Trí Quảng Toàn Tập - Quyển VI HT THÍCH TRÍ QUẢNG
A. VĂN KINH
Bấy giờ Bồ tát từ các phương khác chắp tay xin Phật cho phép các ngài đọc tụng, biên chép, giảng nói Pháp Hoa sau Phật diệt độ ở cõi Ta bà, lợi ích chúng sanh. Đức Phật từ chối lời thỉnh cầu này vì ở Ta bà đã có vô lượng Bồ tát cùng cả quyến thuộc đều có khả năng để làm việc ấy sau khi Như Lai diệt độ. Phật vừa dứt lời, ba ngàn thế giới rung động sáu cách, vô số Bồ tát bỗng nhiên xuất hiện. Các Bồ tát này thân màu hoàng kim, đủ các tướng tốt, đạo hạnh viên mãn, đến trước tháp báu đảnh lễ hai Đức Như Lai. Các Phật sự này trải năm mươi kiếp mà cả chúng tội tưởng như nửa ngày vì nhờ thần lực của hai Thế Tôn. Bấy giờ Di Lặc và hơn tám ngàn hằng sa Bồ tát trong pháp hội này rất đỗi ngạc nhiên vì sự xuất hiện của nhiều Bồ tát đầy đủ đạo hạnh nên mới bạch Phật cầu xin quyết nghi. Đức Phật liền bảo, các Bồ tát này là đệ tử Ta, do Ta giáo hóa sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề. Các Bồ tát này ưa hạnh viễn ly, không nương trời người, thường ở chánh định cho nên các ông không thể thấy biết đạo hạnh của họ. Di Lặc Bồ tát lại bạch Phật rằng, sáu muôn hằng sa Đại sĩ vừa mới xuất hiện, họ là những người đã trồng căn lành ở vô lượng Phật mới được thần thông như thế, mà Đức Thế Tôn mới thành Vô Thượng Bồ Đề hơn bốn mươi năm, làm sao giáo hóa được chúng như vậy. Con đã tin Phật không hề hư vọng, nhưng cúi xin Ngài vì sơ phát tâm và chúng đời sau giải nói việc này cho họ hết nghi, khỏi đọa ác đạo.
B. GIẢI THÍCH
Sau khi thành tựu Tam Pháp ấn là nhà Như Lai, áo Như Lai và tòa Như Lai mà Đức Phật dạy trong phẩm Pháp Sư thứ mười, chúng ta được Bát bộ chúng bảo vệ và các hóa Bồ tát đến trợ duyên tu, đạt được trạng thái tâm yên tĩnh ở độ cao. Từ đó, thấy được Bổn Phật, mà phẩm 11 diễn tả là thấy tháp Đa Bảo xuất hiện. Thấy tháp, mở được cửa tháp và vào sống trong tháp; nghĩa là thấy đạo, ngộ đạo, thành Phật, mới có được pháp chân thật, các giai đoạn tu trước chỉ là pháp phương tiện. Đối trước Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca, các Bồ tát phát nguyện thọ trì kinh Pháp Hoa ở cõi Ta bà. Trước tâm nguyện đó, Đức Phật đưa ra bốn pháp an lạc mà người muốn tu Pháp Hoa cần phải tuân thủ.
Người tu lấy sự an lạc làm chính, vì pháp Phật nhiều, nhưng chỉ có một vị giải thoát. Trước tiên, chúng ta phải thực hiện cho được thân an lạc. Cắt bỏ phiền não mà gốc của nó là lòng tham, ta sẽ an lạc ngay tức khắc. Vì vậy, bỏ tục xuất gia, tức bỏ vật chất, không còn ham muốn những gì người đời ham, nên được giải thoát. Đây là mẫu tu của Thanh văn, muốn giải thoát ở Ta bà không còn cách nào hơn là vào chùa tu, không nhìn, không nghe, không nói việc của người.
Riêng tôi, ít nhất cũng thực hành pháp này trải qua tám năm, từ lúc vô tu ở Ấn Quang đến năm 1963. Tôi ít giao thiệp, kết thân với ai, thường ở trong phòng, không để ý đến việc của người xung quanh. Họ coi mình như không có, bất tài vô tướng, nhờ vậy tôi rảnh rang học và tu, đem kinh sách vào lòng. Ngoài ra, tự biết thân phận mình, nên tình nguyện quét rửa nhà cầu, không ai tranh giành những việc ấy. Nhờ ẩn tu được an thân, chúng ta mới phát triển đạo nghiệp.
Trong khoảng thời gian dài, thọ trì chánh pháp, nuôi lớn giới thân huệ mạng, nên tâm sáng ra, tánh tình dễ thương. Nhưng đạt được thành quả này, cần phải cẩn trọng hơn. Phật dạy Bồ tát tu Pháp Hoa nên thể hiện pháp nội bí ngoại hiện, nghĩa là ta phát triển khả năng cho thật giỏi, mà bên ngoài hiện tướng bình thường, không để lộ ra tài giỏi của mình, để tránh khỏi bị dập chết từ trong trứng nước. Ẩn nhẫn tu hành giữ cho thân, khẩu, ý an lạc, đến khi phát huệ, thấy được việc cần làm, chỗ cần đến, lúc nào nên độ người, chắc chắn sẽ thành công.
Các Bồ tát mười phương phát nguyện hoằng truyền kinh Pháp Hoa ở Ta bà, sau khi Như Lai diệt độ, Đức Phật từ chối. Ngài cho biết việc tuyên dương chánh pháp ở Ta bà đã có Bồ tát bổn địa là Bồ tát Tùng địa dũng xuất thừa sức đảm đương. Chỉ có kinh Pháp Hoa mới nói đến Bồ tát Tùng địa dũng xuất và Phật phú chúc kinh này cho các ngài. Trên tinh thần này, Bồ tát bổn địa quan trọng hơn, giữ vai trò chính yếu, còn Bồ tát mười phương chỉ trợ lực mà thôi.
Phật vừa dứt lời, có đến sáu vạn hằng hà sa Bồ tát xuất hiện. Các vị này sẽ thành Phật; nói cách khác, ở Ta bà có điều kiện tu hành thành Phật hơn các thế giới khác. Thanh văn rất ngạc nhiên, vì từ trước, Phật thường ca ngợi Phật và Bồ tát ở thế giới khác và nơi đó cũng dễ tu, dễ thành Phật hơn. Nhưng chỉ có hội Pháp Hoa, Phật ngợi khen Bồ tát ở Ta bà, nơi có nhiều tệ ác. Điều này nhằm gợi ý giúp chúng ta thoát ly tánh đối lập ở trong vòng tương đối của thế giới nhị nguyên: Tốt - xấu, giỏi - dở, ô uế - thanh tịnh. Thí dụ như A Xà Thế phạm tội ác nhất, nhưng cũng phát tâm cao nhất, hộ đạo mạnh nhất. Sống trong hoàn cảnh ác, chúng ta mới phát hiện được cái nào là phiền não nghiệp để xóa. Nếu ở thế giới an vui, chúng ta tưởng phiền não không còn, mà kỳ thật nó tiềm ẩn bên trong không mất.
Sống với người tốt, phiền não khó có cơ hội bộc phát. Trái lại, sống với người ngang bướng nhiều, nên nghe chướng tai, thấy gai mắt, thì tự biết tôi còn hai cái xấu là chướng tai, gai mắt. Tưởng mình không biết giận, không biết buồn; nhưng nay có người làm mình giận, buồn, thì phải sợ mà lo khắc phục sự sai trái ấy. Nếu thật tốt, ở trong hoàn cảnh đáng buồn, nhưng không buồn; đó là con đường đi lên cõi Thánh.
Ở Ta bà ngũ trược, đủ thứ phiền não quấy rầy, chỉ riêng sự đòi hỏi của thân ngũ ấm cũng đủ mệt, làm sao lòng không phiền theo. Lòng, hay tâm Bồ đề của chúng ta ở ngay trong thế gian này mà không bị hoàn cảnh sống và phiền não chi phối, mới thành Phật. Kinh Pháp Hoa diễn tả rằng trong Ta bà, trong lòng đất có vô số Bồ tát Tùng địa dũng xuất, trong khi các kinh khác gọi là hạt châu hay Phật tánh.
Theo văn tự kinh, các Bồ tát này từ trong lòng đất hiện ra . Hiểu theo Tâm địa quán, Phật ví tâm như đất, như cỏ dại hay hoa màu đều từ đất mọc lên; cũng vậy, tốt lành, xấu ác đều từ tâm sanh ra. Trong tâm chúng ta có Bồ tát, Phật hiện ra, nếu chỉ nhìn xác thân sẽ chẳng thấy Phật; kinh ghi là Di Lặc không hề biết mặt một vị Bồ tát cựu trụ nào. Nói cho dễ hiểu, khi A Xà Thế chưa phát tâm cúng dường Phật, mọi người vẫn nghĩ ông phá Phật. Nhưng đến khi tâm ông rúng nứt, vị Phật trong tâm A Xà Thế xuất hiện, chuyển con người cực ác thành cực thiện, có công đối với đạo. Vì vậy, điều quan trọng là đất rúng nứt để tâm Bồ đề phát ra, nên Phật khuyên Bồ tát mười phương đến Ta bà chỉ làm cho người thấy được cái tốt để họ phát tâm và tự tu, không thể tu thay. Trong kinh ghi, Phật vừa dứt lời, ba ngàn thế giới rung động biết bao tâm hồn nhân thế.
Ý này thể hiện rõ nét qua lịch sử của đạo Phật tồn tại hơn hai mươi lăm thế kỷ. Từ Phật Niết bàn đến nay, tiếp nối việc làm của Đức Phật, vô số Bồ tát ra đời cứu nhân độ thế. Ở thời tượng pháp, tiêu biểu có Trí Giả Đại sư phát huy tinh thần Pháp Hoa, được tôn kính như Tiểu Thích Ca tái sanh ở Trung Quốc. Đến thời mạt pháp, Nhật Liên Thánh nhân xuất hiện canh tân Phật giáo, được xưng tán là Thượng Hạnh Bồ tát. Thời kỳ nào cũng có người tương ưng giữ gìn mạng mạch Phật pháp.
Các Bồ tát này thân màu hoàng kim, đủ các tướng tốt, đạo hạnh viên mãn, nghĩa là không còn lỗi lầm, giới đức thuần trong sạch, đáp ứng được mọi yêu cầu của chúng sanh, mới có khả năng hoằng truyền chánh pháp ở thế giới đầy ác trược. Đức Phật đưa ra mẫu Bồ tát Tùng địa dũng xuất để nhắc nhở chúng ta muốn tu hành, giáo hóa chúng sanh cần phải theo mô hình hành đạo ấy.
Sáu vạn hằng hà sa Bồ tát đặt dưới sự lãnh đạo của bốn vị Bồ tát thượng thủ là Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh và An Lập Hạnh. Thượng Hạnh Bồ tát tiêu biểu cho người làm được những việc khó làm nhất. Ý này gợi nhắc chúng ta thực có tài thì lúc khó khăn phải gánh vác; hoàn cảnh dễ, hưởng lợi để dành cho kẻ thấp chí bạc tài. Quan trọng là chúng ta cần rèn khả năng giỏi thực sự và nằm trong lòng đất, tức chuẩn bị thật đầy đủ để khi khó thì dang tay nhận lãnh.
Vô Biên Hạnh Bồ tát chỉ cho khả năng đa dạng, làm được nhiều việc. Từ việc lớn đến việc nhỏ, không từ nan, đều hoàn tất, mới là mẫu người hữu ích cho đời. Bồ tát Tịnh Hạnh hoàn toàn trong sạch, thanh tịnh, tác động cho người kính phục, phát tâm, mới có khả năng lãnh đạo chúng. Theo Bồ tát Tịnh Hạnh, chúng ta tự quán sát bản thân để tu sửa không còn lỗi lầm, hoặc lắng nghe người phê phán mà sửa đổi. Cuối cùng là An Lập Hạnh Bồ tát hay mẫu người sống không đua đòi, bằng lòng với hoàn cảnh của mình để từ đó tiến tu đạo nghiệp. Không phải an phận để mặc cảm, buồn tủi, thoái chí, sanh ra các tánh ác.
Tóm lại, chúng ta phát tâm đi trên lộ trình Bổn môn Pháp Hoa ở Ta bà, muốn tìm Bồ tát Tùng địa dũng xuất hay tìm Đạo sư, tìm pháp lữ tu hành, chúng ta tìm người có nếp sống theo mô hình kiểu mẫu của bốn vị Bồ tát thượng thủ nói trên để nương theo tu tập. Mặt khác, nỗ lực rèn luyện tự thân, phát triển hạnh đức theo việc làm của Bồ tát Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh, An Lập Hạnh. Kết hợp lực gia trì của các ngài với khả năng thực chứng của chúng ta, đó là Niết bàn tịnh lạc mở ra cho chúng ta an trú ngay trên cõi đời ác trược này.