cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển VI HT THÍCH TRÍ QUẢNG


Sách / Trí Quảng Toàn Tập - Quyển VI / Ý nghĩa phẩm Pháp sư

Lần nghe: 122.181

A. VĂN KINH

Bấy giờ Phật bảo Dược Vương Bồ tát, tất cả đại chúng, Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Thiên long, Bát bộ, người cầu Thanh văn, người cầu Bồ tát, hay cầu Phật đạo mà ở trước Phật nghe kinh Pháp Hoa một câu, một kệ, một niệm tùy hỷ, Ta đều thọ ký Vô thượng Bồ đề.

Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người nào thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép Diệu Pháp Liên Hoa, phải biết người này đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vì thương nhân gian mà sanh lại đời. Nếu ai chê họ, tội còn nặng hơn chửi mắng chư Phật; còn ai khen ngợi thì được công đức vô lượng vô biên, vì kinh này là bí yếu của Phật.

Sau Phật diệt độ, nếu ai thọ trì thì được chư Phật hộ niệm, có đức tin lớn, chí niệm bền vững và được gần Phật, được Phật thọ ký. Nếu ở chỗ nào có kinh Pháp Hoa, nên dựng tháp báu để mà cúng dường, không cần Xá lợi; vì trong tháp ấy có kinh Pháp Hoa là toàn thân Phật. Nếu Bồ tát mà chưa thọ trì được Diệu Pháp Liên Hoa, phải biết họ còn cách xa Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ví như đào giếng ở trên cao nguyên mà thấy đất khô thì biết cách nước còn xa; nếu tiếp tục đào cho đến đất ướt đất bùn thì biết sắp được đến nước. Tu đạo Bồ tát cũng lại như thế, nếu nghe được kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì biết họ đã gần đến Vô thượng Chánh giác. Nếu chư Bồ tát mà nghe kinh này còn chưa hiểu được là mới phát tâm. Thanh văn nghe kinh mà sanh sợ sệt là tăng thượng mạn.

Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người nào muốn giảng kinh này phải vào nhà Phật, mặc áo Như Lai và lên pháp tòa, rồi mới vì chúng mà nói Pháp Hoa. Tòa của Như Lai là trí Bát nhã, áo của Như Lai là hạnh nhu hòa, nhà của Như Lai là tâm từ bi, quyết lòng độ chúng, không vì việc khác. Nếu làm như thế, Ta bảo trời người cùng với phi nhơn ra mắt Pháp sư, nghe pháp, cúng dường. Nếu người đến hại, Ta khiến Kim cang Bát bộ thiện thần che chở Pháp sư. Nếu trụ chánh định thì thấy thân Ta, nghe Ta thuyết pháp, tăng trưởng Phật huệ. Ai gần người này, tâm cũng được an và thấy hằng sa vô số chư Phật, mau đến Vô thượng Bồ đề.

 

B. GIẢI THÍCH

Phẩm Tựa cho thấy Đức Phật trước khi nói kinh Pháp Hoa, Ngài nhập định. Sau đó, Ngài xả định, trở lại thực tế cuộc đời rồi nói với Xá Lợi Phất về pháp phương tiện. Đó là quá trình mà Đức Phật giảng dạy cho con người, hay Tích môn được ghi lại từ phẩm Phương tiện thứ hai đến phẩm Thọ học vô học nhơn ký thứ chín.

Nhưng ở lập trường Bổn môn quan sát, Đức Phật không rời chánh định để trở lại cuộc đời giáo hóa chúng sanh. Ngài từ Thiền định đến với các Bồ tát và sử dụng Báo thân nói với Dược Vương Bồ tát. Trụ Thiền định hay thế giới tâm linh, Đức Phật dạy Bồ tát ở dạng tâm, hay Báo thân Bồ tát ở thế giới Thật Báo, không phải thế giới này; nên hàng Thanh văn không thể nghe được.

Trên tinh thần ấy, tôi kiết tập Bổn môn Pháp Hoa kinh, không đề cập phẩm hai đến phẩm chín, mà đi thẳng từ phẩm Tựa đến phẩm Pháp sư thứ mười để triển khai bí yếu mà Phật dạy Bồ tát.

Mở đầu, Phật nói pháp với Dược Vương Bồ tát. Điều này cho chúng ta suy nghĩ công hạnh và thành quả của ngài Dược Vương lớn lao như thế nào mà Phật nói pháp quan trọng với ngài.

Qua phẩm Dược Vương Bồ tát Bổn Sự, chúng ta thấy quá trình tu hành của ngài kết thành danh xưng là Giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn đà là ni; nghĩa là Dược Vương Bồ tát biết rõ chúng sanh muốn gì, có khả năng gì. Ngài hiểu họ bằng tâm, không cần nghe âm thanh, ngôn ngữ. Nhờ vậy, Dược Vương giáo hóa chúng sanh thành tựu một cách nhẹ nhàng, đơn giản, được mọi loài yêu quý kính trọng; nên ngài còn có tôn danh là Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát. Ngài giải trừ được thân bệnh và tâm bệnh cho tất cả, khiến mọi loài an vui giải thoát, mới có tên là Dược Vương. Đức Phật chọn vị Bồ tát đầy đủ tư cách như vậy để giao phó pháp chân thật, khó hiểu, khó tin. Và ngài Dược Vương lãnh trách nhiệm truyền lại ý này cho chúng hội hiện diện cũng như cho các hành giả Pháp Hoa đời sau.

Trong phẩm Pháp sư có ba vấn đề quan trọng mà hành giả cần ghi nhớ và thể hiện trong cuộc sống. Trước nhất, hành giả phải được Phật thọ ký hay công nhận, mới có thể tiến tu. Đức Phật chưa ấn chứng, nghĩa là chưa vào nhà Phật thì có làm gì cũng vô ích. Ví như người xuất gia phải đăng đàn thọ giới mới có tư cách tu sĩ chân chính; tự mình xuất gia, mặc áo tu, thì chỉ là tu sĩ giả. Khi được Phật thọ ký, hành giả bắt đầu tiến tu và đắc đạo rồi, hành giả mới làm công việc truyền bá Phật pháp.

Trong phần Tích môn, từ phẩm Thí dụ thứ ba đến phẩm Thọ học vô học nhơn ký thứ chín, Đức Phật chỉ thọ ký cho hàng Thanh văn như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, A Nan, La Hầu La, v.v… Đến phẩm Pháp sư, sự thọ ký được mở rộng cho mọi người, mọi loài. Bất luận là xuất gia hay cư sĩ, không phân biệt nam nữ, người cầu Thanh văn, cầu Bồ tát, hay cầu Phật đạo, nói chung là hàng tam thừa cho đến Thiên long Bát bộ thuộc thế giới vô hình đang hiện diện trước Phật Thích Ca và cả chúng đời sau nghe kinh Pháp Hoa một câu, một kệ, một niệm tùy hỷ, đều được Phật thọ ký Vô thượng Bồ đề.

Chúng ta cần hiểu rõ điều này để thấy được tầm quan trọng của việc tu Pháp Hoa, tu như thế nào để thâm nhập mới được thọ ký. Thâm nhập Pháp Hoa ở cấp bậc thấp nhất theo Phật dạy là có một niệm tùy hỷ đối với kinh Pháp Hoa. Chúng ta chỉ có một niệm tâm thanh tịnh thấy Phật và sống trong thế giới Phật là được Phật thọ ký. Thí dụ như có người đến trước mặt tôi, tôi sẽ nói vận mạng của người đó; không đến thì làm sao tôi nói được. Thọ ký là nói vận mạng; không vào thế giới Phật thì làm cách nào nghe được sự thọ ký.

Đối với chúng ta còn nhiều nghiệp chướng mà thâm nhập được các pháp hội của Phật, dù chỉ trong một niệm tâm cũng là cả vấn đề. Giữ cho tâm luôn luôn an trụ trong thế giới Phật thì chắc chắn chỉ có đại Bồ tát làm được. Thật vậy, điều này mới nghe qua rất đơn giản, không cần xuất gia thọ giới, mọi loài chỉ nghe một câu kinh Pháp Hoa cho đến chỉ có một niệm tùy hỷ, liền được Phật ấn chứng quả vị Vô thượng giác. Vậy từ trước đến nay, biết bao người đã tụng hàng trăm ngàn câu kinh Pháp Hoa thì thừa sức có đủ điều kiện để được thành Phật. Nhưng sao thân phận họ vẫn èo uột. Chẳng lẽ Đức Phật hư vọng sao. Chắc chắn không thể như vậy.

Thiết nghĩ kinh Pháp Hoa mà chúng ta đối trước Phật nghe được một câu, một kệ, hay một niệm tùy hỷ sẽ được thọ ký, thì không thể nghe qua ngôn ngữ, âm thanh bằng tai, không thể tùy hỷ bằng hiểu biết, phân biệt của ý thức vọng động phiền não. Và Phật thọ ký cho chúng ta cũng không phải là Phật hiện hữu bằng sanh thân.

Nghe pháp âm Phật, hay nghe pháp ngữ bằng bản tâm thanh tịnh mới được thọ ký; giống như Bồ tát Thường Bất Khinh nghe hai mươi muôn ức bài kệ kinh Pháp Hoa trước khi mạng chung. Mạng chung nghĩa là ngũ ấm thân gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức không còn tác động và ngũ ấm đã chuyển thành ngũ phần Pháp thân. Lúc ấy, hành giả ở lập trường Pháp thân nghe kinh và tu hành, nhận được Phật thọ ký dưới dạng Pháp thân, tức thọ trên bản tâm thanh tịnh, hoàn toàn khác với thọ ký cho Xá Lợi Phất ở dạng sanh thân.

Hành giả đời sau cũng như Bồ tát Thường Bất Khinh không còn gặp sanh thân Phật Thích Ca, nhưng lắng lòng, vượt được ngũ ấm thân và nghe được pháp âm Phật. Điển hình như ngài Trí Giả thâm nhập Thiền định, với bản tâm thanh tịnh, ngài nghe được pháp âm của hội Linh Sơn vẫn còn vang vọng. Vì nghe bằng bản tâm và nhận Pháp thân thọ ký, nên thọ ký cả ba đời, không phải một đời. Đứng ở góc độ đó tiến tu, hành giả tái sanh ở đời nào cũng tự nhớ đã tu Pháp Hoa và thăng tiến đạo Bồ đề, không bao giờ thoái tâm.

Ngoài ra, Đức Phật cũng thọ ký cho người thọ trì kinh Pháp Hoa sau khi Phật diệt độ. Thọ trì được Pháp Hoa thì phải có cuộc sống trong sạch như hoa sen, có trí tuệ siêu tuyệt và làm lợi ích cho chúng sanh, tức thể hiện trọn vẹn tư cách của Đức Phật trên cuộc đời. Đức Phật cho biết đó là người đã thành Vô thượng Đẳng giác, vì thương nhân gian mà sanh lại đời. Thành Vô thượng Đẳng giác nghĩa là đạt đến đỉnh cao của tri thức, đạo đức và cứu độ chúng sanh. Hội đủ tư cách như vậy, mới có khả năng truyền bá kinh Pháp Hoa.

Người đã thành Vô thượng Đẳng giác vì thương nhân gian mà sanh lại đời, chắc chắn khác với người nhân gian. Người nhân gian thì luôn bảo vệ thân mạng, tài sản, quyến thuộc của họ. Người ở thế giới Phật sanh lại biết thế giới này tạm bợ, nên không để tâm tranh chấp. Tâm họ ở thế giới Thật Báo của Phật, nhưng thân hiện hữu ở thế gian để làm lợi ích chúng hữu tình, không vì bản thân họ, nên họ có thái độ không giống như người thế gian. Người thế gian thường làm lợi mình hại người. Bồ tát sơ phát tâm tự hành hóa tha, làm lợi mình và người; Bồ tát không vì chút tư lợi nào, vô ngã hoàn toàn.

Bồ tát sống trong thế giới Phật, nhưng đến Ta bà để thay Phật giáo hóa chúng sanh. Đó là người trì kinh Pháp Hoa, là sứ giả của Phật. Phật sai họ trở lại cuộc đời làm việc này thì tất nhiên phải được Phật hộ niệm, nên họ có đức tin bền chắc, chí niệm vững vàng. Ví như đứa bé ở trong bụng mẹ đâu có sợ sét đánh. Bồ tát sanh lại nhân gian, mối liên hệ giữa Phật và các ngài cũng giống như vậy. Dù ở hoàn cảnh gian lao đến tan thân mất mạng mà được sống trong sự hộ niệm của Phật thì Bồ tát vẫn cảm nhận được an lành, chẳng sợ sệt gì cả và được Phật xoa đầu, thọ ký.

Tuy nhiên, Đức Phật cho biết thêm rằng muốn thọ trì Pháp Hoa, thương nhân gian sanh lại cuộc đời; nhưng cuộc đời này rất kinh khủng. Nếu không nắm pháp bí yếu thì Phật không hộ niệm được, không thể nào hành đạo ở đây được.

Bồ tát trở lại cuộc đời, Phật giao cho cái máy để bắt làn sóng liên hệ với Phật. Ba làn sóng để Bồ tát không bao giờ bị lạc mất Phật, đó là nhà Như Lai, áo Như Lai và tòa Như Lai. Chúng ta dễ dàng cảm nhận được ý này trên bước đường tu. Có lúc chúng ta cảm thấy gắn bó mãnh liệt với Phật, y như mình đang ở Niết bàn. Nhưng cũng có lúc chúng ta cảm thấy bơ vơ hụt hẫng lạ lùng, đó là khi nghiệp nổi dậy làm chúng ta bị lạc mất làn sóng, không liên hệ được với Phật. Tuy là người của Phật sanh lại cuộc đời, nhưng vẫn phải giữ trọn vẹn ba tiêu chuẩn là nhà Như Lai, áo Như Lai và tòa Như Lai; nếu không, Phật cũng không thể hộ niệm.

Vấn đề thứ hai quan trọng đối với hành giả Pháp Hoa là quá trình hành đạo Bồ tát thật khó khăn, cực khổ, được kinh ví như là đào giếng trên cao nguyên. Thật vậy, trên bước đường tu, hành giả luôn luôn phải chạm trán với ba loại cường địch. Ở thế giới Ta bà, hành giả cần ý thức rằng mọi người sẵn sàng hại nhau để tranh giành quyền lợi. Hành giả không cần quyền lợi, địa vị, nhưng vẫn có đầy đủ những thứ này, tất yếu phải bị họ ganh ghét, ám hại. Ở chặng đường một, trên cao nguyên hay trên đồng hoang sanh tử, ai cũng bị thiêu đốt giống nhau. Hành giả vượt cho được sự khuấy phá của hàng thế tục và hơn thế nữa, từ ngũ uẩn thân tu để thấy tâm, là việc không dễ dàng chút nào. Mỗi ngày thấy phiền muộn thì dễ hơn, nên phải nỗ lực tu hành, mà kinh diễn tả là ra sức đào giếng không nghỉ thì sẽ gặp đất ướt, đất bùn.

Giai đoạn thứ hai, hành giả phải đương đầu với hàng ngoại đạo. Xung đột lớn giữa các tôn giáo cũng là vấn đề trầm trọng. Hành giả tu thế nào để người chống đối phải quay về hàng phục. Người còn phê phán, chê bai được, chắc chắn ta còn ở lớp bùn hay còn lỗi lầm, chưa thật tốt hoàn toàn. Hành giả dốc lòng tu, ý thức rằng nhờ thiên hạ chỉ trích mà phát hiện được sai trái của chính mình. Từ đó tìm cách giải trừ sai lầm, cải thiện việc làm cho tốt, ví như cố gạn bùn để lấy nước.

Vượt qua chặng đường thứ hai, hành giả lại gặp bạn đồng tu ganh tỵ, chống phá, cho đến lớp người trên ta có phước báu và quyền thế hơn, thuộc loại tiếm Thánh tăng thượng mạn cũng đố kỵ tranh chấp. Hành giả giải tỏa được áp lực này, tự biết gần đến Vô thượng Đẳng giác, thân tâm được tự tại an vui, tác động cho người an lạc theo, cũng giống như người đào giếng đến mạch nước thì tha hồ sử dụng, tưới mát mọi thứ.

Tu hành Bồ tát đạo gian khổ như vậy, nhưng thiết nghĩ hành giả Pháp Hoa không sợ khó, vì không khó thì không khôn. Mỗi lần đụng chạm với đời, hành giả lại phát hiện cái tồn tại dở xấu của tự thân mà mình cần khắc phục. Kinh Pháp Hoa dạy rằng Bồ tát dù được trời người cung kính cũng không mừng, bị chê trách cũng không khổ; vì mọi sự khen chê, vinh nhục của cuộc đời chẳng khác gì bọt nước nổi trôi, sẽ nhanh chóng vỡ tan. Riêng tôi càng gặp khó càng thích; vì lúc đó con đường mình đi thênh thang, chẳng ai dám tranh giành và mình cũng dễ nhận ra người tốt, nhất là có điều kiện chứng tỏ tấm lòng của mình với Phật.

Hành giả một lòng giữ tâm an nhiên tiến tu, không sợ, không phải liều mạng; nhưng tâm hoàn toàn bình ổn vì đã được Phật thọ ký, che chở. Lúc ấy chỉ còn duy nhất tâm niệm vì Vô thượng Bồ đề, không còn cái gì có thể làm vẩn đục tâm hành giả. Được như vậy là biết Phật đã lấy y trùm cho, cứ thanh thản mà vững bước trên lộ trình Bồ tát đạo.

Thông thường chúng ta lầm tưởng chỉ có người giảng kinh mới là Pháp sư. Theo kinh Pháp Hoa, có năm loại Pháp sư là thọ trì Pháp sư, đọc tụng Pháp sư, giảng nói Pháp sư và biên chép Pháp sư. Phần nhiều chúng ta nghĩ rằng làm Pháp sư thuyết giảng Phật pháp mới khó, còn việc của bốn Pháp sư còn lại thì ai cũng làm được. Tuy nhiên, theo tinh thần Bổn môn, thọ trì là chánh hạnh, trong khi bốn việc: Đọc, tụng, giảng nói, biên chép là trợ hạnh để tạo điều kiện giúp hành giả phát huy chánh hạnh.

Thọ là nhận lãnh yếu chỉ của Phật và trì là giữ gìn. Thí dụ Di Lặc Bồ tát được Như Lai trao pháp ấn. Ngài nhận và thay thế Như Lai giữ gìn pháp ấn tồn tại trên cuộc đời. Như vậy, Di Lặc Bồ tát thực sự thể hiện đầy đủ tư cách Pháp sư Pháp Hoa.

Trên bước đường tiến tu đến cứu cánh Toàn giác, chúng ta chưa thể thực hiện pháp thọ trì thì chưa phải là người thay thế Phật, cho nên chúng ta cần thực tập bốn trợ hạnh là đọc, tụng, biên chép, giảng nói. Trước nhất, phải đọc tụng lời của Phật và tìm hiểu bí yếu mà Phật muốn dạy. Căn cứ vào ý Phật, từng bước chúng ta ứng dụng trong cuộc sống để tìm thấy Như Lai và nhận pháp bí yếu nghĩa là "Thọ”. Và nhận được pháp bí yếu rồi, chúng ta phải cố gắng giữ gìn, tức là "Trì”.

Pháp Phật có công năng đoạn trừ phiền não cho chúng ta, ví như thuốc để tiêu diệt vi trùng; vì vậy "Trì” pháp là vấn đề quan trọng. Nhưng trên thực tế tu hành, chúng ta thường phạm sai lầm là chỉ "Thọ” pháp mà không "Trì” pháp. Thí dụ như nghe giảng pháp, nhận được pháp Phật, nhưng nghe xong chúng ta không nhớ gì cả, hay không sửa đổi tâm tánh, nghiệp ác của thân khẩu ý còn nguyên như lúc chưa tu.

Hoặc chúng ta tụng kinh cũng nhằm dẹp bỏ phiền não, không phải đọc tụng để trả bài cho Phật. Riêng tôi thường tụng kinh cho chính tôi nghe. Phiền não nổi dậy thì tôi tụng kinh; chỗ nào có phiền muộn thì tôi tụng kinh. Áp dụng đúng pháp "Trì” kinh để phá tan phiền não thì sẽ có ngay kết quả tốt đẹp. Thật vậy, trước khi đi hoằng hóa, tôi đều trì kinh, tức đem kinh đặt vào lòng. Nhờ siêng năng đem pháp Phật vào lòng, nên khi bước vào đời gặp việc đáng nổi giận, tôi liền nhớ lại lời kinh vừa tụng còn lưu giữ trong tim óc, nên pháp này diệt ngay được tham sân phiền não.

Điều chính yếu của việc tu hành là sử dụng được pháp để dập tắt ngay phiền não thì ở hoàn cảnh phiền muộn, chúng ta không buồn phiền; vì vi trùng phiền não đã bị thuốc pháp của Phật thủ tiêu, khiến cho hoàn cảnh bên ngoài cũng tự đổi khác. Tất cả đều phát xuất từ tâm chúng ta. Trái lại, đối trước một người sắp làm ta điên đảo, nhưng ta lại quên trì kinh, để điên đảo nổi dậy. Lúc ấy, phiền não của ta và điên đảo của họ sẽ tác động lẫn nhau, làm cả hai không dằn lòng được, từ từ lửa sân lên đến độ cao thì chẳng còn biết phải trái là gì và dẫn đến mọi việc tội lỗi.

Hành giả Pháp Hoa không như vậy. Người nói móc một câu, ta phản ứng bằng cách tụng một loạt danh hiệu Phật. Từ miệng, từ tâm, từ ánh mắt chúng ta lưu xuất toàn hồng danh Phật, khiến họ không còn thấy thân nghiệp của ta, mà chỉ thấy sự thánh thiện cao quý của Phật, nên họ không thể tiếp tục lăng mạ ta. Thiết nghĩ một người thực sự nhịn được từ ngoài mặt đến nhịn trong lòng thì không ai có thể sân hận với họ.

Ngoài việc đọc tụng, chúng ta ghi chép lời Phật dạy và giảng thuyết, tức áp dụng trong cuộc sống; nói pháp cho người nghe và xem phản ứng của họ, nhờ đó ta hiểu được cuộc đời. Thực hiện trọn vẹn bốn trợ hạnh là đọc, tụng, giảng nói và biên chép, chúng ta mới là người trì kinh Pháp Hoa và "Trì” được mới là Pháp sư Pháp Hoa thì trong mọi tình huống, đều ứng xử tốt đẹp.

Muốn biết chúng ta có tư cách là Pháp sư hay không, cần xét xem đã hội đủ ba điều kiện là nhà Như Lai (tâm từ bi), áo Như Lai (hạnh nhu hòa) và tòa Như Lai (trí Bát nhã) hay chưa. Đó là vấn đề quan trọng thứ ba mà phẩm này đặt ra.

Tu theo chiều thuận thì vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai. Nhưng với Bổn môn, hành giả đảo ngược lại quy trình này, phải thăng tòa Như Lai trước. Tòa Như Lai hay trí Bát nhã quan trọng nhất; vì không có trí tuệ, việc làm dễ trở thành tội lỗi. Không có trí tuệ thì thương người, nhịn người, nhưng không được ích lợi gì mà còn tác hại cho ta và người. Vì vậy, hành giả Bổn môn lấy Bát nhã làm chính, phải rèn luyện s hiểu biết vượt trội. Kinh Bát Nhã đặt trí tuệ làm cứu cánh và trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử cầu đạo không mệt mỏi để đạt cho được trí tuệ Ba la mật.

 

 

 

Trang 210

Trước tiên, hành giả phải trụ tòa Như Lai hay Không tòa. Nhứt thiết pháp Không của Bát nhã và Hoa Nghiêm không phải là không có gì, nhưng trong không này sanh ra trí.

Trụ ở Không tòa, sanh ra trí, thấy được thật tướng các pháp và theo đó mà hành xử. Người đời dùng thủ đoạn, khôn dại của thế gian đối xử với ta, ta đáp lại bằng trí Bát nhã, chắc chắn giặc đến Bồ đề phải tan. Thật vậy, hành giả trụ Bát nhã, biết trước việc ở dạng thật tướng, nghĩa là biết nguyên nhân của nó, nên đoạn trừ được nguyênđnhân. Đối với việc đang xảy ra, hành giả biết trước diễn tiến và kết quả, như vậy không thể nào bị vướng mắc vào lưới nhân quả ấy.

Với trí Bát nhã, hành giả thấy chính xác trong hiện tại và tương lai, điển hình như ngài Trí Giả nhập định thấy vùng núi rừng sình lầy ở Ngọc Tuyền biến thành ngôi đại già lam. Và thực tế không bao lâu, Tùy Dạng Đế lên ngôi phát tâm xây chùa ở đó. Đó là cái thấy của người tu Pháp Hoa do nhãn căn thanh tịnh hay Phật huệ rọi sáng.

Vì tầm quan trọng thiết yếu của trí Bát nhã, hành giả cố gắng học trong cuộc đời, trong Phật pháp, trong Thiền định và học với mười phương Như Lai để nâng hiểu biết ngang tầm với cuộc đời hay trên cả cuộc đời. Nghĩa là trải qua quá trình tu hành, đừng để mất trí Bát nhã, phải ngăn chặn phiền não nhiễm ô, giữ tâm thanh tịnh để phát huy trí tuệ. Từ trí tuệ của hàng nhị thừa tiến đến trí Bồ tát Đẳng giác và đạt đỉnh cao là Vô sư trí hay huệ Như Lai, hành giả mới đủ tư cách trì Pháp Hoa, là Pháp sư tuyên giảng pháp Tối thượng thừa.

Khi đạt được trí tuệ Vô thượng, biết rõ tất cả diễn tiến của mọi việc trong ba đời và để giữ cho tâm thanh tịnh, hành giả phải khoác lên chiếc áo Như Lai. Áo Như Lai là hạnh nhu hòa, nhẫn nhục. Dù thiên hạ đối xử thế nào, chúng ta cũng phải trụ tâm và tùy theo hoàn cảnh đó mà sống. Ví như có sức mạnh nào đó đẩy chúng ta, thì phải biết khôn nương theo sức mạnh đó để chúng ta bay lên, không phải gồng mình chịu chết. Thực tế có người chống phá, chúng ta cần trụ tâm bình thản, không giận, không khổ và nương vào đó để phát huy tánh tốt, việc tốt của mình. Hòa thượng Thiện Hoa thường nhắc nhở rằng nhờ có người xấu, chúng ta mới có cơ hội làm tốt. Trong tiền kiếp, Đức Phật là vua tu hạnh bố thí cúng dường, Ngài đã bị Trường Thọ tiên nhân là tiền thân của Đề Bà Đạt Đa hành hạ đủ điều, cỡi trên lưng nhưng vua không hề khởi ý niệm sân hận.

Phật dạy Bồ tát đến với chúng sanh, đừng lấy lập trường riêng mà áp đặt họ; phải đặt mình vào hoàn cảnh họ để hiểu, cảm thông với họ và hòa với họ. Muốn Phật hộ niệm, chẳng những không được xung đột với bất cứ người nào, mà còn phải hòa. Bồ tát lấy nhu thắng cương để vô hiệu hóa sức chống đối của ma, dùng nhu hòa để che chở Pháp thân, thể hiện nhu hòa của người đạt trí Bát nhã. Thật vậy, áo giáp nhẫn nhục của người truyền bá Pháp Hoa có công năng chống lại tất cả mũi tên độc bắn phá. Nói cách khác, đạo đức của người muốn tuyên dương chân lý phải đạt đến mức độ nào mà người không hại được, nhịn tất cả nhưng không ai dám đụng đến; khác với nhịn của người vô trí thường bị chà đạp cho người hưởng lợi.

Cuộc đời hành đạo của Đức Phật đã tỏa sáng đức nhẫn. Ngài không dùng thế lực lấn át người, không tranh giành bất cứ thứ gì với đời, nhưng người người quy phục, vua chúa phải kính nể. Bước theo dấu chân Phật và muốn thân cận Bồ tát, tất yếu chúng ta phải lập hạnh như vậy, người đánh hay nói xấu, ta không đánh trả, nói xấu lại.

Sau cùng, hành giả vào nhà Như Lai là thể hiện tâm từ bi. Bồ tát hiện hữu trên cuộc đời chỉ có mục đích duy nhất là thương người, cứu người. Bồ tát thương chúng sanh như mẹ thương con, sẵn sàng chịu đựng những bướng bỉnh của họ. Mặc dù có thừa khả năng chống trả những tác hại của người, nhưng Bồ tát luôn xử trí bằng tâm từ bi.

Tâm từ bi phát xuất từ trí Bát nhã, từ chơn tâm, khác với thương người theo kiểu thế gian, khi thương thì cho ăn, nhưng nổi giận muốn đòi lại. Bồ tát có trí Bát nhã không thương ghét theo tình cảm phiền não của người đời. Bồ tát sử dụng lòng từ bi để cảm hóa người ác, khiến họ hướng thiện, để giúp người có ý chí cầu tiến tự phấn đấu vươn lên, không giúp để người gục mặt, xin ăn suốt đời.

Đầy đủ ba pháp ấn là nhà Như Lai, áo Như Lai, tòa Như Lai, mới là người trì Pháp Hoa, có khả năng tuyên thuyết Pháp Hoa; người nghe phải tin hiểu, không chống trái và thọ trì có kết quả tốt. Người thành tựu ba pháp quan trọng này thì ở bất cứ nơi nào, Phật cũng khiến trời người đến nghe pháp cúng dường. Hạng người có nhiều phước báu ở thế gian và giữ được Thập Thiện nghiệp tiêu biểu cho chư Thiên, họ mang của báu đến cúng dường để hành giả làm đạo, truyền bá Phật pháp. Và những người thuộc thành phần tốt gìn giữ năm giới cấm cũng đến nghe pháp hộ đạo.

Nếu có người đến hại, Phật khiến Kim cang Bát bộ thiện thần che chở Pháp sư, không ai hại được. Lịch sử cũng ghi rõ cuộc đời hành đạo của nhiều vị Tổ sư đã thể hiện điều này. Ngài Huệ Tư giảng kinh Pháp Hoa bị thuốc độc ba lần vẫn không sao, hay Nhật Liên Thánh nhân bị chém, cây kiếm tự nhiên gẫy, khiến cho triều đình hoảng sợ không dám hành quyết.

Nếu trụ chánh định, không thuyết pháp, trở về sống nội tâm thì thấy Phật, nghe pháp âm Phật. Hành giả làm đạo trên cuộc đời vì không tham muốn điều gì nên tâm luôn bình ổn thanh tịnh, nhờ đó hành giả và Phật luôn liên hệ với nhau. Tôi tâm đắc ý này. Khi gặp phiền toái, tôi thường tâm niệm không cần ai biết, chỉ cần Phật biết là đủ. Để mất mối liên hệ giữa ta và Phật là ta đọa. Chúng ta là gạch nối giữa Phật và chúng sanh, ta chìa tay cứu vớt, nhưng không cứu được thì phải rút tay lại để sống. Không gặp thuận duyên làm đạo, nên ẩn nhẫn tu hành để tạo cho tâm thanh tịnh mới liên hệ với Phật được và tăng trưởng Phật huệ của mình.

Ai có duyên gần gũi, nghe Pháp sư như vậy thuyết pháp, tâm cũng sẽ được thanh tịnh, trí sáng lần và cũng thấy hằng sa vô số chư Phật, mau đến Vô thượng Bồ đề.