ tương và bồi dưỡng căn lành cho nhau để thành Phật. Tất cả Tăng Ni, Phật tử đều là vị lai Phật. Vì vậy, tổng lễ Đức Phật vị lai, chúng ta cùng tu tập tương kính lễ nhau, phát huy tâm Bồ đề và Phật tánh của nhau. Và chúng ta hợp lực xây dựng sự bình ổn cho ngôi nhà Phật pháp trường tồn, để cùng nhau thăng hoa đến ngày đạt quả vị Vô thượng Bồ đề.