cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển VI HT THÍCH TRÍ QUẢNG


Sách / Trí Quảng Toàn Tập - Quyển VI / Ý nghĩa phẩm Phân Biệt Công Đức thứ 17

Lần nghe: 108.551

A. VĂN KINH

 

Bấy giờ Đức Phật lại bảo Di Lặc Bồ tát khi Ngài diễn nói thọ mạng dài lâu của Đức Như Lai thì có vô số Bồ tát không thể tính đếm chứng được Vô sanh pháp nhẫn hoặc Văn trì đà la ni, nhạo thuyết biện tài, chuyển được pháp luân bất thoái và phát đại tâm cầu Vô thượng đạo.

Đức Phật vừa mới dứt lời thì trời mưa hoa cùng bột chiên đàn và các thiên y, bảo ngọc như ý, trân châu ma ni để cúng dường Phật và hàng tứ chúng. Đức Phật lại bảo Di Lặc Bồ tát, chúng sanh nào nghe thọ mạng dài lâu của Đức Như Lai mà sanh một niệm tín giải sẽ được công đức vô lượng vô biên, nhiều hơn công đức của người bố thí, trì giới, nhẫn nhục trong tám mươi muôn na do tha kiếp. Nếu hiểu ý nghĩa thọ lượng Như Lai thì có thể phát sanh Phật huệ Nhất thiết chủng trí, lại có thể thấy Thích Ca Như Lai ở Kỳ Xà Quật thuyết pháp giáo hóa chúng đại Bồ tát và thấy thế giới Thật Báo của Lô Xá Na. Nếu thấy như thế thì không cần xây chùa tháp cúng dường mà chính người ấy đã đến đạo tràng, trong thân của họ có sẵn Đức Phật. Ông bảo trời, người phải nên cúng dường như cúng chư Phật.

 

B. GIẢI THÍCH

 

Mở đầu phẩm Phân Biệt Công Đức, Đức Phật nói với Di Lặc Bồ tát rằng: "Khi Ngài diễn nói thọ mạng dài lâu của Đức Như Lai thì có vô số Bồ tát không thể tính đếm, chứng được Vô sanh pháp nhẫn hoặc Văn trì đà la ni, nhạo thuyết biện tài, chuyển được pháp luân bất thoái và phát đại tâm cầu Vô thượng đạo”.

Đoạn kinh trên cho biết công đức vô lượng của người thấy được và tin được thọ mạng dài lâu của Đức Phật; nói cách khác, đó là thọ mạng của phước đức và trí tuệ của Ngài. Nói đến phước báu của Phật, người đời thường dùng câu "Của vua thua của Phật” để chỉ những gì mà Đức Phật mang lại cho chúng ta không bao giờ cùng tận. Ngài vắng bóng trên cuộc đời hơn hai ngàn năm trăm năm, nhưng kho vô tận của Ngài chẳng hề vơi cạn. Với tướng hảo và phước báu tràn đầy, khả năng siêu tuyệt, được người người kính mến, Phật sử dụng những thiện quả ấy để cứu đời, giúp người, hoàn toàn vị tha, khiêm tốn, thể hiện đức hạnh ngời sáng thánh thiện. Trí tuệ của Đức Phật thì vô song, thấu suốt muôn sự từ quá khứ đến tận vị lai kiếp, mới có thể thọ ký cho người tiến bước tu tập trên con đường giác ngộ.

Bồ tát nghe Đức Phật có phước đức, trí tuệ và thọ mạng lâu xa như vậy, soi rọi lại tâm mình, liền chứng Vô sanh pháp nhẫn. Pháp này nói theo ngày nay là con người, thiên nhiên và hoàn cảnh xã hội không có khả năng tác động Bồ tát. Họ hoàn toàn tự tại, giải thoát giữa lòng thế gian lắm phiền toái, hình thành được Pháp thân Bồ tát. Từ đó, tu ở dạng Bổn môn hay sống với chân thật pháp, nên Bồ tát bình thản trước sự nhục mạ của chúng sanh và tự tại trước sự khắc nghiệt của thời tiết.

Riêng đối với chúng ta, trên bước đường tu tập, nếu bị người mắng nhiếc, ta trả đũa hay không nói lại, nhưng vẫn ấm ức trong lòng. Nay nghe được phước đức và sự thọ mạng dài lâu của Đức Phật, biết rằng sự nhẫn nhịn tu hành sẽ tạo cho chúng ta công đức, thì chúng ta không bỏ lỡ cơ hội tốt cho sự nghiệp chóng thành đạo quả. Ý thức sâu sắc như vậy, tôi thường mong gặp nghịch duyên để được thể nghiệm lời Phật dạy, khắc phục những tồn đọng không tốt trong tâm mình.

Bồ tát đắc Vô sanh nhẫn coi những khó khăn nguy hiểm là môi trường tốt cho họ tu tạo công đức. Từ đó, đối mặt với cám dỗ mà không sa ngã, không khởi tâm nao núng trước sự mua chuộc của phàm phu, đe dọa cũng chẳng thể làm sờn lòng Bồ tát. Chúng sanh phàm phu thì ngược lại, bình thường khoe khoang đủ thứ, đụng việc khó bỏ chạy, gặp danh lợi thì tối mắt, ập vào.

Thâm nhập Vô sanh nhẫn, sống với pháp này, thì hữu tình lẫn vô tình chúng sanh chẳng thể chi phối Bồ tát. Tâm Bồ tát hoàn toàn thanh thoát mới có khả năng tiếp nhận vô tận tạng của Đức Phật. Riêng chúng ta còn là phàm phu, tuy bươn chải kiếm ăn cũng không đủ, nhưng chúng ta không quan tâm đến điều đó, chỉ một lòng thật tu, bước theo dấu chân Phật, chắc chắn Ngài sẽ gia bị, thì mọi thứ vẫn hiện hữu đầy đủ cho chúng ta. Trái lại, tự nghĩ mình thừa sức lo toan cho bản thân, thì Phật sẵn sàng để mặc ta tha hồ lăn lộn kiếm sống. Thật vậy, theo kinh nghiệm tu hành của riêng tôi, cảm nhận sâu sắc cuộc sống "làm tôi” cho Phật, chỉ làm theo Phật, mà tôi nhận được quá nhiều nơi Ngài. Những gì Phật cho thật vô tận, từ quá khứ dẫn đến hiện đời và mãi đến khi chúng ta đạt quả vị Vô thượng Đẳng giác. Thiết nghĩ, chúng ta trắng tay ở thế giới này thì chẳng có gì đáng lo, chỉ sợ nhất chúng ta mù tối trên con đường trở về đất Phật. Chứng Vô sanh nhẫn, sống ngoài ảnh hưởng của con người, mới có thể tiếp nhận gia trì lực của Đức Phật truyền đến và đủ tư cách là sứ giả Như Lai, thay thế Ngài đến với đời, mang an lạc cho người.

Ngoài pháp nhẫn, người nghe sự thọ mạng dài lâu của Phật còn được sức nhớ dai, nhanh lẹ, kinh gọi là Văn trì đà la ni. Nghĩa là pháp Phật dạy nhiều vô số trong các kinh sách, chúng ta đọc qua đều thu nhận đầy đủ và giữ lại trong tâm. Khi gặp việc, thì tự động lưu xuất pháp tương ưng, giúp chúng ta ứng xử đúng như pháp.

Họ cũng được nhạo thuyết biện tài, nghĩa là phát ra ngôn ngữ đầy tính thuyết phục, thu hút người nghe không biết chán; dù chỉ một câu, một chữ, cũng có thể triển khai nghĩa lý không cùng tận.

Đặc biệt họ có khả năng chuyển pháp luân bất thoái, nghĩa là ai theo tu với họ thì đều gắn bó lâu dài, mật thiết. Người chưa được pháp này mà hành đạo, thì pháp của họ rao giảng còn thoái chuyển nên ai theo họ một thời gian cũng chán nản, bỏ tu. Trái lại, khi tiếp cận được Báo thân Phật và nhận được pháp âm từ thọ mạng vĩnh hằng đó, chúng ta tự trang bị cho mình pháp bất thoái, từ đó tác động cho người lực bất thoái chuyển, khiến họ càng nghe pháp, càng vui sống với đạo.

Ngoài Bồ tát thành tựu được bốn sở đắc trên, hạng người thứ hai thấp hơn, tuy chưa đạt đến sự chứng ngộ như vậy, mà chỉ có niềm tin nơi Phật không bao giờ hư vọng và tin mình cũng có khả năng ấy nếu tiến tu, thì người đó cũng được công đức vô lượng vô biên, nhiều hơn công đức của người bố thí, trì giới, nhẫn nhục trong tám mươi muôn na do tha kiếp. Tại sao khác nhau xa về công đức đến như vậy. Tôi suy nghĩ ý này rất nhiều.

Theo tôi, tu bố thí, trì giới … trong tám mươi kiếp giống như cọ cây để lấy lửa, tức nhằm xóa nghiệp ác của chúng ta. Trong thời gian này, chúng ta cọ hoài vẫn không có lửa, tu trầy trật mà phiền não nghiệp vẫn bủa vây ta. Nhưng biết đánh một cái, có lửa liền, nghĩa là tâm bừng sáng rồi thì công phu rị mọ kia không cần nữa. Vì vậy, thực tế cho thấy có người tu suốt đời không được gì, người mới tu lại chứng đắc. Kinh Pháp Hoa muốn nhắc chúng ta nên đánh giá về kết quả hơn là chấp chặt vào công phu tu lâu.

Trên tinh thần ấy, tu một niệm, phát sanh Phật huệ, vẫn hơn là người tu tám mươi kiếp mà không có huệ. Vì từ một niệm tâm sanh, tiếp nhận được Phật lực, Bồ tát lực, thâm nhập thế giới Thánh Hiền, vào kho báu trí tuệ của Phật, thì cuộc sống chúng ta tất nhiên phải trở nên siêu tuyệt, vượt xa những bình thường hữu hạn của thế gian và con đường tiến đến Nhất thiết chủng trí chắc chắn cũng dễ dàng. Trong khi người đọc tụng nhiều, chỉ đọc suông ngôn ngữ văn tự, tâm trí chẳng thể khai mở, thật uổng phí công phu tu tập.

Đối với hành giả Pháp Hoa, Phật huệ là mục tiêu phải đạt đến. Đó là sự hiểu biết vượt trên tất cả sở học của thế gian, không hạn hẹp như phiền não trí, hay đi theo vết mòn của kinh nghiệm. Học và chấp theo kinh nghiệm dễ thất bại, vì lịch sử chẳng bao giờ tái diễn giống nhau. Với Phật huệ Nhất thiết chủng trí, chúng ta biết đúng những gì xảy ra và giải quyết đúng theo Giáo, Cơ, Thời, Quốc. Nghĩa là nhìn người bằng Phật huệ, chúng ta biết họ muốn gì, làm được gì thì giúp họ, nhất định thành công. Chúng ta sống hợp thời, không phải làm y hệt như con ong cái kiến. Hành đạo cũng phải thích hợp với nếp sống, nếp nghĩ của từng nơi khác nhau để tồn tại lợi ích. Tiến tu như thế nào để thông minh sáng suốt, cho đến biết rõ diễn biến sinh hoạt của tất cả loại hình chúng sanh.

Quá trình tu hành theo phẩm Phân Biệt Công Đức dạy chúng ta tu từ một niệm tín giải, sanh ra công đức và thấy Phật, nghe Phật thuyết pháp ở Kỳ Xà Quật, chứng được Nhất thiết chủng trí. Kế tiếp, Phật dạy rằng người đạt được sở đắc như vậy, không cần xây chùa tháp cúng dường, vì chính trong thân của họ có sẵn Đức Phật; hàng trời, người phải nên cúng dường như cúng dường chư Phật.

Tóm lại, kinh Pháp Hoa dạy chúng ta hướng nội để chứng Nhất thiết chủng trí, khác với người tu hướng ngoại thường van xin nhờ vả, không tự phấn đấu cải thiện thân tâm. Đức Phật không xây dựng mẫu người ăn hại như vậy. Chư Phật, Bồ tát đã đạt cứu cánh giác ngộ, giải thoát. Các Ngài trải lòng từ giúp đỡ những ai mang chí hướng thượng, muốn đi cùng lộ trình với các Ngài, nhưng còn vướng mắc nhiều khó khăn. Vì vậy, trên bước đường tu, chúng ta tạm thời nhận sự trợ lực của Phật, Bồ tát, để tự phát triển bản thân, không phải nhờ cậy suốt đời. Nỗ lực tiến tu là điều chính yếu của chúng ta, là điều kiện cần thiết tất yếu để nối liền các Ngài với chúng ta và càng được gia trì lực của Hiền Thánh, chúng ta càng dễ thăng hoa trên con đường đạo hạnh. Khi tu học thành đức, thành tài rồi, chúng ta truyền dạy sở đắc cho người, nâng đỡ người phát huy tri thức, đạo đức như chúng ta từng được giúp vậy. Đó là tâm huyết của Đức Phật gởi lại cho Tăng Ni, Phật tử thực hiện được điều cao quý ấy để ngọn đèn chánh pháp còn mãi ngời sáng trên hành tinh này.